Chương 46-50

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 46: ĐỌC SÁCH VÔ DỤNG

Dễ chịu quá, chắc đến chiều mới gội đầu được, sắp tới giờ nấu cơm rồi.

Chu Thanh Bách gõ cửa tiến vào bê chậu nước dơ đi đổ. Sau khi lau mình xong cả người anh cũng thoải mái thư thái hơn nhiều.

Đổ nước xong anh liền quay lại, Lâm Thanh Hoà thấy anh vào thì hỏi: "Ngày mai anh có bận việc gì không, nếu rảnh thì đi huyện thành một chuyến?"

Chu Thanh Bách gật đầu hỏi lại cô: "Em muốn mua gì?"

"Cũng không có gì, chỉ đi xem xem có mấy thứ đồ ăn vặt táo đỏ linh tinh không thôi, chủ yếu là mua vải nhờ chị dâu cả may cho anh hai bộ quần áo mặc bên trong."

Chu Thanh Bách nhìn cô: "Em may."

Lâm Thanh Hoà: "Tôi không biết may, quần áo của tụi nhỏ đều phải nhờ chị cả, chị ba, còn có Chu Tây làm giúp đó."

Chu Thanh Bách vẫn nhìn cô: "Anh dạy em."

Lâm Thanh Hoà bất ngờ: "Anh biết may quần áo hả?"

Chu Thanh Bách lắc đầu: "Không biết."

Lâm Thanh Hoà bực mình: "Không biết may thì anh định dạy tôi cái gì?"

Chu Thanh Bách vẫn không rời mắt khỏi cô: "Anh biết rõ kích cỡ trên người mình nhất, nói cho em cái này là được rồi. Em may xấu hay đẹp anh đều mặc hết."

Chẳng hiểu nổi mấy lời này rất bình thường thế mà hôm nay Lâm Thanh Hoà lại nghe ra có chút phiền muộn, sao lại thế nhỉ??

Chơi luôn, nếu anh dám mặc thì cô đây dám may.

"Được, nếu anh không chê xấu với cả sợ tôi lãng phí vải thì tôi có thể thử một lần."

Trong kĩ ức của nguyên chủ có sẵn kỹ năng may vá, cô lại biết số đo chuẩn xác, như thế chắc may một bộ không hẳn là quá khó.

Lúc trước cô không dám may quần áo cho đám trẻ bởi vì trong tay không có sẵn phiếu vải, không cẩn thận may hỏng mất tấm vải thì chỉ có nước khóc.

Bây giờ trong nhà có nhiều phiếu vải cô cũng bớt áp lực hơn, vả lại chính anh tạo cơ hội cho cô luyện tập cơ mà.

Bữa tối ăn cơm bí đỏ.

Mấy anh em Đại Oa vô cùng vô cùng hài lòng với thức ăn nhà mình. Lúc nãy ông bà nội giữ chúng ở lại ăn cơm, bọn chúng sợ gần chết, mắt trước mắt sau lẩn nhanh hơn thỏ.

Cơm nước xong Chu Thanh Bách tự giác đứng dậy thu dọn chén đũa mang đi rửa. Lâm Thanh Hoà rất hài lòng với biểu hiện của anh ngày hôm nay, cô dặn dò thêm: "Lát nữa anh đun thêm một nồi nước lau người cho các con."

"Được."

Đại Oa nhỏ giọng thì thầm với mẹ: "Mẹ, sao cha lại đi rửa chén ạ?"

Lâm Thanh Hoà cười như không cười nhìn nó nói: "Tại sao cha không thể rửa chén?"

Đại Oa: "Bởi vì cha ở nhà khác đều không rửa chén, các bác trai cũng đâu có rửa chén đâu."

Lâm Thanh Hoà: "Nhà bọn họ khác, nhà mình khác. Cha con thích làm. Vả lại năm nay con còn nhỏ thì thôi, bắt đầu từ sang năm công việc rửa chén giao cho con."

Đại Oa vẻ mặt khiếp sợ: "Mẹ, sao mẹ lại bảo con rửa chén?"

"Bảo con rửa chén thì sao? Nam tử hán đại trượng phu, cái chén cũng không rửa sạch được hả? Con nhìn đi, không thấy cha con cũng rửa chén đấy hả?" Lâm Thanh Hoà đưa ra lý do hết sức hợp tình hợp lý.

Chu Đại Oa vẫn ngoan cố: "Nhưng mà người khác có làm đâu."

Lâm Thanh Hoà: "Người khác không được ăn thức ăn giống nhà mình đâu. Nếu con muốn giống con cái nhà người ta thì con đi sang nhà người ta mà ở. Nhà này có quy củ rõ ràng, cha con còn phải rửa chén thì con cũng phải rửa."

Nhị Oa ngồi nghe nãy giờ mới lên tiếng: "Nhưng đó là việc của con gái, nếu như bọn họ biết sẽ chê cười đại ca."

Nếu đại ca bị chế nhạo thì nó cũng sẽ bị liên luỵ.

Lâm Thanh Hoà: "Cha các con giúp mẹ rửa chén, chứng tỏ cha là một người đàn ông tốt, biết mẹ nấu cơm cho cả nhà vất vả nên vui lòng phụ giúp mẹ vài việc lặt vặt. Nếu các con rửa chén đồng nghĩa với việc các con là những đứa trẻ hiếu thuận, biết mẹ sinh ba anh em đều là con trai không có lấy một cô con gái nào, cho nên nguyện ý giúp mẹ rửa chén, bọn họ lấy cớ gì mà chê cười các con?"

Đại Oa hoàn toàn á khẩu, một câu phản bác cũng không thể thốt ra.

Lâm Thanh Hoà: "Nếu có ý kiến có thể trình bày, mẹ chấp nhận phản biện, nhưng nếu không thuyết phục được mẹ thì cứ như vậy mà làm."

Chu Nhị Oa lập tức nói: "Mẹ, con mới 4 tuổi!"

Lâm Thanh Hoà: "Sang năm lên 5, qua năm nữa là lên 6 tuổi, tới lúc đó con với đại ca hai anh em luân phiên rửa chén. Mẹ biết các con đều là những đứa trẻ hiếu thuận, mẹ sẽ tiếp tục làm đồ ăn ngon cho các con ăn."

Nhị Oa vẻ mặt tràn ngập đau khổ, quả này khó thoát thân rồi.

Lâm Thanh Hoà chọc chọc vào khuôn mặt nhỏ của nó: "Còn hai năm nữa con mới lên 6, đừng sốt ruột."

Nhị Oa sán lại dựa dựa làm nũng: "Mẹ, đừng bắt con rửa chén nhé."

Lâm Thanh Hoà kinh ngạc pha chút thất vọng nhìn nó: "Mẹ vất vả làm đồ ăn ngon cho con ăn, con chỉ giúp mẹ rửa mấy cái chén mà cũng ngại hả?"

Chu Nhị Oa sợ hãi vội vàng nói: "Được được, đợi con lớn sẽ giúp mẹ mà."

Lâm Thanh Hoà vừa lòng: "Mẹ biết Nhị Oa nhà ta rất ngoan."

Đại Oa thở dài: "Mẹ thế này có khác gì mẹ kế đâu?"

Lâm Thanh Hoà: "Đúng vậy, mẹ kế may cho ba anh em ba cái áo bông mới, mẹ kế mua cho ba anh em mỗi đứa một cái mũ len mới, mẹ kế mỗi ngày đều thay đổi thức ăn ngon, để tìm xem trong thôn có đứa trẻ nào muốn một người mẹ kế như ta không?"

Chu Đại Oa lập tức chân chó: "hì hì, mẹ con nói giỡn tí thôi."

Tam Oa liêu xiêu đi lại đây, trong miệng kêu đường.

Ý là nó muốn ăn kẹo sữa thỏ trắng.

Lâm Thanh Hoà: "Mới ăn cơm xong không ăn đường nữa, mai mẹ cho."

Lần trước cô mua về ba bọc kẹo sữa thỏ trắng, ba anh em ăn hết một bọc, còn lại hai.

Tam Oa vẫn ầm ĩ đòi ăn, Lâm Thanh Hoà đứng dậy cắt quả táo đưa cho nó gặm. Có thứ bỏ vào miệng là nó nín ngay.

Để mấy anh em chơi trên giường đất, Lâm Thanh Hoà lại tiếp tục đan lát.

Chu Thanh Bách ở bên ngoài rửa chén nghe thấy tiếng cười đùa của bọn nhỏ trong nhà, thình thoảng còn nghe được mấy câu nói giỡn của Lâm Thanh Hoà. Những âm thanh này đã sưởi ấm đáy lòng anh giữa mùa đông tuyết trắng.

Rửa chén xong anh lại múc nước ấm mang vào cho bọn nhỏ lau mình. Lần lượt lau người cho từng thằng, sau đó anh đặt chúng ngồi trên ghế gỗ ngâm chân vào chậu nước nóng rồi anh rửa chân cho chúng.

Tất cả những việc này Chu Thanh Bách tự tay làm hết.

Thoạt nhìn tưởng chừng Lâm Thanh Hoà đang tập trung đan lát nhưng thật ra cô vẫn chú ý động tĩnh bên này. Tuy Chu Thanh Bách kiệm lời nhưng rất nhẫn nại với các con.

Anh rửa sạch chân, cẩn thận lau khô rồi mới đặt chúng lên giường đất.

Sau đó anh lại múc một chậu nước ngâm chân cho Lâm Thanh Hoà, cô không khách sáo, vừa ngâm chân vừa nói: "Anh ngày mai lại đi huyện thành một chuyến xem ở đâu bán giấy bút mua cho Đại Oa. Sang năm lên bảy rồi phải đến đại đội đi học."

"Được." Chu Thanh Bách đồng ý.

Đại Oa ở bên kia lại kêu ré lên: "Đi học? Học cái gì? Sang năm con cùng cha đi kiếm công điểm."

Lâm Thanh Hoà: "Vừa học vừa kiếm công điểm cũng được mà."

Đại Oa: "Con không đi."

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Tại sao không đi?"

Đại Oa hừ đáp: "Đọc sách vô dụng!"

Lâm Thanh Hoà nhướng mày nhìn nó: "Đọc sách vô dụng? Con nghe ai nói?"

Đại Oa: "Bác hai gái chứ ai, bác ấy bảo mấy người đọc lắm sách rồi cuối cùng vẫn phải về quê làm ruộng đấy thôi?"

"Cha tụi nhỏ, anh đi lấy giấy với bút lại đây." Lâm Thanh Hoà nhìn Chu Thanh Bách nói.

CHƯƠNG 47: LỜI NGON TIẾNG NGỌT

Chu Thanh Bách nghe được ba chữ "cha tụi nhỏ" thì sắc mặt mềm đi vài phần, tuy không hiểu vợ có ý gì nhưng cứ làm theo là được.

Anh mở ngăn tủ lấy giấy và bút đưa cho Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà vừa ngâm chân vừa viết danh sách những món đồ ngày mai Chu Thanh Bách cần phải mua.

Mỗi thứ một chút cộng lại nhiều vô số.

Viết xong cô đưa cho Đại Oa: "Hiểu không?"

Đại Oa nhíu mày tất nhiên là không rồi.

Lâm Thanh Hoà: "Đây là danh sách những thứ ngày mai cha các con đi huyện thành cần mua. Con không biết chữ thì sẽ mãi mãi không đọc được, sau này những công việc tử tế sẽ chẳng tới lượt con. Không đi học chẳng khác nào một nửa người mù. Có văn hoá có tri thức thì dù đi đến đâu con cũng không sợ bị đói khổ bị ức hiếp. Bằng không cả đời này con chỉ có thể ở nơi này mà bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Mấy thanh niên quanh đây mới 17-18 đã kết hôn sinh con, cả đám 27-28 tuổi mà trông như 47. Con nhìn lại cha con xem có khác họ không? Nếu trước đây cha con cũng ở lại trong thôn làm việc thì bây giờ cũng già y như bọn họ thôi."

Chu Thanh Bách: "......" Tự nhiên cảm thấy hơi áp lực, hình như vợ rất chú trọng ngoại hình thì phải?

"Con không sợ!" Chu Đại Oa gân cổ nói.

Lâm Thanh Hoà: "Không tồi, có chí khí. Không học cũng được. Vậy về sau các con sẽ giống như những đứa trẻ khác ngày ngày vác cuốc theo cha ra đồng. Nếu cảm thấy mình có thế sống được như thế cả đời vậy từ ngày mai con bắt đầu ăn riêng đi. Phải tập thích nghi với cuộc sống của người không đi học từ sớm cho quen đi, không tới lúc đó ăn không hết khổ lại bỡ ngỡ."

Chu Đại Oa bàng hoàng: "Bắt đầu từ mai con phải ăn riêng ấy hả?"

Lâm Thanh Hoà nhướng mày: "Thế nào, sợ rồi?"

Chu Đại Oa: "Ăn thì ăn, con không sợ khổ!"

"Tốt lắm, hy vọng con có thể kiên trì tới cùng"

"À đúng rồi, ngày mai nhà mình ăn cháo thịt nạc nhé" Lâm Thanh Hoà hướng Chu Thanh Bách nói.

Chu Thanh Bách nghiêm túc gật đầu: "Được."

Về phương pháp giáo dục con cái anh không có ý kiến.

Vợ viết chữ đẹp thật đấy, vậy mà bao năm anh đóng quân cô không gửi cho anh một bức thư nhà nào.

Lâm Thanh Hoà không sợ bị lộ vì nguyên chủ chưa từng viết thư cho Chu Thanh Bách. Hơn nữa cô ấy cũng từng học ba năm tiểu học, cơ hội này cũng là do cô ấy vất vả lắm mới giành được.

Vì thế biết đọc biết viết là chuyện hết sức bình thường. Năm xưa lúc Chu gia kén dâu cũng nhờ có mặt này mà nguyên chủ giành được ưu thế.

Tối rồi mà Chu Thanh Bách vẫn còn ngồi lì ở đây, Lâm Thanh Hoà trừng anh hết lần này tới lần khác vẫn vô dụng, cuối cùng đành phải để anh ngủ ở đầu bên kia giường đất.

Ngủ ở đâu cũng được Chu Thanh Bách không chê, bước được bước đầu tiên sợ gì cách mạng không thành công.

Đại Oa đã quên khuấy mất chuyện ngày mai, thấy cha ngủ cùng thì hai mắt nó hấp háy: "Cha, đêm nay cha ở đây ngủ chung với bọn con hả?"

"Đúng, phải tiết kiệm củi lửa chứ, cả nhà ngủ chung đỡ phải tốn củi thiêu thêm một cái giường." Chu Thanh Bách đưa ra một lý do chính đáng tới mức không thể chính đáng hơn.

Lâm Thanh Hoà lười vạch trần, ai mà không biết cái tâm tư xấu xa kia của anh chứ, xì, mặc kệ, cô ôm lấy cục bông Tam Oa đi ngủ.

Mắt thấy vợ xích càng lúc càng xa, Chu Thanh Bách vô cùng bất đắc dĩ, nhưng thôi tốt xấu gì cũng đã được ở chung phòng.

Sáng sớm hôm sau Chu Thanh Bách như thường lệ ra ngoài chạy thể dục, Lâm Thanh Hoà ở nhà nấu cháo thịt nạc hạt mè cho cả nhà trừ Đại Oa, riêng nó được đặc cách một mình một món: bánh bột ngô!

Vấn đề này nhất định phải cứng rắn, phải cho nó biết bây giờ không chịu học tương lai nhất định chịu khổ!

Chu Đại Oa mới chào bình minh đã lâm vào một mảnh trầm ngâm phải chăng mình là con lượm?! Ăn thì ăn bánh bột ngô, uống thì uống nước lã trong khi ấy cha mẹ với hai thằng em ruột thì miệng xì xụp húp cháo thịt nạc, tay gắp trứng tráng bao, mùi thức ăn chưa bao giờ hấp dẫn đến vậy!!!

Nó đang ngồi một bên gặm mấy cái bánh bột ngô khô khốc, tới dưa muối ăn kèm cũng chẳng có một miếng!

Lâm Thanh Hoà: "Bất mãn? Trong thôn này đa phần người dân chỉ ăn bánh khoai lang, con có bánh bột ngô là đã phải cảm tạ trời đất rồi. Sau khi con trưởng thành kết hôn thì tự phân gia ra mà sống, đừng ở cùng ăn cùng với cha mẹ nữa."

Haizz, Chu Đại Oa 6 tuổi lần đầu tiên trong đời cảm thấy tương lai trước mắt thật mù mịt.

Chu Nhị Oa thì im thin thít, tất nhiên không thể đi theo vết xe đổ của ông anh cả ngốc nghếch này rồi, phải nghe lời mẹ chăm chỉ học tập chuyên tâm đọc sách, quyết định vậy đi!

Chu Thanh Bách nói với Lâm Thanh Hoà: "Anh qua bên đại đội trưởng mượn cái xe đạp."

Lâm Thanh Hoà thuận miệng hỏi: "Nhà mình có nên mua một chiếc không nhỉ?"

Chu Thanh Bách nghiêm túc gật đầu: "Đúng là trong nhà cần phải có một chiếc."

Lâm Thanh Hoà: "Vậy anh chờ chút để tôi lấy tiền với cả phiếu cho."

Mặc dù xe đạp rất đắt, hơn một trăm đồng cộng với cả xấp phiếu công nghiệp nhưng mua thì không thiệt đi đâu được. Thứ nhất bây giờ trong nhà không thiếu tiền và phiếu, thứ hai quan trọng hơn cả là sau này tiện cho cô qua lại chỗ chị Mai mua thịt heo, cô đã nghe ngóng được tin chồng chị ấy làm trong lò mổ.

Lâm Thanh Hoà đã lên kế hoạch buôn thịt, cứ cho một cân thịt lời sáu hào, mỗi lần lấy từ ba tới bốn cân thịt mang lên huyện thành bán sang tay, sau khi chia cho chị Mai một hào thì cô cũng thu về được một đồng năm hào tiền lời.

Cách ngày đi một lần, thu nhập một tháng xấp xỉ với lương công nhân.

Mấy tháng là có thể hoàn vốn số tiền mua xe đạp rồi.

Đại Oa phấn khích reo lên: "Nhà mình sắp mua xe đạp ạ?"

"Đúng vậy." Lâm Thanh Hoà gói tiền và phiếu vào túi rồi đưa cho Chu Thanh Bách.

Đại Oa: "Sau này con có được đạp xe đạp không mẹ?"

Lâm Thanh Hoà: "Sau này đi học trên huyện thành mẹ sẽ mua cho mỗi đứa một chiếc."

Sắc mặt Đại Oa biến hoá liên tục, từ kinh ngạc, vui sướng cho đến cau mày, rối rắm...

Lâm Thanh Hoà để kệ cho nó tự đấu tranh tư tưởng.

Chu Thanh Bách vẫn đứng bên cạnh bất động thanh sắc đợi vợ nói lời tạm biệt, cô bèn nói vài lời ngon ngọt cho ông tướng này đi cho sớm: "Đi đường cẩn thận."

Khuyến mại thêm một nụ cười ngọt ngào đúng chuẩn vợ hiền dâu thảo !

Phải thế mới được chứ, Chu Thanh Bách vui vẻ khoác cái túi xách theo cái rổ ra khỏi nhà.

Lâm Thanh Hoà quay lại nói với Đại Oa: "Trưa nay con ăn cháo bắp."

Đại Oa không khỏi thắc mắc: "Thế mọi người ăn gì?"

Lâm Thanh Hoà: "Chờ cha trở về cả nhà sẽ ăn canh sủi cảo."

Khuôn mặt nhỏ bé của Đại Oa bỗng chốc suy sụp, miệng đã sớm được Lâm Thanh Hoà dưỡng đến mức chỉ muốn ăn ngon. Trước kia khi còn ở với mẹ ruột nó chả mơ ăn ngon chỉ cầu no bụng, hôm nào may ra thì được ăn cháo bắp, có hôm phải ăn cả khoai lang sấy, khó nuốt vô cùng.

Còn cứng đầu không chịu đi học thì miễn thương lượng, để xem thằng nhóc thối này cứng đầu tới khi nào. Lâm Thanh Hoà phát cho Nhị Oa, Tam Oa mỗi đứa một cái kẹo sữa thỏ trắng, Đại Oa nhịn.

Nó giận dỗi: "Tại sao con không có?"

Lâm Thanh Hoà: "Còn hỏi tại sao, đám bạn con có ai được ăn kẹo sữa thỏ trắng không? Cha bọn chúng khi còn nhỏ không chịu đọc sách học tập thì tất nhiên sinh con ra không được ăn kẹo sữa thỏ trắng rồi. Con tập quen dần đi là vừa, đừng suốt ngày hỏi tới hỏi lui nữa."

CHƯƠNG 48: TRÀ GỪNG TÁO ĐỎ

"Không ăn thì không ăn!" Đại Oa vùng vằng bỏ đi.

Lâm Thanh Hoà không cản chỉ bảo Nhị Oa lặng lẽ đi theo. Nhị Oa rất thức thời, cầm một cái kẹo sữa thỏ trắng rồi lập tức chạy ra ngoài kiếm đại ca.

Rảnh rỗi quá trong nhà chả còn việc gì làm, Lâm Thanh Hoà dắt Tam Oa ra cửa cùng đắp người tuyết.

Tối qua tuyết rơi rất dày, sáng sớm nay Chu Thanh Bách đã quét gọn thành một đống lớn, từ sau khi anh trở về mấy việc như thế này anh nhận hết.

Kể cả nấu cơm heo, cho heo ăn nọ kia cô cũng không cần động tay.

Sau này anh xuất công Lâm Thanh Hoà sẽ giúp một tay nhưng bây giờ thì cứ để cho anh làm đi.

Hai mẹ con đang chơi vui quên trời đất thì thấy thím Trần hàng xóm sát vách đi ngang qua.

"Thím Trần đi đâu vậy?"

Lâm Thanh Hoà chào hỏi rồi quay sang dạy Tam Oa chào người lớn.

Sở dĩ Lâm Thanh Hoà chủ động vui vẻ bắt chuyện với người này bởi vì thím Trần vốn là người biết điều, với lại nhà chồng của thím là họ hàng xa với Chu gia.

Bao đời tổ tiên Chu gia đều sinh sống trên mảnh đất Chu gia thôn này vì thế xung quanh đây đa phần đều là họ hàng, còn lại một số ít không cùng họ nhưng sinh hoạt cùng nhau lâu dần cũng gây dựng được mối quan hệ thân thiết.

Thím Trần: "Vợ thằng hai tối qua sinh rồi, hôm nay thím qua nhà mới phát hiện trong nhà lại không có đường đỏ nên thím định đi cung tiêu xã xem có bán không."

Lâm Thanh Hoà: "Vậy thím đi mau đi, nhưng mà hàng hoá ở cung tiêu xã khan hiếm lắm, nếu thím mua không được thì qua nhà cháu lấy một ít về mà dùng trước."

Thím Trần cầu còn không được, vì thế không khách khí mà nhận lời ngay: "Vậy thím cám ơn cháu trước nhé."

Lâm Thanh Hoà gật gật đầu.

Trước đây có hai lần thím Trần giúp nguyên chủ trông con, cũng vẫn là cái tật vất con ở nhà đi một mạch hết ngày mới về. Nguyên chủ không để trong lòng nhưng Lâm Thanh Hoà tiếp nhận kí ức của nguyên chủ đồng thời tiếp nhận luôn ân tình này.

Thím Trần có hai người con trai, hiện tại ở cùng vợ chồng con trai cả, con trai thứ sau khi kết hôn liền phân gia.

Đây là trường hợp phân gia đầu tiên và êm đẹp nhất từ trước tới nay. Ông bà Chu đều không có được sự quyết đoán như vợ chồng thím Trần.

Cuộc sống của gia đình thím Trần tương đối khá. Con dâu thứ hai sinh đứa này là đứa đầu tiên.

Nghĩ tới đây Lâm Thanh Hoà cũng bắt đầu cảm khái nhân sinh. Từ sau khi thu hoạch vụ thu tới nay liên tục nghe tin sinh nở, tính toán thì thời điểm hoài thai là vào mùa đông năm ngoái.

Thời đại này chính là như vậy, chẳng có thú vui gì tiêu khiển ngoài vận động trên giường, cho nên nhà nào cũng đông trẻ con kinh khủng.

Chả nói đâu xa, ngay cả Chu Thanh Bách được tiếp nhận nền giáo dục quốc gia, từ khi xuất ngũ về tới nay thấy cô phù hợp với tiêu chuẩn người vợ lý tưởng, không ngày nào trong đầu anh không nghĩ tới việc vợ chồng lăn lộn giường chiếu.

Đừng tưởng cô mù, cô đều nhìn thấy hết, lúc mới về anh không có một chút ý tứ nào với cô đâu.

Chả hiểu sau này thế nào mà lại thay đổi 180 độ. Cô có làm gì khác người đâu, ngày nấu ba bữa cơm, tối thì nước gừng táo đỏ, mấy ngày đầu thì đặc biệt một chút cho anh ta ngâm chân loại bỏ hàn khí trong người thôi.

Đó, ngoài mấy cái đó ra cô chả làm gì cả thế mà dạo gần đây cứ hễ rảnh rỗi là anh lại lởn vởn trước mặt cô, chẳng nói năng gì nhưng tần suất xuất hiện ngày càng nhiều.

Chu Thanh Bách:....Anh chỉ muốn tăng cảm giác tồn tại của bản thân thôi mà....

Lâm Thanh Hoà gạt bỏ suy nghĩ tiếp tục chìm đắm vào thế giới tuyết với con trai.

Nửa tiếng sau, hai anh em Đại Oa và Nhị Oa trở về, Lâm Thanh Hoà và Tam Oa đã đắp xong hai người tuyết cực lớn.

Lâm Thanh Hoà vẫy vẫy hai đứa nó: "Hai anh em lại đây xem người tuyết này, đẹp không?"

Đại Oa thấy dường như mẹ đã quên mất sự việc sáng nay, nó vui vẻ tiến tới.

Nhị Oa nhìn nhìn rồi nói: "Mẹ, sao mẹ không gọi con chơi chung?"

Lâm Thanh Hoà: "Hai người tuyết này chưa có mắt mũi, hai đứa tham gia nghĩ cách xem nào."

Nhị Oa ngay lập tức nói: "Đại ca, anh vào nhà lấy quả óc chó làm đôi mắt đi."

Đại Oa chạy vào nhà lấy óc chó còn rẽ ngang phòng bếp rút hai que củi sau đó chạy ra gắn hai que củi vào hai bên người tuyết sau đó gắn hai quả óc chó lên phần đầu.

Lâm Thanh Hoà cổ vũ: "Tốt lắm, trí tưởng tượng không tồi."

Đại Oa nhìn mẹ, không nói gì.

Lâm Thanh Hoà: "Sau này chịu khó đọc nhiều sách, lớn lên thành một người đàn ông đầy bản lĩnh, mẹ còn phải dựa vào con nuôi mẹ nữa chứ."

Đại Oa buột miệng: "Theo phong tục cha mẹ phải ở cùng với con trai út."

Lâm Thanh Hoà trừng mắt: "Nói như vậy là sau này cha mẹ về già con sẽ không hiếu thuận?"

Đại Oa: "Tất nhiên không phải vậy. Đợi tới khi cha mẹ già, mỗi ngày con đều cho cha mẹ ăn bánh bao bột mì tinh, sủi cảo bột mì tinh."

Lâm Thanh Hoà biết phong tục vùng này chính là cha mẹ ở cùng với con trai út, nói cách khác sau này ông bà Chu sẽ sống với nhà cô.

Bây giờ ông bà vẫn còn trẻ, chưa phải tính tới chuyện dưỡng lão.

Lâm Thanh Hoà chỉ mong ông bà bảo trọng thân thể bằng không về già ốm đau bệnh tật gì đều đổ hết lên đầu cô a.

Nghĩ là làm, cô để các con ở ngoài chơi, còn mình thì vào bếp nấu trà gừng đường đỏ, nhấn mạnh nhiều đường đỏ cho nước đỏ thẫm mới chịu. Cô đổ nước trà vào hộp cơm giữ nhiệt mà Chu Thanh Bách đem về rồi sai Đại Oa mang sang cho ông bà nội.

Cô rót cho ba đứa nhỏ mỗi đứa một chén, chính mình cũng uống một chén. Trời lạnh uống một chén này còn quý hơn vàng, ấm áp từ trong ra ngoài.

Lâm Thanh Hoà lại nghĩ ra món bánh trôi nhân đậu. Món này rất lích kích nhưng ngày dài tháng rộng rảnh rỗi tới mức chân tay cô sắp mốc lên rồi.

Quần áo còn chưa có đan xong đâu đấy nhưng có thực mới vực được đạo, cứ phải ăn trước cái đã.

Lâm Thanh Hoà lúi húi ở trong bếp, mấy anh em Đại Oa từ nhà ông bà nội trở về cũng tiến vào giúp đỡ. Cô không chê chúng vướng chân vướng tay mà ngược lại chỉ huy công việc cho bọn nhỏ. Phải làm thì lát nữa ra thành phẩm ăn mới thấy ngon.

Chu Gia.

Ông Chu uống trà gừng đường đỏ mà đáy lòng xúc động.

Theo quan niệm thời này, thứ tốt phải thoả mãn một trong hai yếu tố, một là có thịt, hai là có vị ngọt.

Hộp giữ nhiệt đựng vừa khéo hai chén. Ông Chu đổ ra một chén tự mình uống, để phần một chén cho bạn già.

Ông Chu nói với vợ: "Còn nóng bà tranh thủ uống đi, ngồi thất thần ở đó làm cái gì?"

Bà Chu cảm khái: "Tôi chưa bao giờ nghĩ tới hai vợ chồng già chúng ta cũng có ngày được con dâu tư hiếu thuận."

Ông Chu: "Vợ chồng nó bên đó yên ổn sinh hoạt, bà đừng có xen vào."

Ý của ông Chu là nó hiếu thuận tới đâu thì mình biết tới đấy, nếu nó không cho thì cũng thôi đừng có chạy qua đòi.

CHƯƠNG 49: XE ĐẠP PHƯỢNG HOÀNG

Về cơ bản trong lòng bà Chu vẫn chưa buông được lo lắng, nhưng dạo gần đây bà cũng yên tâm phần nào, hẳn là con dâu đã chấp nhận sự thật.

Thế nên bà nghe lời chồng không quản nhiều chuyện nữa.

Một chén trà gừng đường đỏ đi xuống bụng, đáy lòng bà vừa ấm áp vừa ngọt ngào.

Bà Chu rửa sạch chén cùng bình rồi mang sang nhà con trai trả lại.

Tới nơi bà thấy chỉ có bốn mẹ con đang lúi húi trong bếp hấp bánh trôi nhân đậu, liền hỏi: "Thằng tư đâu?"

Lâm Thanh Hoà: "Anh ấy đi huyện thành."

Bà Chu giật mình: "Đi huyện thành làm gì?"

Lâm Thanh Hoà miễn cưỡng trả lời: "Đi mua vải, anh ấy chẳng có mấy bộ quần áo. Mấy hôm nữa con sang bên đó mượn máy may, may cho anh ấy hai bộ quần áo mặc trong."

Bà Chu nghe vậy thì không nói thêm gì.

Lâm Thanh Hoà thuận miệng hỏi thêm: "À, khi nào cô nhỏ về nghỉ phép?"

Lại nói nguyên chủ không có bạn bè gì thì cũng không đúng, cô ta khá thân thiết với Chu Hiểu Mai, em gái Chu Thanh Bách. Hai người này giống nhau, đều thích làm đẹp và ham hư vinh.

Nguyên chủ thì dựa vào có chồng là Chu Thanh Bách, Chu Hiểu Mai thì dựa vào công việc, hiện cô đang là công nhân của xưởng thực phẩm trên huyện thành, vô cùng có thể diện.

Quen được nuông chiều nên sinh hư, thanh danh ngang ngửa nguyên chủ, cho nên hai chị em vô cùng hợp nhau.

Nguyên chủ lớn lên xinh đẹp hơn người, lại ăn nói thanh cao rất có phong phạm người thành phố. Theo như lời của Chu Hiểu Mai trong nhà có bốn người chị dâu thì chỉ có duy nhất chị dâu tư là mang ra ngoài không bị mất mặt.

Ba người chị dâu kia...vứt!

Quan trọng nhất là trước đây lúc Chu Hiểu Mai đi xin việc, nguyên chủ hào phóng bỏ tiền túi ra mua cho cô nhỏ hai lon đồ hộp mang đi đút lót chủ nhiệm.

Nhờ đó mà cô nhỏ mới thuận lợi được nhận vào làm.

Qua chuyện này mối quan hệ chị dâu em chồng càng thêm gắn bó. Cô còn thường ra mặt bênh vực nguyên chủ, nói gì mà nguyên chủ lớn lên như hoa như ngọc vậy mà phải héo hon mòn mỏi chờ chồng, anh tư cô phải tích phúc tám đời mới lấy được nguyên chủ làm vợ.

Bà Chu nghe được mấy lời này suýt nữa cầm gậy phang gẫy chân chó cô ta.

Nguyên chủ thì lại thấy mấy lời này thật hợp tâm ý của mình, chị chị em em rắn chuột một ổ, càng nhìn nhau càng thấy thuận mắt.

Chu Hiểu Mai tuy rằng là con gái út của bà Chu nhưng địa vị lại thua xa người con trai là Chu Thanh Bách.

Hơn nữa cô cũng không phải con gái duy nhất trong nhà, trên anh cả Chu Thanh Mộc còn hai chị lớn nữa.

Nói cách khác ông bà Chu có tổng cộng bốn trai, ba gái.

Nhưng được ông bà thương yêu nâng niu nhất vẫn là Chu Thanh Bách, người con trai có tiền đồ sáng sủa nhất nhà.

Sáu đứa con còn lại dạt sang một bên.

Bà Chu: "Lần trước nhờ người báo tin nói là tháng sau về. Chả biết bao giờ mới gả được chồng, sớm gả nó đi mới yên tâm được."

Kỳ thật bà rất phiền lòng cô con gái út này, lương mỗi tháng là mười sáu đồng nhưng chỉ gửi về nhà có ba đồng, còn lại bao nhiêu là tiêu xài hoang phí hết sạch.

Còn có mỗi lần về nhà thì chỉ bám lấy chị dâu tư, nói anh trai bạc đãi chị dâu. Nháo một trận gà bay chó sủa, gây ra bao phiền phức cho bà.

Lâm Thanh Hoà: "Nếu con nhớ không lầm thì năm nay cô nhỏ 22 nhỉ?"

Bà Chu: "Năm tới là 23, già đầu rồi."

Lâm Thanh Hoà vừa tiếp tục công việc trong tay vừa nói: "Mẹ không tìm cho cô mấy mối xem mắt?"

Bà Chu: "Nó thì nơi nào chịu người nhà quê, suốt ngày chỉ ngóng trông lấy người thành phố để được ăn lương thực hàng hoá."

Lâm Thanh Hoà: "Cô nhỏ nghĩ được như vậy là rất có chí cầu tiến."

Bà Chu nghĩ trong bụng cầu tiến cái viển vông, người thành phố chắc dễ gả?

Mặc dù con gái có công ăn việc làm, cũng rất có thể diện nhưng bà không cho rằng con gái mình có thể gả cho người trong thành.

Lâm Thanh Hoà không tiếp tục bàn luận về đề tài này.

Đúng lúc này thím Trần ở bên ngoài gõ cửa.

Lâm Thanh Hoà nói vọng ra: "Thím Trần hả, cháu ở trong nhà, thím vào đi."

Bà Trần tiến vào, thấy bà Chu cũng ở đây thì khách khí cười chào hỏi hai câu.

Thím Trần: "Thanh Hoà nói đúng thật đấy, cung tiêu xã chả có đường đỏ, cái thằng hai đúng là đầu gỗ, không chịu chuẩn bị trước gì cả. Nhà cháu còn không, nhường cho thím trước nhé, thím trả tiền cho cháu."

Lâm Thanh Hoà: "Được a, cứ tính theo giá cung tiêu xã đi. Thím muốn bao nhiêu?"

Thím Trần: "Hai cân, cháu có không?"

"Có." Lâm Thanh Hoà đi vào phòng mang hai cân đường đỏ ra, đổ vào cái bình thím Trần đem theo.

Nhìn màu là biết đường chất lượng thượng hạng rồi, thím Trần rất hài lòng.

Lâm Thanh Hoà: "Vì là thím Trần nên cháu mới ưu tiên thôi đấy, người khác thì còn lâu. Đường này cháu phải đi tận lên huyện thành mới mua được đấy."

Thím Trần cười nói về sau có việc gì cần hỗ trợ cứ nói, đừng khách khí, sau đó vội vàng cáo từ.

Bà Chu từ đầu tới cuối không nói câu nào, bà cảm thấy vợ thằng tư càng ngày càng khéo léo, hôm nay còn biết cách mua một cái nhân tình.

Đổi đường đỏ lấy tiền là chuyện hết sức bình thường nhưng đổi cho người đang lúc nguy cấp thì được lời một cái tình cảm.

Lâm Thanh Hoà: "Chị ba cũng sắp tới ngày sinh rồi nhỉ."

Bà Chu gật đầu: "Chắc sang tháng thôi."

Lâm Thanh Hoà cũng gật gật đầu.

Bởi vì có xe đạp nên đi huyện thành rất nhanh, tới mười một giờ trưa Chu Thanh Bách đã về tới nhà.

Anh mang về một cuộn vải dệt thủ công, loại này không cần phiếu vải, nhưng thường thì không mua được ở cung tiêu xã, chỉ có thể ra chợ đen, giá cao hơn một chút.

Ngoài ra còn có tảo đỏ, gừng, tôm khô, rong biển, vài cân gạo, đặc biệt là còn có một cân thịt dê.

Tóm lại anh đi một chuyến mua về rất rất nhiều đồ.

Cuối cùng, nhân vật chính của ngày hôm nay chính là xe đạp phượng hoàng.

Hôm nay anh không đi một mình mà đi cùng với con trai lớn của đại đội trưởng, đúng lúc anh ta cũng cần đi huyện thành mua ít đồ nên hai người đi chung.

Chiếc xe Chu Thanh Bách đạp về chính là anh vừa mới mua được, hiệu phượng hoàng, mới tinh. Trước lúc đi Lâm Thanh Hoà đưa anh 300 đồng, riêng cái xe đạp này thôi đã ngốn hết 250 đồng cộng thêm 32 tờ phiếu công nghiệp, cả một gia tài chứ không ngoa.

Thế mà Lâm Thanh Hoà không mảy may tiếc của, ngược lại cô vô cùng cao hứng hỏi Chu Thanh Bách: "Nhanh vậy hả, tôi tưởng phải đợi tới sang năm."

Chu Thanh Bách: "Anh được đặc cách."

À hiểu rồi, thì ra anh có quan hệ nha.

Lâm Thanh Hoà nhìn vẻ ngoài lạnh lùng nhưng ẩn hiện nét cầu khen thưởng thì suýt sặc nước bọt.

Cô bình tâm lại rồi nói: "Anh đi đường khô hết cả mặt rồi, mau vào nhà múc nước ấm rửa mặt rồi thoa chút kem dưỡng da cho dễ chịu đi."

Chu Thanh Bách nhìn Lâm Thanh Hoà: "Em giúp anh."

Xem tình hình này thì sang năm cô có thể bắt tay vào thực hiện kế hoạch buôn bán rồi, tâm tình vui vẻ cho nên cô rất dễ tính, rửa mặt thôi mà chuyện nhỏ: "Được!"

Lâm Thanh Hoà pha nước ấm rửa mặt cho anh, rồi sau đó thoa kem dưỡng da.

Tuy nhiên giữa đường có chút khó khăn, chính là lúc cô thoa kem cho anh, ánh mắt chăm chú và nóng bỏng của anh cứ dán chặt vào mặt cô khiến tim cô đập mạnh tới mức sắp nhảy xổ ra khỏi lồng ngực.

CHƯƠNG 50: CHÁU TRAI TRƯỞNG

Lâm Thanh Hoà chịu không được, nhét lọ kem vào trong tay anh tính bài chuồn: "Anh tự làm nốt đi."

Chu Thanh Bách nhanh hơn một bước, vòng tay ôm lấy eo cô: "Vợ à...."

Đầu óc Lâm Thanh Hoà thiếu chút nữa nổ tung, cô vội vàng đẩy tay anh ra, gấp gáp nói: "Anh có chuyện gì cứ nói, đừng động tay động chân."

Sau đó cô thoát khỏi vòng tay anh chạy trối chết.

Chu Thanh Bách mỉm cười nhìn theo bóng dáng hoảng loạn chạy trốn của cô.

Anh không hiểu rốt cuộc là vì cái gì nhưng mà anh gần gũi với vợ mình là hợp tình hợp lý mà nhỉ ?!.

Chắc cô ấy vẫn chưa quen với sự tồn tại của anh.

Cách mạng chưa thành công, đồng chí vẫn cần nỗ lực.

Chu Thanh Bách tự bôi bôi lên mặt mình vài đường, vốn dĩ anh không thích thoa mấy cái này nhưng nhớ tới vợ từng chê mấy người 27-28 mà như 47. Sắc đẹp không ăn được nhưng vẫn quan trọng đấy, quẹt thêm phát nữa cho chắc...

Tin tức Chu Thanh Bách mua một chiếc xe đạp phượng hoàng mới tinh chẳng mấy chốc đã oanh tạc toàn thôn.

Một chiếc xe đạp thời này ngang ngửa với Lamborghini thời hiện đại.

Ngoài sân dân làng bu đen bu đỏ, đa phần là đám đàn ông, có cả ba ông anh bên Chu gia.

Lâm Thanh Hoà để Chu Thanh Bách ra ngoài ứng phó, cô chuẩn bị bắc bếp nấu bữa trưa.

Cả đám người vây quanh xe đạp hỏi đông hỏi tây, người hâm mộ kẻ ghen tị.

Bà Chu hay tin lao tới như bay, chị hai Chu cũng bám theo.

Chị cả và chị ba Chu thì không thể ra khỏi cửa, sắc trời âm u, khắp nơi tuyết phủ trắng xoá, đi ra ngoài ngộ nhỡ vạn nhất có nguy hiểm.

Cảm xúc của bà Chu với đám người là hai thái cực hoàn toàn khác biệt, bà còn đang đau lòng vì tiếc của đây này vui vui vẻ vẻ cái gì.

Một chiếc xe đạp hoàn toàn mới tốn bộn tiền, xuất ngũ rồi về sau lấy đâu ra tiền trợ cấp nữa, không biết bảo ban nhau lo mà tích cóp đằng này...vợ đã hồ đồ chồng lại còn hùa theo !

Chu Thanh Bách: "Mua cái xe đạp đi huyện thành cho tiện."

Bà Chu ráng kiềm chế: "Khoảng cách vẫn như thế, có xe đạp với không có xe đạp có gì khác nhau??? Hơn nữa có phải hôm nào cũng đi đâu??"

Chung quy lại, đây vẫn là thằng con bà nâng niu nhất, đâu nỡ nặng lời với nó trước mặt nhiều người.

Chu Thanh Bách lắc đầu: "Đã mua về rồi, không trả được."

Bà Chu giận tới mức á khẩu, cái này chắc lại vợ nó đòi chứ không ai vào đây. Còn tưởng rằng nó đã thay đổi, ai dè lại thành nông nỗi này.

Nhưng bây giờ đã phân gia, bà còn biết nói gì được nữa.

Chu Thanh Bách giải tán đám người ai về nhà nấy rồi mời mẹ với các anh tiến vào trong nhà.

Anh cả Chu: "Chú tư này, xe đạp đã mua rồi thì thôi, nhưng về sau đừng nên mua thêm gì nữa. Mấy đứa Đại Oa sắp lớn hết cả rồi, tới lúc đó nhà cửa cũng phải tu chỉnh."

Anh hai và anh ba Chu chỉ đứng xem không nói gì, việc nhà chú tư họ không nên lắm lời.

Chị hai Chu thì hôm nay được phen đỏ mắt, từ lúc vào tới giờ hai mắt cứ dán chặt lên cái xe đạp.

Xe đạp, đây chính là xe đạp đó, đúng là danh xứng với thực, so với cái máy may ở Chu gia thì không kém nửa phần.

Đại Oa Nhị Oa Tam Oa vẫn mải mê xoay vòng xung quanh cái xe đạp, sờ chỗ nọ một tí đụng chỗ kia một chút, wow thật là thần kì nha!

Trong phòng bếp Lâm Thanh Hoà bận rối cả lên, cô luôn tay gói sủi cảo, gói nãy giờ vẫn chưa xong, Chu Thanh Bách sức ăn vô địch, một lần ăn là cả một tô to bự chảng mới no.

Ăn cho lắm vào rồi tinh lực dồi dào không có chỗ phát tiết suốt ngày nhớ thương ba cái chuyện tào lao.

Khách khứa ở bên ngoài đều do một mình Chu Thanh Bách lo liệu.

Nói một hồi mấy ông anh ra về, bà Chu thì vẫn chần chừ chưa rời đi vì còn muốn dò hỏi xem Chu Thanh Bách mua xe đạp hết bao tiền?

Chu Thanh Bách ăn ngay nói thật thẳng thừng đưa ra một con số, bà Chu tiếc đứt ruột gan, nhỏ giọng hỏi: "Vợ con đòi mua?"

Chu Thanh Bách: "Mẹ, là tự con muốn mua, không liên quan gì đến vợ con. Trong nhà cần phải có một cái xe đạp để còn đi lại chứ."

Bà Chu nghe vậy thì mới yên lòng, thằng con trai này của bà trước giờ đều thành thật không dối gạt nửa lời.

Lâm Thanh Hoà bước ra thấy mẹ chồng liền thuận miệng hỏi: "Trưa nay mẹ ở lại ăn cơm không? Ăn sủi cảo."

Chả phải ngày lễ ngày tết ăn sang thế để làm gì. Mới tốn hơn hai trăm đồng giờ lại còn ăn sủi cảo bột mì tinh, đúng là hoang phí quen thói.

Không ăn, ăn để nghẹn chết bà à. Ngồi lại một chút rồi bà ra về.

Lâm Thanh Hoà không quản, kệ.

Giữa trưa, cả nhà quây quần ăn sủi cảo nhân thịt heo. Một chữ thôi, tuyệt!

Ăn xong vừa buông bát là ba đứa nhỏ lại ùa ra vây quanh cái xe đạp.

Lâm Thanh Hoà bảo Chu Thanh Bách cho các con lên xe đi một vòng quanh thôn.

Chu Thanh Bách ghét bỏ, nhìn nhìn cô ý tứ là ai muốn chở mấy thằng nhóc thối này, anh đây chỉ muốn chở vợ thôi.

Lâm Thanh Hoà: "....." Đừng đùa mà anh hai, trời lạnh lắm, đừng bắt cô ra ngoài hứng gió chứ.

Chu Thanh Bách thấy vợ không muốn đi, liền quay qua nói với các con: "Đợi đầu xuân đưa các con ra ngoài một chuyến."

Tuy không được thoả mãn hư vinh khoe mẽ một trận cho đồng bọn loé mắt chơi, thế nhưng được cha bế lên xe ngồi cũng sướng lắm, cảm giác y như được đi xe đạp thật ấy, hai chân chúng lắc la lắc lư, quá đã !

Chu Gia.

Bà Chu vừa vào cửa đã than ngắn thở dài với ông Chu, cả nhà thằng tư đều hỏng hết, cái xe đạp đắt như thế, mua về làm gì không biết.

Ông Chu tuỳ ý cho bạn già phát tiết xong rồi mới lên tiếng: "Bây giờ chúng nó là gia đình riêng rồi, muốn sống thế nào thì sống thế đó, bà cứ phải nhọc lòng làm cái gì cho mệt. Hơn nữa thằng tư ắt có tính toán riêng của nó, nó không phải là đứa tiêu tiền không biết suy nghĩ."

Trước giờ ông luôn tự hào về thằng con trai út, đồng thời cũng rất tín nhiệm nó, tính tình nó thế nào làm sao ông lại không biết, suy nghĩ chi cho mệt thân.

Bà Chu nhíu mày bất mãn: "Mấy người đàn ông như ông thì biết cái gì, không tỉ mỉ tính toán thì núi vàng núi bạc ăn mãi cũng hết."

Ông Chu: "Chẳng phải bà khen bên đó nuôi heo tốt sao, tính ra cũng được bốn đến năm phần công điểm, còn lo lắng gì nữa."

Bà Chu thở dài: "Tôi chỉ mong chúng nó biết cách chi tiêu, đừng tốn tiền đi mua những thứ không cần thiết."

Nghỉ nửa nhịp lấy hơi rồi lại nói tiếp: "Năm nay Hiểu Mai về phải bảo nó gửi thêm tiền về nhà. Tôi nghĩ rồi, đến lúc mấy đứa Đại Oa kết hôn phải dựa vào tôi với ông, chứ hai người làm cha làm mẹ kia không đáng tin cậy chút nào."

Ông Chu tán đồng, gật gù nói: "Ừ, vậy kêu Hiểu Mai gửi thêm tiền về đi."

Suy cho cùng Đại Oa chính là cháu trai trưởng của Chu gia.

Con trai út, cháu trai trưởng, hai huyết mạch bảo bối của Chu gia đều nằm trong tay Lâm Thanh Hoà.

Chị hai Chu về nhà tức phát điên. Vốn tưởng rằng Lâm Thanh Hoà quả này chết chắc, ai mà biết được đùng một cái nhà cô ta mua được cả xe đạp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro