Mùa hạ rớt* và một chút triết lý trong Secret Garden

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Indian Summer by Ruby Chorvat

Tặng Ginko cho một chút hạ rớt còn sót lại cuối thu.^^

Mùa hạ rớt (mùa hạ Da đỏ, mùa hè Ấn Độ, Indian Summer) là một chút mong manh gởi những tia nắng vàng hắt sáng rọi khung trời thu heo mây. Khung trời thu muộn hóa màu những cánh rừng phong thưa thớt, khẽ rít những cọng gió tạo một chút buốt lạnh trên da thịt. Cuối thu trời dần tiến đến chân mùa đông để chờ nhận những cơn bão tuyết ùa về che khuất ánh sáng chan hòa thu vàng. Như để an ủi hay để thử thách lòng người trước một mùa đông se sắt dai dẳng, những vị thần ở nơi phương trời rét căm gọi về mùa hạ xiên ngang ngay thời khắc giao mùa để nắng vàng ấm áp hơ cõi lòng con người, nơi mà lòng người cũng như thời tiết đã chứa đựng sẵn sự hỗn mang trong thời khắc sẽ đổi thay.

Secret Garden chọn một thời khắc mang tính triết lý như Mùa hạ rớt để bắt đầu câu chuyện về những con người ngập chìm trong những Mùa chính của cuộc sống họ. Kim Joo-won vẫn là chàng trai chưa biết mùi vị của tự do yêu đương thật sự trước khi gặp phép màu tình yêu. Chàng trai ấy tách biệt hai giai đoạn của một quá trình và đi theo quan điểm ấy nhằm tiến đến hôn nhân chứ không phải kết hôn. Gil La-im vẫn là một cô gái ngập ngụa dẫm chân tại chỗ trong cuộc sống của mình, chấp nhận và đấu tranh yếu ớt cho cuộc sống đó. Cuộc đời họ cứ như những khung cảnh cuối thu yên ả trôi đi để rồi nhạt phai, như nắng cuối thu phai dần màu hoàng kim óng ả và thả chân vào mùa đông –nơi nắng dường như bị lãng quên, cũng như chính cách họ quên đi ánh nắng trong trái tim mình.

Nhưng, mùa hạ rớt trở lại như một phép màu đánh cắp trái tim của Kim Joo-won để thức tỉnh từng nhịp con tim băng đá bằng những hạt mưa tinh khôi thần thánh. Mùa hạ rớt tạt ngang mang về những gì sặc sỡ nhất ngỡ đã đi qua chẳng thể nào trở lại. Mùa hạ rớt mang theo sức ấm để thổi bay đi không khí ẩm ương của thu, thổi đi những bức tường mỏng mà con người cố xây để chống chọi với mùa đông. Mùa hạ rớt cho phép con người ta nắm bắt nhiều hơn những giá trị tưởng đã thành quá khứ, giá trị lộng lẫy để một chàng trai hơn ba mươi tuổi bắt đầu học yêu, cũng như giá trị rực rỡ để một cô gái gần ba mươi tưởng mình đã lỡ thời vàng son của đời con gái tập mơ mộng yêu nắm lấy. Mùa hạ rớt lại nơi cuối mùa thu là một khoảnh khắc bừng tỉnh để thấy cuộc đời thật đẹp, cuộc đời cần có nhiều hơn những mơ mộng để tuổi trẻ khoe sắc xanh của trời trong hay sắc mơn mởn của những khu rừng tít tắp vẽ nên bức tranh mơ mộng cho chính mình.

Secret Garden

Người ta nói mùa hạ rớt ngắn ngủi quá nên quá mong manh. Người ta cũng nói mùa hạ rớt là trò lừa dối của những thổ dân da đỏ nơi Bắc Mỹ. Mùa hạ rớt đánh cắp trí khôn của con người trước mùa đông băng giá dữ tợn khiến con người mụ mị u mê tin vào hơi ấm ngắn ngủi rơi rớt lại mà thôi. Tôi không phủ định hoàn toàn cách lập luận trên, tôi đồng ý một phần nào đó khi có người phân tích như thế dù họ quên đi ý nghĩa của điểm bừng tỉnh và níu kéo sự lâu bền trong một cuộc sống. Những con người tin vào hơi ấm hoàn toàn trong mùa hạ rớt mong manh sẽ phải chịu trách nhiệm đi trong một mùa đông lạnh giá cô đặc khi không chịu ứng phó với số phận. Nhưng cuộc sống đâu chỉ tính bằng năm, bằng tháng, đâu chỉ tính bằng lợi nhuận hay rủi ro. Cuộc sống ở mỗi con người khác nhau trong mỗi hoàn cảnh khác nhau được đo lường bằng những thang đo lường khác nhau. Cuộc sống cũng đôi khi được tính bằng đau khổ và hạnh phúc. Lúc đấy cuộc sống được tính bằng sự đong đầy những giá trị đã đạt được. Có thể quãng đường sắp xếp của số phận có người cần thẳng tiến, nhưng cũng có người cần quay đầu nhìn lại những gì mình đã bỏ qua để nhặt nhạnh lại miếng ghép bỏ quên nhằm ráp lại cho tròn bức tranh cuộc đời. Kim Joo-won và Gil La-im là những con người nằm trong vế thứ hai ấy, họ có thể thẳng tiến đến cái đích là thời gian nhưng chẳng bao giờ có thể hoàn thành một bức tranh đầy đủ cả khổ đau và hạnh phúc. Nhưng nếu họ quay đầu lại và đánh đổi bằng thời gian để khổ đau và hạnh phúc quy tụ trong trái tim, bức tranh sẽ tự động lưu lại cảm xúc đã bị bỏ quên nơi tuổi trẻ.

Gil La-im và Kim Joo-won trước khi gặp nhau, không ai quá đau khổ hay quá hạnh phúc. Hai con người luôn tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Bằng lòng cúi đầu xin lỗi hay bằng lòng ngẩng mặt ngạo nghễ đều là trạng thái hài lòng với cuộc sống chính mình. Họ tự đầy đủ trong khiếm khuyết, họ tự đúng đắn trong thiếu sót, họ được thần thánh đối xử công bằng trong trạng thái bình quân chủ nghĩa mà thượng đế vịn vào phân phát số phận cho con người. Và vì thế họ cần nhau để hiểu nhau. Con đường để hiểu nhau chông chênh nên họ cần phép màu giúp đỡ cho họ bị mất chính mình để tìm được bản thân. Tôi cảm thấy rất thú vị khi phép màu mà biên kịch tặng cho cặp đôi này chỉ dừng lại ở 15% thời lượng phim mà thôi, không ít và cũng không nhiều nên thấy thiếu mà chẳng thiếu. Hai con người được ban tặng phép màu như thế là quá nhiều so với người bình thường rồi, nên để hiểu nhau hơn sau đó họ cần phải đi trong chính thể xác của bản thân để hiểu người kia vì cuộc đời người kia vẫn cần những bí ẩn để tìm hiểu và khám phá. Mùa hạ rớt chỉ để người ta hiểu rằng người ta cần nhìn lại-chớp lấy để rồi tiếp tục lặng lẽ đi vào mùa đông bất diệt của tạo hóa.

Hai con người ấy được tạo hóa trao cho một phép màu nên tôi tin chắc nếu biên kịch là một nhà văn xuất sắc sẽ biết quay mặt con dao hai lưỡi phép màu lại để cắt lấy những gì phép màu cần lấy đi của họ. Phép màu cũng cần nguồn sinh khí để duy trì sự tồn tại, thần thánh chẳng cho không biếu không một hiện thực để thay đổi thực tại. Thần thánh chỉ cho đi cơ hội để họ nắm bắt mơ ước nhằm hiện thực hóa cuộc sống mà thôi. Nếu nắm bắt cơ hội đấy, họ sẽ bỏ đi khả năng tiềm ẩn khác mà không hay biết. Tuy nhiên sự công bằng khi trao đi đổi lại giá trị là điều tôi quan tâm. Tôi tin biên kịch sẽ định lượng công bằng giữa cho đi và lấy lại. Phép màu ấy mang trong nó gánh nặng để rơi xuống trần gian thì nó cần giải tỏa gánh nặng ấy vào hơn hai con người nhận nó để được vô trọng lượng trở về thiên đường.

Nếu phép màu không ban tặng sinh mạng sẽ không lấy đi sinh mạng, nếu phép màu được gieo bằng tham vọng của người cha sẽ được trả bằng sự đánh đổi của người cha-một sự hy sinh để con gái được hạnh phúc. Công bằng trong mỗi tình tiết không có tính bắc cầu mà cần có điểm dừng để mọi thứ được giải tỏa và tiếp tục phát triển. Vì thế tôi không chắc một happy ending ở Secret Garden nhưng với cách cấu trúc bộ phim khá tốt cho tới tập 8 thì một tình tiết cố nhân văn hóa câu chuyện bằng sad ending sẽ khiến câu chuyện trở nên vụng về không phải phong cách thường thấy ở biên kịch Kim Eun-sook. Những tiền đề được biên kịch sắp đặt cho phép người xem hy vọng ở happy ending. Riêng cá nhân tôi, tôi hy vọng ở một kết thúc hợp lý và công bằng như đã đề cập, để Secret Garden vẫn tạo được dư âm khi vẹn toàn trong cái bất vẹn toàn như tạo hóa. Một yêu cầu khó đối với một phim Hàn nhưng tôi hy vọng có thể sau 5 tác phẩm đã xem của biên kịch Kim Eun-sook, tác phẩm này sẽ vượt qua được ngưỡng đánh giá mà tôi dành cho phim của chị với sự đột phá.

*Mùa hạ rớt là từ dịch giả Bằng Việt sử dụng lần đầu khi dịch bài thơ Babie leto của nữ thi sĩ người Nga Olga Bergolts, người ta thường dịch Indian Summer là mùa hạ Da đỏ, hoặc mùa hè Ấn Độ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review