SÁU PHO TƯỢNG NAPOLÉON(The Six Napoleons 1904)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện thanh tra Lestrade của Sở Cảnh sát London ghé tìm chúng tôi vào tầm chiều tối không có gì là lạ, và Sherlock Holmes rất thích ông ta tới chơi nhà, vì cứ mỗi lần đến, ông ta lại đem theo tin tức về mọi việc đang diễn ra tại Sở. Để đáp lại, Holmes bao giờ cũng sẵn lòng chăm chú lắng nghe mọi tình tiết của bất kì vụ án nào ông này tham gia, và thỉnh thoảng đưa ra một lời khuyên hay gợi ý rút từ vốn kiến thức và kinh nghiệm phong phú của mình.

Riêng tối hôm ấy, Lestrade lại nói về thời tiết và báo chí. Sau đó, ông ta im lặng và tư lự hút xì gà. Holmes chăm chú nhìn ông ta.

"Ông có việc gì bận lòng sao?" Anh hỏi.

"Ồ, không, ông Holmes, không có gì đặc biệt lắm."

"Vậy kể tôi nghe đi."

Lestrade cười.

"Thôi được rồi, ông Holmes, tôi chẳng việc gì phải chối chuyện tôi đang có điều lo nghĩ. Thế nhưng vụ này ngớ ngẩn quá nên tôi ngại không muốn làm phiền ông. Mặt khác, dù nó rất vặt vãnh nhưng lại vô cùng kì quặc, mà tôi biết ông thích những vụ bất thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó liên quan tới chuyên môn của bác sĩ Watson hơn là của chúng ta."

"Bệnh tật à?" Tôi hỏi.

"À, bệnh điên. Mà điên rất kì quặc nữa kìa. Ông sẽ không tin nổi thời nay còn có người căm hận Napoléon đệ nhất đến độ cứ thấy tượng là đập!"

Holmes ngả người ra ghế.

"Đây không phải chuyên môn của tôi rồi", anh nói.

"Chính xác. Nhưng khi gã tâm thần kia đột nhập vào nhà người ta để đập tượng, vụ việc sẽ được bác sĩ bàn giao cho cảnh sát."

Holmes lại ngồi thẳng người lên.

"Đột nhập à! Chuyện thú vị hơn rồi đây. Kể chi tiết cho tôi nghe xem."

Lestrade lấy cuốn số công vụ ra, lật xem vài trang để nhớ lại.

"Vụ đầu tiên được trình báo bốn hôm trước", ông ta nói. "Vụ việc xảy ra tại cửa hiệu bán tranh tượng của Morse Hudson ở phố Kennington. Người bán hàng vừa rời tiệm một lát đã nghe thấy tiếng vỡ. Khi lật đật chạy vào, anh ta thấy pho tượng bán thân Napoléon bằng thạch cao, vốn đặt cạnh vài tác phẩm nghệ thuật khác trên quầy, đã vỡ thành từng mảnh trên sàn. Anh ta vội lao ra đường, nhưng dù vài người nói thấy có kẻ từ cửa hiệu chạy ra, anh ta không thấy ai và cũng chẳng biết làm sao để nhận mặt tên khốn nọ. Người ta báo cho viên cảnh sát đang tuần tra khu vực rằng thủ phạm có thể là đám côn đồ thỉnh thoảng càn quấy khu vực này. Bức tượng thạch cao chỉ đáng vài shilling nên cảnh sát thấy vụ việc quá ư vặt vãnh, không đáng để điều tra.

Vụ thứ hai nghiêm trọng và lạ đời hơn. Nó mới xảy ra tối hôm qua. Cũng tại phố Kennington, cách cửa hiệu của Morse Hudson vài trăm yard là nhà của bác sĩ Barnicot nổi tiếng. Ông này mở một trong những phòng mạch lớn nhất mạn nam sông Thames. Ngoài nhà và phòng mạch chính ở Kennington, ông ta còn có một phòng mổ và chẩn bệnh tại khu Hạ Brixton, cách đó hai dặm. Bác sĩ Barnicot rất sùng bái Napoléon, nên nhà ông ta đầy những sách, tranh và di vật của vị hoàng đế nước Pháp. Cách đây không lâu, ông ta mua của Morse Hudson hai pho tượng bán thân Napoléon bằng thạch cao, phỏng theo pho tượng nổi tiếng của nhà điêu khắc Devine người Pháp. Ông ta đặt một tượng trong tiền sảnh nhà mình tại Kennington, còn bức kia trên bệ lò sưởi của phòng mổ ở Hạ Brixton. Sáng nay khi xuống nhà, bác sĩ Barnicot sửng sốt nhận ra nhà mình bị trộm đột nhập hồi đêm, nhưng chẳng mất gì ngoài pho tượng thạch cao bán thân trong tiền sảnh. Nó bị đem ra ngoài rồi ném vào bức tường bao quanh vườn, các mảnh vỡ được tìm thấy ngay dưới chân tường.

Holmes xoa tay. "Chuyện này rất ư mới lạ", anh nói.

"Tôi biết nó sẽ làm ông vừa lòng mà. Nhưng tôi vẫn chưa kể hết. Bác sĩ Barnicot phải có mặt tại phòng mổ lúc 12 giờ, và ông có thể hình dung ông ta kinh ngạc thế nào khi phát hiện cửa sổ phòng mổ bị cạy trong đêm, còn mấy mảnh vỡ của bức tượng thứ hai vương vãi khắp phòng. Nó bị đập tại chỗ. Cả hai vụ đều không có dấu vết cho chúng tôi manh mối về gã tâm thần đã gây trò tai quái. Giờ ông biết hết rồi đấy, ông Holmes."

"Thật lạ đời, nếu không muốn nói là quái gở", Holmes nói. "Cho phép tôi hỏi, hai tượng của bác sĩ Barnicot có giống bức bị đập trong cửa hiệu của Morse Hudson không?"

"Chúng được đúc từ cùng một khuôn."

"Tình tiết này đã bác bỏ giả thuyết kẻ đập tượng bị nỗi căm hận chung chung với Napoléon tác động. Xét vì ở London hẳn phải tồn tại hàng trăm tượng vị đại đế, nên không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng một kẻ đập tượng bừa phứa lại tình cờ bắt đầu bằng ba tượng đúc từ cùng một khuôn."

"Tôi cũng nghĩ như ông", Lestrade nói. "Tuy nhiên, Morse Hudson là người cung cấp tượng bán thân duy nhất trên đường Kennington, và rất có thể tại khu vực đó chỉ có độc ba pho tượng kia. Vì vậy, một tên điên trong vùng sẽ bắt đầu từ mấy tượng đó. Bác sĩ Watson thấy sao?"

"Chứng độc tưởng có vô vàn kiểu", tôi trả lời. "Đây là chứng bệnh mà người Pháp gọi là idée fixe, trong đó người bệnh có thể hoàn toàn bình thường ở mặt này, nhưng lại điên rồ ở mặt khác. Rất có thể một người nghiên cứu kĩ về Napoléon, hay có người thân phải chịu một tổn thương nào đó trong cuộc đại chiến, sẽ mắc chứng idée fixe. Khi bị chứng bệnh này tác động, người bệnh có thể điên cuồng làm bất cứ điều gì."

"Watson thân mến, giải thích vậy không ổn", Holmes lắc đầu, "vì dù mắc chứng idée fixe nặng đến mấy, người bệnh thú vị của anh cũng không thể biết mấy tượng kia nằm ở đâu."

"Vậy anh giải thích thế nào?"

"Tôi không định giải thích. Tôi chỉ muốn nhận xét rằng chuỗi hành động kì quặc của kẻ này vẫn có phần nhất quán. Chẳng hạn, tượng trong tiền sảnh nhà bác sĩ Barnicot, nơi chỉ cần một tiếng động cũng đủ đánh thức gia đình dậy, được đưa ra ngoài rồi mới đập; còn tượng ở phòng mổ, nơi hắn ít có khả năng bị bắt quả tang hơn, bị đập tại chỗ. Chi tiết này có vẻ vặt vãnh đến phi lí, vậy mà tôi dám nói chẳng có gì là nhỏ nhặt. Một số vụ kinh điển nhất của tôi cũng có cái mở đầu ít hứa hẹn nhất. Watson này, anh nhớ vụ án kinh khủng liên quan tới gia đình Abernetty đã khiến tôi chú ý vì độ sâu của cọng ngò tây nhúng trong bơ vào một ngày nóng nực chứ? Do vậy, Lestrade, tôi không thể cười ba cái tượng vỡ của ông, và tôi sẽ rất cảm ơn nếu ông báo cho tôi biết khi loạt sự kiện lạ lùng này có diễn biến mới."

Cái diễn biến mà bạn tôi trông chờ xảy đến nhanh và bi thảm hơn nhiều so với những gì anh đã hình dung. Sáng hôm sau, khi đang thay đồ trong phòng ngủ, tôi nghe thấy có tiếng gõ cửa khe khẽ, rồi sau đó Holmes bước vào với một bức điện tín cầm trên tay. Anh đọc to, "Đến ngay! 131 phố Pitt, Kensington. Lestrade."

"Có chuyện gì vậy nhỉ?" Tôi hỏi.

"Không biết! Có thể là bất cứ chuyện gì. Nhưng tôi nghĩ là diễn biến tiếp theo trong vụ án mấy pho tượng. Nếu vậy, anh bạn chuyên đập tượng của chúng ta đã mở rộng chiến dịch sang một khu vực khác của London rồi. Watson này, trên bàn có cà phê đấy, còn tôi ra cửa gọi xe đây."

Nửa giờ sau, chúng tôi tới phố Pitt, một nơi yên bình nằm bên một trong những khu vực nhộn nhịp nhất London. Địa chỉ 131 thuộc một dãy nhà cổ kính giống nhau y đúc và tất thảy đều trông cực kì tẻ nhạt. Khi xe chạy lại gần, chúng tôi thấy đám đông hiếu kì đang xúm đen xúm đỏ trước hàng rào bao trước căn nhà. Holmes huýt sáo.

"Úi chà! Nhẹ cũng là mưu sát. Nếu không cái anh chàng đưa tin hỏa tốc đã chẳng nán lại đây. Xét theo điệu bộ hai vai thõng và cổ rướn tới của anh chàng là đủ biết có chuyện xấu rồi. Gì đây, Watson? Mấy bậc thềm trên cùng được giội nước, còn các bậc dưới lại khô. Chứng tỏ có dấu vết để lại! Chà chà, Lestrade đang đứng tại cửa sổ trước kia. Chúng ta sẽ biết chuyện ngay thôi."

Viên cảnh sát đón chúng tôi với vẻ mặt trầm trọng rồi dẫn chúng tôi vào phòng khách, nơi một người đàn ông lớn tuổi trông lôi thôi lếch thếch và kích động, mặc áo choàng vải flannel đang đi tới đi lui. Lestrade giới thiệu ông đây là chủ nhà, tên Horace Harker, làm việc tại Nghiệp đoàn Báo chí Trung tâm.

"Lại là vụ tượng Napoléon", Lestrade nói. "Ông Holmes, vì tối qua ông có vẻ quan tâm, nên tôi nghĩ ông sẽ vui lòng có mặt vì sự việc đã chuyển biến nghiêm trọng hơn nhiều."

"Vậy nó chuyển biến ra sao?"

"Thành án mạng, ông Harker, xin ông vui lòng cho hai vị đây biết chính xác chuyện đã xảy ra."

Người đàn ông mặc áo choàng quay bộ mặt hết sức sầu não qua nhìn chúng tôi.

"Thật lạ đời", ông ta nói, "cả đời tôi đi thu thập tin của người khác, vậy mà khi một tin tức hẳn hoi xảy tới với tôi, tôi lại rối bời và lo lắng đến độ chẳng ráp nổi hai chữ với nhau. Nếu tôi đến đây với tư cách phóng viên, tôi đã phỏng vấn mình và viết một bài báo chiếm hai cột trong số báo ra chiều nay. Cứ kể đi kể lại câu chuyện cho hết người này đến người kia thật chẳng khác nào ban phát đề tài quý báu của mình, còn bản thân tôi lại chẳng tận dụng được gì. Song tôi đã nghe danh ông, ông Sherlock Holmes, nên ông lí giải được vụ kì quặc này thì công khó nhọc tôi kể cho ông nghe cũng coi như là được bù đắp."

Holmes ngồi xuống lắng nghe.

"Dường như mọi chuyện đều xoay quanh pho tượng bán thân Napoléon tôi mua cho chính gian phòng này vào khoảng bốn tháng trước. Tôi mua được nó ở cửa hàng Harding Brothers, cách ga phố High hai căn. Tôi giải quyết phần lớn việc báo chí vào ban đêm, và thường viết cho đến sáng tinh mơ. Hôm nay cũng vậy. Tôi ngồi trong phòng riêng ở tầng trên cùng đến khoảng 3 giờ thì nghe thấy vài tiếng động dưới nhà. Tôi lắng nghe, nhưng không thấy tiếng động lặp lại nên kết luận đấy là âm thanh từ ngoài vọng vào. Khoảng năm phút sau, bỗng có một tiếng thét vô cùng thê thảm - đó là âm thanh hãi hùng nhất tôi từng nghe, thưa ông Holmes. Chừng nào tôi còn sống, nó sẽ còn văng vẳng bên tai tôi. Tôi ngồi sững người mất mấy phút. Sau đó, tôi chộp lấy cây cời than và đi xuống nhà. Khi vào phòng này, tôi thấy cửa sổ mở toang, và tôi nhận ra ngay rằng pho tượng không còn trên bệ lò sưởi. Trộm bẻ khóa nào lại đi lấy một thứ như vậy thì tôi chịu không hiểu nổi, vì đó chỉ là tượng thạch cao và không mấy giá trị.

Tự ông cũng thấy là ai vào bằng ngả cửa sổ đều có thể sải một bước dài ra cửa trước. Rõ ràng tên trộm bẻ khóa đã làm vậy, nên tôi đi vòng qua mở cửa lớn. Khi bước ra ngoài bóng tối, tôi suýt ngã nhào lên một xác chết nằm đó. Tôi chạy lui vào tìm đèn và sau đó thấy một kẻ xấu số bị cứa một vết lớn ở cổ họng và máu lênh láng khắp chỗ này. Hắn nằm ngửa, đầu gối co lại, miệng ngoác ra. Tôi sẽ nằm mơ thấy hắn mất thôi! Sau khi thổi còi gọi cảnh sát, ắt là tôi đã ngất đi, vì tôi không còn hay biết gì cho đến khi thấy cảnh sát đứng trước mặt trong hành lang."

"Vậy người bị hại là ai?" Holmes hỏi.

"Không có gì cho biết danh tính của hắn", Lestrade nói. "Thi thể đã được đưa tới nhà xác, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết được gì. Hắn cao dong dỏng, da rám nắng, trông khỏe khoắn và chưa quá ba mươi. Hắn ăn vận tuềnh toàng, nhưng không có vẻ là dân lao động. Một con dao bấm cán ngà nằm trong vũng máu bên cạnh. Tôi không biết đó là hung khí hay đó của người chết. Áo quần hắn không đề tên tuổi, trong túi chẳng có gì ngoài một quả táo, một sợi dây, tấm bản đồ London giá một shilling và một bức ảnh. Đây này."

Đó là bức hình chụp một người đàn ông trông lanh lợi như khỉ, mặt mày sắc sảo, lông mày rậm và hàm dưới dô ra như mỏm khỉ đầu chó.

"Vậy pho tượng sao rồi?" Holmes hỏi khi đã xem xét kĩ bức hình. "Chúng tôi vừa mới được tin trước khi ông đến. Đã tìm thấy nó bị đập tan tành tại vườn trước của một ngôi nhà hoang trên đường Campden House. Giờ tôi định đến đó xem. Ông đi chứ?"

"Dĩ nhiên rồi. Đợi tôi kiểm tra một vòng đã." Anh xem xét thảm và cửa sổ. "Gã này hoặc phải có đôi chân dài ngoẳng hoặc phải vô cùng khéo léo", anh nói. "Từ khoảng cách thế này mà với tới gờ cửa sổ rồi mở không hề dễ. Trở ra thì tương đối đơn giản. Ông có đi với chúng tôi đến chỗ tượng vỡ không, ông Harker?"

Ông nhà báo phiền muộn đã ngồi xuống bên bàn viết.

"Tôi phải tranh thủ xem có làm được gì không", ông ta nói, "dù tôi biết chắc mấy tờ báo chiều đầu tiên đã cho đăng bài viết tường tận lắm rồi. Khổ thân tôi không kia chứ! Các ông còn nhớ hồi gian hàng ở Doncaster sập không? Tôi là nhà báo duy nhất đứng trong gian hàng, ấy vậy mà chỉ có mỗi tờ báo của tôi là không đả động gì tới chuyện đó, vì tôi run quá nên chẳng viết được gì. Còn giờ tôi sẽ chậm chân trong việc tường thuật vụ án mạng xảy ra ngay tại nhà mình."

Khi ra khỏi phòng, chúng tôi nghe tiếng bút di kin kít trên giấy.

***

Nơi tìm thấy các mảnh tượng võ cách đó chỉ vài trăm yard. Đây là lần đầu tiên mắt chúng tôi nhìn thấy bức điêu khắc vị đại đế đường như đã làm nảy sinh nỗi hận thù điên loạn và ước muốn phá hoại trong đầu kẻ bí ẩn kia. Nó đã biến thành đống mảnh vỡ trên cỏ. Holmes nhặt vài mảnh lên xem xét cẩn thận. Dựa vào vẻ mặt chăm chú và cử chỉ đầy chủ ý của Holmes, tôi tin chắc anh đã tìm ra manh mối.

"Thế nào?" Lestrade hỏi.

Holmes nhún vai. "Ta còn phải đi một chặng dài nữa", anh nói. "Thế nhưng, chúng ta đã có vài tình tiết gợi mở để hành động. Trong mắt tên thủ phạm quái gở này, pho tượng bán thân tầm thường kia còn đáng giá hơn mạng người. Đó là một điểm. Và còn nếu như mục đích của hắn chỉ đơn thuần là đập tượng, tại sao hắn không đập ngay trong, hay ngoài cửa nhà?"

"Vì đụng đầu gã kia nên hắn rồi trí hoảng hốt. Hắn chẳng còn biết mình đang làm gì nữa."

"Cũng có thể. Nhưng tôi muốn ông đặc biệt lưu ý vị trí căn nhà có khu vườn được hung thủ chọn làm nơi đập tượng."

Lestrade nhìn quanh quất. "Đây là nhà hoang, nên hắn biết hắn sẽ không bị ai cản trở trong vườn."

"Phải, nhưng đầu đường còn một căn nhà bỏ hoang khác và hắn phải đi ngang qua đó trước khi tới đây. Sao hắn không đập ở đó vì càng mang bức tượng đi xa hắn càng dễ bị bắt gặp?"

"Tôi chịu", Lestrade nói.

Holmes chỉ cột đèn trên đầu chúng tôi. "Ở đây hắn thấy được việc mình làm, còn ở đằng kia thì không. Đó là lí do."

"Trời! Đúng rồi", viên thanh tra nói. "Giờ nghĩ lại thì tượng Napoléon của bác sĩ Barnicot bị đập không xa ngọn đèn trong nhà bao lắm. Nào ông Holmes, ta làm gì với đầu mối này?"

"Ghi nhớ và tổng kết. Biết đâu sau này ta sẽ bắt gặp cái gì có liên quan tới nó. Giờ ông định làm gì, Lestrade?"

"Theo tôi, cách thiết thực nhất để tháo gỡ vụ này là xác định danh tính người chết. Chuyện đó chẳng khó khăn gì. Khi biết hắn là ai và có những mối quen biết nào, chúng ta sẽ có một khởi đầu thuận lợi để biết tối qua hắn làm gì ở phố Pitt, và người gặp hắn và giết hắn tại cửa nhà ông Horace Harker là ai. Ông có nghĩ vậy không?"

"Chắc chắn rồi. Nhưng tôi không giải quyết vụ án theo cách đó."

"Vậy ông làm gì?"

"Ồ, đừng để việc tôi chi phối ông! Tôi đề nghị ông tiếp tục phương pháp của ông, còn tôi đi theo cách thức của tôi. Sau đó, chúng ta có thể bàn luận, rồi người này sẽ bổ sung cho người kia."

"Được thôi", Lestrade nói.

"Nếu quay lại phố Pitt, hẳn ông sẽ gặp ông Horace Harker. Nhắn với ông ta là tôi đã nghĩ kĩ rồi, và chắc chắn kẻ đột nhập vào nhà ông ta đêm qua là một gã sát nhân mắc bệnh tâm thần cực kì nguy hiểm, bị Napoléon ám ảnh. Nó sẽ giúp ích cho bài báo của ông ta."

Lestrade trố mắt nhìn.

"Ông không thực bụng tin chuyện đó chứ?"

Holmes mỉm cười.

"Vâng, có lẽ tôi không tin. Nhưng tôi đảm bảo thông tin ấy sẽ làm ông Horace Harker và độc giả của Nghiệp đoàn Báo chí Trung tâm hứng thú. Này Watson, tôi nghĩ chúng ta có công việc khá phức tạp mất cả ngày trời đây. Lestrade này, tôi sẽ rất vui nếu ông tới gặp chúng tôi tại phố Baker lúc 6 giờ chiều nay. Từ giờ tới đó, tôi muốn giữ tấm hình tìm thấy trong túi người chết. Có thể tôi sẽ phải nhờ ông đi theo giúp một tay trong cuộc phiêu lưu nho nhỏ tối nay, nếu như chuỗi suy luận của tôi là đúng. Chúc may mắn và mong gặp lại ông đúng giờ!"

Sherlock Holmes và tôi cùng đi bộ đến phố High, ở đó chúng tôi ghé vào tiệm Harding Brothers, chỗ bán pho tượng. Một nhân viên bán hàng trẻ tuổi cho chúng tôi biết ông Harding đi có việc phải đến quá trưa mới về, còn anh ta mới vào làm nên chẳng thể cho chúng tôi biết gì nhiều. Holmes tỏ vẻ thất vọng và bực dọc.

"Thôi đành vậy, chúng ta đâu thể mong mọi chuyện đều theo ý mình, Watson nhỉ", anh nói. "Nếu đã vậy, chúng ta đành quay lại vào tầm chiều. Hẳn anh đã đoán ra tôi đang cố lần tìm xuất xứ mấy tượng này, để xem có gì đặc biệt lí giải được số phận lạ thường của chúng. Ta hãy tới nhà ông Morse Hudson ở phố Kennington, xem ông ta có giúp chúng ta vỡ ra được gì không."

Chúng tôi đi xe mất một tiếng để tới cửa tiệm của người buôn tranh tượng. Ông ta thấp, mập, mặt đỏ au và tỏ vẻ nóng nảy.

"Phải, thưa ông. Ngay trên quầy của tôi," ông ta nói. "Tôi chẳng biết mình phải đóng thuế làm gì khi mà gã du côn nào cũng có thể vào đập phá đồ của tôi. Đúng, thưa ông, chính tôi đã bán hai pho tượng ấy cho bác sĩ Barnicot. Thật đáng hổ thẹn, thưa ông! Tôi đoán đây là mưu đồ của bọn Hư vô chủ nghĩa. Chỉ có lũ vô chính phủ đó mới đi lêu lổng mà đập tượng thôi! Tôi gọi chúng là tụi Cộng hòa đỏ. Tôi mua mấy pho tượng của ai ư? Chuyện đó có liên quan gì đâu nhỉ? Mà thôi, nếu ông muốn biết, tôi xin nói. Tôi mua của Công ty Gelder tại phố Church, Stepney. Đó là công ty nổi tiếng với hai mươi năm hoạt động trong ngành làm tượng. Tôi mua bao nhiêu pho à? Ba.. hai cộng một là ba - hai của bác sĩ Barnicot, và một đặt trên quầy của tôi, bị đập giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi có biết người trong hình không sao? Tôi biết, đó là Beppo. Hắn là người Ý, từng làm khoán cho tôi và rất được việc. Hắn biết chút nghề chạm khắc, mạ vàng, đóng khung cùng mấy việc vặt khác. Hắn bỏ việc hồi tuần trước, và từ đó đến nay tôi không nghe tin gì về hắn. Không, tôi không biết hắn từ đâu tới hay hắn đi đâu. Hồi hắn còn ở đây, tôi chẳng ghét bỏ gì hắn. Hắn đi trước khi tượng bị đập hai ngày."

"Thôi vậy, ta chỉ có thể mong đợi ở Morse Hudson bấy nhiêu thôi", Holmes nói khi chúng tôi rời cửa hàng. "Chúng ta có gã Beppo làm nhân tố chung, xuất hiện cả ở Kennington và Kensington, nên cũng bõ công đi mười dặm đường. Nào Watson, ta đến Công ty Gelder ở Stepney, nơi đầu tiên bán ra mấy pho tượng. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta không tìm được chút manh mối gì từ đó."

Chúng tôi lần lượt phóng qua London thượng lưu, London khách sạn, London kịch nghệ, London văn học, London thương mại, và cả London hàng hải, cho đến khi tới một khu ven sông - nơi sinh sống của một trăm ngàn dân, với những tòa nhà chung cứ ngột ngạt và đầy những thành phần ngoài lề xã hội của Âu châu. Tại đây, trong một khu phố rộng từng là nơi các thương gia giàu có ở khu City cư ngụ, chúng tôi tìm thấy các tác phẩm điêu khắc mình cần. Bên ngoài có một khoảng sân khá rộng đặt đầy những sản phẩm điêu khắc đồ sộ. Bên trong là một gian phòng rộng có năm mươi thợ đang đục đẽo. Ông quản đốc, một người Đức tóc vàng to béo, lịch sự tiếp chúng tôi và trả lời rành mạch mọi câu hỏi của Holmes. Tham khảo sổ sách của ông ta, chúng tôi nhận thấy có hàng trăm tượng đúc phỏng theo pho tượng bán thân Napoléon bằng cẩm thạch của Devine. Ba tượng gửi đến cho Morse Hudson độ một năm trước thuộc một lô hàng sáu tượng, ba pho còn lại được chuyển tới cửa tiệm Harding Brothers ở phố Kensington. Không lí gì chúng lại khác với những pho tượng khác. Ông ta không nghĩ ra được nguyên nhân nào khả dĩ khiến cho có kẻ muốn hủy chúng - đúng hơn, ông ta còn cười khi nghe tới đó. Giá bán sỉ là sáu shilling, còn giá bán lẻ là mười hai shilling hoặc hơn. Tượng được đúc thành hai khuôn nửa mặt rồi ráp lại. Công việc thường do các nhân công người Ý trong phòng chúng tôi đang đứng thực hiện. Khi hoàn thành, tượng được đặt lên bàn trong hành lang cho khô, sau đó cất vào kho. Ông ta chỉ có thể cho chúng tôi biết chừng ấy.

Nhưng khi đưa bức hình ra thì ông quản đốc lại có phản ứng đáng chú ý. Ông người Đức mặt đỏ phừng giận dữ, hai mày chau lại trên cặp mắt xanh.

"A, thằng côn đồ!" Ông ta kêu lên. "Phải, tôi biết hắn rõ lắm. Chỗ này từ xưa đến nay luôn là một cơ sở uy tín và lần duy nhất chúng tôi bị cảnh sát đến tra hỏi chính là vì gã này. Chuyện xảy ra cách đây hơn một năm rồi. Hắn dùng dao đâm một người Ý khác ngoài phố, rồi đến chỗ làm, cảnh sát đuổi tới rồi bắt hắn ở đây. Tôi chỉ biết hắn tên là Beppo. Đáng đời tôi mà. Ai bảo tôi lại đi thuê kẻ có bộ mặt như vậy. Nhưng hắn là thợ giỏi, một trong những người giỏi nhất."

"Hắn phải lĩnh án thế nào?"

"Người nọ còn sống nên hắn chỉ phải ngồi tù một năm. Chắc chắn giờ hắn đã ra tù, nhưng không dám chường mặt đến đây. Em họ của hắn làm ở đây và tôi dám chắc cậu ta có thể cho các ông biết địa chỉ của hắn."

"Không, không", Holmes kêu lên, "xin ông đừng nói gì với người em họ cả. Việc này rất hệ trọng và càng ít người biết càng tốt. Lúc ông xem sổ, tôi nhận thấy ông chuyển mấy pho tượng đi vào ngày 3 tháng 6 năm ngoái, ông có thể cho tôi biết Beppo bị bắt vào ngày nào không?"

"Tôi có thể cho ông biết đại khái theo sổ lương", quản đốc đáp. "Đây rồi", ông ta nói tiếp sau khi lật được dăm trang, "hắn lĩnh lương lần cuối vào ngày 20 tháng 5."

"Cảm ơn ông", Holmes nói. "Có lẽ tôi không nên làm tốn thời gian và lòng kiên nhẫn của ông thêm nữa."

Sau khi dặn phòng xa lần cuối rằng ông ta đừng nói gì về việc chúng tôi đến dò la, hai chúng tôi lại đi về hướng tây. Đến tận chiều chúng tôi mới tranh thủ tạt vào quán ăn ăn vội ăn vàng. Tờ báo đặt ở cửa vào đăng tin Vụ án ở phố Kensington - Kẻ tâm thần gây án mạng, và nội dung bài báo cho thấy bài tường thuật của ông Horace Harker đã kịp đăng. Hai cột kể về toàn bộ sự việc theo lối viết hết sức li kì và hoa mĩ. Holmes vừa ăn vừa đọc. Anh tủm tỉm cười đôi ba lần. "Watson, cái này được đây", anh nói. "Nghe này:

Được biết trong vụ án này, ông Lestrade, một cảnh sát dày dạn kinh nghiệm, và ông Sherlock Holmes, chuyên gia cố vấn nổi tiếng, đã nhất trí đi đến kết luận rằng loạt biến cố quái gở với kết thúc bi đát này có nguyên do là mất trí, chứ không phải tội ác có chủ tâm. Thủ phạm chỉ có thể là một kẻ mắc bệnh tâm thần. Watson này, nếu chúng ta biết cách sử dụng báo chí, nó sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc điều tra. Còn giờ, nếu anh đã ăn xong, chúng ta sẽ quay về Kensington xem ông chủ Harding Brothers nói sao về vụ này."

Ông chủ cửa tiệm lớn đó là một người thấp bé, ăn vận bảnh bao và nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn và ăn nói lưu loát

"Vâng thưa ông, tôi đã đọc bài báo đó rồi. Ông Horace Harker là khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi cung cấp cho ông ấy pho tượng đó từ mấy tháng trước. Chúng tôi đặt ba pho tượng kiểu đó từ Công ty Gelder ở Stepney và đã bán hết. Cho ai à? Đợi tôi mở sổ bán hàng ra xem là biết ngay thôi mà. Phải, chúng tôi đều ghi chép lại cả. Một cho ông Harker, như ông đã biết; một cho ông Josiah Brown ở biệt thự Laburnum, phố Laburnum Vale thuộc quận Chiswick, và một cho ông Sandeford ở phố Lower Grove tại thị trấn Reading. Không, tôi chưa từng thấy người trong hình. Một bộ mặt xấu xí thế này thì tôi khó lòng quên nổi! Chúng tôi có nhân viên người Ý nào không ư? Có, thưa ông, chúng tôi có vài người thợ và tạp vụ. Chắc chắn nếu muốn, họ có thể xem qua mấy cuốn sổ bán hàng. Chúng tôi chẳng có lí do nào để phải trông coi chúng. Vâng vâng, sự việc này quá ư kì lạ, và tôi cũng mong được ông cho biết tin nếu tìm hiểu được gì."

Holmes ghi chép lại mấy điều trong lúc ông Harding nói, và tôi thấy anh hết sức hài lòng vì chiều hướng xoay chuyển của sự việc. Tuy nhiên, anh chỉ nói nếu không nhanh chân, chúng tôi sẽ trễ hẹn với Lestrade. Quả nhiên, khi chúng tôi về phố Baker, viên thanh tra đã ở đó và đang sốt ruột đi tới đi lui. Vẻ mặt nghiêm trang cho thấy ngày làm việc của ông ta không uổng phí.

"Sao rồi?" Ông ta hỏi. "Có may mắn gì không, ông Holmes?"

"Chúng tôi đã có một ngày rất bận bịu và không hẳn là phí phạm", bạn tôi giải thích. "Chúng tôi đã gặp cả bên bán lẻ lẫn nhà sản xuất. Giờ tôi biết rõ tung tích từng pho tượng một."

"Mấy pho tượng!" Lestrade kêu lên. "Thôi được, ông Sherlock Holmes, ông có phương pháp riêng và tôi không có quyền phản đối, nhưng tôi nghĩ mình có một ngày làm việc tốt hơn ông. Tôi đã xác định được danh tính người chết."

"Thật sao?"

"Và tìm ra động cơ gây án."

"Tuyệt vời!"

"Trong Sở có một thanh tra tên là Saffron Hill chuyên phụ trách khu người Ý. Người chết có xăm một biểu tượng Cơ Đốc giáo tại cổ. Chi tiết đó, kết hợp cùng với màu da của gã khiến tôi nghĩ gã là người Nam Âu. Vừa thấy thi thể là thanh tra Hill nhận ra ngay. Gã là Pietro Venucci, từ Naples, và là một trong những tên sát nhân khét tiếng nhất London. Gã dính líu tới mafia. Như ông biết, đấy là một tổ chức chính trị ngầm, sẵn sàng giết những ai không tuân theo luật lệ của chúng. Giờ thì ông thấy vụ việc bắt đầu sáng tỏ thế nào rồi đấy. Hung thủ chắc cũng là người Ý và thuộc mafia. Có lẽ hắn đã vi phạm luật lệ của tổ chức. Pietro được giao nhiệm vụ truy tìm hắn. Có lẽ bức hình trong túi gã chụp là kẻ gã truy đuổi, để gã không đâm lầm người. Gã bám sát kẻ kia, thấy hắn vào một căn nhà, đứng ngoài chờ rồi trong lúc ẩu đả đã lĩnh vết thương trí mạng, ông thấy sao, ông Sherlock Holmes?"

Holmes vỗ tay tán thưởng.

"Xuất sắc, Lestrade, xuất sắc!" Anh tán thưởng. "Nhưng hình như ông chưa giải thích gì về chuyện đập tượng."

"Lại tượng! Ông chẳng chịu tống mấy cái tượng ấy ra khỏi đầu gì cả. Nói cho cùng thì chuyện đó có gì đâu. Tội ăn cắp vặt chỉ bị tù sáu tháng là cùng. Cái chúng tôi đang tập trung điều tra là vụ án mạng, và tôi cho ông biết là tôi đã có mọi đầu mối trong tay."

"Vậy ông định làm gì tiếp đây?"

"Rất đơn giản. Tôi cùng Hill xuống khu người Ý, tìm người trong hình rồi bắt hắn vì tội giết người, ông đi với chúng tôi chứ?"

"Tôi nghĩ là không. Tôi cho rằng chúng tôi có thể phá xong vụ án theo cách đơn giản hơn. Tôi không dám nói chắc vì tất cả đều tùy thuộc... ở, vào một nhân tố hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Nhưng tôi rất tin tưởng - nói đúng hơn, tôi dám cá hai ăn một rằng nếu tối nay ông đi với chúng tôi, tôi có thể giúp ông tống hắn vào tù."

"Tới khu người Ý?"

"Không. Tôi nghĩ chúng ta dễ tìm ra hắn ở Chiswick hơn. Lestrade này, nếu tối nay ông đi với tôi đến Chiswick, tôi hứa mai sẽ cùng ông tới khu người Ý, mà chậm trễ một vài tiếng cũng đâu có sao. Còn giờ chúng ta nên nghỉ ngơi vài tiếng, vì tôi không định đi trước 11 giờ và ắt sẽ không về trước trời sáng. Lestrade, ông sẽ ăn tối với chúng tôi, rồi mời ông cứ tự nhiên nằm ở trường kỉ đến lúc ta phải xuất phát. Watson này, trong lúc ấy, tôi sẽ rất vui nếu anh gọi người đưa tin hỏa tốc tới vì tôi có một lá thư cần gửi ngay."

Cả buổi chiều, Holmes lục lọi mấy tập nhật báo cũ xếp chật ních trong buồng để đồ linh tinh. Cuối cùng khi anh từ đó đi xuống, mắt anh sáng lên vẻ đắc thắng, nhưng lại không nói với hai chúng tôi về kết quả tìm kiếm. Về phần mình, tôi đã theo dõi từng phương pháp anh dùng để lần dò các tình tiết lắt léo trong vụ án phức tạp này, nên dù chưa hình dung ra cái đích chúng tôi sẽ đến, tôi vẫn hiểu rõ Holmes đang chờ gã thủ phạm kì quái của mình tấn công hai tượng còn lại. Theo như tôi nhớ thì một bức ở Chiswick. Rõ ràng mục tiêu của chúng tôi là bắt quả tang hắn tại trận, nên tôi không thể không thán phục cái khôn khéo của bạn mình khi chèn một manh mối sai lệch vào tờ báo chiều, để gã kia tưởng rằng hắn có thể tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt. Tôi không ngạc nhiên khi Holmes khuyên tôi đem súng theo. Bản thân anh cũng mang theo cây súng săn ưa thích đã nạp đạn.

11 giờ, cỗ xe ngựa bốn bánh đợi ở cửa, rồi đưa chúng tôi đến một điểm bên kia cầu Hammersmith. Người xà ích được dặn chờ ở đây. Đi bộ một quãng ngắn, chúng tôi đã tới con đường hẻo lánh, hai bên là những ngôi nhà đẹp đẽ có khuôn viên riêng. Dưới ánh đèn đường, chúng tôi đọc thấy Biệt thự Laburnum trên một cột cổng. Rõ ràng người ở trong nhà đã ngủ cả, vì bốn bề tối om, trừ một ô bán nguyệt trên cửa bên sảnh hắt vòng sáng lờ mờ duy nhất lên lối đi ngoài vườn. Hàng rào gỗ tách cơ ngơi với đường bên ngoài đổ bóng đen kịt xuống vườn, và đấy là chỗ chúng tôi nấp.

"Tôi e ta phải chờ lâu đấy", Holmes thì thầm, "ơn trời là không mưa. Tôi nghĩ ta còn chẳng dám liều hút thuốc giết thời gian nữa. Song, cá hai ăn một là chúng ta sẽ có được gì đó để bù đắp cho khó nhọc của mình."

Nhưng hóa ra, chúng tôi không phải chong mắt đợi lâu như Holmes dọa. Cuộc rình đợi chấm dứt rất đột ngột và lạ lùng. Trong tích tắc, không một tiếng động nào báo trước rằng hắn đến, cổng vườn mở toang rồi một bóng đen uyển chuyển, nhanh nhẹn và lanh lợi như khỉ chạy vội theo lối đi trong vườn. Chúng tôi thấy hắn vụt qua ánh đèn trên cửa hắt xuống rồi lẩn vào bóng đen do ngôi nhà đổ xuống. Suốt một lúc lâu chúng tôi nín thở chờ đợi, nhưng không nghe thấy động tĩnh gì, rồi một tiếng cót két khẽ khàng vẳng tới. Cửa sổ đang mở. Tiếng động dừng, rồi không gian lại chìm trong im lặng. Hắn đã vào nhà. Chúng tôi chợt thấy ánh đèn bão lóe sáng trong phòng. Rõ ràng cái hắn tìm không có ở đó, vì chúng tôi lại thấy ánh sáng lóe lên qua một rèm cửa khác, rồi một rèm cửa nữa.

"Ta đến chỗ cửa sổ mở đi. Đợi hắn trèo ra là ta thộp cổ hắn luôn," Lestrade thì thầm.

Nhưng chúng tôi còn chưa nhúc nhích, kẻ kia đã ló ra. Khi hắn bước ra giữa vùng sáng lờ mờ, chúng tôi thấy hắn đang cắp cái gì trăng trắng dưới nách. Hắn láo liên nhìn quanh. Đường phố vắng lặng làm hắn yên lòng. Lưng xoay về phía chúng tôi, hắn để vật nặng xuống rồi loáng sau, một tiếng choang vang lên, tiếp theo là tiếng lanh canh loảng xoảng. Người đó chú tâm vào việc mình làm đến độ không nghe thấy tiếng chúng tôi bước rón rén qua bãi cỏ. Holmes phóng một cái như hổ, chồm lên lưng hắn, rồi nháy mắt sau Lestrade và tôi đã ở hai bên tóm hai cổ tay hắn và khóa còng lại. Khi chúng tôi xoay hắn lại, tôi thấy một bộ mặt gớm ghiếc, bủng beo, nét mặt giận dữ, uất hận trừng trừng nhìn chúng tôi, nên tôi biết đây chính là người đàn ông trong tấm hình.

Nhưng Holmes không để tâm tới tên tội phạm. Ngồi xổm xuống trước cửa, anh bắt đầu tỉ mẩn kiểm tra thứ kẻ kia mang từ nhà ra. Đó là tượng bán thân Napoléon giống pho chúng tôi thấy hồi ban sáng, và cũng bị đập vỡ tan tành. Holmes cẩn thận cầm từng mảnh giơ ra trước ánh đèn, nhưng chúng cũng chẳng khác gì những mảnh thạch cao của pho tượng trước. Anh vừa kiểm tra xong, đèn trong tiền sảnh vụt sáng, cửa mở và chủ nhà, một người tròn trịa, hoạt bát mặc sơmi với quần dài, xuất hiện.

"Ông là ông Josiah Brown?" Holmes hỏi.

"Phải, thưa ông. Còn ông chắc là ông Sherlock Holmes? Tôi nhận được thư khẩn của ông nên đã làm đúng như ông dặn. Chúng tôi khóa hết cửa bên trong rồi chờ xem diễn biến. À, tôi rất mừng vì ông đã tóm được tên lưu manh. Các vị, tôi mong các vị vào nhà dùng chút gì đã."

Tuy nhiên, Lestrade nóng lòng đưa phạm nhân đến nơi giam giữ, nên ít phút sau chúng tôi gọi xe và cả bốn lên đường về lại London. Kẻ bị bắt chẳng chịu hé răng, nhưng dưới mái tóc bù xù, mắt hắn trừng trừng nhìn chúng tôi và có lần, khi bàn tay tôi có vẻ trong tầm tay hắn, hắn chộp lấy như con sói đói. Chúng tôi nán lại tại Sở Cảnh sát một lúc, đợi họ xét người tên tội phạm xong. Nhưng trên người hắn chẳng có gì ngoài vài đồng shilling và một con dao xếp dài, cán dao dính rất nhiều vết máu còn mới.

"Ổn cả thôi", Lestrade nói khi chúng tôi ra về. "Hill biết rõ hạng người này, nên anh ta sẽ cố cách tìm ra danh tính của hắn. Các ông sẽ thấy giả thiết mafia của tôi là đúng. Nhưng tôi vô cùng biết ơn ông, ông Holmes, vì cách thức chuyên nghiệp ông thực hiện để tóm hắn. Tôi vẫn chưa rõ chuyện đó cho lắm."

"Muộn thế này không hợp để giải thích", Holmes nói. "Vả lại, tôi vẫn chưa hoàn thành một vài việc, mà đây lại là một trong những vụ đáng làm đến cùng. 6 giờ chiều mai nếu ông ghé lại chỗ tôi, tôi có thể cho ông thấy rằng đến tận phút này ông vẫn chưa hiểu hết vụ này đâu, vì nó bộc lộ một số nét cực kì độc đáo. Watson, nếu có bao giờ tôi cho phép anh ghi lại thêm mấy vụ án nho nhỏ của tôi, tôi thấy trước rằng anh sẽ viết một câu chuyện sống động về vụ Sáu pho tượng Napoléon kì lạ này."

***

Chiều hôm sau gặp lại, Lestrade có thêm nhiều thông tin liên quan đến tên phạm nhân nọ. Tên hắn là Beppo, còn họ thì không rõ. Hắn có tiếng lười biếng và vô lại ở khu người Ý. Hắn từng là thợ làm tượng lành nghề và sống lương thiện, nhưng rồi bị nhiễm thói hư tật xấu và đã hai lần vào tù ra tội - một lần vì ăn cắp vặt và một lần, như chúng tôi đã được nghe, vì hành hung đồng hương. Hắn nói tiếng Anh khá sõi. Lí do hắn đập tượng đến nay vẫn còn là ẩn số và hắn không chịu hé răng nửa lời về vấn đề này. Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện ra rất có thể chính hắn đã làm mấy pho tượng ấy, vì hồi còn làm ở Công ty Gelder, hắn là thợ làm tượng.

Holmes lịch sự chăm chú lắng nghe toàn bộ thông tin mà chúng tôi đã biết phần nhiều; nhưng vì hiểu anh quá rõ, tôi có thể thấy ngay ý nghĩ anh đang ở nơi khác, tôi còn nhận thấy nỗi bồn chồn xen lẫn chờ đợi bên dưới tấm mặt nạ anh vẫn quen mang. Cuối cùng anh giật mình, mắt sáng lên. Có tiếng chuông cửa. Phút sau chúng tôi nghe có tiếng chân bước trên cầu thang, rồi một người đàn ông lớn tuổi mặt đỏ au, râu quai nón đã điểm hoa râm được dẫn vào. Ông ta xách một túi hành lí kiểu cũ ở tay phải, rồi đặt nó trên bàn.

"Ông Sherlock Holmes có ở đây không?"

Bạn tôi khẽ cúi chào và mỉm cười.

"Ông là ông Sandeford ở Reading?" Anh hỏi.

"Vâng, thưa ông, tôi rất xin lỗi vì đã tới hơi trễ, nhưng tàu chạy chậm quá. Ông biên thư cho tôi về một tượng bán thân tôi có."

"Đúng vậy"

"Tôi có cầm theo lá thư của ông đây. Ông viết: Tôi muốn có bản sao pho tượng Napoléon của Devine, và tôi sẵn lòng trả ông mười bảng cho pho tượng ông có. Có đúng vậy không?"

"Chắc chắn rồi."

"Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được thư của ông, vì tôi không hiểu nổi sao ông biết tôi sở hữu thứ ấy."

"Ông ngạc nhiên cũng phải thôi, nhưng lời giải thích lại rất ư đơn giản: Ông Harding ở Harding Brothers nói đã bán cho ông pho tượng cuối cùng và cho tôi địa chỉ của ông."

"Ồ, thế sao? Ông ấy có nói tôi mua nó với giá cả thế nào không?"

"Không, ông ấy không nói."

"Vâng, tôi không giàu có lắm nhưng là người lương thiện. Tôi mua chỉ với giá mười lăm shilling, và ông nên biết điều đó trước khi tôi nhận mười bảng của ông."

"Tôi kính trọng ông vì sự áy náy này, ông Sandeford. Nhưng tôi đã nêu giá nên tôi vẫn trả theo mức đó."

"Vâng, ông tử tế quá, ông Holmes. Tôi đã mang pho tượng như ông yêu cầu. Nó đây!" Ông ta mở túi xách và thế là cuối cùng, chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng mẫu nguyên vẹn của bức tượng mà chúng tôi đã hơn một lần thấy các mảnh vụn.

Holmes lấy trong túi ra một tờ giấy và để mười bảng lên bàn.

"Ông Sandeford, xin ông vui lòng kí tên trước mặt mấy người làm chứng đây. Biên bản này viết rằng ông đã chuyển mọi quyền ông có thể có với pho tượng sang cho tôi. Xin ông hiểu cho, tôi là người kĩ tính mà ta không bao giờ biết sau này tình hình có thể xoay chuyển thế nào. Cảm ơn ông, ông Sandeford, tiền của ông đây và tôi xin chúc ông một buổi tối tốt lành."

Khi người khách của chúng tôi đi khuất, một loạt các động tác của Sherlock Holmes khiến chúng tôi phải dán mắt theo dõi. Đầu tiên anh lấy một tấm vải trắng sạch trong ngăn kéo và trải lên bàn. Đoạn, anh đặt pho tượng vừa mua vào giữa. Cuối cùng, anh cầm khẩu súng săn và phang một cú thật mạnh vào đỉnh tượng Napoléon. Pho tượng vỡ tan và Holmes hăm hở khom mình bên mấy mảnh vỡ tan tác. Nháy mắt sau, anh đã kêu một tiếng đắc thắng, cầm lên một mảnh vỡ bên trong dính một vật đen tròn như quả mận trong chiếc bánh pudding.

"Quý vị", anh kêu lên, "cho phép tôi giới thiệu viên ngọc trai đen lừng danh của dòng họ Borgia."

Trong chốc lát, Lestrade và tôi ngồi lặng đi, rồi bởi một thôi thúc bất chợt, cả hai bật dậy vỗ tay như trước cao trào một vở kịch được dàn dựng tài tình. Đôi gò má xanh xao của Holmes chợt ửng hồng, rồi anh khẽ cúi chào như một nhà soạn kịch bậc thầy đón nhận sự kính trọng của khán giả. Chính những lúc như vậy, anh không còn là cái máy suy luận, mà giống một con người thích được ngưỡng mộ và tán thưởng. Con người kiêu hãnh nhưng dè dặt lạ kì, vẫn thường khinh khi ngoảnh mặt quay lưng với tiếng tăm ấy cũng biết xúc động vì sự thán phục và khen ngợi chân thành từ bạn bè.

"Đúng thế, quý vị", anh nói, "đây là viên ngọc trai nổi tiếng nhất hiện tồn tại trên thế giới, và nhờ một chuỗi suy luận chặt chẽ, tôi đã lần theo dấu vết của nó từ phòng ngủ của ông hoàng xứ Colonna tại khách sạn Dacre, nơi nó bị đánh cắp, đến ruột pho tượng Napoléon cuối cùng trong loạt sáu tượng do Công ty Gelder ở Stepney sản xuất. Lestrade, ông sẽ nhớ lại dư luận đã xôn xao thế nào khi bảo vật vô giá này biến mất và cảnh sát London đã truy tìm nhưng chẳng thu được kết quả gì. Các vị đã tham khảo ý kiến của tôi, nhưng tôi cũng không giúp được gì. Nghi ngờ dồn lên cô hầu gái người Ý của bà hoàng. Hóa ra, cô ta có một người anh ở London, nhưng lúc trước chúng ta không dò ra mối liên hệ giữa họ. Tên cô hầu là Lucretia Venucci, nên tôi đoán nạn nhân Pietro bị giết hồi hai đêm trước là anh cô ả. Tôi tìm ngày tháng trong mấy tập báo cũ có bài liên quan tới vụ việc đó và thấy rằng viên ngọc trai biến mất đúng hai ngày trước khi Beppo bị bắt vì tội hành hung, vào thời điểm Công ty Gelder đang làm lô tượng kia. Giờ các anh đã thấy rõ trình tự vụ việc, dù dĩ nhiên theo hướng ngược lại cách chúng bày ra trước mắt tôi. Beppo có được viên ngọc trai. Hắn có thể đánh cắp từ chỗ Pietro hoặc là đồng phạm với gã kia, hoặc cũng có thể là người trung gian giữa Pietro và em gái. Nhưng dù hắn đóng vai trò gì cũng đều không quan trọng. Quan trọng là hắn đã có viên ngọc trai, và đúng lúc đang giữ nó trong người, hắn lại bị cảnh sát truy bắt. Hắn chạy về công ty, biết mình chỉ có mấy phút để giấu của trời cho quý giá vô ngần này, nếu không cảnh sát sẽ tìm thấy nó trên người hắn khi khám xét. Sáu tượng thạch cao Napoléon đang phơi ngoài hành lang. Một trong đó còn mềm. Trong tích tắc, Beppo, một công nhân lành nghề, khoét một lỗ nhỏ trong thạch cao ướt, nhét viên ngọc trai vào và miết vài cái để che lại. Đó là một nơi cất giấu tuyệt vời mà không ai ngờ được. Nhưng Beppo bị tù một năm và trong thời gian đó, sáu pho tượng tản mát khắp London. Hắn không biết tượng nào chứa báu vật của mình. Hắn chỉ còn cách đập ra. Có lắc hắn cũng không biết, vì khi thạch cao ẩm thì có lẽ viên ngọc trai đã dính vào - quả đúng là vậy. Beppo không nản chí, nên hắn kiên trì tìm kiếm. Qua một người em họ làm cho Gelder, hắn biết các cửa hàng bán lẻ đã mua mấy pho tượng. Hắn xoay xở tìm việc làm ở chỗ Morse Hudson, bằng cách ấy dò ra được chủ nhân hiện tại của ba pho tượng. Viên ngọc trai không có ở đó. Thế rồi, được một nhân công Ý nào đó giúp, hắn biết ba tượng còn lại đi đâu. Tượng thứ nhất tại nhà Harker. Hắn bị đồng bọn đón lỏng tại đó. Kẻ này cho rằng Beppo có trách nhiệm trong chuyện viên ngọc trai biến mất, hai kẻ ẩu đả và Beppo đã giết chết người kia."

"Nếu nạn nhân là đồng bọn của hắn, vậy tại sao gã lại cầm theo tấm hình?" Tôi hỏi.

"Như một phương tiện giúp gã hỏi dò về Beppo. Hiển nhiên là vậy. Sau vụ án mạng, tôi đoán có lẽ Beppo sẽ không trì hoãn, mà sẽ nhanh chóng hành động tiếp. Hắn sợ cảnh sát đoán ra bí mật của mình nên phải nhanh chân hơn trước khi họ bắt kịp. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết chắc hắn chưa tìm thấy viên ngọc trai trong tượng của Harker. Thậm chí tôi cũng chưa kết luận được chắc chắn hắn đang tìm viên ngọc trai; nhưng tôi thấy rõ hắn đang tìm gì đó, vì hắn đem pho tượng đi qua mấy nhà kia để đập trong khu vườn có ánh đèn chiếu tới. Vì tượng của Harker là một trong ba tượng của cửa hàng Harding Brothers, nên khả năng hai ăn một là viên ngọc trai nằm trong đó. Còn lại hai tượng, nên đương nhiên hắn sẽ đi tìm bức ở London trước. Tôi dặn trước người trong nhà để tránh thảm kịch thứ hai, rồi chúng ta tới đón lõng và cuối cùng bắt được tay Beppo kia. Tất nhiên đến lúc đó, tôi đã biết chắc ta đang theo đuổi viên ngọc trai Borgia. Tên tuổi nạn nhân đã nối sự kiện này với sự kiện kia. Vậy là chỉ còn lại một tượng duy nhất - tượng ở Reading - nên viên ngọc trai phải ở trong đó. Tôi mua lại nó từ chỗ chủ nhân khi có mặt các anh - và thế là nó nằm đây."

Chúng tôi ngồi im một lát.

"Thôi được", Lestrade nói, "tôi thấy ông giải quyết nhiều vụ rồi, ông Holmes, nhưng tôi chưa thấy vụ nào chuyên nghiệp hơn. Ở Sở Cảnh sát London, chúng tôi không ganh tị với ông. Không, thưa ông, chúng tôi rất tự hào về ông, và nếu mai ông đến, hẳn từ thanh tra già nhất đến viên cảnh sát trẻ nhất, tất cả đều sung sướng được bắt tay ông."

"Cảm ơn ông!" Holmes nói. "Cảm ơn!"

Khi anh quay đi, tôi thấy dường như anh suýt khóc trước tình cảm của người khác dành cho mình. Tích tắc sau, anh lại trở về là con người suy nghĩ lạnh lùng thực tế. "Cất viên ngọc trai vào két sắt đi, Watson", anh nói, "rồi lấy mấy tờ báo về vụ giả mạo Conk Singleton ra. Tạm biệt, Lestrade. Nếu ông có gặp rắc rối nho nhỏ nào, tôi sẽ sẵn lòng cho ông một đôi manh mối để giải đáp nếu có thể."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro