The Front line 2011

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Là phim bom tấn xứ Hàn năm 2011 tái dựng lại hình ảnh chiến tranh đã đi qua của Triều Tiên, The Front line tạo được cú hích tương đối với dư luận Hàn trong năm 2011. Phim miêu tả lại cuộc chiến, muốn khám phá những ngóc ngách nhỏ hơn trong chiến tranh với những mảnh đời chiến sĩ giữa tiền tuyến. Bắt đầu phim là cuộc truy tìm thủ phạm giết người của quân đội Nam Hàn tại một ngọn đồi, tuy nhiên cuộc truy tìm này chỉ là cái cớ để các nhà làm phim miêu tả lại hình ảnh người lính và những khám phá mới lạ khi họ sống và trưởng thành trong chiến trường. Bằng cách miêu tả lại hình ảnh hiện tại của những người lính đan xen với những flashback về quá khứ, tác giả tả lại tâm lý con người trưởng thành ra sao, song song đó là nhân tính gia giảm hóa như thế nào khi đối diện với sự sống và cái chết. Ngoài ra còn là những mảng khối, mà xin được phép gọi là son môi mang ý nghĩa phản chiến khi đặt ra câu chuyện tình bằng hữu giữa hai biên giới, ý định mới lạ của đạo diễn "đệ tử" Kim Ki-duk, ông trùm làm phim từ nóc. Biên kịch phim này cũng là người tôi từng biết với kịch bản drama "cuồng" Royal Family.

Tôi thích cách phim miêu tả quá trình tâm lý trưởng thành của người lính, cách họ đối diện với sinh tử khi không bắn địch thì địch bắn. Thực tế thì phát súng đầu tiên là khó bắn nhất, chứ dần dần thì giết người cũng quen tay mà thôi. Dấu ấn để lại nhiều nhất với tôi chính là hình ảnh quá khứ run như cầy sấy của hai anh lính khi buộc phải cầm súng bắn tỉa hay khi bị địch bắt, nhưng hiện tại lại là hai người lính lạnh lùng nhất, bình tĩnh nhất chỉ huy những binh đoàn đi sâu vào chiến trường. Gọi là vô cảm vì người ta đã được tập dượt, và người ta hiểu cần vô cảm khi đối diện với sống chết, kiếp nhà binh sinh tử chỉ trong tích tắc nên không thể bắt khờ hoài được. Ý định miêu tả hình ảnh trưởng thành tâm lý này đã có ở Taegukgi (Cờ bay phấp phới), thâm chí Taegukgi còn mạnh tay hơn khi miêu tả nhân vật chính "tha hóa" nhân tính-Taegukki là tác phẩm viết về chiến tranh nổi tiếng xứ Hàn của đạo diễn Kang Je-gyu. Tuy nhiên Taegukgi có một căn cơ giải thích cho sự tha hóa nhân tính của người anh để mang lại tương lai cho cậu em rời khỏi cuộc chiến, điều đó khiến bao người xem xúc động, thì ở Front line (Tiền tuyến) được miêu tả lại thiếu đi hình ảnh hậu phương vương lại trong cuộc sống chiến binh, như lý do cần thiết để Taegukgi được đánh giá cao. Phim miêu tả tiền tuyến khốc liệt và hoành tráng để thể hiện chiến tranh khốc liệt, hoành tráng nhưng không miêu tả lại được người ta mong gì, hướng đến cái gì sau cuộc chiến thành ra thiếu trọng tâm. Những hình ảnh được miêu tả chỉ đơn thuần là hình ảnh chứ không tạo được sự rung động, khi con người dấn thân vào cái khốc liệt để hướng đến bình yên.

Tính cách nhân vật được phim miêu tả tương đối tốt, tình đồng đội được miêu tả thú vị, diễn viên tròn vai, nhưng tất cả dường như không cứu nổi sự rơi rụng của kịch bản cố sáng tạo khác biệt để đưa ra thông điệp phản chiến một cách hoa mỹ như một vết son hôn lên làn đạn bằng tình bằng hữu giữa những người lính Nam Bắc. Cách thiết kế câu chuyện liên quan đến đề tài phản gián, với bí mật để khiến khán giả khám phá làm phim trở nên là một cuộc trình diễn dát hoa lên chiến trường thảm khốc nên thông điệp phản chiến trở nên xa vời, phi thực tế, trống rỗng đến vô cảm. Cùng đó cách thiết kế tình huống đưa đến những cái chết và những cuộc đổ máu của binh sĩ không hợp lý, mang đậm màu sắc biểu diễn lại càng khiến phim như một sân khấu về chiến tranh, nơi biên kịch nhảy múa với ngòi bút và đạo diễn vung tay thiết kế để tự thể hiện.

Nhắc về phim chiến tranh mang tính nghệ thuật thì Inglourious Basterds, một bộ phim phi lịch sử như The Front line, của Quentin Tarantino, nhưng Inglourious Basterds thể hiện ngay chất "ngông", phá cách của đạo diễn hướng đến ý niệm "nghệ thuật" phá hủy mọi thực tế bằng những cảnh bạo lực choáng sốc, lộn trái lịch sử để thể hiện ranh giới bất phân giữa Thiện Ác, mọi ranh giới đều lu mờ ở Inglourious Basterds để mỗi cá thể con người đều chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp nhất, thì cũng chứa đựng những gì xấu xa nhất. Cách Quentin Tarantino "biểu diễn" góc nhìn của mình khiến phim của đạo diễn lập dị người Mỹ này chứa đầy những câu hỏi về tính người khi đối diện với bản năng sống còn. Nhưng Front line không phải là một phim thể hiện ý niệm đó, phim vẫn hướng đến số đông khán giả, nhưng vẫn không muốn đến gần khán giả hơn như Taegukgi đã từng làm, mà sáng tạo trên một cung đường trắc trở để đưa ra thông điệp "ngọt ngào" đến với số đông rằng tình bạn vượt qua biên giới, nhưng theo tôi thì cái biên giới ấy là biên giới trên giấy tờ chứ không phải lòng người để khiến người xem đồng cảm và thẩm thấu nhiều hơn. Một tiền tuyến thiếu hình bóng hậu phương, tâm hồn thiếu vắng những ước nguyện được trả về với bình yên nên câu chuyện giấy tờ trên phim vô tình mang đến một thế giới vô tình và quá "phẳng", không bắt nhịp được với cung đường mòn mà người ta mò mẫm vào cuộc chiến. The Front line thiếu đi trọng tâm chông chênh của bất cứ cuộc chiến nào, ngay cả trong tưởng tượng, nên những chiêu thức với bí mật "câu" khán giả không níu lại được nhiều cảm xúc từ nguời xem là một điều đáng tiếc cho nỗ lực của các diễn viên đã cố gắng hoàn thành vai diễn, dù các nhân vật đều được biên kịch và đạo diễn cho "tèo" vì những lý do chưa hoàn toàn hợp lý (aka nằm yên cho bóng hồng chiến trường tỉa ba phát đạn), và để quang cảnh mất mát thêm đôi phần hoành tráng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review