Chương 36-40

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 36: ÂM MƯU

Hốc mắt đỏ ửng, bà Chu run run nói: "Xuất ngũ cũng tốt, tốt, tốt...Ở nhà tuy điều kiện không bằng trong quân ngũ, nhưng không lo thiếu cơm ăn, đặc biệt sẽ không có bất cứ nguy hiểm gì. Hơn nữa mấy đứa Đại Oa còn quá nhỏ vẫn cần có cha bên cạnh."

Thần Phật phù hộ tai qua nạn khỏi, lỡ như thằng tư ở tiền tuyến gặp chuyện không may, chắc chắn vợ nó sẽ tái giá, như vậy ba thằng cháu trai của bà phải làm thế nào đây? Haizzz, bà không dám tưởng tượng thêm nữa.

Nghĩ tới chuyện này, sắc mặt bà liền thay đổi, vội vàng hỏi: "Đúng rồi, chuyện này mẹ Đại Oa đã biết chưa? Nó luôn muốn làm vợ cán bộ, giờ con đã xuất ngũ, liệu nó có đòi ly hôn với con không?"

Bà Chu biết rõ nguyên chủ có tham vọng gì, vì vậy sau khi hết lo lắng cho con trai, bà bắt đầu chuyển sang lo lắng cho mấy đứa cháu nội.

Chu Thanh Bách: "Con đã nói chuyện với cô ấy rồi, tuy có chút thất vọng nhưng biết chuyện này không thể nào thay đổi, vì thế cô ấy không có ý kiến."

Bà Chu sửng sốt: "Không ý kiến? Sao có thể?"

Con dâu thứ tư của bà mắt cao hơn đỉnh đầu, tới giờ nó vẫn luôn mong muốn làm vợ cán bộ, thậm chí đã tự cho mình là vợ cán bộ, coi thường tất cả những người phụ nữ trong thôn. Từ trước đến nay không một ai nguyện ý bầu bạn với nó. Tất nhiên nó cũng khinh thường không thèm kết bạn với những phụ nữ nông thôn.

Bây giờ mộng đã tan tành, nó sẽ làm cái gì đây? Ai chứ nó chắc dám quậy tung trời cho mà xem.

Bà Chu lại tiếp tục nói một tràng: "Tư à, vợ con chắc chắn đang mưu tính chuyện gì đó. Con nhất định phải cẩn thận. Nếu nó đòi ly hôn, tuyệt đối không được đồng ý. Có chết cũng phải giữ, không thể để mấy đứa Đại Oa không có mẹ, tới lúc đó con mang theo đám trẻ rất khó tìm được một cô gái tốt."

Chu Thanh Bách vô cùng bất đắc dĩ, anh muốn nói với mẹ sự việc không nghiêm trọng như những gì mẹ nói đâu, vợ anh là người thấu tình đạt lý.

Nhưng có chết bà Chu cũng không bao giờ tin Lâm Thanh Hoà là người thấu tình đạt lý. Sau khi cô xuyên tới đây thay thế nguyên chủ, biểu hiện đã tốt hơn trước rất nhiều, tuy nhiên thói xấu của nguyên chủ đã ăn sâu bén rễ, một sự nhịn chín sự lành chưa bao giờ có trong từ điển của nguyên chủ. Từ việc vừa mới bước chân vào nhà chồng, ỷ có cái thai mà dám lấy cái chết ra uy hiếp đòi phân gia là đủ nhìn ra được nhân phẩm nguyên chủ tới đâu.

Chỉ riêng Chu Thanh Bách tin tưởng vợ mình sẽ không gây chuyện ầm ĩ. Đúng là trước khi trở về anh có chút thấp thỏm, lo lắng cô không dễ dàng cho qua chuyện này, những ngày tháng tiếp theo khó mà được sống yên bình. Nhưng sau khi biết chuyện, phản ứng của cô là suy sụp và mất mát. Tuy nhiên trạng thái này chỉ duy trì cho tới khi anh lấy ra ba ngàn đồng và một cọc phiếu, vẻ tiêu cực của cô nhanh chóng tan thành mây khói.

Những điều đơn giản như thế này, làm sao anh không nhìn ra được. Cho nên mấy cái âm mưu toan tính gì gì đó, chắc chắn không tồn tại.

Tới lúc này anh càng thêm chắc chắn sự việc đêm khuya có kẻ đột nhập đã khiến cô ấy vô cùng sợ hãi thậm chí ám ảnh tới mức làm thay đổi một con người. Nghĩ tới đây, sắc mặt Chu Thanh Bách càng lúc càng lạnh lẽo.

Bà Chu thấy vậy lại tưởng những lời mình nói càng đẩy mâu thuẫn gia đình nhà con trai tăng cao, thế nên bà lại vội vàng chữa cháy: "Tính tình vợ con nóng nảy, có chuyện gì con cũng nên từ từ bình tĩnh nói chuyện. Chuyện này là chuyện lớn, con nên an ủi nó, có biết không hả? Có chuyện gì hai vợ chồng phải thẳng thắn với nhau, tính ra hai đứa ở cạnh nhau chưa đến ba mươi ngày, chưa đủ để nó hiểu con, nếu con không nói ra nó sẽ không biết đâu."

Chu Thanh Bách đứng dậy nói: "Mẹ đừng quá lo lắng, không có việc gì đâu."

Những lời mẹ anh nói quả thật không sai, hai vợ chồng anh kết hôn nhiều năm, đứa lớn sắp sáu tuổi rồi thế mà trên thực tế những ngày hai vợ chồng ở cạnh nhau gom lại chưa tới một tháng. Vì thế anh cũng không hiểu rõ cô, càng không thể đánh giá cô qua lời người khác. Sự thật chứng minh lần này anh về chẳng phải cô chăm sóc gia đình và ba đứa nhỏ rất tốt sao?

Chu Thanh Bách bước ra nhà chính chào ông Chu và ba anh trai rồi trở về nhà mình.

Anh cả Chu về phòng mình liền đem chuyện này kể với vợ, chị cả Chu ngây người: "Không đi nữa? Ở lại hẳn luôn?"

Anh cả Chu gật đầu: "Đúng, chú ấy xuất ngũ rồi."

Chị cả Chu không khỏi than: "Chuyện này làm sao thím tư chịu nổi đây trời?"

Anh cả Chu: "Chú tư xuất ngũ thì có làm sao đâu mà chịu nổi với chẳng không chịu nổi. Đóng quân cực khổ cả ngày dãi nắng dầm mưa nguy hiểm trùng trùng. Kể cả lần này chú ấy về không kiếm được việc làm đi nữa thì cả nhà cũng không tới mức đói khổ, có gì đâu mà thím ấy không chịu nổi?"

Chị cả Chu: "Anh không biết trước giờ thím tư muốn gì hả?"

Anh cả Chu mờ mịt: "Muốn cái gì?"

Chị cả Chu xua xua tay: "Thôi không có gì, có nói ra anh cũng chả hiểu."

Mộng tưởng của thím tư không phải là bí mật, chị em dâu trong nhà tất cả đều biết. Sau khi nghe chồng thông báo chuyện nhà chú tư, các cô đều sợ ngây người, phản ứng đầu tiên giống chị cả Chu như đúc, ai cũng hỏi cùng một câu hỏi thím tư có chịu nổi không, không nổi điên ầm ĩ một trận hả??

Khác với anh cả Chu, chuyện này anh hai Chu và anh ba Chu đều biết. Hai anh kể lại với vợ mình, câu chuyện tiến triển như nào các anh không biết vì mẹ gọi chú tư vào phòng nói chuyện riêng, chắc là thím tư không dám làm loạn.

Không dám làm loạn?

Đánh chết chị hai Chu cũng không tin, lập tức kêu mấy chị em dâu sang phòng mình vừa đan áo len vừa nói chuyện.

Các cô cũng mua len về đan áo, thời tiết này mà không mặc quần áo len thì chịu sao nổi.

Chị hai Chu tay đan áo, miệng nói không ngừng: "Chị cả, thím ba, tin tức chú tư xuất ngũ mấy người biết chưa?"

Chị cả Chu: "Biết rồi."

Chị ba Chu: "Chuyện lớn như vậy làm sao giấu được."

Từ giờ về sau chú tư đều ở lại trong thôn không đi nữa, sớm muộn gì mọi người cũng biết chuyện.

Chi hai Chu buông lời châm chọc: "Không biết thím tư bây giờ đã quậy tung nhà lên chưa nhỉ, tham vọng của thím ấy hẳn hai người cũng đã biết, cao cao tại thượng, mắt mọc đỉnh đầu, lúc nào cũng tự cho rằng mình bay lên cành cao biến thành phượng hoàng giờ thì hay rồi ngã xuống đất thành con gà mái."

Ngữ khí không giấu được vui sướng khi thấy người khác gặp hoạ.

Dù gì cũng nhận ơn của người ta, chị cả Chu nghe không lọt tai mấy lời thím hai nói: "Thím không nên nói vậy, đều là người một nhà cả. Chị nghĩ trong việc này cả nhà đều thiệt thòi, nếu chú tư không xuất ngũ mà tiếp tục ở trong quân đội thăng tiến, hẳn sau này cháu trai Chu gia còn có chỗ mà nhờ cậy."

Chị hai Chu nghe nói vậy thì không nhịn được thở dài một hơi: "Thì có ai nói không phải đâu." Cô đương nhiên đã ôm suy nghĩ đó từ lâu, con trai cô năm nay mới lên ba nhưng nếu như chú ruột nó thăng quan tiến chức thì tương lai chắc chắn không thể không giúp đỡ cháu ruột. Chính vì thế mà bao nhiêu năm nay, trước mặt nguyên chủ chị dâu hai tự động thu liễm thói thích bắt nạt chèn ép người khác.

Còn chị ba Chu thì khỏi phải nói rồi, Lâm Thanh Hoà hứa kiếm móng heo cho cô ở cữ, cho cô dư vải và bông để may áo khoác cho con gái, lại cho một bình đường đỏ loại thượng hạng. Vì thế chuyện này cô chỉ tuyệt đối không tham gia bình luận, có suy nghĩ gì cũng chỉ giữ kín trong lòng thôi.

Chị hai Chu nói chuyện với chị dâu cả và thím ba còn chưa đủ sướng mồm, cô nhịn không được phải chạy ra cửa kiếm người buôn chuyện.

Tin tức Chu Thanh Bách xuất ngũ về thôn làm việc truyền khắp làng trên xóm dưới. Không bao lâu sau, đại đội trưởng hay tin đã bảo cháu trai đi gọi Chu Thanh Bách tới đây nói chuyện.

CHƯƠNG 37: KHÔNG GIƯƠNG OAI KHÔNG ĐƯỢC

Chu Thanh Bách từ Chu gia trở về chưa bao lâu, chỉ kịp uống chén canh gừng vợ nấu đã phải chạy qua nhà đại đội trưởng.

Lâm Thanh Hoà không câu nệ mấy chuyện này, cô tiện tay mang cái chén đi rửa.

Đêm qua tuyết lớn như thế, uống một chén canh gừng nào có đủ, vì thế nhân lúc Chu Thanh Bách qua Chu gia, Lâm Thanh Hoà ở nhà nấu thêm một ít không chỉ cho mình Chu Thanh Bách mà còn cho cả ba thằng nhóc con uống nữa. Tuy nhiên chén của bọn chúng được ưu tiên thêm một chút đường đỏ, bằng không đừng hòng chúng chịu uống canh gừng cay nồng.

Cô cũng uống một chén. Trời lạnh uống chén canh gừng ấm sực cả người.

Hiện tại trong nhà có bếp lò nên nấu nướng rất tiện. Giao Tam Oa cho Đại Oa và Nhi Oa trông, cô lấy khoai tây ra gọt vỏ.

Trưa nay sẽ ăn khoai tây hầm thịt ba chỉ và canh tôm khô. Làm đơn giản hai món vậy là được rồi.

Rổ thịt heo này một phần là hôm qua mua ở chỗ chị Mai, còn lại phần nhiều là "mua" ở chỗ đặc biệt. Ba cân thịt ba chỉ, vài cân xương sườn, nếu tiết kiệm thì cũng phải ăn được trong một khoảng thời gian.

Ví dụ như nấu món khoai tây hầm thịt ba chỉ hôm nay, thịt ba chỉ thái mỏng nhìn thì có vẻ nhiều nhưng cùng lắm là ba lạng không thể hơn được.

Bỏ chút chút mỡ heo xào lên, thơm nức mũi.

Canh tôm khô thì lại càng đơn giản, loáng cái là xong.

Lâm Thanh Hoà sơ chế nguyên liệu xong, ngẩng đầu xem giờ thấy vẫn còn sớm.

Trong nhà có một cái đồng hồ treo tường. Cái này là nguyên chủ mua về, cô ta tích cóp không ít công nghiệp phiếu cộng với ba tháng tiền trợ cấp của Chu Thanh Bách mới mua được.

Bây giờ Lâm Thanh Hoà cũng thuộc diện ngồi mát ăn bát vàng, đương nhiên không thể không tiếp nhận thanh danh thúi hoắc "bà mẹ phá của" mà nguyên chủ để lại.

Lâm Thanh Hoà đi tới phòng mình nhìn thoáng qua các loại vật tư, cũng may cô có linh cảm nên đã chuẩn bị trước mọi thứ lu gạo, lu mì, ấm sành trứng gà đều đầy tràn, đảm bảo đủ ăn trong một thời gian dài.

Nhưng cái làm cô hài lòng nhất chính là ba ngàn đồng với một bó phiếu mà Chu Thanh Bách mang về.

Sang năm Chu Thanh Bách xuất công, tới lúc ấy nhà cô sẽ được tính đầu lương, sức Chu Thanh Bách khẳng định có thể lấy được mười phần công điểm, vì thế Lâm Thanh Hoà không lo sẽ phải tiêu đến tiền.

Đồ gia dụng trong nhà tương đối đầy đủ, không cần thiết phải đi huyện thành mua thêm cái gì nữa. Trước đó trong túi cô có hai trăm đồng, cộng thêm tiền Chu Thanh Bách mới mang về nữa, hiện tại toàn bộ gia sản là ba ngàn hai trăm đồng, số tiền này nhất định phải tiết kiệm lên, đợi thời cơ tới thì lấy ra khởi nghiệp. Bằng không tới lúc nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm giàu mà không có một đồng tiền vốn thì chỉ có nước khóc.

Đang lúc Lâm Thanh Hoà lập kế hoạch thì bà Chu tới.

Mắt thấy mẹ chồng, Lâm Thanh Hoà vội vàng xị mặt ra một đống.

Đối với Chu Thanh Bách cô có thể vờ vịt tượng trưng cho qua chuyện bởi thời gian hai người ở bên nhau không nhiều. Nhưng với bà Chu thì tuyệt đối không thể qua loa, mọi người sinh sống trong cùng một thôn, tính nết thối nát của nguyên chủ thế nào bà Chu là người rõ hơn ai hết.

Bà Chu hết sức dè dặt cất tiếng: "Con dâu tư à, con đã biết chuyện thằng tư xuất ngũ chưa?"

Làm gì có nhà nào mẹ chồng nuông chiều con dâu tới mức này cơ chứ, mất hết cả uy nghiêm của người làm mẹ chồng, Lâm Thanh Hoà nhìn không nổi luôn nhưng đã giả bộ thì phải giả bộ cho trót, Lâm Thanh Hoà ưỡn ngực không kiêng dè nói: "Xin hỏi mẹ có ý gì? Mẹ tới đây để cười nhạo tôi sao, muốn cười nhạo thì cứ cười nhạo đi, dù sao thì tôi sẽ không chấp nhận sống cuộc sống như thế này, vừa hay tới lúc thu dọn đồ đạc về nhà mẹ đẻ."

Không kêu gào không khóc lóc chứng tỏ sự tình vô cùng nghiêm trọng. Bà Chu vội vàng lựa lời khuyên nhủ: "Vợ thằng tư à, con bình tĩnh lại, tuyệt đối đừng xúc động nha. Con nghĩ xem mấy đứa Đại oa đã lớn như vậy rồi con đành lòng bỏ chúng nó lại mà đi hay sao? Dù thằng tư đã xuất ngũ nhưng với năng lực của nó chắc chắn sẽ chu cấp đầy đủ cho bốn mẹ con con. Mẹ đã nói chuyện với nó rồi, bắt nó phải đối xử tốt với con, con không cần phải thay đổi gì cả, trước kia thế nào thì giờ cứ như vậy. Sau này con cũng không cần xuống ruộng, mọi việc cứ giao hết cho thằng tư."

Những lời này bà đã soạn trước khi tới đây để hoà giải không khí cho vợ chồng thằng tư.

Giây trước giây sau đã trở mặt khóc lóc ầm ĩ ngay được, Lâm Thanh Hoà vừa khóc vừa nói: "Con trước kia thế nào? Gả cho anh ấy bao nhiêu năm, mang tiếng có chồng mà sống khác gì bà quả phụ không? Vì cái gì mà con phải chịu đựng như thế, con tưởng mọi người đều hiểu chứ. Bây giờ anh ấy cứ như vậy trắng tay quay trở về, còn muốn bàn bạc cái gì nữa, không có cửa đâu!"

Cảnh này quá xuất thần rồi, diễn xuất và lời thoại quá tội nghiệp luôn. Cô không cố tính làm vậy đâu nhưng trong tình thế này không giương oai thì không được nha. Nếu không có màn đánh phủ đầu này thì nhất định bà mẹ chồng sẽ bắt cô lội xuống ruộng làm việc cho mà xem, hơn nữa bà còn cho rằng đó là chuyện đương nhiên, cô bắt buộc phải làm.

Haizz, ở đời ấy mà, người lười biếng quanh năm đột xuất cần mẫn một chút sẽ được mọi người khen ngợi không ngớt, nhưng người nào vốn chăm chỉ trước giờ mà tự nhiên làm biếng một tí thôi thể nào cũng ăn đủ những lời chê bai dè bỉu không ngờ thế này không ngờ thế nọ. Sự thật luôn phũ phàng như thế!

Lâm Thanh Hoà cô không muốn làm loại người thứ hai mà cô cũng chẳng làm nổi loại người thứ hai. Vì thế nhân cơ hội này cô phải triệt để khiến cho ông Chu bà Chu chung thuỷ với suy nghĩ rằng chỉ cần cô chịu ở lại chăm sóc tốt cho Chu Thanh Bách cùng ba đứa cháu nội là ông bà đã thắp nhang cảm tạ trời đất rồi. Chỉ có như vậy thì họ mới cảm thấy việc cô chịu ở lại là may mắn mà không nhắc mãi tới vấn đề con dâu lười biếng ném hết mọi việc cho con trai.

Quan trọng là việc này rất phù hợp với hình tượng từ trước tới giờ cô xây dựng.

Bà Chu càng lúc càng rối, liên tục vừa khuyên giải vừa an ủi: "Con nói như vậy sao được a, thằng tư là người tốt, con gả cho nó đâu có thiệt gì...."

Lâm Thanh Hoà trực tiếp đánh gãy lời bà: "Là nhà họ Chu không thiệt mới đúng, người con dâu như con đây sinh cho Chu gia ba thằng cháu trai, ba người con dâu kia gộp lại cũng không bằng một mình con. Con trẻ tuổi đã gả qua đây, vậy mà chồng đi biền biệt hết năm này qua tháng nọ. Lấy nhau bao nhiêu năm, thử hỏi số ngày anh ấy ở nhà đã bằng một tháng chưa? Sống như thế có khác gì một người vợ chết chồng hay không? Rốt cuộc ai mới là người phải chịu thiệt đây?!"

Bà Chu vội vàng giải thích: "Mẹ không phải có ý này, thằng tư xuất ngũ nhưng tuyệt đối sẽ không để con chịu uỷ khuất. Mẹ của Đại Oa à, con đừng nên xúc động rồi làm việc gì dại dột nha con!"

Lâm Thanh Hoà xấu hổ lắm rồi nhưng vẫn cố giả vờ buồn bực: "Còn nói không làm con uỷ khuất? Con uỷ khuất sắp chết rồi đây này. Bây giờ anh ấy xuất ngũ, từ nay về sau con làm gì còn mặt mũi gặp ai nữa? Mọi người trong thôn chắc chắn sẽ chê cười sau lưng con. Mà đừng nói ai cho xa lạ, ngay cả chị dâu hai cũng sẽ hả hê vì con gặp hoạ, ở sau lưng chẳng biết châm chọc con tới mức nào đâu."

Bà Chu gấp gáp: "Sẽ không, sẽ không. Chị dâu hai của con tuy thích hóng chuyện thiên hạ nhưng đối với con nó tuyệt đối không dám."

Có ai không biết bản lĩnh vợ thằng tư chứ, vợ thằng hai có lần nào chiếm được ưu thế đâu.

"Có cái gì mà chị ta không dám, trước đây chị ta khách khí với con là vì nể mặt cha Đại Oa ở trong quân ngũ, chị ta muốn cho con trai mình sau này có một chỗ dựa vững vàng nên mới không dám. Bây giờ tình thế thay đổi, chị ta không dám mới là lạ."

Lâm Thanh Hoà lại tiếp tục vòng về đề tài cũ: "Mẹ không cần khuyên con nữa, chuyện này con tuyệt đối không bỏ qua cho Chu Thanh Bách đâu."

"Nhưng mà trên người thằng tư có thương tích. Con đừng cứ mãi như vậy khiến nó dưỡng thương không tốt, lưu lại di chứng gì thì sao."

Lâm Thanh Hoà nghe vậy vẫn kiên quyết ném xuống một câu cạn tàu ráo mán: "Liên quan gì tới con!"

CHƯƠNG 38: HÀO HỨNG KHOE KHOANG

Chu Thanh Bách: "......."

Chu Thanh Bách không biết đã đứng ngoài cửa từ lúc nào vừa vặn nghe rất rõ ràng cuộc đối thoại, thật không ngờ vợ của anh lại có bản lĩnh khẩu thị tâm phi như vậy.

Rõ ràng tối qua còn sợ anh đói bụng cảm lạnh mà làm này làm kia. Cứ cho rằng tối qua cô ấy nhiệt tình như vậy là vì vẫn chưa biết nội tình, nhưng sáng nay đã ngả bài với nhau rồi, sau khi anh từ Chu gia về cô còn nấu trà gừng cho cả nhà cùng uống mà.

Sao bây giờ nói chuyện với mẹ cô lại mang bộ dáng nhẫn tâm tuyệt tình đến thế? Không lẽ một người mà có hai bộ mặt sao?

Một người làm chồng như anh quả nhiên không hiểu tí gì về vợ mình.

Trong nhà, bà Chu lúc này đã nghẹn họng rồi, lòng thầm mắng đây là người đàn ông của cô mà dám mở miệng nhẫn tâm nói không liên quan nhưng bà biết con dâu đang nóng nảy chắc chắn không nghe lọt lỗ tai bất cứ lời khuyên nhủ nào, bà chỉ có thể nương theo chứ không thể bắt ép, bằng không ngày tháng sau này của con trai bà chắc khó sống lắm đây.

"Cha, bế con!" Ngoài cửa vang lên tiếng của Tam Oa.

Tiểu gia hoả này đi ra cửa thì nhìn thấy cha, nó liền tiến tới ôm lấy chân cha nũng nịu đòi bế.

Chu Thanh Bách cúi xuống bế Tam Oa lên, bà Chu cũng từ trong nhà đi ra.

Chu Thanh Bách: "Mẹ cứ về trước đi, không có việc gì đâu."

Bà Chu lo lắng sốt ruột nhìn thằng con trai sắp bị vợ bỏ: "Tư à, theo mẹ về nhà một chuyến."

Chu Thanh Bách ôm Tam Oa đưa bà Chu ra ngoài cửa. Bà Chu nhỏ giọng nói: "Tư này, nãy giờ con đứng ngoài cửa chắc cũng nghe thấy hết cả rồi. Con phải nói chuyện tử tế với vợ con đấy, có biết hay không hả? Con nhất định phải thuyết phục được vợ ở lại, nếu không con định tự mình nuôi mấy đứa trẻ chắc?"

Bà không quá để tâm chuyện chúng nó ly hôn hay không, điểm mấu chốt ở đây là thời điểm, ba thằng cháu nội của bà còn quá nhỏ, con trai bà làm sao mà tái hôn đây? Mà nếu có cưới được thì lấy gì đảm bảo dì ghẻ không ngược đãi con chồng?

Tuy rằng vợ thằng tư tính tình kỳ cục nhưng mẹ ruột mãi mãi vẫn tốt hơn mẹ kế !

Không đợi con trai trả lời, bà Chu tiếp tục nói: "Con quay về dỗ dành vợ con đi, đảm bảo với nó là không bắt nó xuống đất làm việc. Trước đây thế nào thì sau này vẫn vậy, nó chỉ cần chăm sóc tốt gia đình là được. Sang năm Đại Oa đã có thể đi cắt cỏ heo kiếm công điểm, con xuất công, trong nhà sẽ được tính đầu lương, chắc chắn cuộc sống không tới mức quá đói kém đâu."

Chu Thanh Bách nghiêm túc gật đầu: "Con nghe lời mẹ, con sẽ nói chuyện tử tế với cô ấy." Hình như anh đã lờ mờ đoán được phần nào nguyên nhân vì sao vợ anh lại có thái độ ấy với mẹ mình rồi.

Đương nhiên anh không ngốc mà nói ra, hơn nữa đối với vấn đề công điểm anh sẽ không bao giờ để vợ con mình phải chịu đói khổ.

Bà Chu thấy con trai đồng tình thì mới yên tâm quay về, tuy nhiên bà vẫn lo lắng lắm.

Trong nhà, Lâm Thanh Hoà lại coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra, ngước mắt xem đồng hồ chưa tới mười giờ, cô nói với Chu Thanh Bách: "Tôi nghe mẹ bảo trên người anh có thương tích, vào đây tôi nhìn xem thế nào." Cô vừa nói vừa giờ tay đón Tam Oa.

Chu Thanh Bách nhìn cô một cái rồi nói: "Đã không sao nữa rồi."

Lâm Thanh Hòa nhìn thẳng vào anh, tối hôm qua còn rất xấu hổ nhưng sang tới hôm nay cô đã có thể thản nhiên đối mặt, năng lực thích ứng của cô trước giờ rất mạnh. Đặc biệt cuộc nói chuyện với bà Chu vừa rồi đã bị anh nghe thấy, cô cảm thấy vẫn có thể cứu vãn tình hình.

Lâm Thanh Hoà cô chính là người như vậy, chỉ cần sống sót, không gì là không thể.

Chu Thanh Bách nhìn ra được vẻ "chuyện này không cho bà đây xía vào là không xong đâu" của Lâm Thanh Hoà, anh đành thoả hiệp, đi vào trong phòng cởi áo cho cô xem.

Lâm Thanh Hoà hơi thẹn thùng nhìn vết thương đã bắt đầu đóng vẩy, chắc là đau lắm đây.

"Anh mau mặc quần áo vào rồi lên giường nằm nghỉ đi."

Chu Thanh Bách nhanh tay đóng cúc áo, hôm nay lạnh thật đấy, hở chút da thịt là tê tái rồi. "Trong nhà còn có việc gì phải làm không?"

Lâm Thanh Hoà gật đầu: "Có."

Chu Thanh Bách nghiêm trang nhìn Lâm Thanh Hoà như đang đứng đợi mệnh lệnh cấp trên.

Lâm Thanh Hoà: "Bây giờ anh lên giường đất nằm đi, dưỡng thương cho khoẻ hẳn rồi tính tiếp."

Chu Thanh Bách vẫn nhìn Lâm Thanh Hoà: "Hiện tại vết thương đã không còn đáng ngại nữa rồi."

Lâm Thanh Hoà nhìu mày: "Chỉ là không đáng ngại, không có nghĩa là đã khỏi hẳn. Anh muốn làm việc thì đợi tới sang năm rồi làm, tất cả mọi việc đều là của anh hết. Còn bây giờ thì đi nằm nghỉ đi, tính tình tôi không được tốt cho lắm, anh đừng chọc tôi nổi điên."

Cái gì mà không đáng ngại chứ, nhìn cái miệng vết thương kia đến bản thân cô còn cảm thấy đau nữa là.

Chu Thanh Bách thấy Lâm Thanh Hoà lại sắp lên cơn rồi, mặc dù rất bất đắc dĩ nhưng cũng đành xoay người trèo lên giường đất của bọn nhỏ.

Lâm Thanh Hoà cũng thả Tam Oa lên đó rồi cúi xuống thêm củi thiêu giường đất cho ấm áp.

Lúc này Đại Oa Nhị Oa cũng vừa về tới. Hai đứa nó mới chạy một vòng từ đầu làng tới cuối xóm khoe khoang một phen rằng cha mình đã trở về, so với việc có quần áo mới thì việc này tự hào hơn nhiều.

Lâm Thanh Hoà: "Cha các con hôm qua đã phải vất vả đội tuyết hứng gió trở về nên hôm nay trong người không khoẻ. Các con lên giường đất trò chuyện với cha đi."

Chu Thanh Bách ở trong mắt Đại Oa và Nhị Oa là một người cha vừa nhớ mong vừa kính sợ. Nghe mẹ nói vậy, hai anh em chần chừ đứng ngây ra đó.

Chu Thanh Bách nhìn hai thằng con trai lớn, dùng ánh mắt ý bảo bọn chúng lại đây.

Đại Oa Nhị Oa chầm chậm tiến lại gần, mắt vẫn không rời khỏi người cha.

Đại Oa: "Mẹ nói cha bị bệnh, cha cần phải nghỉ ngơi nhiều."

Nhị Oa gật đầu: "Vâng, lần trước Tam Oa ngã bệnh, mẹ phải chăm sóc em ấy cả đêm không ngủ."

Mấy ngày trước Tam Oa cảm lạnh, mặc dù Lâm Thanh Hoà luôn chăm sóc chúng rất cẩn thận nhưng thời tiết lạnh giá trẻ con dễ cảm mạo. Đêm đó cô phải thức trông chừng nó nguyên một đêm, sáng hôm sau Đại Oa Nhị Oa mới biết.

Hai mắt Đại Oa sáng lấp lánh như hai ngôi sao: "Cha về hẳn không đi nữa ạ?"

Nhị Oa ở bên cũng giương cặp mắt nhìn cha nín thở chờ đáp án.

Vừa rồi hai đứa đi chơi nghe đồng bọn nói là người lớn trong thôn đều bảo cha chúng sau này sẽ ở lại hẳn không đi nữa.

Chu Thanh Bách: "Không đi."

"Tốt quá, tốt quá đi !!!" Đại Oa và Nhị Oa hưng phấn reo lên.

Trẻ con suy nghĩ rất đơn giản, chúng chỉ hy vọng cha sẽ ở lại với mình chứ không biết rằng nếu cha không đi nữa thì kinh tế trong nhà sẽ bị suy giảm.

Bên ngoài, Lâm Thanh Hoà đang tính xem nên nấu canh gì cho Chu Thanh Bách bồi bổ cơ thể thì nghe thấy tiếng cười từ trong phòng truyền ra.

Theo cốt truyện thì trong tương lai quan hệ cha con tương đối căng thẳng nhưng trước mắt những đứa nhỏ đều giống nhau trời sinh đã sùng bái cha mình.

Nam tử hán đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất. Cha bọn nó cao to hơn, khoẻ mạnh hơn tất cả những người đàn ông khác trong thôn, điều này vô cùng vô cùng đáng tự hào.

Lâm Thanh Hoà hầm canh rong biển xương sườn. Theo lý mà nói thì tới sáng nay cô mới "biết" trên người anh mang thương tích, vì vậy cũng phải có hành động hợp lý.

Ngoài cái đó ra cô còn làm món khoai tây hầm thịt ba chỉ, canh tôm khô.

Canh xương sườn là khẩu phần riêng cho Chu Thanh Bách, cô với bọn nhỏ ăn canh tôm khô là được rồi.

Khoảng mười một giờ trưa là có thể ăn cơm.

Lâm Thanh Hoà múc cho Chu Thanh Bách khẩu phần canh của người bệnh. Đại Oa và Nhị Oa rất hiểu chuyện, biết đó là canh bồi bổ cho cha nên chúng không muốn, chỉ chọn ăn canh tôm khô thôi.

Chu Thanh Bách nhìn Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà: "Thân thể cha không thoải mái cần phải bồi bổ cho mau khoẻ. Anh hai anh ba nhà ta rất hiếu thuận, sẽ không uống tranh với cha đâu."

CHƯƠNG 39: VIỆC TRONG NHÀ EM LÀM CHỦ

Một câu nói này của mẹ dễ dàng khiến Đại Oa ưỡn ngực ngẩng cao đầu, đẩy lùi tính xấu ham ăn của Nhị Oa. Bốn con mắt mắt sáng lấp lánh ngập ý cười.

Tuy nhiên Chu Thanh Bách vẫn chia xương sườn vào chén cho bốn mẹ con, anh chỉ uống nước canh.

Cha không nỡ ăn mà nhường cho tụi mình đó, hai nhóc quỷ xúc động dạt dào.

Lâm Thanh Hoà:......Thật đúng là biết cách khiến người ta cảm động nha. Xương sườn hầm canh thì phần nước mới là tinh tuý đó anh hai !

Nhưng dù sao thì Lâm Thanh Hoà cũng ghi nhận thành ý của người ta, cô ngước mắt lên nhìn Chu Thanh Bách một cái đúng lúc bắt gặp anh cũng đang nhìn mình.

Lâm Thanh Hoà lúng túng dời mắt qua chỗ khác, cô giả vờ như không thèm để ý: "Mau ăn đi, ăn xong rồi lên giường đất nằm, hôm nay lạnh quá nhỉ."

Ăn cơm xong, Chu Thanh Bách liền đứng dậy thu dọn chén đũa, Lâm Thanh Hoà thấy vậy thì đưa Tam Oa cho anh ôm, cô đón lấy chén đũa đem đi rửa.

Vẫn là câu nói đó, công việc không bao giờ thiếu, ngày rộng tháng dài tha hồ mà làm không phải gấp gáp trong chốc lát.

Nhưng Chu Thanh Bách thuộc phe hành động, bắt anh nằm cả ngày trên giường như người tàn phế anh chịu không nổi, ngủ trưa dậy là anh lập tức đi dọn dẹp khu hậu viện.

Xem ra anh không muốn nằm nghỉ, đã vậy thì thôi Lâm Thanh Hoà không tiện ngăn cản nữa.

Buổi chiều, bà Chu lại tới nữa, những gì cần phát tác sáng nay cô đã phát tác đủ rồi, không nên làm khó bà già mãi, vì thế cô liền nói: "Muốn con ở lại cũng được, nhưng nếu để con nghe được có người ở sau lưng nói này nói nọ dù chỉ nửa câu thôi là con lập tức thu dọn quần áo về nhà mẹ đẻ ngay đấy."

Cả ngày hôm nay, bà Chu buồn phiền, ông Chu sa sút nhưng đương nhiên dù có thế nào thì ông bà đều không muốn Lâm Thanh Hoà ra đi. Đúng là lúc đầu ông hơi thất vọng nhưng sau khi nghe bạn già nói trên người con trai mang thương tích thì sự thương xót cùng lo lắng đã lấn át hết thảy. Ông vội vàng kêu bà Chu mang chút tiền qua nhà thằng tư.

Bà Chu chưa kịp lấy tiền ra đã nghe con dâu nói vậy, bà gấp gáp nói: "Cái này con cứ yên tâm, bây giờ các con đã phân gia thành một hộ độc lập, chuyện nhà các con tuyệt đối Chu gia không can thiệp, con muốn quản thế nào đó là chuyện của con, không ai được phép đánh giá !"

"Trên người cha Đại Oa có thương tích, nếu không dưỡng thương cho tốt sẽ rất dễ để lại di chứng. Con không muốn khi trẻ thì sống như goá phụ tới lúc già lại phải nấu thuốc hầu hạ anh ấy. Mẹ để ý xem nhà nào quanh thôn bán gà không, con muốn mua hai con."

Vẫn là bộ mặt ai oán, Lâm Thanh Hoà nói tiếp: "Cũng không biết kiếp trước tạo tội tạo nghiệp gì mà kiếp này lại lấy phải một người đàn ông như thế này. Hầu con chưa xong lại tới hầu chồng, sao số tôi lại khổ thế hả trời!"

Những lời này toàn là những lời oán giận nhưng lại khiến tảng đá đè nặng trong lòng bà Chu cuối cùng cũng được rơi xuống.

Chỉ cần nguyện ý mua gà bồi dưỡng cho con trai bà là vui rồi, con dâu muốn oán giận thế nào cũng được.

Lâm Thanh Hoà: "Nhưng con không lấy gà của Chu gia đâu. Chị ba sắp sinh rồi, tới lúc đó lại nói nhà con ăn tranh gà ở cữ của chị ấy, con không thích."

Bà Chu đúng thật có ý định này. Thời buổi này gà được nuôi theo hạn mức, cứ hai đầu người được nuôi một con gà. Già trẻ lớn bé Chu gia tổng cộng hơn mười bảy đầu người, cho nên chỉ có thể nuôi tám con gà.

Chu gia nuôi tám con gà mái chuyên để đẻ trứng. Đừng nhìn tám con mà nghĩ là nhiều, chả đủ ăn đâu, trứng gà thu được còn phải đem đi bán kiếm mấy hào mua muối linh tinh, thế nên người Chu gia rất hiếm khi được ăn trứng gà.

Con dâu đã nói vậy rồi, bà cũng đành gạt ý định ban đầu. Với nhân duyên của bà Chu ở thôn này thì kiếm mua hai con gà là chuyện dễ như trở bàn tay, rất nhanh bà đã trói hai con gà mái già xách về cho Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà thản nhiên nhận gà, không trả một xu mà tuyệt nhiên bà Chu không nói một lời. Khổ lắm cô nào đâu muốn vậy nhưng phải cố tình ra vẻ hùng hổ không thôi bà Chu lại nghi ngờ nọ kia mệt lắm.

Bà biết hai con gà này sẽ vào bụng con trai và cháu nội, con dâu muốn ăn cũng chẳng ăn được bao nhiêu nên bà nhịn.

Bà âm thầm rút một xấp toàn tờ mười đồng mới tinh, tổng cộng hai trăm đồng từ trong túi ra đưa cho Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà sửng sốt: "Mẹ làm gì vậy?"

"Đây là tiền trợ cấp trước đây thằng tư gửi về cha mẹ cất lên, sau khi dựng hai gian phòng ở cho anh cả và anh hai thì còn dư lại từng này. Giờ con cầm lấy giữ lên cho đám Đại Oa, sau này chúng trưởng thành ắt phải dùng tới."

Bà Chu mặc dù luyến tiếc nhưng rất dứt khoát đưa hai trăm đồng cho Lâm Thanh Hoà.

Nhớ lại lúc nhà thằng tư phân gia, ba thằng con trai lớn có ý kiến này kia hai ông bà già phải lấy tiền của Chu Thanh Bách dựng cho mỗi đứa một phòng riêng thì mới xong chuyện.

Lúc ấy ngói tương đối rẻ, một mét vuông có giá bốn tới năm đồng, ba phòng đơn không lớn lắm, nhà Lâm Thanh Hoà hai phòng diện tích khoảng năm mươi mét vuông, nhân công thì là ông Chu kêu gọi anh em Chu gia lại đây giúp đỡ cho nên không mất tiền công.

Bây giờ giá cả gấp đôi, một mét vuông phải mười đồng, muốn dựng một căn nhà ngói thì trong tay phải có một khoản từ một ngàn tới hai ngàn đồng.

Khi ấy dùng tiền của Chu Thanh Bách xây phòng cho ba anh trai nên mới bịt miệng được chúng nó. Hiện tại còn dư lại từng này, hai ông bà già tính để dành tới lúc chết mới lấy ra mua quan tài.

Những cái khác Lâm Thanh Hoà có thể mặt dày mà nhận chứ hai trăm đồng này thì không được.

Lâm Thanh Hoà: "Tiền đã đưa cho hai ông bà thì hai ông bà cứ giữ lại đi. Nếu để cha Đại Oa biết được lại mắng con một trận cho mà xem."

Bà Chu: "Chỗ tiền này vốn dĩ là do thằng tư kiếm về. Cha mẹ năm đó chỉ giữ giùm nó thôi, bây giờ nó về rồi tất nhiên phải trả lại cho nó chứ, ai dám nói gì. Hai con gà cũng là dùng tiền này để mua đó."

Lâm Thanh Hoà không muốn cầm, nhưng bà Chu cứ ép cho bằng được, cô do dự một lúc rồi nhận lấy: "Con sẽ không mang về nhà mẹ đẻ đâu, tiền này để lo chi tiêu trong gia đình."

Bà Chu vô cùng hài lòng vì con dâu thức thời, vốn định nói thêm vài câu đừng tiêu xài hoang phí, sống tiết kiệm này nọ nhưng lại thôi, nói ra chắc gì nó đã nghe mà lại còn làm đôi bên mất vui.

Sau này nếu mấy người con dâu khác có hỏi thì bà sẽ nói vợ thằng tư tự ra tiền mua gà. Việc bà đi trong thôn hỏi mua gà tất nhiên sớm muộn ai cũng biết, cứ nói vậy sẽ không có phiền phức.

Con dâu cả với con dâu ba sau khi nghe tin thì nhẹ nhàng thở phào một hơi, thầm cảm thấy may mắn. Hai người đang mang thai, chị ba Chu dự sinh tháng sau, chị cả Chu thì tháng ba năm sau, ai cũng có lòng riêng muốn giữ lại gà. Sau khi sinh mẹ chồng chỉ có thể cho mỗi người một con gà bồi dưỡng, nếu hôm nay bắt gà cho chú tư thì e rằng tới lúc ở cữ họ chỉ được ăn trứng gà thôi.

Ngược lại chị hai Chu bĩu môi, trong lòng thầm mắng không biết lão bà này trợ cấp cho thím tư bao nhiêu tiền đâu, còn giả vờ giả vịt! Bất quá có cho tiền thì cô ta cũng chẳng dám nói ra. Trong nhà này mẹ chồng chỉ chịu nhịn mỗi vợ chú tư thôi, đối với các nàng dâu khác bà Chu chính là một bà mẹ chồng lợi hại, ai dại mà đi khiêu chiến quyền uy của bà.

Sau khi bà Chu về, việc đầu tiên Lâm Thanh Hoà làm là đi ra hậu viện đem chuyện này nói lại với Chu Thanh Bách.

"Tôi không có ý định nhận tiền của mẹ nhưng bà nhất quyết bắt tôi phải cầm. Nếu không nhận sợ bà lại suy nghĩ lung tung. Ngày tháng còn dài, sau này còn nhiều cơ hội trả lại cho ông bà, nên hôm nay tôi cứ nhận lấy trước."

Chu Thanh Bách đang dựng lều gà, nghe vậy liền hướng Lâm Thanh Hoà nói: "Mọi việc trong nhà em làm chủ."

CHƯƠNG 40: GÀ HẦM HẠT MÈ

Lâm Thanh Hoà thấy anh nói với thái độ nghiêm túc, chắc hẳn cũng đồng tình với cách làm của cô.

Lâm Thanh Hoà: "Chuồng gà cứ để đó đã, anh đi giết gà đi, hầm từ giờ tới tối mới ngon."

Chu Thanh Bách: "Giao cho anh."

Thu dọn nốt mấy việc đang dang dở, Chu Thanh Bách đi tới tiền viện giết gà, việc này giao cho anh là tốt nhất .

Lâm Thanh Hoà nấu nước sôi cho Chu Thanh Bách vặt lông. Sau đó cô nhóm bếp lò, hầm gà bằng niêu nhỏ là ngon nhất. Hầm bảy tiếng từ giờ tới tối là vừa đủ lửa, wow! nghĩ thôi đã chảy nước miếng.

Hầm gà cô không cho thêm nguyên liệu gì đặc biệt, chỉ cho thêm một nắm hạt mè thôi, mấy thứ như táo đỏ cô cũng không cho vào.

Hạt mè hầm gà vừa thơm vừa bổ, quan trọng nhất là phù hợp với thể chất hiện tại của Chu Thanh Bách.

"Này, ăn quả táo đi." Lâm Thanh Hoà múc nước ấm cho Chu Thanh Bách rửa sạch tay rồi đưa cho anh một quả táo.

Chu Thanh Bách nhìn cô

Lâm Thanh Hoà: "Nhìn cái gì?"

"Không." Chu Thanh Bách cầm lấy quả táo, bẻ làm đôi rồi đưa cho Lâm Thanh Hoà một nửa.

Lâm Thanh Hoà trừng mắt một cái nhưng trong lòng rất vui vẻ, hoá ra người đàn ông này cũng biết quan tâm tới người khác đấy chứ. Lâm Thanh Hoà nhận nửa quả táo rồi nói:

"Cái này ưu tiên người bị thương, tôi chỉ ăn lần này thôi đấy."

Chu Thanh Bách: "Không cần đâu."

Lâm Thanh Hoà hiểu ý anh nhưng cô mặc kệ. Đúng là đồ đầu gỗ, trên người có thương tích cũng không nói, bị nguyên chủ ngược đãi bắt trời lạnh đi kiếm củi cũng không phản đổi.

Lâm Thanh Hoà xoay người đi vào trong phòng, không phát hiện ra ánh mắt của Chu Thanh Bách rơi xuống trên người cô đã mềm mại đi vài phần.

Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa đều lăn lội trên giường đất ấm áp, không đứa nào chịu thò một ngón chất xuống giường.

"Mẹ!" Nhìn thấy Lâm Thanh Hoà vừa ăn táo vừa đi vào, ba thằng nhóc tham ăn lập tức sáng rực mắt.

Lâm Thanh Hoà: "Xuống giường mặc quần áo, mẹ cho mỗi đứa một quả táo."

Đại Oa vừa mặc quần áo vừa kháng nghị: "Táo lần này không to bằng đợt trước, cũng không ngọt bằng nữa."

Nhị Oa gật đầu: "Đúng vậy."

Lâm Thanh Hoà vừa ăn táo vừa hướng dẫn Tam Oa cách tự mặc quần áo, thấy hai thằng quỷ nhỏ đã có ăn mà còn ý kiến thì nói: "Làm sao giống nhau được. Lần trước là mua ở tận cung tiêu xã trên huyện thành đấy."

Trên huyện thành cũng bán loại táo to giống như táo cô mang từ hiện đại tới, nhưng số lượng cực ít, rất khó mà mua được. Tuy nhiên chỉ cần có người bán là cô có thể diễn xuất, chuyện nhỏ.

Mấy quả táo ở đây là táo bản địa, làm sao ngon ngọt bằng táo cô lấy trong không gian ra được.

Đại Oa, Nhị Oa đã mặc xong quần áo, mỗi người cầm một quả táo cắn ăn. Tam Oa cũng mặc xong nhưng đóng cúc bị lệch, xiêu xiêu vẹo vẹo bất quá Lâm Thanh Hoà để kệ nó, làm nhiều ắt quen tay, không hở da thịt bị lạnh người là được.

Tam Oa chưa tự cắn được nên Lâm Thanh Hoà vẫn phải dầm nhuyễn ra, tiểu gia hoả này ăn uống rất tốt, một mình nó có thể ăn sạch sành sanh một quả.

Được ăn uống đủ chất cho nên mấy hôm trước còn sốt hầm hập mà tới hôm nay đã khoẻ lại rồi.

Đại Oa Nhị Oa thấy cha ở hậu viện thì liền chạy tới.

Nhặt cái này một chút, giúp cái kia một chút, nhìn cũng ra dáng ra hình.

Tới giờ nấu cơm chiều Lâm Thanh Hoà đem Tam Oa ra chỗ mấy cha con rồi cô đi nấu cơm.

Tối nay có món gà hầm rồi cho nên cô chỉ nấu đơn giản thôi. Lấy nửa cân thịt ba chỉ ra gói sủi cảo, đêm nay chỉ cần ăn sủi cảo là được, đơn giản lại ngon.

Mới hầm một canh giờ mà niêu gà trên bếp lò đã toả ra hương thơm hấp dẫn.

Tất nhiên không thoát khỏi ba cái mũi chó của ba anh em, chúng men theo mùi hương chạy tới ngồi chồm hỗm canh trước bếp lò. Lâm Thanh Hoà nhìn thấy nhưng cũng mặc.

Kể ra cô tới đây lâu rồi nhưng chưa cho bọn chúng ăn thịt gà lần nào. Một con gà có giá một đồng nhưng nông gia không nỡ bán, họ nuôi gà để đẻ trứng mà, thời buổi này trứng gà cũng được liệt vào món mặn hạng sang rồi.

Lâm Thanh Hoà có đi tới tận huyện thành thì cũng chưa từng gặp ai bán gà cả.

Vì thế tới tận hôm nay mới có cơ hội ngửi mùi thịt gà, bọn nhỏ thèm cũng là chuyện bình thường.

Chu Thanh Bách làm việc rất hiệu quả, thời gian một ngày đã làm xong chuồng gà. Tính theo đầu người thì nhà Lâm Thanh Hoà chỉ được phép nuôi ba con gà.

Cô đánh giá sân sau vẫn còn chỗ trống nên hỏi: "Nhà mình có nên nuôi heo không nhỉ?"

Chu Thanh Bách kinh ngạc: "Nuôi heo?"

Cái gì anh không biết chứ anh biết rất rõ cô thích sạch sẽ, cái này là điều tốt anh cũng thích nhà mình gọn gàng sạch sẽ. Nhưng cô lại sạch sẽ quá mức, trước đây không cho nuôi bất cứ con vật gì. Lần này cô bảo anh dựng chuồng gà đã là một bất ngờ lớn rồi, anh không nghĩ tới chuyện cô sẽ đề cập tới vấn đề nuôi heo.

Lâm Thanh Hoà: "Ừ, nhưng anh phụ trách dọn dẹp đấy."

Chu Thanh Bách gật đầu: "Được!"

Lâm Thanh Hoà không nói thêm gì nữa.

Thời đại này ai muốn nuôi heo phải đi lên đại đội xin cấp. Tuy rằng nuôi trong nhà mình nhưng không được tư hữu mà phải tính là tài sản chung của cả đội. Nuôi heo được tính công điểm, nếu nuôi tốt một con heo có thể thu về số công điểm bằng một nửa người trưởng thành.

Đây là một cơ hội kiếm tiền rất tốt.

Ngoài ra phân heo cũng có thể đổi lấy công điểm hoặc giữ lại bón cho vườn rau sau nhà.

Thực ra Chu Thanh Bách cũng có kế hoạch nuôi heo nhưng anh biết tính tình vợ mình nên không định nuôi tại nhà mà y tưởng ban đầu vốn là sẽ dựng một cái chuồng chuyên dụng trong đại đội, không cần to lắm, đủ cho 2 con là được. Có điều anh vẫn đang băn khoăn đại đội xa nhà sẽ khó khăn cho việc chăm sóc, bây giờ vợ đã mở lời cho nuôi trong nhà, còn gì tuyệt hơn nữa!

"Hiện giờ không giống như trước nữa, đến cơm cũng sắp không có mà ăn rồi, còn bận tâm gì hôi với chẳng không hôi nữa" Lâm Thanh Hoà than.

Nếu là trước kia anh sẽ chẳng để tâm, nhưng hiện tại không hiểu vì sao nghe vợ than thở trong lòng anh lại cực kỳ hụt hẫng.

Anh hổ thẹn vì mình đã không cho vợ được một cuộc sống sung túc.

"Nếu không mình nuôi bên ngoài?" Chu Thanh Bách dò hỏi.

Lâm Thanh Hoà nghe một cái là đoán ngay anh đang nghĩ cái gì, cô nhìn anh như nhìn một tên ngốc: "Hậu viện đất rộng như vậy anh không nuôi, lại mang ra bên ngoài nuôi? Hơn nữa nuôi ở bên ngoài anh yên tâm sao, nếu chẳng may có kẻ xấu bỏ thuốc, coi như cả năm làm công cốc à".

Sau đó lại nói: "Tôi cũng chỉ nói ngoài miệng, anh không cần để trong lòng, bất quá tôi sẽ không tham gia giúp đỡ gì tới cái đám heo đó đâu, việc này anh nên nhớ rõ".

Khi còn nhỏ đi theo bà nội làm nhiều việc nhà nông, Lâm Thanh Hoà tuy rằng biết làm, nhưng cũng rất ám ảnh, không phải cô ra vẻ ta đây, chỉ ai từng làm mới biết có bao nhiêu vất vả, bao nhiêu khổ cực.

"Anh biết" Chu Thanh Bách gật đầu

Cơm chiều ăn canh sủi cảo, cả nhà đều vô cùng hài lòng.

Cơm xong Chu Thanh Bách liền đi ra ngoài. Lâm Thanh Hoà đoán chắc anh đi bàn về chuyện nuôi heo con nên không hỏi gì cả.

Bữa chiều nay ăn sớm, mới bốn giờ đã ăn rồi cho nên khoảng sáu giờ rưỡi Lâm Thanh Hoà múc gà hầm cho mấy cha con ăn.

Phải công nhận gà hầm hạt mè ngon thật, Lâm Thanh Hoà định chỉ uống một chén nước hầm rồi thôi, ai dè Chu Thanh Bách gắp một cái đùi gà để vào chén của cô. Lâm Thanh Hoà không ăn đùi gà cô đổi thành hai cái cánh, rồi xé nhỏ thịt đùi chia cho các con.

Phần còn lại Chu Thanh Bách phụ trách giải quyết hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro