Trận chiến đảo Guadalcanal

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thông tín viên Nishino , một trung niên 37 tuổi , người mảnh khảnh cao , bộ tướng yếu đuối và vẻ mặt trông dễ có cảm tình . Anh đã trãi qua những tháng ngày khó khăn chật vật ở chiến trường mênh mông Trung Hoa để săn tin cho một tờ báo mà anh đang cộng tác , tờ báo mang tên Mainichi . Sau khi trận Trân châu cảng vài tháng , ban biên tập quyết định gửi Nishino sâu xuống vùng Nam Á , nơi mà quân đội Nhật Bản đang mở rộng chiến dịch Nam tiến . Chỉ với 25 ngàn Yen tiền ứng trước , Nishino bất kể an nguy tính mạng , anh hăng hái nhận lời ngay .

  Sau đó Nishino tháp tùng cùng với một đội ngũ phóng viên khác gồm 8 người cùng theo cánh quân Nam tiến để đến Davao , một hải cảng chính phía Nam Mindanao . Nhưng cho đến một tuần sau khi đến Davao , tức ngày 07 tháng 06 Nishino mới nghe người ta bảo cánh phóng viên của anh sẽ được di chuyển theo lộ quân 17 Lục quân đến New Caledonia . Tuy nhiên họ cũng chẳng bao giờ đặt chân đến đó , vì chỉ ba ngày sau thì một bản tin mới đưa đến từ Đông kinh , một làn sóng khích động mãnh liệt , nó lôi cuốn hầu hết các sĩ quan và binh sĩ hiện đang có mặt nơi đây . Đó là tin chiến thắng Midway . Tám anh nhà báo , dĩ nhiên trong đó cũng có mặt của Nishino , cùng tham dự một buổi tiệc mừng do các sĩ quan tùy hứng tổ chức ngay tại phòng tiếp tân của khách sạn mà họ đang cư ngụ .

  Một trận động đất dữ dội xảy ra đâu đó khiến bàn ghế rung chuyển ngã nghiêng nhưng vẫn không làm cho những con người đang hăng say với men chiến thắng run sợ , họ vẫn cười nói huyên thuyên như chẳng có gì xảy ra cả .

  Nishino cũng cùng tham gia ăn uống một chốc , nhưng sau vài ly rượu mạnh anh cảm thấy hơi nóng mặt nên lặng lẻ đến bên góc phòng yên lặng , ngồi hút thuốc . Sẳn có tờ báo đặt bên cạnh , đó là tờ báo gửi tới từ Đông Kinh với đầy đủ tin tức chiến thắng ở Midway . Vì tò mò nên Nishino vớ lấy đọc ngấu nghiến . Càng đọc anh càng thấy có nhiều điểm đáng ngờ . “Đây là một bài tường thuật khá mơ hồ không đáng tin cậy” , Nishino lẩm bẩm một mình rồi anh bỏ về phòng , ở đó có sẳn cái radio , anh định bụng là lén nghe đài phát thanh Hoa Kỳ để xem họ nói gì về mặt trận này . Sau một lúc lâu rà tới rà lui , cuối cùng thì Nishino cũng bắt được sóng của đài phát thanh San Francisco , giọng thanh tao của một xướng ngôn viên nữ đang đọc bản tin tường thuật Hải quân Hoa Kỳ vừa giành được một chiến thắng oanh liệt ở Thái Bình Dương . Thoạt đầu , khi mới nghe qua thì Nishino vẫn cho đó là một bản tin tầm thường nặng nét khoa trương cố hữu đúng theo đường lối tuyên truyền , nhưng đến lúc nghe người xướng ngôn đi vào chi tiết trận đánh , cô đọc tên vanh vách những đơn vị tham chiến ở Midway và kê rõ từng tên của bốn hàng không mẫu hạm Nhật bị đánh chìm , thì lúc ấy Nishino mới kinh ngạc và nhận ra đây có lẽ là sự thật . Anh thầm nhủ “Thôi đúng rồi , quả thật Yamamoto đã bị Hoa Kỳ đánh tan tác rồi” . Tiếng ồn ào cười nói từ tầng phía dưới , nơi nhóm sĩ quan vẫn còn vui say nhậu nhẹt ăn mừng chiến thắng vẫn vang vọng không ngừng làm Nishino cảm thấy khó chịu không ít . Anh thì thầm “Họ đúng là ăn mừng cho một chiến công tưởng tượng” . Định bụng sẽ nói cho bọn sĩ quan này nghe hết những sự thật , những gì mình vừa được nghe trên radio , nhưng Nishino kịp thời nghĩ lại “Không được , đây là một việc làm dại dột . Họ không bao giờ tin mình và có khi còn cho Hiến binh của họ bắt mình nhốt nữa không chừng” .

  Và sự nghi ngờ của Nishino cuối cùng rồi cũng được câu trả lời xác đáng . Hai tháng sau , khi lộ quân 17 cùng nhóm phóng viên nhà báo chuẩn bị lên đường – không phải tới New Caledonia như họ từng dự định mà lại tiến tới một hòn đảo trong quần đảo Solomon . Hòn đảo này không có trong bản đồ , nó có một cái tên dài thườn thượt là Gadarukanaru .

  Nhưng với người Anh , hòn đảo này còn được gọi là Guadalcanal . Khi chiến tranh bắt đầu , quân đội Hoa Kỳ lại rất quan tâm ở điểm chiến lược này , thành thử đã có nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi giữa Lục quân và Hải quân về vai trò quan trọng của một hải đảo xa xôi biệt lập , một ưu thế tiến quân lý tưởng từ vùng Nam Thái Bình Dương . Ở đây , người viết cũng xin dành chút thì giờ để nói rõ hơn về hòn đảo này . Khi nghe đề cập đến cái tên quá xa lạ là Guadalcanal thì người ta lại hỏi nhau rằng “Cái địa danh lạ hoắc lạ quơ này chỉ chỗ nào nhỉ ?” . Phải mở cuốn Grand Atlas mới thấy được , đó là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Solomon , cũng như những đảo khác cùng mang những tên có âm hưởng của Tây Ban Nha như : Santa Cruz , San Cristobal, Malaita, Santa Isabel v.v .Đặc biệt vị trí của hòn đảo này cách xa về phía Nam của quần đảo Solomon , là một điểm lý tưởng có thể tạo thành một căn cứ xuất phát cho một mũi tấn công sắp đến của Nhật nhắm vào New Hébrides, nơi quân đội Mỹ vừa đưa quân đến đồn trú .

  Viên tướng Nhật chiếm hữu quần đảo nhỏ Tulagi đối diện với, Guadalcanal, thấy quần đảo này hoàn toàn không thích đáng cho việc xây cất một phi trường, do đó theo sáng kiến riêng, ông đã phái các toán tuần thám lên các đảo kế cận để tìm kiếm một thế đất trống và dễ dọn dẹp hơn . Và họ đã bắt đầu để ý đến địa hình của đảo Guadalcanal , một hòn đảo lý tưởng để xây dựng một phi trường . Đây là phi trường quân sự , một tiền đồn xa nhất ở cực Nam của Nhật Bản mà đơn thuần chỉ là một căn cứ dùng cho Hải quân làm điểm để tiến vào vùng quần đảo Solomon .        

  Guadalcanal có hình dáng như một con sâu dài 92 dặm , ngang 33 dặm mà chiếc lưng có ngấn là do hàng chục con sông đổ ra cửa biển. Nếu đảo Tulagi và các đảo kế cận có vẻ quyến rũ và đẹp như tiên cảnh bao nhiêu thì Guadalcanal lại ủ dột và khắc khổ bấy nhiêu. Một dãy núi đá cao ngất chạy từ đầu đến cuối đảo. Trong đoạn chính giữa của dãy núi này nhiều ngọn đã vượt cao lên đến 2.500 thước. Nhìn từ ngoài khơi, hòn đảo xuất hiện như một khối màu lục và xanh biếc, phủ đầy các đám mây tích tụ nhiệt đới trắng nõn bám thường trực các chỏm núi. Viền quanh bờ biển là những dãy bọt trắng của những lượn sóng dài vỡ tan khi xô vào đỉnh các bãi san hô chìm khuất một nửa dưới lớp phù sa do các con sông mang xuống. Chính trên vùng bờ biển phù sa phía bắc này mới có loại cây được người địa phương trồng như khoai lang , xoài và dừa . Đặc biệt dừa ở đây thân cây đạt đến kích thước khổng lồ . Ngoài ra ở khắp mọi nơi trên đảo , núi đá chạy ra sát tận biển và nhiều đá ngầm lẫn san hô cùng khắp .

  Ngay từ các dãy núi đâm ngang ra đến biển là bắt đầu một khu vực rừng rậm nằm giữa những cánh đồng lầy rồi dần dần nhường chỗ cho rừng già. Rừng quái gở khủng khiếp gồm toàn cây cối thậm cổ xưa mà cành lá đan vào nhau nhọn đến ngọn tạo thành một chiếc vòm màu xanh liên tục không bao giờ mặt trời có thể xuyên qua được. Một lớp dây leo khổng lồ, cây dứa hoang và cây đước đen, dày đặc rối bù, nẩy nở trong không khí nóng bức ẩm thấp quanh năm . Phía dưới là một lớp lá cây mục nát thật dày chỉ có côn trùng và loại thằn lằn sinh sống .

  Trong phần chính giữa của bờ biển phía bắc nơi có những cửa sông lớn nhất , cánh đồng phù sa trải dài hàng 4 hay 5 cây số vào sâu bên trong. Chính tại đó, giữa hai con sông Lunga và Tenaru, những binh sĩ tuần thám Nhật đã chọn lựa thế đất thuận tiện. Nó sẽ trở thành điểm chính yếu của những trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc chiến .

  Năm 1567 , một thủy thủ người Tây Ban Nha tên gọi Don Alvaro de Mendaria , cởi thuyền từ Pê-ru sang quần đảo Solomon với mục đích tìm vàng . Sau hơn mười một tuần băng rừng vượt thác dọ dẫm khắp mọi nơi nhưng cuối cùng rồi ông cũng chỉ tìm được những loại thảo mộc nhiệt đới xa lạ . Ông đặc tên cho nó là Solomon . Vì ở vùng hải đảo này không có mỏ vàng nên từ đó rất ít người chiếu cố đến nó . Thổ dân ở đây là người da đen , họ không thích sự có mặt của những người khách da trắng kỳ quặc nên lúc nào cũng muốn đánh đuổi họ đi dù họ rất ít khi ghé lại hoang đảo này . Cho đến năm 1896 , khi những cuộc chạm trán quan trọng xảy ra giữa Tây và Đông , giữa những thổ dân và những kẻ đi tìm thuộc địa thì những người lính viễn chinh Albatros , được bảo trợ bởi hội địa chất của Vienna , họ ghé lại Guadalcanal và bắt đầu mở cuộc hành quân xuyên qua cánh rừng già để tiến về phía ngọn núi ở ngay giữa đảo . Ngọn núi này có tên là Tatuve . Khi những người lính Áo này đang chuẩn bị đo chiều cao của ngọn núi thì có một nhóm thổ dân xuất hiện . Họ cảnh cáo rằng đây là chốn linh địa thiêng liêng của lãnh thổ , nơi mà những vị Thần linh tụ hội để ban phúc lành cho dân chúng trong vùng , nó là một khu vực bất khả xâm phạm , không một ngoại nhân nào được phép đặc chân đến .

  Nhưng các chiến sĩ ấy lại lờ đi cứ tiếp tục công việc đo đạc , trong khi người chỉ huy là một nhà địa chất lỗi lạc Heinrich cố gắng giải thích là họ là những người đến từ phương xa với mục đích là để trèo lên đến đỉnh của ngọn núi , và bây giờ họ đã đến dĩ nhiên mục đích cũng phải đạt cho bằng được mới thôi .

  Sáng sớm hôm sau , khi đoàn thám hiểm đang dùng bửa điểm tâm thì vô số thổ dân với gậy gộc cung tên , âm thầm tiến tới vị trí đóng quân của họ và tỏa ra bao vây tứ phía . Một điều đặc biệt là phong tục của những thổ dân ở đây là họ rất kính trọng bửa ăn vì vậy khi thấy bọn người lạ mặt đang ăn , dù bực tức đến đâu họ cũng phải kiên nhẫn đứng chờ đến bao giờ xong bửa ăn rồi mới ra tay . 

  Một nửa tiếng đồng hồ sau thì xảy ra một trường ác chiến . Kết quả hai phía đều bị thiệt hại . Đám người thám hiểm bỏ lại sáu đồng đội trong đó có vị chỉ huy tài ba . Và đây là cuộc chiến đầu tiên mà cũng là cuộc chiến cuối cùng trên đảo Guadalcanal , cho đến khi quân Nhật xuất hiện .

  Khi khói lửa ở Trân châu cảng bốc lên ngùn ngụt thì Guadalcanal nằm trong tầm ảnh hưởng của Úc đại lợi . Trọng tâm của guồng máy hành chánh đều đặc ở đảo Tulagi , ở một nơi mà sự sinh hoạt ồn ào náo nhiệt hơn so với một hải đảo hoang sơ chỉ có cây rừng và núi đá đứng lặng im trơ gan cùng tuế nguyệt . Ở một nơi mà dân cư sinh sống rất thưa thớt , hầu hết đều là những nhà truyền giáo đến từ phương Tây mà đa số trong bọn họ vẫn còn nơm nớp lo âu cho cái đám thổ dân mà đầu óc họ còn chìm đắm quá sâu trong dị đoan mê tín này .

  Martin Clemens , một cựu lực sĩ điền kinh là một trong những vị sĩ quan có nhiệm vụ giữ gìn an ninh ở đây . Sau khi Nhật chiếm đóng không bao lâu thì ông và bốn cộng sự khác trốn thoát và cố bám vào một nơi hẻo lánh trên đảo Guadalcanal để giữ một nhiệm vụ dọ thám bờ biển cho Hải quân Úc . Họ dùng sóng radio báo cáo về thẳng Ban giám đốc sở tình báo Hải quân Úc về những tàu đổ bộ và hoạt động của phi cơ Nhật . Đây tuy là một nhóm nhỏ nhưng họ hoạt động rất tinh vi khéo léo khiến quân Nhật không thể nào phát giác ra được . Họ ăn mặc và sinh hoạt cũng giống như những cư dân đã sống ở đây trong một thời gian rất dài . Chính họ đã cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình địch quân , 2 ngàn hai trăm ba mươi người Nhật đang có mặt trên đảo , đa số đều là nhân công và kỷ sư . Họ sắp sửa hoàn tất một sân bay cho Hải quân nơi phía Bắc hải đảo . 

  Vào trung tuần tháng 3 , hai lực lượng tiến công được thành lập bởi bộ tham mưu liên quân ở Melbourne , Úc đại lợi . Tướng Douglas Mac Arthur chỉ huy mặt trận vùng Nam Thái Bình Dương gồm có Phi Luật Tân , vùng biển Nam Hải , vịnh Thái Lan , Đông Ấn , Úc đại lợi và quần đảo Solomon . Phần còn lại trên Thái Bình Dương , cộng thêm quần đảo Marshalls , Carolines và Marianas thì nằm dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Nimitz , bộ chỉ huy đặc tại Trân châu cảng

  Sự thành hình của hai lực lượng này , ngay từ đầu phía liên quân của đồng minh cũng như những nhà quân sự tại Đông Kinh đã nổ ra những cuộc tranh cải không dứt .

  MacAthur lên tiếng cảnh cáo rằng trên vùng biển mà ông chịu trách nhiệm có thể sẽ là một chiến trường khốc liệt hơn vì Nhật Bản đang tập trung hầu hết lực lượng ở đây , vì thế ông cần phải có một lực lượng nhiều hơn so với Đô Đốc Nimitz để cân bằng cán cân với lực lượng địch .

  Sau khi Hải quân Hoa Kỳ dành được một chiến thắng vang dội ở Midway , MacArthur càng nhìn thấy rõ viễn ảnh chiến thắng gần kề . Ông điện về Hoa Thịnh Đốn để trình bày một kế hoạch khá lạc quan là trong vòng vài tuần lễ nữa binh sĩ của ông sẽ tràn qua New Ireland và New Britain (hai hòn đảo nằm phía Bắc quần đảo Solomon) để đẩy lùi địch quân về căn cứ của họ ở đảo Truk (một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Caroline , nằm ở phía Bắc quần đảo Solomon) . Như kế hoạch này , dù trong tay MacArthur đã có 3 sư đoàn bộ binh . Ba sư đoàn này gồm 2 sư đoàn thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và một sư đoàn 7 Úc đại lợi , nhưng do yêu cầu của chiến trường , ông xin tăng viện thêm một sư đoàn nữa . Điều cần nhất là phải một sư đoàn thủy quân lục chiến được huấn luyện để đổ bộ bằng xe lội nước và dĩ nhiên là phải trang bị các quân cụ thích nghi . Thêm vào đó Tướng Arthur còn yêu cầu thêm hai hàng không mẫu hạm nữa .

  Đô đốc Nimitz và King tức thì lên tiếng chống đối lại kế hoạch của Arthur , nhưng bộ tham mưu lục quân và tham mưu trưởng là  Tướng Marshall lại ủng hộ mạnh mẻ . Một điều dễ hiểu là tại sao Hải quân lại cực lực phản đối kế hoạch của ông Tướng Lục quân vì cùng thời gian này họ cũng đang âm thầm phát họa một chiến dịch khác . Một chiến dịch mà lực lượng Hải quân giữ vai trò chủ yếu , lục quân cùng những cánh quân đổ bộ chỉ đóng vai yễm trợ . Nói một cách khác là Mac Arthur chỉ giữ vai phụ cho Hải quân đánh giặc mà thôi . 

  Dĩ nhiên là Tướng Mac Arthur không thể nào chấp nhận cách chọn lựa này . Chỉ một lực lượng có sẳn trong tay ông cũng có thể tự mình xua quân Bắc tiến , vì đây vốn đã là khu vực chịu trách nhiệm của ông ta .

  Cuộc tranh cãi giữa Hải quân và Lục quân diễn ra thật gay go nhưng kết quả chẳng đi đến đâu , cuối cùng việc phải đưa lên các thẩm quyền cao hơn quyết định . Đô đốc King đề nghị một giải pháp dung hòa : Lực lượng thứ nhất được đặt dưới quyền điều động của Đô đốc Nimitz sẽ tiến chiếm căn cứ không quân của Nhật ở Tulagi vào thượng tuần tháng 08 . Tulagi là một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Solomon , nằm ở vị trí 20 dặm phía Bắc Guadalcanal . Lực lượng thứ nhì và thứ ba do Mac Arthur toàn quyền chỉ huy , họ có nhiệm vụ tiến chiếm những hòn đảo còn lại của quần đảo Solomon và bờ biển phía Tây Bắc của New Guinea cùng căn cứ Rabaul ở đảo New Britain .

  Tin bên trời Âu mặt trận Tobruk và Rommel vừa bị thất thủ khiến Hoa Thịnh Đốn xốn xang bàng hoàng . Kế đến vào ngày 02 tháng 07 , cùng một ngày chiến dịch ở Thái Bình Dương được tổng tham mưu liên quân đồng ý chấp thuận thì lại có thêm hai tin dữ đua nhau bay về Tòa Bạch ốc : mặt trận Sevastopol ở Crimea đã bị quân Đức tràn ngập và vùng Bắc Phi , bát lộ quân của Anh bắt buộc phải triệt thoái về cửa ngỏ Alexandria . Cái gì sẽ xảy ra khi quân Đức vượt qua được phòng tuyến Caucasus để bắt tay với Rommel ? Một câu hỏi đáng ngại mà các giới chức Hoa Kỳ nêu lên là thế thượng phong đang nghiêng về phe trục thì chiến trường Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng như thế nào . Phe Đồng minh , với những thất bại liên tiếp ở chiến trường Âu châu , cộng vào đó là sự tổn thất nặng nề , chỉ trong tháng 06 thôi đã có tới 627 tấn chiến cụ bị địch đánh chìm trong vùng biển Đại Tây Dương . Và số lượng ấy sẽ còn tăng thêm lên trong những tháng ngày kế tiếp . Tình trạng tồi tệ đến nổi Marshall cảm thấy quá bi quan , ông chợt thảng thốt kêu lên “Đây quả là những tháng ngày dài đen tối nhất !” .

  Duy chỉ có những cánh quân đồng minh đang hiện diện ở chiến trường Thái Bình Dương thì tỏ ra lạc quan hơn . Họ đều tập trung hy vọng vào kế hoạch tiến chiếm Tulagi , một hòn đảo mà Nhật Bản đã chiếm giữ hồi tháng 05 . Cho đến bây giờ đảo Guadalcanal vẫn nằm ngoài kế hoạch hoặc chỉ là một mục tiêu phụ để chiếm lấy nó của quân đồng minh . Vị sĩ quan được Đô Đốc Nimitz đề cử vào chức vụ chỉ huy lực lượng thứ nhất là phó Đô đốc Robert Ghormley . Trong buổi hội kiến để nhận lãnh nhiệm vụ cùng với Tướng Mac Athur ở Melbourne , Ghormley đã nghe loáng thoáng rằng kế hoạch ra quân sẽ là ngày 07 tháng 07 .

  Một chiếc thủy phi cơ tuần thám quanh bầu trời phía Nam của quần đảo Solomon . Trời trong xanh nước cũng trong xanh , phía dưới những hải đảo nằm rãi rác như những con khủng long nằm im lìm hong nắng đại dương . Dưới mắt của viên phi công thám thính thì cảnh vật thật yên lặng và trống vắng như mọi ngày . Anh cho phi cơ hướng về phía Nam , bỗng xa xa phía dưới , ẩn hiện sau đám mây trắng , anh trông thấy có vài tàu vận tải nhỏ di chuyển dọc theo bờ biển Guadalcanal . Vì tò mò nên anh cho phi cơ đến gần hơn để dễ quan sát . Nhờ vùng trời ở đây có nhiều mây che nên không ai có thể phát giác ra chiếc thủy phi cơ quan sát đang ở ngay trên phía đỉnh đầu . Một đoàn xà lan vận chuyển vật liệu và hàng đoàn nhân công người bản xứ đang di chuyển ra vào như đang thi công một công trình gì vậy . Anh phi công tự hỏi bọn người này đang làm gì đây ? Khi chiếc phi cơ di chuyển dọc theo phía sau của dãy núi , vừa nhô đầu ra khỏi đỉnh núi thì nơi phía dưới là một bãi đất rộng , nơi ấy có rất nhiều xe ủi đất đang hoạt động dưới bóng dừa . Viên sĩ quan tham mưu của Mac Arthur nãy giờ ngồi im lặng bên cạnh anh phi công để tâm xem xét , thôi rõ ràng là quân Nhật đang cho xây một phi đạo . Biết chắc chắn là như vậy rồi nên vị Đại tá ra lệnh cho anh phi công cất lên cao bay trở về căn cứ .

Vài giờ sau, khi bản điện văn của viên Đại tá được gửi đến bản doanh Melbourne, không khí tại Bộ tham mưu lại trở nên căng thẳng . Họ phải mất cả tiếng đồng hồ mới khám phá ra điểm bí mật do các phi công chỉ định trên bản đồ cũ kỹ của Anh. Sau đó người ta lục lạo các huấn thị hải vụ và cuốn Guide Blue về các vùng biển phía nam. Vì kết quả thu lượm được không có là bao, Mac Arthur cho tìm kiếm tất cả những người Anh tị nạn đã từng ở trong vùng này. Những lời khai mơ hồ của họ ít ra cũng phù hợp được ở một điểm: cửa sông Lunga là một cảnh trí man rợ do các đỉnh san hô cắt ngang và chung quanh bị bao bọc bởi một khu rừng rậm không thể nào đi xuyên vào được, nơi đó khí hậu thật dễ sợ. Tóm tắt, đó là địa điểm cuối cùng của trái đất mà một phi trường đang được xây cất. Vốn hay khinh thường các tin tức không báo, Mac Arthur tin lời các cư dân Anh hơn là bản điện văn của các phi công chiếc Catalina. Do đó ông ra lệnh thám sát một lần nữa để xác nhận tin này.

  Nhưng tin tức cũng đã được đưa đến Auckland, nơi mà Bộ tham mưu của Ghormley, vốn biết rõ địa hình khu vực quần đảo Solomon hơn, định ngay được vị trí cửa sông Lunga và cánh đồng phù sa chẳng khó khăn gì. Một điện văn được hoả tốc gửi về Hoa Thịnh Đốn, đề nghị thực hiện gấp cuộc hành quân chiếm Tulagi và bổ túc thêm bằng cuộc đổ bộ đột ngột lên Guadalcanal để chiếm hữu phi trường quí giá đang được xây cất ấy trước khi quân Nhật kịp sử dụng . Cuộc hành quân qui mô này có tên là WatchTower .

  Sự cả tin của Hải quân Nhật đã dẫn đến một thất bại bi thảm ở mặt trận Midway . Và cho đến thời gian này bộ chỉ huy Hải quân của họ cũng chẳng bao giờ ngờ rằng chính ở vùng cực Nam Thái Bình Dương , quân đội Đồng Minh đang tập trung lực lượng để mở những cuộc phản công qui mô . Cho đến khi một phát giác không ngờ đã làm cho những vị chỉ huy quá lạc quan này phải lúng túng .

  Trung Úy Hanruki Itoh , nhân viên điện đài ở trung tâm tình báo Hải quân đóng ở Đông Kinh . Vào khoảng thời gian cuối tháng 07 , toán trực của anh vô tình chận được tầng số liên lạc của phe đồng minh ở vùng Nam Thái Bình Dương . Những tầng số liên lạc này xuất phát từ Trân châu cảng đến những trạm liên lạc ở rải rác vùng biển phía Nam , Itoh suy ra đây có lẽ là những bộ chỉ huy của những lực lượng đặc nhiệm địch vừa mới thành lập . Và sau nhiều lần dò tìm Itoh đã tìm ra vị trí chắc chắn của những trạm liên lạc ấy , một ở Noumea thuộc New Caledonia và một ở gần Melbourne Úc đại lợi . Itoh tiên đoán trạm thứ nhất là bộ chỉ huy của Đô đốc Ghormley và trạm thứ hai là căn cứ quân sự của quân đội Anh hoặc Úc . Do đó Itoh cùng những nhân viên đồng sự đồng đi đến một kết luận chung là quân đồng minh đang chuẩn bị tấn công quần đảo Solomon hoặc New Guinea . Họ vội vàng báo động ngay với hai căn cứ ở Truk và Rabaul nhưng trớ trêu làm sao , cả hai căn cứ này đều bỏ ngoài tai không tin vào những dữ kiện vừa bắt được .

  Dù trên danh nghĩa là một chỉ huy của chiến dịch mang tên Watch-Tower , Đô đốc Ghormley một mình khó có thể thực hiện tất cả kế hoạch điều động cũng như chiến thuật hành quân . Ông giao cho phó Đô đốc Fletcher lãnh một phần trách nhiệm . Fletcher là người đã từng xông pha ở hai trận chiến biển San Hô và Midway nên kinh nghiệm đối đầu với Nhật Bản sẽ giúp cho chiến dịch rất nhiều .

  Fletcher sẽ đảm nhận trách nhiệm hành quân xông trận . Tuy nhận lãnh nhiệm vụ nhưng ông lại là người không tỏ ra hăng hái . Vì ông cho rằng với một lực lượng còn quá rời rạc yếu ớt và sự chuẩn bị quá vội vàng hấp tấp nên đó có thể là một mối nguy hiểm lớn , một yếu điểm không chấp nhận được .

  Ngày 26 tháng 07 , Fletcher cho triệu tập toàn bộ chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh đến soái hạm của ông để hoạch định kế hoạch xông trận . Họ quyết định một điểm hẹn ở cực Nam Thái Bình Dương , 400 dặm về hướng Nam quần đảo Fiji . Trong buổi họp bàn này , Trung Tướng Alexander Vandergrift , chỉ huy trưởng của 17 ngàn thủy quân lục chiến , người sẽ nhận nhiệm vụ tiến vào Tulagi và đảo Guadalcanal nhận thấy Fletcher không mấy sốt sắng như ông ta chẳng có hứng thú gì lắm trong chuyến ra quân lần này . Trông bộ dáng mệt mỏi và lắm lúc tỏ ra bối rối , khi đứng lên thuyết trình chiến dịch hành quân thì dường như ông tỏ ra ngờ vực cho sự thành công của chiến dịch . Fletcher cũng khiến cho nhiều vị chỉ huy mất đi nhuệ khí , nhất là phía Lục quân khi ông tuyên bố chỉ trong vòng 5 ngày phải hoàn tất công tác đổ bộ toàn bộ lực lượng thủy quân lục chiến lên đảo Guadalcanal . Ông nhấn mạnh , vì là người từng trãi qua nhiều trận đụng độ với quân Nhật nên ông biết rất rõ sự lợi hại của những phi công xứ Phù Tang , một mẫu hạm Lexington ở biển San Hô và một Yorktown ở Midway , cả hai đều bị đánh chìm vì sự chiến đấu quá quả cảm của họ . Bây giờ nếu chúng ta để cho 3 mẫu hạm bày ra nhan nhản dưới mắt địch thì quả là một việc hết sức nguy hiểm . Ông nói “Anh em nên hiểu rằng đây là công việc hết sức liều lĩnh . Tôi không thể cho những mẫu hạm nằm cùng một vùng biển hơn 48 tiếng đồng hồ khi công tác đổ bộ bắt đầu” . Tướng Vandegrift cố giằn cơn thịnh nộ . Một sự cần thiết tối thiểu là phải có phi cơ yễm trợ cho quân đổ bộ ít ra cũng 5 ngày liên tục để tránh mọi cuộc tấn công qui mô của địch . Phó Đô đốc Turner , chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh cũng dùng ba tất lưỡi phân tách lợi hại với Fletcher . Nhưng vị Đô đốc vẫn lắc đầu lạnh lùng nói “Tôi không muốn hạm đội Thái Bình Dương bị tiêu diệt hoàn toàn” . Và một quyết cuối cùng được dứt khoát là các mẫu hạm sẽ rút lui 3 ngày sau khi cuộc đổ quân được bắt đầu .

  Tướng Vandegrift rời buổi họp với những bực tức khôn tả . Ông chán nản cho một kế hoạch đổ bộ được quyết định quá hấp tấp để còn quá nhiều khiếm khuyết , nó chẳng khác gì một vở diễn theo ngẫu hứng , một vở kịch cương  . Ông lại tự an ủi với chính mình rằng “Một vỡ kịch cương cũng có lúc là một vở kịch hay cũng không chừng !

  Ngày 06 tháng 08 , khi hoàng hôn vừa buông tấm rèm tối sẫm phủ trùm lên mặt đại dương thì lực lượng viễn chinh của Turner tiến đến vùng biển của quần đảo Solomon . Bốn hải vận hạm và bốn khu trục hạm quay mũi theo hải lộ hướng về đảo Tulagi trong khi 15 hải vận hạm và đoàn công-voa cũng đang tiến đến đảo Guadalcanal . Tất cả được hộ tống bằng 8 tuần dương hạm và chung quanh là một hải đội hùng hậu với vô số khu trục hạm bảo vệ . Cách đó một trăm dặm về phía Nam , nhiều phi đội chiến đấu cơ yễm trợ đang nằm chờ sẳn trên ba hàng không mẫu hạm . Xung quanh khu vực mẫu hạm này còn có thêm 5 tuần dương hạm nặng , 16 khu trục hạm và 3 thiết giáp hạm .

  Một lực lượng hùng hậu gồm cả thảy 82 chiến hạm đang di chuyển chầm chậm về hướng Bắc với vận tốc 12 hải lý xuyên qua vùng sương mù mờ nhạt . Trừ những thủy thủ có nhiệm vụ ngoài ra tất cả đang yên lành trong giấc ngủ , tiếng máy nổ rì rầm hòa theo tiếng gió đêm rì rào hòa thành một âm thanh chậm đều như bản nhạc buồn du dương . Đó chỉ là một chút thanh bình ngắn ngủi còn lại cho những chiến binh xa nhà , những thủy quân lục chiến đang trên đường ra mặt trận , họ dường như muốn lắng đọng tâm hồn để tận hưởng những giây phút còn lại vì có ai trong bọn họ biết được những gì sẽ xảy ra cho những giờ sắp tới .

  Bên trong những hải vận hạm , những chiếc áo xanh màu sóng biển của những anh lính thủy quân lục chiến nằm chen chúc bên nhau . Người thì lăn quay ra thản nhiên ngủ kỹ , kẻ thì tụm năm tụm ba đánh bài . Năm ba anh ngồi viết nhật ký , viết thư hoặc kể chuyện tiếu lâm rồi cười xòa với nhau . Người chỉ huy một đơn vị đầu tiên  đổ bộ vào Guadalcanal là Đại tá Le-Roy-Hunt , ông đang ngồi trong một góc để xem một vị hạ sĩ quan đang đứng một mình trình diễn trò tấu hài . Hắn là một cựu chiến binh thời đệ nhất thế chiến , với nhiều vết xẹo còn in chiến tích trên khắp thân thể nhưng cái miệng thì lúc nào cũng đủ thứ chuyện tầm phào bá láp , với lối ăn nói có duyên và cái giọng ồm ồm hay nhái đủ thứ tiếng động , tiếng thú vật rất dễ chọc cười thiên hạ khiến ai dù lo lắng bực mình đến đâu cũng không thể nhịn cười được .

  Tướng Vandegrift đang ngồi trên soái hạm MacCawley của Turner đưa mắt nhìn ra ngoài đại dương trong màn đêm dày đặc . Linh tính như báo trước cho ông sẽ gặp những rắc rối không ít cho cuộc hành quân đổ bộ này , cuộc hành quân mà ông tiên đoán kết quả của nó sẽ bi thảm không khác gì một Waterloo ngày nào . Họ đang trên đường đến một mặt trận mà mặt trận đó họ vẫn chưa biết rõ đích xác hiện tình của địch quân .

  Đến nửa đêm , mọi người gần như đều đã an giấc . Họ cố gắng ngủ thật ngon , thật ngon cho một đêm cuối cùng trước khi lao vào cuộc tử sinh . Hai tiếng đồng hồ sau , hòn đảo núi lửa mang tên Savo lù lù xuất hiện nơi phía xa xa , đây là vùng biển phía Bắc thuộc mặt Tây của đảo Guadalcanal . Sương mù đã tan biến và đoàn chiến hạm viễn chinh vẫn chưa bị Nhật Bản phát giác . Mặt biển yên lặng và màng đêm vẫn bao trùm vũ trụ , đoàn xung kích đang âm thầm tiến tới mục tiêu .

  Lúc 2 giờ 40 , những chiến hạm tiền đội đã lọt vào vùng biển Solomon và đang ở ngoài khơi cách đảo Guadalcanal 13 dặm . Những hải vận hạm chia ra làm đôi , số tiến chiếm Tulagi thì tiếp tục cuộc hành trình về phía Bắc , số còn lại thì chuyển hướng vào eo biển giữa đảo Savo và mũi Esperance , tức phía Bắc của hòn đảo Guadalcanal . Mặt đại dương vẫn yên lặng như tờ nhưng những binh sĩ đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ qui mô này lại cảm thấy có một cái gì đó rờn rợn đang chờ đợi bước chân của họ đến .

  Lúc 3 giờ sáng , soái hạm McCawley cho nổi còi hiệu lệnh đánh thức thủy thủ . Hai đoàn hải vận hạm đã tới được vị trí đổ bộ . Bãi biển Xanh ở Tulagi và Bãi biển Đỏ ở phía Bắc Guadalcanal , chỉ cách sân bay quân sự sắp hoàn tất của quân đội Nhật Bản có 3 dặm .

  Vào lúc 6 giờ sáng thì 3 tuần dương hạm và 4 khu trục hạm bắt đầu đồng loạt khai hỏa . Những dây lửa đỏ ối nối tiếp nhau bốc lên không trung lao thẳng vào Guadalcanal , sau một phút im lặng rợn người là những tiếng nổ long trời lỡ đất vang dội làm rung chuyển cả một hải đảo . Trong khi ấy thì một tuần dương hạm khác và hai khu trục hạm cũng thi nhau nã đạn vào đảo Tugaki . Đợt hải kích chấn động trời đất , núi đá vở toang và cây rừng gãy đổ kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ . Từ ngoài xa , dưới ánh bình minh vừa ló dạng ở cuối chân trời , người ta còn thấy trên bầu trời của hải đảo cô đơn thường ngày lặng im chỉ có tiếng chim ríu rít đầu ngày và tiếng gió rừng lao xao , hôm nay khỏi tỏa mịt mù . Tiếng đại bác rít trong không trung , tiếng nổ dữ dội cùng tiếng cây cối gãy đổ , đất đá tung bay . Tất cả chỉ còn lại là một âm thanh cuồng nộ của chiến tranh , của chết chóc . Không bao lâu sau đó lại thêm những phi đội chiến đấu cơ và khu trục cơ từ những mẫu hạm xuất hiện ngay trên bầu trời Guadalcanal . Và một lần nữa nơi hoang đảo này nhận lãnh thêm những trái bom , những loạt đạn từ trên trời tuôn xuống như những cơn mưa khủng khiếp . Thổ thân nơi đây vốn đã quen sống trong một bầu không khí yên tỉnh thanh bình . Tiếng đạn rú , tiếng bom rền đối với họ còn quá xa lạ nên ngay lúc bình minh , vừa chợp mắt sau một giấc ngủ yên lành lại giật mình giữa những thanh âm rùng rợn chẳng biết từ đâu giáng xuống nơi đảo quốc của họ . Trong một giây thất thần , họ không ai bảo ai đều đồng cho rằng chính những vị Thần linh ngự trị trên ngọn núi thiêng kia đã nỗi giận và đang ra tay trừng phạt họ . Thế là tất cả hướng về phía ngọn núi giang tay cầu nguyện rồi nhảy tưng lên như để tỏ lòng thành của mình đối với đấng thiêng liêng . Một trái pháo phát nổ gần đó khiến cả bọn sững sờ hốt hoảng nhìn nhau rồi cấm đầu mạnh ai nấy bỏ chạy toán loạn , mặc dù buổi cầu nguyện của họ vẫn còn dang dở .

  Những chiếc hải vận hạm cố gắng ép sát vào bờ biển ở những nơi có độ sâu cho phép . Một bãi biển vắng ngắt , một bãi biển không có lính canh . Lệnh đổ bộ bắt đầu , những chiếc cầu thang được khẩn cấp hạ xuống và từng đoàn thủy quân lục chiến với tư thế chiến đấu rùn rùn hạ thủy tiến vào bờ . Vừa băng qua khỏi bãi cát họ bám ngay vào bìa rừng , giăng thành hàng ngang bảo vệ khi có bóng địch quân xuất hiện . Những tốp sau băng qua họ tiến vào khu rừng và cũng giàng quân trong tư thế nghênh chiến . Và cứ tiếp tục như thế hết toán này đến toán khác nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng súng nổ . Có nghĩa là hòn đảo bỏ ngỏ , là người Nhật vẫn chưa hay biết nên không có chuẩn bị gì cả .

  Ở tại đảo Tulagi , Thủy quân lục chiến cũng đặt chân lên bờ biển một cách an toàn như đang ghé lại một vùng hoang đảo không người . Thế là cuộc đổ bộ thành công không ngờ ở hai điểm khác nhau .

  Trên chiếc soái hạm McCawley , Tướng Vandegrift đang chăm chú quan sát ngọn núi cao 1.500 bộ mang tên là Austen . Một ngọn núi cách bờ biển chừng 2 dặm và phía sau nó là phi trường quân sự đang xây dựng dở dang của quân đội Nhật . Ông thầm nghĩ không biết những nguồn tin báo cáo về mục tiêu này có đủ chính xác đáng tin cậy không . Trước mắt chỉ thấy từ đây những đứa con của mình sẽ phải đối đầu với những khắc nghiệt của thời tiết , sự nóng nung người và những cơn mưa rừng day dứt . Ông lắc đầu bỏ hết những lo lắng khi nhìn thấy từng toán , từng toán con cái trong bộ quân phục màu ô liu còng lưng , vai ba lô , lưng đạn dược , chiếc nón sắt nặng nề  tay ôm súng lao vào hiểm địa . Ở một nơi mà hiện tình của địch quân chính ông là một vị tướng chỉ huy vẫn còn mù tịt . Hơn thế nữa , từ hai phía sườn của đoàn quân đổ bộ lại chẳng có lấy một sự bố phòng nào để bảo vệ , đó là một sơ hở lớn của chiến thuật hành quân xông trận . May mắn cho ông là mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp vì sau cuộc oanh kích dữ dội đến đá núi còn phải bào mòn , hầu hết quân Nhật đã rút vào những hang động kín đáo ở phía bên kia hòn núi .

  Sự thật thì quân số canh phòng của Nhật Bản hiện diện ở đây chỉ có chừng vài trăm binh sĩ . Bộ chỉ huy của họ đặc ở Rabaul  (Rabaul cũng nằm trong quần đảo Solomon nhưng ở mạn Bắc) . Từ căn cứ quân sự Rabaul , họ đã nhận được báo cáo gửi về từ đội tuần duyên ở Tulagi rằng đã phát giác ra một hạm đội hùng hậu đang tiến về phía vùng biển Solomon . Vì thế những sĩ quan chỉ huy của Nhật ở mặt trận Nam Thái Bình Dương đã biết cuộc tiến công của Hoa Kỳ trước khi tiếng nổ vang dội của quả đại bác khơi mào đầu tiên rớt xuống đảo Guadalcanal . Phát giác này cũng chẳng gây ngạc nhiên cho họ vì ai cũng nghĩ chiến tranh thế nào rồi cũng sẽ đến . Hoa Kỳ đã kéo đến đây , và họ đều chắc chắn một điều là hạm đội hùng hậu của họ chỉ xuất hiện , đánh nhanh và sẽ rút nhanh thôi . Để chắc chắn , phó Đô đốc Yamada , chỉ huy trưởng phi đoàn 25 , gửi một phi đội không thám để xác định vị trí của địch . Khi phi đội không thám vừa mới cất cánh thì họ lại nhận thêm một điện báo từ căn cứ Tulagi , bức điện báo mà người đề gửi lại cho rằng đấy là bức điện cuối cùng vì địch quân đã tràn ngập . “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng , cầu xin Thượng đế một chiến thắng sau cùng

  Đô đốc Yamada cho triệu tập các chỉ huy phi đội trưởng để thông báo cho họ biết kế hoạch tấn công New Guinea bị bãi bỏ , thay vào đó là đảo Guadalcanal . Dồn tất cả lực lượng của phi cơ chiến đấu , oanh tạc cơ và khu trục cơ cho một trận không tập bất thần . Và tất cả hãy chuẩn bị sẳn sàng xuất kích . Chỉ huy trưởng phi đội chiến đấu cơ là Tadashi Nakajima phản đối ý kiến này , ông cho rằng vị trí mục tiêu ở cách đây quá xa , gần 600 dặm và với một khoảng cách này chỉ có những phi công dày dạn kinh nghiệm mới có thể vượt qua được , bởi thế nên ông không ngại để nói lên một sự thật đáng bi quan là phi đội của ông ra đi và một nửa trong họ sẽ chẳng bao giờ trở lại . Hai người hai lý lẽ cứ cãi nhau kịch liệt nhưng cuối cùng rồi Nakajima cũng đồng ý gửi 18 chiến đấu cơ nhập cuộc . Ông bảo với những phi công của mình rằng đây là một phi vụ xa nhất trong lịch sử chiến đấu của Nhật . “Tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh , giữ một cao độ an toàn , đừng bao giờ khinh suất và tiết kiệm tối đa lượng xăng của phi cơ các bạn” . Phi công ngồi sẳn trên các phi cơ chiến đấu Zero chờ cho những phi đội oanh tạc cơ và khu trục cơ cất cánh xong mới tới phiên họ . Chỉ huy trưởng Nakajima đứng vẫy tay chào cho đến khi bóng của 18 đứa con thân yêu của mình chỉ còn là những cái chấm di động ở cuối chân trời .

  Phi đội oanh tạc cơ lướt thật thấp ngang qua bầu trời của đảo Bougainville để đến Guadalcanal (Bougainville là một trong những đảo trong quần đảo Solomon , nó ở ngay chính giữa Guadalcanal và Rabaul theo trục Bắc Nam) . Có một anh chàng nông dân tên gọi Mason , đếm đủ số phi cơ rồi gọi radio về Úc Đại Lợi bằng tầng số X tức là tối khẩn  “27 oanh tạc cơ di chuyển về phía Đông Nam” . Báo cáo này được gửi ngay đến những trạm truyền tin được thiết lập ở rải rác vùng Nam Thái Bình Dương , cảng Moresby chuyển ngay đến Townsville Úc Đại Lợi , và từ đó chuyển sang một trạm cực mạnh khác ở phía bên kia là Trân châu cảng . Chỉ trong vòng một phút sau toàn thể hạm đội ngoài khơi Tulagi và Guadalcanal đều nhận được tin và họ đang trong tư thế sẳn sàng chiến đấu .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế