Mặt trận Battaan Phi luật tân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trở lại phòng tuyến Batann Phi Luật Tân .

 Mặt trận này bỗng dưng lắng đọng lại một cách đáng sợ trong những ngày đầu tháng 02 . Những cánh quân phía phòng thủ thường tung ra những đơn vị tuần tra và tăng cường thêm nhiều đơn vị khác với mục đích củng cố thêm phòng tuyến xuyên ngang bán đảo . Thực phẩm bấy giờ thật khan hiếm . Khẩu phần của cánh quân phòng thủ tuyến đầu được ưu tiên hơn hết nhưng cũng chỉ được mỗi ngày một bửa ăn mà thôi , có thể nói là ăn để cầm hơi mà chiến đấu . Nguồn lương thực tiếp tế duy nhất đến từ đảo Corregidor nhưng cũng bị Hải quân Nhật ngăn chận cướp phá rất ngặt . Những con chiến mã và bầy la dùng trong đội kỵ binh ở đây cũng chẳng khá gì hơn con người , thực phẩm dành cho chúng chỉ còn lại một nhúm cỏ khô mà thôi . Túng cùng quá Tướng Wainwright đành gạt lệ hạ lệnh mang chúng ra làm thịt hết và cả con ngựa yêu quí của ông là Joseph Conrad cũng không được ngoại lệ . 

  Đến giữa tháng 2 thì nạn sốt rét rừng hoành hành đến mức báo động . Batann vốn là một hiểm địa , là một trong những ổ của sốt rét rừng nổi tiếng trên thế giới vì thế quân đội Hoa Kỳ cũng dự phòng sẳn nên đã trữ một lượng kí-ninh không ít nhưng bây giờ lại sắp cạn . Thêm vào đó tình trạng đói khát triền miên , rồi bệnh kiết lỵ cũng gia tăng khiến cho càng ngày nhiều quân nhân nằm liệt không còn sức chiến đấu nữa .

  Ngày 10 tháng 03 Tướng Wainwright được triệu hồi về đảo Corregidor , tại đây ông được Sutherland cho biết là Tướng Tư Lệnh Mac Arthur sẽ rời căn cứ này vào tối ngày mai bằng tàu phóng ngư lôi để đến Mindanao , một hòn đảo nằm tận cực Nam của Phi Luật Tân ; và ở đây thủy phi cơ sẽ đưa ông sang Úc Đại Lợi . Sutherland còn bỏ nhỏ với Wainwright rằng nếu như Wainwright đồng ý lãnh trách nhiệm chỉ huy đạo quân Luzon , một lực lượng mới được dự trù sẽ thành lập , họ sẽ sử dụng địa hình rừng núi thâm u làm căn cứ để chiến đấu theo lối du kích chiến ở đảo Luzon (một hòn đảo lớn nhất của Phi luật tân nằm ở phía Bắc) . Sutherland hạ thấp giọng nói chầm chậm “Nếu như ông đồng ý thì ổng (Mac Arthur) sẽ cho thêm một sao và quân đoàn này sẽ thuộc quyền chỉ huy của ông ngay !

  Lúc ấy Mac Arthur cũng vừa từ trong một gian phòng nhỏ nằm ăn sâu trong địa đạo bước ra . Wainwright nghiêm chào vị Tổng Tư Lệnh , MacAthur chào lại rồi trịnh trọng nói “Tôi muốn ông giải thích rõ cho tất cả vị chỉ huy thuộc cấp của ông rằng sự ra đi của tôi đây không có nghĩa là vì nhút nhát mà trốn chạy bỏ lại anh em . Tôi đã dứt khoát chống đối lại lệnh của Hoa Thịnh Đốn và quyết ở lại chiến đấu với anh em cho đến cùng” . Theo lệnh trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ thì họ muốn Mac Arthur rút bỏ tuyến phòng thủ cuối cùng ở Batann , nhưng vì ông là một vị chỉ huy biết thương lính nên đã cưỡng lại lệnh trên . Cố vấn của ông khuyên nên dời sang Úc vì ở đó ông có nhiều cơ hội cứu vãn tình hình , điều cần nhất là hàng chục ngàn binh sĩ còn đang kẹt lại bán đảo Batann đang đối diện với bệnh tật và đói khát .

  Trước khi từ giã để trở về Batann , Mac Athur còn vỗ vai Wainwright thân mật bảo “Khi nào tôi trở lại nếu ông còn đứng vững ở phòng tuyến Batann này thì lúc ấy ông sẽ mang sao Trung Tướng

  Buổi chiều hôm sau , 11 tháng 03 , khoảng 8 giờ chiếc tàu phóng ngư lôi PT-41 dưới sự chỉ huy của Trung Úy John Bulkeley rời căn cứ Corregidor với Tướng Tư Lệnh Mac Arthur cùng vợ và đứa con trai lên bốn . Tháp tùng trong chuyến đi này còn có Tướng Sutherland và vài vị sĩ quan cao cấp khác .

  Chuyến hải hành cam go phải mất trọn 35 tiếng đồng hồ sống với căng thẳng tột bực . Viên Trung Úy chỉ huy đã khéo léo điều khiển con tàu PT-41 vượt qua các tàu tuần duyên của địch và đến lúc rạng đông ngày 13 tháng 03 tàu đã cập được vào bờ biển phía Bắc của đảo Mindanao , một địa điểm rất gần nhà máy đóng họp khóm Del Monte .

  Mac Arthur bước lên bờ với vẻ mặt phờ phạc và vì quá căng thẳng nên không hề chợp mắt đến đổi đôi mắt của vị Tướng Tư Lệnh bị quầng thâm trông thật thãm nảo . Ông vổ vai viên Trung Úy thuyền trưởng PT-41 và nói “Trung Úy mang tôi ra từ miệng tử thần và tôi sẽ không bao giờ quên được những giây phút này” . Sau đó ông tuyên bố những thủy thủ trên tàu mỗi người đều được thăng lên một cấp và riêng Trung Úy Bulkeley thì được vinh thăng Thiếu Tá .

  Từ đây thủy phi cơ sẽ đưa ông cùng gia đình và những sĩ quan đồng sự sang Úc . Chiều ngày 16 tháng 03 ông đã có mặt tại phi trường Batchelor , cách Darwin 35 dặm về hướng Nam . Và ở đây  phi cơ chiến đấu đưa ông đến Alice Springs , một căn cứ nằm ở trung tâm nước Úc . Tại đây đám ký giả bu quanh cố để chờ phỏng vấn ông nhưng ông khéo léo từ chối và chỉ gửi cho họ một lời tuyên bố ngắn gọn được ghi vội trên một bao thư . Lời tuyên bố của Tướng Mac Arthur như sau “Tổng Thống Hoa Kỳ hạ lệnh cho tôi bằng mọi giá phải chọc thủng phòng tuyến Nhật và rút toàn bộ binh lực từ đảo Corregidor sang Úc Đại Lợi . Và ở đây , chúng tôi sẽ tái tổ chức quân đội để tấn công đánh đuổi Nhật Bản , với mục tiêu duy nhất là giúp đỡ người đồng minh anh em Phi Luật Tân . Tôi đã thoát ra được và dĩ nhiên tôi cũng sẽ trở lại được !” .

                         ………………………………………………..

   Sự liều lỉnh để vượt thoát của ông Tướng Tư Lệnh Mac Arhur đã làm cho Đông Kinh choáng váng , Thủ Tướng Tojo càng tỏ ra hết sức thất vọng cho mặt trận Bataan . Ông không còn tin tưởng ở khả năng của Tướng Homma và thầm nghĩ nếu không tăng viện thêm cho mặt trận này thì chẳng bao giờ Homma đạt được mục đích .

  Nghĩ như thế nhưng nếu tự Thủ tướng đi gặp thẳng Tham mưu trưởng lục quân Sugiyama mà bàn bạc thì khó coi quá nên phải cho người đại diện của mình là Đại Tá Susumu Nishiura thay mặt truyền đạt sự quan tâm đặc biệt này đến phe quân đội .    

  Đại Tá Nishiura vâng lệnh đi tìm gặp Đại Tá Takushiro Hattori , chỉ huy trưởng trung tâm hành quân . Họ vốn là những người bạn nối khố từ thuở thiếu thời và cùng là sinh viên đồng khóa trường Lục quân Nhật . Sau khi nghe Nishiura trình bày tự sự , Hattori gật gù bảo để đó cho ông ta lo .

  Sau khi kiểm điểm lại những bản báo cáo gửi về từ chiến trường và nghiên cứu kỷ lưởng bản đồ của trận địa Batann , Hattori mới nhận thấy rằng dù phòng tuyến này được cho là mạnh nhất vững chãi nhất nhưng vẫn không sao tránh khỏi có những khuyết điểm do địa hình tạo nên . Đó là dãy núi Samat nằm ở vị trí Đông Tây gần như vắt ngang bán đảo , dãy núi đá lởm chởm với cái ngọn cao hơn 500 mét này nằm ngay phía sau trung tâm tuyến phòng thủ của Hoa Kỳ . Một khi đỉnh núi này lọt vào tay quân Nhật thì tuyến phòng thủ của Wainwright sẽ tự động vỡ tan ngay . Để chiếm được đỉnh núi này , Hattori vẽ ra một kế hoạch tỉ mỉ như sau : Trước tiên cần phải điều động tất cả khẩu đội pháo binh và tăng viện thêm phi cơ oanh tạc dồn mọi hỏa lực vào một điểm chính có đường kính 2 dặm rưỡi ngay dưới chân ngọn Samat , sau đó bộ binh sẽ tràn vào chiếm giữ chỗ trống ấy lập nên đầu cầu để tiến chiếm toàn bán đảo Batann .  

  Với kế hoạch này Hattori không gặp một trở ngại nào khi thuyết phục Tướng Sugiyama . Dĩ nhiên là ông ta tán thành ngay và không cần suy nghĩ . Vì để giữ thể diện cho Tướng Homma cũng như lộ quân 14 Lục quân , kế hoạch tiến chiếm Batann của Hattori được dàn dựng khéo léo chuyền từ tay người này đến người khác rồi cuối cùng mới đến bộ chỉ huy quân đoàn và Tướng Homma . Cũng nhờ thế mà Homma không cảm thấy bị bẽ mặt , ông không nghi ngại chi hết vì cho đó chính là một ý kiến hay , một chiến thuật độc đáo do chính bộ chỉ huy mặt trận Nam Á , tức thượng cấp của mình phát họa ra .  

  Lúc này tại Tổng hành dinh đảo Corregidor , Tướng Wainwright đã thành lập riêng cho mình một bộ chỉ huy phòng thủ mới . Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa vinh thăng ông lên Trung Tướng , tổng chỉ huy trưởng lực lượng liên minh Mỹ-Phi trên toàn cõi Phi Luật Tân . Trong việc bổ nhiệm này Hoa Thịnh Đốn không hề hỏi qua ý kiến của Mac Arthur , có lẽ họ cũng biết trước rằng vị Tư lệnh này không bao giờ chấp thuận vì ông chỉ muốn một mình mình , dù đang ở Úc Đại Lợi nhưng được nắm trọn quyền chỉ huy trên toàn lãnh thỗ Phi Luật Tân mà thôi . Hơn thế nữa , trong thâm tâm của Mac Arthur vẫn cho Wainwright không có đủ khả năng để đảm đương trọng trách này . 

  Hầu hết những quân nhân Phi Luật Tân đang cầm súng chiến đấu ở Batann đều tôn vinh Mac Arthur như một vị anh hùng thời đại . Lời cam kết sẽ quay trở lại Phi Luật Tân của một vị Tướng 4 sao chính là một minh chứng cho hùng tâm kiên quyết , một mục đích duy nhất và rõ ràng nhất là phải trở lại để giải thoát quê hương của họ ra khỏi gót giặc thù . Ngược lại đối với những người lính Hoa Kỳ đang khốn đốn vì bệnh tật và đói khát thì chữi ầm lên , họ đồng cho rằng ông Tướng của mình là một quân nhân hèn hạ khiếp nhược , giặc chưa tới cửa đã lo bỏ của chạy lấy người . Họ thi nhau sáng tác những vần thơ “chế diễu” ông Tướng Tư Lệnh để cười cợt với nhau hầu tăng thêm khẩu vị trong những bửa ăn thiếu thốn và nhạt nhẽo hàng ngày .

  Ngày 02 tháng 04 , ngày sinh nhật của Thần Vũ Thiên Hoàng , tức vị vua đầu tiên của Nhật Bản . Ở mặt trận Batann vẫn lắng dịu như vài tuần qua , binh sĩ hai phe thỉnh thoảng vẫn đụng độ nhau nhưng nhìn chung tình hình vẫn êm dịu . Chiều ở đây xuống thật nhanh vì chung quanh toàn là rừng rậm âm u . Binh sĩ ở phòng tuyến thay phiên nhau canh gát , người có nhiệm vụ phải làm , kẻ không có nhiệm vụ cũng chẳng dám rong chơi ngơi nghỉ , chỉ ngồi bệt xuống giao thông hào chợp mắt để đó nhưng tai vẫn phải lắng nghe động tỉnh chung quanh hầu trở tay cho kịp lúc cần kíp . Với những quân nhân tuyến đầu này sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc , nếu sơ hở thì ô hô cái mạng này kể bỏ . Vì vậy dù ngã lòng thối chí , dù bụng đói tay run những vẫn cố bám víu lấy vị trí của mình được phút nào hay phút nấy . 

  Đúng lúc nửa đêm , 50 ngàn bộ binh Nhật , cộng thêm 15 ngàn tân binh vừa được Đông Kinh cho tăng viện đến , họ tung toàn bộ lực lượng đồng loạt xung phong tiến vào phòng tuyến thứ nhất của Hoa Kỳ . Hỗ trợ phía sau lưng 65 ngàn binh sĩ ấy còn có 150 súng cối và đại bác loại trái phá , loại này cũng mới vừa chuyển đến từ Hương Cảng . Chỉ nhìn con số hơn 6 sư đoàn tham chiến và một hỏa lực hùng hậu đến thế cũng đủ thấy trận thư hùng này Nhật quyết chí ăn thua đủ với quân trú phòng Hoa Kỳ và hãy chờ xem họ có thể làm cỏ cả bán đảo Batann này hay không .

  Để ghi nhớ trận đánh lịch sử này , ngay buổi chiều hôm ấy Tướng Homma chép vào quyển sổ nhật ký của ông . Trong đó có đoạn “Bốn cánh quân của chúng tôi đều đổ hết vào một trận quyết định . Đối diện với phòng tuyến trãi dài hơn 25 cây số của địch là những lệnh kỳ của quân đội Thiên Hoàng , những chàng chiến binh dũng cảm sẳn sàng đền nợ nước đang chuẩn bị vẽ thêm nét son hào hùng cho trang sử mới của dân tộc Phù Tang …” . Ông tỏ ra vô cùng lạc quan cho trận đánh “Với sự yễm trợ hùng hậu của những pháo đội và 6 sư đoàn tham dự thì không có lý do gì để không thành công được” . Ông cũng dự trù chiến dịch tiến chiếm Batann sẽ chóng kết thúc , lâu lắm cũng chỉ trong vòng một tháng là cùng .

   Bên trong phòng tuyến , một lực lượng ốm đói gồm 78 ngàn binh sĩ vừa Hoa Kỳ vừa Phi Luật Tân đang chờ đợi . Nhưng trong số binh sĩ hiện diện chỉ có khoảng 27 ngàn quân có khả năng chiến đấu , ba phần tư còn lại đều bị sốt rét rừng hành hạ dỡ sống dỡ chết , cứ nằm rên hừ hừ suốt ngày thì còn nói gì đến cầm súng ngăn giặc .  

  Màn đêm buông xuống trong yên lặng , bốn bề cây lá lao xao trong tiếng gió rừng nhè nhẹ . Tiếng côn trùng cất tiếng thở than , tiếng cú ăn đêm xa xa vọng về hòa thành một âm thanh thê lương ảo não , càng gây thêm nỗi cô đơn trống vắng cho người lính viễn chinh xa nhà đang ngồi ôm súng nơi tuyến đầu heo hút .

  Đúng 10 giờ đêm thì không khí trở nên ngột ngạt sau tiếng nổ đầu tiên của một quả pháo . Liền sau đó thì hàng trăm hàng hàng quả pháo và cối thi nhau nổ đều đều khắp mọi nơi ngay sau lưng phòng tuyến trong một chu vi khoảng hai dặm rưỡi . Những binh sĩ Phi chưa từng tham dự những trận đánh lớn nên khi nghe pháo nổ thì họ tay chân quíu lại không còn biết đâu mà mò . Rồi xen lẫn trong tiếng đại pháo đinh tai họ còn nghe những chuổi âm thanh vang dội như sấm động rung chuyển cả một khu rừng già . Đó chính là những tiếng nổ của loại bom tấn do lữ đoàn 22 không quân vừa xuất hiện trên bầu trời Batann trút xuống . Những trái bom rơi chính xác vào mục tiêu 2 dặm rưỡi ngay triền núi Samat . Bom và pháo cùng thi nhau rót vào một mục tiêu khiến trong thoáng chốc nó gần như thành bình địa . Những bụi tre già khổng lồ bén lửa cháy đỏ rực cả một góc trời . Không bao lâu sau , đám cháy lan rộng ra nhanh kinh khủng . Sức nóng kinh người ấy càng lúc càng lớn dần cùng với đám khói dày đặc khiến cho quân trú phòng không thể nào chịu đựng nổi , họ xông ra từ những chiến hào nóng bức và ngột ngạt rùn rùn tháo lui về phòng tuyến thứ nhì .

  Những tưởng được an toàn khi rút lui về một khu đất trống vì trước kia được phát hoang để dễ bề di chuyển , những người lính xấu số này phải thêm một lần nữa kinh tâm hoảng vía với hỏa thần . Khu rừng phía trước đã bị lửa chiếm ngự và theo hướng gió nó đang liếm dần về phía sau , khu đất của họ vốn trống trãi nên lửa không tiến vào được nhưng xung quanh đấy thì không chỗ nào là không bị cháy , vô hình chung họ bị lửa bao vây và khu đất trống này lại trở thành cái nồi nun không hơn không kém . Có hàng trăm binh sĩ bị thần hỏa xóa sổ và những người liều chết xông ra nếu chẳng bị phỏng nặng thì tinh thần cũng bị khủng hoảng trầm trọng khiến họ dỡ điên dỡ khùn hết còn biết  mình là ai nữa .

  Đã được trang bị sẳn mặt nạ chống khói và lửa , xe tăng và bộ binh tùng thiết Nhật rùn rùn tiến vào . Phần chính giữa của phòng tuyến bị vỡ toang khiến cho quân của họ tràn vào như chỗ không người . Không bao lâu họ đã làm chủ trên một khoảng trống 3 dặm ngay trung tâm phòng tuyến . Tướng George Parker , Tư lệnh quân đoàn 2 Phi Luật Tân có nhiệm vụ phòng thủ một nửa tuyến phía Đông chẳng hay biết gì cả cho đến chiều hôm sau . Nghĩa là gần trọn một ngày trời để yên cho quân Nhật được tự do thao túng . Đến lúc Parker ra lệnh cho toán 600 quân dự bị ra trám vào khoảng trống của phòng tuyến ấy thì đã quá muộn . Cuối ngày hôm sau Tướng Akira Nara đã cho quân chiếm trọn phần phía Tây của núi Samat , trong khi 15 ngàn tân binh thì trãi ra bao vây chặc lấy mặt Đông của núi Samat . 

  Rạng đông ngày 05 tháng 04 nhằm ngày lễ Phục sinh . Trong lúc những binh sĩ phòng thủ Mỹ - Phi đang tổ chức đón lễ ngay trong chiến hào thì nghe tiếng đạn đại bác bay rú trên đầu rồi những tiếng nổ long trời lở đất tiếp theo . Chiến thuật tiền pháo hậu xung của Nhật thành công quá dễ dàng . Chỉ sau một đợt pháo phủ đầu , bộ binh của họ tràn vào như kiến , mặt trời chưa đứng ở đỉnh đầu mà lá cờ hình mặt trời của họ đã hiên ngang tung bay trên đỉnh núi . Nhớ lại lời tiên đoán của Hattori , người vẽ ra kế hoạch tiến chiếm Batann “Hễ làm chủ ngọn núi Samat thì bán đảo Batann coi như đã nằm trong tay” . Và bây giờ để xem phía Hoa Kỳ họ sẽ phản công như thế nào .    

  Trước những tin dữ cứ bay về liên tục khiến cho Tướng Parker càng thêm tuyệt vọng . Người ta thường nói nếu ai đó quá tuyệt vọng thì dễ đâm liều . Và Parker liều thật , ông ra lệnh tổng phản công . Đám quân ốm đói lâu ngày cầm súng còn không muốn nổi thì lệnh tổng phản công của ông có khác gì bảo họ đi tự sát . Rốt cuộc sự liều mạng của ông chẳng đem lại chút kết quả nào , ngược lại phải rước lấy thãm bại ê hề . Đến trưa hôm sau thì một nửa quân đoàn phía cánh trái của ông tan rã , đây là một cơ hội tốt cho Nara xua quân xuôi Nam thẳng tiến đến tận cuối mõm bán đảo .

  Về phía cánh phải , tức là hướng Đông của núi Samat thì tình trạng vẫn chưa đến nổi nào . Thiếu Tướng Clifford Bluemel , một con ngườitrực tính nóng nãy hay gay gắt bắt nạt thuộc cấp ; dự định tung ra trọn sư đoàn 31 để cùng cánh trái đồng loạt phản công , nhưng sự sụp đổ quá nhanh chóng ở cánh trái khiến cho ông phải thay đổi ý định , quay sang thiết lập một phòng tuyến mới dọc theo con sông San Vicente . 

  Từ trên điểm cao của ngọn Samat , Đại Tá Hattori có thể nhìn thấy kế hoạch do mình vẽ ra ở Đông Kinh bây giờ đang dần dần thành hình . Quay mặt sang hướng Tây , gần đó ông còn trông thấy rất rõ quân của Nara đang tiến lên thế mạnh như nước vỡ bờ mặc dù còn vài ổ kháng cự lẻ tẻ của đội quân trú phòng . Trong khi ấy thì phía Đông của ngọn núi , 15 ngàn tân binh Nhật khí thế ngút trời đang chuẩn bị cho đợt tấn công kế tiếp tiến sâu vào lòng đất địch qua ngõ phòng tuyến cô đơn vừa mới thành lập của Tướng Bluemel .

  Ở đây họ chỉ cầm cự yếu ớt cho đến lúc đêm xuống thì phòng tuyến này coi như hoàn toàn tan rả . Lúc bình minh chưa lên thì người ta đã thấy Thiếu Tướng Bluemel ngồi trên một chiếc xe đầu tiên dẫn theo một đoàn xe nhà binh cùng chạy bán mạng về phía Nam bán đảo .

  “Phòng tuyến San Vicente bị tràn ngập rồi anh em ơi !” Trong nhóm binh sĩ có ai đó hô to lên để báo động cho đồng đội . Tiếng hô hoán đến tai khiến một ông Tướng có tật hay nổi cáu phát tháo thuộc cấp không dằn được lửa giận . Vừa bị thua to một trận lửa hận dâng lên tràn ngập trong lòng , sẳn có cây súng trường gắn bên hông chiếc xe jeep , Bluemel rút ra lên đạn vừa bắn chỉ thiên vừa chữi rủa ầm ĩ ,  ông bắt họ phải sắp xếp lại thành đội hình và quay trở lại tử thủ với phòng tuyến đã bị tràn ngập . Tướng với quân còn đang dằn co nhau thì đạn cối từ đâu bay đến tới tấp , Bluemel thúc hối tài xế gồ ga vọt thẳng để lại cho đám loạn binh tức tối vừa đuổi theo vừa chữi rủa vang trời .

                                              ……………………………

  Trung Tướng Edward P.King vừa được Wainwright giao trọng trách chỉ huy lực lượng hỗn hợp ở Luzon là một sĩ quan khiêm tốn , rất  nhũn nhặn dù với thuộc cấp . Ông là một vị chỉ huy năng nỗ , nhiều kiến thức quân sự và dạn dày kinh nghiệm chiến đấu , có thể nói trong hàng tướng lãnh Hoa Kỳ ông được xếp vào hàng những vị tướng đa năng xuất chúng thời bấy giờ .

  Ngày 07 tháng 04 , sau khi phòng tuyến của vị tướng bất tài Bluemel thất thủ , King nhận được điện thoại của Wainwright từ đảo Corregidor . Trong cú điện đàm này vị Tân Tư lệnh Wainwright bảo một nửa lực lượng phòng thủ phía Tây nằm sâu phía sau phòng tuyến bị vỡ kia vẫn chưa bị hề hấn gì , lợi dụng lúc này sao không tung ra đánh thốc lên mặt Bắc chia đôi lực lượng tiến công của địch .

  Sự thật là như vậy , toàn bộ lực lượng sau phòng tuyến cánh trái vẫn còn nguyên vẹn nhưng Trung Tướng King không dám chắc rằng họ có đủ khả năng để thực hiện . Tuy nhiên , vì đây là ý của thượng cấp nên ông phải miễng cưởng thi hành . Trung Tướng Albert M.Jones , người vừa được chỉ định lên nắm quyền tư lệnh quân đoàn 1 lực lượng Phi Luật Tân cũng có cùng một cái nhìn như Tướng King . Trong một cuộc điện đàm giữa Wainwright , King và Jones , ông Tướng thẳng như ruột ngựa Albert Jones tuyên bố thẳng với Wainwright ý định chia đôi lực lượng địch của ông ta đúng là một ý định điên rồ . Wainwright quá bực tức nên bảo King tự quyết định mà lo liệu lấy rồi cúp máy . King liền ra lệnh cho Jones tuần tự rút quân sâu về phía Nam và gửi Thiếu Tướng Arnold J.Funk ra đảo Corregidor để giải thích tường tận cho Wainwright biết rõ hơn về sự thật quá bi quan của tình hình hiện tại nơi mặt trận và khuyên ông nên chuẩn bị tinh thần , sẳn sàng cho việc buông súng đầu hàng vì nó có thể đến bất ngờ trong bất cứ giờ phút nào .

  Vị tân tư lệnh Wainwright trở nên căng thẳng , một gánh nặng của MacArthur để lại và đang đè nặng trên vai ông khiến cho vẻ mặt của ông càng ngày càng hốc hác ra trông thật thãm nảo . Ông ngồi đăm chiêu suy nghĩ . Càng ngẫm nghĩ ông càng thấy lời xác nhận Tướng Jones quả thật đúng và càng thông cảm nhiều cho những quân nhân hiện phải chịu nhiều gian khổ , một trách nhiệm quá nặng nề trước những thiếu thốn trầm trọng và sức ép của địch quân mỗi lúc một gia tăng .Mới vừa rồi , Mac Arthur có liên lạc với ông và tuyên lệnh “Dù bất cứ tình huống nào cũng phải chiến đấu đến cùng” Wainwright đã không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp hành , nghĩa là phải chuẩn bị tung toàn bộ lực lượng phòng thủ cuối cùng cho một trận quyết định với địch quân vì nguồn lương thực không cho phép họ cố thủ nữa . Và dĩ nhiên ông phủ nhận không nghe theo lời khuyên đầu hàng của Thiếu Tướng Funk . Ông buồn bã nói với Funk “Thiếu Tướng về nói lại với Trung Tướng King rằng : Tôi sẽ không chấp nhận đầu hàng bất cứ hoàn cảnh nào và chúng ta phải chiến đấu tới cùng . Đó là lệnh của tôi” . Trước khi trở lại đơn vị , Tướng Funk nhìn Wainwright trong đôi mắt mờ lệ và giọng nói trở nên nghẹn ngào , ông nói  “Trung Tướng cũng biết tình trạng hiện tại ở trong ấy nó thê thảm như thế nào rồi chứ gì ? Và ông cũng tiên đoán ra những gì sẽ xảy ra trong nay mai chứ ?” . Wainwright quay mặt không dám nhìn vào Funk , ông trả lời bằng một giọng yếu ớt “Tôi biết lắm chứ Thiếu Tướng

  Chiều hôm sau Đại Tá Takeo Imai cho trương lá cờ mặt trời trên đỉnh núi Limay , một đỉnh nhọn và cao trong vùng núi lửa ở phía Nam bán đảo . Từ đó ông có thể nhìn thấy binh sĩ Nhật trùng trùng điệp điệp di chuyển sâu vào vùng đất địch ở phía Đông bán đảo . Ngay trong đêm ấy , ánh hỏa châu soi sáng rực cả một vùng nơi cuối mõm cực Nam của bán đảo Batann . Binh sĩ trú phòng ở đây đang phá hủy những quân cụ đạn dược trước khi rút bỏ căn cứ .

  Lúc bấy giờ mọi lệnh lạc của cấp chỉ huy đối với họ đều vô nghĩa , tất cả chỉ còn lại là một đám binh sĩ hỗn tạp vừa Mỹ vừa Phi tranh nhau trốn chạy . Họ đổ dồn về điểm cuối mõm Batann , nơi đây họ cố tìm cách vượt ra đảo Corrgidor , một cứ điểm cuối cùng còn nguyên vẹn nằm ngoài khơi vịnh Manila . Đối với họ thì Corrgidor là một thiên đàng , ở đó dù sao cũng không quá nguy hiểm như tình hình ở đây . Ở Corrgidor dù sao thì nguồn lương thực , nước uống vẫn còn nhiều và quan trọng hơn là được chiêm ngưỡng những nàng y tá thướt tha kiều diễm với cử chỉ và lời nói lúc nào cũng dịu dàng duyên dáng . Ngồi an nhàn trong trong địa đạo Malinta để chờ quân tiếp viện và dĩ nhiên lúc ấy họ là những người hùng tử thủ , còn hơn những kẻ kẹt ở lại Batann phải chịu chết âm thầm tức tưởi trong khu núi rừng âm u hoang lạnh . 

  Trước một tình thế rối bời như vậy mà lệnh Wainwright vẫn kêu gọi chiến đấu . Ngày 08 tháng 04 , ông ra lệnh cho King phải tung quân đoàn 1 Phi Luật Tân của Tướng Jones đánh thốc lên hướng Bắc . King chuyển lệnh này đến Jones thì Jones lắc đầu bảo “Tấn công địch ngay trong lúc này là một việc không thể nào thực hiện được vì đã quá trễ . Binh sĩ gần như đã tan hàng hết rồi” King cũng hiểu được tâm trạng của Jones nên gật đầu nói “Mọi nỗ lực của chúng ta ngay bây giờ đều vô vọng , nó không thể nào lật ngược được thế cờ . Tấn công tức là đâm đầu vào chỗ chết” . Ông chán ngán ngồi thẩn thờ suy nghĩ . Lệnh của thượng cấp ban xuống trong khi ông chỉ là kẻ thừa hành . Nhưng cứ nhắm mắt mà tuân lệnh thì 78 ngàn binh sĩ dưới tay ông sẽ bị uổng mạng , bằng ngược lại bất tuân thượng lệnh thì nếu sống sót để trở về Hoa Kỳ ông cũng sẽ bị ra tòa án quân sự . Danh dự và 78 ngàn sinh mệnh , trong hai đều ông phải chọn một . Và cuối cùng ông đành cưỡng lệnh , lấy sinh mạng của binh sĩ làm đầu bằng một quyết định xuôi tay chấp nhận đầu hàng quân Nhật Bản .

  Lúc 6 giờ sáng ngày 09 tháng 04 bộ chỉ huy phòng thủ Batann trương cờ trắng đầu hàng . Tin dữ bay về đảo Corrgidor , Tướng Wainwright bàng hoàng như người nằm mộng . Ông đập bàn quát tháo “Không thể nào ! Họ không thể nào làm như vậy được !” . Một chốc sau , khi trấn tỉnh lại ông liên lạc về Mac Arthur để báo cáo tình hình “Lúc 6 giờ sáng nay , khi chưa có sự chấp thuận của tôi nhưng Tướng King đã tự ý buông súng đầu hàng . Đó là một sự thật đau lòng , khi tôi được tin này thì đã quá muộn …”

  Lúc 9 giờ sáng cùng ngày , Trung Tướng King trong bộ quân phục chải chuốt rời căn cứ đi về phía chiếc xe Jeep đang chờ sẳn . Đi bên ông gồm có Đại Tá Achille Tisdelle và Wade Cothran , hai sĩ quan Nhật này có nhiệm vụ hộ tống Trung Tướng King đến Tổng Hành Dinh của Tướng Homma . Tại đây Homma hỏi King có phải là Tư Lệnh Wainwright hay không , King lắc đầu cho biết mình chỉ là Trung Tướng King chỉ huy lực lượng phòng thủ Batann mà thôi . Homma bảo với King là ông cần phải thương lượng với Wainwright . Nhật sẽ không chấp nhận đầu hàng khi chưa được gặp vị Tướng Tư Lệnh này . King nêu lên lý do là bộ chỉ huy ở ngoài khơi , khó khăn là không thể nào liên lạc được với Wainwright . Ở đây đã không còn sức chiến đấu nên ông xin buông súng đầu hàng vì không muốn thấy cảnh máu đổ một cách vô ích . Homma đồng ý nhưng lại nói “Đầu hàng điều kiện !” . King hỏi lại “Nhưng binh sĩ của tôi có được đối xử tử tế không ?” Homma vỗ bàn thét “Chúng tôi là quân đội Thiên Hoàng chứ không phải là quân mọi rợ ! Các ông có đồng ý đầu hàng vô điều kiện không thì nói mau ?” King đau đớn nhẹ gật đầu và từ từ rút khẩu súng lục đang đeo bên hông để trên bàn . Thủ tục đầu hàng đơn giản chỉ có thế .

  Hàng quân Hoa Kỳ và Phi Luật Tân bây giờ đã bị gom lại thành từng nhóm , họ ngồi lộn xộn với nhau gục đầu im lặng . Có kẻ đã bật khóc vì quá nhục nhã khi biết mình thật sự thua cuộc , nhưng bên cạnh cũng lắm người sung sướng vì thoát được cảnh chiến tranh chết chốc bao lâu nay . Họ , mỗi người một tâm sự riêng ngồi đó chờ kẻ chiến thắng đến để định đoạt cho số phận mình . 

  Đại Úy phi công Mark Wohifeld ngồi bó gối nhìn về phía đám lính Nhật đang bu quanh tìm cách tháo rời khẩu đại bác . Một chiến lợi phẩm còn nguyên vẹn khiến cả bọn vui mừng cười nói vang rân , nhìn họ mặt mày tươi rói nói cười huyên thuyên làm cho Đại Úy Wohifileld chợt thấy yên lòng , anh nghĩ thầm “Coi ra bọn Nhật này cũng không đến nỗi nào tàn ác . Vậy cũng đỡ cho bọn mình lắm đây” Ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu khiến anh vững lòng càng yên tâm hơn nên thỉnh thoảng liếc nhìn họ với một nụ cười trên môi . Một tên bộ binh mặt mày bậm trợn tiến về phía anh , rồi đồng bọn cùng ùa vào đám tù binh đang ngồi nhìn họ với đôi mắt van lơn cầu khẩn . Nhưng toán binh lính Nhật đâu có thèm nhìn vào đôi mắt của đám bại binh này làm chi , họ đua nhau giật lấy những chiến lợi phẩm khác bất cứ thứ gì trên người của những binh sĩ tội nghiệp này . Đồng hồ , nhẩn , dây chuyền , tiền đô la v.v thậm chí đến cả thức ăn và bàn chãi đánh răng họ cũng không tha . Một tên vừa tìm gặp một vài băng đạn còn sót lại trong mình Đại Úy Wohifield , tức thì anh chàng này bị một trận đòn thừa sống thiếu chết bằng khẩu súng dài thườn thượt của hắn . Chợt có tiếng ai đó la thất thanh “Chiếc nhẩn cưới của tôi mà , xin mấy ông tha cho !” . Đó là tiếng của Trung Tá Jack Sewell . Lúc này thì Đại Úy Wohifield đang nằm ôm đầu máu rên rĩ nhưng khi nghe tiếng la của đồng đội cũng ráng quay lại nhìn . Ba bốn tên lính Nhật đang vật ông Trung Tá ra nằm sóng soài trên mặt đất để giật lấy chiếc nhẩn mà vừa rồi ông van là nhẩn cưới nên xin chừa lại . Cuối cùng rồi chiếc nhẩn cũng tuột ra khỏi ngón tay ông sau một cú tuốt tàn nhẫn của tên lính nọ . Hắn cười hềnh hệch nhìn soi mói chiếc nhẩn một hồi lâu rồi định bỏ nó vào túi , bất ngờ có một   viên sĩ quan Nhật đi ngang qua nhìn thấy . Có lẽ hắn ta là cấp chỉ huy của đám lính nọ nên khi nhìn thấy cảnh tượng ấy , viên sĩ quan quắc mắt ra lệnh cho thuộc cấp của mình phải hoàn trả chiếc nhẩn ấy về cho cố chủ . Nhìn chiếc nhẩn có khắc huy hiệu và dòng chữ  “Đại học Notre Dame” , viên sĩ quan tiến tới nhìn Trung Tá Sewell một hồi lâu rồi hỏi “Ông ra trường năm nào ?” Sewell đáp gọn lỏn “1935” . Viên sĩ quan Nhật nhíu cặp lông mày , mắt mơ màng như nghĩ ngợi mông lung rồi chép miệng nói nhỏ “Tôi ra trường cũng cùng một năm với ông nhưng ở Nam California

   Sau khi mọi thủ tục đầu hàng được tổng kết , con số tù binh lên đến 25 ngàn người . Số tù binh chiến tranh này Homma giao cho một sĩ quan chỉ huy ngành vận tải để lo giải giao về hậu tuyến và phải hoàn tất 10 ngày trước khi xua quân vượt biển tấn công cứ điểm cuối cùng là đảo Corregidor  . Trung Tướng Yoshikata Kawane là người nhận trách nhiệm áp giải số tù binh khổng lồ này . Công việc chuyển tù cũng khá vất vả và phức tạp nên Kawane phải đích thân điều động công việc . Để bảo đảm an ninh và số tù binh không trốn chạy trên một đoạn đường di chuyển quá dài từ mõm Batann tới trại O’Donnell cách đó gần trăm dặm , Kawane phải chia ra làm nhiều giai đoạn . Đại Tá Toshimitsu Takatsu chịu trách nhiệm trên đoạn đường bộ dài 19 dặm kể từ mũi Nam bán đảo tới Balanga , một vị trí nằm ngay chính giữa bán đảo Batann . Đây là đoạn đường đầy chông gai hết leo núi tới băng rừng nên họ phải đi bộ và không phải cung cấp lương thực bởi trong mỗi cá nhân người tù vẫn còn ít nhiều lương khô .

  Giai đoạn thứ hai là đoạn đường còn lại từ đây đến trại thì do đích thân Tướng Kawane chịu trách nhiệm và đốc thúc . Gần 200 chiếc xe vận tải được trưng dụng cả ngày lẫn đêm trong một đoạn đường dài 30 dặm từ Balanga tới nhà ga San Fernando , để từ đó xe lửa sẽ bốc họ đi về phía Bắc thêm 30 dặm nữa đến một làng quê hẻo lánh tên gọi Capas gần căn cứ không quân Clark Field . Rồi từ đây tất cả đều phải đi bộ khoảng 8 dặm đường gồ ghề để đến điểm cuối là trại tập trung O’Donnell . 

  Kawane trình lên Homma kế hoạch di chuyển tù binh và yêu cầu thêm rằng những tù nhân này cũng được hưởng cùng một khẩu phần ăn như những chiến binh Nhật , đồng thời bệnh viện dã chiến cũng được dựng lên ở hai điểm dừng chân là Balanga và San Fernando ; trên dọc đoạn đường gần trăm dặm này còn có nhiều trạm cứu cấp và khu nghỉ ngơi dành riêng cho những tù binh bị bệnh nặng . Homma đồng ý chấp thuận ngay yêu cầu của Tướng Kawane . Theo báo cáo lúc ban đầu khi mới bàn giao thì con số tù binh bị Nhật giam giữ là 25 ngàn , nhưng đó chỉ là những binh sĩ còn sức chiến đấu . Sau khi chuyển tất cả tù binh về trại tập trung thì con số ấy đã lên đến 76 ngàn . Đó là những binh sĩ không còn sức chiến đấu vì quá đói hoặc do bệnh sốt rét hành hạ nằm rãi rác khắp nơi trên bán đảo , sau này phe thắng trận thu gom lại và tống hết vào trại nên con số tù binh mới tăng lên kinh khủng như thế .

  Lệnh di chuyển được ban ra , điểm khởi đầu là mũi cận Nam Batann . Họ di chuyển chập chạm từng nhóm một mỗi nhóm khoảng 300 tù binh . Có nhóm không ai hướng dẫn trông coi , có nhóm được ba bốn binh sĩ Nhật ôm súng canh chừng . Trên đoạn đường mòn hướng về phía Bắc còn ngỗn ngang nào xe cơ giới bị hỏng , súng trường và đạn nằm rãi rác khắp mọi nơi . Khi họ lê bước đi ngang qua khu Tổng hành dinh của Tướng King , nơi có con lộ nhỏ rẽ vào khu bệnh viện số 2 . Lại một nhóm đông rùn rùn tuôn ra khỏi cửa bệnh viện và nhập vào nhóm tù nhân . Đó là những thương binh đã nằm lâu ngày trong khu bệnh viện này , họ bị lính Nhật đuổi ra vì cho là những kẻ giả vờ bệnh hoạn . Trong khi những vị y tá và nhân viên an ninh bệnh viện người Nhật vì lòng nhân đạo nên ráng sức bênh vực , nhưng khốn nỗi họ là những kẻ không có đủ uy quyền để quyết định nên đành phải dìu những bệnh nhân nhập theo dòng tù binh dài bất tận . Với con số gần 5 ngàn thương bệnh binh đủ loại , kẻ còn khỏe thì bẻ cây làm nạn khập khễnh bước theo , người không đủ sức phải nằm lăn ra đất mà cố lết . Một quang cảnh hết sức rùng rợn và thương tâm , tiếng rên la dậy đất , lời than oán ngất trời . Không đầy một dặm đường mà người ta đã thấy vô số tử thi bị vất la liệt hai bên vệ đường , trong số ấy còn lắm kẻ chưa chết hẳn , họ cố mở đôi mắt thật to để nhìn đồng đội một lần sau cuối trước khi đi về bên kia thế giới .

  Đoàn tù vẫn gục đầu lê bước theo con đường sạn đạo dọc theo bờ biển ngược lên phía Bắc . Cánh tả của họ là ngọn núi Batann cao chót vót chìm sâu trong vùng mây trắng bồng bềnh còn bờ bên phải là biển xanh một màu . Đó là vịnh Manila , một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà hóa công đã khéo léo hài hòa giữa trời nước núi non và rừng rậm . Nhưng từ khi khói lửa chiến tranh kéo đến nơi nầy thì tất cả đã đổi thay , đạn đại bác đã cày nát từng lủy tre già , từng bụi chuối xanh um và đốn phăng những ngọn dừa soi bóng . Tiếng bom đã xua đuổi đi đàn chim hoang dã khiến cho rừng xanh im tiếng nhạc và hoa dại cũng gục đầu vì thuốc súng át cả hương thơm . Gót ngoại xâm vào dẫm nát cả bán đảo Batann khiến cho núi đá chơ vơ đứng thãm sầu , biển lặng cũng cô liêu buồn oán hận . Và có lẽ oán hận nhất vẫn là mấy mươi ngàn tù binh vừa Phi vừa Mỹ đang lê lết đến nhà tù . Họ vào sinh ra tử chiến đấu cho chính quê hương và đồng minh của họ nhưng kết quả lại thê thảm đến thế ư ? Cấp lãnh đạo đã nhanh chân trốn chạy , đồng minh thì coi như phủi tay hết trách nhiệm và mình thì phải gục đầu xuôi tay lê bước vào tù ngay trên quê hương của mình vì một cái tội duy nhất là “chiến đấu bảo vệ quê hương” . Thật chua chát và cũng thật là nhục nhã .

  Càng tiến sâu về phía Bắc đường càng chật chội hơn vì có nhiều đoàn xe vận tải , xe tăng và binh sĩ Nhật di chuyển ngược về Nam . Họ là những đơn vị được lệnh chuyển quân đến điển cận Nam bán đảo để tấn công đảo Corregidor . Nhìn đoàn tù binh gục đầu lê bước trông thật thê thảm khiến cho những binh sĩ Nhật không khỏi chạnh lòng , họ vẫy tay chào đoàn tù và thỉnh thoảng có vài sĩ quan Nhật chạy lại tìm tòi trong nhóm tù nhân xem có ai là người bạn học trước kia của mình ở Hoa Kỳ hay không . Và cũng có người tìm được cố nhân , gặp nhau trong một hoàn cảnh không đáng để gặp nhưng họ tay bắt mặt mừng , tủi tủi buồn buồn ôn lại chuyện ngày qua chớ chẳng hề đề cập gì đến vấn đề hiện tại cả .

  Rồi một ngày cũng lặng lẻ trôi qua , đoàn tù binh dài ngoằn ngoèo hàng mấy cây số được lệnh dừng chân nghỉ qua đêm . Họ tụ lại thành từng nhóm hàng mấy trăm người rồi nằm ngồi tùy ý . Tiếng gió rừng lùa qua những càng cây ngọn cỏ lao xao , ánh trăng thượng tuần mờ nhạt chiếu xiêng qua kẻ lá không đủ soi sáng những khuôn mặt trắng bệch của những tù nhân kiệt lực đang nằm im thúc thủ . Họ nằm yên thả hồn theo cỏi đêm tịch mịch của chốn rừng già rồi tự hỏi ngày mai sẽ ra sao , quân thù sẽ đối xử với những tù binh chiến tranh này như thế nào ?

  Thật sự thì họ chẳng bao giờ ngờ rằng những bước chân họ đang đi trên đoạn đường ấy chính là những bước chân dẫn vào quỷ môn quan . Và những cái gì xấu xa nhất , kinh tởm nhất đang chờ họ bước tới .

  Đại tá Tsuji vừa đặt chân đến Manila sau khi đã ra lệnh hành quyết năm ngàn người Hoa ở Tân Gia Ba . Năm ngàn người xấu số này đã bị gã Đại tá hung thần ác sát Tsuji gán cho cái tội là tay sai của thực dân Anh , một cái tội đáng chết . Bây giờ tình hình Tân Gia Ba coi như đã tạm ổn nên gã hung thần lên đường sang Phi Luật Tân để ra tay trừng trị những kẻ mà ông ta cho là bán nước cầu vinh hay tay sai đế quốc . Tsuji lén Tướng Homma đi thuyết phục những sĩ quan có uy tín trong ban tham mưu rằng đây là một cuộc chiến giữa hai chủng tộc và những tù binh chiến tranh ở Phi Luật Tân đều đáng bị tội tử hình cả . Đối với tù binh Hoa Kỳ thì tội của họ là thực dân da trắng , còn đối với những tù binh Phi Luật Tân thì tội phản bội dân tộc Á Châu theo hùa với kẻ thực dân chiếm cứ .

  Sĩ quan tham mưu sư đoàn điện thoại ngay cho Đại Tá Imai , người hùng với thành tích chinh phục được ngọn núi Limay và ra lệnh cho ông rằng “Hãy bắn bỏ tất cả tù binh bị bắt kể cả những kẻ thật lòng đầu hàng cũng vậy” . Đại Tá Imai kinh ngạc đến độ há hốc mồm không ngậm lại được , ông nhấn mạnh “Làm thế nào mà tôi phải nghe theo một cái lệnh kỳ quái như vậy chứ ?” . Vị sĩ quan tham mưu nhắc lại cho Imai rõ rằng đó là lệnh đưa ra từ trung ương , tức là từ Hoàng thành Đông Kinh bắt buộc ông phải chấp hành . Imai không thể nào tin nổi ở tai mình nên ông dụ dự một lúc rồi bảo “Tôi sẽ thi hành khi nào có sắc lệnh bằng giấy viết hẳn hòi” rồi ông cúp điện thoại .

  Đại tá Imai đã quyết định cưỡng lại quân lệnh . Thà rằng đối mặt nơi trận địa thì ông bắn giết không nương tay nhưng bây giờ họ đã buông súng đầu hàng , nghĩa là ông cầm súng mà bắn vào những người đang thất thế không một tấc sắt trong tay , hành động này quả chẳng anh hùng chút nào . Tinh thần thượng võ và đạo lý của kiếm sĩ Nhật Bản không cho phép Imai hành động như vậy , nó nhục nhã lắm và hèn hạ lắm . Ông bèn ra lệnh cho thuộc cấp âm thầm hướng dẫn tất cả tù binh đang có mặt trong khu vực kiểm soát của trung đoàn mình sang một hướng khác , một hướng tốt nhất để cho họ có nhiều điều kiện trốn thoát khỏi Batann . Thuộc hạ của Imai kinh ngạc đứng như trời trồng và nhìn ông không chớp mắt khiến cho ông nổi giận quát tháo om xòm , bảo đây là quân lệnh hãy kíp thi hành .

   Hơn một ngàn tù binh đã vượt thoát . Đại Tá Imai lặng lẻ đứng nhìn hàng đoàn tù binh vừa Mỹ vừa Phi lủi nhanh vô rừng già để thoát thân , bỗng chốc ông thở dài tự hỏi phải đúng thật sự những người trong cấp lãnh đạo tối cao của Nhật Bản đã ra một cái lệnh bất nhân này hay không . Nếu đây là sự thật thì sau này mình phải trình báo lên thượng cấp rằng vì canh phòng bất cẩn nên tù binh họ tự tìm đường thoát thân vậy . 

   Trung Tướng Torao Ikuta , chỉ huy trưởng một sư đoàn chiếm đóng vừa mới tới nhận nhiệm vụ đồn trú ở Batann cũng nhận được một khẩu lệnh tương tự như thế . Giống như Đại Tá Imai , Tướng Ikura cùng trưởng ban tham mưu của ông là Đại Tá Nobuhiko Jimbo cùng có chung một ý nghĩ đây là chắc không hẳn là lệnh ban xuống từ bộ chỉ huy tối cao ở Đông Kinh nên đòi phải có lệnh bằng giấy mực hẳn hòi mới ra tay hành động , nghĩa là cho thủ tiêu tất cả tù nhân trong khu vực trách nhiệm .

  Bây giờ xin nhắc lại những toán tù nhân đầu tiên bị áp giải . Sau một ngày dài với bao nhiêu chuyện dồn dập xảy ra rồi phải vượt qua một quảng đường quá dài , cả bọn tuy mệt nhọc vất vả và đói khát nhưng lúc được nằm nghỉ đêm lại không tài nào chợp mắt được . Rừng nhiệt đới âm u ánh trăng vàng vọt , trong cái oi bức ngột ngạt và tiếng muổi rừng vo ve không dứt và mùi hôi thối của những xác chết lâu ngày quanh quẩn đâu đó bốc lên nồng nặc khó chịu vô cùng khiến đám tù binh cứ nằm mà trằn trọc thâu canh . 

  Đại Úy Mark Wohfeld cố nhắm mắt dưỡng thần được chút nào hay chút nấy . Đang lúc thả hồn thiu bỗng anh giật mình choàng tỉnh vì nghe tiếng người la thét lên . Anh quay lại nhìn thấy thì phía sau lưng mình , dưới ánh trăng lờ mờ có bóng của một gã hiến binh Nhật , người vừa đá vào người một anh tù minh và ra lệnh cho anh ta nằm im . Wohfeld vẫn nằm im nhưng mắt lại mở thao tháo để theo dõi động tỉnh của họ như thể nào . Bỗng một vật gì vừa bị ai đó hất văng lên rơi phủ vào mặt anh ta , Wohfeld giật mình đứng xỗng dậy lượm vật ấy đưa lên ánh trăng nhìn kỹ , thì ra đó là chiếc quần trận còn bê bết những vết máu lấm lem pha lẫn phân người của anh tù binh nằm bẹp dí kia . Wohfeld tức giận buông miệng chữi tục một tiếng rồi quăng chiếc quần dơ bẩn kia vào mặt người tù binh nọ , đồng thời tiến tới gọi anh ta dậy để chữi thêm mấy câu nữa cho đở tức . Anh tù binh xấu số kia chẳng bao giờ dậy nữa vì anh ta đã chết tự bao giờ . Ngay lúc ấy thì bọn lính canh của Nhật xúm lại túm lấy Wohfeld đánh đập túi bụi . Đánh đến lúc Wohfeld mềm nhũn ra như miếng giẻ rách họ mới buông tha , Wohfeld nằm im mắt mở trừng trừng như đang cố nuốt cơn uất hận . Anh căm hận khi biết mình đã quá bất lực , thân tù binh khi bị lọt vào tay kẻ địch thì mạng sống của mình lúc nào cũng bị đe dọa , nhưng khi tận mắt chứng kiến bọn lính Nhật đồng tính khốn nạn dở trò bỉ ổi thối tha , hiếp dâm một người bạn đồng cảnh của mình cho đến chết thì dường như anh không còn biết sợ hãi là gì nữa . Anh chỉ muốn liều mình  với bọn dã man này nhưng lực bất tòng tâm , để họ đánh bề hội đồng một trận thừa chết thiếu sống như vầy .  

  Theo như kế hoạch của Tướng Kawane , người chỉ huy chịu trách nhiệm áp giải tù binh thì ông tiên đoán chỉ cần một ngày thôi là có thể di chuyển toàn bộ tù binh tới được điểm tập trung đầu tiên là Balanga để chờ xe tải bốc đi . Nhưng khi bắt tay vào việc rồi thì Kawane mới thấy nó không đơn giản như mình tưởng . Số tù binh chính thức lúc mới ngưng tiếng súng là 25 ngàn , nhưng khi bắt đầu áp giải thì con số này tăng lên khủng khiếp do tiếp nhận thêm từ những đơn vị chiến đấu độc lập trong rừng và từ những bệnh viện hoặc những binh sĩ đã đào ngũ trước đó sống chui rút trong rừng . Gần 75 ngàn tù binh vừa khỏe mạnh vừa ốm đói bệnh tật là một cái đầu đề khá nan giải cho Tướng Kawane . Để giải quyết hết một lượt đoàn tù dài thườn thượt này ông phải huy động gần cả một sư đoàn của mình vừa trãi mỏng canh phòng vừa theo áp giải trên một đoạn đường rừng núi hơn một trăm cây số . Tuy nhiên chỉ một đoạn đường tương đối ngắn nên phải đi bộ để đến trạm chuyển tiếp đầu tiên là Balanga , Kawane tiên liệu rằng chỉ nội nhật ngày đầu là xong giai đoạn một nhưng bây giờ đã ba ngày qua rồi mà đoàn tù binh vẫn còn lê thê kéo dài chưa dứt . 

  Lúc khởi đầu thì hàng ngũ có vẻ chỉnh tề trật tự , càng lúc càng thấm mệt nên tù thì kêu la than khóc trong khi những tên lính Nhật thì càng tỏ thói hung hăng chữi mắng đánh đập không dứt . Bị hành hạ xác thân , mệt nhọc và đói khát là những lưỡi hái của tử thần đến lấy đi dần sinh mạng của những người tù khốn nạn này . Họ ngã gục bên đường như một chiếc bóng vô danh . Một cái liếc nhẹ , một tiếng thở dài của những người bạn đồng cảnh có phải là những lời cầu nguyện cho linh hồn của kẻ xấu số hay là họ đang thầm trách rằng “Chính mày mới là kẻ thanh thản còn hơn bọn tao đang phải sống , mà sống còn thua cả một con vật” .

  Rạng sáng ngày 11 tháng 04 , Balanga trở nên huyên náo ồn ào lạ thường . Từ hai phía tù nhân lần lượt kéo tới : một từ phía Nam bán đảo , một từ phía Tây , cánh bại binh thuộc quân đoàn số 1 Phi Luật Tân của Tướng Jones . Cả một vùng quê hẻo lánh Balanga ở đâu người ta cũng thấy tù binh nằm ngồi la liệt , tiếng rên la kêu khóc thảm thiết hòa cùng tiếng đánh đập chữi rủa ầm ỉ của hiến binh Nhật tạo thành một âm thanh hỗn tạp nghe vang động cả núi rừng . Bửa ăn đầu tiên cho tù binh sau ba ngày dài dầm sương dãi nắng trèo núi băng rừng được cấp phát theo tiêu chuẩn của lính Nhật . Nhưng theo con số chính xác của tù binh hiện tại thì khẩu phần ăn chuẩn bị không thể nào đáp ứng hết cho họ được . Cấp chỉ huy Nhật túng thế phải ra lệnh cứ cấp phát bừa ra , người thì được cơm , kẻ được nhận muối . Lắm tù chỉ có nước lã cầm hơi và cũng có vô số người chẳng được cấp phát tí gì để bỏ bụng .

  Giai đoạn áp giải thứ hai , nghĩa là từ Balanga tù binh sẽ được xe vận tải chở đến San Fernando , nhưng trong tình trạng gia tăng tù binh không ngờ này thì Tướng Kawane đâm ra bối rối tự hỏi cần phải có bao nhiêu xe tải để giải quyết hết đám tù binh đây . Tình hình này sẽ không còn chọn lựa nào khác hơn là một nửa trong số hơn 70 ngàn tù này chắc phải đi bộ thôi .

  Một nhóm tù binh khác thuộc cánh quân của Tướng Jones , chính viên Tướng chỉ huy phòng thủ lúc trước bây giờ đang lủi thủi dẫn đầu đoàn bại binh của mình đi đến nhà tù , họ xuyên qua một làng quê đã bị bom thiêu rụi , mùi tro than vẫn còn bốc lên nồng nặc gây cho đoàn tù binh một cảm giác khói chịu khôn tả . Phía bên trái của họ là tuyến phòng thủ thứ nhất , nơi mà các bạn đồng ngũ của họ đã có một thời gian oanh liệt chiến đấu chết sống với kẻ thù . Khu rừng già tan hoang còn in đậm vết tích súng đạn chiến tranh , mùi tử khí vẫn còn quyện quanh trong gió . Kìa là ngọn Natib vẫn ngạo nghễ đứng trông theo những người thua cuộc chơi đang lầm lủi đếm từng bước thầm đến trại giam , đến một nơi mà họ chưa có thể hình dung được những gì đang chờ đón họ .

  Đã quá nửa đêm đoàn tù binh của Tướng Jones mới đặt chân lên một vùng có tên gọi Orani , cách Balanga 8 dặm . Họ bị lùa cả vào một bãi hoang có dây kẽm gai bao quanh . Nơi đây có lẽ mấy hôm trước là một bãi chiến trường đẫm máu nên chung quanh còn xót lại rất nhiều xác chết , tất cả đều sình lên , giòi bọ bò lúc nhúc và mùi hôi thối nồng nặc thật không thể nào tả nổi . Tướng Jones ngồi bệt xuống một mô đất đưa tay quệt mồ hội rồi ngước mắt nhìn chung quanh . Quang cảnh hoang tàn đổ nát ẩn hiện trước mắt càng làm lòng viên bại tướng thêm thê lương ảm đảm , nhìn những xác chết trương sình lên nằm bất động dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo xuyên qua tàn cây lung linh nhảy múa khiến cho cảnh tượng thêm phần ma quái rùng rợn . Ông gục đầu tự hỏi “Ở cái nơi mà người ta hay gọi là chín tầng địa ngục chắc cũng kinh khiếp như thế này là cùng !” .    

  Trung úy Tony Aquino , một sĩ quan trẻ người đã từng ôm phao lội ra đảo Corregidor tìm gặp tổng thống Quenzon vẫn còn sống sót sau cuộc chiến và trở thành tù binh . Anh đã mất gần 30 ký kể từ ngày đến Batann , với đôi chân sưng vù nhưng lại phải đi bộ không ngừng nghỉ và cũng chẳng được cấp phát thức ăn nước uống gì cả . Phía trước mặt anh , trên con đường gập ghềnh sỏi đá những người bạn tù Hoa Kỳ cố lê lết đôi chân xiêu vẹo ngã nghiêng . Bọn lính Nhật cứ theo thôi thúc Aquino , họ dùng báng súng hút vào mạng sường và nạt nộ inh ỏi . Aquino khổ sở nhấc từng bước một , phần đói khát , phần đôi chân đã sưng mọng lên nên một cái nhấc bước là một lần kêu khổ . Thấy hoàn cảnh thê thảm của anh , một người bạn tù Hoa Kỳ dù chẳng khá gì hơn nhưng cũng đưa tay lên chấp vào nhau hướng về bọn lính Nhật ra dấu cầu khẩn van xin giùm cho bạn . Một tên lính Nhật xốc lại dí mũi lưỡi lê vào cổ Aquino ấn xuống như muốn giết anh ngay đoạn hắn quay mũi lưỡi lê sang người tù binh Hoa Kỳ và cũng làm một động tác giống như vậy . Nhóm tù binh di chuyển gần đó chỉ biết trơ đôi mắt trắng dã ra mà nhìn chớ không biết làm gì hơn . 

  Phía sau nhóm tù binh này một khoảng khá xa là nhóm của ông Tướng hay hăm he dọa nạt thuộc cấp Bluemel . Trung Tướng hết thời Bluemel mặt mày bơ phờ hốc hác cúi gầm cái đầu mà cố nhấc từng bước lê theo đồng cảnh . Bên cạnh ông là Thiếu Tướng Luther Stevens . Cái nắng nhiệt đới nghiệt ngã và đói khát đã hành hạ đến nổi họ chỉ muốn được chết đi cho khỏe , nhưng coi ra tử thần vẫn không chịu mĩm cười với những sĩ quan xấu số này .

  Một đoàn xe vận tải chạy chầm chậm ngược chiều với họ . Một tên lính Nhật ngồi trên xe tự dưng dùng cây tầm vong , có lẽ vật này anh ta dùng làm gậy , vụt vào đầu Thiếu Tướng Stevens một cái thật mạnh trong khi ông đang bước khập khểnh gần bên hông xe khiến cho ông ta lảo đảo té chúi vào lườn xe đang di chuyển . Bluemel thất kinh nhanh tay ôm lấy Stevens cùng lăn ra vệ đường để tránh những chiếc xe tải khác từ phía sau đang tiến tới . Một gã lính Nhật xuất hiện chĩa súng vào đầu Bluemel ra lệnh cho ông ta bỏ ngay Stevens , nhưng Bluemel lòng đầy bất nhẫn không nghe theo lệnh của tên lính nọ , cúi người xuống đỡ người bạn tù đứng dậy và dìu vào một đám cỏ khô gần đó . Những tên lính canh tuần bên ngoài con lộ nhìn thấy họ thì cho rằng tù nhân bỏ chạy nên nhào tới dùng lưỡi lê đâm thẳng vào cổ Stevens và ra lệnh cho Bluemel phải lập tức trở lại đội hình như cũ . Trước sự hung tợn dã man của họ Bluemel còn biết làm gì hơn là riu ríu nghe theo . Stevens ráng sức bò được một đoạn ngắn rồi lăn ra nằm bất động . Đoàn tù binh từ từ khuất dần sau khúc quanh của đoạn sơn đạo ngoằn ngoèo . Bluemel khập khểnh bước mà lòng trĩu nặng , ông cho rằng với nhát đâm vừa rồi Stevens không thể nào thoát được lưỡi hái của thần chết .

  Tại một điểm dừng chân nghỉ ngơi cách đó chừng vài dặm về phía Bắc , Hạ sĩ Roy Castleberry ủ rủ ngồi tựa lưng vào một thân cây dừa bị miểng bom phang mất ngọn . Anh nhướng đôi mắt thất thần mệt mỏi về hướng khoảng đất trống cỏ mọc um tùm , nơi ấy có hai thường dân người Phi đang đào hố để chôn sống một viên sĩ quan Hoa Kỳ đang bị ốm nặng . Vừa đặt bệnh nhân vào huyệt xong chưa kịp lấp đất lại thì bỗng dưng anh sĩ quan kia thình lình đứng xỗng dậy chạy chối chết . Bọn lính Nhật ra lệnh cho hai người đào huyệt kia dùng xẻn đập chết viên sĩ quan ấy nhưng họ lại không chịu nghe lệnh . Bọn Nhật nhào tới dùng báng súng đập túi bụi vào viên sĩ quan nọ khiến anh ta té nhào . Cuối cùng rồi người tù binh sĩ quan xấu số này cũng bị kéo lê tới cái hố vừa đào để chôn sống nốt . Hạ sĩ Castleberry rùn mình chết lặng , một cảnh tượng hết sức dã man mà anh chưa bao giờ tận mắt chứng kiến .

  Cuối cùng thì những tù binh sống sót trên con đường vạn lý ấy cũng ra khỏi Batann để hướng về phía trái đến Lubao . Bắt đầu từ đây họ phải phơi mình dưới ánh nắng gay gắt như thiêu đốt không một bóng cây . Những cơn khát triền miên dai dẳng khiến cho họ không còn có thể tiếp tục cuộc hành trình . Có nhiều tù nhân vì quá khát nên đâm liều , họ bất kể bị bọn lính Nhật đánh đập dã man , hễ có cơ hội là phóng nhanh vào rẫy mía ven lộ đánh cắp mà ăn cho đã khát và lén chia chát lại cho bạn bè đồng cảnh .

  Lubao là một ngôi làng nhỏ khoảng 30 ngàn cư dân nhưng đa số đều sống tập trung ven quốc lộ . Cuộc sống thầm lặng của họ đã không còn nữa kể từ ngày quân Nhật đổ bộ vào đất nước thanh bình này . Và càng trở nên ồn ào náo nhiệt hơn nữa khi người dân hiền lành ở đây chợt thấy không biết cơ man nào là tù binh từ đâu lủ lượt kéo đến . Đường xá đâu đâu cũng đầy những người tù ốm đói bước thấp bước cao , tù da trắng có và tù lính bổn xứ cũng có , họ dường như đã cạn kiệt sức sống và chẳng biết do một phép nhiệm mầu nào giúp họ kéo dài sự sống mong manh để đến được nơi này . Lòng từ tâm đã khiến họ không còn biết e dè sợ sệt trước sự tàn bạo của quân xâm lược , những quả trứng luộc thơm phứt , những thanh đường thẻ ngọt lịm cùng những miếng gà chiên gói cẩn thẩn trong lớp lá chuối được người dân ném ra đường cho đoàn tù ốm đói mặc dù bọn lính Nhật hết sức ngăn cản , họ dùng súng trường đẩy đám dân ra xa con lộ cố cách ly với tù nhân .

  Đến một chặng cách làng Lubao không bao xa , nhóm tù nhân đi đầu bị lính Nhật lùa vào một nhà máy xay lúa . Đây là một nhà máy xay lúa rất lớn đã bị bỏ hoang từ khi chiến tranh xảy ra . Vài ngàn tù nhân bị lùa vào trong , số còn lại thì dồn thành từng nhóm ngồi nghỉ bên ngoài . Chu vi nhà máy tuy rộng nhưng với một số lượng tù bị dồn vào quá đông nên họ phải ngồi chen chúc lại với nhau .

  Tại nơi đây , phía bên trong nhà máy xay lúa , bọn lính Nhật áp dụng hình phạt thật tàn nhẫn , bất cứ một hành động nhỏ nhặt hoặc một lời kêu khổ than thân nào cũng cho là chống đối , người tù ấy tức khắc bị hành hình ngay . Họ sẽ ra tay bằng một nhát kiếm hoặc đánh bề hội đồng cho đến chết . Và đã có vô số tù binh đã vĩnh viễn gởi lại thân xác ở nhà máy xay lúa bỏ hoang này .

  Giai đoạn cuối là đến nhà ga San Fernando , đây là đoạn đường tương đối ngắn , chỉ có 9 dặm nhưng lại là 9 dặm đường đầy khó khăn vất vả . Con lộ trải nhựa nhưng đã bị xích xe tăng và xe vận tải nghiền nát lồi lõm khắp nơi . Dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời , lớp nhựa đường bị phá hủy kia nóng chảy lan ra nham nhở khiến những đôi chân trần của tù nhân dẫm lên như họ đang dẫm phải than hồng . Khi cách nhà ga chừng một dặm thì tù binh phải bước len lỏi giữa hai hàng xe vận tải đang đậu hai bên vệ đường , khốn khổ ở chỗ bọn lính Nhật ngồi trên xe cứ dùng súng hoặc gậy gộc mà phang túi bụi vào đám tù binh , tiếng la khóc của tù binh hòa theo tiếng cười man rợ của lũ giặc xâm lăng tạo thành một âm thanh hỗn tạp vang động một góc trời . Từ phía bên ngoài nhà ga San Fernando , người ta từ khắp nơi đã tề tựu về đây thật đông . Họ là những thân nhân của đám tù binh Phi ở các mọi nơi cùng về điểm này để tìm con em hoặc chồng của mình , để tìm xem họ sống chết thế nào vì mọi liên lạc đã mất hết kể từ ngày rút về trấn thủ Batann .

  Rừng người càng nhôn nhao lên khi nhìn thấy đoàn tù binh đi ngang qua , những thân hình ốm đói ngã nghiêng xiêu vẹo , những khuôn mặt hốc hác xạm đen vì nắng gió bao ngày khiến cho họ khó có thể nhận diện ra ai mới là người thân của mình . Trước những hình ảnh thương tâm đó , người ta ai cũng phải động lòng để rồi bàng hoàng thảng thốt , kêu khóc om sòm dù chẳng biết thân nhân của mình hiện đang còn sống hay đã ra người thiên cổ .

  Ở xung quanh khu vực nhà ga này Tướng Kawane đã cho trưng dụng tất cả nhưng cơ xưởng , nhà máy , trường học thậm chí sân đá banh , đá gà cũng được dùng để làm nơi chứa tù . Tù binh ở đây được cấp phát cơm vắt và nước uống , cũng có một bệnh xá tạm dựng lên để cấp phát thuốc men cho tù binh , nhưng số thuốc ấy cũng chẳng thấm gì so với mấy mươi ngàn tù mà đa số là sắp chết .

  Cánh tù của Trung Úy Tony Aquino thì bị giam trong một xưởng sản xuất giấm chua đã hư nát từ đời nào . Vừa bị đẩy vào đây thì Aquito kiệt sức chui ngay vào một ụ rơm nằm bất động . Mười bốn tiếng đồng hồ sau người ta mới dựt anh dậy và đưa anh ra khu nhà dành riêng cho lính Nhật . Ở đây Aquino gặp được thân phụ của mình , ông đang ngồi đàm đạo cùng một viên Đại tá Nhật . Cha con gặp lại bốn mắt nhìn nhau biết bao ngỡ ngàng .

  Vị Đại tá (kempei) hiến binh Nhật trỏ vào người cha lên tiếng “Ông Aquino là một người bạn tốt của Nhật Bản chúng tôi” . Đoạn ông quay sang Tony Aquino bảo rằng anh ta có thể tự do ra về , nhưng viên Trung úy trẻ tuổi đầy dũng khí này không thể nào bỏ lại sau lưng bao nhiêu đồng đội đang bị đày ải để thong dong ra đi tự do , anh chẳng những không nghe theo lời của vị Đại tá hiến binh ngược lại còn đòi ông ta tăng thêm khẩu phần và thuốc men cho tù binh . Viên Đại tá gật gù bảo “Cha của anh nói thật đúng . Ông ta bảo với tôi rằng anh chẳng bao giờ chịu nghe theo lời tôi . Thôi , cho tôi xin lỗi về những bất hạnh của thời gian qua nhé” . Nói đoạn ông ta bước ra ngoài để lại cho hai cha con được chút phút giây tâm sự .

  Còn lại một mình trong phòng với Tony Aquino , Benigno Aquino nước mắt lưng tròng khi nhìn thấy đứa con trai cưng của mình quá tiều tụy và xơ xác . Ông chậm rãi giải thích cho Tony nghe vì phải theo lệnh của Tổng thống Quenzon nên ông cùng Laurel ở lại để hợp tác với quân Nhật , việc đầu tiên mà ông phải làm là cố gắng vận động cho những tù binh Phi Luật Tân được trả tự do sớm . Tony nhìn cha cảm động , anh chỉ thốt lên được vỏn vẹn một câu “Cố gắng nhanh nhanh lên , thưa cha . Chúng tôi đang chết như một đàn ruồi

                                     ………………………………………………..

  Để di chuyển tù binh đến điểm kế tiếp người ta cho dồn tất cả vào những toa xe lửa dùng để chở hàng hóa . Loại xe cỗ lỗ của Pháp thời đệ nhất thế chiến với từng toa kín mít và quá nhỏ nhưng phải chứa hơn một trăm tù binh cho mỗi toa khiến họ phải ngồi gần như chồng lên nhau mới đủ chỗ .  Đoạn đường này có lẽ còn khổ sở trăm lần so với lúc phải đi bộ dưới trời nắng nóng . Không khí oi bức ngột ngạt trong xe cộng thêm cái mùi nồng nặc hôi hám của hàng trăm con người suốt cả tuần không được tắm rửa , chiếc xe lửa cũ kỷ lăn bánh nặng nề trườn tới . Toàn thân nó cứ kêu lên kèn kẹt và xốc lên từng hồi khiến người tù dù có giỏi chịu đựng đến đâu cũng phải ói thốc ói tháo trong khi tận đáy dạ dày của họ chẳng có gì để ói . Và kẻ ngồi bẹp dí phía dưới dĩ nhiên sẽ nhận đủ những thứ hôi hám nhất trên đời từ người bạn tù phía trên . Chuyến xe lửa chuyển tù binh chạy chầm chậm về hướng Bắc , mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để đến Capas .

  Tuy chuyến hành trình ngắn ngủi nhưng đoàn tàu vẫn được phép dừng lại ở mỗi nhà ga , ở đó nhân viên canh gác có vẻ thoải mái dễ dãi hơn , họ mở cửa cho không khí lùa vào để bên trong bớt phần ngột ngạt . Và cứ mỗi lần như thế thường dân Phi có dịp tung vào cho tù nào là thức ăn nước uống , trà cà phê thậm chí cả thuốc lá , tóm lại bất cứ thứ gì có thể cho tù thì họ đều sẳn sàng tung vào cả . Những người lính Hoa Kỳ trước đây đã không có thiện cảm với dân bổn xứ thì bây giờ trong lòng họ chợt nãy ra một niềm cảm mến sâu xa và càng thấm thía cho tình người tràn đầy ở một cái xứ nghèo nàn lạc hậu này .

  Khi đến nhà ga Capas , tù binh được lệnh xuống xe . Còn thêm 8 dặm nữa mới đến trại O’Donnell , điểm cuối cùng của cuộc hành trình đầy chết chóc . Đoạn đường gồ ghề không một bóng mát này dĩ nhiên tù phải đi bộ để đến , nhưng dù có gồ ghề nóng nực đến đâu người tù vẫn cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với toa xe lửa kín như bưng và ngột ngạt như một “địa ngục trần gian” mà họ vừa bị lùa vào trong ấy hơn 3 tiếng đồng hồ .

  Cuối cùng thì toán tù đầu tiên cũng đến được O’Donnell và ở đây họ bị đẩy vào một ngôi biệt thự cũ kỷ rêu phong nằm chơi vơi giữa một nông trại rộng mênh mông . Khi bước qua lớp cổng ngoài , từ vọng gác gần đó người tù còn trông thấy vài tên lính Nhật mặt mày bặm trợn tay cầm súng máy cứ nhìn chòng chọc vào họ . Xa xa đàng kia trên một ngọn đồi không cao lắm , lá cờ mặt trời của Đại Nhật đang ngạo nghễ tung bay trong gió , lá cờ của quân chiến thắng , của đoàn người nắm toàn quyền sinh tử của bọn tù khốn nạn này .

  Họ được lệnh tập trung lại ngoài khoảng sân rộng mênh mông để chờ sĩ quan chỉ huy nhà tù đến ban huấn từ . Hơn một tiếng đồng hồ sau thì hắn xuất hiện . Nhìn thẳng xuống nhóm tù binh , bằng một giọng hách dịch hắn bắt đầu thao thao bất tuyệt , qua giọng của người thông dịch viên dịch lại thì bọn tù hiểu là hắn ta đang chửi rủa chính phủ và quân đội Hoa Kỳ . Rằng Hoa Kỳ là một kẻ thù không đội trời chung , rằng Nhật sẽ phải đánh gục Hoa Kỳ dù phải chiến đấu dai dẳng hàng trăm năm cũng phải đeo đuổi tới cùng . 

  Người thông dịch viên quay sang nhóm tù của Đại úy Ed Dyess và bảo “Đại úy , ông ta bảo rằng các anh không phải là tù binh chiến tranh và các anh sẽ bị đối xử như những tội phạm bị bắt . Ông còn bảo các anh không nên có những hành động tỏ ra mình là quân nhân . Ở đây các anh không bị bắt buộc theo quân kỷ nghiêm nhặt , các anh cũng không phải đứng nghiêm chào khi nghe ông ta nói . Đại úy , ông ta còn dặn anh hãy coi chừng cái mạng nhỏ xíu của anh nếu không chịu nghe lời dặn của ông ta đó

  Hai ngày sau khi nhóm tù đầu tiên đến được trại tập trung O’Donnell thì tờ báo Chúa Nhật Diễn Đàn ở thủ đô Manila cho đăng những tấm ảnh chụp của đoàn tù binh tan tác trên đoạn đường vạn lý hướng về nhà tù , bên dưới những bức ảnh đó còn có thêm một bài viết ngắn , đơn thuần chỉ là một lời giải thích khá rẽ tiền của chính phủ chiếm đóng Nhật Bản .   

  “Công tác chuyển vận tù binh từ tuyến đầu của mặt trận Batann đến trại tập trung đã gặp nhiều trở ngại đáng kể . Ở đây , chúng tôi muốn đề cập đến những nguyên nhân khiến nhiều thảm cảnh thương tâm xảy ra ngoài ý muốn để cho quần chúng hiểu lầm nên có một cái nhìn sai lệch . Để nói rõ hơn là quân đội Thiên Hoàng đến đây giúp chính phủ Phi đánh đuổi ngoại xâm và họ sẽ theo đuổi cuộc chiến đến chiến thắng cuối cùng . Và ngày vinh quang ấy đã gần kề . Dù chiến trường bận rộn nhưng họ cũng dành nhiều thời gian cũng như chia sẻ khẩu phần của binh sĩ để giúp đỡ tận tình cho 50 ngàn tù binh , giúp đỡ những người hôm qua vẫn còn là kẻ thù của họ . Mặc dù quân đội Thiên Hoàng đã đối xử thật tốt , lấy tình người với người mà đối đãi với 50 ngàn tù binh nhưng một số trong họ đã bị gục ngã trên đường di chuyển . Một việc đáng buồn và cũng đáng trách cho cấp lãnh đạo quân lực Hoa Kỳ , họ đã thiếu trách nhiệm bỏ mặc cho binh sĩ của mình đói khát và bệnh tật triền miên đến khi đầu hàng thì sức chịu đựng trong người của hầu hết binh sĩ đã không còn nữa” .

  Tướng Homma vì lo mãi mê toan tính kế hoạch xua quân sang thanh toán cho nhanh cây gai trong mắt là đảo Corregidor nên đến hai tháng sau mới đọc báo cáo về việc tù binh . Ông giật nẫy người thảng thốt khi biết ra con số tù binh bị chết trên đường áp giải còn cao hơn số binh sĩ tử thương trong những trận đánh đẫm máu ở Batann . Chỉ còn lại 54 ngàn tù đến được trại O’Donnell và đã có nhiều ngàn tù vượt thoát trên đường di chuyển . Không có một con số thống kê chính xác đã có bao nhiêu tù binh bỏ mạng dọc theo tuyến đường gian nan này , người ta chỉ ước lượng khoảng từ 7 đến 10 ngàn chết vì đói khát , vì sốt rét rừng hành hạ và cũng vì bị đánh dập dã man cũng như bị mang ra thủ tiêu . Và trong số ấy đã có 2,330 tù binh Hoa Kỳ . 

  Hầu hết tù nhân còn sống sót đều đồng ý đây là một kế hoạch thâm độc của cấp lãnh đạo Nhật Bản hầu giết lần mòn các tù binh kẻ mà họ cho là tử thù trời không chung đội . Nhưng coi ra cái kế hoạch thâm hiểm này nó không được thực hiện đúng phương pháp . Những người tù được xe vận tải bốc từ Balanga tới San Fernando thì may mắn hơn nhiều , họ không bị đánh đập dã man và cũng chẳng có ai phải vong mạng khi di chuyển trong khi đám đi bộ thì lãnh đủ nhục hình .

  Theo thói thường mà nói thì khi vui trong lòng người ta bao giờ cũng dễ dải thoải mái . Bọn lính Nhật cũng thế , khi được ngồi xe thì thong dong tự tại , gió thổi hiu hiu mát mẻ dễ chịu thì đánh đập hành hạ tù binh làm gì cho thêm phí sức . Nhưng khi bị đẩy ra vác súng đi bộ dưới trời nắng đổ lửa cả ngày , mệt và quạu nên dễ cau có . Ở đơn vị thì thường khi bị thượng cấp dùng uy quyền dọa nạt đánh đập , bây giờ đối với bọn tù binh thì họ có đủ quyền sinh sát trong tay cho nên bao nhiêu uất ức dồn nén trong lòng đám lính Nhật đều đổ hết lên đầu bọn người kém may mắn mà họ cho là hèn nhát kia .    

   Đối với người lính của quân đội Thiên Hoàng thì một khi ra trận là chiến thắng hoặc là bỏ thây chớ không có chuyện đầu hàng . Nếu không may người lính bị thương và bị bắt thì kẻ đó coi như muôn đời bị nguyền rủa , bị gia đình khai tử là làng quê của hắn sẽ không còn chấp nhận người của làng họ nữa . Câu kinh nhật tung mà mỗi chiến binh Nhật Bản phải nhớ nằm lòng là “Trong chiến đấu nếu để bị sa vào tay giặc , chẳng những đã làm ô nhục quân đội mà gia đình các anh cũng không thể nào ngẫng mặt nhìn đời được nữa . Hãy để dành một viên đạn cho riêng mình khi hữu sự” .

  Với một quy luật quá khắt khe như vậy nên họ luôn luôn nhìn tù binh bằng cặp mắt khinh bỉ . Tinh thần yêu nước và lòng kính trọng Thiên Hoàng tuyệt đối khiến họ trở nên những con người hung tợn và quá khích vô cùng , bất cứ ai chống lại quê hương của họ đều đáng tội chết cả . Tuy nhiên trong bọn họ , nhất là lớp sĩ quan chỉ huy các cấp cũng có nhiều vị lòng đầy nhân tính , quá bất nhẫn với khẩu lệnh của Đại tá Tsuji và đã không tuân lệnh thượng cấp , sẳn sàng mở đường cho tù binh trốn thoát điển hình là hai vị Đại tá Imai và Ikuta .

  Lời kêu gọi “Thẳng tay tiêu diệt tù binh” của vị Đại tá quá khích Tsuji cũng được Đông Kinh hưởng ứng . Ngày 24 tháng 04 , tờ Nhật báo Time & Advertiser cho đăng một bài bình luận như sau :

  “… Phe Đồng minh cuối cùng cũng phải chấp nhận đầu hàng sau khi bọn chỉ huy không còn binh sĩ để tế thần nữa . Họ chấp nhận đầu hàng khi không còn chọn lựa nào khác và cũng vì muốn bảo toàn lấy tính mạng của riêng mình . Bọn hèn nhát này đã biểu lộ sự ích kỷ trong suốt thời gian chiến đấu , họ là một bọn chỉ huy đáng nguyền rủa và chắc hẳn sẽ không được đãi ngộ như những tù binh chiến tranh . Họ đã làm những điều thất nhân tâm nghịch thánh thần thì bây giờ phải chịu nhận lãnh hành phạt . Nếu chúng ta tỏ ra nhân nhượng với họ hóa ra càng khiến cho cuộc chiến này càng kéo dài ra ư ?  Phương châm của họ từng đem ra áp dụng trong cuộc chiến này là “Tuyệt đối không có nguyên tắc đạo đức” , họ đã không ngần ngại và bất cần cái ý nghĩa của nó để hành động trong khi quân đội Thiên Hoàng của chúng ta lại không cần bất cứ một phương châm nào cả vì cuộc chiến của chúng ta đang phát động là một cuộc chiến tranh thần thánh , kẻ nào dám chống lại tất sẽ bại vong …”

  Bài báo đầy lời lẽ quá khích chắc chắn là do một cây viết cuồng tín với mục đích khích động lòng căm thù đối với ngoại bang và gần nhất là phe đồng minh chống Nhật .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế