Bá vương biệt Cơ: Từ biệt một kiếp mộng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngu Cơ với lòng chung thủy hướng về Hạng Vũ đã trở thành một điển tích đẹp của Trung Hoa, đẹp như những khóm Ngu thảo mãi còn xanh son sắt, và đẹp như cánh lan vương còn rơi vàng muôn nơi. Cái chết của Ngu cơ như một niềm tin để con người tin khắc khoải trong mộng ảo-sự thật đã được hình tượng hóa bằng những lời ca tụng sách sử, bởi cái đẹp dường như luôn có những mảng khối không thực nên đời người cũng trôi theo vệt loang đấy để ưu tư.

Bá vương biệt cơ là phim được Trần Khải Ca, một đạo diễn trứ danh của Trung Quốc, dựng từ tiểu thuyết của nữ văn sĩ Lý Bích Hoa. Phim có nội dung kể về hành trình của những kiếp mộng lạc giữa sự phản bội-của số mệnh. Trần Khải Ca từng nói chủ đề của phim là về sự phản bội, và tôi đồng ý như vậy, vì phim viết về sự phản bội của một hình tượng do người ta tự mình tạo nên cho chính mình, mà ở đây là do Trình Đắc Di và Cúc Tiên cùng mộng về Hạng Vũ mà thành.

Niềm tin luôn gắn liền với mù quáng, và là kẻ thù của chủ nghĩa hoài nghi. Nên nếu ai đó chưa từng mù quáng và luôn giữ một phản xạ hoài nghi sẽ rất khó nắm bắt ý tưởng xuyên suốt mà phim gởi gắm. Trong Bá vương biệt cơ niềm tin ấy được tác gia gởi gắm vào số phận, thông qua nhiều câu thoại bóng gió của người thầy dạy kinh kịch, để vẽ nên những mộng mị chạy dọc thần kinh con người, đặc biệt là Trình Đắc Di.

Thời thơ ấu của các nhân vật được miêu tả như một guồng quay của số phận, mà Trình Đắc Di là một kẻ bị mắc kẹt giữa sự hoang mang. Chính quá trình "đồng hóa" ý thức, giới tính như một bản sắc chế độ phong kiến Trung Quốc đã đưa Trình Đắc Di đến cây cầu Ô Thước của ý thức. Vì nó tạo nên tiền đề hà khắc để cậu bé trốn tránh và tìm đến điểm tựa để bấu víu vào trườn đi trong cô đơn. Bi kịch của Trình Đắc Di chính là cách cậu ấy đối phó lại với ý thức của mình bằng một niềm tin vào thực thể khác, thay vào tin vào hiện thực bản thân để cải tạo hiện thực ấy. Cậu bé Trịnh Đắc Di khi cất tiếng hát "bản chất ta là nữ, không phải là nam" đã hoán vị niềm tin vào một thực thể là Đoàn Tiểu Lâu, vì cậu tin Đoàn Tiểu Lâu sẽ hàn gắn-số phận của đời cậu, trong Kinh kịch và cả trong cuộc đời.

Thế giới của Trình Đắc Di là thế giới với niềm tin độc nhất, đặt trong vô vọng bởi một lời giáo huấn quả quyết của người thầy. Cậu chưa bao giờ thôi tin kể từ ngày quyết định ấy, không thiếu một giây, không thiếu một phút, không thiếu một giờ nào thôi tin, vì cậu muốn tin đến suốt đời. Chính vì điều ấy, khi cậu tin vào sự bất-biến-không-thể, tin vào tình cảm giữa hai con người gắn bó trên sân khấu cũng sẽ gắn bó trên đường đời, nên cứ hết lần này đến lần khác bấu víu vào để rồi lần nào cũng trượt tay. Với Trình Đắc Di, quá khứ "thanh mai trúc mã" gắn chặt với niềm tin vào vòng tay của Đoàn Tiểu Lâu, để từ đó cậu tin chắc vào một số phận bất biến do chính cậu mộng mơ. Nhưng cuộc đời không bao giờ như mơ, hiện thực trần trụi khi dắt Trịnh Đắc Di trượt theo con quay phi kinh kịch. Trình Đắc Di chỉ có thể là Ngu Cơ trên sân khấu để được bên cạnh Hạng Vũ-Đoàn Tiểu Lâu, còn ngoài đời Đoàn Tiểu Lâu có một Ngu Cơ khác-Cúc Tiên, một-người-đàn-bà bằng xương bằng thịt. Qúa trình tương tác của Cúc Tiên và Đắc Di chứng tỏ một sự thật rằng khi ấy một Hạng Vũ-thể xác đã chết trong lòng Trình Đắc Di, nhưng hồn-Hạng Vũ vẫn còn lại trong trái tim người con trai ấy, cậu chưa bao giờ để mất hình ảnh đó vì cậu tin vào một niềm tin mà cậu đã gởi gắm lại, tin mù quáng vào lựa chọn của con mắt tuổi 15 non nớt nên cậu vẫn còn giữ Hạng Vũ của cậu trên sân khấu để sống cho một vở kịch đời đêm đêm xướng ca. Trình Đắc Di dần chấp nhận mình chỉ là một phần Ngu Cơ để nhường phân nửa Ngu Cơ cho Cúc Tiên.

Cúc Tiên là một cô gái thanh lâu mưa mẹo nhưng vẫn sống với niềm tin vào một Hạng Vũ trên sân khấu, một vị anh hùng đã cứu cô một lần, và cô tin vào oai hùm tha thướt của hình ảnh trên sân khấu choáng ngợp ấy. Cô từ bỏ tất cả, đến cả đôi giày, để đi chân đất đến với Đoàn Tiểu Lâu, và cô thành công. Nhưng cô đâu nghĩ rằng mình cũng sẽ một ngày đi chân đất để rời khỏi Đoàn Tiểu Lâu như thế. Bởi cô cũng tin đến cuồng dại vào một người đàn ông nên mới dám dấn thân, mới dám bôn tẩu vào thế giới mới để đoạt lấy, hay để giữ lấy cơ ngơi ảo vọng của mình. Đến cuối cùng, cô nhận ra rằng niềm tin của mình vào một hình ảnh Hạng Vũ như dao găm vào tim khi chính hắn thóa mạ cô là gái điếm để giải vây đầu tố trong cuộc cách mạng văn hóa tàn khốc của Trung Quốc. Niềm tin của Cúc Tiên trưởng thành, ngoan cường hơn khi lao vào đống lửa để giữ lấy thanh kỷ vật của một mối tình cảm mà cô tôn-trọng nhưng không-đồng-ý. Hai con người ngoan cường nhất là Trình Đắc Di và Cúc Tiên cuối cùng cũng tìm được một điểm chung, bởi họ là hình ảnh của những Ngu Cơ đã đặt nhầm niềm tin, do họ tin trí tưởng tượng hơn hiện thực mà họ nắm bắt. Đêm đó, sau khi bị thóa mạ, Cúc Tiên treo cổ với đôi chân trần trong chiếc áo tân nương như để kết liễu niềm tin của mình, mãi mãi kết liễu một niềm tin phù hoa mà cô mơ ước, một niềm tin danh gia mà cô quyết định đánh đổi và giữ lấy bằng mọi giá, như thế cô đã trả giá đầy đủ cho sự hoài vọng cô đeo đuổi suốt một đời.

Quay lại với Trình Đắc Di, anh ta là người khóc nhiều nhất cho Cúc Tiên, bởi hơn ai hết anh ta là người hiểu Cúc Tiên nhất, hiểu đến nỗi đau lòng như chính mình bị dao găm. Hai con người, hai số phận nhưng một điểm chung là niềm tin mù quáng vào hình-tượng-của-vẻ-đẹp đã trả giá cho chính niềm tin gởi gắm vào đấy, niềm tin mà họ dám xông vào mọi hiểm nguy để rồi mãi mãi không thoát ra được. Trình Đắc Di là người có thể chịu án tử hình chỉ vì muốn cứu Tiểu Lâu, nhưng để rồi bị chính người mình yêu thóa mạ đã căm phẫn đến mức thóa mạ lại thứ cậu-cho-là trân quý nhất đối với Đoàn Tiểu Lâu, Cúc Tiên. Nhưng cậu đã nhầm vì điều trân quý nhất đối với "một tên cướp" như Đoàn Tiểu Lâu thì không phải cậu, cũng không phải là Cúc Tiên, mà là sự hèn mọn của hắn trước tình yêu bản thân của hắn, sự hèn mọn đã kinh động cả hai tâm hồn Ngu Cơ. Cúc Tiên lại là người hiểu và trân trọng tình yêu mà Đắc Di hướng về Hạng Vũ nhất chứ không phải là Tiểu Lâu. Và hóa ra chính Đắc Di là người khóc cho Cúc Tiên nhiều nhất, vì hai tâm hồn ấy cũng vỡ vụn niềm tin như nhau. Hết lần này đến lần khác họ tranh giành với nhau để rồi cùng nhận ra mình đã đặt niềm tin cao cả nhất vào một con người bình thường với một nhân cách tầm thường nhất. Nên họ đau.... Cúc Tiên nhận ra nguyên nhân do bản thân đã chọn sai tấm chồng nên quyết định ra đi ngay lúc đó, vì cô biết cuộc đời mình bị phản bội, phản bội bởi vẻ hào nhoáng oai hùm của người bạn đời, người đã khiến cô đâm đầu vào như thiêu thân vào tình yêu định hướng như thế, và vì cô cũng biết lỗi không phải ở con người bình thường ấy nên không hề hờn trách, mà cô biết lỗi ở nơi cô đã tin vào một điều-phi-thường.

Còn Trình Đắc Di phải đến 11 năm sau cuộc Cách mạng văn hóa mới thức tỉnh, mới nhận ra mình đã sai từ đâu để chọn lại cuộc đời. Trình Đắc Di đã sai ngay lúc buông xuôi số phận với cách hoán vị, thay niềm tin vào bản thân bằng niềm tin vào Tiểu Lâu. Cuối cùng, câu hát "bản chất ra là nam, chứ không phải là nữ" của quá khứ vọng về như làn hơi ký ức sống động nhắc nhở-người-đàn-ông thức tỉnh giữa cơn mê đời, để thôi hoang mang sau khi đã tàn tạ chấp nhận cái chết của hai-Hạng Vũ,thể xác lẫn tinh thần, mà gượng dậy giữa cơn mê. Cậu nhận ra số phận mình hoang tàn và đổ nát nhất không phải do Tiểu Lâu tạo ra, hay do vở kịch ám thị vào cuộc đời, mà chính do cậu đã tin vào một điều bất-bình-thường với sự mơn trớn của chữ tình man trá dịu ngọt. Tình yêu ở tuổi 15 đã cướp đi ý thức của đứa bé cố chấp với một niềm tin bất biến không muốn hát ngược với tự nhiên, để rồi khi hoán vị vào Tiểu Lâu cũng lại bất biến đến cả một đời. Bi kịch của nàng Ngu Cơ-thời hiện đại là tin vào một giá trị đã lỗi thời, đã đi vào văn thơ ở một thời điểm khác và một hoàn cảnh khác. Nhưng bi kịch luôn là những bản tình ca đẹp, lắng đọng và chơi vơi trong cảm xúc mụ mị yêu thương với lòng chung thủy như bản ngã của một người đàn bà Á Đông, chiếm hữu mà son sắt. Nhưng rồi ngay trong khoảnh khắc ấy là một tâm hồn vụn vỡ từ trong tim, để Đắc Di quyết định chọn lại cuộc đời bằng thanh kiếm báu tiễn biệt chính mình trước một niềm tin mộng mị. Ngay lúc đó Trình Đắc Di tỉnh nhất, sau một cơn nghiện dài khói hương đến từ quá khứ. Ngay lúc xác định được băng điểm tích tụ trong trái tim đến từ đâu thì Trình Đắc Di được thanh thản nhất khi kỳ ngộ trước cuộc đời. Chỉ với một câu hát định mệnh nhưng một để khởi đầu mọi thứ, và một để kết thúc tất cả. Thời điểm bắt đầu và kết thúc ngân nga chính giai điệu trãi nghiệm của cuộc đời, để khi người ta sống đủ để nhìn nhận lại thế giới thì biết mình đã được gì, đã mất gì, và nên làm gì.

Cuộc đời Trình Đắc Di gồm ba mảng đầu, thân, kết trọn vẹn. Con đường truân chuyên giai đoạn giữa vượt qua đến 3 cuộc binh biến của quân đội Nhật, Tưởng và Mao cùng một cuộc văn biến là Cách mạng văn hóa để hiểu được số phận khi gán vào thân phận nhỏ nhoi của con người trước những biến động xã hội, có cả thăng hoa và thoái trào, cả thịnh lẫn suy để hiểu nguời cũng như hiểu lòng mình thăng trầm. Ngay từ điểm khởi đầu thì chính luật lệ phản tự nhiên đã trật hướng nên cuộc đời của nguời con trai cũng trật hướng lang bạt trong hoang mang. Trình Đắc Di không phân biệt được giữa đời và giữa kịch nên là kẻ tôn sùng cái đẹp, cái đẹp hoang đường và vô vọng, nhưng là cái đẹp nhất mà một đời người hướng đến, khắc khoải nhất nhất trong hư mộng. Hắn như một con nguời lạc giữa hai giới tính, lạc giữa những biến động lịch sử nên lạc giữa hư và thực, lạc giữa những ảo mộng chân thành của niềm tin kiên định, để rồi lụi tàn trong cô liêu. Nếu Trình Đắc Di là người mở đầu-đoạn mở đầu mà Trần Khải Ca đã dành nhiều thời lượng chăm chút cho đỉnh điểm tâm lý ấy, thì cũng chỉ Trình Đắc Di mới có thể kết liễu mà thôi. Nàng Ngu Cơ đã nhận ra niềm tin mà mình hằng đeo đuổi, đã tìm được một tình yêu mà mình hằng tìm kiếm để trôi dạt đến ngày hôm nay-ngày định mệnh. Trình Đắc Di của hôm nay tiễn biệt không phải Đoàn Tiểu Lâu, cũng không phải Kinh kịch, hai thứ gắn với cuộc đời anh ta. Mà anh ta tiễn biệt bản thân mình, tiễn biệt một Trình Đắc Di khác, mộng mị và u mê, một Ngu Cơ yếu mềm bên trong một Bá vương cảm xúc bạo liệt. Chính Trình Đắc Di-Bá vương ấy đã dẫn dắt Trình Đắc Di-Ngu Cơ vào con đường hanh hao của số phận. Chính cách đảo vị giữa nam và nữ, hóa hồn một tâm hồn nam vào tâm hồn nữ đã tạo nên cơ sự loang dài nỗi đau. Ngày hôm nay, Trình Đắc Di thức tỉnh và chợt hiểu trái ngang của số phận, Đắc Di đã để Ngu Cơ từ hư không trở về hư không bằng một nhát kiếm tàn bạo, để một Ngu Cơ câu mang nặng tạo ra với sự cộng hưởng của dòng đời được thoát thai. Hôm nay, Bá Vương biệt Cơ chính là một nguời từ biệt một người, một người đàn ông tạm biệt một người đàn bà, một thực từ biệt một hư. Thức tỉnh, u mê cùng cực đỉnh một lúc, cùng lụi tàn một lúc nên đoạn kết như chính số mệnh ám thị vào cuộc đời bởi vì người ta đã buông xuôi đời mình vào con nước xuôi dòng trũng. Nhưng ít nhất người ta đã tỉnh đủ để ngoái lại xem mình u mê như thế nào, và vì ít nhất người ta đã đi trọn kiếp mộng.

Bá Vương Biệt Cơ mang đầy đủ tính chất "tinh truyền" của Trung Quốc, những thước phim mang đậm kịch tính trong cách phối màu văn hóa, với những mảnh rèm thưa làm vách ngăn cản hay hình ảnh chiếc gương soi phản chiếu khiến phim đậm chất tự sự. Cùng đó với phong cách kể chuyện đầu đũa, thoại sắc sảo và bố cục tình tiết đối xứng như đặc tính văn hóa thích đối ngữ của người Trung Quốc đã phát triển cốt truyện đến cao trào vững vàng với phong cách sắp xếp nấc thang khiến phim tạo được một chỉnh thể thống nhất tuyến tính với tâm lý nhân vật. Tuy nhiên với phong cách làm phim tỉnh và dàn dựng thiếu điểm-gãy-cảm-xúc, trãi dài cốt truyện đến một điểm gãy-chốt cuối cùng nhằm tạo suy nghĩ đứt đoạn của khán giả nên khiến phim khó gần, khó mang lại cảm xúc cho khán giả. Nhìn chung thì điện ảnh Trung Quốc mang tính "học thuật" nên Bá vương biệt cơ cũng vậy, cũng để người xem cảm nhận bằng lý tính nhiều hơn cảm tính. Điều đó khiến phim thường gãy cảm xúc và mang đến chút suy nghĩ bi quan về cuộc đời, bởi tình tiết của phim luôn trễ một nhịp so với ý muốn của khán giả-những con người bình thường muốn cải tạo số phận. Đây chính là yếu điểm của phim Trung Quốc nói chung cũng như Bá vương biệt cơ nói riêng khi khoảng thời gian miêu tả của phim quá dài khiến nhiều tình tiết áp đặt suy nghĩ của tác giả quá nặng nên làm cho phim không khoáng đạt để khán giả mở lòng nhiều hơn nhằm hiểu những tù túng của nhân vật-con người tồn tại qua phim, thế là khán giả thường chỉ như một người chấp nhận câu chuyện nhiều hơn là hòa nhập vào. Trung Quốc khép kín câu chuyện rất tài tình, có đầu có đũa nhưng lại không thoáng để người ta được lựa chọn giữa cuộc đời, vì đặc tính tâm lý của Trung Quốc là rất kiệm nên không để ai hời bao giờ. Nhưng Trương Quốc Vinh, nam tài tử Hồng Kông đầu tiên đóng phim Đại Lục, vẫn để khán giả hời cảm xúc với Trình Đắc Di của anh, hư ảo khắc khoải trong từng ánh mắt hay điệu cười miên man buồn vui của số phận. Chính phong cách diễn chân thành và mãnh liệt của Trương Quốc Vinh đã thổi hồn vào một Trần Đắc Di phóng khoáng niềm tin cũng như phóng khoáng chân tình khi bị lạc trong một xã hội hà khắc với cảm xúc và niềm tin bị áp đặt, thế là bỗng nhiên Trương Quốc Vinh bỗng trở nên thực hơn bao giờ hết.


Bình luận khác:

-

sao đang nói Bá Vương Biệt Cơ mà nhảy sang Gia Hữu Hỉ Sự thế kia, bạn =)) ? Ông Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ bị chà đạp giày vò chứ như "mợ tám" trong Gia Hữu Hỷ Sự 1 thì đố ai mà bắt nạt nổi =)) . Gia Hữu Hỷ Sự là series hài mừng Tết Nguyên Đán, coi phần 1 cũng ... hay hay (mình thích mấy vụ "nhại phim" của Châu Tinh Trì), nhưng sang đến phần 2 thì nhảm đặc rồi ^^

Hic, BVBC chỉ được NH cho 7 điểm thôi à ;-( ? Mà lý do NH đã nêu đủ cả trong bài rồi nhỉ ^^ . Nói thật lòng nếu mình là Cúc Tiên mà gặp phải cảnh vỡ mộng như cô ấy chắc mình cũng tự vẫn (không dám ví với Trình Điệp Y vì tự biết bản thân chẳng bao giờ vươn tới tầm phi-thường-nghệ-sĩ được như con người ấy). Thấy mình cũng rảnh, coi phim Vương Gia Vệ thì buồn miên man không khóc được, còn coi Bá Vương Biệt Cơ thì khóc hoài không nín được (may là chỉ những lần đầu thôi). Cơ mà có lẽ NH nói đúng "những con người bình thường muốn cải tạo số phận", mình đã gặp hai bạn tha thiết bênh vực cho hành động hèn mạt của Đoàn Tiểu Lâu rồi đấy. Bản chất con người hóa ra vẫn thường tham sống sợ chết, đó đã là bản năng nên nói trách đấy mà cũng không trách được, nhưng chẳng lẽ lại đổ hết lỗi lầm lên những con người trót ôm hư mộng về một "cái đẹp" như Cúc Tiên và Trình Điệp Y sao ? Làm mình nhớ đến lời của một fan anh Vinh từng nói, "Chúng ta phản bội nhau vì đơn giản chúng ta là con người, thế thôi".

Câu chuyện này thực sự là một tấn tuồng trong tuồng, diễn ra đúng hệt như câu hát "Quân vương ý khí tận, tiện thiếp hà liêu sinh". Thực ra mình lại thường nghĩ theo lối rằng Trình Điệp Y đã trót nhầm lẫn giữa hư ảnh bóng trăng nơi đáy giếng với ánh trăng thật của đời cậu. Bóng trăng ấy là sư huynh Đoàn Tiểu Lâu, hay nói đúng hơn là hình tượng người anh hùng Hạng Vũ. Còn ánh trăng thật là khối tình si dại, thậm chí đến mức tôn sùng cuồng tín của họ Trình đối với sân khấu tuồng cổ. 11 năm ròng không xuất diễn đã tạo khoảng thời gian đủ cho cái tôi của Điệp Y dần hồi phục và trong phút giây vô tình, anh chợt lãnh ngộ lại được thân phận thật của mình, anh tỉnh ra khỏi huyễn mộng mình tự lừa mị mình suốt bấy nhiêu năm. Vị quân vương của "hoa đán" Trình Điệp Y là Kinh kịch, sau cơn can qua và sự thay đổi nghiệt ngã của thời đại, Kinh kịch giờ đây đã bị phủ một lớp bụi điêu tàn hoang phế, bản thân các nghệ sĩ đều già nua sức cùng lực kiệt, Điệp Y và Tiểu Lâu cũng không còn là một Hạng Vũ và một Ngu Cơ hoàn hảo mỹ lệ như trong quá khứ ... Quân vương đến ngày tận, "ái thiếp" của Người vì thế nên cũng không muốn sống nữa !

=> Chỉ là một cách hiểu của mình ^^.

Tình thực là anh Vinh trong phim này đẹp quá, đẹp từng cử động nhỏ ánh mắt làn môi nụ cười; đẹp đến nhuốm sầu cả thiên thu, khắp mối. Diễm lễ và khắc khoải, chịu đựng và chấp nhất u mê... khiến người xem tưởng như vừa trải qua một giấc mộng.

À, cũng nhờ hình tượng trong phim này mà anh Vinh được dân chúng bình chọn dẫn đầu "Tứ đại tuyệt sắc" của đất HK cùng 3 mỹ nữ :))

-

Đúng là fan Hồng Kông xuất bút, vừa đọc vừa cười đoạn đầu tếu táo thôi hì hì. ^^

"Chúng ta phản bội nhau vì đơn giản chúng ta là con người, thế thôi" nghe buồn ha. NH thấy cũng đúng, nhưng đôi lúc thấy chúng ta tự phản bội bản thân mình nữa, vì chúng ta ảo tưởng cũng nhiều, mơ mộng cũng nhiều nên khi va vấp vào hiện thực thì shock và quỵ ngã.

Mỗi người một cách khai thác nội dung phim khác nhau thôi đó Heobeo, NH cũng rất thích cách nhìn nhận của Heobeo, rất thoáng, rất bay nhưng NH tương đối thực dụng nên cảm nhận sẽ có chút ít khác biệt với cảm nhận của Heobeo. NH thì vẫn nghĩ Điệp Y (Đắc Di) nhờ câu hát nên mới nhận ra bản thân đã sai từ đâu, và ngay lúc đó mới hiểu rằng quân vương mà cậu theo đuổi là mộng ảo sương khói. Vì NH nghĩ cảnh Điệp Y đốt áo là lúc cậu ấy quyết định từ bỏ kinh kịch, nhưng sau đó Điệp Y vẫn sống sau khi đã nhìn rõ bản chất của Hạng Vũ rơm. Trong chính lúc nhận ra bi kịch đời mình thì Điệp Y bàng hoàng và vở diễn của Ngu Cơ lúc ấy đã hóa thật, vì quyết định đoạn tuyệt đời đến với Điệp Y rất chớp nhoáng và mãnh liệt. Với lại NH nghĩ Điệp Y ái nam ái nữ nên là cả hai luôn, thay vì chỉ nghĩ Điệp Y đóng vai nữ. ^^

Rất thích Truơng Quốc Vinh trong phim này nha, nhờ Trương Quốc Vinh mà NH thích phim này hơn hẳn. Do NH không ưa phong cách điện ảnh Trung Quốc đại lục đâu, nó theo trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật nên phim hay thì hay nhưng mà màu một cách u ám hì hì. ^^

-

Tôi thì thấy Trình Điệp Y (tôi thích cái tên Điệp Y, vừa thi vị mà lại có sự mong manh, như tâm hồn của nhân vật) chết là vì không chịu nổi giấc mộng tan vỡ, muốn chết thể xác để tinh thần không chịu đả kích nữa. Nói thô thiển là như một cách chạy thực tế. Còn nói sâu xa hơn là sự "tử vì đạo", sau khi được lần cuối thăng hoa và nhận ra còn sống là còn khổ sở mong ngóng mãi được quay về sự thăng hoa đó. Một con chiên hiến mình cho vị Chúa đã sụp đổ, lấy thân ủ lấy nắm mộ tàn, để từ đó thôi hoang mang cho sự sa ngã của Người.

Phim sao mà gợi kinh khủng. Màu phim. Góc quay. Cảnh chọn. Còn diễn xuất thì, trời ơi, tới bao giờ mới có một Điệp-Y Trương Quốc Vinh thứ hai, hay một Cúc-Tiên Củng Lợi, một Tiểu-Lâu Trương Phong Nghị nữa. Mong manh mà khí phách, đanh đá mà trọng tình, từ đường đường trượng phu ra thằng đốn mạt. Họ diễn và dựng tượng đài cho nhân vật của mình, đóng đinh ấn tượng vào lòng khán giả. Xin nói nhỏ chút thôi, xem họ rồi lại xem cô Cao Viên, anh Đình Hựu, chị Hồng Trần...của Caught In The Web thì làm sao mà rung rinh nổi nữa.

Phim còn gợi vì dư âm đủ màu của nó. Tôi từng biết có khán giả cảm phục sự dũng cảm thoát ly của Cúc Tiên. Có người bênh Tiểu Lâu. Có người thương Điệp Y. Có khi là tức giận định mệnh khốn nạn của phim. Có khi chỉ lặng im và xót xa. Dù thế nào dư âm vẫn dư và vẫn âm vang. Nói sáo rỗng một chút, nếu không thì làm sao phim thuộc hàng kinh điển được chứ!

Tôi hay nhớ những phim nêu ra những bế tắc, khách quan, chủ quan, cho con người và sự giải thoát có khi chỉ là càng bế tắc theo mắt nhìn của người ngoài cuộc. Sự an ủi chỉ đến khi tôi buộc mình "sống" cùng nhân vật, tự trăn trở cùng hoàn cảnh của họ, để rồi sau cùng tìm thấy một (những?) lý do để bào chữa cho kết thúc của họ. Lúc đó là lúc tôi thanh thản, khi thấm thía hơn cái ý vị chủ-khách kia.

@ heobeo: cái câu "chúng ta phản bội nhau vì chúng ta là con người" đấy sao mà chua chát chán chường thế, cái chết của Trương Quốc Vinh đã làm tôi một thời gian dài "nghỉ chơi" với phim Tàu đấy!

-

Trình Điệp Y mới là tên đúng tiếng Tàu mà, tên rất hay, và rất thơ.

Trốn chạy thực tế, đúng là Trình Đắc Di trốn chạy. Nhưng thực tế thì thực tế như thế nào? Đó chính là thực tế mà Đắc Di muộn màng nhận ra cậu đã dệt mộng, để rồi phũ phàng khi nhận ra nguyên nhân phù phiếm là do cậu dệt, do mình mơ nhiều hơn mà đời thì lại "chúng ta phản bội nhau vì chúng ta là con người".

Sự kết thúc của Đắc Di là hợp lý, hợp tình. Bởi kết thúc bằng sự thức tỉnh, bằng sự chủ động chứ không phải buông xuôi, thế nên nó đắc địa, thế nên nó chơi vơi. Cậu ấy đã mơ, và cậu ấy đã sống để mơ, để rồi cũng kết thúc bằng sự hư mộng của một vẻ đẹp Ngu Cơ son sắt, mặn nồng gieo buồn vào khán giả bởi "chúng ta là con người"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review