Kitchen - Trong cùng cực nỗi nhớ, em trèo tường tìm về bên anh...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có lẽ người đọc sẽ bị ấn tượng bởi vế thứ hai trong đoạn tiêu đề tôi đặt hơn. Có đúng thế không?

Vế thứ hai ấn tượng được ấy, là do có vế thứ nhất làm giá đỡ. Một loại giá đỡ vững chắc để đánh bạt vấn đề cọc đi tìm trâu mà thiên hạ dèm pha. Quan tâm làm gì sự đàm tiếu nữa khi con người ta đã khắc khoải trong nỗi nhớ. Nơi mà người ta muốn mặc kệ cũng chẳng thể nào nguôi ngoai. Nơi mà một khoảnh khắc chợt ngời sáng tỏa đi hơi ấm kỳ diệu của con tim. Chính vì thế, cho dù có là trăm sông ngàn núi thì có là gì đâu, huống chi đây chỉ là cái tường rêu cũ, thì hà cớ gì lại không trèo lên để tìm về bên nhau, bên những đồng cảm rung động con tim...

Kitchen của Banana Yoshimoto mang đến cho độc giả những ấn tượng nhẩn-nha-buồn. Bởi cuốn tiểu thuyết này sâu lắng một cách khoan thước, chông chênh một cách vững trãi, cũng như hoang mang một cách kiên định. Kitchen viết về một tình yêu nảy nở trong cô độc giữa một người con trai và một người con gái, giữa sự chơi vơi tan vào không gian lạc lõng bao trùm. Khiến cho thế giới trong nó lặng lòng đến im ắng, xa xôi đến vời vợi, mà cũng gần gụi như chính những suy tư của chính ta.

Chìm vào sâu cuốn sách là những suy tư về cuộc đời, về sự tồn tại, và những nội tâm chất chứa trong những cảm giác nhạy cảm nhất. Nữ tác giả như chia sẻ sự lẻ loi của bản thân trong sự trống trãi của thời đại vũ bão bất tận. Những con người trong sách co cụm lại với nhau, tha thiết với nhau trong một khuôn khổ tự do. Họ như những cánh chim trú chân nơi chiếc tổ chơ vơ giữa những cơn mưa não nùng. Họ sợ những cơn mưa rơi ướt tâm tư. Họ sợ là ấm áp phong tỏa đi những tự do mà họ hằng yêu quý. Thế nên họ mẫn cảm đến độ tưởng như chỉ còn lại chính họ trong những cô độc. Họ đơn độc, họ biết điều đó, nhưng họ chưa có dũng khí để đón nhận những khoảng không còn tù mù phía trước. Thế nên, họ chần chừ để tìm đến nhau. Họ ngại ngùng như chính họ êm đềm trong niềm cô độc.

Nhưng định mệnh đã dành cho họ niềm cô đơn đến cùng cực. Không gian lạc lõng đã đưa họ lại gần nhau, và họ cảm thấy rằng cần nhau cùng trãi nghiệm cuộc đời. Họ đến với nhau không phải chỉ để hàn gắn hai niềm lạc lõng, mà họ đến với nhau để đi vào sâu sự lạc lõng ấy, để rồi đi vào đời nhau như ... nghiễm nhiên phải thế. Cho nên cái hệ quả của những nồng nàn mà họ chẳng nhận ra ấy đến từ nguyên do họ đã nhớ đến cùng cực-sâu trong những mê đắm đồng cảm để thời khắc đó-tất cả những tâm tư bừng lên ngời sáng tỏa ra thứ ánh sáng ảo diệu của cõi lòng, hư ảo mà xuyên suốt vào những nền tảng suy tư, để họ trở về bên nhau...

Kitchen của Banana Yoshimoto không phải là một áng văn dễ đọc bởi những tâm tư suy tưởng, nhưng nó là một tác phẩm đẹp chính nhờ những dòng tâm tư ấy, những tâm tư man mác nỗi cô đơn, mênh mang một chút những nỗi buồn. Chính nhờ những suy cảm ấy đã làm nên chất thơ đầy tự sự của tiểu thuyết này, một cuốn tiểu thuyết đã tiết chế nỗi buồn để mang lại những chiêm nghiệm đằm thắm về tuổi trẻ hỗn mang. Tình yêu giữa nam nữ trong cuốn tiểu thuyết này hơn cả là tình yêu, mà là một sự đồng cảm của những người như là tri kỷ của nhau. Họ đến với nhau để hiểu nhau, để tan vào nhau, nên họ có nhau. Chỉ nhẹ nhàng như thế thôi, nhưng là tất cả những gì đã khiến những người yêu nhau phải trèo đèo lội suối để tìm về bên nhau-chia sẻ, quyện vào nhau đi suốt một cuộc đời phía trước còn chênh vênh lắm đỗi...

Sự hòa hợp về tâm hồn của những con người sống lặng sâu trong tiềm thức là điều tiên quyết để những con người yêu cô đơn yêu nhau, vùng vẫy cùng nhau trong nỗi cô đơn của riêng họ. Để con người có thể dùng nỗi nhớ thoát khỏi thế giới đơn độc, để con người có thể dùng yêu thương để đi sâu vào ánh mắt của đối phương, và để có thể dùng chính sự cô đơn để đi qua cô đơn-trong nhau...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review