Shiroi Kyoto 2003 - Bạch Cự Tháp, chóp bu và những chiếc bóng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần giới thiệu:

Phim ảnh có nhiều loại, có hạng chẳng đáng ba xu, nhưng cũng có loại khi xem phải khiến người xem nghiêng mình nể phục. Nể phục không phải vì nó hào nhoáng hay hài hước quá với những tràng cười giải trí, mà nể phục vì phim phản ánh lại được hiện thực với những góc nhìn đầy gai góc về cuộc đời và về giá trị nhân bản mà phim gởi gắm ở những sự sống. Shiroi Kyoto là dạng phim khiến người xem phải nghiêng mình nể phục nó vì góc nhìn trực diện, không khoan nhượng về những thứ được cho là thánh thiện trên cuộc đời này, mà ở đây là vấn đề y đức.

Shiroi Kyoto là một phim chuyên nghành y khoa, nhưng phim bàn sâu sát nhất là về y đức, một vấn đề dễ liên hệ hơn rất nhiều so với những kiến thức chuyên khoa chán ngán mà chẳng ai muốn hiểu, ngoại trừ dân y. Chính vì thế phim miêu tả thế giới y khoa thông qua cuộc sống của những bác sỹ trong một bệnh viện hàng đầu tại Nhật Bản, nơi người ta chính trị hóa y trường một cách nhuần nhuyễn, thâm sâu như những cơn sóng ngầm cuốn xoáy bất cứ ai đi sai đường. Thế giới y khoa ấy cũng là thế giới mà lợi ích cục bộ luôn được ưu tiên hàng đầu thay vì những khẩu hiệu sáo ngữ thường được giăng lên không biết ngượng ngùng. Thế giới ấy là một thế giới trông bình lặng nhưng tàn nhẫn đến khốc liệt nếu bạn chạm vào những tử huyệt của nó, và nó sẽ tỏa đi những vòi bạch tuột để thanh lý những yếu tố ngoại biên. Lợi ích chung ở đâu ư, ở trong mơ ước mà thôi! Đừng hy vọng hão huyền vào lợi ích chung được gion giỏn rao ở những bản tin hay bài thuyết giảng, lợi ích chung chỉ đến cùng nguyên lý Bàn tay vô hình mà thôi, nơi người ta vừa làm lợi cho mình, nhưng cũng vừa làm lợi cho đời. Shiroi Kyoto miêu tả lại nguyên lý Bàn tay vô hình trong thế giới y khoa một cách sắc sảo và thâm trầm từ góc nhìn của những tác gia, nhà làm phim có tầm nhìn và có đủ hiểu biết những vấn đề tâm lý chuyên sâu.

Điểm đặc sắc nhất ở Shiroi Kyoto là sự tinh giản nhưng cực kỳ chặt chẽ. Những áng tâm lý được phim miêu tả chân thực, sâu sát với vị thế những nhân vật được đặt vào. Shiroi Kyoto là một dạng phim tâm lý cân não nhân vật trong phim cũng như người xem ở ngoài, đòi hỏi người xem một cách thưởng thức nghiêm túc trong không gian căng thẳng với mâu thuẩn mang tính chất bất đặng đừng. Những mâu thuẩn trong phim tiệm cận sự hoàn hảo nên chẳng thể bắt bẻ được, phim không có một đoạn thừa thãi nào, không có một đoạn trình diễn nào. Mà tình tiết trong phim chuyển động tịnh tiến và khép kín vòng tuần hoàn với những nút thắt ngày càng cao hơn, chặt hơn để đưa đến cảm giác cân não chẳng thể dứt ra được-cảm giác thuyết phục người xem tuyệt đối trong dòng phim tâm lý mà không cần đến một yếu tố hù dọa người xem như những bí mật động trời, cái chết cận kề để người xem lo sợ như movie Vô gián đạo đã thực hiện rất thành công trong dòng phim tâm lý tội phạm. Shiroi Kyoto vượt lên những thể loại ấy, khi đề cập đến một vấn đề mang tính nhân văn bằng góc nhìn nhân bản, một điều mà rất hiếm phim nào có thể diễn đạt được. Phim để lại những câu hỏi hóc búa và những thực tại đẹp một cách oan nghiệt trái ngang về số phận, về con người và về ước mơ khiến người xem thắc thỏm nghĩ về bản thân, về gia đình và sự nghiệp.

Bản phối đầy đủ bài Tomorrow sử dụng trong phim ở , bản phối nguyên gốc của Takashi Kako ở .

Như đã nói phim có một phong cách tinh giản, nhưng không chỉ ở nội dung mà còn ở cách dàn dựng với những góc quay sắc lạnh trầm ngâm và những ca khúc không lời với bài thánh ca Amazing Grace như khúc chiêu hồn thăm thẳm đi vào cảm nhận của người xem. Diễn xuất của diễn viên thể hiện đầy đủ góc khuất trong tính cách nhân vật với độ chân thật cực kỳ cao, không hề lên gân, không hề thiếu đi ánh mắt thấu hiểu cho thấy sự già nghề của dàn diễn viên am hiểu đầy đủ tâm lý con người, thứ được tác gia và biên kịch gởi gắm vào từng nhân vật. Chính vì điều đó tạo nên sự cầu thị chân thật hiện diện trong từng thước phim khiến người xem đắm mình trong không gian ấy. Shiroi Kyoto là một phim cực kỳ gần gũi mà cũng cực kỳ xa cách khi nói về những vấn đề đời thường với cách kể chuyện tuần tự mà không hề thiếu đi tính hấp dẫn của dòng điện ảnh tâm lý. Vấn đề đắt địa nhất mà Shiroi Kyoto đạt được là sự đa chiều và tầm nhìn cao phù hợp với một bộ phim có nội dung sâu khiến phim cân bằng gần như tuyệt đối, miêu tả những thái cực đối lập nhau để người xem khó có thể bắt bẻ. Một phim được đầu tư công phu bởi đài Fuji TV nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập đài nên gần như không khiếm khuyết khi người xem hòa vào vào cuộc đời những nhân vật, cũng như lý tưởng của họ và những cuộc chiến cân não giữa những con người học thức thật sự được dựng lên phim.

Xem phim để cảm nhận nét thâm trầm, nét hóc hiểm của những hệ tâm lý đặt trên tòa tháp đỉnh cao, tòa tháp lồng lộng giữa những cơn gió vô hình của lòng người, để thẩm thấu một chút sự cao sâu của lòng người, để thấm nhuần những cái giá phải trả cho những mong ước giản đơn mà cao vút, và để khâm phục sự đanh thép trong cách nhìn nhận và phân tích vấn đề mang đầy tính hiện thực nhưng nhân bản ghi khắc vào sâu thẳm trái tim người xem. Một drama Nhật hay nhất theo cảm nhận của tôi, như những bụi tuyết kim cương long lanh giữa trời đông giá lạnh để rồi trở thành ánh sáng lấp lánh qua đôi mắt người xem.

Phần sau có chứa loáng thoáng spoilers nếu người đọc tinh ý, vì vậy chỉ thích hợp với những ai đã xem phim.

Phần phân tích:

Shiroi Kyoto (Bạch Cự Tháp) là câu chuyện bàn sâu về y đức và lý tưởng của những bác sĩ hiện đại trong một bệnh viện hàng đầu, giới chóp bu của nghành y Nhật Bản. Thế giới chóp bu của một thứ gì đó cũng là một thế giới khắc nghiệt với hàng loạt cuộc đấu đá loại thải ngầm định diễn ra khốc liệt và dai dẳng, nơi tài năng chỉ là tiền đề cho sự tồn tại, còn tồn tại được hay không lại phụ thuộc vào nhân cách ứng biến với thời thế nhiều hơn.

Shiroi Kyoto là một phim về y khoa, nhưng như đã nói nó không chú ý bàn đến kỹ thuật y khoa, thứ mà các phim rất hay sử dụng để lòe thiên hạ. Shiroi Kyoto bàn sâu đến y đức, vấn đề thời sự trầm kha đối với những ai từng đặt chân đến bệnh viện, khi tiến lại gần một chút cán cân sinh tử mà mỗi nguời chỉ gặp đôi lần trong đời.

Tôi khâm phục tư tưởng người Nhật ở cách họ nhìn nhận vấn đề, diễn giải nó một cách trực diện, đa chiều, sắc sảo với một phong thái điềm nhiên không lên án nhưng cũng không khoan nhượng. Và đối với Shiroi Kyoto là đỉnh cao của vấn đề y đức được biên kịch và đạo diễn khoét sâu cay để khiến người xem trăn trở, nhức nhối và chấp nhận một vấn đề như chính hiện thực nó diễn ra, nhưng vẫn không thôi hy vọng.

Bác sỹ vẫn được đời ngợi ca hiền đức nhân hậu, nhưng nào ai bắt buộc được bác sỹ phải hiền đức được đâu? Hiện thực xã hội vốn chỉ cho phép những lý thuyết suông ấy sống thư thả trên sách vở, chứ không phải là một môi trường thực tế cạnh tranh khốc liệt. Người xưa thường nói "có ở trong chăn mới biết chăn có rận", thì có ở trong môi trường nào đó mới hiểu môi trường ấy đều có khuyết lẫn ưu. Vấn đề bản chất không thay đổi, chỉ khác nhau ở cách thể hiện và mức độ thể hiện mà thôi, và Shiroi Kyoto là một câu chuyện thể hiện những cuộc đấu tranh đơn giản nhưng cân não ở chốn y trường, nơi cũng không thoát khỏi lưới giăng của quyền lực và lòng tham bên cạnh y đức và hoài bão chân thành đối với những con người nghành y.

Nhiều người thường muốn nghĩ thế giới của bác sĩ là một thế giới nhân đức hết lòng vì bệnh nhân, và họ đánh đổi ý nghĩ đó bằng sự trân trọng dành cho người nắm giữ trong tay mạng sống của người khác rồi tha hồ ca tụng hay lên án. Nhưng đó là khi người ta đứng trên cương vị nghiêng về bệnh nhân người ta mới nghĩ thế, còn bác sỹ họ không nghĩ vậy. Cứu người là nhiệm vụ của bác sỹ, nhưng trước khi là một việc thiêng liêng thì công việc cứu người là nghề nghiệp của một con người-bằng xương bằng thịt. Trước khi ai đó làm bác sỹ, họ phải là một con người là một hiện thực không thể thay đổi. Những sự ca tụng y đức ngút trời chỉ là định hướng, ý nghĩ đẹp đẽ nhưng xa rời thực tế dùng để định hướng y đức chứ không phải kim chỉ nam để mọi bác sỹ phải răm rắp nghe theo. Điều mà các bác sỹ nghe theo là định luật cân bằng bù trừ tự nhiên mà thôi, trong đó sự trọng vọng của xã hội chỉ là một yếu tố. Định hướng đẹp đẽ mà người ta thường ngợi ca chỉ là một nước cờ để xây dựng niềm tin nhắm vào những bệnh nhân có tính mạng đang nguy hiểm, để họ tin và họ cố gắng sống. Nó là những bài học cơ bản để các bác sỹ học đầu tiên, nhưng mấy ai ghi nhớ những bài học cơ bản thật sự đâu? Người ta vốn dễ nhàm chán với những thứ cơ bản để tìm đến đỉnh cao.

Zenzen và Satomi là hai bác sỹ tài năng, tuy họ thân với nhau nhưng có tính cách hoàn toàn trái ngược. Zenzen là một bác sỹ ngoại khoa tài năng bậc nhất bệnh viện Naniwa, vượt cả người thầy Azuma là Trưởng khoa Ngoại hiện giờ. Trong khi đó Satomi là bác sỹ nội khoa, nhà nghiên cứu bệnh học tài năng với những giải thưởng danh giá. Cả hai đều là phó trưởng khoa của khoa Ngoại và khoa Nội hiện giờ, Satomi chẩn bệnh và Zenzen mổ cho bệnh nhân. Hai người bạn rất khác biệt nhưng dung hòa tính cách vì lý do muốn cứu sống người bệnh. Và quan trọng là cả hai đều tin tưởng vào tài năng của nhau. Nhưng Zenzen bản tính vốn tỉ mỉ và tham vọng, hoặc ít nhất tham cái gì mình đã đầu tư công sức vào và ngỡ sẽ có. Còn Satomi là một bác sĩ ham thích công việc thật sự, anh muốn nghiên cứu, muốn sáng tạo những cách thức chữa trị mới cho bệnh nhân ung thư. Satomi là một bác sỹ nội khoa lý tưởng, một bác sỹ tận tâm vì nghề nghiệp, nhưng như bản tính của anh, anh thiếu quyết đoán và hơi ôn hòa quá mức nên không thể tự quyết định vấn đề, đôi lúc trở thành con cờ để người khác lợi dụng chứ không như Zenzen, người luôn muốn tự làm chủ cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Tài năng cũng là một cái tội trong việc để mất lòng người. Zenzen làm mất lòng giáo sư Azuma chỉ bởi anh tài năng hơn thầy. Vì khi có tài thì người ta ngông cuồng hơn, hiểu giá trị bản thân mình hơn. Zenzen bị cuốn vào cơn xoáy tranh quyền đoạt vị bởi vì anh biết có thể mình sẽ bị cướp mất đi chức Trưởng Khoa Ngoại mà anh đã đầu tư 8 năm trời dưới trướng giáo sư Azuma. Người có tài không bao giờ chịu khuất phục dưới trướng nguời kém tài năng hơn, vì lòng hiếu thắng là chính, nhưng vì chân lý được người có tài nắm bắt nhanh nhạy hơn, nhưng cũng buông tay nhanh hơn người chậm mà chắc. Zenzen quyết định mổ bí mật cho một bệnh nhân được trưởng khoa Ngoại Azuma chẩn bệnh sai, ca mổ thành công nhưng việc mổ bí mật đó là vấn đề mà Zenzen đã lạm quyền, và giáo sư Azuma càng củng cố quyết tâm tìm người thay thế Zenzen hơn.

Như một con thú khi bị tổn thương với niềm tin bản thân mình đúng-nhưng bị chèn ép, Zenzen lao vào cuộc chiến với những chiêu trò, thủ đoạn vận động hành lang cùng sự trợ giúp của bố vợ để đạt được vị trí mơ ước. Nhưng anh không biết bản thân mình cũng bị cuốn trôi vào cơn mê lực nhiều tầng của quyền lực và cảm giác chiến thắng. Nếu giáo sư Azuma không nhận thấy tham vọng của Zenzen, hay thông cảm cho tuổi trẻ của vị bác sỹ tài năng một chút thì có lẽ đã không khơi lên tàn thuốc hiếu thắng âm ỉ trong Zenzen thành ngọn lửa như thế, và có lẽ tâm hồn Zenzen đã nhẹ nhàng hơn khi bước lên chức Trưởng Khoa. Tài năng và tham vọng không phải là điều xấu, nhưng chỉ cần người cầm trịch định hướng đường đi nước bước nhầm lẫn sẽ dẫn đến những cuộc soán ngôi khốc liệt, mà tất cả đều phải lợi dụng và bị lợi dụng lẫn nhau.

Trong quá trình thứ nhất của Shiroi Kyoto thì phim viết về những đòn tâm lý cân não của Zenzen và giáo sư Azuma để Zenzen leo lên chức. Thế giới ngầm của những vị bác sỹ cũng hướng đến quyền lực và quyền lợi như những thế giới ngầm khác. Phim miêu tả của đấu tranh giữa những vị bác sĩ bằng tài năng, bằng vận động hành lang, không chỉ thế còn là thế giới của những bà vợ bác sỹ mê muội trong danh vọng, thứ mà xã hội hiện nay đề cao là đẳng cấp, nhưng người ta đâu dễ nhận biết sống trong đẳng cấp càng cao là cả một áp lực tâm lý càng lớn, đến mức có thể nuốt chửng cuộc đời của nhiều con người. Sống trong danh vọng là sống trong áp lực vì cần phải giữ danh vọng ấy. Người ta không hẳn không biết, chỉ là người ta than thở nhưng không có can đảm từ bỏ nên càng ngày càng đeo lên vai những gánh nặng mà không hay. Zenzen bị cuốn vào quyền lực vì bị quyền lực đàn áp, anh muốn được tự do để xử lý mọi chuyện, đó chính là lý do khiến Zenzen háo thắng lao vào cuộc chiến tranh quyền đoạt vị đầy cam go. Nhưng cần dấn thân vào cuộc chiến, Zenzen càng khám phá sâu hơn thế giới ấy, bất ngờ với những mánh khóe, những thủ đoạn và thái độ điềm nhiên của những con nguời đã từng kinh qua những cuộc đấu đá như thế khi họ đã bàng quang và thản nhiên.

Tôi không nói giáo sư Azuma đã làm sai, nhưng giáo sư Azuma là người đã mở gông cho tính háo thắng của Zenzen vượt ngục, và tiến những bước dài trên con đường định mệnh. Zenzen đã chọn con đường làm chủ định mệnh của mình bằng cách đạp lên nó mà đi, thay vì chịu đựng để đạt được mục đích. Zenzen bước đi mà không ngoảnh đầu lại, lòn lách để trườn đến mục tiêu bằng bất cứ giá nào vì chính vị giáo sư đã dạy cho cậu một bài học sắc lẻm về giá trị của quyền lực và lòng trung thành. Cuối cùng Zenzen là người chiến thắng, nhưng chỉ khi đứng trên đỉnh thì gió mới mạnh, Zenzen lặp lại sai lầm như giáo sư Azuma, vì khi trên đỉnh cao quyền lực thì người ta lại càng cố chấp, lại càng độc đoán hơn. Chính bởi quyền lực khiến người ta đánh mất sự cầu thị và như thế người ta càng cô độc, mà giáo sư Azuma là người đi trước, Zenzen tiếp bước theo sau trên cung đường quyền lực ấy, tuy nhiên Zaizen háo thắng hơn nên vội vàng hơn và vấp ngã nhanh hơn.

Câu chuyện tranh quyền đoạt vị ở 10 tập đầu chính là bước khởi đầu cho một ngã rẽ, bước khởi đầu đầy gây cấn và đầy mai mỉa cho những góc khuất của quyền lực nơi cánh cửa sinh tử của bệnh nhân. Cho dù dư luận phản ứng như thế nào đi nữa, lên án thế nào đi nữa thì câu chuyện tranh đấu vẫn sẽ diễn ra, với những cách thức khôn khéo hơn mà thôi, bởi quyền lực gắn liền với những cuộc đấu đá như thế nên khi quyền lực còn tồn tại và phân cấp thì những chiêu thức ngày càng tinh vi là chuyện dễ hiểu, nơi những con người lợi dụng nhau để kiếm chác điều mình muốn, để cùng nhau luồn lách kiếm những con đường đến gần với khao khát hơn. Thế giới của quyền lực vốn không bình lặng, và những con người ngoi lên càng cao thì sẽ càng lãnh cảm trước cuộc đời, bởi họ đã đánh đổi cảm xúc đủ nhiều để bước lên nhau nhằm giành lấy địa vị họ đang có.

Trời vốn chẳng cho không ai điều gì bao giờ! Và bởi vì con người không hoàn hảo. Nên trời sẽ lấy lại đủ những gì trời đã ban, trong lúc này hay lúc khác mà thôi.

Zenzen vì quá cố chấp nên đã lơ đễnh trong việc điều trị cho bệnh nhân, anh áp đặt khả năng mổ tuyệt đỉnh của mình có thể cứu chữa nhanh nhất, gọn nhất cho căn bệnh ung thư thực quản của bệnh nhân, nhưng anh quên rằng khả năng con người là có giới hạn, và khả năng mổ cứu người của anh cũng có giới hạn. Anh đắc thắng với chiến thắng trên đấu trường chính trị tại bệnh viện khi anh đã đẩy giáo sư Azuma ra khỏi cái ghế trọng vọng để nhường lại cho anh, và anh quyết định tưởng thưởng cho bản thân một niềm vui ngắc ngư trên chiến thắng như thế để đi mổ cho bệnh nhân thay vì cúi chào người thầy trước của mình lần cuối. Ca mổ cuối cùng để anh chiến thắng tuyệt đối giáo sư Azuma với lời thách thức trước đó, vì vậy anh muốn được thỏa sức tung hoành ngày cuối cùng mà giáo sư Azuma tại vị, để ông ta biết mùi vị chiến bại ê chề đến như thế nào.

Tại Warszawa, nơi tuyến đường ray định mệnh từ Thế Chiến thứ 2, anh đã chọn lựa làm chủ cuộc đời mình, làm chủ lý tưởng để không ai có thể cản chân anh. Anh muốn chinh phục những đỉnh cao nên hấp tấp, và chính sự hấp tấp ấy đã ngán chân anh. Sự tha hóa trong nhân cách, khi người ta quá khó khăn để có được thì cũng sẽ rất khó khăn để từ bỏ, khiến anh rất khó để nhận sai sót và chịu trách nhiệm. Con người vốn dĩ là những thực thể yếu đuối, và Zenzen cũng vậy, cũng yếu đuối sau vẻ mặt cong cớn giữ lấy khư khư quyết định-tự anh cho là đúng đắn. Anh hy sinh mọi thứ để giữ lấy công trình quyền lực đã dày công vun đắp, đã bẽ mặt để đặt tay lên cho dù có phải bẻ cong cuộc đời người khác, bẻ cong cả lương tâm trong những cơn mơ dằn vặt khôn nguôi về cái chết của người chồng, người cha của hai mẹ con nhà bán cơm trưa ấy. Cuộc đấu bây giờ không phải tranh giành quyền lực nữa, giờ đây nó là cuộc đấu tranh bằng pháp luật của một bên là giành lại công bằng cho người thân, một bên là giữ lấy địa vị của bản thân mình. Cuộc đấu tranh ấy là cuộc đấu trứng chọi đá, và Zenzen là hòn đá vững chắc cùng Naniwa, bệnh viện danh tiếng số 1 Nhật Bản.

Phần 2 của phim là hành trình thứ hai của cung đường quyền lực, hành trình tâm lý đanh thép mà biên kịch đã gởi gắm để vẽ nên con dốc thoải triền xuống của quyền lực, với những đòn tâm lý cân não giữa hai bên chiến tuyến. Người bạn thân Satomi, người đã từng nhu nhược trước sự quyết đoán của Zenzen đã đứng lên để chỉnh lý tâm lý của Zaizen, tâm lý đắc thắng mà quên đi những điểm cơ bản khi đến với ngành y, cứu người luôn được ưu tiên trước tiên thay vì muốn cứu thật thật nhiều người mà lơ là những bệnh nhân nhỏ nhoi. Satomi đại diện cho những gì cao đẹp nhất của một người bác sỹ, hết mình và tận tâm với bệnh nhân. Một con người sinh ra để người khác trân quý cho sự chân thành mà anh đeo đuổi, nhưng Satomi vốn chỉ thích hợp ở một môi trường lý tưởng chứ không phải là một cá thể có thể thích nghi với tất cả môi trường. Vị trí của Satomi có được hiện nay hoàn toàn là nhờ vào tài năng của anh, nhưng anh không nhận thấy Trưởng Khoa Nội Ugai đang lợi dụng anh để có được kết quả nghiên cứu có lợi cho bệnh viện Naniwa, thông qua đó sẽ mang đến những món lợi hời cho ông ta trên cung đường tranh giành quyền lực. Ugai là một người nham hiểm, trong khi đó Satomi lại quá ngây ngô khi không hiểu mình chỉ là quân cờ của người khác. Satomi là một người tốt và anh có tài năng, nhưng anh cần có một người bạn tham vọng như Zenzen để có thể thấu hiểu thật sự mục đích nghiên cứu của anh là cứu chữa bệnh nhân, chứ không phải một tòa tháp nghiên cứu trọng vọng. Zenzen có đôi lúc muốn lợi dụng Satomi trên cung đường đoạt danh đoạt vị của mình, nhưng Zenzen là người hiểu lý tưởng của Satomi nhất, hiểu ước mơ và ước nguyện của Satomi luôn hướng về bệnh nhân, nên Zenzen muốn sát cánh bên Satomi, muốn làm một người tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho Satomi thành công.

Tình bạn giữa Zenzen và Satomi là một tình bạn giản dị, đẹp đẽ tồn tại trong mâu thuẩn cùng một đích đến nhưng lại khác đường đi. Zenzen chọn con đường vội vàng hơn Satomi. Zenzen muốn cứu chữa nhiều người để rồi bỏ qua một vài bệnh nhân nào đó cũng chấp nhận. Zenzen không có tính cách tận tụy như Satomi, nhưng Zenzen vẫn là một bác sỹ đã cứu chữa không biết bao nhiêu người. Những trận tranh luận giữa hai người bạn-hai bác sỹ về bệnh tình của bệnh nhân cho thấy khao khát ấy, khao khát cùng chữa bệnh cứu người. Zenzen có thể hách dịch lấy mạng sống của bệnh nhân trao đổi sự giúp đỡ của Satomi, nhưng Zenzen cũng sẽ đứng đằng sau để thực hiện ca mổ khi biết không thể chiến thắng Satomi bằng những đòn tâm lý như thế. Zenzen ngầm tôn trọng, hay nói rõ hơn là yêu quý Satomi, một sự yêu quý nhân cách của cái đẹp, cái thánh thiện của một con người chân thành. Và Zenzen yêu quý Satomi vì anh biết không thể khuất phục được người bạn đồng niên này. Tình bạn giữa Zenzen và Satomi là một tình bạn hục hặc nhưng keo sơn, để ngay cả khi Satomi đứng ra làm chứng chống lại Zenzen trên tòa án thì Zenzen vẫn hiểu và vẫn tôn trọng quyết định của người bạn mình. Họ chưa bao giờ là kẻ thù ngay cả khi đứng trên hai chiến tuyến. Satomi chấp nhận từ bỏ tất cả để đổi lấy nhận thức Zenzen đã sai, Zenzen không hoàn hảo để Zenzen khắc phục tính đắc thắng. Nhưng Zenzen là con ngựa bất kham với tâm lý càng chiến càng hăng, càng thôi thúc phải chiến thắng bằng bất cứ thủ đoạn nào. Zenzen là kiểu người có thể đạp bằng mọi thứ để đạt được mục đích sau khi đã quyết định làm chủ định mệnh nơi ngã rẽ định mệnh ở Warszawa. Chính vì tôn trọng nhau, hiểu nhau, nhưng chưa bao giờ đồng quan điểm với nhau nên Zenzen và Satomi chưa bao giờ phụ thuộc vào nhau càng khiến họ không thể thoát khỏi nhau, thoát khỏi nỗi ám ảnh tại sao người kia lại phải sống một cuộc sống như thế! Nhưng chính như thế lại khiến tình bạn của họ trở nên đẹp hơn bao giờ hết, thứ tình bạn mà hai người không thân thiết với nhau nhưng nể trọng nhau. Zenzen đến cuối cùng vẫn muốn Satomi được nghiên cứu ung thư bên cạnh mình, Satomi đến cuối cùng vẫn muốn bên người bạn vong niên của mình để chăm sóc cho Zenzen. Tình bằng giữa những người chưa bao giờ cả nể nhau khiến câu chuyện giữa họ trở nên chắt chiu hơn nhưng lại xúc động hơn, vì hai con người ấy tôn trọng nhau, vẫn luôn tôn trọng nhau cho dù có đi những ngã rẽ khác nhau đi nữa.

Nhưng con người luôn luôn yếu đuối, yếu đuối trước danh vọng phù hoa, và yếu đuối với thời gian xoay vần. Cuộc đời mỗi người luôn có những ước nguyện và người ta hoạch định đời mình đi theo những chuỗi đời tuần tự. Có thể có người đạt được ước vọng hoặc không, nhưng cũng có người đành phải dừng lại bởi bức tường thời gian. Thời gian vô hạn, mà đời người hữu hạn nên thời gian cũng thành hữu hạn. Mỗi con người đều được Thượng Đế ban cho ngần ấy thời gian để sống, để yêu thương và để cống hiến lẫn tận hưởng. Nhưng Thượng Đế không báo trước người ta có bao nhiêu thời gian bao giờ. Bác sỹ là người níu lại thời gian cho những cuộc đời khác, nhưng bác sỹ cũng là những con người mà thôi. Họ đều phụ thuộc vào số trời an bài và được đưa rước bởi những chu kỳ tuần hoàn khép kín của kiếp nhân sinh. Điều quan trọng hơn là dù Zenzen cố gắng mạnh mẽ thế nào trên cuộc đời này thì anh cũng là một kẻ yếu đuối với thời gian, Zenzen cuối cùng đã được yếu đuối, đã được buông tay với những tham vọng-những tầng nấc trung gian mà anh cố gắng vượt qua để chạm tay vào lý tưởng. Để anh thanh thản tin tưởng của nguời bạn Satomi sẽ tiếp tục sự nghiệp cứu chữa bệnh nhân mà anh còn gởi gắm ở Trung tâm nghiên cứu Ung thư bệnh viện Naniwa. Zenzen ứng xử vị kỷ, Satomi rộng lượng nhưng cả hai đều muốn cứu chữa bệnh nhân, dù mục đích của Satomi là mục đích đơn thuần, trong khi đó với Zenzen là để khẳng định bản thân trên chính trường y học.

Có mấy ai dám nói mình không tham cầu danh vọng khi có một tài năng như Zenzen, tài năng khiến cả những giáo sư khả kính phải nể phục, nhưng Zenzen vẫn là một người trẻ trên cung đường danh vọng nên anh hiếu thắng, đắc thắng để rồi va vấp. Những người ngăn anh lại không hẳn là muốn anh thất bại, mà họ muốn anh mạnh mẽ hơn để đối diện với lỗi lầm, đối diện với góc khuất trong chính bản thân anh. Nhưng đến cuối cùng dường như chẳng ai có thể ngăn anh, để rồi nhiều người bỏ anh ra đi, bỏ đi thật xa thế giới đầy những e dè lo sợ để chọn cuộc sống thanh thản hơn. Người tham vọng thường là những người cô độc, mà Zenzen là một ví dụ điển hình khi không thể sống một cách rõ ràng và dứt khoát khiến tình yêu hướng về một nơi, địa vị hướng về một hướng để rồi người tình và vợ vẫn hồn một nơi thân thể một nẻo. Zenzen tham vọng đủ đầy nhưng rồi có biết đâu chẳng thể có gì trọn vẹn nếu không dám đánh đổi, dám lựa chọn dứt khoát như Satomi. Cuộc đời Zenzen là những dấu hỏi cho người xem, những dấu hỏi lặng lòng về tham vọng, về tình người và về hạnh phúc khi niềm hạnh phúc của anh, sống hết mình cho sự nghiệp cứu người cũng đành phải gởi lại người bạn Satomi.

Cuộc đời Zenzen là những chuỗi công tội không rạch ròi. Có người sẽ trách Zenzen tham vọng, nhưng cũng có người sẽ đồng ý với cách làm của Zenzen, bởi Zenzen rất người, bước qua mọi vật cản để ngoi lên thế giới chóp bu khắc nghiệt. Những con người tài năng càng nhiều thì sẽ càng dễ đi quá giới hạn, mà Zenzen là người như thế, và đó chính là cái tội lớn nhất của Zaizen khi đi quá giới hạn chịu đựng của từng người bên cạnh mình. Zaizen cô độc khi cố gắng khắc nghiệt để tồn tại trong thế giới khắc nghiệt, khi anh tham vọng thay đổi môi trường xung quanh quá sức của mình. Zenzen thủ đoạn, hèn hạ và cố chấp cực đoan trong vụ việc để chết bệnh nhân ấy, nhưng chúng ta không thể phủ nhận bên cạnh sự cực đoan ấy là những công án của Zaizen đối với bệnh nhân, đối với bệnh viện. Con người ai cũng có đôi lần lầm lỡ, nhưng những con người được đặt trong tâm điểm thường được thần tượng hóa lên nên sẽ không được quyền mắc sai lầm. Công án không bao giờ là tin giật gân cho báo giới, nhưng tội án thì lan nhanh như vũ bảo để khiến mọi việc đi đến giới hạn cuối cùng. Trách là trách Zaizen đã phạm sai lầm, nhưng lại không biết cách đối diện với sai lầm của mình một cách bản lĩnh hơn, Zaizen trốn tránh do đã đặt những ván bài quá nặng đô vào canh bạc đời, và vì thế dù thế nào đi nữa Zaizen cũng là người thua cuộc vì Zaizen là người không nắm chân lý trong tay, anh đấu tranh bất phân lý lẽ, đấu tranh chỉ để giữ lấy giấc mơ nên đã vô tình mù quáng bước đi.

Nhưng rồi, anh cũng được/bị ra đi bằng chính những nguyên nhân mà anh muốn khuất phục nó nhất. Trên cung đường định mệnh ở Warszawa không biết anh đã chọn con đường nào, nhưng chắc chắn định mệnh đã chọn con đường cho riêng anh, đã dọn sẵn và đón chờ anh ở cánh cổng oan nghiệt mà dịu dàng ấy. Anh đã cố gắng tranh đấu bằng tất cả hơi sức, bằng tất cả khả năng và anh có thể đã thắng, có thể đã thua nhưng anh chưa bao giờ biết cách tự cởi trói cho mình, cởi trói cho trái tim có quá nhiều ràng buộc, quá nhiều món nợ đời để anh dấn thân sâu thẳm vào quyền lực và u mê. Đến phút cuối cùng anh được định mệnh chọn cho một con đường duy nhất, con đường không để anh có thể lựa chọn lần thứ hai, con đường bắt đặng đừng bắt anh học cách chấp nhận, chấp nhận tất cả để dịu đi lòng người và dịu đi chính cõi lòng anh. Những tiếng cảm ơn anh nhắn gởi lại cho vợ, cho người tình hay những tiếng cảm ơn được mẹ anh gởi gắm cho anh như nhẹ lòng người, nhẹ lòng cho một kiếp người đã dấn thân hết cung đường định mệnh phải đi. Có đôi người sẽ xem đó là trả giá, là quả báo nhưng được như thế thì chính Zaizen mới chính là người nhẹ lòng nhất, đến cuối cùng anh vẫn muốn tự chọn cuộc đời cho chính mình, muốn hiến đời mình cho những chuỗi nghiên cứu nối tiếp nhau. Một sự lựa chọn cuối cùng khiến những người từng khinh bỉ anh, từng bực bội với nhân cách và cách ứng xử của anh được nhẹ lòng, được hiểu anh bởi anh đến cuối cùng vẫn là một con người, không hoàn hảo và yếu đuối nhưng đã mạnh mẽ sống và cống hiến cho chính mình và chính đời. Bởi được sống, cống hiến và tận hưởng, được lạc lối và được tìm về đã là ân điển diệu kỳ nhất đối với một đời người. Mỗi người đều là nô lệ của chính lòng mình, đều là nô lệ của những thứ vô hình nên chỉ có buông tay mới thật sự được tự do, mới thật sự chìm trong yêu thương và thứ tha, bên nhau được yêu thương và thứ tha.

The earth shall soon dissolve like snow,
The sun forbear to shine;
But God, who call'd me here below,
Will be forever mine

(Trích Amazing Grace, một bài thánh ca được sáng tác bởi John Newton)

Shiroi Kyoto là Bạch cự tháp hay Bạch cự tâm? Một bộ phim nên xem bằng bất cứ giá nào đối với khán giả mê xem phim nghiêm túc và cảm nhận cuộc đời một cách nghiêm túc để có thể thấu hiểu hơn ước mơ đỉnh cao, thành tựu đỉnh cao và đánh đổi đỉnh cao trong cái nghề, cái nghiệp của những con người dám dấn thân vào lý tưởng bằng muôn nẻo đường. Đời người chỉ là những chiếc bóng in hằn trong tâm thức, leo càng cao thì bóng càng dài nên cứ đi và cứ dừng lại khi chiếc bóng đã đủ dài, để nhẹ lòng tìm đến miền đất bình yên. Đời là cát bụi, và người rồi sẽ trở về cát bụi, chẳng mang theo được gì, điều quan trọng hơn là những gì bạn để lại gì để ra đi không hối tiếc. Đời người chẳng phải luôn cầu được yên bình, dù trong lúc sống hay lúc không còn sống, đấy thôi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review