Trận Guadalcanal tiếp theo 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở Đông Kinh , tin chiến thắng vang dội ở Savo đã khiến cho người ta quên khuấy đi một vấn đề hết sức quan trọng khác là Hoa Kỳ đã làm chủ được hải đảo Guadalcanal . Nhưng dù sao đi nữa , đối với Hải quân thì đó là mối bận tâm day dứt của họ . Đến đổi họ phải miễng cưởng cố làm hòa với phe Lục quân để dùng những lời lẽ thân thiết mà yêu cầu Bộ tham mưu của họ mở một chiến dịch tái chiếm hòn đảo chiến lược này . Lục quân lại hỏi phải cần đến bao nhiêu binh sĩ để dùng vào chiến dịch đổ bộ tái chiếm , Hải quân nói chẳng cần nhiều lắm đâu . Hoa Kỳ đổ vào ấy một lực lượng chiếm đóng khoảng trên dưới hai ngàn thủy quân lục chiến , và lực lượng yếu ớt này dĩ nhiên trong vòng một năm nữa cũng không thể nào mở những trận tiến công lớn trong khu vực quần đảo Solomon được .

  Phía Lục quân nghe bùi tai quá nên chịu liền . Họ vội phát thảo kế hoạch và đệ trình lên Thủ tướng Tojo ngay . Vài hôm sau thì Bộ tham mưu lục quân gọi radio ra lệnh cho Tướng Hyakutake ở căn cứ Rabaul phải lập tức tấn công làm cỏ đảo Guadalcanal , với một lực lượng gồm 6 ngàn quân . Số sáu ngàn quân nhân này gồm 500 quân từ lực lượng đổ bộ đặc biệt của Hải quân , 3 ngàn năm trăm quân từ biệt đội độc lập của Kawaguchi và 2 ngàn quân từ biệt đội độc lập của Ichiki . Hai ngàn quân này dự trù sẽ là một trong những cánh quân tiến đánh Midway , nhưng từ khi chiến dịch Midway thất bại , họ tạm thời rút về đảo Guam để dưỡng quân .

  Vị Tướng râu kẽm Kiyotake Kawaguchi , người đã từng đứng ra bảo lãnh cho vị thẫm phán Santo (chắc quí vị vẫn còn nhớ vị tướng này nỗi giận khi Đại tá Tsuji lạm quyền ra lệnh xử tử Santo , người mà  Kawaguchi đã tiến cử vào làm việc cho chính phủ Phi thân Nhật khi vì bình định xong Phi Luật Tân) , hiện bản doanh của ông đang đóng ở Koro , một trong nhóm đảo phía Đông cách Mindanao khoảng 600 dặm . Khi nhận được lệnh thuyên chuyển đến Solomon , ông tiên đoán là Hoa Kỳ đã bắt đầu đưa quân tấn công . Kawaguchi gọi anh nhà báo Nishino và trỏ vào một bản đồ quần đảo Solomon , ông dí mũi viết vào một điểm nhỏ tí tẹo trên bản đồ rồi nói “Đây là đảo Guadalcanal , một chiến trường mới mà chúng tôi phải có mặt trong nay mai . Tôi biết các anh sẽ nghĩ rằng đây là một cuộc xung đột không đáng để tâm đến . Vâng , sự thật thì ở đó chẳng có gì để cho là một chiến trường to lớn khác thường nhưng tôi dám quả quyết rằng ở đó sẽ trở thành một mối quan ngại lớn cho chúng ta sau này” Tướng Kawaguchi đã bi quan tiên đoán một viễn ảnh không mấy sáng sủa ở một nơi mà ông cho là trọng tâm của mọi cuộc tranh tài trên chiến trường Thái bình dương . Tướng Kawaguchi nhìn anh nhà báo thật lâu rồi chậm rãi nói như nhắc nhở “Nếu anh không muốn tiếp tục đi theo chúng tôi thì anh có thể thay đổi ý định ngay lúc nào hẳn còn kịp . Vì vào đến nơi sinh tử ấy rồi , anh và tôi và những chiến sĩ khác sẽ có thể bị mất mạng bất cứ lúc nào” . Nishino nhất quyết tháp tùng với ông trong chuyến này nên gật đầu đồng ý xin theo , và hai người bắt tay nhau .

  Hai ngày sau , vào ngày 15 tháng 08 , Kawaguchi bảo các chi đội trưởng dưới quyền của mình tạm ứng trước ba tháng lương cho binh sĩ , họ sẽ lên tàu đi vào một nhiệm vụ quan trọng mà chắc chắn sẽ có nhiều người trong họ đền nợ nước . Ông buồn bả ra lệnh “Hãy cho những binh sĩ ấy gửi tất cả số tiền vừa nhận được về cho gia đình của mình . Và nên cho họ được tự do ăn nhậu , chơi xả giàng một đêm cuối ở đây đi” .

  Vừa tờ mờ sáng hôm sau thì tất cả ba ngàn năm trăm binh sĩ trong chi đội biệt lập của Tướng Kawaguchi , dù còn trong tình trạng bần thần say sỉn sau một đêm nhậu nhẹt xả láng , họ đều dồn xuống một hải vận hạm 10 ngàn tấn tên gọi Sado để xuôi Nam . Và anh phóng viên nhà báo Nishino cũng tháp tùng theo chuyến chuyển quân lần này . Sàn tàu Sado bị thiêu đốt bởi ánh nắng đổ lửa miền nhiệt đới trở nên nóng khủng khiếp khiến cho đôi dày đế mỏng của Nishino như bị chảy mềm ra . Anh chui vào hầm tàu và thu người vào một góc tránh nắng cùng đưa mắt theo dõi sự sinh hoạt ồn ào của những binh sĩ đang trên đường ra mặt trận , họ đang xắp xếp vật dụng cá nhân lên những chiếc giường ngủ trong hầm tàu . Những chiếc quạt máy quạt liên tục và mở hết tốc lực nhưng không khí vẫn nóng bức và ngột ngạt vô cùng . Nishino cảm thấy khó chịu , anh lần mò trở lại sàn tàu bên ngoài và ở đó cũng đầy ấp binh sĩ .

  Khi chiếc hải vận hạm còn thả neo ngoài khơi chờ đợi chuyến chuyển quân cuối cùng từ tàu nhỏ ra thì một con chó đen huyền từ đâu không biết xuất hiện và nhảy phóc lên chiếc tàu nhỏ , nó vễnh tai đưa mắt cùng khắp để tìm người chủ thân yêu của nó . Thiếu úy trẻ Ueno cảm động nhìn con vật đáng yêu mà mình đã mang nó tặng cho một người dân bổn xứ ngày hôm qua , không hiểu làm sao mà nó lại mò ra được bờ biển và tìm cho ra anh là chủ nhân của nó . Anh đưa tay vuốt ve con vật trung thành và dỗ dề nó “Xin lỗi mày , tất cả là vì tao không phải mà thôi” Con chó vẫy đuôi rối rít và thè lưỡi liếm chủ nhân của nó ra chiều như sung sướng vui mừng lắm vậy .

  Phải mất cả ba ngày đường để đến được Rabaul . Trong thời gian này binh sĩ thật nhàn rỗi , họ tập trung trên sàn tàu , có nhiều tốp quá vô tư , họ cao hứng đàn ca nhảy múa hoặc xúm quanh một anh lính hài nào đó làm trò vui . Một số đông những binh sĩ khác thì thích được yên lặng , họ nhàn tản quanh sàn tàu và cũng có người nằm ì ra suy tư nghĩ ngợi .

  Đoàn quân thiện chiến khí thế ngút trời , họ bất chấp cái nắng nung người của vùng nhiệt đới , họ xông trận với một tinh thần chiến đấu rất cao . Và cái tinh thần ấy càng được nâng cao hơn nữa sau những bửa ăn với vài chai bia nóng hổi , càng uống họ càng hăng máu chỉ muốn mau mau đến được mục tiêu để cùng quân đội Hoa Kỳ tranh tài cao thấp . Cấp chỉ huy của họ đã từng nhắc nhở “Quân đội Tây phương rất kêu căng ngạo mạn nhưng lại nhu nhược và nhát gan . Đa số bọn họ đều không thích giao chiến vào lúc trời mưa , sương mù và đêm tối . Theo quan điểm chung của họ thì lúc ban đêm không phải là thời gian tốt cho chiến trận , ban đêm chỉ là những thời khắc tuyệt vời cho hai kẻ yêu nhau , hoặc ăn nhậu nhảy đầm mới là thích hợp hơn hết . Hãy hồi tưởng lại những chiến thắng dễ dàng ở Phi luật tân , ở Tân gia ba thì các bạn đã thấy sự chiến đấu của họ tồi tệ như thế nào rồi” .

  Một đoàn sáu chiếc khu trục hạm mang theo đợt đổ bộ đầu tiên của biệt đội đặc biệt dưới quyền chỉ  huy của Đại tá Ichiki . Họ sẽ đổ bộ ngay bãi Taivu . một điểm nằm ngay bờ biển phía Bắc của đảo Guadalcanal , cách sân bay 25 dặm . Ngày 18 tháng 08 , Đại Tá Ichiki cùng 915 binh sĩ , toán đổ bộ đầu tiên đã đặt chân an toàn lên bãi biển Guadalcanal , và ở đây họ không gặp một sự kháng cự nào của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cả . Ichiki hân hoan gọi máy báo cáo về căn cứ  Rabaul rằng họ đã đổ bộ thành công . Ở đây ông ra lệnh ém quân để chờ thêm một nửa số quân còn lại trong chi đội của mình sẽ được vận chuyển đến trong tuần tới . Và lúc ấy sẽ tiến chiếm lại sân bay , nơi mà Nhật đã tốn biết bao nhiêu công sức để xây dựng và sắp hoàn thành thì bị lọt vào tay Hoa Kỳ .

  Tình hình trên đảo quá im lặng khiến cho Đại tá Ichiki càng tự tin và tỏ ra khinh địch . Ông ra lệnh cho 125 binh sĩ ở lại giữ bờ biển , số còn lại bắt đầu tiến sâu vào trong . Trong khi ấy thì chỉ huy của thủy quân lục chiến trên đảo cũng mơ hồ đoán biết là cánh quân đổ bộ đầu tiên của  Nhật đã đặt chân lên được trên đảo rồi , vì họ căn cứ theo những báo cáo của phi tuần là đã phát giác nhiều lằn sóng kéo dài trên mặt đại dương , có thể là do một hạm đội địch đã từng di chuyển qua ở phía Bắc của đảo .

  Tuy nhiên , sau khi phối hợp với một báo cáo khác gửi về là địch vừa đổ bộ lên bờ phía Tây của phi trường (đây là một đội quân gồm 500 người thuộc lực lượng đặc biệt đổ bộ của Hải quân , cánh quân này không tham dự vào trận đánh xảy ra sau này) , những báo cáo dồn dập gửi về khiến cho Tướng Vangderift nghĩ chắc chắn rằng quân Nhật sẽ mở một cuộc tấn công qui mô để tái chiếm lại hòn đảo . Ông liền tung ra những toán thám sát bung rộng tầm hoạt động hầu phát giác kịp thời các mũi tiến công của địch . Và ông cũng phái viên Thượng sĩ thổ dân tên Vouza (ông này hoạt động trong tổ trinh sát thuộc quân đội Úc đại lợi , với nhiệm vụ an ninh bờ biển) đi một vòng quanh bờ biển trên đảo từ Nam ra Bắc . Viên Thượng sĩ dẫn một nhóm trinh sát âm thầm len lỏi qua khu rừng rậm rồi tiến ra bờ biển . Họ nhanh nhẹn như những con vượn và thính tai như những con chó săn , họ vượt núi trèo đèo , băng ngàn xuyên suối không chút mệt nhọc . Ngày 20 tháng 08 , đội trinh sát của Thượng sĩ Vouza phát giác ra toán quân đầu tiên của Đại tá Ichiki . Trong lúc này thì cánh quân tiền sát của ông đã tiến vào chỉ còn cách sân bay khoảng 10 dặm mà thôi . Ichiki lạc quan gửi báo cáo về căn cứ Rabaul rằng không có sự xuất hiện của địch quân và cánh quân của ông đang tiến vào vùng đất không người .

  Thượng sĩ Vouza cố gắng tiến qua con suối để đến gần hơn hầu phát giác thêm nhiều tin tức của địch . Nhưng sự mạo hiểm của ông không qua mắt được những tay súng của cánh quân đổ bộ Nhật Bản đang nằm im trong những hóc đá bên con suối để canh chừng . Cuối cùng Thượng sĩ Vouza bị sa vào tay lính Nhật . Trong lúc hai bên đang giằng co thì một lá cờ Hoa kỳ thật nhỏ mà ông đã cố giấu kỹ trong khố bỗng rơi ra , thế là ông ta bị lính Nhật bắt trói gô lại và đánh đập dã man bằng báng súng , khuôn mặt của viên Thượng sĩ bây giờ đã sưng húp lên và răng bị gãy mất mấy chiếc . Ông cứng rắn nhất quyết không nói nửa lời , từ đầu tới cuối chỉ lắc đầu nguầy nguậy . Họ dí lưỡi lê vào ngực ông mà quát tháo ầm ỉ nhưng cũng chẳng khai thác được một tí ti gì . Một tên lính Nhật nỗi dóa đâm một nhát lưỡi lê vào cổ ông ta , máu tuôn ra lai láng .

  Nhưng không hiểu vì sao vết thương chí mạng ấy vẫn không kết liễu được Vouza , nhân lúc tối trời , khi Đại tá Ichiki và 790 người lính tiền sát của ông quay trở lại bờ biển thì Vouza chợp ngay cơ hội tốt dùng răng cắn đứt sợi dây trói và tự giải thoát sau đó . Ông cố gắng vận dụng tàn lực để cố bò về được tận phòng tuyến của thủy quân lục chiến . Trong những tiếng thở hào hễn đứt quãng của một người sắp chết , Vouza cố gắng báo cáo với thượng cấp rằng có thể là từ hai tới năm trăm quân Nhật đã áp sát vào tận phòng tuyến bên ngoài rồi . Câu nói cuối cùng trước khi ông trợn trừng đôi mắt từ giã cõi đời là “Dù bị hành hạ nhưng tôi quyết chẳng khai gì với họ cả” .

  Đại tá Ichiki cho rãi quân trong rừng dừa , bên bờ phía Đông của một con sông nhỏ nước chảy lờ đờ có tên là I-lu . Chính con sông này là một chướng ngại duy nhất cho cánh quân của ông tiến về phía sân bay , ở một nơi chỉ cách đó hơn một dặm . Và nó cũng là một phòng tuyến thiên nhiên ngăn đôi giữa quân Nhật và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ . Ở nơi cửa sông I-lu , khi thủy triều xuống thấp Ichiki tìm thấy có một bãi cát nhô ra ngoài xa có cỏ mọc và nhiều vũng nước đọng lại thành như những cái ao nhỏ . Ông biết chỗ ấy rất cạn , đúng là một vị trí lý tưởng để bắt một cây cầu tạm bằng gỗ cho cánh quân mình vượt sang bên kia bờ . Ông ta lấy làm đắc ý tưởng rằng mình đã dành cho địch quân một sự kinh ngạc bất ngờ nhưng có hay đâu chính sự bất ngờ ấy lại trở lại với ông . Thủy quân lục chiến đã rõ âm mưu của họ qua lời báo cáo của Thượng sĩ Vouza , nên đã án binh bất động nằm chờ sẳn phía bên kia bờ sông từ lâu và Đại tá Ichiki thì chẳng hay biết gì cả , ông hân hoan xua con cái lao vào tử địa .

  Lúc 1 giờ 30 sáng , Ichiki ra lệnh xung phong . Súng cối bắt đầu nã đạn vào đất địch và hàng chục khẩu đại liên cùng đồng loạt nhả đạn như mưa vào khu rừng thưa phía bên kia bờ sông . Vài trăm binh sĩ Nhật phóng ra từ rừng dừa và băng ngang khúc cạn ngay cửa sông , súng trường đã gắn sẳn lưỡi lê sẳn sàng đánh cận chiến với địch và miệng hô to “Banzai” . Hàng trăm con người vừa xung phong vừa bắn bừa vào phía trước và vừa tung lựu đạn khắp nơi , tiếng nổ rền trời , cây cối ngã đổ đất đá tung bay tiếng rào rào không dứt .

  Nhưng đồng thời ngay trong lúc những bước chân của những người lính đầu tiên vừa sắp đặt lên bờ sông phía bên kia thì nhiều tràng đại liên giòn giã chào đón . Nhiều xác thân người bị đốn ngã , nhiều tiếng la thảm thiết gào lên không dứt . Quân Nhật kinh hoàng lập tức tháo lui , đội hình lộn xộn . Những binh sĩ ở phía sau còn sống sót bắt buộc phải quay trở lại rừng dừa .

 Tướng Vandegift đã ra tay , ông tung ra một tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của Trung tá Leonard Cresswell quyết quét sạch quân Nhật trên đảo . Đến 2 giờ chiều thì cánh quân của Trung tá Cresswell đã băng qua sông và tiến vào rừng dừa . Cánh quân của Đại tá Ichiki bị thiệt hại nặng nề và tháo lui về hướng bờ biển .

  Tại nơi đây lại bắt đầu có những trận sáp lá cà dữ dội . Quân Nhật không bao giờ chịu đầu hàng , họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng . Những binh sĩ bị thương nằm rên la thảm thiết , nhưng khi thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đến giúp họ băng bó vết thương thì bị đồng đội của họ bắn hạ hoặc chính người lính bị thương kia cho lựu đạn nổ khiến cả hai cùng chết . Phía Hoa Kỳ bất chợt cảm thấy quá khó khăn khi biết mình đang chạm trán với một đội quân kỳ quặc , họ coi cái chết như chẳng có gì . Để bảo tồn lực lượng , Vandegift quyết định thay đổi chiến thuật . Ông liền tung ra một trung đội thiết giáp để càn quét cho kỳ sạch những binh sĩ còn sống sót nhưng chiến đấu rất điên cuồng của Nhật .

  Năm chiếc xe tăng rầm rầm bánh xích nghiền nát đất đá và nghiền nát các tử thi vừa gục ngã của địch trên bờ cát nơi cửa sông I-lu để tiến vào khu rừng dừa , nơi quân Nhật đang cố tử thủ . Súng đại bác của năm xe tăng đồng khai hỏa bắn trực xạ vào khu rừng dừa , từng xác người bị bốc tung lên , cây lá gãy đổ khói bốc lên cuồn cuộn . Quân  Nhật bị tổn thất rất nhiều trong đợt càng quét bằng xe tăng này . Một nhóm nhỏ chạy theo sát Trung úy Sakakibara , họ rút lui về phía bờ biển và chạy lao ra những ghềnh đá , giấu mình sâu dưới nước chỉ còn cái lỗ mũi thì nhô lên để thở .

  Đến lúc trời nhá nhem tối thì Tướng Vandegrift quyết định thanh toán nốt chiến trường , ông ra lệnh cho 3 trong những đại đội ưu tú nhất của ông đi bọc hậu đánh từ phía sau . Cánh quân đổ bộ của Nhật bị rối loạn hàng ngũ , trong khoảng thời gian không lâu sau đó quân Nhật chỉ còn lại một nhúm có thể đếm được trên đầu ngón tay . Đại tá Ichiki đã bị thương , ông dẫn số tàn binh vào một hốc đá , họ hướng về phía quê hương hành lễ với Thiên Hoàng rồi cùng rút gươm tự sát .

  Trong lúc ấy thì thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lo thu dọn chiến trường , một nấm mồ tập thể gồm khoảng 800 binh sĩ Nhật được chôn vội ngay trong rừng dừa . Phía Hoa Kỳ , 35 chết và 75 bị thương . Một tổn thất quá nhẹ , đó là một chiến thắng đầu tiên của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vừa ghi lên bàn thắng trong chiến sử chiến tranh Thái Bình Dương . Một toán quân lẻ loi còn sống sót của Nhật là toán quân chạy ra bờ biển với Trung úy Sakakibara , họ tất cả là 125 binh sĩ vẫn còn âm thầm bám lấy bờ biển .

  Đây là lần đầu tiên cả hai phe Lục và Hải quân Nhật tại Đông Kinh đều nhìn nhận sự có mặt của quân đội Hoa kỳ ở đảo Guadalcanal là một việc nghiêm trọng . Phía Lục quân thì quyết lòng muốn tái chiếm cho bằng được hòn đảo chiến lược này , và họ được sự ủng hộ nhiệt tình của Đô đốc Yamamoto . Vị Đô đốc thao lược đầy mưu mô của Hải quân Nhật đã nhìn hòn đảo Guadalcanal với một cái nhìn khác với phe Lục quân , ông coi đó như một cái bẫy . Một cơ hội tốt để lùa tất cả hạm đội Hoa Kỳ vào để hạm đội liên hợp của ông bủa lưới tiêu diệt cho bằng sạch .

  Những toán quân còn lại của chi đội Ichiki cùng 500 thủy thủ được huấn luyện theo phương pháp chiến đấu của bộ binh đang có mặt trên bốn chiếc hải vận hạm tiến về phía đảo Guadalcanal . Khi đoàn hải vận hạm chuyển quân vừa lọt vào vùng biển Solomon thì được lệnh phải lập tức quay lại , đi theo hướng chỉ định đến một điểm hẹn khác , kết hợp với một lực lượng yễm trợ khác cũng đang trên đường tiến vào Solomon . Lực lượng này chính do Đô đốc Yamamoto mới thành lập vội vàng . Một đội tiềm thủy đỉnh gồm 6 chiếc dẫn đầu , theo sau là bộ chỉ huy mũi xung kích mà chỉ huy trưởng là phó Đô đốc Kondo gồm một đội hình của 6 chiếc tuần dương hạm và một mẫu hạm thủy phi cơ . Phía hậu đội là lực lượng tan vở Kido Butai vừa mới được tăng viện và chỉnh đốn lại nhưng cũng do Nagumo làm chỉ huy trưởng , với hai mẫu hạm Zuikaku và Shokaku , được hộ tống bởi hai thiết giáp hạm và ba tuần dương hạm . Tháp tùng với hạm đội hùng hậu nói trên còn có thêm một hạm đội dùng để làm nghi binh gồm mẫu hạm Ryujo , hai tuần dương hạm và hai khu trục hạm ; những chiến hạm nghi binh này Yamamoto sẽ dùng nó làm mồi để nhử các mẫu hạm của Hoa Kỳ lộ diện cho phi cơ tiêu diệt .

  Phía Hoa Kỳ cũng mới vừa phát giác ra một cánh quân đổ bộ đã xuất hiện ở vùng biển phía Bắc nhưng rồi họ lại chuyển hướng để nhập vào một lực lượng hùng hậu đáng ngại khác để cùng nhau tiến về đảo Guadalcanal . Đô đốc Ghormley vội gửi ngay Đô đốc Fletcher đến chiến trường với lực lượng đặc nhiệm số 61 . Lực lượng này gồm 3 hàng không mẫu hạm : Enterprise , Saratoga và Wasp ; bảy tuần dương hạm cùng 18 khu trục hạm . Vào lúc bình minh ngày 23 tháng 08 , lực lượng đặc nhiệm 61 của Fletcher chỉ còn cách đảo Guadalcanal 150 dặm về hướng Đông , một vị trí lý tưởng để chận đầu mũi tiến công của hạm đội Nhật Bản .

  Bảy tiếng đồng hồ sau , một phi cơ thám thính của Hoa Kỳ phát giác ra bốn hải vận hạm của Nhật và đoàn hộ tống gồm một tuần dương hạm nhẹ cùng 5 khu trục hạm . Đoàn hộ tống này nằm dưới quyền chỉ huy của một vị phó đô đốc bướng bỉnh ngang ngạnh là Raizo Tanaka . Chiếc phi cơ thám thính liền báo cáo về căn cứ là phát giác hạm đội đổ bộ của địch đang tiến về phía đảo Guadalcanal . Tanaka biết địch đã phát giác ra mình nhưng ông vẫn mặc kệ , cứ thẳng hướng Nam mà tiến . Đến 1 giờ chiều thì ông ra lệnh cho toàn bộ hạm đội đồng quay ngược trở lại trên thủy lộ cũ vừa mới đi qua . Năm tiếng đồng hồ sau , lực lượng hùng hậu của Kondo tiến tới và cũng làm y như vậy .

  Với một chủ ý đánh lừa địch quân , Nhật dùng mẹo và quả nhiên Fletcher trúng kế . Thấy hạm đội địch cứ chờn vờn tiến rồi thoái chung quanh mục tiêu đổ quân thì ông lại nghĩ trận chiến chắc sẽ diễn ra sớm lắm là một tuần lễ nữa . Vì nghĩ mình là đúng nên ông gửi nhóm hạm đội của mẫu hạm Wasp trở lại miền Nam để tiếp thêm nhiên liệu . Đây là một quyết định quá sai lầm khiến cho ông phải thiếu mất một phần ba lực lượng khi phải đối đầu với Hải quân Nhật trong ngày đầu tiên sắp diễn ra .

  Vừa tờ mờ sáng ngày 24 tháng 08 , đội nghi binh của Nhật xuất hiện ở vùng biển phía Nam để nhử lực lượng đặc nhiệm 61 của Hoa Kỳ . Trong khi ấy toàn bộ hạm đội của họ đều bung ra xa tầm hoạt động của phi cơ dọ thám để chờ con mồi béo bở lộ diện là hạm đội của Fletcher . Lúc 9 giờ 5 phút , phi cơ dọ thám của Hoa Kỳ phát giác một mẫu hạm nhỏ và 3 hộ tống hạm ở vị trí phía Tây Bắc cách lực lượng đặc nhiệm 61 khoảng 280 dặm . Fletcher còn do dự chưa quyết định dù rằng cách hai tiếng rưỡi đồng hồ sau , một báo cáo gửi về là họ chỉ còn cách khoảng 250 dặm . Nhưng vào lúc 1 giờ 30 chiều thì sự hoài nghi của ông đã tan biến nhanh khi mặt kính của dàn rada kêu lên bíp bíp báo hiệu có nhiều phi cơ đang tiến vào đảo Guadalcanal .

  Đó là một phi đội gồm 15 chiến đấu cơ và 6 oanh tạc cơ cất cánh từ mẫu hạm Ryujo tiến về phía sân bay trên đảo Guadalcanal . Lúc này thì sân bay với đoạn phi đạo đã hoàn tất và được đặt tên là Henderson Field , tên của vị Đại tá tử trận tại chiến trường Midway Lofton Henderson . Sân bay này dùng làm căn cứ cho 2 phi đội của thủy quân lục chiến gồm 19 chiến đấu cơ Wildcat và 12 oanh tạc cơ cùng 14 chiếc P-400 thuộc phi đội chiến đấu lục quân .

  Đô đốc Fletcher hành động chớp nhoáng , chỉ trong vòng 15 phút 30 khu trục cơ và 6 phi cơ phóng thủy lôi đã rời khỏi sàn mẫu hạm Saratoga . Hai tiếng đồng hồ sau thì phi đội khu trục cơ đã nhìn thấy mẫu hạm Ryujo và lao vào tấn công từ cao độ 14 ngàn bộ . Chỉ vài phút sau thì phi đội 6 chiếc phóng thủy lôi cũng trờ tới . Những trái thủy lôi được phóng ra trong khoảng cách 200 bộ . Có ít nhất cũng 4 quả bom và một trái thủy lôi phóng trúng đích . Chỉ thấy những ánh lửa đỏ phụt lên liên tục rồi chiếc mẫu hạm nhỏ bé nghiêng hẳn về một bên sàn tàu gần kề với mặt biển . Mẫu hạm Ryujo trước khi đi vào lòng đại dương cũng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó là dẫn dụ phía địch quân xuất đầu lộ diện . Chính nhờ nó mà lực lượng Kido Butai mới khám phá ra vị trí của hai mẫu hạm Saratoga và Enterprise . Và phía Nhật Bản bắt đầu phóng phi cơ tấn công ngay . Mặc dù có đến 51 chiến đấu cơ Wildcat bao quanh bầu trời bảo vệ cho hai mẫu hạm nhưng 25 phi cơ ném bom bổ nhào của phi đội Aichi cũng có thể xâm nhập đến gần . Lúc 5 giờ 14 phút , một quả bom đánh trúng vào sàn tàu chiếc Enteprise phá tung bộ phận điều khiển bánh lái và hai trái khác đánh bay đường băng trên sàn mẫu hạm . Sau ba quả bom đánh trúng , mẫu hạm Enterprise bị phát hỏa dữ dội nhưng thủy thủ đã kịp thời chận đứng được ngọn lửa nhưng nó bắt buộc phải rời khỏi chiến trường để trở về nằm ụ chờ sửa chửa ở căn cứ mẹ là Trân châu cảng .

  Bây giờ chỉ còn lại vỏn vẹn có mỗi một mẫu hạm nên Fletcher không còn hứng thú tranh tài khi đêm xuống với Hải quân Nhật , ông sáng suốt quyết định rút lui về Nam . Nagumo rượt theo mãi cho đến lúc 8:30 mới chịu bỏ cuộc . Trận hải chiến đông Solomon coi như chấm dứt và cũng giống như trận chiến ở biển San hô , kết quả cuộc chiến vẫn không ngã hẳn về phía bên nào . Một mẫu hạm nhỏ của Nhật bị đánh chìm và mẫu hạm của Hoa Kỳ bị loại khỏi vùng hoạt động ít nhất cũng phải mất đến hai tháng để sửa chửa . Một điểm quan trọng hơn , Hoa kỳ bị thiệt hại 17 phi cơ trong khi Nhật bản có tới 70 chiếc bị bắn rơi , dĩ nhiên Nhật không thể không đau khi bị thiệt mất một con số quá lớn những phi công kinh nghiệm chiến đấu . Đó là một sự mất mát khó có thể bù đấp vào được .

  Mặc dù sau trận đánh hạm đội yễm trợ đổ quân vẫn còn tản mác  xa ở vùng biển phía Bắc nhưng Tanaka vẫn cứ tiếp tục tiến sâu vào mục tiêu đổ quân . Ông tiến theo trục Bắc Nam của quần đảo Solomon . Nhưng dù có gấp rút đến đâu đoàn hải vận hạm vẫn không thể đến địa điểm đổ quân ngay trong đêm được . Biết đây là một việc quá mạo hiểm nên Tanaka đã phòng bị sẳn , ông ra lệnh 5 chiếc khu trục hạm của mình tiến nhanh về phía trước dùng hỏa lực pháo tiêu diệt phi cơ địch đang nằm tại sân bay Henderson thuộc đảo Guadalcanal . Suốt đêm ấy họ ra sức bắn phá sân bay thật dữ dội rồi mới chịu quay lại mặt Bắc hộ tống những hải vận hạm đang xuôi Nam tiến vào mục tiêu chính là đảo Guadalcanal . 

  Sáng hôm sau lúc 9:35 , một phi đội gồm 8 chiếc khu trục cơ dưới sự chỉ huy của Trung tá Mangrum cất cánh từ sân bay Henderson truy tìm mẫu hạm địch . Và vô tình họ phát giác ra đoàn hải vận hạm cùng hộ tống hạm đang trên đường tiến vào đảo Guadalcanal . Tức thì những phi cơ gan lì của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lao thẳng xuống tấn công chiếc hải vận hạm Maru và tuần dương hạm nhẹ Jintsu , chiếc tuần dương hạm này là chiếc chỉ huy của Tanaka . Tuần dương hạm Jintsu sau khi bị hai quả bom đánh trúng nhưng máy vẫn hoạt động tốt , nó lập tức đổi hướng rời xa chiến trường trong khi chiếc hải vận hạm bị trúng bom bốc cháy ngùn ngụt . Chiếc khu trục hạm Mutsuki lao đến cứu vớt những binh sĩ còn sống sót trên hải vận hạm . Một sui sẻo không ngờ khác ập tới , 8 chiếc pháo đài bay B-17 cất cánh từ căn cứ Espiritu ở đảo Santo thình lình xuất hiện . Hạm trưởng khu trục hạm Mutsuki là Hatano vốn không ngại những trái bom thả từ trên cao độ của loại pháo đài bay này nên ông cho thủy thủ tiếp tục công tác cứu vớt . Phi đội B-17 bắt ngay dịp may hiếm có là khu trục hạm Mutsuki đang dừng lại , một mục tiêu cố định cho họ trút bom xuống . Ba trái bom đánh trúng xé toạt khu trục hạm Mutsuki . Hạm trưởng Hatano phóng nhanh xuống biển bơi bán mạng . Khi còn lặn hụp dưới làn nước biển , ông vừa thở hổn hển vừa tức tối văng tục chữi rủa vang rân “B-17 thường khi thì đánh bom dỡ ẹt , bửa nay mình sui tận mạng nên mới bị nó quánh trúng , thiệt đây hổng phải là cò ỉa miệng chai thì là gì” ..

  Chỉ huy Tanaka vẫn ngoan cường cứ tiến sâu về Nam , hướng về đảo  Guadalcanal . Ông cố gắng ít nhất cũng phải thả được một ngàn năm trăm quân lên đảo vào lúc bình minh  . Nhưng một mệnh lệnh từ căn cứ Rabaul gửi tới bắt buộc ông phải quay lại đảo Shortland , một hòn đảo nhỏ nằm phía Nam đảo Bougainville thuộc phía Bắc quần đảo  Salamon . Cũng chính nơi đây đã là điểm khởi đầu mà người Hoa Kỳ gọi đùa là “Trạm tốc hành Đông Kinh” , một căn cứ nhỏ mà quân Nhật dùng làm bàn đạp để thẳng tiến vào đảo Guadalcanal .

  Những tổn thất quá lớn vừa rồi khiến cho đầu óc của Tanaka không thể nào nguôi ngoai được , trong lòng ông lúc nào cũng gấp tâm phục hận cho bằng được . Sáng ngày 29 tháng 08 , ông gặp được Tướng Kawaguchi , người sẽ điều động một cánh quân sắp sửa đổ bộ lên đảo Guadalcanal . Tướng Kawaguchi cùng với đạo quân 3 ngàn năm trăm binh sĩ của ông cũng mới vừa tới đảo Shortland không lâu trước đó . Và hiện tại thì ông cũng nóng ruột muốn tìm ngay phương tiện để vận chuyển toàn bộ binh sĩ của mình đến đảo Guadalcanal càng sớm càng tốt . Tanaka chụp ngay cơ hội để mang quân rửa nhục nên hân hoan đề nghị cung cấp ngay cho Tướng Kawaguchi phương tiện vận chuyển . Nhưng ông lại cứ nhất định đòi phải vận chuyển số quân ấy bằng những khu trục hạm cho bằng được mới nghe . Tướng Kawaguchi lại nghĩ chính đây là lý do khiến cho đội quân hơn 900 binh sĩ của Đại tá Ichiki bị địch phát giác và đánh tan nên ông quyết định chống lại ý kiến của Tanaka . Ông viện lý do là số lượng vũ khí và lương thực quá lớn khu trục hạm không thể nào chở hết nên phải dùng đến sà lan hoặc hải vận hạm . Cuộc tranh cải cứ diễn ra hai ngày liền , cuối cùng Tướng Kawaguchi đành bỏ cuộc , chấp nhận ý kiến của Tanaka . Chiều đến ông cho triệu tập các chỉ huy trưởng đơn vị thuộc quyền đến và cho họ biết khu trục hạm sẽ mang họ đến đảo Guadalcanal . Đại tá trung đoàn trưởng Oka nhận thấy như thế sẽ rất nguy hiểm , ông nói “Tôi nghĩ cách tốt nhất mình nên dùng thuyền máy , cứ âm thầm di chuyển len lỏi theo những hòn đảo để tiến” . Và một lần nữa cuộc tranh luận lại diễn ra sôi nổi trong nội bộ chi đội biệt lập của Tướng Kawaguchi . Cuối cùng Kawaguchi đưa ra ý kiến “Tôi sẽ cùng lực lượng chính theo khu trục hạm đổ bộ vào mũi Taivu . Đại tá Oka và phần còn lại của bộ chỉ huy cùng với tiểu đoàn thứ nhất sẽ di chuyển bằng thuyền máy , điểm đổ quân sẽ là phía Tây Bắc của Guadalcanal” Vừa nói ông vừa dùng bút chì đánh hai dấu nhỏ trên tấm bản đồ , một là ở điểm mũi Taivu (nơi mà Đại tá Ichiki đổ quân tuần trước) , nơi đây ông sẽ cùng hai ngàn bốn trăm binh sĩ đổ bộ trước ; và một điểm cách sân bay phía Tây khoảng 10 dặm có tên là Kokum-bona , đó là điểm đổ bộ thứ hai của Đại tá Oka cùng với một ngàn một trăm binh sĩ còn lại . Từ hai điểm đổ quân này họ sẽ cùng tiến vào ngay phía sau sân bay , mục tiêu chính của cuộc tấn công .

  Tướng Kawaguchi nghiêm giọng nói “Anh em , niềm tin của chúng ta sẽ là sức mạnh . Một chiến sĩ chiến đấu dũng cảm thì không bao giờ mất hết tự tin . Trước khi đi vào trận chiến chúng ta phải vượt qua ba trăm dặm đường biển . Với ba trăm dặm đường này cơ may bị địch phát giác và tấn công rất cao , nhưng với ý chí quyết thắng sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả để tiến đến mục đích và chiến thắng cuối cùng” . Khi nhắc đến đội quân đầu tiên đã bị đánh bại của Đại tá Ichiki , họ cũng đổ bộ thành công bằng khu trục hạm tại mũi Taivu . Ông nói “Nhưng chúng ta đã là những binh sĩ dạn dày kinh nghiệm chiến đấu . Chiến trường khói lửa đã dạy cho chúng ta biết bao nhiêu bài học để tự sinh tồn . Chúng ta quyết quét sạch kẻ thù ra khỏi đảo Guadalcanal” . Cuộc họp giải tán , phóng viên nhà báo Nishino bước theo Tướng Kawaguchi ra phía bên ngoài sàn tàu . Phía dưới mặt đại dương trong xanh , những thủy thủ trẻ đang bì bõm bơi lội . Kawaguchi bảo với anh phóng viên nhà báo “Bọn họ cần phải tập luyện không ngừng” . Một anh Trung úy trẻ đứng dựa lan can tàu miệng đang phì phà điếu thuốc ra chiều ung dung nhàn hạ . Tướng Kawaguchi gọi ngay “Ê , Trung úy !” . Viên Trung úy nghe gọi quay lại thì trông thấy mặt ông tướng đang hầm hầm nhìn mình . Anh phát hoảng quăng ngay điếu thuốc và đứng ngay thẳng theo động tác nghiêm chào . Ông Tướng gằng giọng hỏi “Sao anh không vào họp với những người trong ấy ?” Viên Trung úy miệng lí nhí viện lý này lẻ nọ , ông Tướng phát cáu bước tới xô anh nhào tuốt xuống biển . Ông nhìn theo miệng còn càu nhàu “Đồ cái thứ biếng nhác , hổng phạt nó chẳng có biết chừa” . Đoạn ông quay lại nói với Nishino “Trong lúc chiến đấu , nếu anh bị quăng xuống biển , thậm chí cây búa cũng phải biết bơi” .

  Khuya ấy toàn chi đội biệt lập của họ lần lượt chuyển xuống các khu trục hạm và thuyền máy . Nhà báo Nishino theo Tướng Kawaguchi lên chiếc khu trục hạm Umikaze . Khi chỉ còn lại có hai người trong ca-bin , ông Tướng mới bật mí cho Nishino biết là quân đội Hoa kỳ đã thiết lập những hầm trú ẩn rất kiên cố và vũ khí đạn dược cũng như lương thực của họ rất dồi dào gần như là vô tận . Ông tâm sự “Khi chúng ta ngồi xuống mà dùng óc phán đoán mới thấy đây là việc hết sức nan giải . Một mặt trận quá lớn , quá khó khăn mà trọng trách gánh vác lại giao cho một đơn vị quá ít ỏi như của chúng ta . Tái chiếm lại sân bay . Hừm ! Anh có thấy sự thất bại của Đại tá Ichiki là một bài học cho chúng ta hay không ? Nhưng những kẻ tai to mặt bự ở Đông kinh thì lại quá coi thường . Họ bảo rằng hễ quân đội ta đổ bộ thành công lên đảo Guadalcanal thì lập tức thủy quân lục chiến trấn đóng ở đó sẽ buông súng đầu hàng ngay” .

  Lúc 8:25 hồi kèn báo hiệu giờ khởi hành sắp đến . Tám chiếc khu trục hạm tách bến , xếp thành hàng đôi hướng về phía Đông Nam lướt tới với vận tốc 26 hải lý một giờ . Bấy giờ là một ngày cuối cùng của tháng 08 , thời tiết quá xấu , gió và mưa lấn át cả tiếng rì rầm của động cơ . Người hạ sĩ quan hân hoan thông báo cho mọi người biết là cứ an tâm , sẽ không có phi cơ địch tuần tiểu và cơ may bị phi cơ tấn công sẽ không bao giờ xảy ra vì thời tiết quá xấu . Và anh cũng đoán đội khu trục hạm sẽ đến mục tiêu trước lúc nửa đêm .

  Tám chiếc khu trục hạm xả hết tốc lực , bất kể đêm đen mưa dập gió dồn , toàn thân của nó ngã nghiêng theo từng đợt sóng , khi nhô cao khi thì đổ ập xuống , khiến cho toàn thể binh sĩ trong tàu có cảm giác như ruột gan quặn thắt lại từng hồi . Cũng nhờ bọn họ là những binh sĩ từng vào sinh ra tử , quen sống kiếp mưa gió tang bồng , tung hoành lửa đạn nên coi đó như những trò đùa để giải trí mà thôi . Tội cho anh phóng viên nhà báo Nishino thì phải một phen bở vía ruột lộn tùng phèo mửa thốc mửa tháo .

  Cuối cùng thì mũi Taivu cũng hiện ra trước mắt . Xuồng ca-nô và thuyền nhỏ được lệnh hạ thủy , những binh sĩ đầu tiên im lặng bước xuống để vào bờ trong khi các khẩu đại bác trên các khu trục hạm giương cao nòng nhắm thẳng vào rừng cây đen ngòm dọc theo bãi biển sẳn sàng nhả đạn khi cần . Những gì mà anh phóng viên nhà báo nghe được vào lúc này là tiếng thì thào của binh sĩ và tiếng lách cách của súng đạn chạm nhau khi di chuyển . Anh đưa tay nhìn đồng hồ , bây giờ là 9 giờ một phút giờ Đông kinh , anh đã đặt chân lên bãi cát của đảo Guadalcanal .

  Vì tò mò nên Nishino từ từ tiến xa về phía bờ cây , bỗng anh chợt ngẫng người giật mình vì có một giọng ai đó cất lên từ phía trong bóng tối của một lùm cây “Các anh thuộc đơn vị nào đó ?” . Rồi một bóng người xuất hiện , nhìn rõ thì Nishino chợt nhận ra anh ta là một binh sĩ Nhật với bộ quân phục rách nát tả tơi . Rồi một số đông binh sĩ cũng cùng một bộ dạng rách nát xác xơ như anh lính vừa rồi cùng xuất hiện như những bóng ma . Thì ra họ chính là những binh sĩ còn sống sót thuộc chi đội của Đại tá Ichiki .

  Tướng Kawaguchi chào từ biệt vị chỉ huy khu trục hạm rồi hướng dẫn binh sĩ tiến về phía khu rừng trước mặt . Trong bóng tối dầy đặc khiến cho những bước chân của họ như đang bước vào cõi u minh . Người đi trước dò đường , kẻ đi sau nắm vào vai người đi trước mà mò theo , cứ như thế một đoàn dài thậm thượt tiến dần tiến dần sâu vào rừng rậm . Anh nhà báo còng lưng với cái ba lô quá tải đựng lỉnh khỉnh những đồ nghề , cũng phải ráng bước thấp bước cao cùng những binh sĩ len lỏi trong chốn thâm sơn cùng cốc với một màu duy nhất là đêm đen . Đêm đen của căng thẳng hồi hộp và chờ đợi . Đến lúc rựng sáng , khi gà rừng cất tiếng gáy vang là họ đã xâm nhập đến bìa một ngôi làng gần mé biển phía Tây , cách điểm đổ bộ chừng ba dặm . Ở đây họ ăn bửa ăn đầu tiên trên đảo Guadalcanal . Những gói cơm được gói sẳn do Hải quân chuẩn bị cho họ từ hôm qua . Mỗi khẩu phần ăn gồm có cơm trắng , cá khô và thịt bò . Những người lính bộ binh mặt mày sáng rở nhìn vào phần ăn khá tươm tất , họ thầm cảm ơn sự chu đáo của những người lính Hải quân bạn .

  Tuy nhiên bửa ăn sáng của họ cũng được không suông sẻ , bởi vì khi đang dỡ bửa thì có tiếng sủa như điên của con chó mực , con chó mà khi chuyển quân xuống tàu từ căn cứ ở Phi Luật Tân nó đã chạy theo và lội ra tìm chủ của nó là Ueno .

  Lại có tiếng báo động của viên Trung úy “Phi cơ địch” . Tất cả binh sĩ đều bỏ chén bỏ đủa nhào vào những chỗ kín để trốn . Tiếng phi cơ xé gió ầm ì từ xa vọng lại , rồi thoáng chốc có đến hàng tá phi cơ lướt qua . Họ bay thật thấp , thấp đến nổi rừng cây rung chuyển vì sức lướt của gió . Và họ bay thẳng đến hướng mũi Taivu .

  Rồi suốt buổi sáng hôm ấy từng đoàn khu trục cơ , chiến đấu cơ Wildcat và P-40 tiếp nối cất cánh từ sân bay Henderson bay quần dọc theo phía Bắc đảo Guadalcanal để quan sát . Tuy họ không phát giác được gì nhưng bắt đầu dội bom toàn mặt Bắc của đảo . Những trái bom cầu âu được phi công Hoa Kỳ thả xuống bất cứ nơi nào họ thích khiến cho nhóm binh sĩ Nhật phía dưới chẳng biết đâu mà tránh né . Đúng là trời kêu ai nấy dạ . Anh nhà báo Nishino nằm bẹp dí phía dưới một gốc cây bị ngã , lắng tai nghe tiếng xé gió của những quả bom rơi như tiếng người huýt sáo một bản nhạc không bao giờ chấm dứt . Những tiếng nổ kinh động núi rừng cứ liên tục khiến cho anh ù tai choáng váng . Bỗng một tiếng nổ kinh hồn gần đó , cành lá gãy đổ ngỗn ngang . Đây là lần đầu tiên anh tận mắt chứng kiến có gần 10 binh sĩ bị bom đánh trúng chết tại chỗ , xác của họ đầu mình mỗi thứ một nơi khiến cho anh trố mắt chết sững hồi lâu mới hoàn hồn lại được .

  Đêm ấy Nishino lủi vào một căn liều hoang trong cái làng gần đó để ngả lưng qua đêm . Đang lúc thiu thiu thả hồn vào mộng đẹp thì anh bị đánh thức bởi một giọng nói lớn gần như hét “Đội bảo vệ đâu hãy tập họp lại ngay !” . Nishino bàng hoàng ngồi bật dậy thì một giọng khác trỗi lên “Mấy cha nhà báo đâu , trình diện bộ chỉ huy ngay !” Tức thì anh phóng viên nhà báo cùng năm đồng nghiệp khác bật dậy vớ ngay đồ nghề mắt nhắm mắt mở chạy thụt mạng về phía bộ chỉ huy dã chiến của Tướng Kawaguchi ở phía sau đụn cát rất cao sát bờ biển . Tại đây anh thấy binh sĩ súng ống hườm hườm và ai nấy cùng đứng vào vị trí chiến đấu , mắt hướng ra bờ biển . Nishino cũng nhìn theo ra phía đại dương mênh mông . Quả thật có nhiều thuyền máy xuất hiện và họ đang tiến tới chỗ bờ biển nơi họ đang bày binh chờ đợi . Một mệnh lệnh ngắn gọn được vị chỉ huy nào đó nói như hét “Chuẩn bị khai hỏa !” . Tim Nishino như ngừng đập , anh hồi hộp chờ đợi những thuyền đổ bộ càng lúc càng tiến gần . Bỗng chốc anh nhà báo lại lo sợ vu vơ , mình chẳng có được một cái nón sắt che đầu , lỡ sui sẻo lãnh một viên đạn đi đời trước khi chưa quay được một đoạn phim nào thì uổng biết mấy .

  “Bắn !

 Tiếng “Bắn” vừa dứt thì những viên đạn chì thoát khỏi nòng súng bay thẳng vào những thuyền máy vừa cập vào bờ cát , nơi có những cái bóng lố nhố đang chen chúc nhau nhảy lên bờ . Không có tiếng súng trả lời nhưng lại có tiếng la thét lên vì đau đớn “Trời ơi ! Cái vai của tui bị trúng đạn” . Và tiếng thét ấy lại là thổ âm của người Đông kinh . Từ toán quân trên bờ , một tiếng thét vang gần như át cả tiếng súng “Hãy ngừng bắn ngay !” .

  Thì ra đấy là phe ta . Họ là những binh sĩ còn lại từ chi đội độc lập dưới quyền chỉ huy của Đại tá Ichiki thuộc toán đổ bộ lần thứ hai , nhưng vì sự chuyển vận bị trục trặc nên họ mới đến trễ như vậy .

  Phe ta bắn với phe ta , hai chết và tám bị thương . Tai nạn này không ai trách ai cả vì chẳng phe nào được thông báo hay lệnh lạc gì cả . Thế là huề cả làng , nhưng khốn nỗi sau loạt súng vừa rồi vô tình đã báo cho  thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã biết rõ vị trí của họ nên lệnh báo động được ban ra toàn đảo , chỉ trong phút chốc cánh rừng phía Bắc sáng rực lên vì những đợt hỏa châu bắn lên liên tục không ngừng . Những quân nhân vừa mới tới nhập chung với cánh quân của Tướng Kawaguchi chém vè nằm lại khu rừng như cũ . Mặc dù bị địch quân phát giác nhưng Kawaguchi vẫn quyết định không chịu di chuyển đi nơi khác vì ông phải đợi cánh quân đổ bộ bằng thuyền máy của Đại tá Oka . Đến bây giờ ông mới tự hỏi tại sao lúc trước mình lại lệnh cho hắn di chuyển bằng thuyền máy , một loại thuyền chạy chậm chỉ nhanh hơn con rùa mà thôi . Ngày lại ngày nằm chờ , nằm mà đếm phi cơ Hoa Kỳ đến dội bom rồi bay đi , nằm lì một cách vô ích chỉ thấy binh sĩ càng lúc càng hao hụt vì những trái bom đánh cầu âu mà trúng đích . Thét rồi họ sợ quá nên không dám đốt lửa nấu cơm , để dằn cái bao tử xẹp lép họ phải nuốt đỡ trái cây và cả gạo sống .

  Lúc 3 giờ chiều ngày 04 tháng 09 , cuối cùng rồi thì cánh quân của Đại tá cũng tới được điểm đổ bộ dự định , họ dùng tín hiệu liên lạc với nhau . Tướng Kawaguchi ra lệnh cho Trung úy Nakayama dẫn ba binh sĩ xuyên rừng đi bọc vòng phía sau sân bay để bắt tay với đội quân bạn và hướng dẫn họ tới vị trí hẹn gặp của hai đội quân để cùng hiệp lực tấn công . Sở dĩ ông phải làm như vậy vì liên lạc với nhau bằng vô tuyến điện rất nguy hiểm , địch sẽ phát giác và mưu toan sẽ bại lộ ngay .

  Ông tuyên bố rằng trận đánh có thành công hay không thì phải tùy thuộc vào hai đội quân cùng tấn công đúng thời điểm . Ông lệnh cho Trung úy Nakayama nội trong hai ngày phải hoàn thành nhiệm vụ và họ gấp rút lên đường ngay . Chiều hôm ấy , ngày 06 tháng 09 , Kawaguchi chỉ để lại 300 binh sĩ canh phòng bờ biển và trông coi những đụng hàng tiếp liệu như thực phẩm và đạn được . Số còn lại cộng thêm 1000 quân của Đại tá Ichiki hợp nhau băng rừng để tiến tới mục tiêu là sân bay Henderson .

  Thình lình ngay lúc ấy bỗng có nhiều tàu chiến xuất hiện ở ngay bãi biển . Họ đến quá gần bờ đến nổi Tướng Kawaguchi còn nghe được tiếng động cơ rù rù và văng vẳng bên tai , hòa theo tiếng gió ông còn nghe tiếng viên chỉ huy trưởng ra lệnh cho thuộc cấp , khẩu lệnh của họ dù nghe thoang thoáng tiếng được tiếng mất nhưng rõ ràng đó là ngôn ngữ của tiếng Anh . Thôi không còn lầm được nữa , họ đích thị là kẻ thù rồi . Nhà báo Nishino khe khẻ nhìn qua khe núi , dưới ánh trăng trung tuần vằng vặt , đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy hạm đội Hoa Kỳ . Họ tất cả là một tuần dương hạm , 5 khu trục hạm và năm hải vận hạm . Chiếc tuần dương hạm chạy dọc theo bờ biển tiến tới mũi Tây tức sân bay Henderson , theo sau là những hải vận hạm và đoàn khu trục hạm . Kawaguchi tiên đoán là họ vừa đổ quân để bất thần đánh úp ở ngôi làng mà ông và đoàn quân vừa rời khỏi . Và ông cũng hy vọng với 300 quân còn để lại họ có thể cầm chân địch . Tuy nhiên ông cũng chẳng chia bớt cánh quân của mình để quay lại giúp đỡ họ .

  Nhưng không có một lực lượng Hoa Kỳ nào đổ bộ cả . Đoàn công-voa ấy đến từ Noumea , họ tiếp tế lương thực đạn dược thêm cho Tướng Vandegrift . Cho đến đêm sau mới thật sự có nhiều thủy quân lục chiến đổ bộ lên Tasimboko . Tasimboko nằm gần mũi Taivu , nơi quân Nhật đã đổ bộ và nằm ngay phía trên ngôi làng . Tức thì lực lượng 300 quân ở lại của Tướng Kawaguchi bắt buộc phải dàn đội hình ra để phòng thủ . Cuộc chạm súng diễn ra không lâu , vì thế yếu nên họ túng quá phải bỏ lại kho lương thực mà rút sâu vào rừng trước khi hạ được hai thủy quân lục chiến . Tức thì quân Hoa kỳ tràn lên lục soát bộ chỉ huy dã chiến , họ tịch thu được toàn bộ giấy tờ của Tướng Kawaguchi và thậm chí cả bộ quân phục của ông .

  Đây xin nhắc lại Đại tá Oka , cánh quân của ông đã đặt chân lên một nơi chỉ cách sân bay Henderson 30 dặm sau khi bị gió bão quật nghiêng ngã tơi bời và phi cơ Hoa Kỳ bắn phá dữ dội . Trên chuyển hải hành đầy tang thương chết chóc chỉ kéo dài khoảng một tuần lễ mà cánh quân của ông phải bỏ lại vĩnh viễn 650 người . Với số quân còn sống sót là 450 binh sĩ nhưng tinh thần họ thảy đều bị khủng hoảng trầm trọng , đồ ăn thức uống không còn và súng đạn thì mất mát hao hụt quá nhiều . Khả năng chiến đấu của họ coi như không còn nữa .

  Trong khi ấy thì Tướng Kawaguchi cứ vẫn đinh ninh rằng lực lượng của Đại tá Oka còn nguyên vẹn , và ngày 08 tháng 09 theo lời đã hẹn trước thì Oka sẽ cho tề tựu sĩ quan chỉ huy gần mũi Koli (mũi Koli nằm ở đoạn chính giữa của mũi Taivu tức điểm đổ quân và sân bay để cho Kawaguchi phổ biến kế hoạch tấn công .

  Nishino đứng kế bên ông Tướng dưới trời mưa phùn lất phất , tay anh hí hoáy ghi ghi chép chép trên một quyển sổ nhỏ . Kawaguchi đưa mắt nhìn lên bầu trời đen đục , nhìn lại khu rừng ven bờ biển , một đoạn đường đầy chông gai trước mắt đang chờ ông . Theo như kế hoạch của ông đã phát thảo ra từ khi còn ở Shortland thì đoàn quân của ông là lực lượng chính , sẽ hành quân từ điểm đổ bộ dọc theo bờ biển xuyên qua mũi Koli , điểm hẹn gặp Đại tá Oka để phổ biến kế hoạch tấn công . Rồi từ đó họ sẽ tiến theo bờ biển đến khi gặp con sông tên gọi Tenaru (con sông này nằm song song với con sông I-lu nơi Đại tá Ichiki bị Hoa Kỳ phục kích lúc đang vượt sông) và từ đó họ theo bờ sông tiến lên phía thượng nguồn khoảng hai dặm . Họ sẽ đặt vài khẩu đại pháo ở đây . Cánh quân sẽ vượt qua hai con sông nhỏ Tenaru và I-lu để từ đó tiến sâu về phía Nam rồi mới bọc hậu phía sau sân bay . Trong khi Đại tá Oka với 1,100 binh sĩ tiến vào phía Tây của sân bay nằm chờ . Đến lúc vài phút trước 9 giờ tối ngày 13 tháng 09 , những khẩu đại pháo sẽ thả đạn vào sân bay để đánh lạc hướng địch quân , đồng thời phi cơ oanh tạc của Hải quân cũng từ biển bay vào oanh tạc . Đúng 9 giờ thì cả hai toán quân Nam và Tây sẽ đồng loạt nổ súng tấn công vào .

  “Chúng ta sẽ giành lại sân bay trong tay địch quân bằng lối đánh bất thần này”  Đứng giữa những sĩ quan thuộc cấp , ông Tướng tuyên bố với giọng đầy tự tin . Mưa vẫn rỉ rả không ngừng , hàm râu mép vuốt ngược lên như ngạnh trê của ông tướng bị ướt sũng nên nặng nề cong quặp xuống nên trông ông có vẻ xuôi xị . Rồi ông lại lấy giọng nói tiếp “Như các anh em đã biết đó . Hoa kỳ dồi dào nhân lực lẫn vật lực , có thể nói là họ mạnh hơn chúng ta . Trước nhất là không quân của họ mình không thể đánh giá chúng được . Binh sĩ của chúng ta bắt buộc phải vượt qua những địa hình phức tạp đầy khó khăn trước khi lâm trận . Chúng ta rõ ràng là đang đối diện với một mặt trận chưa từng trãi qua . Vì vậy , các anh em thân mến . Tôi và các anh em khó có thể hy vọng gặp lại nhau sau khi trận chiến kết thúc . Đây chính là lúc chúng ta ra sức cống hiến chút tài hèn sực mọn cho non sông gấm vóc , cho Thiên Hoàng kính yêu của chúng ta” .

  Mọi người đồng thanh hô to khẩu hiệu “Tất cả vì vinh dự của quốc gia , vì Thiên Hoàng kinh yêu mà chiến đấu không ngại hy sinh” . Một chai rượu được khuôi vội , Kawaguchi tự tay rót ra từng nấp và trao cho những vị sĩ quan thuộc cấp đang đứng bu quanh . Ông nói “Anh em hãy uống với tôi để chúc mừng chiến thắng” .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế