Midway , mối hận ngút trời của Hải quân Nhật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Báo chí Nhật đua nhau cho đăng tải những bản tin giật gân , Tổng hành dinh Thiên Hoàng ăn mừng chiến thắng , hai mẫu hạm Hoa Kỳ bị hải quân của ta đánh chìm , sức mạnh của hải quân địch bị quân ta đè bẹp ở Nam Thái Bình Dương v.v và v.v. Họ còn bình luận , chiến thắng vẻ vang này đã trả lời cho câu hỏi của những vị chỉ huy chống lại chiến dịch tiến chiếm Midway , vì họ luôn cho rằng đây là một chiến dịch bất khả thi . Chỉ với một phi đoàn 5 tân lập thiếu kinh nghiệm của chúng ta cũng đủ sức tung hoành trên vùng biển San Hô rồi . Thử hỏi Hoa Kỳ có còn cơ hội nào để kình chống lại hai phi đoàn dạn dày kinh nghiệm là 1 và 2 của chúng ta chứ ?

  Vài ngày sau thì hai mẫu hạm mang thương tích đầy mình là Zuikaku và Shokaku cũng mò về được tới bến . Sau khi kiểm chứng lại người ta mới nhìn nhận những hư hại do phi công Hoa Kỳ gây ra quả thật trầm trọng không giống như bản báo cáo đã gởi về . Riêng chiếc Zuikaku khi bị thương lo bỏ của chạy lấy thân nên đã để lại đàn con là đám phi cơ đang chiến đấu , lúc quay về thì đã mất hạm mẹ nên đa số hụt hẫng như đàn con tung ra tìm mẹ rồi sau đó thì mất tích giữa chốn trời nước bao la . Chiếc Shokaku cũng chẳng may mắn gì hơn , mang thương tích đầy mình khiến cho nó phải nằm ụ ít nhất cũng mất cả tháng mới có thể hoạt động lại được . Nên nhớ rằng hai mẫu hạm này thuộc loại mẫu hạm lớn và mới nhất của Hải quân Nhật .

  Nhưng với những thiệt hại ấy nó không làm cho người ta nãn lòng chút nào một khi niềm lạc quan đã dâng lên cao tột đỉnh , nó bao trùm cả bộ chỉ huy hạm đội liên hợp . Chính Tướng Kusaka , tham mưu trưởng của Nagumo , người hùng Trân châu cảng cũng thế , mới hôm nào ông còn mang nặng ưu tư chỉ lo là hạm đội Kido Butai của mình không còn đủ sức chiến đấu vì đã trãi qua mấy tháng trời ròng rã chinh đông phạt tây kể từ sau chiến dịch Trân châu cảng , nhưng bây giờ ông lại tỏ ra phấn khởi cười cười nói huyên thuyên . Ông lại tuyên bố “Kido Butai xông trận lần này không cho chú Sam chạy xịt khói thì không phải là Kido Butai nữa !” . Chiến dịch Midway này tuy chuẩn bị khá lâu nhưng nó vốn không cần phải bảo mật như lần tấn công Trân châu cảng . Các sĩ quan cao cấp ai cũng được thông báo cho biết và họ bàn tán ở mọi nơi , nhà hàng hoặc bar rượu hễ có dịp là luận bàn không giấu diếm chi hết  .

  Chiều ngày 25 tháng 06 , Yamamoto cho mời hàng trăm sĩ quan cao cấp , có cả Nagumo và Kusaka , cùng tề tựu lại chiếc soái hạm Đại Hòa của ông đang thả neo trong biển Nội Hải để dự một buổi tiệc nhỏ gọi là ăn mừng chiến thắng . Ai nấy đều vui vẻ chén tạc chén thù đến mãi nửa đêm mới tan tiệc .

  Hôm sau , trong buổi họp mặt cuối trước khi trở lại chiến trường , Tướng Kusaka nêu lên thắc mắc là “Nếu chúng tôi phát giác ra hạm đội Hoa Kỳ , có nên giao tranh với họ hoặc tiến chiếm Midway trước?” . Đô đốc Ugaki gật gù một chốc rồi bảo “Trung Tướng là người ở tuyến đầu mặt trận dĩ nhiên là có cái nhìn thực tế hơn chúng tôi , vì thế Trung Tướng được tự quyền quyết định lấy” . Tuy Ugaki nói thế nhưng Kusaka lại từ chối không muốn vì sợ phải chịu gánh lấy trách nhiệm , ông bảo rằng chỉ có chỉ huy hạm đội liên hợp mới là người có quyền quyết định . Vì chiến dịch này rất phức tạp , nó đòi hỏi phải có sự tham dự của nhiều hải đội . Hơn nữa , trên chiếc Akagi hệ thống điện đài liên lạc đều cũ kỷ lạc hậu so với soái hạm của Yamamoto thì hoàn hảo và tối tân hơn gấp mấy lần , nó có thể chận bắt được những tín hiệu mật mã của địch quân di chuyển trong vùng . Ugaki vẫn bảo đều ấy chẳng có gì quan trọng . Vì kế hoạch tiến chiếm này thành công dựa trên yếu tố bất ngờ nên mọi liên lạc bằng radio đều phải giữ im lặng tuyệt đối .

  Đa số thủy thủ trên chiến hạm Akagi đều có vẻ tin tưởng ở một chiến thắng rất gần , họ hân hoan mua sắm đủ thứ khệ nệ mang xuống tàu . Nào bia nào rượu sakê và thức ăn vô số để mai này lúc thắng trận mang ra mà ăn mừng với nhau . Trong số ấy có Trung úy Heijiro Abe , anh thì tỏ ra dững dưng với sự náo nức của mọi người . Lúc tàu gần nhổ neo thì Abe lại khuyên chỉ huy trưởng Minoru Genda rằng nên hoãn lại chiến dịch . Abe , chàng Trung úy phi công đã từng ném bom ở Oklahoma , vừa nhận được lá thư của một người bạn ở Trung Hoa với lời chúc may mắn ở trận Midway .

  Abe bảo với Genda là mọi người dường như rất bi quan cho chiến dịch này . Genda cho biết dù sao thì cũng đã muộn vì những hải đội khác họ nhổ neo lên đường rồi .

  Lúc 6 giờ sáng ngày 27 tháng 05 , một hạm đội xung kích của Nagumo gồm có : một tuần dương hạm nhẹ , 11 khu trục hạm , hai thiết giáp hạm và 4 mẫu hạm sắp thành một hàng thẳng từ từ rời khỏi biển Nội hải để tiến về phía eo biển Bungo , trong khi các thủy thủ khác trên những chiến hạm còn lại của hạm đội liên hợp vẫy tay chào tạm biệt cùng những câu chúc tụng vang vầy .

  Nhà chiến lược đại tài Yamamoto đã tính toán rất kỹ , ông dùng kế dương đông kích tây để gây hoang mang cho địch . Trước nhất là cho một hải đội nhẹ tiến về phía Dutch Harbor (Dutch Harbor nằm trên một dãy đảo cô đơn tận phía Bắc giáp với biển Bering) . Ngày 03 tháng 06 , tức là một ngày trước khi khởi sự tiến đánh Midway , phi cơ từ hai mẫu hạm nhỏ sẽ ném bom Dutch Harbor để Hải quân Hoa Kỳ lầm tưởng rằng Nhật đang tiến chiếm những hải đảo vùng cực Bắc Thái bình dương , dĩ nhiên là họ sẽ để ý đến chiến trường mặt Bắc . Trong lúc ấy ở vùng cận Nam Thái bình dương , nơi đảo Saipan (Saipan nằm chung trong một quần đảo Mariana trong đó có đảo Guam , một hòn đảo mà hầu hết người Việt hải ngoại mình nếu chẳng đặt chân đến thì cũng đều nghe nói tới) , một đoàn công voa vận chuyển 5 ngàn lục quân cùng một tuần dương hạm nhẹ , một tàu dầu và được hộ tống bởi 4 tuần dương hạm nặng cùng tiến tới đảo Midway .

  Sáng sớm ngày 29 tháng 05 , tất cả phần còn lại của hạm đội liên hợp đều rời khỏi biển Nội hải . Hải đội dẫn đầu nằm dưới sự chỉ huy của phó Đô đốc Nobutake Kondo . Một hải đội hùng hậu theo phía sau là lực lượng chính yếu gồm 34 chiến hạm nằm dưới sự chỉ huy của soái hạm Đại Hòa , tức vị chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp Yamamoto . Tổng cộng tất cả : 11 thiết giáp hạm , 8 hàng không mẫu hạm , 23 tuần dương hạm , 65 khu trục hạm cộng thêm khoảng 90 tàu chiến khác phụ trợ cùng hướng về phía Đông tiến phát . Họ đang trên đường lao vào một chiến dịch đầy tham vọng , một chiến dịch được thai nghén từ một khối óc háo thắng của vị Đô Đốc huyền thoại đầy mưu mô Yamamoto . Số nhiên liệu chính là dầu được đổ vào dùng cho chiến dịch này còn nhiều hơn tổng số dầu mà Hải quân hoạt động cho cả năm trong thời bình .

  Trước đây Nhật Bản đã từng chiến thắng oanh liệt những trận lớn âu cũng nhờ vào lối đánh bất thần , chiến dịch được trù liệu và bảo mật tối đa khiến cho kẻ địch là Anh và Mỹ bất ngờ , rơi vào thế bị động không kịp trở tay nên chịu thảm bại , nhưng bây giờ với chiến trường ở đảo  San hô thì khác , Đô đốc Nimitz đã biết dã tâm của họ từ trước .

  Phía hải quân Hoa kỳ cũng nên cảm ơn một đại đội tình báo quân đội khoảng 120 nhân viên , dưới sự chỉ huy của Trung úy Joseph John Rochefort . Nhiệm vụ của họ hầu như phải chia nhau làm việc 24 tiếng đồng hồ dưới một căn hầm kín mít trên một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Hạ uy di . Nơi đây họ đã chận đón và đọc gần chín mươi phần trăm những điện tín liên lạc bí mật của hạm đội liên hợp Nhật . Mặc dù những nhân viên tình báo lổi lạc của Hải quân Nhật luôn luôn cho thay đổi mật mã và an tâm nghĩ rằng phe địch sẽ không bao giờ chọc thủng được cái màn bí mật tài tình của mình , nhưng những nhân viên ở đây họ cũng đâu phải tay vừa , dù không giải hết tất cả nhưng chín mươi phần trăm cũng đũ hiểu Nhật đang có ý định gì rồi . Những món quà quí giá mà Nhật vô tình cho họ là những bức điện tín thỉnh thoảng có đề cập đến đảo Midway . Thế là Trung úy Rochefort cứ chíp trong bụng mãi hai chữ “Midway” .

  Ngày 20 tháng năm , sau cuộc thất bại khi tiến quân vào biển San hô , một loạt mệnh lệnh mật được đánh đi từ chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp Yamamoto . Tuy chỉ chận bắt được khoảng tám mươi lăm phần trăm mật lệnh nhưng đã quá rõ ràng , đây là một chiến dịch đại quy mô của Yamamoto . Tuy nhiên Hoa kỳ vẫn còn chưa xác định rõ mục tiêu “AF” , một ẩn ngữ mà Nhật dùng để chỉ cho mục tiêu nào . Rochefort có đủ lý do để tin tưởng rằng “AF” chính là đảo Midway , trong khi những nhà tình báo chuyên môn ở Hoa thịnh đốn thì đồng cho là Oahu .

  Tướng Nimitz nhận xét thấy sự tiên đoán của Trung úy Rochefort là đáng tin cậy . Ông liền bay đến Midway để tự tay sắp đặc công việc bố phòng , củng cố lại hệ thống phòng thủ để cho nó trở thành một căn cứ hỏa lực vững chãi hầu bẻ gảy âm mưu đổ bộ của địch . Những gì có thể làm được ông cũng dành hết cho Midway , Nimitz nâng cao số quân phòng thủ trên một hải đảo tí hon này lên đến hơn 2 ngàn binh sĩ với nhiều ụ phòng không được thiết lập cấp thời , đồng thời tăng cường lực lượng tuần duyên với ba tiềm thủy đỉnh lúc nào cũng trong tình trạng sẳn sàng ứng chiến . Nimitz cũng dư biết cuộc đổ bộ này là một kế hoạch quy mô mà mọi sắp đặc và chuẩn bị rất kỹ càng từ một nhân vật lợi hại , chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp Nhật Bản , muốn phá vỡ nó ắt không phải là chuyện dễ , huống chi đây là cuộc thử lửa đầu tiên nên thắng bại rất quan trọng cho tinh thần binh sĩ . Ưu tư đè nặng cho Nimitz là một lực lượng mà mình đang có trong tay , chỉ với 8 tuần dương hạm , 17 khu trục hạm và 2 mẫu hạm . Chiếc mẫu hạm Yorktown vẫn chưa trở về lại Trân châu cảng sau khi bị thiệt hại nặng nề , nó còn nằm lì ở biển San hô trong một thời gian khoảng 3 tháng để được tu sửa .

  Nimitz cho gọi hai vị hạm trưởng hai mẫu hạm là Fletcher và phó đô đốc Raymond A. Spruance để truyền lệnh . Spruance là người vừa được chỉ định lên thay thế Halsey chức vụ chỉ huy mẫu hạm Hornet (chiếc mẫu hạm Hornet là một mẫu hạm mới xuất xưởng , nó đã đưa phi vụ Doolittle tấn công Đông Kinh lúc trước)  .

  Các mệnh lệnh của ông thật rõ ràng như sau “Tung lực lượng chiến đấu ra giăng ngang tuyến Đông Bắc đảo Midway và phải giữ khoảng cách trong giới hạn ngoài tầm hoạt động của tuần thám địch . Khi nào phi cơ thám thính của ta đã phát giác ra và xác định rõ vị trí của họ thì các ông hãy ráng tấn công liên tục càng nhiều đợt càng tốt mục đích tiêu hao tiềm năng của địch . Hãy áp dụng nguyên tắc rủi ro có tính toán và chỉ phô bày chiến hạm của mình ra trước sự đe dọa của một hải lực mạnh hơn chỉ khi nào các ông được bảo đảm là có thể giáng cho địch nhiều thiệt hại hơn so với tổn thất phía mình” .

  Phó Đô đốc Spruance lại cho thêm một chỉ thị riêng của mình cùng các thủy thủ đoàn dưới quyền “Chúng ta đang chờ đợi một cuộc tấn công xâm chiếm Midway , lực lượng địch có thể gồm nhiều chiến hạm đủ loại kể cả có sự tham dự của nhiều mẫu hạm . Nếu địch vẫn không biết có sự hiện diện của các lực lượng đặc nhiệm của chúng ta đang chờ đón họ thì ta có thể dùng phương sách thình lình mà tấn công vào hông các mẫu hạm của địch . Một trận chiến mở màng mang quyết định chung cho những trận chiến ở mai hậu . Một kết cục vinh quang sẽ là một phần thưởng lớn lao cho xứ sở chúng ta” .

  Đúng vào ngày mà 4 mẫu hạm của Nagumo rời biển Nội Hải để xuôi Nam thì lực lượng của phó đô đốc Spruance cũng vừa rời Trân châu cảng , đó là hai mẫu hạm Entersprise và Hornet , 6 tuần dương hạm cùng 11 khu trục hạm . Hai ngày sau Fletcher cũng nối đuôi theo , một lực lượng hạm đội gồm 2 tuần dương hạm , 6 khu trục hạm và mẫu hạm Yorktown . Cũng phải nghiêng mình nễ phục trước sự cố gắng phi thường của một ngàn bốn trăm công nhân cơ xưởng Hải quân , họ làm việc cật lực ngày đêm để hoàn tất công việc sửa chửa chiếc Yorktown chỉ trong vòng ba ngày thay vì ba tháng như dự liệu . Nỗ lực này cũng nhờ Fletcher đã phải kiểm tra Yorktown sau khi bị thiệt hại rồi báo cáo về hải quân công xưởng ở Trân châu cảng những gì cần phải sửa chửa và chuẩn bị sẳn khi nào Yorktown cập bến thì công tác sẽ tiến hành ngay tức thì .

  Cùng một ngày ấy , đoàn chiến hạm của Đô đốc Yamamoto theo phía sau cùng chung một hải lộ với Nagumo nhưng giữ cách khoảng chừng 600 dặm . Yamamoto vừa nhận được ba nguồn báo cáo khiến ông không mấy lạc quan cho lắm . Thứ nhất , đội không thám của Nhật không thể nào dò thám Trân châu cảng được , không hiểu vì vô tình hay một lý do nào đó mà chiếc tàu tiếp liệu cho thủy phi cơ Hoa Kỳ lại bỏ neo nằm chận ngang nơi đảo Kwajalein (một đảo trong quần đảo Marshalls) , và đây chính là điểm của phi cơ thám thính Nhật ghé lại để lấy nhiên liệu từ những tàu ngầm . (Nếu quí vị có bản đồ Thái bình dương trước mắt để đối chiếu thì sẽ hiểu ngay vì sao nó không thể bay vào dọ thám Trân châu cảng được) . Tin xấu thứ hai là đội tiềm thủy đỉnh của Hải quân Nhật , theo kế hoạch của Yamamoto thì ông sẽ cho 7 tiềm thủy đỉnh nằm theo một đội hình như tấm lá chắn , ngăn chận vùng biển từ Oahu đến Midway không cho mẫu hạm Hoa Kỳ theo dấu Kido Butai , vì lệnh lạc lầm lạc nên khiến cho 7 chiếc tiềm thủy đỉnh này không đến được vị trí của họ đúng thời gian quy định . Ngày 2-6 khi toán tiềm thủy đỉnh tới được địa điểm chỉ định thì mẫu hạm Yorktown của Mỹ đã tiến qua địa điểm đó để tới Midway từ vài ngày trước rồi . (Trở ngại này được phó Đô đốc Keizo Komura , chỉ huy trưởng đội tuần dương Chikuma ở vùng biển Midway tiết lộ vào năm 1967 , lý do vì in ấn cẩu thả bản mật lệnh hành quân khiến cho đội tiềm thủy đỉnh hiểu lầm tập trung tại một điểm khác) . Trở ngại cuối cùng là một báo cáo gửi về từ một tiềm thủy đỉnh đang thám thính quanh vùng biển Midway . Họ báo cáo rằng dường như trên đảo đã biết rõ âm mưu tiến chiếm của Nhật Bản nên tăng cường thêm nhiều phi cơ tuần duyên , từ xa trông vào còn có thể trông thấy rất rõ quân đội Hoa Kỳ đang xây dựng hệ thống phòng thủ . Bản báo cáo kết luận , Hoa Kỳ đang dốc sức gia tăng phòng thủ và không còn nghi ngờ gì nữa , họ sẽ tung vào hòn đảo này một lực lượng phòng thủ đáng ngại .

  Yamamoto chuyển những bản tin xấu này đến Nagumo ngay , vì ông đang chịu trách nhiệm chỉ huy mặt trận , người rất cần để nắm rõ từng chi tiết hơn ai hết . Vị hạm trưởng dưới quyền của Nagumo là Kuroshima nhận được tin nhưng lại quyết định im lặng không trình báo lại cho Nagumo biết .

  Không có sự hướng dẫn của hệ thống rada dẫn đường , đội xung kích Kido Butai của Nagumo vẫn cứ lầm lủi tiến về phía trước trong màng sương mù dày đặc . Sang ngày thứ nhì , tức 02 tháng 06 thì sương mù càng khủng khiếp hơn . Trên mẫu hạm Akagi , Nagumo và Kusaka nhìn nhau lo âu thấp thỏm . Sương giăng mù trời mặc dù giúp cho hạm đội tránh được phi cơ tuần thám của địch nhưng lại quá liều lĩnh . Di chuyển theo một đội hình quá gần nhau , không rada không radio liên lạc như thế thì giống như nhiều người mù cùng chạy , sai lệch phương hướng hoặc xê dịch vận tốc một tí cũng đủ tự đâm cả vào nhau rồi . Tướng Kusaka vẫn còn bực dọc vì hai cái mệnh lệnh quái ác mà thượng cấp của ông đã giao cho . Thứ nhất tấn công Midway ngày 04 tháng 06 để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ chính thức hai ngày sau đó . Thứ nhì là tìm và diệt hạm đội của Đô đốc Nimitz . Ông bực tức tự hỏi phải làm thế nào để hoàn thành cả hai sứ mệnh trong một lúc ? Sứ mệnh thứ hai nó quá nặng nề , nó đòi hỏi phải di chuyển tự do trong một vùng biển mênh mông nhưng phải giữ bí mật tuyệt đối . Nhưng nếu như họ đã tấn công Midway rồi thì sứ mệnh thứ hai khó lòng mà thực hiện được chớ nói chi đến thành công vì cơ mưu đã bị bại lộ và địch quân dĩ nhiên cũng phải biết phòng bị . Mệnh lệnh này thật quái đản nó giống như một anh chàng thợ săn rượt theo hai con mồi cùng một lúc .

  Trong một buổi họp mặt trên soái hạm Akagi trước sự hiện diện của Đô đốc chỉ huy trưởng đội xung kích , một vị hạm trưởng tên Tamotsu Oishi trình bày một ý kiến khiến cho Nagumo chú ý . Oishi nói “Hạm đội liên hợp ra lệnh cho chúng ta , ưu tiên hàng đầu là tìm và tiêu diệt hạm đội địch rồi kế đến mới bắt tay vào chiến dịch đổ bộ . Nhưng nếu chúng ta không vô hiệu hóa căn cứ không quân địch ngay trên đảo Midway thì khi chiến dịch đổ bộ bắt đầu sẽ gặp trở ngại lớn từ căn cứ này dẫn đến sự đảo lộn cả một kế hoạch tiến chiếm” .

  Namugo lại hỏi “Nhưng hạm đội địch đang hoạt động ở nơi nào ?

  Dĩ nhiên là không một ai trong bộ chỉ huy đội xung kích này rõ cả . Oishi vội trình bày ý kiến riêng của mình “Ngay trong trường hợp họ phát giác ra sự hiện diện của hạm đội ta và tìm cách ngăn chận thì bây giờ cũng chưa thể nào rời khỏi xa căn cứ của họ được , vì vậy hiện tại thì chúng ta vẫn được an toàn . Thế nên mũi tiến công Midway vẫn có thể tiếp tục giữ đúng theo thời hạn đã qui định” . Tất cả đều đồng ý với nhận xét này .

  Cũng ngay ngày hôm ấy toàn bộ mã số liên lạc của hạm đội liên hợp đều thay đổi khiến cho đại đội tình báo quân đội chuyên giãi mã của Trung úy Rochetford như những người mù . Tuy vậy nhưng không hề gì vì Nimitz đã nắm quá đủ những tin tức cần biết rồi . Sáng hôm sau quân đồn trú ở Midway nhận được một bản báo cáo là cuộc tấn công sắp xảy ra . Thiếu úy Jack Reid , trong một phiên tuần thám quanh bầu trời Midway , anh chợt trông thấy xa xa phía dưới , nơi vùng biển phía Bắc Midway , một đoàn chiến hạm hùng hậu đang tiến đến .

  Quả thật , đoàn chiến hạm vừa rồi cũng vừa phát giác ra sự hiện diện của một phi cơ thám thính địch nên vội báo động về Nagumo ngay . Trên chiếc Akagi , Nagumo nhận được báo động nhưng ông lại làm ngơ đi trong khi mũi xung kích vẫn không hay biết gì cả . Và trên chiếc soái hạm Đại Hòa , Đô đốc Yamamoto cùng những sĩ quan tham mưu của ông cũng không bao giờ tưởng tượng được rằng địch đã phát giác ra mình trước khi cho phi cơ không tập Midway .

  Tối đêm ấy hạm đội Nhật tập trung lại vùng biển phía Tây Bắc cách Midway 200 dặm để chờ bình minh lên là phóng phi cơ tấn công . Trong khi Fletcher và Spruance thì đang nằm phía Đông Bắc cách Midway 300 dặm để chờ . Vừa đúng 7 giờ 50 chiều , Fletcher , người chỉ huy cả hai lực lượng đặc nhiệm ra lệnh cho hạm đội của mình hướng về phía Tây Nam . Ông tin chắc rằng ngày mai sẽ là một ngày rất quan trọng cho lịch sử của Hải quân Hoa Kỳ . Tờ mờ sáng ông đã có mặt ở ngay phía Bắc Midway , ngay đúng vị trí lý tưởng để tấn công vào mũi tiến công của địch . Tức là mẫu hạm Hoa Kỳ chỉ còn cách Kido Butai non 100 dặm đường chim bay .

  Đô đốc Spruance cũng cho những sĩ quan thuộc cấp của mình biết là cuộc chạm trán này phía địch quân có thể là một lực lượng rất hùng hậu , theo ước đoán thì có tới năm hoặc sáu hàng không mẫu hạm cùng tham chiến . Ông nói bằng một giọng quyết liệt hùng hồn “Này các bạn , hãy cùng nhau cố gắng chiến đấu , vì màu áo của binh chủng , vì màu cờ của quốc gia . Sự cống hiến của các bạn sẽ là những chiến thắng vẻ vang hầu tô thêm nét son cho quân sử và vinh quang cho tổ quốc”.

  Một việc hết sức khôi hài không biết xuất xứ từ đâu mà các thủy thủ Hoa Kỳ thảy đều nghe thấy , một bản tin truyền khẩu từ hạm này sang hạm khác là những hiệu lệnh trao đổi của địch liên lạc đều bị chận và giãi mã , Hải quân Hoa Kỳ đang giăng một cái bẫy để Nhật lọt vào và tiêu diệt . Tin đồn vô căn cứ ấy cứ lan ra khiến cho những thủy thủ từ những anh nấu bếp đến những chàng phi công chiến đấu ai ai cũng cảm thấy nao nức hâm hở chỉ muốn xông trận giệt giặc lập công ngay .

  Lúc 2 giờ 45 sáng ngày 04 tháng 06 , trên chiếc soái hạm Akagi , tiếng kèn hiệu lệnh phát ra từ những loa phóng thanh vang vang trong gió . Những thủy thủ đang ngon giấc nồng bỗng bật dậy , tất bật lo nai nịch sẳn sàng . Không khí háo hức trước khi xông trận của những chàng phi công xôn xao cả một chiến hạm . Họ đều có chung một niềm hân hoan khó tả , hãnh diện để được đi vào khói lửa góp chút tài hèn để gọi là phụng sự nước non . Tiếng hoan hô vang dậy ngày nào sau chiến thắng lẫy lừng Trân châu cảng như vẫn còn vang vọng trong tim mỗi chàng phi công , khiến cho họ dù chưa tung mây lao vào chiến địa , dù trận mạc chưa khai mào nhưng vẫn nghĩ chiến thắng ngoạn mục này như cầm chắc ở trong tay .

  Đại tá Fuchida , người chỉ huy phi đội không tập Trân châu cảng bây giờ cũng tưởng là sẽ lãnh một nhiệm vụ tương tự ở Midway . Ông phải vào nằm trong một bệnh xá dưới hạm vì chứng đau ruột thừa đã hành hạ ông mấy hôm rồi . Bên cạnh Fuchita , trên một cánh vỏng đong đưa , một người bạn chiến đấu sinh tử với nhau là Minora Genda . Ông ta cũng đang bị cảm nặng đang nằm co rúm trong bộ đồ pajama . Vừa nghe tiếng loa phóng thanh vang lên ầm ỉ kêu gọi thủy thủ đoàn tập trung chuẩn bị xông trận thì Genda lật đật bật dậy , vẫn trong bộ đồ ngủ , ông cố lê bước đến bên chiếc cầu chỉ huy và xin lỗi với Nagumo về sự chậm trễ của mình . Genda lại quả quyết với vị Đô đốc chỉ huy của mình là sức khỏe của ông không hề gì có thể đảm đương trọng trách , cá nhân ông sẽ chỉ huy phi đội tấn công đầu tiên . Nagumo tỏ ra trìu mến choàng tay qua vai của viên sĩ quan thuộc cấp quả cảm . Những người hiện có mặt trên cầu chỉ huy cũng cảm thấy phấn chấn vô cùng .

  Phía dưới nơi phòng ăn tập thể , những phi công nhận nhiệm vụ đang dùng bửa lót lòng . Buổi điểm tâm theo truyền thống quân đội Thiên hoàng trước khi lâm trận gồm có : cháo , sữa đậu nành , đậu ráng và rượu sa-kê .

  Bốn mẫu hạm bây giờ đang di chuyển cùng một thủy lộ tại hướng Tây Bắc cách đảo Midway 240 dặm . Genda ra lệnh chuẩn bị cho cuộc không tập đầu tiên . Lúc 4 giờ 30 sáng , Kusaka vừa phát lệnh phóng phi cơ thì bỗng thình lình Fuchida xuất hiện . Dù đang mang trọng bệnh trong người nhưng giờ phút thiêng liêng này không được tận mắt chứng kiến cảnh hào hùng của những chiến sĩ thuộc cấp của mình , Fuchida không thể nào chịu đựng được nên phải cố leo lên cầu chỉ huy , trước để xem cảnh tượng huyên náo và sau là tò mò muốn xem cho biết ai sẽ người chỉ huy thay thế mình .

  Đầu tiên là Trung úy trẻ Tomonaga trên chiếc mẫu hạm Hiryu dẫn đầu phi đội Zero lăn bánh xếp thành hàng trên phi đạo . Cờ hiệu vừa rung lên thì tiếng động cơ của phi đội đồng loạt rầm rú vang trời , từng chiếc chiến đấu cơ Zero rời phi đạo lao vào trong bóng đêm đen tịch mịch để lại phía dưới mẫu hạm tiếng hoan hô cổ vũ của đồng đội vang vọng một góc trời .

  Trong vòng 15 phút bốn mẫu hạm trở lại với bầu không khí im lặng như lúc ban đầu . Họ vừa tung lên không gian 108 phi cơ đủ loại , từ phía dưới sàn tàu , những đôi mắt hân hoan cứ dán theo những ánh lửa lập lòe từ những chiếc đèn của thân phi cơ kéo thành một chuổi dài dệt thành một đường đỏ thẩm trên nền trời đen đặc từ từ hướng về phía Midway .

  Ngay sau đó , Genda ra lệnh cho bảy phi cơ thám thính mở rộng vòng kiểm soát ở hướng Đông và Đông Nam để truy tìm tông tích của mẫu hạm Hoa Kỳ . Năm chiếc theo lệnh đã ra đi nhưng còn hai chiếc không thể cất lên được vì hệ thống phóng phi cơ trên tuần dương hạm nặng Tone bị trục trặc . Tướng Kusaka định bảo với Genda nên tiếp tục phóng thêm nhiều phi cơ thám thính nữa nhưng không biết nghĩ sao ông lại im lặng .

  Theo như sự tiên liệu của Nagumo là hạm đội Hoa kỳ đang quanh quẩn gần đâu đó trong vùng biển Midway thì quả thật không sai , chẳng những thế mà họ còn phát giác ra hướng tiến những mẫu hạm của Nhật Bản . Lúc 5 giờ 25 sáng , Trung úy Howard Ady đang lái một phi cơ thám thính bay trên không phận Midway . Anh vừa chui ra khỏi đám mây dầy đặc thì chợt trông thấy phía dưới , một hạm đội đông đảo đang lướt tới . Đó chính là đội xung kích Kido Butai . Sau giây phút bàng hoàng kinh ngạc , Ady bốc phi cơ lên cao độ chui vào mây mù và đảo vòng quanh lại phía sau lưng đoàn chiến hạm địch để dễ bề quan sát kỹ hơn và sau đó radio báo cáo về bộ chỉ huy .

   Nhận được báo cáo Đô đốc Fletcher vội radio ra lệnh cho phó Đô đốc Spruance “Tiến về hướng Tây Nam , tấn công vào mẫu hạm địch . Tôi sẽ tiếp ứng theo sau” .

  Hệ thống rada ở đảo Midway đã phát giác phi đội tấn công đầu tiên của Nhật vào lúc 5 giờ 50 . Còi báo động hụ vang lẫn trong tiếng phi công chạy toán loạn gọi nhau ơi ới . Rồi những phi cơ thuộc toán phòng thủ tiến vội vã về phi đạo , rầm rộ chuyển mình cất cánh , lao vào không trung tiến về phía trước đón ngăn bước giặc .

  Trong lúc ấy thì 6 chiếc phi cơ phóng thủy lôi của Hải quân Hoa Kỳ hợp với 4 phi cơ loại Marauders của lục quân cũng có mang thủy lôi cùng hướng về phía Bắc tấn công mẫu hạm địch . Hai mươi lăm phi công khác thuộc binh chủng Thủy quân lục chiến cũng nhập trận với những chiến đấu cơ quá lỗi thời là Brewster Buffalos và Grumman Wildcats , họ cùng bay về hướng Tây Bắc để đón giặc . Chỉ trong vài phút sau thì họ chạm trán ngay một phi đội địch đang hùng hổ phóng tới với một khí thế uy mãnh . Thế là trận không chiến khai diễn ngay . Thật không may cho phi đội Thủy quân lục chiến , họ chưa kịp dàn thành đội hình tấn công thì đã bị những chiếc Zero , vốn trội hơn về mọi mặt , nhanh nhẹn lao ngay vào đội hình lộn xộn của phía Hoa Kỳ xả súng tấn công tới tấp khiến cho những chàng phi công trong đội phòng thủ trở tay không kịp . Trận chiến tận trên giữa tầng mây này nếu chỉ nhìn sơ cũng có thể dễ dàng đoán ra được kẻ thắng người bại . Phi đội Nhật với những chiến đấu cơ Zero nhanh nhẹn và hỏa lực ghê gớm cùng những phi công gan dạ cảm tử , hơn nữa họ là một phi đội thuần nhất và được hộ tống rất kỷ . Trong khi ấy phi đội của Hoa Kỳ thì cũ kỹ lỗi thời lại tạp nhạp chẳng có hộ tống gì hết , vừa lâm trận lại bị địch quân dùng số đông áp đão xử dụng lối xa luân chiến khiến cho họ phải rơi vào thế bị động hoàn toàn . Không bao lâu thì đã có đến 15 phi cơ Hoa Kỳ bị bắn rơi , phi đội Nhật sau trận tàn sát ấy lại lao thẳng vào mục tiêu chính là Midway .

  Trên hòn đảo , tiếng súng cao xạ nổ ran như sấm pha lẫn những tiếng bom rung chuyển rền trời . Những kiến trúc lần lượt đổ nhào xuống , nhà ụ phi cơ , bồn chứa xăng từ từ chìm trong biển lửa đỏ rực . John Ford , một phóng viên từng quay đoạn phim ngắn lúc Đại tá Doolittle cất cánh dẫn phi đội 16 bay đi oanh tạc Đông Kinh , bây giờ đang đứng ngất ngưỡng trên nóc nhà máy điện với chiếc máy ảnh . Một tiếng nổ long trời lỡ đất , mãnh bom bay rào rào . Một mãnh ghim vào vai trái máu tươm ra đỏ cả một bên ngực . John bình tỉnh xem xét lại vết thương . Không sao , mãnh bom chỉ lướt ngoài da ra máu một tí băng bó sơ sài là xong . Anh thầm nghĩ và đưa máy ảnh lên mắt tiếp tục theo dõi trận chiến đang hồi khốc liệt .

  Tung hoành trong khoảng 25 phút , phi đội thứ nhất của Nhật từ từ rút khỏi mục tiêu . Hai hòn đảo của Midway (Sand và Eastern) chỉ còn lại là biển lửa khổng lồ và những cụm khói đen cao ngất đến tận mây . Trung úy phi công Tomonaga là người rời Midway sau cùng , anh ta quay nhìn lại phía dưới hai hòn đảo đang bốc khói , bỗng giật mình hụt hẫng khi biết ra rằng phi đội của mình vẫn còn sơ sót khi oanh tạc , bằng chứng là phi cơ của địch vẫn còn đó , oanh tạc cơ của họ đang cất cánh tiến ra hướng Kido Butai . Tomonaga liền dùng radio gọi về chỉ huy để xin cho thêm một phi vụ thứ hai .

  Có câu là có qua có lại mới toại lòng nhau . Sau đợt tấn công đầu , Midway với hai hòn đảo gần như trở thành bình địa , những phi cơ chiến thắng đang hân hoan ca khúc khải hoàn . Và bây giờ đến lượt quân trú phòng của Hoa Kỳ phản công . Nụ cười chiến thắng của kẻ mang ý đồ xâm lược chưa tắt hẳn trên môi bây giờ lại phải đón lấy những giây phút kinh hoàng ập đến . Lúc này là 7 giờ 10 phút . Mây mù đã tan hẳn , để lại một bầu không gian trong sáng , trên mặt biển lặng im hạm đội Kido Butai hiện rõ mồn một như một đàn vịt trời đang bơi . Chiếc khu trục hạm phía trước vừa phát giác ra phi cơ địch xuất hiện nên vội treo hiệu kỳ báo động đến cho toàn hạm đội . Mười phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ xuất hiện trên nền trời trong xanh . Phi đội này gồm 4 chiếc Marauders và 6 chiếc Avengers cũ kỷ lỗi thời có trang bị thủy lôi đang nặng nề ì ạch tiến về phía hạm đội xung kích Kido Butai . Tức thì phía Nhật Bản , chiến đấu cơ Zero nhanh chóng lao lên tạo thành cái dù bảo vệ mẫu hạm và tiến về phía phi cơ địch cản ngăn .Thế là trận không chiến bắt đầu . Người ta dù chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng kết quả của nó cũng thật là dễ đoán . Một phi đội với mười phi cơ lỗi thời chậm chạp lại tạp nhạp không theo một đội hình nào cả thì làm sao đương cự nỗi một phi đoàn thuần nhất được hộ tống kỹ và phi công của Nhật vốn là những chàng trai quả cảm gan lì coi cái chết như trò đùa . Trận chiến vừa khai màu thì đã có 3 chiếc bị chiến đấu cơ Zero của Nhật bắn hạ . Phòng không từ những tuần dương hạm và khu trục hạm cũng vừa gửi lời chào vĩnh biệt đến 2 chiếc nữa . Còn lại 5 chiếc hốt hoảng nhưng họ lại không tháo lui , 3 trong năm chiếc còn lại vốn là những chàng phi công gan lì ngoại hạng . Không biết bằng cố gắng nào đó mà họ đã vượt xa sức chịu đựng của con người , dù đạn phòng không đan kín bầu trời và chiến đấu cơ Zero của địch cứ bám riết như bóng với hình nhưng 3 chiếc phi cơ Hoa Kỳ vẫn cứ len lỏi và tiến thẳng về phía mẫu hạm Akagi . Khi vừa tầm thủy lôi , họ cho phóng ngay 3 trái thủy lôi quyết tiêu diệt mẫu hạm địch cho bằng được . Nhưng có lẽ số của Nagumo chưa tuyệt diệt trên vùng biển này nên chiếc soái hạm lúc ấy bỗng dưng đổi hướng , kết quả là 3 trái thủy lôi mà 3 chàng phi công quả cảm của Hoa Kỳ liều chết để phóng đã trở thành công cóc , nó đi trượt ra ngoài không gây thiệt hại gì cho Akagi cả .

  Sau trận không chiến ngắn ngủi ấy những phi cơ còn sống sót phải quay trở lại căn cứ trên đảo Eastern để tiếp thêm nhiên liệu và bom đạn . Viên sĩ quan chỉ huy đoàn quân trú phòng kiểm điểm lại những tổn thất do địch gây ra . Thủy quân lục chiến 16 chết và 28 bị thương nhưng về phía phi công thì thảm hại hơn , tất cả 50 người thiệt mạng mà trong số đã có đến 25 vị sĩ quan . Vài phi cơ hiếm hoi còn sống sót uễ oải bay về , phi trường đổ nát , phòng không tan tành . Hai hòn đảo của Midway bây giờ chỉ còn trơ lại một cảnh tượng hết sức hoang tàn và một đội quân trú phòng tan tác , súng ống đạn dược không còn thì đánh đấm gì nữa . Vị sĩ quan chỉ huy nhủ thầm , bây giờ chúng ta ngồi đây mà chờ địch quân đổ bộ rồi dùng răng mà cắn họ chớ súng đạn còn đâu nữa mà chống cự lại .

  Trở lại với đội xung kích Kido Butai . Trên các hàng không mẫu hạm , các phi cơ oanh tạc đợt thứ nhất đang trở về lần lượt đáp xuống để tiếp nhiên liệu . Họ được thủy thủ đoàn chào đón bằng những tiếng tung hô vang dậy , vì đã được chính mắt mục kích trận không chiến ngoạn mục vừa rồi , thấy phi công của mình tung hoành bắn rơi phi cơ Hoa Kỳ như bắn chim nên họ thảy đều kích thích , hân hoan nói cười không ngớt .

  Riêng Đô đốc Nagumo thì linh tính như báo cho ông biết có một cái gì đó bất bình thường sẽ xảy đến . Trong căn phòng chỉ huy của soái hạm Akagi , ông cùng Tướng Kusaka đang thảo luận sôi nổi về cách tiến công . Thái độ quyết tâm vừa rồi của phi công Hoa Kỳ suýt chút nữa soái hạm Agaki hứng trọn 3 trái thủy lôi và không biết hậu quả của nó như thế nào khiến cho Kusaka nghĩ ngợi không ít , quả thật 3 chàng phi công dũng cảm của Hoa Kỳ đã để lại một ấn tượng đẹp không thể chối cãi trong đầu viên tướng từng trãi Kusaka . Do đó ông tỏ ra bực bội phần nào khi nghe Trung úy Tomonaga gọi về báo hiệu là cần một đợt oanh tạc thứ hai để tiêu diệt hoàn toàn cơ sở trên đảo Midway .

  Kusaka tỏ ra bực mình cũng đúng , vì người phát họa kế hoạch tiêu diệt hạm đội Hoa Kỳ chính là ông , cho dù hiện tại ông chỉ là sĩ quan tham mưu của Nagumo nhưng thực tế thì ông mới là người chỉ huy . Khi nghe Nagumo quyết định thêm một phi vụ thứ hai thì kế hoạch của Kusaka coi như bị đảo ngược hoàn toàn . Con số 93 phi cơ chuẩn bị sẳn sàng cất cánh trong số hai mẫu hạm Akagi và Kaga đã được gắn đầy những loại bom đặc biệt cùng thủy lôi để dùng vào việc tấn công hạm đội địch theo kế hoạch của Kusaka . Và bây giờ nếu phái chúng đi tấn công Midway , một lần nữa phải đưa xuống tầng dưới hầm để thay đổi bom đạn .

  Namugo tuy đã quyết định nhưng trong lòng hồi hộp không yên , ông nghĩ đây là một sự việc quan trọng có nguy cơ thất bại nếu thình lình bị địch tấn công ngay giữa lúc di chuyển phi cơ thay đổi bom đạn . Nhưng Kusaka , cũng như phi đoàn trưởng Fuchida , ông cũng vướng phải căn bệnh ruột thừa và bệnh tình tuy không đến nổi bắt ông phải nằm lì trong căn phòng của bệnh viện , tuy nhiên lúc nào trên khuôn mặt của vị tướng tham mưu trưởng 41 tuổi vẫn giữ vẻ lầm lì không nói năng gì cả . Riêng chỉ có những sĩ quan tham mưu trẻ thì lòng hiếu thắng nên cứ khuyên Nagumo bỏ qua những suy nghĩ vớ vẩn vô ích ấy , vì sợ bị coi là một vị chỉ huy chết nhát nên cuối cùng Nagumo ra lệnh cho chuyển phi cơ xuống tầng hầm để lo thay đổi bom oanh tạc .

  Lúc 7 giờ 28 , khi công việc hoán đổi bom đạn còn đang dở dang thì một hiệu lệnh vô tuyến truyền đến gây kinh hoàng cực độ cho cấp chỉ huy . Hiệu lệnh xuất phát từ một thủy phi cơ tuần thám của tuần dương hạm Tone đang tuần thám phía Bắc Midway “Phát giác 10 chiến hạm địch 240 dặm phía Bắc Midway” . Bản tin như tiếng sét ngang mày khiến cho ai nấy đều kinh hoãng , nếu một giờ trước đây thì tin này sẽ làm cho họ phấn khởi vì cơ hội thanh toán trọn hạm đội Hoa Kỳ đã đến nhưng giờ đây thì kế hoạch hoàn toàn trái ngược . Phi cơ đang nằm trong hầm để thay bom oanh tạc và đường băng thì cũng đang dọn sẳn để chờ những phi cơ oanh tạc Midway đợt đầu cũng sắp quay về tới . Nagumo còn lưỡng lự chưa dứt khoát là tung những phi cơ vừa được thay bom lên để tấn công địch hay lại phải thay vào những thủy lôi và bom đặc biệt để tiêu diệt hạm đội địch . Còn đang toan tính thì đã quá muộn , những phi cơ oanh tạc Midway đợt thứ nhì đã về tới và đang hạ cánh . Có nhiều chiếc sắp hết xăng , nhiều chiếc báo hiệu bị hư hại . Quá trễ , thôi đành dẹp bỏ mọi toan tính cứ để cho họ đáp xuống rồi hạ hồi phân giải .

  Vài khu trục cơ cất cánh vội vàng để bảo vệ bên trên đoàn phi cơ trở về . Các phi cơ này có trách nhiệm che chở cho một công việc hết sức nguy hiểm là sự tiếp nhận trên các mẫu hạm đang chứa đầy phi cơ trong hầm ngay khi thay đổi bom và thủy lôi . Đã trãi qua nhiều trận và cũng được huấn luyện kỹ càng khiến cho các thủy thủ chu toàn công việc không gây một trở ngại nào .

  Đây là lần đầu tiên kể từ trận không tập thành công ở Trân châu cảng , ông thần may mắn đã ngoãnh mặt với cháu con Thái Dương thần nữ . Nếu bệ phóng thủy phi cơ của tuần dương hạm Tone không bị trục trặc và phi cơ đã phóng lên đúng như mệnh lệnh của Genda thì họ đã phát giác ra hạm đội địch trước khi Nagumo ra lệnh cho thay đổi loại bom oanh tạc và giờ này chắc cũng đang hiên ngang trên đường tiến về phía 3 mẫu hạm Enterprice , Hornet và Yorktown để tấn công rồi .

  Lúc 7 giờ 47 , Kusaka liên lạc với phi công của chiếc thủy phi cơ dọ thám , người phát giác ra hạm đội Hoa Kỳ để hỏi cho rõ chi tiết từng loại chiến hạm của địch . Câu trả lời chưa tới mà phi cơ địch đã lao đến gần kề . Trên bầu trời trong xanh , vài áng mây trắng lãng đãng cuối trời . Mười sáu cái chấm nhỏ ti ti xuất hiện nơi cuối chân trời từ từ tiến đến . Đây là phi đội ném bom bổ nhào của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ , họ rời phi đạo Midway trong lúc tiếng còi báo động hụ vang trước khi toàn đảo ngập chìm trong biển lửa . Vừa trông thấy hạm đội địch đang họp thành đội ngũ nằm hàng đàn nơi phía dưới thì viên chỉ huy trưởng phi đội là Thiếu tá Henderson ra lệnh phi cơ thả bom tấn công ngay . Tướng Kusaka theo dõi từ đầu khi phi cơ địch vừa xuất hiện , phòng không từ những tuần dương hạm và khu trục hạm bắn lên không ngớt , những khu trục cơ đã có mặt sẳn trên vùng trời cũng lao vào tấn công bọn họ . Nhưng những phi công Thủy quân lục chiến này thật khó đánh đuổi , họ tỏ ra can trường và liều mạng không coi đạn phòng không của địch ra gì cả , cứ thẳng đường mà lao vào gần mẫu hạm để ném bom . Một ánh lửa lóe lên rồi hai ánh lửa lóe lên tiếp theo là nhiều cột khói bốc lên cuồn cuộn từ chiếc mẫu hạm Hiryu . Những chiếc chiến đấu cơ Zero hối hả cất cánh nghênh địch và không bao lâu họ đã thanh toán 8 trong 16 phi cơ Hoa Kỳ , số còn lại cứ bám víu cố ném hết số bom còn lại xuống hạm đội địch rồi mới chịu quay trở về căn cứ Midway . Trong khi ấy thủy thủ đoàn trên chiếc mẫu hạm Hiryu cố dập tắt ngọn lửa và kiểm tra lại thiệt hại . Và nó vẫn bình yên vô sự dù với một chút hư hại không đáng kể .

  Sau đó biển lại lặng , súng lại yên được một chốc . Lúc 8 giờ 9 phút một hiệu lệnh vô tuyến truyền đến từ một thủy phi cơ tuần thám của tuần dương hạm Tone cho biết một tin mừng . Tin mừng này khiến Kusaka phấn khởi không ít , hạm đội địch chỉ vỏn vẹn gồm 5 tuần dương hạm và 5 khu trục hạm mà thôi . Tuy nhiên , ông không còn đủ thời gian để mĩm cười bởi vì 15 chiếc pháo đài bay của địch cũng vừa xuất hiện phía trên đầu , và họ bắt đầu thả bom tấn công . Đây là phi đội pháo đài bay B-17 , họ rời Midway lúc trời chưa sáng mục đích để truy tìm và tiêu diệt những dương vận hạm chuyển quân , nhưng vô tình lại phát giác ra những mẫu hạm đang nằm phơi mình dưới ánh nắng bình minh , những mục tiêu hấp dẫn như thế này thì làm sao họ không lao ngay vào tấn công cho được . Những sĩ quan phi hành nhìn những quả bom to đùng của mình đuôi nối đuôi rơi thẳng xuống giữa vùng biển đầy chiến hạm địch rồi gọi radio báo cáo đại về chỉ huy rằng phi đội của mình đã đánh trúng 4 chiến hạm của địch . Thực tế thì chẳng có trái bom nào trúng đích cả .

  Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn mà hạm đội xung kích của Nhật đã bị phi cơ Hoa Kỳ tấn công những ba lần , thủy lôi có , bom đánh trượt và bổ nhào có , bom thả từ trên cao độ có nhưng chẳng gây được thiệt hại nào đáng kể cho họ . Kusaka ngẫm nghĩ và cười một mình “Hừm , quân đội Hoa Kỳ xông trận mà đánh đấm dỡ ẹt như vầy thì ở nhà nấu cơm cho vợ ăn có lẽ còn anh hùng hơn” .

  Mười phút sau lại có một tín hiệu báo động khác cũng từ chiếc thủy phi cơ thám thính lúc nãy . “Hạm đội địch xuất hiện phía sau gồm có cả hàng không mẫu hạm” . Kusaka đồng ý cho rằng đây là một báo cáo đáng tin cậy nhưng ngược lại các sĩ quan tham mưu thì không . Họ cho rằng nếu vùng biển này cũng có mặt của mẫu hạm thì vừa rồi tại sao không cho phóng phi cơ tấn công . Kusaka giải thích lý do tại sao ông lại chắc chắn rằng mẫu hạm địch chỉ quanh quẩn ở đâu đây “Hãy nhớ lại ba lần phi cơ bọn chúng đến tấn công ta , cứ trông lối đánh bạt mạng không hề sợ sệt gì cả thì cũng đủ đoán biết phía sau họ còn có cả một lực lượng hùng hậu không sớm thì muộn cũng sẽ đến tiếp ứng mà thôi” 

  Đúng 8 giờ 30 sáng , ngay lúc phi đoàn oanh kích cuối cùng từ Midway của Trung úy Tomonaga vừa trở về lại mẫu hạm thì một báo cáo gửi về rằng vừa phát giác thêm hai chiến hạm địch , có thể là tuần dương hạm . Quả thật lực lượng địch quá hùng hậu như thế này thì làm gì mà không có sự hiện diện của hàng không mẫu hạm cho được . Nghĩ như thế nên Kusaka chỉ muốn ra lệnh cho phi cơ tấn công ngay nhưng ngặt một nỗi ông ta đang ở trong một tình thế nan giải hết sức . Không thể nào ra lệnh cho những chiến đấu cơ đi tập kích địch được , vì họ có bổn phận bảo vệ mẫu hạm và vẫn còn vần vũ trên trời để đề phòng mọi cuộc tấn công bất ngờ , bây giờ thì chúng gần cạn hết xăng . Nếu gửi phi đội của Tomonaga thì sao . Họ mới quay về từ một phi vụ không biết nhiệm vụ tiếp tục họ có thể hoàn thành hay không . Nếu những việc không hay xảy ra cho họ thì Hải quân sẽ mất đi những phi công ưu tú , rất bất lợi cho những chiến dịch nối tiếp trong tương lai . Nghĩ như thế nên ông quay sang Nagumo , khuyên vị Đô đốc chỉ huy nên đình lại việc tấn công hạm đội địch . Rồi ông lại quay sang hỏi ý kiến của Genda . Genda tỏ vẻ băn khoăn đưa mắt nhìn lên phi đội của Tomonaga đang bay lượn trên đầu rồi chậm rãi nói “Tôi nghĩ trước tiên thì mình hãy cho những đứa con trên trời đáp xuống để nhận thêm xăng nhớt cái đã !

  Thế rồi những phi cơ đang nằm trên sàn hai mẫu hạm Akagi và Kaga lại một lần nữa phải chuyển xuống hầm . Lần này đơn thuần chỉ để dọn chỗ trống để các phi đội oanh tạc cuối cùng từ Midway trở về có chỗ hạ cánh . Chiếc oanh tạc cơ sau chót vừa an toàn hạ cánh xuống đường băng đúng 9 giờ 18 phút sáng . Lập tức đội xung kích Kido Butai tăng tốc độ 30 hải lý một giờ và chuyển từ hướng Đông Nam sang hướng Đông Bắc , nơi thủy phi cơ báo cáo có hạm đội Hoa Kỳ xuất hiện .

  Thủy thủ đoàn trên bốn mẫu hạm vội vàng cùng nhau bắt tay vào việc chuẩn bị cho trận chiến kế tiếp là tiêu diệt hạm đội Hoa Kỳ . 36 khu trục cơ , 54 phi cơ phóng thủy lôi và nhiều chiến đấu cơ Zero hộ tống . Mặt trận quyết định trên Thái Bình dương mà Hải quân Nhật nói chung và Đô đốc Yamamoto nói riêng , đã thầm ước ao mong đợi hàng mấy năm nay bây giờ coi như đã cầm chắc trong tay . 

  Bây giờ chúng ta hãy nhìn về phía Hải quân Hoa Kỳ để xem họ bày binh bố trận ra sao . Đô đốc Fletcher ra lệnh cho lực lượng đặc nhiệm 16 hễ khi nào phát giác ra mẫu hạm của địch thì phải lập tức xông vào tấn công ngay . Spruance tuy nhận lệnh và dù đã biết đích xác vị trí của hạm đội Nhật nhưng ông lại không vội vàng , có ý chờ cho đến khi nào hai mẫu hạm Enterprise và Hornet tiến gần đến cách mục tiêu khoảng 100 dặm mới hành động . Một báo cáo từ đội trú phòng trên đảo Midway gửi tới khiến cho vị hạm trưởng là Miles Browning vừa đọc xong , ông vỗ đùi thích chí giục Spruance hãy sớm ra tay , vì đây là cơ hội ngàn năm một thuở , những phi cơ oanh tạc Midway vừa trở về mẫu hạm và giờ này chắc chúng đang hạ cánh để được tiếp tế xăng nhớt đạn dược . Không đánh ngay lúc này thì còn chờ đến lúc nào mới đánh .  

  Spruance vốn là một vị chỉ huy thận trọng và đầy mưu lược , ông chỉ hành động khi nào cảm thấy sự liều lĩnh của mình là đáng giá . Theo ông , thì khi tấn công địch , khoảng cách càng xa thì càng thêm bất lợi . Dĩ nhiên là ông không bao giờ chấp thuận cho phi cơ cất cánh tấn công hạm đội Nhật với một khoảng cách quá xa như thế nhưng đây là một dịp may không thể bỏ qua được .

  Thế là lệnh tấn công được loan truyền cho toàn hạm đội . Trừ những phi cơ tuần thám , phần còn lại đều phải nhập cuộc . 67 phi cơ khu trục , 20 phi cơ chiến đấu và 29 phi cơ phóng thủy lôi lần lượt rời 2 mẫu hạm lúc 7 giờ 2 phút .

  Phần mẫu hạm Yorktown với Đô đốc Fletcher thì đang di chuyển phía sau Spruance khoảng 50 dặm . Nhưng đến 9 giờ 06 phút tức là gần 2 tiếng đồng hồ sau ông mới ra lệnh cho phi cơ cất cánh tấn công hạm đội Nhật . Mười bảy phi cơ khu trục , 6 chiến đấu cơ và 12 phi cơ phóng thủy lôi vội vã rời  đường băng mẫu hạm Yorktown tiến về phía Kido Butai .

  Trở lại với hạm đội xung kích Kido Butai của Nagumo , vì muốn tránh những cuộc tấn công tiếp nối bởi những phi cơ Hoa Kỳ cừ căn cứ Midway nên hạm đội ông thình lình chuyển theo hướng Tây Bắc . Cũng nhờ quyết định chuyển hướng đội ngột này mà hạm đội của Nagumo tránh được 151 phi cơ của Hoa Kỳ đang ồ ạt phóng tới từ 3 mẫu hạm .

  Chỉ hơn mười phút sau khi Nagumo chuyển hướng thì những khu trục và chiến đấu cơ từ mẫu hạm Hornet đã phóng đến nhưng trước mắt , phía dưới mục tiêu lại trống không . Viên phi đoàn trưởng , Stanhope Ring quan sát cánh phải chỉ thấy toàn là mây che phủ (hạm đội xung kích của Nagano đang di chuyển phía dưới mây nên không bị phát giác) . Thế rồi ông lại hướng dẫn phi đoàn của mình theo hướng Tây Nam tiến về phía Midway – tức là càng rời xa Kido Butai . Ngay sau đó , đội phóng thủy lôi xuất hiện và họ di chuyển đúng theo hướng của Kido Butai đang di chuyển . Phi đội 15 chiếc từ mẫu hạm Hornet , phi đội trưởng là Trung úy John Waldron , anh ta không bay theo đội hình của khu trục hướng vào đảo Midway mà trở lại phía Đông cố tìm cho được hạm đội Nhật Bản mới nghe . Viên trung úy phi công tận tụy với trách nhiệm này vốn không muốn trở về với đôi tay không nên quyết chí phải tìm cho ra hạm đội địch . Khuôn mặt vốn đầy những vết sẹo , cằm anh bạnh ra cứ nhìn chòng chọc phía dưới mặt đại dương để dò tìm tung tích địch . Anh bay theo hướng Đông khoảng chừng vài phút nhưng không nhìn thấy gì . Nhưng chợt ngoài kia , nơi xa thẳm tầm mắt chừng 8 dặm , bốn chiếc mẫu hạm trông như những chiếc hộp xếp thành hàng dọc in trên mặt sóng mênh mong . Thế là một phi đội chiến đấu cơ Zero từ đâu thình lình kéo đến và tấn công ngay vào phi đội của Waldron . Anh Trung úy phi công Hoa Kỳ cứ mặc xác cho những chiếc Zero liều mạng cố lăn xả vào mà bắn , anh bình tỉnh nghiêng cánh phi cơ thả hết tốc độ hướng mũi về phía hàng không mẫu hạm của địch mà lao tới , toàn phi đội của anh cũng nhất tề lao theo với một vận tốc như chớp giăng gió giật . Nhưng ngay lúc ấy cũng có một vài chiếc bị Zero bắn hạ . Tiếng súng nổ vang trời , đạn đạo xé toạt không gian tạo thành những đường vắt chéo đầy trời . Chiếc phi cơ của Waldron cuối cùng rồi cũng không ngoại lệ , đạn đã xuyên thủng phòng lái , đạn trúng vào bình xăng và lửa bắt đầu cháy lan ra . Waldron căm hờn nhìn những mẫu hạm phía dưới , một mục tiêu tỏ rõ nhưng phi vụ cuối cùng của anh đã chấm dứt một cách vô nghĩa và tức tưởi . Những chiến đấu cơ Zero dũng mãnh của Nhật quả thật hung hăng một cách kỳ lạ , họ liên tục thay nhau bắn hạ thêm nhiều phi cơ của Hoa Kỳ  . Toàn phi đội của Trung úy Waldron gồm 14 chiếc bây giờ chỉ còn lại có 4 chiếc nhưng họ vẫn chưa chịu rút lui cố tiến gần mẫu hạm hơn để thả bom , đánh được mục tiêu địch rồi thì dù có chết cũng cam . Thình lình một phi đội 12 chiếc phi cơ phóng thủy lôi từ mẫu hạm Yorktown xuất hiện và trong chớp mắt 5 trái thủy lôi đầu tiên được phóng ra nhưng không trái nào trúng đích . Một phi cơ Hoa Kỳ vừa bị trúng đạn , anh phi công kém may mắn trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời lại tỏ bình tỉnh vô cùng , anh khéo léo điều khiển chiếc phi cơ lâm nạn của mình lao thẳng vào soái hạm Akagi . Lúc ấy Tướng Kusaka đang đứng trong tháp chỉ huy , ông đưa mắt nhìn lên theo tiếng gầm rú vang trời của chiếc phi cơ mất thăng bằng đang lao vút về phía mình . Và may mắn cho ông , chiếc phi cơ chỉ lướt qua đầu ông không quá 10 thước rồi lao thẳng xuống biển . Bất giác Kusaka nghe lòng chùn xuống , một cái chết can trường đầy tiết tháo của một phi công vô danh , dù là phe địch nhưng ông cũng cúi đầu đọc thầm một câu kinh nguyện cầu cho một linh hồn vừa được thăng thiên .

  Lại thêm nhiều thủy lôi được vội vàng phóng ra nhưng chẳng gây được một thiệt hại nào cho địch , trong khi chiến đấu cơ Zero cứ bu quanh mà tấn công . Chỉ còn lại phi đội khu trục cơ là chưa xuất hiện , họ tất cả có hai phi đội , một từ Hornet và một từ Yorktown . Hiện tại thì 17 chiếc khu trục cơ của Yorktown dưới sự chỉ huy của Trung úy Maxwell Leslie đang ở cách mục tiêu chừng vài dặm phía Tây Nam . Phi đội khu trục cơ khác của Trung úy McClusky , họ từ mẫu hạm Enterprise và cất cánh trước phi đội của Leslie cả một giờ đồng hồ . Phi đội này cũng bay về hướng Midway để dò tìm tung tích hạm đội của Nagumo nhưng không thấy gì cả và bây giờ đang quay trở lại .

  Đúng 9 giờ 55 thì McClusky phát giác ra một vệt sóng trắng xóa kéo dài dưới mặt biển , anh cho phi cơ bám sát theo dấu nhưng đó chỉ là một khu trục hạm lẻ loi của địch . Anh nghĩ bụng nếu cứ theo chiếc khu trục hạm này một lúc hẳn sẽ gặp được mẫu hạm . Ngay lúc ấy lại nghe tiếng của thuyền trưởng Browning hét lớn trong tầng số radio liên lạc “Tấn công , tấn công !”.

  McClusky mừng rỡ cho rằng hạm đội địch chỉ lảng vảng gần đâu đây nên quyết lòng bám theo khu trục hạm mà tìm . Lúc này bình xăng của phi cơ anh đã cạn đến mức báo động nhưng anh nghĩ phải tiếp tục thêm chốc nữa hẳn hay . Bây giờ là 10 giờ 20 sáng .

  Đến lúc này thì những phi cơ oanh tạc Midway của Nhật đã trở về mẫu hạm để nhận xăng . Công việc diễn ra hết sức suông sẻ mặc dù có sự xuất hiện của phi cơ địch . Và bây giờ tất cả đã sẳn sàng tung lên để chiến đấu . Chỉ 15 phút sau thì tất cả phi cơ đều có mặt trên không trung . Ngay lúc đó thì 35 chiếc khu trục cơ của Trung úy McClusky xuất hiện . Đây là hai phi đội riêng của hai mẫu hạm nhưng Trung úy McClusky là chỉ huy trưởng cho cả hai , Trung úy Gallaher và Richer .

  Từ trên cao độ , Gallaher nghe tiếng Trung úy gọi tên mình và ra lệnh “Theo tôi” , sau đó chiếc phi cơ của MacCluky chúi mũi lao thẳng xuống mẫu hạm Kaga , không chậm trễ , Gallaher cũng lao sát theo sau . Đến một khoảng cách gần , anh ta nhìn thấy hình vẽ lá cờ mặt trời mọc thật to tướng trên sàn mẫu hạm . Viên trung úy trẻ này là người đã thoát chết trong trận Trân Châu cảng , sau khi chứng kiến chiếc hạm Arizona bị đánh bật ngửa nằm tênh hênh ngay bãi biển lòng bổng đau quặn lại , luôn thề với lòng là dù thế nào cũng phải tìm cho được một chiến hạm địch để trả thù cho cái chết tức tưởi của Arizona . Anh bấm nút thả bom ở độ cao 1 ngàn 800 bộ và đưa mắt theo dõi quả bom nặng nề lao thẳng xuống – đây là một việc nguy hiểm không nên làm , anh thường khuyên các bạn phi công của mình như thế - Một ánh lửa lóe lên ngay sàn tàu , rồi thêm một ánh lửa khác cũng cùng một mục tiêu . Quả bom ấy do Trung úy McClusky cũng vừa thả xuống . Chỉ một phút đồng hồ sau thì đã có thêm hai trái bom nữa cũng đánh trúng vào soái hạm Akagi . Ngọn lửa trên chiếc Akagi bắt đầu cháy lan ra , khói tỏa cả một vùng biển rộng . Trên chiếc hạm thảm thương ấy , Tướng Kusaka đứng sững sờ , ông không ngờ những khu trục cơ cũng có thể gây thiệt hại cho chiến hạm của mình . Ngay giữa lúc còn bàng hoàng suy tính thì lại có tiếng vo vo thật to bên tai ông , bất thần ông ngước nhìn lên phía trên thì thấy 3 quả bom to đùng đang xé gió lao thẳng xuống . Ba quả bom chết tiệt ấy đánh trúng vào giữa hàng phi cơ chuẩn bị cất cánh . Một trái lại rơi tọt xuống hầm chứa thủy lôi , một tiếng nổ kinh thiên động địa khiến cho toàn thân mẫu hạm rung lên bần bật như vừa trãi qua một cơn địa chấn . Những phi cơ chưa cất cánh bị bắt lửa cháy rực , tiếp theo là tiếng bom và thủy lôi cũng bắt lửa nổ liên tục . Rồi ngọn lửa ngùn ngụt ấy lại liếm dần vào hầm chứa dầu và đạn dược . Lại thêm nhiều tiếng nổ khác vang lên , toàn thân soái hạm Akagi run lên từng chập như căn nhà tranh trước cơn trốt xoáy .

  Một cảnh tượng hết sức kinh hoàng , ngọn lửa bây giờ đã ngự trị gần hết mẫu hạm , Akagi coi như hết phương cứu chửa . Kusaka kéo vội Nagumo ra chỗ chưa bị ngọn lửa lan tới và hét lớn “Chúng ta phải di tản sang thuyền khác thôi” . Nhưng Nagumo từ chối không muốn bỏ soái hạm . Kusaka gắt lên “Ở đây thì còn làm gì được , nó sắp chìm bây giờ và máy móc đâu còn nữa để cho Đô đốc liên lạc” Nhưng Nagumo coi ra vẫn không muốn di tản , ông cứ bảo rằng không sao đâu . Đến lúc này thì hạm trưởng là Taijiro Aoki khuyên ông nên dời sang hạm khác , chỉ có một mình hạm trưởng Aoki này mới là người chịu hoàn toàn trách nhiệm với chiếc soái hạm mà thôi . Tuy nói như thế nhưng Nagumo vẫn không nghe , Kusaka lại dài dòng giải thích rằng Đô đốc là người chỉ huy cả một hạm đội xung kích chứ đâu phải chỉ riêng lẽ mỗi một chiếc Akagi này mà muốn ở lại để được chết chìm với nó . Cứ dằn co một hồi thì ngọn lửa đã cháy lan tới tháp chỉ huy . Lúc này nếu muốn thoát ra bằng lối thường cũng đã muộn vì chiếc cầu thang đã cháy tiêu . Túng cùng quá Kusaka mới túm lấy cuộn dây thừng và phá cửa sổ để cùng Namugo thoát nạn . Trước nhất Kusaka đẩy vị Đô đốc nhỏ con Nagumo ra trước rồi ông và một sĩ quan khác theo sau , cả ba cùng đu theo sợi dây thừng mà thoát nạn . Kusaka là người cuối cùng thoát ra , lúc này sợi dây thừng bị lửa bén tới cháy bùng lên khiến cho đôi tay ông nóng rát . Cũng còn chút may mắn , khi ông đã tụt xuống được hai phần ba đoạn đường thì sợi dây vụt đứt lìa đánh rơi Kusaka xuống sàn tàu một cú thật mạnh . Lúc này ông đã mất cả giày lẩn vớ , mắt cá chân bị trẹo sau cú ngã vừa rồi và hai bàn tay đều bị phỏng nặng . Tuy nhiên Kusaka không thể nào chần chờ được nữa vì chiếc soái hạm bây giờ gần như chìm hẳn vào biển lửa . Kho đạn bị ngọn lửa tấn công phát nóng và nổ bay loạn xạ . Cũng nhờ những thủy thủ nhanh nhẹn thấy tình trạng không thể cứu chửa của soái hạm nên liều mình mang thuyền cứu hộ đến bốc Nagumo và Kusaka cùng vị sĩ quan tham mưu . Riêng hạm trưởng Aoki thì xin được đi theo vận mệnh của chiếc soái hạm Akagi .

  Đi sau phi đội của Trung úy McClusky và Leslie là một phi đội 17 oanh tạc cơ cất cánh từ mẫu hạm Yorktown . Khi phát giác ra hướng Tây Bắc có nhiều cụm khói bốc lên , đấy là do soái hạm Akagi bốc cháy , họ chuyển về hướng ấy ngay . Trên đường , thình lình họ phát giác phía dưới đám mây mỏng , hai mẫu hạm Hiryu và Soryu thoáng ẩn thoáng hiện . Tức thì cả phi đội 17 chiếc oanh tạc cơ cùng chúi mũi lao thẳng xuống mục tiêu . Những tiếng sấm từ trời cao giáng xuống thình lình khiến cho những thủy thủ không thể nào trở tay kịp . Cũng may cho chiếc Hiryu , sau quả bom đầu tiên phá hỏng một phía trên sàn tàu nó tăng vận tốc và vọt thẳng để lại cho chiếc Soryu đơn độc chống trả . Khi dàn phòng không bắt đầu hoạt động mạnh thì đã quá trễ . Năm phi công Hoa Kỳ vừa đi một pha rất đẹp , từ trên cao độ , Trung úy Bob , chỉ huy trưởng phi đội dẫn đầu xé mây nhắm mẫu hạm Soryu lao vút xuống . Chỉ thấy 4 chiếc phi cơ như 4 cái bóng mờ chúi xuống thật nhanh rồi lao vút lên , bốn quả bom đều trúng đích chiếc Soryu chỉ trong phút chốc đã biến thành một biển lửa . Nhưng hành động hào hùng của 4 chàng phi công trẻ dù sao cũng không qua khỏi được thiên mệnh , 3 trong 4 chiếc phi cơ cảm tử trút bom xong vừa mới cất lên đã bị đạn phòng không địch bắn rơi ngay sau đó , trong số 3 phi cơ lâm nạn này có cả Bob , viên Trung úy trẻ một vợ hai con .

  Lúc này đã là 10 giờ 45 , trước tình trạng tồi tệ của mẫu hạm Soryu , hạm trưởng Ryusaku Yanagimoto ra lệnh cho thủy thủ đoàn lập tức rời bỏ mẫu hạm , còn riêng ông thì trở lại cầu chỉ huy , tay cầm kiếm mắt hướng về phía lá cờ mặt trời và miệng hát bài quốc ca . Ông quyết định ở lại cùng chết theo mẫu hạm .

  Chỉ với một khoảng thời gian thật ngắn mà 54 phi cơ Hoa Kỳ đã gây một thiệt hại đáng kể cho cả ba mẫu hạm của Nhật . Chỉ có Hiryu tuy bị thương nhưng đã may mắn chạy thoát ra khỏi vùng nguy hiểm . Đây là một cơ hội cuối cùng cho phó Đô đốc Tamon Tamaguchi chấn chỉnh hỏa lực tung quân phục hận . Lúc 10 giờ 40 , sáu chiến đấu cơ cùng 18 khu trục cơ cất cánh từ mẫu hạm Hiryu để tìm dấu vết mẫu hạm địch . Lẽ thường thì nếu phóng phi cơ để oanh kích địch thì vị trí đã định sẳn và muốn tìm ra mục tiêu cũng rất dễ dàng , đàng này họ mù tịt chẳng biết hạm đội địch đang xuất hiện nơi nào , ngoài đại dương thì bao la mà phía nào cũng có thể là có hạm đội địch cả thì họ phải nương theo hướng nào mà tiến bây giờ . Rất may cho những phi cơ Nhật mà cũng quá rũi cho phía Hoa Kỳ . Phi đội oanh tạc cơ của Trung úy Leslie sau khi đánh tơi bời 3 chiếc mẫu hạm của Nhật , một số bị bắn rơi , số sống sót còn lại thì ca khúc khải hoàn đắc thắng hồi dinh . Không ngờ trên đoạn đường quay về mẫu hạm Yorktown họ lại là kẻ hướng đạo dẫn theo một phi đội của kẻ thù tìm ra soái hạm của Fletcher . Và bây giờ đến lượt phi công Hoa Kỳ cất cánh lên nghênh địch . Vừa phát giác ra mẫu hạm Yorktown thì máu hận trào dâng khiến những chàng phi công Phù Tang cứ như đàn thiêu thân nhắm hướng mà xông vút vào bất kể phi cơ chiến đấu của địch dàn đội hình ra bảo vệ . Chỉ trong vòng một phút , phi cơ Nhật chia ra thành hai tiểu phi đội , một nửa lo chống trả với phi cơ chiến đấu và một nửa liều mạng cứ lo trút bom diệt cho bằng được chiếc Yorktown . Ba trong những phi cơ liều mạng này cố tình bay thẳng vào mẫu hạm  . Người ta còn trông thấy trên thân phi cơ vừa đâm vào còn mang những dấu đạn cày lỗ chỗ từ trận chiến ở vùng biển San hô . Chiếc phi cơ tự sát này đã một gây thiệt hại đáng kể cho mẫu hạm Yorktown . Đánh đổi sự ra đi hào hùng của anh phi công Nhật Bản là phòng máy của mẫu hạm bị phá hủy hoàn toàn và lửa đã bắt đầu cháy lan rộng ra . Lúc này đã là 12:30 . Giờ đã điểm cho vận mạng Yorktown đã gần kề , thêm mười phi cơ phóng thủy lôi của phi đội Trung úy Nakajima cộng thêm 6 chiến đấu cơ hộ tống đã xuất hiện trên bầu trời đầy giông tố do bom đạn gây ra . Nhiều phi công cảm tử lòn lách xuyên qua lưới phòng không dày đặc để tiến gần mẫu hạm . Chỉ có ở một trận chiến ngắn ngủi này lần đầu tiên người ta mới thấy sự quyết tâm phi thường của không quân Nhật . Bằng một cố gắng vượt hơn cả sức người thì dù có đến hơi thở cuối cùng họ cũng phải đạt cho kỳ được cái ước mơ của họ , là phải đánh chìm cho được mẫu hạm địch để rửa hận cho Akagi và Soryu . Thêm hai trái thủy lôi đánh trúng đích . Chiếc Yorktown gần như bị tê liệt hoàn toàn , đến 3 giờ chiều thì nó nghiêng hẳn về một bên và có thể lập úp bất cứ lúc nào . Trong tình trạng tuyệt vọng này hạm trưởng Elliott Buckmaster không biết còn phải làm gì khác hơn là lập tức ra lệnh thủy thủ di tản gấp .

  Bây giờ phía Hoa Kỳ chỉ còn lại có hai mẫu hạm , và hai mẫu hạm này đều nằm dưới sự chỉ huy của Spruance . Lúc 3 giờ 30 , ông phát lệnh cho khu trục cơ cất cánh tìm địch trả đũa . Hai mươi bốn khu trục cơ không có hộ tống dưới sự chỉ huy của Trung úy McClusky . Trung úy McClusky vừa bị thương trong trận đánh vừa rồi nhưng vẫn còn thừa sức để vẫy vùng thêm một trận thư hùng nữa . Anh hướng dẫn một phi đội 24 khu trục cơ tiến về phía mẫu hạm Hiryu . Liền sau đó Spruance gọi liên lạc với Đô đốc Fletcher , lúc này chiếc soái hạm Yorktown đã bất khiển dụng nên Fletcher đã di tản sang một tuần dương hạm mang tên Astoria . Khi nghe Spruance gọi xin chỉ thị thì Fletcher chỉ đáp gọn là “không có” . Thế có nghĩa là kể từ lúc này quyền chỉ huy đã nằm trong tay Spruance .        

                                                  ……………………………………

  

 

   Trên chiếc soái hạm khổng lồ mang tên Đại Hòa , Đô đốc Yamamoto vẫn còn ở cách mặt trận khoảng 400 dặm . Lúc 10 : 30 ông nhận được tin mẫu hạm Akagi lâm nạn , trên khuôn mặt vị Đô đốc chẳng tỏ vẻ bối rối hay xúc động chút nào . Hai mươi phút sau , phòng truyền tin liên lạc mang đến cho ông một bản báo cáo đầy đủ chi tiết từ Nagumo . Bản báo cáo như sau :

  “Ba chiếc mẫu hạm Akagi , Kaga và Soryu đang bị ngọn lửa dữ dội hoành hành , thảm họa này do phi cơ địch từ căn cứ trên đảo và mẫu hạm địch gây ra . Chúng tôi chỉ còn một mẫu hạm cuối cùng là Hiryu và sẽ dùng lực lượng của nó để tiêu diệt mẫu hạm địch . Hiện tại thì chúng tôi tạm thời rút về phía Bắc để củng cố lại lực lượng cố lật ngược thế cờ” .

  Vẫn giữ một vẻ điềm nhiên cố hữu đến lạnh lùng đã khiến cho các sĩ quan tham mưu lầm tưởng , họ thầm trách nhà chiến lược Yamamoto sao quá dững dưng trước một thất bại nặng nề đến như thế . Người ta không biết ông đang nghĩ gì và sẽ làm gì , chỉ thấy ông thật trầm tỉnh , ngồi yên lặng bên ván cờ còn dang dở với Watanabe . Thật sự thì có ai biết đâu trong đầu của vị Đô đốc lổi lạc này đang hoạch định những nước cờ khó hiểu . Cuối cùng thì chín mươi phút sau , Yamamoto mới bắt tay vào hành động . Ông ra lệnh cho những cánh quân chuẩn bị đổ bộ rút lui và hai mẫu hạm nhỏ đang có mặt trên vùng biển phía Bắc , nơi mà ông đã lệnh cho họ mở những cuộc không tập vào Dutch Harbor hồi tuần trước chỉ với mục đích đánh lạc hướng các mẫu hạm địch , hai mẫu hạm này lập tức xuôi Nam để kịp thời điền khuyết vào 2 mẫu hạm lâm nạn của Nagumo . Trong khi lực lượng hùng hậu còn lại của hạm đội liên hợp do chính Yamamoto chỉ huy thì tăng tốc độ tiến về phía Tây . Ngay khi ấy thì những dương vận hạm với cánh quân đổ độ vừa được lệnh sẽ trở về với toàn bộ hạm đội hộ tống có cả mẫu hạm Tuiho , dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Kondo sẽ cùng gặp nhau ở một điểm là vùng biển Midway . Như thế là 2 mẫu hạm từ phía Bắc , hạm đội từ phương Nam lên sẽ hợp cùng lực lượng hùng hậu của Yamamoto , cả ba lực lượng này kết hợp lại thành một sức mạnh khủng khiếp sẽ tung hoành quyết tiêu diệt cho kỳ sạch hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ .

  Trở lại với mẫu hạm Hiryu và trận chiến chưa ngã ngũ nhưng cả hai phía đều bị hao tổn khá nhiều . Những phi công Nhật còn sống sót sau trận tấn công Yorktown bây giờ trở về lại mẫu hạm Hiryu . Họ báo cáo rằng đã đánh đắm hai mẫu hạm địch . Yamaguchi lấy làm phấn khởi liền hạ lệnh tấn công ngay đợt thứ ba . Nhưng toán phi cơ thứ ba này trong lúc chưa chuẩn bị để cất cánh , hàng ngũ còn lộn xộn dưới sàn tàu thì một phi đội khu trục cơ của Hoa Kỳ xuất hiện . Từ hướng ánh tà dương , một đoàn khu trục  cơ 24 chiếc sắp hàng thẳng tiến tới như một con rồng uốn khúc trên không gian . Chỉ trong nháy mắt con rồng sắt ấy đã cuộn tròn trên bầu trời Hiryu . Mặc cho phòng không từ dưới bắn lên xối xả họ vẫn bu sát vào mẫu hạm . Bốn trái bom đánh sập tháp chỉ huy , lửa bùng cháy lên kinh khiếp là lan ra nhanh chóng . Những chiếc phi cơ chuẩn bị cất cánh đậu san sát bên nhau trên sàn tàu đã là một mồi lửa tuyệt vời . Chỉ cần một chiếc phi cơ phía ngoài bén lửa bắt cháy thì bình xăng và những quả bom treo hai bên cánh phát nổ . Bom càng nổ thì lửa càng cháy to , thử tưởng tượng với vài chục chiếc phi cơ nổ tung như thế thì sức công phá của nó kinh khủng đến thế nào rồi . Ở đây không cần phải nói đến tình trạng của chiếc mẫu hạm Hiryu nữa .

  Chỉ huy hạm đội xung kích là Nagumo , ông cùng Tướng Kusaka hiện đang có mặt trên một soái hạm mới , chiếc tuần dương hạm nhẹ Nagara . Mũi xung kích tuy rằng như con cua gãy càng , đã mất hết 4 mẫu hạm rồi thì còn gì để tấn công địch . Tuy nhiên Kusaka vẫn nuôi ý tưởng tiếp tục truy kích , hy vọng sẽ diệt được một vài mẫu hạm địch mới thỏa được mối hận ngút trời này . Mặc dù thân đang mang trọng bệnh lại bị phỏng cả hai bàn tay , một chân bị thương vì té trong lúc di tản khỏi chiếc soái hạm Akagi , nhưng ông vẫn mặc kệ , cố bước khập khễnh lên cầu chỉ huy để kiêu nài Namugo chuẩn bị kế hoạch tấn công vào lúc đêm tối mà lực lượng chính yếu chỉ là khu trục hạm , tuần dương hạm và thiết giáp hạm . Theo kế hoạch này thì toàn lực lượng còn lại phải xuất đầu lộ diện , hạm đội hai bên mặt đối mặt tranh tài cao thấp đây . Kusaka giọng cương quyết nói “Bây giờ chính là lúc tôi phải ra tay đây . Những gì còn lại của hạm đội lừng danh Kido Butai sẽ phải cố gắng làm lại từ đầu”.

  Spruance cũng đoán được những dự định của Hải quân Nhật nên ông tỏ ra rất cẩn trọng để quyết đoán . Trong lòng ông thì lúc nào cũng rất bồn chồn chỉ muốn mạo hiểm cùng họ tranh hùng một trận cho đã nư giận rồi ra sao thì ra . Nhưng lời dặn dò của Đô đốc là phải nên cân nhắc sự việc kỹ càng trước khi hành động . Vừa rồi Hải quân của chúng ta cũng liều lĩnh thật , nhưng sự liều lĩnh này đã mang lại một kết quả ngoài sức tưởng tượng . Có lẽ chỉ huy Nhật đặc kỳ vọng vào một thử thách cuối cùng này , hơn nữa thủy thủ của họ sở trường là đánh đêm trong khi phía Hoa Kỳ thì chưa từng được huấn luyện nên không có tí gì về chiến thuật xung trận lúc tối trời . Thôi thì lần này ta không nên mạo hiểm , tránh chạm trán với những con người liều lĩnh coi chết như chơi này cũng đáng ngại lắm . Nghĩ như thế nên ông ta ra lệnh cho hạm đội di chuyển về hướng Đông mất dạng .

  Bây giờ đã gần 7 giờ tối . Đêm đã xuống từ lâu , bầu không gian trở nên tỉnh mịch lạ thường . Gió hiu hiu nhẹ không đủ sức làm gợn mặt đại dương im ắng . Sao giăng nhấp nháy đầy trời , không biết đêm nay những tinh tú trời cao này đang e ấp thẹn thùa hay sụt sùi thương cảm nhỏ giọt chứa chan cho những chàng thủy thủ xa nhà đang dấn thân vào lửa đạn . Đó là những chàng trai quên mình vì tổ quốc . Hoặc Nhật Bản , hoặc Hoa Kỳ , dù chiến tuyến nào cũng thế , cũng hăng say chiến đấu để bảo vệ cho một chính nghĩa mà cấp lãnh đạo của họ đang ca ngợi và suy tôn . Không biết đêm nay sẽ có bao nhiêu vì sao rơi rụng , bao nhiêu linh hồn vô danh sẽ nằm lại vĩnh viễn giữa lòng đại dương mênh mông này .

  Vùng biển phía Tây Bắc Midway đêm nay được thắp sáng bởi những ánh đuốc khổng lồ , đó là những mẫu hạm đang trôi dạt bồng bềnh mà ánh lửa vẫn còn đỏ rực , soi sáng cả một vùng không gian âm u đen đặc . Trên một chiếc khu trục hạm , những thủy thủ còn sống sót sau những trận chiến kinh hồn trọn cả ngày bây giờ đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn theo chiếc mẫu hạm  Soryu đang từ từ nghiêng hẳn về một bên rồi chìm dần vào lòng đại dương . Lúc 7 giờ 13 thì ánh đuốc khổng lồ ấy khuất dạng , để lại vô số bọt nước sủi lên sùn sụt như để đánh dấu nơi yên nghĩ ngàn thu của một mẫu hạm , nơi chôn vùi những chiến công oanh liệt của một thời dọc ngang trên sóng nước . Và cũng tại nơi ấy cũng là nấm mộ tập thể của 718 thủy thủ .

  Cách đó bốn mươi dặm về hướng Nam , ngọn lửa khủng khiếp vẫn đang tàn phá mẫu hạm Kaga . Sau hai tiếng nổ kinh hồn , toàn thân mẫu hạm bị bẻ gãy thành đôi và chìm sâu vào lòng biển cả , nó mang theo một thủy thủ đoàn gần 800 người bất hạnh .

  Đây nói về lực lượng sức càng gãy gọng của Nagumo . Sau khi được Kusaka thuyết phục phải trả thù bằng mọi giá , họ âm thầm trong bóng đêm đen quyết tìm cho được hạm đội Hoa Kỳ để thanh toán . Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ tìm kiếm vẫn không dò được bóng dáng hạm đội địch . Nagumo chán nãn ra lệnh cho toàn bộ chiến hạm còn lại rút về phía Tây Bắc . Vị sĩ quan hạm trưởng Oishi , một kẻ lập dị hợm đời từng vẽ ra chiến dịch tấn công Trân châu cảng bây giờ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần hết sức trầm trọng . Ông chạy vào văn phòng của khu bệnh viện để tìm Tướng Kusaka . Gặp Kusaka , Oishi nói ngay “Chúng ta đang thi hành nhiệm vụ thì chúng ta phải chịu hết trách nhiệm của sự thất bại này . Tất cả chúng ta nên phải lấy cái chết để chịu tội với Thiên Hoàng và quốc gia” Ông còn cho biết là những sĩ quan tham mưu cũng có cùng một ý nghĩ và bây giờ muốn Kusaka đem việc này trình lại với Đô đốc Namugo .

  Kusaka quắc mắt nhìn Oishi một chập rồi dõng dạc nói “Tốt ! Hãy cho gọi tất cả sĩ quan tham mưu ngu ngốc ấy vào phòng họp lập tức

  Kusaka vẫn với bộ đồ trắng dành cho người bệnh chưa xuất viện , ông khập khễnh đi đến phòng họp , ở đó đã có sẳn những sĩ quan tham mưu . Kusaka vào đề ngay “Quí vị đã cùng chúng tôi sát cánh bên nhau , khi chiến thắng thì chúng ta cùng hân hoan chia sẻ , nhưng khi kết quả ngược lại thì quí vị quyết chí toan tự tử để chạy tội sao ? Hành động này không khác gì những người đàn bà yếu mềm , chẳng biết dùng trí óc để xét đoán mà chỉ biết cam phận trước mắt mà thôi” . Nói xong ông lên phòng chỉ huy tìm gặp Nagumo . Vừa gặp vị Đô đốc chỉ huy , Kusaka hỏi ngay “Đô đốc cũng định tự sát nữa hay sao ?” . Nagumo chỉ buồn bả đưa mắt nhìn ông . Kusaka bèn bắt đầu bằng một bài thuyết khách dài thườn thượt , nào là nhiệm vụ chưa thành hãy để tâm trí vào việc hành quân bố trận cớ gì lại bi quan nghĩ quẩn . Thiên Hoàng đã đặt tất cả niềm tin và tổ quốc cũng đang cần những quân nhân như chúng ta , tại sao lại phải tự tử . Tự tử là hèn nhát là trốn chạy trách nhiệm mà Thiên Hoàng và tổ quốc đã phó thác cho chúng ta . Ông lại khuyên rằng Nagumo lại là chỉ huy trưởng của một hạm đội , điều đó nói lên ông phải sống còn mà cáng đáng bổn phận . Nói xong Kusaka vỗ vai người chỉ huy nhỏ con mà nói “Daijobu” tức là “Đừng có lo ông ạ

                                    ……………………………

   Trên chiếc soái hạm Đại Hòa , Đô đốc Yamamoto cùng những sĩ quan tham mưu đang họp bàn , tìm cách nào để giáng một đòn thật mạnh cho hạm đội Hoa Kỳ hết phương trở tay để trả đũa lại bốn chiếc mẫu hạm đã bị họ đánh chìm . Kuroshima một hạm trưởng lên tiếng góp ý là nên cho thiết giáp hạm tiến vào Midway , dùng tất cả hỏa lực trên những chiến hạm này bắn phá liên tục vào bờ và sau đó cho quân đổ bộ . Tham mưu trưởng Ugaki cười gằn , ông cho đấy là một ý kiến quá tồi , có thể là tồi nhất thế giới . Vì khi những thiết giáp hạm Nhật tiến vào bờ liệu không quân và tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ có chịu để cho họ yên mà bắn phá không ? Cách tốt nhất là phải mở thêm một trận oanh tạc bằng phi cơ nữa , nhưng phải chờ hai mẫu hạm từ biển phía Bắc về đến rồi sẽ hành động . Đoạn ông dõng dạc nói tiếp “Nhưng ngay cả những cố gắng này cũng không thể đạt được mục đích thì chúng ta phải chấp nhận thất bại . Chỉ thất bại ở mặt trận này thôi chứ chúng ta không phải thất bại một cuộc chiến . Hạm đội liên hợp của chúng ta còn những 8 mẫu hạm . Chúng ta không thể để mất thêm nữa vì đây là lực lượng chính còn lại của Hải quân chúng ta , đừng nên hành động liều lĩnh” . Có ai đó đưa ra câu hỏi “Nếu như thất bại làm sao chúng ta có thể chịu hết trách nhiệm này với Thiên Hoàng đây ?” . Từ nãy giờ Yamamoto vẫn im lặng lắng nghe , đến đây thì ông chầm chậm đứng lên và tuyên bố với mọi người rằng “Trách nhiệm này chỉ có tôi , chính tôi là người sẽ đứng ra chịu hết với Ngài mà thôi” . Nói đến đó thì vị đô đốc quay sang ra lệnh cho Wantanabe gửi ngay quân lệnh bắt buộc Kondo và Nagumo lập tức lui quân triệt thoái ngay . Một cảm xúc bất ngờ dâng lên nghèn nghẹn , Watanabe ngồi xuống viết ngay một quân lệnh nhưng ông lại coi đây là nỗi nhục chung cho Hải quân nên tránh dùng hai chữ “Triệt thoái” .

  Đoàn chiến hạm chiến bại Kido Butai đang trên đường rút lui . Trên hai mẫu hạm Akagi và Hiryu , ngọn lửa bây giờ đã lan ra khủng khiếp không thể nào dùng sức người dập tắt được . Hạm trưởng Akagi bắt buộc phải gửi yêu cầu xin được đánh chìm . Ban tham mưu của Yamamoto tất cả đều không có ý kiến , riêng Ugaki thì phản đối , ông bảo rằng bọn họ , tức những thủy thủ trên mẫu hạm Akagi là “những bà già chập chạm chẳng làm được tích sự gì cả” . Kuroshima thì đưa ra ý kiến nếu không đánh chìm ngay sẽ gặp nhiều bất lợi sau này vì  Hoa Kỳ sẽ bắt giữ mẫu hạm này và mang về triển lãm ở bảo tàng viện San Francisco . Yamamoto nước mắt lưng tròng , mẫu hạm Akagi dù sao thì cũng đã có một thời gian dài gắn bó với ông khi nó còn là soái hạm của hạm đội liên hợp  , ông nói như ban một mệnh lệnh “Cho thủy lôi đánh chìm nó ngay đi” .

  Về phần mẫu hạm Hiryu thì hạm trưởng Tomeo Kaku không có radio liên lạc với chỉ huy hạm đội để xin lệnh đánh chìm . Đô đốc Yamaguchi , người trực tiếp chỉ huy hai tuần dương hạm hộ tống Hiryu , đứng ra nhận trách nhiệm . Ông ra lệnh cho khu trục hạm Kazagumo đánh chìm Hiryu . Lúc 2 giờ 30 sáng ngày 05 tháng 06 , Yamaguchi cho tập trung tất cả thủy thủ lại và trước mặt khoảng 800  người còn sống sót này , ông tuyên bố “Tôi phải vĩnh viễn ở lại đây và ra lệnh cho các anh hãy lập tức rời khỏi mẫu hạm để tiếp tục chiến đấu , để tiếp tục phục vụ sự nghiệp vẻ vang của Thiên Hoàng vạn tuế” . Đoạn ông gọi viên sĩ quan tham mưu dưới quyền lại rồi trao chiếc mũ Hải quân mà ông đang đội để nhờ sau này anh ta chuyển lại cho người vợ thương yêu của mình . Mọi người nhận lệnh lập tức rời khỏi mẫu hạm . Yamaguchi cùng hạm trưởng Kaku , người sẽ cùng ở lại chia sẻ những giây phút cuối đời với ông , cả hai bước lên đài chỉ huy trong lúc một nửa phía trước đang chìm vào vùng khỏi lửa mịt mù . Yamaguchi mĩm cười nhìn Kaku rồi nói “Trăng đêm nay tuyệt đẹp . Chúng ta sẽ thưởng thức cảnh trí nên thơ này trước khi cả hai chìm dần vào lòng đại dương ông nhé” .

  Lại nói về những thủy thủ còn sống sót trên Hiryu , sau khi nhận lệnh di tản họ đều dồn xuống hai tuần dương hạm nặng là Mikuma và Mogami . Cũng ngay đêm triệt thoái ấy , một tai nạn lại xảy ra khi đang di chuyển . Không hiểu hai tuần dương hạm Mikuma và Mogami này vì trời tối mất phương hướng hay vì một trục trặc nào đó mà họ lại tông vào nhau , kết quả là không thể nào đuổi theo kịp đội hình trốn chạy của Kido Butai phía trước . Họ phải ì ạch ở tận mãi phía sau để cho phi cơ của Hoa Kỳ phát giác và bu lại tấn công . Chiếc Mikuma khốn khổ chìm ngay tại chỗ , nhưng chiếc Mogami tuy đã bị nhiều trái bom đánh trúng nhưng nhờ một phép lạ nào đó nó đã chạy thoát được .

  Cũng cùng một ngày hôm ấy , tức 06 tháng 05 . Trung úy chỉ huy trưởng Yahachi Tanabe , khi chiếc tiềm thủy đỉnh mang số I-168 nổi lềnh bềnh trên mặt nước , anh ra đứng hóng gió bên ngoài và vô tình phát giác ra , phía xa xa nơi chân trời chiếc mẫu hạm Yorktown đang oằn mình chống trả lại sự tấn công dữ dội của hỏa thần . Thế là tiềm thủy đỉnh I-168 lặn ngay xuống tiến thẳng đến của mục tiêu . Khi chiếc I-168 vừa lọt vào phía dưới vòng vây bảo vệ của đội khu trục hạm hộ tống , nó phóng liền hai trái thủy lôi . Một đánh trúng khu trục hạm Hammann , một phóng thẳng vào mục tiêu chính là mẫu hạm Yorktown . Chiếc khu trục hạm Hammann bị chìm ngay sau đó ít phút nhưng Yorktown vẫn còn cầm cự được khá lâu . Cho đến tận ngày hôm sau , chiếc mẫu hạm kỳ cựu với vô số thành tích , đã tham dự không biết bao nhiêu trận hải chiến từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương , mới chịu khuất phục mang uất hận đi sâu vào lòng nước bạc , chôn kín một cuộc đời oai hùng ngang dọc dưới vạn dặm đại dương . Chiến thắng này tuy đến quá muộn nhưng nó đã hâm nóng lại hùng chí cho Hải quân Nhật , một an ủi nho nhỏ sau những lần đại bại liên tiếp với bốn hàng không mẫu hạm và vô số phi cơ cùng thủy thủ đoàn vĩnh viễn ở lại bên ngoài vùng biển Midway .

  Midway , đây quả thật là một khúc xương khó nuốt của Nhật . Một trận thư hùng ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn đôi ngày nhưng nó lại là một trận chiến kinh thiên động địa , một trận chiến quyết định cho đôi bên   . Người Nhật với lối nói cầu âu “Thua một trận chiến chứ không phải thua một cuộc chiến” , họ lép vế nên tạm thời phải chịu rút lui  . Để rồi từ đó Hải quân Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng , cánh tay cứ vươn dài ra và không bao lâu đã kiềm chế được cả toàn vùng Thái Bình Dương mênh mông .

  Hậu quả của thất bại này nguyên do cũng vì người quá cả tin vào hệ thống bảo mật tối tân của mình . Họ đâu có ngờ đâu chỉ với vài anh sĩ quan và một toán lính đang nằm ở một căn hầm ngay trên hoang đảo đã chận bắt và giãi mã hơn 90 phần trăm những tín hiệu liên lạc bí mật quân sự của họ . Bên cạnh ấy còn có những bầu nhiệt quyết sôi sục , sự dũng cảm và lòng quyết tâm của những phi công trẻ tuổi gan dạ có thừa như McClusky , Waldron v.v .

   Trong mỗi trận chiến , may mắn cũng dự một phần vào sự thắng bại . Ở Midway , may mắn thật sự đã quay mặt với Hải quân Nhật . Thủy phi cơ thám thính của tuần dương hạm Tone bị hoãn lại nửa tiếng đồng hồ vì lý do giàn phóng trục trặc để mang lại hậu quả khôn lường là không phát giác hạm đội địch kịp lúc . Trong chiến trận , khi ra quân biết rằng cần phải cân nhắc suy xét cẩn trọng nhưng lắm lúc cũng phải biết liều lĩnh mạo hiểm . Yamamoto vẽ ra kế hoạch tiến chiếm Midway quá vội vàng hấp tấp trong khi những sĩ quan thi hành nhiệm vụ lại quá e dè cẩn trọng . Về phía Hoa Kỳ thì phó Đô đốc Spruance biết chọn cách đi nước liều đúng thời điểm – bằng cách tung ra đợt tấn công sớm hơn và với tất cả phi cơ hiện có – rồi ông lại khôn khéo khi thối quân đúng lúc vì không muốn đụng độ lúc ban đêm với Nagumo . Tuy nhiên , những đó cũng không hẳn chỉ một mình vị phó đô đốc tự quyết định , phía sau ông dĩ nhiên vẫn còn một bộ óc lão luyện từng trãi khác ở cách mặt trận hơn ngàn dặm . Đó là Đô đốc Chester Nimitz , người âm thầm hoạch định mọi kế hoạch cùng bước tiến thoái nhịp nhàng cho toàn cục .

                            ……………………………………………

    Trong một buổi tiệc do nhân viên Tòa đại sứ Đức và Ý tổ chức , trong số quan khách tham dự ấy người ta còn thấy có sự hiện diện của Thủ tướng Tojo và nhiều nhân vật tướng lãnh cao cấp khác của Đông Kinh .

  Nơi một bàn tiệc rượu thịt ê hề và tiếng cười nói vang vang . Chợt Tướng Moritake Tanabe rỉ tai Thủ tướng Tojo rằng “Hải quân họ đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng ông ạ” . Tojo ngạc nhiên quay sang hỏi nhỏ “Ở Midway ?” Tanabe nhẹ gật đầu rồi nói “Họ bị thiệt mất những 4 hàng không mẫu hạm” . Tojo cảm thấy hụt hẫng trước bản tin sét đánh này , ông ráng tự kềm chế để không lộ vẻ xúc động trước đám đông . Trong lòng thầm nghĩ “Mấy ông thần Hải quân vẫn khư khư một mực cứ cho mình là đúng , vì họ không nghe lời khuyên của phía Lục quân nên mới ra nông nổi” . Tojo nghiêng người sang Tanabe nói nhỏ “Tin này chớ nên tiết lộ ra ngoài . Ráng giữ kín giùm ông nhé”.

  Hôm sau , Thủ tướng Tojo vào chầu Nhật Hoàng nhưng tuyệt nhiên vẫn giữ kín tin Midway . Sau đó , trong một buổi họp của bộ tổng tham mưu Thiên Hoàng  , Thủ tướng đề nghị rằng những bản tin về chiến dịch Midway chớ nên công bố ra công chúng vội , chỉ cho họ biết ngày 07 tháng 06 Hải quân ta đã chiếm được hai hòn đảo chiến lược quan trọng là Attu và Kiska .

  Ở tại Hoa kỳ lúc này thì cái địa danh Midway xa lạ kia đã trở thành quá quen tai đối với mọi người . Với những trận hải chiến lừng danh quân sử ấy đã khiến cho quần chúng thay đổi cách nhìn , từ những mặt trận xa xôi bên trời Âu đã có một thời cuốn hút , bây giờ Thái Bình Dương mới là một mặt trận hấp dẫn đáng lưu tâm chú ý đến nhiều . Đô đốc Nimitz , chỉ huy trưởng Hải quân Thái Bình Dương tự nhìn nhận rằng vẫn có nhiều người lên tiếng chỉ trích về ông , nhưng những lời chỉ trích ấy có lẽ đến quá sớm chăng . Trong một bản thông báo chung ngày 06 tháng 06 , Nimitz nói “Mối hận Trân châu cảng coi như chúng ta đã rửa được phần nào , nhưng không vì đó mà nguôi ngoai được . Chỉ khi nào lực lượng Hải quân của Nhật không còn tồn tại nữa thì lúc ấy chúng ta mới có thể quên được mối huyết hải thâm thù này mà thôi . Chúng ta đang có những bước tiến khả quan , một Midway cũng đã xác định được khả năng của Hải quân Hoa Kỳ trong những ngày sắp đến” .

  Vào ngày 07 tháng 06 , tờ nhật báo Chicago Tribune không hiểu vì lý do cạnh tranh hay vì tò mò thích bươi móc việc kín của quân đội , họ bật mí một bí mật hết sức nguy hiểm là Hải quân Hoa Kỳ sở dĩ đạt được chiến thắng ở Midway do nhờ một bộ phận điện tử có thể chận và giải được tất cả tín hiệu liên lạc bằng mật mã của hạm đội Nhật Bản . Và nhờ vào những lợi thế này mà họ đã biết rất rõ một lực lượng Hải quân hùng hậu của Nhật sẽ tiến vào vùng biển Midway cả 5 ngày trước khi trận chiến bắt đầu . Bản tin gây chấn động trong giới quân sự Hoa Kỳ này dĩ nhiên không phải do nhân viên Hải quân có nhiệm vụ tiết lộ , mà nó đến từ Stanley Johnston , một phóng viên chiến trường hiện đang có mặt ở chiến trường Thái Bình Dương .

  Đó là một tiết lộ động trời khiến cho Hải quân Hoa Kỳ sốt vó , họ sợ Nhật khám phá ra cái bí mật của mình rồi cho thay đổi toàn bộ hệ thống mật mã liên lạc , đến lúc đó thì cục diện sẽ thay đổi hẳn vì mọi sơ hở của địch sẽ không còn nữa .

  Nhưng trái ngược lại với sự lo ngại của Hải quân Hoa kỳ , Nhật chẳng hay biết gì cả , họ vẫn tự hào rằng mật mã liên lạc của hạm đội mình là bí mật tuyệt đối , là một loại mật mã tối tân không thể nào phá thủng nổi . Họ lại quy cho sự thất bại ở Midway cũng vì những người chỉ huy ở mặt trận quá chủ quan và Tướng Kusaka tự ông ta phải nhận hết trách nhiệm cho sự thảm bại này , vì cớ gì mà ông lại im lặng để cho Genda phái đi chỉ một số thủy phi cơ thám thính trong khi hạm đội đang tập trung ở vùng biển mà kẻ thù thì mênh mông tứ hướng .

  Ngày 09 tháng 06 , Tướng Kusaka vẫn trong bộ quân phục mùa đông , ông xuất hiện ở soái hạm Đại Hòa với bản báo cáo chung cho toàn mặt trận Midway , cùng với một thỉnh cầu là dù thắng dù bại , tin tức và sự thật cần được phổ biến trong công chúng , bởi đây là một cuộc chiến mà kết quả của nó không thể chối cải đều có ảnh hưởng đến toàn thể nhân dân Phù Tang .

  Khi còn lại một mình trong phòng với Đô đốc Yamamoto , Kusaka trình bày với ông rằng sự thất bại này , mọi lỗi lầm đều do những vị chỉ huy của hạm đội xung kích Kido Butai gây ra cả . Kusaka dõng dạc nói “Nếu Đô đốc muốn ai đó trong những người chỉ huy này tự sát để chuộc lại lỗi lầm thì xin cho tôi được nhận lấy vinh dự ấy” . Yamamoto lắc đầu nhìn Kurasa như cảm thông , ông nói “Chết đâu có thể giải quyết vấn đề và chết cũng chẳng chuộc lại được những lỗi lầm . Cần nhất là chúng ta phải bình tỉnh để nghĩ đến kế hoạch tiếp theo” . Kusaka lại bảo ước muốn của mình là được có thêm một lực lượng mẫu hạm mới để Kido Butai có cơ hội quay lại Midway ăn thua đủ với Hoa Kỳ . Ông khẩn thiết nhìn Yamamoto bằng đôi mắt như van xin cầu khẩn “Tôi xin Đô đốc cứu xét lại thỉnh nguyện của tôi” . Yamamoto chỉ nhẹ gật đầu , với giọng khàn đục , ông bảo “Tôi hiểu” . Thế là Kusaka chẳng những không bị thượng cấp quở trách , ngược lại chính Yamamoto nhường lại cái giường của mình cho Kusaka nằm để vị bác sĩ riêng của ông đến chuẩn bệnh . Sau khi chuẩn bệnh cho Kusaka xong , bác sĩ bảo rằng nguyên nhân chính là do sán lãi gây ra . Nhưng hạm trưởng Omi thì không cho là thế , ông bảo rằng Kusaka sở dĩ bị ảnh hưởng trầm trọng như thế là vì gặp phải liên tiếp những thất bại vừa qua ở Midway mà thôi .

  Tại Đông Kinh , thủ tướng Tojo ra lệnh không nên tiết lộ những tin tức không hay của Hải quân ra ngoài công chúng . Những thủy thủ còn sống sót bị thương tật và những chiến hạm bom đạn tàn phá trong trận hải chiến vừa rồi đều bị giấu kín ở một nơi bí mật . Sự thật của Midway chẳng ai biết đến .

  Ngày 10 tháng 06 , tổng hành dinh Thiên Hoàng công bố một chiến thắng lớn có tầm quyết định ở Thái Bình Dương . Những con dân Nhật Bản thảy đều nô nức với tin chiến thắng , họ giương cờ ôm hoa rầm rộ xuống đường tung hô vang dậy .

  Ở Tennessee , Thiếu úy Kazuo Sakamaki , một thiếu úy duy nhất còn sống sót trong những chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh Taget A nhận nhiệm vụ tấn công Trân châu cảng , bây giờ đang sống lẻ loi trong khám với thân phận là một tù binh chiến tranh . Sakamaki cảm thấy càng lúc Đông Kinh càng tỏ ra quá lố bịch . Vì theo tin tức từ báo chí Hoa Kỳ mà anh đã đọc được , anh chẳng thấy có một lý do nào xứng đáng để chính phủ Đông Kinh cho đồng bào xuống đường chào mừng chiến thắng Midway . Sau một chuyến giải giao từ Trân châu cảng , nơi mà anh bị Hải quân Hoa Kỳ bắt sống , về đến trại tù Tennessee , trên lộ trình dài vạn dặm xuyên qua những cánh đồng bất tận và muôn ngàn cơ sở sản xuất , chính mắt anh đã chứng kiến sự giàu có phồn vinh của đất nước và con người mà chính phủ anh đang kình chống lại . Bất giác Sakamaki thấy có một cái gì đó quá chênh lệch , một Nhật Bản nhỏ bé nghèo nàn và một Hoa Kỳ khổng lồ thịnh vượng . Trận chiến Midway chỉ mới là một sự bắt đầu , bắt đầu cáo chung cho giấc mộng tranh bá đồ vương của Đế quốc Nhật Bản . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế