Oto-na-ri - chợt va vào âm thanh đời nhau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phim đề tài tình yêu.

...Lãng mạn, ừ thì tình yêu nào chẳng lãng mạn.

...Trầm lắng, ừ thì tình yêu nào chẳng trầm lắng.

...Nhẹ nhàng, vâng phim nào cũng nhẹ nhàng cả.

...Một chút suy tư đọng lại sau khi xem khiến tôi cười. Không phải bộ phim nào cũng làm được điều đó.

Lối sống khép kín của Nhật và những sự tình cờ mà nếu không được khai phá thì mãi chẳng thể trở thành tình cờ. Xác suất cho hai con người gặp lại nhau khi không hẹn trước trong một môi trường đủ lớn là một con số vô cùng nhỏ. Và tình cờ tìm thấy nhau là một vế, tình cờ có nhau lại là một chuyện hoàn toàn khác, nếu không nói là không thể. Nhưng chẳng có gì là không thể nhỉ? Với cảm giác gần nhau mà không toan tính trước.

Nội dung phim không mới, nếu không nói tôi đã từng xem motif kịch bản này kha khá lần. Cách làm phim không mới khi pha lẫn âm hưởng nghệ thuật lãng mạn Âu Châu trong những thước phim. Vâng, lãng mạn kiểu châu Âu nhưng vẫn rất Nhật với quá trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời cho bản thân và tìm kiếm tình yêu.

Khi ta đi tìm ta chẳng thấy, khi không tìm chợt nhận ra tình yêu bên cạnh chúng ta hát vu vơ điều gì đó. Và chúng ta ngồi đấy chờ đợi tình yêu rụng như sung nữa ư? Không có đâu, nhận ra tình yêu bên cạnh thôi chứ đã có đâu. Chúng ta lại đi tìm điều chúng ta cảm nhận là chúng ta có đó. Tìm, không tìm, không có, có. Cơ hội với hiện thực khác nhau hoàn toàn.

Đây là một phim điện ảnh Nhật tương đối dễ xem, dễ xem vì thông điệp của nó giống nhiều phim nước khác. Những cảnh phim bay bỗng với không gian chật hẹp hay thoáng đãng. Những âm thanh lắng đọng trong nỗi cô đơn đều đều vang lên. Hai căn hộ đơn thân như chính chủ của nó với vách ngăn bằng ván ép mỏng tang lắng nghe những hoạt động thường nhật của nhau. Tiếng xay cà phê đều đều rột rột, tiếng píp píp của máy nấu nước, tiếng đọc tiếng Pháp đêù đều. Đôi lúc là tiếng cãi vã nhau, tiếng nhạc âm lượng lớn. Những hiểu nhầm đúng lý phải hiểu nhầm, những cảm tình mới chớm bị xô đẩy vào những thất vọng vu vơ. Tình yêu được xây dựng trên cảm xúc đấy. Lãng mạn mà không lãng mạn, mơ mộng nhưng vẫn níu áo hiện thực.

Tôi thích phim này không hẳn ở tình yêu của nó, tình yêu mà xác suất xảy ra trên đời thực không cao. Tôi thích hơn cả là không khí một mình của một con người nào đó với nỗi cô đơn bao quyện lấy họ. Không gian một mình là điều mà O-to-na-ri thực hiện tốt và dường như chỉ có ở Nhật, với những ngôi nhà đơn thân vách mỏng mới thực hiện trọn vẹn ý tưởng một người đơn thân lắng nghe cuộc đời đơn thân của người khác. Lắng nghe và đồng cảm để tình yêu bắt đầu bởi chỉ một giác quan mà thôi.

Một cuộc sống với một nghề nghiệp gắn với một ước mơ riêng, gắn với những khó khăn riêng. Những cuộc sống công sở bình thường với đôi ba câu chuyện nhỏ thân thuộc, với những chủ đề tình yêu đơn giản. Có niềm vui, có cảm giác tuy không có nhiều kết quả và điều đúng như cuộc sống diễn ra. Cũng có cả sự cố gắng như một phần cuộc sống của mỗi người. Tất cả đều đều diễn ra, những cốc cà phê vị đắng cùng sở thích, những chiếc bàn uống cà phê nhỏ một mình. Uống nhẹ nhàng và từ từ chiêm nghiệm vị đắng đó như một thói quen khiến lòng bình yên.

Họ, một người yêu hoa cỏ thiên nhiên thích ngắm hình và một người thích chụp ảnh hoa cỏ thiên nhiên.

Họ, hai người đều yêu sự im lặng nhẹ nhàng,

... họ yêu một ước mơ chung nữa, ước mơ được bay bỗng trong sự nghiệp,

...và họ đôi khi cùng quên đi sự bay bỗng trong tình yêu như quên đi sự hiện diện của tình yêu.

Những cảm xúc khiến họ chựng lại là những cảm xúc khiến họ hiểu họ không quan trọng như họ tưởng trên một số phương diện. Đối với chàng trai là sự quan trọng đối với sự nghiệp và tình bạn, đối với cô gái là một chút thất vọng với tình yêu. Những suy nghĩ bình thường thôi mà hầu như đã là người thì đều nghĩ đến. Cuộc sống bình thường không có quá nhiều điều vướng bận mà chỉ có nỗi cô đơn được chúng ta quên đi xem nó như một thói quen.

Tôi thích cách xử lý twist cuối của phim, nhẹ nhưng hay. Cách giải quyết lấy những sự việc đã xảy ra từ trước để ráp nối những cảm xúc của hai con người lại với nhau, ráp nối sự tình cờ để khơi gợi nhiều cảm xúc từ những dãy cảm xúc xếp chồng từ trước chứ không vịn vào tình cờ để tạo nên tình yêu. Tình yêu đơn giản mà trầm lắng với sự tìm kiếm và đợi chờ nhỏ nhoi. Tình yêu được vun đắp bởi những cảm xúc đồng điệu từ một lần hòa ca trước đó, những giọng ca lạc nhau nhưng xua đi nỗi cô đơn trong những khắc thời gian ngắn ngủi đó, trong những lúc trải lòng vỡ òa cần một sự san sẻ dù không biết là ai.

Với Oto-na-ri, tình yêu không chỉ là tình yêu và cũng chưa hẳn là tình yêu. Tình yêu là một chút đồng cảm và thấu hiểu tình cờ gặp nhau trên hai con người tưởng chừng xa xôi, nhưng họ lại gần nhau hơn bởi hiểu nhau như chính bản thân mình qua nỗi cô đơn mà họ trải nghiệm. Tình yêu du dương như những khúc nhạc, mơ màng như những cánh hoa mỏng manh, hay tình yêu như nỗi cô đơn qua cảm nhận về một bức ảnh đêm xanh trong lòng. Dường như mãi chẳng gặp mặt nhau nhưng họ đã gặp nhau tự lúc nào.

Cách thực hiện phim không quá đặc sắc, cảnh quay cũng không thật sự đắt giá. Tuy nhiên tôi thích cách xử lý màu sắc trong phim. Cảm giác màu sắc phim mang lại lãng mạn nhưng vẫn khá thực bật lên ý nghĩa về cuộc sống và tình yêu. Không gian lặng im không náo nhiệt, cũng không quá nhiều tình tiết hài hước cố tình vì tự thân những tình tiết phim mang lại đã mang những dư vị rất riêng khiến người xem cười nếu đồng cảm. Màu sắc phản trong nó sự tươi trẻ của tuổi trẻ thời nay, không quá trong sáng mà tươi sáng theo một sắc độ trầm của những con người khi 30, khi đã không còn trẻ nhưng chưa hẳn là già tìm kiếm một điểm bình yên để vỗ về những mệt mỏi khi sống trong cuộc đời này.

Tôi cũng thích âm thanh trong phim, thích sự lặng lẽ lẫn những câu nói nhát gừng chẳng đầu chẳng cuối lưng chừng để rồi mỗi người hiểu ý người còn lại theo cách của họ. Không rõ ràng như vốn dĩ cuộc đời không rõ ràng, chỉ cần trong lòng chúng ta rõ ràng một quan niệm sống mà thôi. Đã 30 tuổi, đã biết mình cần gì và đã biết mình có thể có gì, đủ trải nghiệm để bắt buông những thứ cần phải bắt buông. Không nhiều mà cũng chẳng ít, không gấp nhưng cần phải vội vã một tí. Tất cả là một niềm ao ước bình yên, bình yên nắm bắt bình yên của những con người bình thường trong cuộc sống hôm nay.

Rate: 7/10

Bình luận khác:

-

Với Oto-na-ri, tình yêu không chỉ là tình yêu và cũng chưa hẳn là tình yêu.

Phim này HH phân vân không biết nên rate 7 hay 8, nếu theo cảm tính thì 8, theo phân tích thì 7, mà thôi hình như phim nào HH cũng cho cao hơn NH 1 điểm, cho nên nếu NH cho 7 HH cho 8 thì coi như mình cho giống nhau ;))

-

NH nghĩ tình yêu là cảm giác, mà cảm giác thì NH thích được chìm trong lãng đãng, rất thích cảm giác lãng đãng phim này mang lại khiến mình suy nghĩ.

Cảnh NH thích nhất là cảnh hai người đó uống cà phê một mình chung một vị hơi đắng. Thấy cảnh quay đó lãng đãng rất lạ, ngồi một mình nghĩ vu vơ vậy thôi.
Chính kết phim không rõ ràng đó lại là điều NH thích nhất, không biết họ đang ở đâu, chỗ cũ hay chỗ mới, không biết mối quan hệ ra sao mà chỉ biết họ ở cạnh nhau mà thôi. Đoạn kết ấm lòng nhưng vẫn khiến NH suy nghĩ và tưởng tượng đủ thứ. Họ đã đi và trở về bên nhau. ^^

Hì hì, NH rate phim khó thật mà. Hình như NH với HH rate rất giống nhau, chỉ khác khoảng cách 1 điểm đó thôi. ^^

-

Đúng là cả quá trình film thì hơi buồn ngủ thật, đôi lúc lại phải next đi chút chút , nhưng tới đoạn cuối thì cười tươi, thích lắm, cảm nhận đc gì đó thật đẹp, thật ấm, thật yêu.... mỉm cười vì cuối cùng họ đã thấy nhau. Từ cảnh cô gái cầm bức tranh của chàng trai hát trong căn phòng ngập nắng, bộ đồ mà cô mặc cũng vàng một màu rất hợp đó là lần đầu tiên thấy cô gái yêu đời và tràn đầy sức sống tới vậy. Rồi khi chàng trai nhìn thấy cô hàng xóm_ bạn học những tưởng đã vuột mất, chàng cười, nụ cười hạnh phúc, nụ cười không hẳn của tình yêu, phải chăng là nụ cười tìm thấy .

Là một trong những đoạn kết hay nhất mà em từng xem. Nhờ xem film Nhật mà đc biết tới những cách kết phim thật tuyệt vời. Kết nhưng lại mở ra bao nhiêu điều , để người xem tha hồ tưởng tượng về cuộc sống hạnh phúc của họ. Nếu chỉ dừng đoạn kết khi 2 người gặp nhau thôi thì chắc em cũng hơi bực á, nhưng đoán chắc còn điều gì phía sau đó nữa. Và mình đã hoàn toàn thỏa mãn.
Nếu biết tiếng Nhật thì riêng đoạn đó em đã nhắm mắt lại, vừa nghe họ nói và vừa vẽ những thước phim tươi đẹp lãng mạn trong đầu của mình( nhưng tiếc vì ko biết nên đành mở mắt thao láo nhìn vô màn hình xem nghĩa là gì T_T). Sẽ tưởng tượng ra cảnh ngôi nhà đầy nắng, gương mặt rạng rỡ nét cười của hai người, nấu cho ăn. Đó sẽ là gương mặt chỉ có trong trí tưởng tượng của chúng ta, toàn bộ movie ta không hề nhìn thấy.
Em thuộc dạng xem film tham lam luôn đòi hỏi phải ra môn ra khoai anh A chị B ra gì ra gì thì mới chịu, nên những câu đối thoại cuối film cũng giúp mình tự biết họ không còn đơn giản là hai người hàng xóm như xưa nữa, họ đã đi và trở về bên nhau ^^.

Cuộc sống của hai con người cô đơn tưởng như hoàn toàn không liên quan, nhưng qua một bức vách mỏng, họ lại cảm nhận đc sự tồn tại của người kia. Những âm thanh quen thuộc cũng tạo nên một cảm giác quen thuộc như chính sống cùng nhà. Họ nhận ra nhau vì những âm thanh quen thuộc. Nói về hai con người cô đơn nhưng ở mỗi đoạn như chàng trai nghe tiếng chuông gió dù đang làm gì cũng chợt im lặng, như để xác nhận cô gái đã về, tiếng leng keng của chùm chia khóa cũng trở nên quen thuộc với cô gái, họ lắng tai qua bức vách.... những cảnh đó vẫn tạo được sự ấm áp nhất định, bằng cách vô tình họ lại sưởi ấm cho nhau, để bớt đi sự cô đơn. Qua những âm thành, người này trở thành một phần cuộc sống của người kia.... Nên khi nghe cô gái đọc câu: "Tôi không ổn" trong sự nghẹn ngào, khi cô khóc thì chàng trai đã nhẹ nhàng hát bài hát cô gái vẫn hát, cô gái cũng không bất ngờ không thắc mắc về điều đó rồi cùng hát chung.

Nên cái kết chỉ bằng những âm thanh càng trở nên tuyệt vời, góp phần tạo giá trị cho bộ phim.

( p/s: đúng là lối sống khép kín rất người Nhật. Nếu gặp bình thường thì chắc đã sang mời nhau ly rượu, hoặc món gì ngon ngon lấy cớ tâm sự làm quen rùi ^^)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review