Thiên Long Bát Bộ 2003 - Trầm mặc định mệnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài viết không phải review, cũng không hẳn là bài cảm xúc về phim. Chỉ là những dòng tản mạn về định mệnh-vô hình len lỏi vào trái tim những nhân vật đi qua nó. Định mệnh vô hạn bủa vây để mọi oán cừu và hạnh phúc hội tụ trong tâm thức nhân vật khiến mỗi thời khắc trùng phùng của định mệnh lại cào lên trái tim những vết xước chạy dọc suốt cuộc đời.

Tôi thích kiếm hiệp Hồng Kông hơn kiếm hiệp Trung Quốc đại lục. Hầu như tất cả các bộ phim chuyển thể từ truyện Kim Dung tôi đều thích bản phim Hồng Kông thực hiện hơn, ngoại lệ duy nhất là bản phim Thiên Long Bát Bộ 2003. Các phiên bản Thiên Long Bát Bộ-Hồng Kông đều không thuyết phục khiến tôi thích thú dù bộ truyện này là một trong hai bộ truyện Kim Dung tôi tâm đắc nhất.

Tôi không quan trọng kỹ xảo và ngoại cảnh khi xem phim truyền hình nên những hạn chế nhãn tiền của phim kiếm hiệp Hồng Kông không phải là rào cản khiến cảm xúc của tôi lưng chừng. Tôi chú trọng đến không khí mà phim xây dựng-không khí bao trùm không gian và tính cách mỗi nhân vật hơn cả khi hòa mình vào không gian tưởng tượng đậm đặc tính Á Đông này. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao tôi lại tâm đắc bản Thiên Long Bát Bộ 2003 như thế, còn các phim khác được Trung Quốc làm lại thì lại không có cảm giác này. May mắn đã đến với tôi trong một chuyến đi đêm dài không có việc gì làm ngoài việc suy nghĩ vẩn vơ, và Thiên Long Bát Bộ với câu hỏi hơn 7 năm đã có câu trả lời chính xác.

Tôi từng lý giải câu hỏi trên là do phong cách thể hiện của Trung Quốc khoa trương và màu mè hơn Hồng Kông, nhưng không phải vậy. Thiên Long Bát Bộ vẫn hoành tráng hơn các bản Hồng Kông thực hiện nhiều. Lý do chính yếu khiến tôi thích Thiên Long Bát Bộ 2003 là vì không gian chiêm nghiệm mang đậm không khí Phật giáo mà Trung Quốc đã tạo nên với làn không khí trong và những tính cách con người chừng mực mang đúng sở trường của phong cách làm phim Trung Quốc. Phong cách chiêm nghiệm có chút trầm mặc này là một làn hơi riêng mà dường như chỉ có phim Trung Quốc đại lục mới có đã mang lại những thước phim Thiên Long Bát Bộ tuân thủ nguyên tác nhưng vẫn mặc nhiên trôi theo đúng không gian huyền ảo của Phật pháp được Kim Dung tạo nên thông qua cảm nhận của tôi.

Thiên Long Bát Bộ là bộ truyện khác biệt nhất của Kim Dung khi đề cập sâu vào Phật giáo với nhiều tình tiết ảo diệu nhất và là tác phẩm duy nhất của Kim Dung đặt nặng vấn đề lý giải định mệnh hơn xây dựng định mệnh. Không gian Phật giáo chìm sâu vào dòng chảy của truyện, và điều đặc biệt ở phim là đã khơi được dòng chảy ngầm này để mang đến cho khán giả một không gian trùng phùng của định mệnh trong mặc nhiên. Một đặc tính mà các bản phim Hồng Kông đã không thực hiện được vì chính tính cách tự do bay bỗng của Hồng Kông không phải sở trường để chiêm nghiệm tư tưởng Phật giáo có nhiều ràng buộc cùng ngẫu nhiên nhân quả trong định mệnh. Các tác phẩm khác của Kim Dung đều đề cao sự tự do với sự mênh mang của đất trời và đời người, tính cá nhân được đề cao khi con người tìm kiếm và nắm giữ tính mệnh của mình với niềm tiêu diêu tự do tự tại sau khi hạnh ngộ bản chất của cuộc đời, hay thông qua quá trình tìm kiếm lý tưởng của bản thân. Còn Thiên Long Bát Bộ chính là những mảnh vỡ của số phận- cá thể đại diện cho định mệnh vây chặt con người trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.

...Kiếp anh hùng

Thiên Long Bát Bộ 2003 là bản bi hùng ca tráng lệ nhất của Kim Dung với một Tiêu Phong mang trên mình niềm thống khoái đệ nhất thì cũng lại mang trên mình nỗi đau bậc nhất thiên hạ. Định mệnh thông qua những oán cừu và trục lợi của con người đẩy Tiêu Phong lên đến đỉnh cao thì cũng chính vì những thứ đó sẵn sàng đẩy Tiêu Phong xuống chàm đen vì thân phận lở dở ghép lại tiến thoái lưỡng nan. Với hàng loạt lưới triết lý bủa vây thì bất kể con mồi nào cũng khó tránh khỏi tai kiếp đã được giăng sẵn.

Cuộc đời của Tiêu Phong lạc lõng trong những sơ đồ định mệnh mà người đàn ông đó như một người mù dò dẫm mãi chẳng thể biết được hàng loạt bí mật bao trùm xung quanh thân phận lẫn hành động của mình. Danh vọng bao hàm trong nó sự tị hiềm ganh ghét mà chỉ cần một bước sa chân thì người ta luôn cố gắng đạp đổ để sự vị kỷ vô hình của lòng người chễm chệ lên tiếng cho nghĩa khí và những toan tính riêng. Tiêu Phong đã không tránh được lưới câu của danh vọng nên trồi sụt theo niềm đau của Bang chủ Cái Bang từng vô tình được trọng vọng và từng cố tình bị tẩy chay. Mặt trái của danh vọng vô tình cào lên định mệnh của Tiêu Phong vết xước dài đầu tiên bắt đầu cho những vết thương sâu hoắn với sự hiểu nhầm cố hữu được giăng lên từ một người cha vô tình với trái tim đứa con cần được hiểu không giống mình và độc lập trong cuộc đời của chính nó.

Định mệnh hờ hững và vô tình đến tàn nhẫn đối với Tiêu Phong khiến cuộc sống người đàn ông này cứ muốn thoái lại phải tiến vì những hành động của người cha với oán cừu chất nặng. Định mệnh mang đến một làn hơi ấm thanh trong A Châu thì lại vô tình lấy đi hơi ấm độc nhất ấy vì triết lý trọn đạo hiếu-tình của người con gái mảnh mai yếu đuối. Để khiến Tiêu Phong độc bước lang bạt cuộc đời kể từ đêm oan nghiệt ấy, khi chính mình hạ sát người mình yêu thương qua chiếc mặt nạ cha nàng. Đuổi theo lý tưởng trả thù để cuối cùng Tiêu Phong nhận lấy mặt trái của nghiệp oán thù trả giá bằng sự hiểu nhầm dây chuyền.

Cuối cùng, Tiêu Phong một mình lại hoàn một mình cùng một nỗi day dứt khôn nguôi nhức nhối trái tim. Cay nghiệt trước định mệnh, sự sân si của con người vô tình phải trả giá bằng đòn chí mạng của định mệnh khi chưa tỉnh cơn say. Định mệnh điệp trùng hằn lên ánh mắt Tiêu Phong khi đám đông không hiểu, khi người cha không hiểu, khi nghĩa huynh không hiểu, khi muội tử không hiểu tâm thức tiến thoái lưỡng nan mà số phận đè nặng lên vai khiến một Tiêu Phong cứ lần lượt ngập ngụa trong định mệnh ở Tụ Huyền Trang, Thiếu Lâm Tự rồi Nhạn Môn Quan, để rồi khám phá trong sâu thẳm tâm hồn là niềm bơ vơ đến cực đỉnh vỡ tan thành muôn cơn gió bạt về nơi đầu cơn cuồng phong-nén trong lòng nó niềm đau ngột ngạt mãi chưa bình yên. Có lẽ niềm an ủi duy nhất đối với Tiêu Phong là sự yên bình của những người dân mà anh đã lựa chọn và sự hào sảng trong cuộc tao ngộ với những người bạn, người huynh đệ sống chết bên nhau. Tình huynh đệ thống khoái trong phim được dàn dựng vô cùng đẹp là những giây phút xúc động nhất của Thiên Long Bát Bộ, và là món quà tuyệt vời nhất mà Tiêu Phong được định mệnh mang tặng. Một trong những thước phim hào sảng bậc nhất trong thế giới kiếm hiệp là đây, vừa vặn nhưng thống khoái và giản đơn theo triết lý một mất một còn và những giá trị vĩnh cửu tỏa sáng. Cuộc hội ngộ ở Thiếu Lâm Tự thắp sáng trên mình nó một tình huynh đệ không thể phôi phai sắc thắm của máu, những giọt máu bên nhau trong hiểm nguy trùng trùng nồng nhiệt khí phách và tình người.

Đến cuối cùng Tiêu Phong lựa chọn con đường nhạt nắng đi về một cõi riêng với giấc mơ còn dang dở-nơi có A Châu cùng đó để tránh cho một thế giới lầm than tiêu điều. Định mệnh đã sắp xếp cho Tiêu Phong được trở về khi để A Tử phạm một lỗi lớn đặt người đàn ông này vào thế khó muôn trùng khó chỉ vì mục đích cá nhân của cô. Đến cuối con đường, Tiêu Phong cũng đành gởi lại một kiếp anh hùng để trở về với thảo nguyên bạt ngàn cùng cừu, cùng dê và cùng thê tử dạo dưới ánh nắng vàng... Không thể khẳng định Tiêu Phong có hạnh phúc hay không, chỉ biết khi ấy và nơi ấy là những giờ phút Tiêu Phong đã thôi đau khổ, đã thôi day dứt và tìm được sự bình yên bên giấc mơ một lần được định mệnh trùng phùng... Tiêu Phong đã sống vì lý tưởng đẹp nhất của một người anh hùng được người người ngợi ca, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là một người mang nặng kiếp anh hùng mà bỏ quên hạnh phúc ở lại nơi giấc mơ mãi chẳng bao giờ thành toàn bởi sự thật không thể trở lại nếu đã đi qua. Tiêu Phong, một kiếp anh hùng với những giá trị tuyệt đối và số phận sắp ngữa không phân mãi ở Nhạn Môn Quan thiêu sáng ngọn đuốc cháy rực cho một khoảnh khắc bừng sáng xóa tan tị hiềm và danh vọng...

Hư Trúc và Đoàn Dự, hai thanh niên cũng lở dở với số phận sắp ngữa nhưng định mệnh nhẹ tay đặt thế cờ mở hơn thế cờ bí dành cho Tiêu Phong. Hai thanh niên ấy đến phút cuối cùng mới được biết thân phận thật sự như Tiêu Phong, nhưng đời đã không sắp xếp những nước cờ tréo ngoe mà dành cho hai nhân vật ấy những sự thay đổi bạt mạng để tìm kiếm sự chấp nhận ở những đường đi tiếp theo.

Nhân vật thay đổi nhiều nhất trong Thiên Long Bát Bộ là Hư Trúc khi trở thành Hư Trúc Tử với hàng loạt những bắt buộc phải đổi thay đến từ sự sắp xếp của số phận. Sự chân thành phá lại chính là yếu tố xây dựng đầu tiên của cuộc đời. Hư Trúc vô tình phá thế cờ Trân Châu nhưng đâu ngờ chính nước cờ phá đó đã phá đi số phận của nhà sư để Hư Trúc trở về với đời làm trai của mình. Lần lượt gặp Vô Nhai tử để rồi buộc đi theo Thiên Sơn Đồng Mỗ với những quái chiêu độc ác nhất, tàn nhẫn nhất lại chính là những nước cờ hay nhất để Hư Trúc thoát khỏi những ràng buộc số phận kiềm cương của một chàng trai tự bắt buộc không hiểu cuộc đời.

Sự thay đổi luôn đến từ những chấn động, mà ở Hư Trúc là sát giới, sắc giới, tửu giới... Tất cả giới luật của đạo phật cương tỏa con người lại đều được Thiên Sơn Đồng Mỗ gỡ bỏ và đập tan bằng mọi cách để chàng trai sân si Phật giáo phải giác ngộ cái duyên với đạo Phật không thành thì nên tìm một điểm dừng và lý tưởng khác để thực hiện. Những giọt nước mắt chảy dài cho một lý tưởng đành lỗi hẹn của Hư Trúc xúc động cho sự đổi thay lúc cần phải đổi thay. Hư Trúc vẫn cố níu phận sư nhưng định mệnh lại vượt lên trên những bài giảng Phật pháp để cuốn chàng trai này vào thế giới của trần tục-với những bản năng chưa được khai thông thì mãi chẳng thể kiềm nén lại được. Với Hư Trúc lúc bắt đầu là tình yêu với Phật giáo và quán tính của hai mươi bốn năm cuộc đời còn chưa nhiều lãnh ngộ nên cứ trượt theo quán tính mà đi về với Phật, chứ không phải sự thấu hiểu những lằn ranh giải thoát ảo diệu của Phật chờ con người về với sự chiêm nghiệm cuộc đời. Số phận của Hư Trúc đã thay đổi khi Hư Trúc biết cố chấp giữ nhưng cũng biết chấp nhận buông khi hiểu mọi việc đã lỡ và định mệnh đã cuốn cuộc đời theo một lý tưởng khác.

Nếu Hư Trúc không vô tình phá thế cờ huyền hoặc đó bằng tấm lòng thuần chân thì số phận Hư Trúc đã khác, nhưng cuộc đời không có giá như nên số phận Hư Trúc theo cách biến động nhất là cách hay nhất để Hư Trúc chiêm nghiệm về Phật pháp dù thân thể đã rời cửa Phật. Là độc tử của một người không được phép có con, được gởi vào Thiếu Lâm Tự- nơi có Phật pháp bảo hộ nên Hư Trúc tránh được vòng cương tỏa của danh lụy mà Tiêu Phong vướng vào, và chính Phật pháp đã bảo hộ Hư Trúc trên con đường đi tìm chính mình qua hàng loạt biến cố khi tạo cơ duyên cho những giá trị khác hội tụ thay thế Phật pháp khiến nhà sư trẻ vịn vào đi trong cuộc đời với trái tim hướng về cửa Phật...

Đoàn Dự là chàng trai mang Phật pháp trong tim nên dường như là chàng trai ít thay đổi nhất từ đầu truyện đến cuối truyện. Chàng vương tử không muốn làm vua, bỏ trốn đi chơi chỉ vì không muốn tập luyện võ công để rồi cuối cùng cũng tự tìm đến võ công khi cơ duyên đến. Chàng trai tôn thờ sắc đẹp đến mức trân trọng quỳ rạp 1000 lần trước một bức tượng ngọc bích nên vô tình tìm được tuyệt kỹ võ công chạy trốn đệ nhất thiên hạ, đúng thứ mà chàng trai ấy cần để tránh được võ công mà không làm tổn thương người khác.

Cơ duyên đến với tính ham chơi vì còn được thoải mái vui chơi hợp với tuổi trẻ của những thanh niên mới lớn không cầu danh vọng mà chỉ cầu vui vẻ trong những mối quan hệ. Nét thực tâm, và sự chân thành của Đoàn Dự trước niềm đam mê của mình là vui chơi và nhan sắc mang lại cho chàng trai này biết bao rắc rối nhưng mang lại hạnh phúc của tuổi trẻ phơi phới bay trong nỗi buồn tương tư. Yêu nhan sắc đến mức tôn thờ nhưng không muốn chiếm hữu nhan sắc khi nhan sắc đó đã neo lại một bến bãn lĩnh hơn mình, chỉ biết không cầu bên nhau mãi mãi, mà lẽo đẽo theo sau tìm kiếm những giờ phút còn có thể bên nhau để lỡ một mai Vương cô nương trở thành Mộ Dung phu nhân thì cũng toại nguyện.

Bên nhan sắc chỉ để cõng nhan sắc và tấm chân tình của nàng hướng về người khác trên lưng trèo đèo lội suối vượt qua muôn trùng nguy hiểm. Bên cạnh của nàng chỉ để lâu lắm được nhìn thấy niềm vui của người con gái dung nhan tuyệt sắc xem như niềm vui của bản thân. Niềm vui mơ mộng và đầy chất thơ, vẫn thật lòng vui nếu mình có cơ hội ở bên cạnh Vương cô nương nhiều hơn nhưng cũng chân thành sợ Vương cô nương buồn nên đành gói lại niềm vui lại để hòa vào nỗi buồn trong sự chung tình của một người con gái. Trên đời đâu có mấy ai trao đi cảm tình theo cách thuần khiết đến vậy, yêu là chỉ để nhìn thấy niềm vui của nàng, dù có là niềm vui bên cạnh người khác cũng chấp nhận nỗi buồn đó. Phật pháp với cách lý giải không cưỡng cầu thì Đoàn Dự là người lĩnh ngộ được nhiều nhất trong Thiên long bát bộ, không phải là không yêu không thương không sân không si mà vẫn yêu đó, vẫn thương đó, vẫn si mê đó nhưng không cưỡng, không cầu để giới hạn niềm sân si của mình lại trước những toan tính bất chấp cơ duyên để đạt được mục đích.

Cuộc sống khi không có đam mê, không có niềm sân si thì đâu còn là cuộc sống trần tục, có thể đó là cuộc sống ở đâu đó cảnh giới khác mà thôi. Điều quan trọng là chúng ta đối diện, nắm bắt đam mê có nhiều phần nằm ngoài tầm tay với của mình với tương tác bên thế giới bên ngoài như nào cho hợp lý, hợp lòng mà thôi. Không có võ công không làm hại người khác, nhưng cũng không bảo vệ được người khác và ngay cả chính mình khi bị người khác hại, điều đó khiến những người bảo vệ mình lâm nguy thì phải chăng đã gián tiếp làm hại người khác-người mình không nên làm hại? Chức hoàng đế được trả về cho Đoàn Diên Khánh gián tiếp thông qua Đoàn Dự cũng là một tình tiết mang lại sự giải tỏa cho những đua tranh quyền lực của xứ sở Đại Lý Đoàn Thị, một tình tiết khá rắc rối nhưng hóa giải định mệnh một cách tối ưu được Kim Dung xây dựng nên. Đoàn Dự cũng được treo trong bí mật thân thể nhưng bí mật ấy có để trở về không trong một chuỗi ân oán khác của thế hệ cũ, một nước cờ rất hay mà Kim Dung sử dụng để từ hữu thành vô, từ tuyệt đối về tương đối.

Cuộc đời luôn hội tụ những giá trị tuyệt đối va vào nhau sứt mẻ để trở thành tương đối với hàng loạt hệ lụy xoay quanh cuộc đời. Vốn đời bấp bênh, vốn đời cần thay đổi mà mỗi con người trôi trên dòng chảy của định mệnh tìm về với góc nhìn khác nhau nên định mệnh khác nhau. Mộ Dung Phục chìm trong giấc mộng phục quốc phù vân nên mãi chẳng thể thoát ra được, Trang Tụ Hiền mãi mãi chìm sâu vào sự hy sinh thái quá nên mãi mãi chẳng thể toại nguyện dù chỉ là ước mơ bên cạnh người mình yêu thương, A Tử mãi mãi cũng không thể có được tình cảm của Tiêu Phong dù được chết bên nhau vì không hiểu người mình yêu thương. Hàng loạt những nhân vật chìm sâu trong tâm thức sân si với thế giới nội tâm phức tạp đều trở về với cõi hư vô trong niềm hối tiếc khi không tìm được điểm dừng lúc để cuộc đời sa vào chốn sân si. Phật pháp đã không đến được với những con người ấy nên danh ái níu kéo họ trượt theo con dốc có hai đỉnh của danh vọng, tình yêu mà không thể nào thoát ra. Mãi mãi những ước mơ cố gán ghép cũng chỉ níu được thân xác lạnh tanh cua người mình yêu thương hay chức đế vương phù hoa nơi nghĩa trang với niềm hối hận đã lỡ làng một kiếp u mê..

Điều tôi không thích ở truyện Thiên Long Bát Bộ là thuật hóa trang biến đổi thành người khác, tôi rất không thích tình tiết này vì căng phồng sự vô lý mang lại bao nhiêu hệ lụy cho nó. Ở thế giới khi không thể phân biệt người này với người khác chỉ bằng thuật hóa trang thì thật sự hỗn độn và có thể khiến mọi người nghi ngờ lẫn nhau chứ không thể chỉ mỗi tiêu điểm Tiêu Phong được nhắm tới với hàng loạt sự hiểu nhầm. Nếu chú ý bạn sẽ thấy số phận của Tiêu Phong vướng vào sự nhập nhằng đa số bởi sự hóa trang rất ngẫu nhiên này nhưng không ai đề cập đến để giải tỏa mối nghi ngờ cho Tiêu Phong.

Điều không thích thứ hai là chi tiết vị sư vô danh với Phật pháp vô biên tự nơi nào đó xuất hiện hóa giải oán cừu giữa Tiêu Viễn Sơn Và Mộ Dung Bác. Tôi không biết oán cừu truyền từ đời này đến đời khác như thế nào, tôi cũng không cần biết oán cừu tác hại thế nào nữa vì hai nhân vật Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn chủ động tác động đến cuộc đời của hằng sa số người, gây ra vô số nghịch cảnh nên với quan điểm riêng của tôi Phật pháp không cần phải hóa giải trực tiếp mối oan đó bằng hình ảnh một sư vô danh, nếu vị sư muốn hóa giải thì hẳn nên hóa giải bằng cách khác, cách hướng họ tự biết đường tìm về chứ không phải u mê đến kinh trời động đất rồi núp dưới bóng nhà Phật hối lỗi. Họ cần đi hết con đường mà chính họ đã chấp nhận và tạo nên chứ Phật pháp không cần nhúng bàn tay một cách trực tiếp vào ân oán như thế, hãy để người ta tận diệt trong oán thù và trả giá bằng niềm sự đơn độc của chính mình với thù oán chất chồng và danh vọng phù hoa. Đây là tình tiết dở bậc nhất của Thiên Long Bát Bộ, một tình tiết như một lỗ hỗng của Phật pháp khi Kim Dung bế tắc với cách giải quyết trung dung nước đôi và ca ngợi Phật Pháp một cách vụng về. Tất nhiên mọi đánh giá đều mang tính cá nhân.

Với sở thích cá nhân, tôi cực thích Đoàn Dự, và cực thích Đoàn Dự của Lâm Chí Dĩnh nên vẫn sẵn sàng biased để xếp Thiên Long Bát Bộ 2003 vào danh sách drama yêu thích và hay xem lại nhất. Khó có thể tìm được một diễn viên hợp với vai Đoàn Dự như Lâm Chí Dĩnh. Nhân vật Đoàn Dự với niềm đam mê vô tư và trái tim dành cho người khác là nhân vật dễ thương nhất trong truyện Kim Dung. :d


Bình luận khác:

-

Đầu năm nay đọc và xem lại cả 2 bộ Thiên Long Bát Bộ và Tiếu Ngạo Giang Hồ thì mới nhận ra là TLBB hay hơn TNGH ^^, dù trước đó Marduk thích TNGH hơn. Có lẽ một bộ phim/truyện luôn có thời điểm của nó, và thời điểm hiện nay thì TLBB hay hơn. Điều này phải kể đến công của dịch giả Nguyễn Duy Chính, theo Marduk thấy ông ấy dịch rất có phong cách kiếm hiệp mà không cần xài quá nhiều từ Hán Việt và đặc biệt là mỗi vùng miền ông ấy lại xài từ ngữ địa phương tương ứng ở VN, ví dụ như Đoàn Dự thì kêu là ba má như người miền Nam, Vương Ngữ Yên ở Cô Tô nói giọng Huế hehe... đọc nghe rất vui.

Về phim: Marduk chỉ coi mỗi bản 2003 của Trương Kỷ Trung, chưa coi bản nào của Hồng Koong hay Đài Loan cả. Tuy nhiên có nhìn qua gương mặt một số diễn viên đóng TLBB của HK thì thấy không hợp vai bằng bản 2003. Đây cũng là bản phim giữ được cốt truyện nhất mà Marduk xem, và diễn viên thì hoàn toàn hợp với trí tưởng tượng của Marduk. Hồ Quân đóng Tiêu Phong đạt nhất vì có phong thái ngạo nghễ hào sảng nhưng đồng thời trong ánh mắt có cả chút dại dột, cả tin và Marduk thấy mạnh mẽ kiên cường phải có cả sự cả tin nữa mới trở thành anh hùng được. Cao Hổ đóng Hư Trúc cũng đạt, nét mặt thảm thảm, người dài ngoằng mà đi lúc nào đầu cũng cúi gằm thủi thủi đúng điệu cô nhi. Còn Lâm Chí Dĩnh thì Marduk không chê điểm nào, dù nhiều người khen Trần Hạo Dân hơn, nhưng Marduk đồng ý với PhongTran vì nhận xét THD nhìn ko dại gái bằng LCD ^^

Nói về từng nhân vật :

Tiêu Phong: Marduk chỉ thích một điều duy nhất ở Tiêu Phong thôi, là tác phong uống rượu. Uống ào ạt, hào sảng, thống khoái, tưng bừng, uống xong liệng chén kêu xủng xoẻng. Dường như rượu là một cứu cánh cho cuộc đời bi kịch của Tiêu Phong, một chất an thần đem lại niềm vui sống. Con người Tiêu Phong vốn dĩ thuộc về đại ngàn, tâm hồn Tiêu Phong cũng rộng rãi như thảo nguyên nhưng số phận nghiệt ngã để Tiêu Phong lớn lên giữa Trung Nguyên nhiều giáo điều nhiều ràng buộc và con người Trung Nguyên thì vốn đa đoan nhỏ nhặt nên dĩ nhiên là tù túng chật hẹp và không thể có chỗ cho một tâm hồn như Tiêu Phong. Chỉ có rượu mỗi lần uống vào là hào khí dâng lên ngợp trời, đem lại cho Tiêu Phong cảm giác bay bổng tự do mà quên đi những ân oán đè nặng trên vai. Thiếu Lâm Tự cho Tiêu Phong phật tính trong người nhưng không cởi được cho Tiêu Phong cái sân si "ân đền oán trả" để rồi rơi vào vòng "oan oan tương báo" suốt đời không dứt. Định mệnh đã đến với Tiêu Phong kể từ khi Tiêu Viễn Sơn đặt chân vào trung nguyên để rồi theo Tiêu Phong cho đến chết. Định mệnh đã để Tiêu Phong mang trái tim của thảo nguyên nhưng sống với những suy nghĩ và quan điểm trung nguyên và cái mâu thuẫn này suốt đời Tiêu Phong bất lực với nó. Đoạn Tiêu Phong tự tận ở Nhạn Môn Quan, nhiều người khóc lắm luôn nhưng không hiểu sao Marduk thấy khỏe re và nhẹ cả người. Cuối cùng thì cũng có lối thoát.

Hư Trúc: Lần đọc trước đây Marduk thích Hư Trúc nhất vì cái tên Hư Trúc đọc lên nghe rất là hư vô ^^, như có như không và cuộc đời của Hư Trúc cũng vậy, tưởng có rồi lại hóa không, tưởng không mà thật ra là có. Cứ tưởng Hư Trúc là một cô nhi bơ vơ giữa đời, nhưng thật ra là còn cả cha lẫn mẹ, một đức cao vọng trọng, một tàn ác lừng lẫy và cả hai đều nổi danh trên chốn giang hồ. Cuộc đời mấy chục năm của Hư Trúc trôi qua trong lặng lẽ, có cha mẹ mà như không, rồi một ngày đột nhiên có cả hai bên mình chưa kịp hoàn hồn chưa kịp trấn tĩnh thì cả hai đều tự tận ngay trước mắt. Bi kịch của Hư Trúc không thê thảm như Tiêu Phong nhưng lại lấy của Marduk nhiều nước mắt nhất. Nhà Phật nuôi dưỡng Hư Trúc từ nhỏ nên thế giới của Hư Trúc là thế giới của Phật pháp và cứ thế mà đi theo nó như một quán tính, một kiểu ì tâm lý . Hư Trúc một lòng hướng về đạo Phật mà chưa hiểu hết Phật giáo nên không biết rằng để đến với thế giới đó thì phải có duyên., không có duyên thì có cố cũng không thành, có cưỡng lòng cũng không đạt. Marduk thương Hư Trúc nhất vì Hư Trúc không có ai chỉ cho con đường đi, đến lúc có người chỉ thì trong lòng cái mầm sân si đã nảy nở bám rễ không dễ gì dứt ra. Hư Trúc đã sống và ao ước những thứ không thể là của mình và phải đón nhận thứ mà mình không muốn/không chuẩn bị đón nhận. Số phận cũng éo le với Hư Trúc không kém Tiêu Phong nhưng vì Hư Trúc không vùng vẫy và chống đối số phận như Tiêu Phong nên sợi dây số phận không siết chặt lấy Hư Trúc như là đã siết Tiêu Phong. Cái kết cho Hư Trúc tưởng là mỹ mãn nhưng vẫn đầy mất mát, nhưng Hư Trúc đã học được cách chấp nhận mất mát và từ bỏ.

Đoàn Dự: hihi, nói về Đoàn Dự hơi thừa, Ohanami biết Marduk thích Đoàn Dự thế nào mà ^^. Nguyên bộ truyện 10 cuốn thì 3 cuốn đầu về Đoàn Dự là khiến Marduk thấy vui từng bừng và phơi phới trong lòng ^^. Đoàn Dự là nhân vật ít sân si nhất trong 3 nhân vật chính của truyện, là người giác ngộ đạo Phật một cách hết sức tự nhiên, mà buồn cười cái là Đoàn Dự lại bị cha mẹ mình gọi là Si Nhi vì đã say đã mê cái gì là quên ăn quên ngủ. Nhưng Đoàn Dự say mê mà không níu kéo, yêu tha thiết rồi thất tình thảm thiết mà không thấy hằn học hay mất mát. Đoàn Dự thả mình theo số phận, sống với số phận và mỉm cười với nó, dù số phận nhiều khi cũng tương cho Đoàn Dự vài nhát búa đau ê ẩm nhưng đau xong rồi cười, còn sống là còn hưởng thụ không khí, cảnh trí và nhan sắc, chừng nào chết thì thôi. Marduk quá thích Đoàn Dự, và thậm chí còn nghĩ làm sao mà sống khỏe re như vậy nhưng rồi biết là không thể nên thôi cũng không ép bản thân haha... Nhưng Đoàn Dự mãi mãi là một nhân vật Marduk thích nhất trong đời ^^

Nói thêm là đồng ý với Ohanami vụ cao nhân ẩn mình trong Tàng Kinh Các quét chùa, thật là khiên cưỡng quá. Sau khi Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác quậy nát Trung Nguyên thì nhân vật này xuất hiện và thảy ra một tấm nệm hết sức êm cho cả hai hạ cánh an toàn. Thật là hết nói.

-

-HH: NH thích ĐD của Trần Hạo Dân nhưng cực thích ĐD của Lâm Chí Dĩnh, có lẽ do NH thích phong thái bất cần và tự tin trong cách diễn của Lâm Chí Dĩnh hơn. Trần Hạo Dân diễn đạt nét trong sáng trong tính cách ĐD hơn nhưng vì thế mà lại thiếu đi vẻ đam mê trong ánh mắt ha. Có lẽ do NH với HH định nghĩa tính cách ĐD khác nhau nên cảm nhận khác nhau và thích cách diễn khác nhau.

NH cũng thích Tiêu Phong của Hồ Quân nhất đó, có nét man dại của cư dân nước Liêu được Kim Dung tả lại. Nói chung NH thích gần hết bản THBB 2003 luôn, chỉ là khoái xem mấy đoạn Đoàn Dự nhất.

Về mấy vấn đề chiến tranh trong truyện Kim Dung thì xem cho vui chứ kiểu giải quyết lãng mạn của Kim Dung đúng là xạo. Có lẽ vì vậy NH cũng thích xem kiếm hiệp duy trong thế giới giang hồ hơn, điều mà Tiếu Ngạo Giang Hồ làm tốt nhất khi không đề cập đến triều đình và dân tộc.

-Marduk: NH thích Thiên Long Bát Bộ với Tiếu Ngạo Giang Hồ nhất trong truyện Kim Dung đó Marduk, hai truyện hai phong thái khác nhau nhưng đều mang đến cảm giác mơ hồ rất đẹp. Tiếu Ngạo Giang hồ mang nét tự do có chút ảnh hưởng của tư tưởng Tây Phương, Thiên Long Bát Bộ thì đậm đặc tính Á Đông. Có ưu ái cho tính Á Đông hơn một chút vì mình là người Á Đông. ^^

+Tiêu Phong: NH thấy số mệnh Tiêu Phong đúng là được đặt không đúng hoàn cảnh, vì thế Tiêu Phong anh hùng là vậy nhưng không thấu triệt thế sự, Tiêu Phong quá đơn giản và thẳng thắn nên không đối phó được với thủ đoạn của Trung Nguyên. Cùng đó Tiêu Phong cũng không rút tỉa kinh nghiệm xương máu do tính khí đơn giản của mình. NH không nghĩ Tiêu Phong cả tin mà là Tiêu Phong vốn không thấu hiểu lòng người rằng người ta không hiểu mình. Tính cách Tiêu Phong vô lo nên không đoán trước được cơ sự sẽ xảy ra khi làm bang chủ cái bang, khi làm Nam Viện đại vương. Tính cách đó tạo nên số phận trớ trêu vì không thay đổi được số phận. Lúc Tiêu Phong tự tận NH thấy nhẹ lòng vì thấy Tiêu Phong được bình yên rồi.

+Hư Trúc: Hư Trúc có Thiên Sơn Đồng Mỗ phá tan tành mới thoát được chứ không NH nghĩ chắc Hư Trúc cũng vào chùa tu lại. Nhưng như vậy mới đúng tính cách Hư Trúc, chứ kiểu tính cách nhận ra mình đang sân si thì đâu còn sân si nữa. Tu mà không tin vào Phật thì chắc cũng làm bất giới sư Marduk ha. Hì hì.

+Đoàn Dự; hôm bữa NH đọc bài của Marduk, thích lắm, nhưng sống được như Đoàn Dự đúng là không dễ dàng ha. NH nghĩ do hoàn cảnh tạo ra nữa, hoàn cảnh và ngộ tính của Đoàn Dự thích hợp để tính cách đó phát triển. Còn hoàn cảnh của mình khác, ngộ tính của mình cũng khác nên cứ tự nhiên vậy, lúc cần thể hiện mình thì thể hiện mình, lúc không cần thì rụt cổ lại. Hì hì

Nói Đoàn Dự mê nhan sắc, tôn thờ nhan sắc nhưng Đoàn Dự vẫn biết giới hạn si mê của mình khi hoàn cảnh đưa đẩy lắm, không tôn sùng nhan sắc như Du Thản Chi. Dù Vương cô nương có lo cho Mộ Dung Phục đến đâu thì Đoàn Dự sau một hồi suy tính giữa tấm lòng nhi nữ với nghĩa huynh đệ cũng lao ra chịu đòn ở Thiếu Lâm Tự đó thôi. Chỉ là khi có cơ hội knock-out thì vì nhi nữ nhường tất. Tính cách Đoàn Dự thật là thú vị. Khúc Đoàn Dự tán tỉnh Vương Cô Nương trong đêm sau trận Thiếu Lâm Tự rồi rơi tõm xuống hồ Lâm Chí Dĩnh diễn đoạn đó quá xá là duyên, thích lắm luôn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review