Bại chiến kế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

31. Mỹ nhân kế (美人計)

+ Giải nghĩa: Dùng gái đẹp để làm rối loạn quân địch

Giải thích: Mỹ nhân là người đẹp chứ không nhất thiết là Nam hay Nữ. Như thế Mỹ Nhân Kế có thể tách ra là Mỹ Nam Kế hoặc Mỹ Nữ Kế (với thời nay, anh hùng có thể là nam, nữ, gay, les vv và mỹ nhân cũng có thể là nam, nữ, gay, les... Do đó, cái suy nghĩ về Mỹ Nhân Kế phải rộng ra là Người Hút Hồn. Hễ có người mà hút được hồn của ta thì người đó đang dùng Mỹ Nhân Kế với ta vậy)

Nhắm tới điểm yếu của tướng địch (dù là nam, nữ, gay, les ). Bởi đa phần con người có đam mê và có yếu đuối trước vẻ đẹp (trong và ngoài). Một khi bị hút hồn rồi, khả năng ra quyết định, đánh giá sẽ không còn tỉnh táo, chính xác và ý thức/vô thức của địch trở thành mục tiêu mà ta có thể khai thác được.

+ Điển cố: Thời Xuân Thu, Câu Tiễn nước Việt bị Ngô vương Phù Sai đánh cho suýt mất nước. Phạm Lãi và Văn Chùng bèn hiến kế cho Câu Tiễn dâng mỹ nhân nổi tiếng của nước Việt là Tây Thi cho Phù Sai khiến Ngô vương vì đam mê tửu sắc mà bỏ bê việc chính sự, tạo thời cơ cho Câu Tiễn trả thù.

+ Diễn giải:

– Mỹ nhân kế là dùng gái đẹp để làm xoay chuyển, thay đổi tình thế mà những cái khác không thể thực hiện được. Giai nhân từ ngàn xưa đến nay bao giờ cũng là đề tài chính. Tuy là phái yếu, không thể vác gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười xinh đẹp.

– Có những bức thành kiên cố cả mười vạn quân không hạ nổi, nhưng nó có thể bị sụp đổ bởi ánh mắt mỹ nhân. Sức mạnh của mỹ nhân đặc biệt là có ảnh hưởng đối với người anh hùng, người có quyền thế.

32. Không thành kế (空城計)

+ Giải nghĩa: Trong hoàn cảnh thành không có quân lại bị quân địch uy hiếp thì phải dùng những hành động kì lạ, trầm tĩnh khiến quân địch khiếp sợ tưởng có mai phục mà bỏ đi

Giải thích: Đôi khi, cách tốt nhất là phô trương hết điểm yếu ra như là điểm mạnh, làm địch hoài nghi mà không quyết định được, nghi ngờ tột đỉnh mà không dám làm gì vì sợ quyết định sai.

Tôn Tử có câu: "Hư giả hư chi, nghi trung sinh nghi, cương nhu chi tế, nhi phúc kì".Nghĩa là:Nếu sức quân yếu thì càng phải cố ý tỏ vẻ rất yếu, làm cho kẻ địch vốn đã nghi lại càng thêm nghi. Trong hoàn cảnh ta yếu, địch mạnh, vận dụng sách lược này sẽ đạt được sự kì diệu không lường được.

Kế này là một trong những kế khó sử dụng mà rủi ro rất cao, sự thành công liên quan rất nhiều tới uy tín của người dùng kế, đi ngược lại sự suy đoán của địch, khiến địch tự nhiên rơi vào trạng thái không biết phải xử lý sao, nhận tiện giành lấy thời gian và điều kiện khác để lật ngược thế cờ. Gia Cát Lượng vốn tính cẩn thận, chu đáo, ít sai lầm. Vậy việc mở toang cổng thành chính là đi ngược lại suy tính của địch. Với người như Lượng, mở toang cổng thành dễ bị người khác nghĩ là Khích tướng: bố chấp mày luôn, khỏi cần công thành, bố mở cửa đợi mày vào. Chính vì thế mà Ý lại càng không dám vào vì sợ phục binh. Lúc Ý đang chần chừ thì Lượng đã Tẩu Vi rồi.

+ Điển cố: Kế này gắn liền với điển cố về Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa. Theo đó trong lúc Gia Cát Lượng đang giữ ngôi thành trống không có phòng thủ thì Tư Mã Ý bất chợt kéo quân đến. Đánh vào tính đa nghi của Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã sai mở toang cổng thành, trên tường thành chỉ cắm tinh kỳ, lại sai người quyét dọn trước cổng làm như không có sự đe dọa của quân Ngụy. Cuối cùng Tư Mã Ý vì nghi ngờ mưu kế của Gia Cát Lượng nên đã rút quân, bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để bắt sống địch thủ chính trên chiến trường.

+ Diễn giải:

– Không thành kế là kế bỏ thành trống, thành bỏ ngỏ. Kế này có hai loại:

– Một là lúc tình thế cực khẩn cấp, nguy hiểm như treo trên sợi tóc, buộc phải dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát.

– Hai là rút lui với đầy đủ kế hoạch dụ cho địch quân xâm nhập rồi mới bao vây tiêu diệt.

– Không thành kế thực ra là một cách tạo nghi âm cho đối phương, mục đích là không cho đối phương sớm có một quyết định.

33. Phản gián kế (反間計)

+ Giải nghĩa: Lợi dụng kế của địch để biến thành kế của mình

Giải thích:Tôn Tử dùng cả một chương thứ 13 để dạy về Gián Điệp. Nay chỉ trích một số câu quan trọng:

Cho nên, gián điệp có 5 loại: hương gián, nội gián, phản gián, tử gián, sinh gián. Dùng 5 loại gián điệp khiến địch không mò được qui luật hành động của ta, đó là phương pháp thần diệu khôn lường, là pháp bảo của quân vương. Hương gián là lợi dụng người dân bình thường trong nước địch làm gián điệp. Nội gián là dùng quan lại địch làm gián điệp. Phản gián là mua chuộc gián điệp của địch phái đến nước ta quay lại phục vụ ta. Tử gián là cố ý đưa tin tình báo giả tạo để gián điệp ta tiết lộ cho gián điệp địch, địch mắc câu bị lừa bèn giết gián điệp của chính nó. Sinh gián là phái gián điệp đến đất địch mà vẫn có thể trở về báo cáo.

Cho nên, việc dùng người trong ba quân không ai thân tín bằng gián điệp, không ai được khen thưởng bằng gián điệp, không việc gì cơ mật bằng gián điệp. Không phải người tài trí hơn người không thể dùng được gián điệp; không phải người nhân nghĩa không thể sử dụng được gián điệp; không phải người khéo léo cẩn thận thì không thể trở thành gián điệp thành công trong hoạt động tình báo.

Trong năm loại gián điệp này, ta chỉ bàn ở chiêu thức này vấn đề sử dụng Phản Gián mà thôi.

Phá hủy khả năng chiến đấu của địch, bằng cách gây bất hòa, rối loạn giữa địch và bè phái, liên minh, quân sư, gia đình, tướng lĩnh và cả dân chúng. Khi địch phải đối phó với loạn bất hòa nội bộ, khả năng tấn công và phòng thủ đều suy giảm nặng.

Kế này có liên quan mật thiết với hai chiến lược sau đây:

- Thứ nhất là dùng nhân tâm và nhiều phương tiện thiện xảo để cảm hóa kẻ được cử đến để phá hoại. Sau khi cảm hóa thì khiến kẻ đó quay lại thịt bên cử đến. Thực tế thì những kẻ được cử đi làm gián điệp lại nắm rất nhiều thông tin sâu kín, nội bộ của địch. Một khi được cảm hóa rồi sẽ tự nhiên mà nói rõ hết nội tình địch ra để mình tùy nghi sử dụng.

- Thứ hai là dùng phản tư vấn để hại địch. Bằng nhiều phương tiện và quan hệ, hoàn toàn có thể cài đặt các tư vấn gia vào hàng ngũ địch để được tin cẩn, đặc biệt là những người có uy tín. Sau đó gài bài để những tư vấn gia này tư vấn bậy (nhưng nghe thì rất là có lý) cho địch sa vào đầm lầy một cách từ từ. Đến khi địch chết rồi mà vẫn chưa hiểu vì sao mình chết.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc, Tào Tháo phái Tưởng Cán, bạn học cũ của Chu Du sang Đông Ngô để dò xét lực lượng đối phương. Chu Du đoán được mưu của Tào Tháo nên đã sử dụng chính Tưởng Cán để làm Tào Tháo nghi ngờ hai hàng tướng cực kì thông thạo thủy binh của Kinh Châu để rồi giết hai người đó.

+ Diễn giải:

– Phản gián kế là dùng người của đối phương lừa dối đối phương, dùng kế địch lừa địch.

– Tôn Tử nói: Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch. Biết mình thì tương đối dễ hơn biết người. Cho nên muốn biết người thì phải dùng gián điệp.

34. Khổ nhục kế (苦肉計)

+ Giải nghĩa: Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch

Giải thích: Tự gây thương tích có hai cách áp dụng. Cách thứ nhất, địch sẽ lơi lỏng, coi thường, không cho rằng ta còn là mối nguy nữa. Cách thứ hai, làm thân với địch bằng cách giả như bị thương bởi kẻ thù chung, mà từ đó đi vào hàng ngũ địch mà phá hoại.

Khổ nhục kế là một trong những kế đau đớn nhất của chương Bại Chiến Kế. Vừa khổ, vừa nhục, đau đớn cả tinh thần và thể xác. Chỉ vì ở trong thế bại, có ít lựa chọn mà phải thực hiện.

Cái khó của Khổ Nhục Kế là làm sao phải như thật, để không bị nghi ngờ. Bởi nếu bị lộ thì vừa khổ, vừa nhục mà chẳng đánh đổi được gì. Chiêu này thường được sử dụng bởi những người ở trong thế yếu mà lại muốn đạt mục đích nhanh vì sợ để lâu thì chống cự không nổi hoặc kết cục mất mát còn đau đớn hơn.

Những hình ảnh trong phim truyền hình Hàn Quốc dùng rất nhiều kế này. Cảnh đứng trong mưa, ướt sũng, nức nở như cha chết, đón đường bắt gặp như vô tình, đau khổ vô biên để khiến người ta cảm động mà tụt quần tốc váy là một cảnh rất thường thấy vậy.

Kế này muốn dùng được cũng phải hiểu đối phương khá rõ. Nếu nó coi mình kém cả súc vật thì việc mình tự gây thương tích để được thương cảm chẳng còn tác dụng. Có khi còn ăn đạp vào vết thương. Đây là sai lầm của bọn trồng cây si sai chỗ.

+ Điển cố: Câu Tiễn sau khi thất bại trước Phù Sai thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm cả chất thải của Phù Sai để giúp thầy thuốc khám bệnh cho Phù Sai, tất cả chỉ để che giấu sự chuẩn bị trả thù của nước Việt.

+ Diễn giải:

– Khổ nhục kế là hành hạ mình, rồi đem cái thân xác bị hành hạ ấy để làm bằng chứng mà tiếp cận với địch để hoàn thành một âm mưu nào đó.

35. Liên hoàn kế (連環計)

+ Giải nghĩa: Sử dụng nhiều kế liên tiếp, muốn chiến thắng phải biết móc nối nhiều kế với nhau

Giải thích:Khi đối đầu với cuộc chiến quan trọng, nên dùng nhiều kế phối hợp. Thiết lập các chuỗi chiến thuật với các hoàn cảnh khác nhau nhằm đạt được chiến lược cuối cùng. Như thế, dù một kế có không đạt thì vẫn còn có nhiều đường khác để tiến hành.

Liên hoàn kếlà kế của các kế, muốn vận dụng được thành công cần có nội công thâm hậu, rèn luyện vững vàng chắc chắn ở từng chiêu thức, cân bằng cả nền tảng Cái biết, cái thấy, linh hoạt như nước chảy mây trôi.

Trong bài Thiết vị phu vi Tướng giả có câu:

Bất động như Sơn Nhạc

Nan trắc như Âm Dương

Nan trắc là khó dò tìm theo được một cách chính xác, khó như xác định thời điểm chuyển giao giữa âm và dương vậy. Sự linh hoạt của người sử dụng Liên hoàn kế ở chỗ, khi khởi đầu thiết lập chuỗi kế A, B, C. nhưng khi thực hiện, lại như dòng nước, vấp tảng đá, lập tức linh hoạt đổi kế, uốn lượn theo dòng để đạt mục tiêu. Vì thế mà cần người sử dụng phải Rộng lớn như trời đất, đầy đủ như kho tàng như Gia Cát Lượng đã từng nói.

Có câu: Tướng đa binh chúng, bất khả dĩ địch, sử kỳ tự lụy, dĩ sát kỳ thế, tại sự trung cát, thừa thiên trùng dã.

Có nghĩa là:

Khi lực lượng quân địch lớn mạnh thì không nên đánh bạt mạng. Nên vận dụng mưu kế để làm cho bọn chúng tự hãm chân lại, làm yếu lực lượng của bọn chúng. Nếu chủ soái biết khéo léo vận dụng linh hoạt chuỗi mưu kế thì việc chiến thắng quân địch cũng giống như được thiên thần giúp vậy.

Kế thứ 35 này được chia thành 3 loại:

– Liên hoàn tung kế: chuỗi kế tung ra cùng một lúc để bổ trợ lẫn nhau

– Liên hoàn hoành kế: chuỗi kế tung ra nối tiếp nhau, kế này hoàn thành làm điều kiện để nảy sinh kế kia

– Liên hoàn tung hoành kế: nhóm kế nối tiếp nhóm kế

Chính sự phối hợp phức tạp như vậy mà Liên hoàn kế tạo ra vô số biến thiên, tức là tổ hợp của 36 kế đơn lẻ này khi phối hợp có thể tạo ra vô hạn cách sử dụng.

+ Điển cố: Liên hoàn kế gắn liền với giai thoại về Vương Doãn do La Quán Trung kể lại trong Tam quốc diễn nghĩa. Vì thấy Đổng Trác quá bạo ngược hung tàn nên Vương Doãn sử dụng liên hoàn kế trong đó có mỹ nhân kế gửi Điêu Thuyền vào chia rẽ hai bố con nuôi Đổng Trác và Lã Bố, sau đó dùng kế đục nước bắt cá khơi gợi ở Lã Bố sự thù địch với cha nuôi để rồi cuối cùng chính Lã Bố cầm kích đâm chết Đổng Trác.

+ Diễn giải:

– Liên hoàn kế là nối liền với nhau thành một dây xích.

– Liên hoàn kế còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt. Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất cần thiết cho việc dùng Liên hoàn kế. Vì người đẹp ví như nước, anh hùng ví như bùn, nước làm cho bùn nhão ra. Từ ngàn xưa, đa số anh hùng đã vì thương hoa tiếc ngọc nên bỏ lãng nhiệm vụ. Tuy vậy, vẫn phải phân biệt Mỹ nhân kế với Liên hoàn kế.

– Liên hoàn kế là một hình ảnh của thực tiễn, bất cứ việc gì xảy ra cũng gây thành phản ứng dây chuyền. Việc xảy ra hôm nay cũng không tự dưng mọc ra, nó phải là kết quả dây chuyền từ những sự việc trước.

36. Tẩu vi thượng sách (走為上計)

+ Giải nghĩa: Gặp kẻ địch mạnh thì kế chuồn là thích hợp hơn cả trong 36 kế

Giải thích:Tẩu Vi Thượng – Kế thứ 36 chính là khó ta rút lui. Rút lui là cao nhất khi không thể đối đầu.

Khi bị lấn chiếm trên tất cả các mặt trận, đừng chiến đấu, đừng đầu hàng, đừng thỏa hiệp. Đầu hàng là bại trận toàn diện, thỏa hiệp là bại một nửa. Chỉ có rút lui mới không bại. Chỉ cần không bại, còn có cơ hội quay lại và phản công.

Cái Tẩu Vi này không phải là hèn nhát mà lại chính là cái cốt lõi của việc thắng sau này. Lui lại tạo ra điểm yếu cho địch.

+Điển cố:Trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I, nhận thấy không thể đối đầu với giặc quá mạnh, quá tinh nhuệ với số lượng đông đảo, nhuệ khí áp đảo vì đã đánh chiếm gần như toàn bộ lục địa Âu Á, vua quan nhà Trần đã quyết định lui bằng chiến dịch Vườn Không Nhà Trống mang đi hết của cải lương thực.

Chính vì lui mà địch tự nhiên thiếu quân lương. Chiến lược đánh tới đâu cướp lương tới đó của quân Nguyên Mông thất bại dẫn tới phải rút quân rất nhanh trong chưa đầy có 10 ngày. Sau đó, quân dân nhà Trần truy sát tống tiễn toàn bộ giặc ra khỏi lãnh thổ.

Bình thêm:Lui không chỉ để tránh thương vong và tìm cách đánh khác mà chưa nhìn thấy khía cạnh của việc ta lui lại có thể tạo ra thế mạnh của ta và thế yếu của địch. Ngoài ra, cũng chưa phân tích thêm về khía cạnh cái Thấy trong Tẩu Vi.

Trong bức thư của Gia Cát Lượng gửi Tào Chân, mắng cho họ Tào hộc máu mà chết có mấy câu về cái Thấy này:

Biết thiên văn khi mưa khi nắng

Thuộc địa lý chỗ hiểm chỗ thường

Thế trận khó dễ cần phải hiểu

Tài giặc hay dở cần phải tường

Trong đó có 4 từ thật là quan trọng: Biết – Thuộc – Hiểu – Tường, 4 giai đoạn của cái Thấy. Người trong Binh Gia Môn, học nội công nào, chiêu thức nào, đều sẽ phải trải qua bốn giai đoạn này của cái Thấy. Tất nhiên đỉnh cao nhất thì như là Lão Tử nói: Tự Tri Giả Minh (Tự thấy thì sáng) nhưng không có mấy người có ngộ tính cao để mà tự thấy.

Cái Thấy này nó bao trùm cả cái Tri Bỉ là biết người mà tổ sư Tôn Tử đã dạy, ngoài biết tài giặc hay dở, còn phải biết cả Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Khi ấy thì ngay cả khi rút lui, cũng rút một cách khôn ngoan không tổn thất, tạo ra thế yếu cho địch chờ đợi dịp phản công.

+ Diễn giải:

– Tẩu kế nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.

– Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là kế chạy? Lại có câu: Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!)

– Bởi vậy kế này liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn dập cả trăm ngàn biến chuyển. Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.

– Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy Các phương thức tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.

– Tẩu kế không phải là chạy dài. Chạy chỉ là một giải pháp để mà sẽ quay lại. Tinh hoa của kế chạy là giành thời gian, bảo tồn sức khỏe, lực lượng. Rút chạy đến một vị trí mới, cho tư thế vững mạnh hơn, tập trung nỗ lực và củng cố tinh thần, chọn một cơ hội thuận tiện để quật lại, ấy mới thực là Tẩu kế.

– Sau hết phải lo đến điểm nguy của kế chạy: Khi chạy, sẽ mất tinh thần, sự việc hoàn toàn lỏng lẻo, mất sự tin tưởng ở xung quanh. Nếu không giải quyết cho chính xác những vấn đề trên thì tẩu không còn là một kế hoạch nữa, mà là một sự tan rã vậy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro