KÍNH KẸP MŨI GỌNG VÀNG(The Golden Pince-Nez, 1904)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi nhìn ba tập bản thảo đồ sộ lưu trữ công việc của chúng tôi trong năm 1894 thì thú thật là từ một tư liệu dồi dào như vậy, tôi thấy rất khó lòng chọn ra những vụ đáng chú ý nhất nhưng đồng thời cũng có thể phô bày rõ ràng nhất những khả năng đặc biệt phi thường của bạn tôi. Khi lật xem tôi thấy trong đó có ghi chép câu chuyện gớm ghiếc về con đỉa màu đỏ và cái chết thảm khốc của chủ nhà băng Crosby. Ngoài ra tôi còn tìm thấy bài tường thuật về thảm kịch Addleton và những thứ kì quái trong nấm mồ Anh cổ. Vụ thừa kế Smith Mortimer nổi tiếng xảy ra trong giai đoạn này, và việc lùng bắt Huret, kẻ giết người ở Boulevard - một kì tích đem lại cho Holmes lá thư cảm ơn do chính tổng thống Pháp chấp bút và một tấm huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Mỗi vụ trong đây đều có thể trở thành nguồn cảm hứng cho một câu chuyện, nhưng nhìn chung tôi nghĩ không có vụ nào tập hợp được nhiều điểm đặc biệt đáng chú ý như vụ án xảy ra tại biệt trang Yoxley, trong đó không chỉ có cái chết thương tâm của anh chàng Willoughby Smith trẻ tuổi, mà những diễn biến tiếp theo còn hắt một ánh sáng kì lạ lên các nguyên nhân phạm tội.

Đó là một đêm mưa gió bão bùng cuối tháng 11. Cả buổi tối Holmes và tôi ngồi lặng lẽ bên nhau, anh dùng một chiếc kính lúp có độ phóng đại cực cao say sưa giải mã phần còn lại của bản viết gốc trên một tấm da cừu đã cạo, còn tôi thì miệt mài bên một khảo luận mới về giải phẫu. Bên ngoài, gió hú xuôi phố Baker, mưa quất dữ dội vào cửa sổ. Thật kì lạ, ngay giữa lòng thành phố, hai bên là các công trình do bàn tay con người làm ra kéo dài suốt mười dặm, vậy mà ta vẫn cảm thấy sự kiềm tỏa mạnh mẽ của thiên nhiên và ý thức được rằng trước những lực lượng tự nhiên to lớn thì cả London không hơn gì mấy ụ đất chuột chũi đùn lên lỗ chỗ ngoài đồng. Tôi bước tới cửa sổ, nhìn ra con đường không một bóng người. Thỉnh thoảng, một ngọn đèn lấp lóa chiếu xuống khoảng đường lầy lội và vỉa hè loang loáng. Một cỗ xe ngựa đơn độc vừa chạy vừa làm nước bắn tóe lên từ đầu phố Oxford.

"Watson này, thật may là tối nay ta không phải ra ngoài", Holmes nói, đặt kính lúp qua một bên rồi cuộn tờ giấy da lại. "Nghiên cứu chừng đó là đủ rồi. Việc này mỏi mắt lắm. Theo những gì tôi đọc ra được thì nó chỉ rặt những câu chuyện của một tu viện có từ nửa sau thế kỉ mười lăm. Ồ! Gì thế kia?"

Giữa tiếng gió gào thét, có tiếng vó ngựa nện và tiếng bánh xe nghiến lạo xạo bên lề đường. Cỗ xe ngựa mà tôi vừa nhìn thấy đỗ lại bên cửa nhà chúng tôi.

"Anh ta cần gì nhỉ?" Tôi thốt lên khi một người đàn ông từ trong xe bước ra.

"Cần gì à? Anh ta cần chúng ta. Còn ta, Watson tội nghiệp của tôi ơi, ta cần áo khoác, cà vạt và ủng cao su, cùng mọi phương tiện trợ giúp mà con người từng phát minh ra để chống chọi cái thời tiết này. Nhưng chờ chút đã! Xe lại đi rồi! Vẫn còn hi vọng. Nếu muốn ta đi cùng thì đáng ra anh ta phải giữ xe lại chứ! Chạy xuống mở cửa đi anh bạn, vì những người đoan chính đã đi ngủ từ lâu rồi."

Khi ánh đèn hành lang chiếu xuống người khách đến lúc nửa đêm của chúng tôi thì tôi dễ dàng nhận ra anh ta. Đó là anh chàng Stanley Hopkins, một thanh tra đầy triển vọng mà Holmes đã vài lần tỏ mối quan tâm rất thiết thực đến sự nghiệp của anh ta.

"Anh ta vào chưa?" Anh hỏi với vẻ hăm hở. "Lên đây, anh bạn", giọng Holmes vọng xuống từ bên trên. "Tôi hi vọng anh không có mưu đồ ám hại chúng tôi vào một đêm thế này."

Tay thanh tra lên cầu thang, và ngọn đèn trong phòng chúng tôi lấp lánh chiếu lên chiếc áo mưa loang loáng của anh ta. Tôi giúp anh ta cởi áo mưa trong khi Holmes khơi lửa từ mấy khúc gỗ trong lò sưởi.

"Nào, Hopkins thân mến, lại gần đây hơ ngón chân đi", anh nói. "Xì gà đây, và bác sĩ đây có một phương thuốc gồm nước nóng và chanh, rất tốt cho một đêm như đêm nay. Hẳn có chuyện quan trọng anh mới phải ra đường lúc giông bão thế này?

"Đúng vậy, ông Holmes. Tôi cam đoan với ông là tôi đã tất bật cả buổi chiều, ông đã xem gì về vụ Yoxley trong mấy số báo mới nhất chưa?"

"Hôm nay tôi chẳng xem gì từ sau thế kỉ mười lăm cả."

"Ôi dào, chỉ có một đoạn thôi, mà lại còn sai bét nữa, vậy nên ông chưa bỏ lỡ gì đâu. Tôi không để nước tới chân mới nhảy. Chuyện xảy ra ở dưới Kent, cách Chatham bảy dặm và cách tuyến đường xe lửa ba dặm. Tôi nhận được điện lúc 3 giờ 15, tới biệt trang Yoxley lúc 5 giờ, chỉ đạo điều tra, đón chuyến tàu cuối về Charing Cross rồi bắt xe ngựa tới thẳng chỗ ông."

"Vậy nghĩa là anh vẫn chưa rõ lắm vụ của mình?"

"Nghĩa là tôi chưa hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Đến lúc này, nó vẫn rối rắm chẳng kém vụ nào tôi từng xử lí, vậy mà thoạt tiên nó có vẻ đơn giản đến nỗi không thể sai vào đâu được. Không có động cơ, ông Holmes. Đó là điều khiến tôi băn khoăn - tôi chưa mò ra động cơ. Có một người chết - không thể phủ nhận điều đó - nhưng, theo như tôi thấy, chẳng có lí do quái gì để ai đó muốn hại anh ta."

Holmes châm điếu thuốc rồi ngả người ra ghế dựa. "Kể chúng tôi nghe đi", anh nói.

"Tôi đã nắm khá rõ các tình tiết", Stanley Hopkins nói. "Giờ tôi chỉ muốn biết tất cả những tình tiết ấy nghĩa là sao thôi. Theo như tôi hiểu thì câu chuyện là thế này. Vài năm trước, biệt trang Yoxley được một người đàn ông lớn tuổi thuê, xưng là giáo sư Coram. Ông ta bị bệnh, nằm liệt giường hết nửa thời gian, nửa còn lại thì chống gậy tập tễnh quanh nhà hay ngồi xe lăn cho người làm vườn đẩy quanh khuôn viên. Ông ta được vài người hàng xóm quý mến và thường tới thăm; trong vùng, ông ta có tiếng là rất uyên bác. Hồi trước, trong nhà ông ta chỉ có một bà quản gia lớn tuổi, bà Marker, và một cô hầu, Susan Tarlton. Cả hai người này ở cùng ông ta từ khi ông ta tới, và họ dường như là những người phụ nữ có nhân cách tuyệt vời. Giáo sư đang viết một cuốn sách uyên thâm nên khoảng một năm trước ông ta thấy cần phải thuê một thư kí. Hai người đầu đến thử việc đều không đạt, nhưng người thứ ba, Willoughby Smith, một thanh niên trẻ măng mới tốt nghiệp đại học, có vẻ đúng là người mà ông chủ cần. Công việc của anh ta là chép lại những gì giáo sư đọc cả buổi sáng, rồi buổi chiều thì thường tra cứu các tài liệu tham khảo và văn bản có liên quan đến công việc của ngày hôm sau. Anh chàng Willoughby Smith này không bị ai thù ghét, dù là với tư cách nam sinh ở Uppingham hay một thanh niên tại Cambridge. Tôi đã xem giấy tờ chứng nhận của anh ta, và anh ta vẫn luôn là người đàng hoàng, trầm lặng, làm việc chăm chỉ, không hề có khuyết điểm. Ấy vậy mà chính chàng trai này đã phải đón nhận cái chết vào sáng nay tại thư phòng của giáo sư, mà hoàn cảnh cho thấy đây chỉ có thể là một vụ giết người."

Gió gào thét bên ngoài cửa sổ. Holmes và tôi dịch lại gần lò sưởi hơn trong khi viên thanh tra trẻ thong thả thuật lại từng điểm một trong câu chuyện lạ lùng này.

"Dù ông có tìm kiếm khắp nước Anh", anh ta nói, "tôi chắc ông cũng không thể tìm đâu ra một gia đình khép kín hay biệt lập với ảnh hưởng từ bên ngoài hơn. Hàng tuần liền trôi qua cũng không ai đi đâu quá cổng vườn. Giáo sư vùi đầu trong công việc và không tồn tại vì thứ gì khác nữa. Anh chàng Smith không quen ai trong lối xóm, và sống rất giống với ông chủ. Hai người đàn bà chẳng có việc gì phải ra khỏi nhà. Mortimer, người làm vườn và đẩy xe lăn, là quân nhân về hưu - một ông lão người xứ Crimea có tính cách tuyệt vời. Ông ta không sống trong tòa nhà chính, mà ở trong túp nhà nhỏ có ba phòng ở đầu kia khu vườn. Trong khuôn viên biệt trang Yoxley ta chỉ có thể bắt gặp từng ấy con người. Còn cổng vườn cách đường chính từ London đi Chatham một trăm yard. Cổng chỉ cài then, và ai vào cũng không có gì ngăn trở.

Giờ tôi sẽ cung cấp cho ông lời khai của Susan Tarlton, người duy nhất nói được điều gì đó xác thực về vụ việc này. Lúc đó là gần trưa, trong khoảng thời gian từ 11 đến 12 giờ, cô ta đang bận treo mấy tấm rèm ở phòng ngủ phía trước trên lầu. Giáo sư Coram vẫn còn ngủ, vì khi tiết trời xấu hiếm khi ông ta dậy trước buổi trưa. Bà quản gia bận bịu gì đó ở nhà sau. Willoughby Smith thì ở trong phòng ngủ mà anh ta dùng làm phòng khách, nhưng lúc đó cô hầu nghe thấy anh ta đi dọc hành lang rồi xuống thư phòng ngay dưới phòng cô. Cô không thấy anh ta, nhưng nói rằng cô không thể nhầm tiếng bước chân nhanh nhẹn, chắc nịch của anh ta. Cô không nghe thấy cửa thư phòng khép lại, và khoảng một phút sau thì có tiếng thét hãi hùng trong căn phòng bên dưới. Đó là tiếng thét dữ dội, khản đặc, kì lạ và quái dị đến nỗi nó có thể là của đàn ông hoặc đàn bà. Cũng đúng lúc ấy có một tiếng thịch nặng nề làm rung chuyển ngôi nhà cũ, thế rồi bốn bề im lặng. Cô hầu đứng chết trân một lát, và rồi, lấy lại can đảm, cô chạy xuống lầu. Cửa thư phòng khép nên cô mở ra. Bên trong, chàng trai trẻ Willoughby Smith nằm sóng soài trên sàn. Mới đầu cô không thấy thương tích, nhưng khi cố nâng anh ta lên thì cô thấy máu từ bên dưới cổ trào ra. Ở đó có một vết thương rất mảnh nhưng rất sâu, đã cắt đứt động mạch chủ. Công cụ gây thương tích nằm trên thảm cạnh anh ta. Đó là con dao nhỏ để cạy sáp niêm phong thư thường thấy trên các bàn viết thời xưa, có cán ngà và lưỡi dao cứng. Nó là một trong những vật dụng trên bàn của giáo sư. Mới đầu cô hầu tưởng anh chàng Smith đã chết, nhưng khi rưới chút nước trong bình lên trán anh ta thì anh ta mở mắt trong giây lát. 'Giáo sư,' anh ta thều thào, 'là bà ta'. Cô hầu sẵn sàng cam đoan đúng là mấy chữ ấy. Anh ta cố hết sức nói gì đó nữa, và đưa bàn tay phải lên. Rồi anh ta vật ra chết.

Trong lúc đó thì bà quản gia cũng đã tới hiện trường, nhưng bà ta tới quá muộn, không kịp nghe mấy lời trăng trối của chàng trai. Bỏ Susan lại với cái xác, bà ta tất tả tới phòng giáo sư. Ông ta đang ngồi trên giường, cực kì lo lắng, vì chỉ nghe ngóng ông ta cũng đủ biết chắc rằng đã có chuyện gì khủng khiếp xảy ra. Bà Marker sẵn sàng cam đoan là giáo sư vẫn còn mặc đồ ngủ, và, quả thực, ông ta không thể thay đồ mà không có Mortimer giúp, mà ông này thì được lệnh đến lúc 12 giờ. Giáo sư khai rằng ông ta nghe thấy tiếng hét phía xa xa nhưng không biết gì thêm, ông ta không giải thích được lời trăng trối của chàng trai: 'Giáo sư - là bà ta,' nhưng nghĩ đó là hậu quả của cơn mê sảng, ông ta tin rằng Willoughby Smith không có kẻ thù nào trên đời, nhưng cũng không đưa ra được lý do dẫn đến vụ án mạng. Phản ứng đầu tiên của ông ta là cử bác làm vườn Mortimer đi mời cảnh sát sở tại. Lát sau thì cảnh sát trưởng cho tìm tôi. Trước khi tôi tới nơi không có gì bị xê dịch, và đã có lệnh nghiêm ngặt cấm bất kì ai được lên các lối đi dẫn vào nhà. Đây là một dịp tuyệt vời để áp dụng lí thuyết của ông vào thực hành, ông Sherlock Holmes. Thực sự không còn thiếu gì nữa."

"Trừ ông Sherlock Holmes", bạn tôi nói, cười có chút chua chát. "Nào, hãy kể chúng tôi nghe. Anh đã làm được những gì?"

"Trước tiên tôi phải yêu cầu ông, ông Holmes, xem qua sơ đồ phác này, nó sẽ cho ông biết chung chung về vị trí thư phòng của ông giáo sư và vài vị trí khác trong vụ án. Nó sẽ giúp ông theo dõi quá trình điều tra của tôi."

Anh ta mở tờ sơ đồ nháp mà tôi vẽ lại đây, rồi đặt lên đầu gối Holmes. Tôi đứng lên và tới đứng sau lưng Holmes, ngó qua vai anh để xem xét.

"Nó rất sơ sài, tất nhiên, và chỉ đề cập đến những điểm mà tôi thấy có vẻ chủ chốt. Mọi thứ còn lại ông sẽ tự xem sau. Giờ thì, trước hết, giả dụ hung thủ vào nhà, ông ta hay bà ta vào bằng cách nào? Rõ ràng là bằng lối vườn và cửa sau, từ đó có lối đi thẳng đến thư phòng. Bất cứ cách nào khác đều hết sức phức tạp. Tẩu thoát hẳn cũng phải thực hiện theo cách ấy, vì trong hai lối ra khỏi phòng còn lại thì một cái bị Susan chắn khi cô ta chạy xuống lầu, còn lối kia dẫn thẳng đến phòng ngủ của giáo sư. Do vậy, tôi lập tức quay sang chú ý đến lối đi ngoài vườn, nó ướt sũng vì trận mưa vừa rồi nên chắc chắn sẽ lưu lại dấu chân nếu có kẻ đi qua. Sau khi khám xét tôi thấy rằng mình đang đối đầu với một tên tội phạm cẩn trọng và lão luyện. Không tìm thấy dấu chân trên lối đi. Tuy vậy, chắc chắn có kẻ đã đi dọc bờ cỏ chạy men lối đi, và hắn làm vậy nhằm tránh để lại dấu chân. Tôi không tìm thấy bất cứ dấu in hằn rõ rệt nào, nhưng cỏ bị giẫm lên nên chắc chắn đã có người đi qua. Đó chỉ có thể là hung thủ, vì sáng hôm ấy người làm vườn hay ai khác đều không ở đó mà trời chỉ mới đổ mưa hồi đêm."

"Khoan", Holmes nói. "Lối đi này dẫn đến đâu?"

"Ra đường."

"Nó dài bao nhiêu?"

"Độ một trăm yard."

"Tại chỗ lối đi chạy qua cổng hẳn anh phải tìm được mấy dấu chân?"

"Rủi là lối đi ở chỗ đó lại lát đá."

"Thôi được, còn trên đường?"

"Không thấy, cả con đường đã bị biến thành vũng bùn."

"Chậc, chậc! Thôi được rồi, nếu vậy mấy dấu chân trên cỏ này là đến hay đi?"

"Chịu, không biết được. Không có hình dáng nào cả."

"Bàn chân nhỏ hay lớn?"

"Ta không phân biệt được."

Holmes thốt lên một tiếng sốt ruột.

"Từ lúc ấy đến giờ mưa vẫn như trút và cuồng phong vẫn ào ào thổi", anh nói. "Giờ thì sẽ còn khó tìm hiểu sự việc này hơn cả đọc tờ giấy da cạo đó nữa. Chà, chà, không ích gì rồi. Hopkins này, anh làm gì sau khi biết chắc rằng anh chưa biết chắc được gì cả?"

"Tôi nghĩ mình đã biết chắc được nhiều thứ, ông Holmes. Tôi biết có kẻ từ bên ngoài đã thận trọng vào nhà. Tiếp đến tôi kiểm tra hành lang. Ở đó có trải thảm xơ dừa và không in dấu vết nào cả. Hành lang này dẫn tôi vào chính thư phòng. Đó là một căn phòng bày biện sơ sài. Đồ đạc chính là một bàn viết rộng có kèm tủ. Tủ này gồm hai cột ngăn kéo, ở giữa là một khoang tủ cánh nhỏ. Mấy ngăn kéo mở, còn tủ cánh thì khóa. Hình như mấy ngăn kéo luôn mở, và trong đó không có gì quý giá. Có ít giấy tờ quan trọng trong tủ cánh, nhưng không có dấu hiệu bị lục lọi, và giáo sư cam đoan với tôi rằng không mất gì cả. Chắc chắn là không có hành vi trộm cắp nào. Rồi tôi đến chỗ xác chàng trai. Cái xác được tìm thấy gần tủ, ngay bên trái, như được đánh dấu trên sơ đồ. Nhát đâm ở bên phải cổ và từ đằng sau tới, nên gần như không thể là do nạn nhân tự gây thương tích."

"Trừ phi anh ta ngã trúng con dao", Holmes nói.

"Đúng. Tôi đã thoáng có ý này. Nhưng chúng tôi tìm thấy con dao cách cái xác vài foot, nên chuyện đó xem ra là không thể. Rồi còn cả những lời trăng trối của chính người này. Và, cuối cùng, còn một chứng cứ rất quan trọng mà người chết nắm chặt trong tay phải."

Stanley Hopkins rút trong túi ra một gói giấy nhỏ. Anh ta mở ra, để lộ một cái kính kẹp mũi gọng vàng có hai đầu dây lụa đen bị đứt lòng thòng. "Willoughby Smith có thị lực rất tốt", anh ta nói thêm. "Chắc chắn cái này được giật xuống từ trên mặt hay người của hung thủ."

Sherlock Holmes cầm lấy cái kính rồi xem xét với về cực kì chăm chú và thích thú. Anh đeo nó lên mũi, cố nhìn qua mà đọc, rồi đi lại cửa sổ và nhìn ra đường qua cặp kính, xem xét cực kì tỉ mỉ dưới ánh đèn sáng rỡ, cuối cùng, anh cười tủm tỉm, ngồi xuống bên bàn và viết vài dòng lên một tờ giấy rồi ném cho Stanley Hopkins.

"Tôi chỉ có thể giúp anh đến vậy thôi", anh nói. "Nó có thể hữu ích đôi chút."

Tay thanh tra kinh ngạc đọc to tờ giấy. Nội dung như sau:

"Truy nã, một phụ nữ có tác phong thanh lịch, ăn mặc lịch sự. Mũi dày khác thường, vị trí mắt sát hai bên sống mũi. Trán nhăn, vẻ mặt soi mói và có lẽ dáng gù. Có những dấu hiệu cho thấy trong mấy tháng vừa qua bà ta đã phải tìm đến tiệm bán mắt kính ít nhất hai lần. Vì mắt kính của bà ta rất nặng và những tiệm bán mắt kính không nhiều lắm nên truy tìm bà ta sẽ chẳng khó khăn gì."

Holmes mỉm cười trước vẻ sững sờ của Hopkins mà hẳn cũng phản chiếu trên nét mặt tôi.

"Các suy luận của tôi đơn giản thôi", anh nói. "Khó mà nêu ra nổi vật dụng nào cung cấp được phạm vi để suy luận tốt hơn là cặp kính mắt, nhất là một cặp kính rất khác thường như thế này. Tôi suy luận nó là của phụ nữ do nét thanh tú của nó, và tất nhiên, còn từ lời trăng trối của người đang hấp hối nữa. Còn về chuyện bà ta là một người tao nhã và ăn mặc lịch sự thì, như các anh nhận thấy, viền kính được làm bằng vàng ròng đẹp đẽ nên không thể tin nổi là ai mang kính như vậy lại lôi thôi, nhếch nhác ở những khía cạnh khác. Các anh sẽ thấy rằng hai cái kẹp quá rộng không vừa mũi mình, cho thấy mũi của quý bà đây rất bè. Kiểu mũi này thường ngắn và thô, nhưng có khá nhiều ngoại lệ nên tôi không dám võ đoán hay nhất định đưa điểm này vào bản mô tả. Mặt tôi hẹp, vậy mà tôi thấy không sao chỉnh cho mắt mình vào giữa, hay gần giữa, cặp kính này. Do vậy, mắt bà này nằm rất sát hai bên sống mũi. Watson, anh sẽ thấy là kính lõm và nặng khác thường. Một bà cả đời có thị lực kém như thế thì chắc chắn những đặc điểm thể chất khác cũng phải tương ứng, có thể thấy ở trán, mí mắt và dáng dấp."

"Phải", tôi nói, "tôi có thể theo kịp từng lập luận của anh. Song thú thật là tôi không thể hiểu sao anh biết được chuyện bà ta đến chỗ tiệm bán kính mắt hai lần."

Holmes cầm cặp kính trong tay.

"Anh sẽ thấy", anh nói, "rằng hai bên đệm mũi được viền những sợi bần mảnh để giảm sức ép lên mũi. Một trong hai cái đã bạc màu và mòn đi đôi chút, còn cái kia thì mới. Rõ ràng một cái đã rơi ra và được thay. Tôi xem xét thấy cái cũ hơn mới có không quá vài tháng. Chúng rất tương xứng với nhau, vì vậy tôi suy ra được rằng quý bà đây đã quay lại tiệm lần trước để thay cái thứ hai."

"Trời ơi, tuyệt vời quá!" Hopkins kêu lên, ngất ngây thán phục. "Ai ngờ được tôi đã có mọi chứng cứ trong tay mà lại không hề biết! Tuy nhiên, tôi cũng đã tính đi một vòng khắp các tiệm bán mắt kính ở London."

"Tất nhiên anh sẽ làm vậy. Trong khi đó thì anh còn gì để kể cho chúng tôi về vụ án nữa không?"

"Không còn gì nữa, ông Holmes. Tôi nghĩ rằng giờ ông đã biết nhiều như tôi rồi - có lẽ còn nhiều hơn. Chúng tôi đã tiến hành dò hỏi xem có ai thấy người lạ nào trên đường làng hay tại ga xe lửa không. Chúng tôi chưa nghe tin gì. Cái làm tôi thấy khó hiểu là trong vụ án này hoàn toàn không có mục đích gì. Không ai nghĩ ra được một động cơ nào cả."

"À! Điều đó thì tôi không đủ tư cách giúp anh rồi. Nhưng tôi nghĩ chắc anh muốn mai chúng tôi đến đó?"

"Nếu như vậy không phải là đòi hỏi gì nhiều quá, ông Holmes. Có chuyến tàu từ Charing Cross đi Chatham lúc 6 giờ sáng, rồi ta sẽ có mặt tại biệt trang Yoxley trong khoảng thời gian từ 8 đến 9 giờ."

"Vậy ta sẽ đi chuyến đó. Vụ án của anh có mấy điểm hết sức đáng chú ý nên tôi rất hứng thú được tìm hiểu. Thôi, đã gần 1 giờ rồi, ta nên ngủ vài tiếng. Tôi dám chắc anh tạm hài lòng với chiếc trường kỉ trước lò sưởi. Tôi sẽ thắp cây đèn cồn và cho anh một tách cà phê trước khi ta xuất phát."

Hôm sau cơn bão đã tan, nhưng sáng hôm ấy, khi chúng tôi khởi hành thì trời rét buốt. Chúng tôi thấy vầng mặt trời mùa đông lạnh lẽo nhô lên trên những đầm lầy ảm đạm của sông Thames và những khúc sông dài, buồn thảm mà tôi sẽ mãi liên tưởng tới cuộc truy đuổi tên thổ dân quần đảo Andaman vào những ngày đầu trong sự nghiệp của chúng tôi. Sau một hành trình dài và mệt nhọc, chúng tôi xuống một nhà ga nhỏ cách Chatham vài dặm. Trong khi con ngựa đang được đóng vào cỗ xe hai bánh tại một lữ quán trong vùng, chúng tôi tranh thủ ăn vội bữa điểm tâm, và thế là tất cả chúng tôi đã sẵn sàng cho công việc khi tới biệt trang Yoxley. Một cảnh sát đón chúng tôi tại cổng vườn.

"Sao rồi, Wilson, có gì mới không?"

"Không, thưa sếp, chẳng có gì cả."

"Không nghe ai báo có nhìn thấy người lạ nào à?"

"Không, thưa sếp. Dưới nhà ga họ chắc chắn là hôm qua không có người lạ nào đến hay đi."

"Anh đã cho dò hỏi tại các quán trọ và nhà nghỉ chưa?"

"Rồi, thưa sếp, không có ai mà ta không nắm rõ hành tung."

"Ờ, từ đây chỉ cần một cuốc đi bộ vừa phải là đến Chatham thôi. Ai cũng có thể ở lại đó, hay đón tàu đi mà không bị quan sát. Đây là lối đi trong vườn mà tôi nói, ông Holmes. Tôi cam đoan rằng hôm qua trên đó không có dấu vết gì."

"Mấy dấu vết trên cỏ ở phía nào?"

"Bên này, thưa ông. Bờ cỏ hẹp giữa lối đi và luống hoa này. Giờ tôi không thấy mấy dấu vết đó, nhưng lúc ấy thì tôi thấy rõ ràng lắm."

"Phải, phải, đã có người đi qua", Holmes nói, khom người bên bờ cỏ. "Quý bà của chúng ta hẳn đã bước rất cẩn thận, vì nếu không, một mặt bà ta sẽ để lại dấu chân trên lối đi, mặt khác còn để lại dấu vết rõ hơn nữa trên luống cỏ mềm này."

"Đúng, thưa ông, bà ta hẳn là một người điềm tĩnh."

Tôi thấy vẻ chăm chú thoáng hiện trên mặt Holmes.

"Anh nói hẳn bà ta đã quay lại lối này?"

"Vâng, thưa ông, không còn lối nào khác."

"Trên dải cỏ này?"

"Đương nhiên rồi, ông Holmes."

"Hừm! Làm được vậy là rất xuất sắc - rất xuất sắc. Thôi được, tôi nghĩ ta đã xem xét hết lối đi rồi. Đi tiếp nào. Tôi chắc cửa vườn này thường để mở? Vậy thì người khách này chỉ việc bước vào thôi. Bà ta không định giết người, nếu không bà ta đã cầm sẵn một loại vũ khí nào đó rồi, chứ đâu phải nhặt con dao này ở bàn viết. Bà ta đi dọc theo hành lang này, không để lại dấu vết nào trên tấm thảm xơ dừa. Rồi bà ta nhận ra mình đang ở trong thư phòng này. Bà ta ở đó bao lâu? Ta không có cách nào để phán đoán."

"Không quá vài phút, thưa ông. Tôi quên kể cho ông là bà quản gia Marker, trước đó không lâu đã dọn dẹp ngăn nắp ở đó - khoảng mười lăm phút, bà ấy nói vậy."

"À, chuyện đó cho ta một giới hạn. Quý bà của ta bước vào phòng này rồi làm gì? Bà ta tới chỗ bàn viết để làm gì? Không vì thứ gì trong mấy ngăn kéo. Nếu có gì đáng để bà ta lấy thì chắc hẳn nó đã được khóa kĩ. Không, là vì cái gì đó trong tủ cánh kia. Ồ! Vết trầy trên mặt tủ kia là gì vậy? Soi diêm giùm tôi, Watson. Sao anh không cho tôi biết chuyện này, Hopkins?"

Dấu vết anh đang xem xét bắt đầu từ chỗ viền bằng đồng thau ở bên phải lỗ khóa, rồi kéo dài khoảng bốn inch, làm trầy lớp vécni trên mặt tủ.

"Tôi đã lưu ý điểm đó, ông Holmes. Nhưng bao giờ ta chẳng thấy vết trầy quanh lỗ khóa."

"Cái này thì mới đây, khá là mới. Xem chỗ bị xước trên mặt đồng sáng lên kìa. Một vết trầy cũ thì sẽ tiệp màu với bề mặt. Xem bằng kính lúp của tôi này. Lại còn vécni nữa chứ, trông sủi lên như đất hai bên luống cày. Bà Marker có đó không?"

Một bà lớn tuổi, mặt mày buồn bã bước vào phòng,

"Có phải sáng hôm qua bà quét bụi cái tủ này không?"

"Phải, thưa ông."

"Bà có thấy vết trầy này không?"

"Không, thưa ông, tôi không thấy."

"Tôi tin chắc là bà không thấy, vì khi quét bụi bặm người ta sẽ phủi đi cả những vảy vécni này. Ai có chìa khóa tủ này?"

"Giáo sư đeo nó vào dây đồng hồ quả quýt."

"Nó có phải là một chìa khóa đơn giản không?"

"Không thưa ông, đó là chìa khóa Chubb."

"Tốt lắm, bà Marker, bà đi được rồi. Giờ ta đã tiến được một chút. Quý bà của chúng ta vào phòng, tiến tới tủ, rồi hoặc mở nó hoặc cố làm vậy Trong khi đó thì anh chàng Willoughby Smith bước vào phòng. Trong lúc vội vàng rút chìa khóa, bà ta đã tạo ra vết xước này trên cửa tủ. Anh ta túm lấy bà ta, và bà ta chộp lấy vật gần nhất, tình cờ lại là con dao này, đâm anh ta để anh ta buông tay ra. Đó là một cú trí mạng. Anh ta ngã xuống còn bà ta bỏ trốn, hoặc có hoặc không có vật mà vì nó bà ta tìm đến. Cô hầu Susan có đó không? Sau khi cô nghe thấy tiếng kêu thì có ai thoát ra cửa đó được không, Susan?"

"Không, thưa ông, không thể nào. Trước khi xuống cầu thang tôi không thấy ai trong hành lang. Vả lại, cửa không hề mở, nếu không tôi đã nghe thấy."

"Vậy là đã loại trừ được lối ra này. Thế thì không nghi ngờ gì là quý bà ấy đã đi ra bằng lối bà ta đi vào. Tôi đoán rằng hành lang còn lại chỉ dẫn đến phòng giáo sư thôi. Hướng đó không có lối ra sao?"

"Không, thưa ông."

"Ta sẽ đi qua đó đến chào hỏi giáo sư. Ồ, Hopkins! Chuyện này rất quan trọng, quả là rất quan trọng. Hành lang của giáo sư cũng lót thảm xơ dừa."

"Vâng, thưa ông, chuyện đó thì sao?"

"Anh không thấy nó liên quan gì đến vụ án sao? Chà, chà, không nhất định là thế. Chắc tôi nhầm. Vậy mà tôi thấy hình như nó rất có ý nghĩa. Đi với tôi rồi giới thiệu tôi nào."

Chúng tôi đi xuôi hành lang, cũng dài bằng hành lang dẫn ra vườn. Cuối hành lang có một đoạn cầu thang ngắn dừng lại ở một cánh cửa. Người dẫn đường của chúng tôi gõ cửa rồi đưa chúng tôi vào phòng ngủ của giáo sư. Đó là một căn phòng thênh thang, bày cơ man là sách, sách tràn ngập trên giá và xếp thành từng chồng trong các góc hay dưới chân mấy kệ sách. Chiếc giường ở chính giữa phòng, và trên đó, là vị chủ nhà đang tựa vào mấy chiếc gối. Hiếm khi tôi thấy người nào trông đáng chú ý hơn. Quay về phía chúng tôi là một khuôn mặt gầy gò, quăm quắm, hai mắt đen sắc, ẩn trong hai hốc sâu dưới cặp lông mày tua tủa rũ xuống. Râu tóc ông ta bạc trắng, trừ chỗ râu quanh miệng nhuốm vàng kì lạ. Đầu một điếu thuốc cháy sáng lên giữa mớ râu tóc bờm xờm, và không khí trong phòng ám mùi khói thuốc lá hôi hám. Khi ông ta chìa tay ra cho Holmes, tôi nhận thấy nó cũng nhuộm vàng nicotine.

"Ông hút thuốc phải không, ông Holmes?" Ông ta nói thứ tiếng Anh tinh tuyển, giọng có chút nhấn nhá kì lạ. "Xin cứ lấy một điếu. Còn ông, thưa ông? Tôi xin tiến cử loại thuốc này với các ông, vì nó có xuất xứ từ Alexandria do tôi đặt riêng của hãng Ionides. Mỗi đợt hãng gửi cho tôi cả ngàn điếu, và tôi lấy làm buồn phải nói rằng, cứ mỗi nửa tháng tôi lại phải thu xếp một đợt cung ứng mới. Tôi biết, thưa ông, hút thuốc tệ, rất tệ, nhưng lão già này chẳng có mấy thú vui. Thuốc lá và công việc - tôi chỉ còn lại có chừng ấy."

Holmes châm một điếu rồi chốc chốc đảo mắt thật nhanh khắp phòng.

"Thuốc lá và công việc, nhưng giờ thì chỉ còn thuốc lá", ông già thốt lên. "Hỡi ơi! Thật là một sự gián đoạn tai hại! Ai mà thấy trước được một tai họa khủng khiếp như vậy chứ? Một thanh niên rất ư đáng quý! Tôi cam đoan với ông rằng sau vài tháng rèn luyện anh ta đã là một trợ lí đáng nể. Ông nghĩ sao về chuyện này, ông Holmes?"

"Tôi vẫn chưa quyết ý."

"Quả thực tôi sẽ đội ơn ông nếu ông có thể soi sáng nơi mà chúng tôi thấy chỉ toàn là bóng tối. Với một con mọt sách tội nghiệp và tàn phế như tôi thì một đòn như thế làm tôi tê liệt. Tôi dường như đã mất khả năng suy nghĩ. Nhưng ông là người năng động - là người của công việc. Đó là một phần công việc hằng ngày trong đời ông. Ông giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống khẩn cấp. Chúng tôi quả thật may mắn khi có ông bên cạnh."

Holmes cứ đi tới đi lui ở một bên phòng trong lúc ông giáo sư già nói. Tôi quan sát thấy anh hút nhanh khác thường. Rõ ràng anh cũng ưa hút thuốc lá tươi vùng Alexandria như chủ nhà.

"Phải, thưa ông, quả là một đòn nặng nề", ông già nói. "Đó là Magnum opuscủa tôi - mớ giấy tờ trên cái bàn sát tường đằng kia. Tôi phân tích các tài liệu tìm thấy ở các tu viện Cơ Đốc Ai Cập tại Syria và Ai Cập, một công việc có thể mổ xẻ tận nền tảng của tôn giáo thiên khải. Vì sức khỏe kém đi nên tôi không biết mình có hoàn thành được không khi giờ đây đã mất đi trợ lí. Ôi trời, ông Holmes, sao vậy, ông hút còn nhanh hơn tôi nữa."

Holmes mỉm cười.

"Tôi là người sành hút mà", anh nói, lấy một điếu nữa trong hộp - điếu thứ tư - và châm nó bằng mẩu thuốc anh vừa hút xong. "Tôi sẽ không làm phiền ông bằng việc thẩm tra dài dòng, giáo sư Coram, vì tôi suy ra được là lúc vụ án xảy ra ông đang ngủ nên không thể biết gì về nó. Tôi chỉ muốn hỏi một điều. Ông nghĩ chàng trai tội nghiệp này muốn nói gì khi trăng trối mấy lời: 'Giáo sư - là bà ta'?"

Giáo sư lắc đầu. "Susan là gái quê", ông ta nói, "mà ông biết sự ngu ngốc không thể tin nổi của tầng lớp đó rồi đấy. Tôi cho rằng anh chàng tội nghiệp thều thào mấy chữ rời rạc lúc mê sảng, và cô ta biến nó thành câu thông điệp vô nghĩa này."

"Tôi hiểu rồi. Bản thân ông không có cách giải thích nào cho thảm kịch sao?"

"Có lẽ là tai nạn, có lẽ - tôi chỉ hé lộ riêng với các ông thôi - là tự tử. Thanh niên họ có những nỗi phiền muộn sâu kín riêng, một chuyện tình cảm nào đó, có lẽ vậy mà chúng ta không hề hay biết. Giả định đó khả dĩ hơn là bị sát hại."

"Nhưng còn cặp kính?"

"À! Tôi chỉ là dân nghiên cứu, một người mơ mộng. Tôi không thể lí giải những chuyện thực tế của đời sống. Thế nhưng, ông bạn ơi, chúng ta biết rằng vật làm tin của tình yêu có thể mang những khuôn dạng lạ lùng. Dù sao thì cũng cứ lấy một điếu nữa đi. Thật hân hạnh khi thấy có người thích nó như vậy. Một chiếc quạt, một chiếc găng tay, một cặp kính - ai mà biết thứ gì có thể được đem theo như một kỉ vật hay được nâng niu như báu vật khi người ta tự kết liễu đời mình chứ? Ông đây có nói về mấy dấu chân trên cỏ; nhưng suy cho cùng, ta dễ bị lầm về một điểm như vậy. Còn về con dao, nó có thể bị văng xa khỏi nạn nhân khi anh ta ngã xuống. Có thể tôi nói thế này là ấu trĩ, nhưng tôi thấy hình như Willoughby Smith đã tự chuốc lấy cái chết."

Có vẻ như Holmes thấy ấn tượng trước giả thuyết vừa được đưa ra, rồi anh tiếp tục bước tới bước lui một lát, trầm ngâm suy nghĩ và hút hết điếu này đến điếu khác.

"Giáo sư Coram này", cuối cùng anh nói, "cho tôi biết có cái gì trong tủ cánh gắn với bàn làm việc vậy?"

"Chẳng có gì ích lợi cho trộm cả. Giấy tờ gia đình, thư của bà vợ tội nghiệp của tôi, các tấm bằng đại học mà tôi lấy làm tự hào. Chìa khóa đây, ông có thể tự xem lấy."

Holmes cầm lấy chìa khóa, nhìn thoáng qua rồi trả lại. "Không, tôi không nghĩ nó sẽ giúp ích gì cho tôi", anh nói. "Tôi thích yên tĩnh xuống vườn và lật đi lật lại toàn bộ vấn đề trong đầu hơn. Giả thuyết tự tử ông vừa nêu vẫn còn đôi điều phải bàn. Chúng tôi phải xin lỗi vì đã làm phiền ông, giáo sư Coram, và tôi hứa là cho đến sau bữa trưa chúng tôi sẽ không quấy rầy ông nữa. Lúc 2 giờ chúng tôi sẽ quay lại và tường thuật cho ông bất cứ việc gì có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ bây giờ cho đến lúc đó."

Holmes lơ đãng lạ lùng, và chúng tôi im lặng bước tới bước lui trên lối đi trong vườn một lát.

"Anh có được manh mối nào chưa?" Cuối cùng tôi hỏi.

"Nó tùy thuộc vào mấy điếu thuốc tôi hút ấy", anh nói. "Có thể tôi lầm to. Mấy điếu thuốc sẽ cho tôi biết."

"Holmes thân mến ơi", tôi kêu lên, "làm thế quái nào..."

"Thôi, thôi, anh cứ tự xem xét lấy. Nếu không cũng chẳng hề gì. Tất nhiên, ta vẫn còn manh mối là tiệm bán kính, nhưng tôi sẽ đi đường tắt nếu có. À, bà Marker tốt bụng đây rồi! Ta dành năm phút trò chuyện bổ ích với bà ta đi."

Có lẽ tôi đã từng nhận xét rằng khi nào muốn, Holmes sẽ có cách riêng để thu hút cảm tình của phụ nữ, và anh dễ dàng thiết lập mối giao hảo với họ. Mới được nửa thời gian nêu ra anh đã chiếm được thiện cảm của bà quản gia, và đang hàn huyên như thể đã quen bà nhiều năm rồi.

"Phải, ông Holmes, quả là như ông nói, thưa ông. Ông ấy hút dữ lắm. Cả ngày và đôi khi suốt đêm nữa, thưa ông. Một buổi sáng tôi đã thấy căn phòng ấy - vâng, thưa ông, ta sẽ tưởng là nó chìm trong sương mù London. Cậu Smith tội nghiệp, cậu ta cũng hút, nhưng không khủng khiếp như giáo sư. Sức khỏe của ông ấy - vâng, tôi không biết nó tốt hơn hay xấu hơn vì hút thuốc."

"Ừ!" Holmes nói, "đã thế nó còn làm ta mất cảm giác ngon miệng."

"Chà, điều đó thì tôi không biết, thưa ông."

"Tôi chắc giáo sư hầu như chẳng ăn gì?"

"Ồ, tôi thấy ông ấy khi này khi khác."

"Sau bấy nhiêu điếu tôi thấy ông ấy hút thì tôi dám chắc sáng nay ông ấy không dùng điểm tâm, và không cả ngó ngàng đến bữa trưa nữa."

"Ồ, thưa ông, ông đoán lầm rồi, vì sáng nay ông ấy dùng điểm tâm khá nhiều. Tôi không biết đã bao giờ thấy ông ấy ăn nhiều hơn vậy chưa, ông ấy còn dặn làm một đĩa sườn thật lớn cho bữa trưa. Chính tôi cũng ngạc nhiên, vì từ lúc vào căn phòng đó ngày hôm qua và thấy cậu Smith nằm trên sàn thì thấy đồ ăn thôi tôi còn không chịu nổi nữa là. Vâng, trăm người trăm tính mà, nên giáo sư không mất cảm giác ngon miệng vì chuyện ấy."

Chúng tôi đi tha thẩn trong vườn cho hết buổi sáng. Stanley Hopkins đã xuống làng để tìm hiểu tin đồn về một phụ nữ lạ mặt mà sáng hôm trước bọn trẻ nhìn thấy trên đường Chatham. Còn về bạn tôi, sự năng nổ ngày thường của anh dường như biến đi đâu mất. Tôi chưa từng thấy anh giải quyết vụ nào với vẻ miễn cưỡng như vậy. Ngay cả Hopkins báo tin tìm được mấy đứa nhỏ đã thấy một bà giống hệt với mô tả của Holmes, còn đeo kính nữa, cũng không khiến anh sốt sắng chút nào. Anh để tâm hơn khi Susan, người phục vụ bữa trưa cho chúng tôi, tự tiết lộ rằng sáng hôm qua anh Smith có ra ngoài đi dạo, và anh ta về mới được nửa giờ thì thảm kịch xảy ra. Tôi không nhìn ra tính liên quan của sự việc này, nhưng tôi thấy rõ Holmes đang kết nó vào cái sơ đồ tổng thể mà anh đã thiết lập trong óc. Chợt anh bật dậy khỏi ghế và liếc nhìn đồng hồ. "2 giờ rồi, quý vị", anh nói. "Ta phải lên nói phải trái với ông bạn giáo sư thôi."

Ông già vừa dùng xong bữa trưa, và tất nhiên cái đĩa trống trơn làm chứng cho sự ngon miệng mà bà quản gia đã khẳng định. Ông ta trông thật kì dị khi bờm tóc bạc trắng và cặp mắt sáng rực quay về phía chúng tôi. Điếu thuốc thường trực cháy âm ỉ trên miệng, ông ta đã thay đồ và đang ngồi trên chiếc ghế bành cạnh lò sưởi.

"Nào, ông Holmes, ông đã giải được bí ẩn này chưa?" Ông ta đẩy hộp thiếc lớn đựng thuốc lá để trên bàn bên cạnh về phía bạn tôi. Đúng lúc đó Holmes cũng chìa tay ra, và thế là cả hai làm cái hộp đổ nghiêng qua mép bàn. Trong vài phút chúng tôi bò xuống mà tìm mấy điếu thuốc rơi vãi khắp nơi kể cả những chỗ khó lăn vào nhất. Khi chúng tôi đứng lên thì tôi để ý thấy mắt Holmes sáng long lanh còn má thì bừng lên. Chỉ khi vào cao trào tôi mới thấy đôi mắt như tín hiệu lâm trận ấy sáng lên.

"Rồi", anh nói, "tôi giải được rồi."

Stanley Hopkins và tôi kinh ngạc ngây người nhìn. Dường như có một nét cười nhạo vờn qua gương mặt hốc hác của ông giáo sư già. "Thực vậy ư? Trong vườn à?"

"Không, ở đây."

"Ở đây ư? Hồi nào?"

"Ngay lúc này."

"Chắc ông đang đùa, ông Sherlock Holmes. Ông buộc tôi phải nói với ông rằng vấn đề này quá nghiêm trọng, không thể đùa như vậy được."

"Tôi đã củng cố và kiểm tra từng mắt xích trong chuỗi suy luận của mình, giáo sư Coram, và tôi tin là nó vững chắc rồi. Các động cơ của ông hay chính xác ông đóng vai trò gì trong vụ việc kì lạ này thì tôi vẫn chưa thể nói. Trong vài phút nữa có lẽ tôi sẽ được nghe từ chính miệng ông. Trong khi đó tôi sẽ vì ông mà tái hiện chuyện đã xảy ra, để ông biết thông tin nào tôi vẫn còn cần. Hôm qua có một bà đã vào thư phòng ông. Bà ấy đến với ý định lấy một số tài liệu trong tủ của ông. Bà ấy có chìa khóa riêng. Tôi đã được dịp kiểm tra chìa của ông, nhưng tôi không thấy chỗ bợt màu mà vết xước trên lớp vécni sẽ tạo ra. Vì vậy, ông không phải đồng phạm, và theo như tôi hiểu thông qua việc xem xét chứng cứ, bà ấy đến mà không để ông biết là nhằm lén lút lấy đồ của ông."

Miệng giáo sư nhả khói mù mịt. "Ông chỉ giáo hay quá, hết sức thú vị và hữu ích đấy", ông ta nói. "Sao ông không nói gì thêm? Đã lần dò được đến thế, chắc ông cũng biết bà ta ra sao rồi."

"Tôi sẽ cố làm vậy. Đầu tiên, bà ấy bị viên thư kí của ông tóm nên đã đâm cậu ta để thoát thân. Tôi thiên về ý nghĩ tai họa này là một sự việc rủi ro, vì tôi tin chắc rằng bà ấy không định gây ra một vết thương trầm trọng như vậy. Một kẻ sát nhân sẽ không đến mà không có vũ khí. Thất kinh vì việc mình vừa làm, bà ấy cuống cuồng bỏ chạy khỏi hiện trường thảm kịch. Không may cho bà ấy là trong lúc giằng co, bà ấy đã bị mất kính, và vì cận nặng nên quả thực thiếu kính thì bà ấy không còn làm gì được. Bà ấy chạy xuôi một hành lang mà bà ấy tưởng là chỗ lúc trước mình vừa đi qua - cả hai đều trải thảm xơ dừa - và chỉ khi đã quá muộn mới vỡ lẽ là mình đi nhầm và đường rút bị cắt đứt sau lưng. Bà ấy phải làm sao? Bà ấy không thể lui. Bà ấy cũng không thể ở lại đó. Bà ấy phải đi tiếp. Thế nên bà ấy đi tiếp. Bà ấy bước lên mấy bậc thang, đẩy mở một cánh cửa, thì thấy là mình đang ở trong phòng ông."

Ông già ngồi há hốc miệng, trân trối nhìn Holmes. Nỗi kinh ngạc và sợ hãi in dấu trên vẻ mặt đầy biểu cảm. Lúc này, ông ta khó khăn lắm mới có thể nhún vai và bật cười giả trá. "Tất thảy đều rất hay, ông Holmes", ông ta nói. "Nhưng trong giả thuyết hay ho của ông có một thiếu sót nho nhỏ. Tôi đang ở trong phòng mình, mà suốt ngày hôm qua tôi không hề rời khỏi phòng."

"Tôi biết điều đó, giáo sư Coram."

"Nhưng ông muốn nói tôi nằm trên giường mà lại không biết có một bà vào phòng mình ư?"

"Tôi không hề nói vậy. Ông có biết chuyện đó. Ông đã nói chuyện với bà ấy. Ông nhận ra bà ấy. Ông giúp bà ấy trốn thoát."

Một lần nữa, ông giáo sư bật cười khanh khách. Ông ta đã đứng lên và mắt hừng hực như than hồng.

"Ông điên rồi!" Ông ta kêu lên. "Ông đang nói quàng nói xiên. Tôi giúp bà ta trốn thoát ư? Giờ bà ta đâu?"

"Bà ấy ở kia", Holmes nói, rồi chỉ về phía chiếc tủ sách cao trong góc phòng.

Tôi thấy ông già vung hai tay lên, một vẻ chấn động khủng khiếp thoáng qua bộ mặt nham hiểm, rồi ông ta lại ngã người ra ghế. Cùng lúc đó, tủ sách mà Holmes đang chỉ xoay mở, rồi một người đàn bà chạy nhào ra phòng.

"Ông nói đúng!" Bà ta kêu lên, giọng nước ngoài là lạ. "Ông nói đúng! Tôi đây?"

Mình mẩy bà nhuốm nâu vì bụi và phủ mạng nhện từ bức tường chỗ bà nấp. Mặt bà cũng vằn vện cáu ghét, nhưng ngay cả lúc tươm tất nhất bà cũng không thể được coi là đẹp, vì bà có đúng những đặc điểm như Holmes đã đoán, lại còn thêm cái cằm dài bướng bỉnh. Vì với thị lực kém bẩm sinh, và cũng vì từ nơi tối chạy ra chỗ sáng, bà đứng như người bị choáng, chớp chớp mắt nhìn quanh xem chúng tôi là ai và đang đứng ở đâu. Vậy mà, dù có mọi điểm bất lợi, từ dáng điệu của người đàn bà này vẫn toát lên một sự quý phái - lòng dũng cảm nơi cái cằm ngang ngạnh và cái đầu ngẩng cao buộc người khác phải tôn trọng và cảm phục ở một mức độ nào đó.

Stanley Hopkins đặt tay lên cánh tay bà và khẳng định bà là tù nhân của mình, nhưng bà nhẹ nhàng gạt anh ta ra, thái độ vẫn đường hoàng, trịch thượng vô cùng, buộc người khác phải tuân phục. Ông già tựa vào lưng ghế, mặt nhăn nhúm, cặp mắt đăm chiêu chằm chằm nhìn bà.

"Phải, thưa ông, tôi là tù nhân của ông", bà nói. "Từ chỗ đứng vừa nãy tôi đã nghe cả rồi, và tôi biết rằng ông đã biết được sự thật. Tôi thú nhận tất cả những điều đó. Chính tôi là người giết chàng trai. Nhưng ông nói đúng, đó là một rủi ro. Tôi còn không biết cái mình cầm trong tay là con dao, vì trong lúc tuyệt vọng tôi chộp lấy bất cứ thứ gì trên bàn mà đánh anh ta để anh ta buông tôi ra. Điều tôi nói là sự thật."

"Thưa bà", Holmes nói, "tôi tin chắc đó là sự thật. Tôi e bà không được khỏe cho lắm."

Sắc mặt bà trở nên đáng sợ, càng khủng khiếp hơn dưới những vệt bụi đen trên mặt. Bà ngồi xuống mép giường rồi nói tiếp.

"Tôi chẳng còn mấy thời gian nơi trần thế", bà nói, "nhưng tôi muốn ông biết toàn bộ sự thật. Tôi là vợ của lão này. Lão không phải người Anh. Lão là người Nga. Tôi sẽ không nói tên lão đâu."

Lần đầu tiên ông già cựa quậy. "Chúa phù hộ cho bà, Anna!" Ông ta kêu lên. "Chúa phù hộ cho bà!"

Bà ném cái nhìn cực kì khinh miệt về phía ông ta. "Sao ông cứ bám riết lấy cuộc đời khốn khổ của mình vậy, Sergius?" Bà nói. "Nó làm hại nhiều người mà chẳng làm lợi cho một ai - ngay cả cho chính ông. Tuy vậy, tôi không có quyền làm đứt sợi chỉ mong manh ấy trước giờ của Chúa. Từ khi bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà đáng nguyền rủa này lòng tôi đã chịu đủ lắm rồi. Nhưng tôi phải nói, nếu không thì sẽ quá muộn. Tôi vừa nói, thưa quý vị, rằng tôi là vợ của lão này. Ngày chúng tôi cưới nhau thì lão ta năm mươi còn tôi là đứa con gái hai mươi khờ dại. Chuyện đó xảy ra ở một thành phố của nước Nga, trong một trường đại học - tôi sẽ không nói tên nơi ấy."

"Chúa phù hộ cho bà, Anna!" Ông già lại lí nhí.

"Chúng tôi là những nhà cải cách, nhà cách mạng Hư vô chủ nghĩa, các ông hiểu cho. Lão ta và tôi cùng nhiều người nữa. Thế rồi đến một giai đoạn nhiễu nhương, một cảnh sát bị giết, nhiều người bị bắt, cần có bằng chứng. Để giữ mạng mình và giành một phần thưởng lớn, chồng tôi đã bán đứng chính vợ mình và các đồng chí. Phải, tất cả chúng tôi đều bị bắt vì lời khai của lão ta. Một số trong chúng tôi phải lên đường tới giá treo cổ còn số khác thì bị đày đi Siberia. Tôi nằm trong nhóm sau cùng, nhưng hạn tù của tôi không phải chung thân. Chồng tôi mang theo của cải phi nghĩa đến Anh và sống âm thầm từ đó, biết rõ rằng nếu Tổ chức mà biết lão ta ở đâu thì chưa đầy một tuần sau công lí sẽ được thực thi."

Ông già chìa bàn tay run run ra lấy một điếu thuốc. "Tôi nằm trong tay bà, Anna", ông ta nói. "Bao giờ bà cũng tốt với tôi."

"Tôi còn chưa kể cho các ông nghe đỉnh điểm sự đê hèn của lão", bà nói. "Trong số các đồng chí trong Tổ chức, tôi có một người bạn tâm giao. Anh ấy cao thượng, trìu mến, không nghĩ đến lợi ích của bản thân - tất cả những đặc điểm mà chồng tôi không có. Anh ấy căm ghét bạo lực. Chúng tôi ai cũng có tội - nếu mà đó là tội - nhưng anh ấy thì không. Anh ấy luôn viết thư khuyên can chúng tôi đừng theo đường lối như vậy. Mấy lá thư này có thể cứu anh ấy. Cuốn nhật kí của tôi cũng vậy, trong đó, ngày này qua ngày khác, tôi ghi lại những tình cảm của mình đối với anh ấy và quan điểm của mỗi người chúng tôi. Chồng tôi phát hiện và giữ cả nhật kí lẫn thư từ. Lão ta cất giấu chúng, và cố hết sức nguyền rủa cho người thanh niên này chết đi. Trong chuyện này lão đã thất bại, nhưng Alexis bị kết án đày đi Siberia, nơi mà giờ phút này, anh ấy đang lao dịch trong mỏ muối. Hãy nghĩ đến điều đó, đồ hung ác, đồ hung ác; lúc này, lúc này, ngay lúc này, Alexis, một người mà ông chẳng xứng nhắc đến tên, đang làm việc và sống như một nô lệ, còn tôi nắm mạng sống ông trong tay mà lại tha cho ông."

"Bà vẫn luôn cao thượng mà, Anna", ông già nói, bập bập điếu thuốc.

Bà đã đứng lên nhưng lại ngồi phịch xuống, khẽ kêu một tiếng đau đớn.

"Tôi phải nói cho xong", bà nói. "Khi mãn hạn tù, tôi bắt tay vào việc đi lấy nhật kí và thư từ mà nếu gửi đến chính phủ Nga thì sẽ xin được lệnh phóng thích cho bạn tôi. Tôi biết rằng chồng tôi đã đến Anh. Sau bao tháng kiếm tìm, tôi đã phát hiện ra nơi lão ta sống. Tôi biết lão vẫn giữ cuốn nhật kí, vì ngày còn ở Siberia, có lần tôi nhận được một lá thư của lão trách móc tôi và trích dẫn vài đoạn trong mấy trang. Nhưng tôi tin chắc rằng với bản tính hay thù hằn, lão sẽ không bao giờ tự nguyện đưa tôi. Tôi phải tự đi lấy. Vì mục đích này, tôi thuê thám tử ở một hãng thám tử tư vào nhà chồng tôi làm thư kí - đó là thư kí thứ hai của ông, Sergius, người đã bỏ ông đi vội vã. Anh ta biết được rằng giấy tờ cất trong tủ cánh, và đã sao được chìa khóa. Anh ta không chịu làm gì thêm. Anh ta đưa cho tôi sơ đồ nhà, và cho tôi biết trước buổi trưa thư phòng lúc nào cũng vắng, vì thư kí được thuê làm việc ở trên đấy. Thế là cuối cùng tôi cũng thu hết can đảm để tới đây nhằm tự tay lấy giấy tờ. Tôi đã làm được, nhưng với một cái giá mới đắt làm sao! Tôi vừa lấy được giấy tờ và đang khóa tủ thì chàng trai ấy tóm lấy tôi. Sáng hôm ấy tôi đã gặp anh ta. Anh ta gặp tôi ngoài đường và tôi đã nhờ anh ta chỉ giúp nhà giáo sư Coram mà không biết rằng anh ta là thư kí của lão."

"Đúng! Đúng!" Holmes nói. "Tay thư kí đã về thưa lại với ông chủ về người đàn bà anh ta gặp. Thế nên trong lúc hấp hối, anh ta đã cố nhắn nhủ rằng đó là bà ta - người mà anh ta vừa thưa chuyện với ông chủ."

"Ông phải để tôi nói", người đàn bà nói, giọng ra lệnh, và nhăn mặt như thể đang đau đớn. "Khi anh ta ngã xuống thì tôi chạy vội ra khỏi phòng, nhưng lại chọn nhầm cửa nên vào đúng phòng của lão này. Lão ta tính chuyện đem nộp tôi. Tôi cho lão ta thấy rằng nếu lão làm vậy thì tính mạng lão sẽ nằm trong tay tôi. Nếu lão giao nộp tôi cho luật pháp thì tôi có thể nộp lão cho Tổ chức. Nào phải tôi mong sống cho bản thân, tôi chỉ muốn hoàn thành được mục đích của mình. Lão biết tôi sẽ làm như đã nói - số phận lão mắc mưu với số phận của tôi. Vì điều đó chứ không vì lí do nào khác, lão đã che chở cho tôi. Lão nhét tôi vào chỗ nấp tối tăm đó, một thứ đồ đạc của thời xưa, chỉ mình lão biết tôi ở đó. Lão dùng bữa trong phòng, nhờ vậy có thể san bớt phần ăn cho tôi. Đã thỏa thuận là khi cảnh sát rời khỏi nhà thì đêm đến tôi sẽ lẻn đi mà không quay lại nữa. Nhưng không hiểu sao ông lại đoán được toan tính của chúng tôi." Bà gỡ từ giữa ngực áo ra một gói nhỏ. "Đây là lời trăng trối của tôi", bà nói, "đây là cái gói sẽ cứu được Alexis. Tôi phó thác nó cho danh dự và tình yêu công lí của ông. Hãy cầm lấy! Ông sẽ nộp nó tại đại sứ quán Nga. Giờ tôi đã làm xong phận sự của mình, và..."

"Ngăn bà ấy lại!" Holmes kêu lên. Anh đã băng qua phòng và giật lấy một lọ nhỏ từ tay bà.

"Muộn quá rồi!" Bà nói, ngã sụp xuống giường. "Muộn quá rồi! Tôi đã uống thuốc độc trước khi rời chỗ nấp. Đầu óc tôi đang lâng lâng! Tôi đi đây! Tôi yêu cầu ông, thưa ông, hãy nhớ lấy cái gói."

***

"Một vụ đơn giản, vậy mà, về nhiều mặt, nó lại cho ta nhiều bài học", Holmes nhận xét khi chúng tôi về lại thành phố. "Ngay từ đầu nó đã xoay quanh cái kính kẹp mũi. Nhưng nếu không nhờ cơ may là người chết chộp được vật này thì tôi không chắc có bao giờ ta đi đến kết luận được không. Tôi thấy rõ, theo độ nặng của kính, là nếu mất kính thì người đeo hẳn sẽ không thấy đường và không xoay xở được gì. Khi anh muốn tôi tin rằng bà ấy đi men theo một bờ cỏ hẹp mà không một lần bước trật thì tôi đã nhận xét, chắc anh cũng vẫn còn nhớ, rằng đó là một việc làm xuất sắc. Trong óc tôi đã đánh giá là bà ấy không thể làm được điều đó, trừ trường hợp khó xảy ra là bà ấy có cặp kính thứ hai. Do vậy, tôi buộc phải nghiêm túc xem xét giả thuyết rằng bà ấy vẫn còn ở trong nhà. Khi nhận thấy hai hành lang tương tự nhau thì tôi thấy rõ là bà ấy rất dễ nhầm lẫn, trong trường hợp đó thì hiển nhiên bà ấy đã phải vào phòng ông giáo sư. Vì vậy, tôi hết sức chú ý tới những gì xác nhận giả định này, nên tôi xem xét căn phòng từng li từng tí hòng tìm bất cứ thứ gì có dạng như một chỗ nấp. Tấm thảm có vẻ liền mảnh và đóng chắc xuống, nên tôi bỏ qua ý nghĩ có cửa lật. Rất có thể có một cái hốc phía sau những cuốn sách. Như các anh biết, mấy chước như vậy thường có trong mấy thư viện xưa. Tôi quan sát thấy sách chất đống trên sàn ở mọi chỗ khác, nhưng riêng cái tủ sách đó thì lại để trống. Vậy thì, đó có thể là cánh cửa. Tôi không thấy dấu hiệu nào dẫn lối, nhưng tấm thảm có màu nâu xám, thích hợp để kiểm tra. Do vậy, tôi hút thật nhiều loại thuốc hào hạng đó rồi vẩy tàn thuốc khắp chỗ trống trước tủ sách khả nghi. Đó là một mẹo đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Rồi tôi xuống lầu, và khẳng định, khi có mặt anh, Watson, mà anh không nhận ra ẩn ý trong lời nhận xét của tôi, rằng giáo sư Coram đã dùng nhiều thức ăn hơn - vậy người ta có thể đoán rằng ông ta cần san sẽ cho một người nữa. Rồi chúng ta lại lên phòng, khi đó, bằng cách làm đổ hộp thuốc lá tôi đã có cơ hội soi xét kĩ sàn nhà, và có thể thấy khá rõ, theo dấu vết trên lớp tàn thuốc, rằng khi chúng ta vắng mặt thì thủ phạm đã ra khỏi chỗ nấp. Thôi, Hopkins, ta tới Charing Cross rồi đây, và tôi chúc mừng anh vì đã kết thúc thành công vụ án. Chắc chắn là anh định đến trụ sở rồi. Watson này, tôi nghĩ bây giờ anh và tôi sẽ cùng đi xe đến đại sứ quán Nga."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro