JIN - Lãng du cùng thời gian

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở thời này, nhạc thì phải xập xình, phim ảnh thì phải khoa trương. Chỉ cần khán giả hắt hơi xổ mũi một tí thôi là các nhà sản xuất rượt theo thị hiếu lau nước mũi muốn đứt hơi. Phim phỏng là phải có anh kia đẹp trai, chị kia đẹp gái hôn hôn hít hít cho cân môi xứng lưỡi, để vừa lòng để khán giả mơ mộng, hay phải có anh hùng bắn súng đòi công lý, giết chết cái hạng tham nhũng đè dân đen vào nợ vào nần để người ta khoan khoái hy vọng mà sống tiếp.

Không có ai có quyền trách cứ, chứ đừng nói là lên lớp dạy đời nhu cầu giải trí đó, vì đời ai cũng bình đẳng nên nhu cầu giải trí cũng chẳng cần phân cấp sang hèn, cũng cùng một loại mua vui để thư giãn sau ngày làm việc mệt nhọc mà thôi. Người ta đầu tất mặt tối đối diện với cơm áo gạo tiền, với người yêu hay tay chồng lười nhác đêu đểu xem Euro suốt ngày bắt hầu hạ và khoắn đồ đi cúng nhà cái thì thời gian đâu mà ngồi xem phim cho nặng đầu. Văn hóa mỗi thời đều thể hiện trực diện nhất hiện thực xã hội, như bao đời nay vẫn vậy. Ca dao tục ngữ ngày xưa cũng là dạng văn hóa bình dân để người ta mơ người ta mộng, người ta tán tỉnh thề hẹn nhau, Hồng Lâu Mộng trứ danh cũng diễm tình như bao tác phẩm ngôn tình ngày nay đấy, Romeo & Juliet cũng bi thương như bao tác phẩm bi lụy ngày này đó mà, chỉ là gắn bó với nhu cầu giải trí qua thời gian, lưu lại lên lão làng giờ thành kinh điển rồi bao người suy tôn thôi.

Nhưng nếu ai đó thảnh thơi đầu óc một chút thì cũng nhìn ngang liếc dọc để tìm kiếm chút thi thơ, hay hơn nữa là chút trừu tượng của cái gọi là nghệ thuật, đỉnh của văn hóa. Không hẳn đầu óc lúc nào cũng thảnh thơi mới thưởng thức được nghệ thuật, chỉ cần lâu lâu để đầu óc thoát ra khỏi xô bồ và thảnh thơi ngắm không gian lãng đãng sương bay thấm chút hơi lạnh của nghệ thuật thôi. Đời cũng phải có cái này, cái kia để gió thoảng, mây bay thêm hương, thêm vị cho đời thêm mặn mòi, thêm dư âm nhớ thương và dư hương vấn vương.

Vậy đi đâu để tìm nghệ thuật ở phim phỏng đây? Thì tất nhiên không nên tìm ở vùng giải trí thực dụng mà tôi nêu trên rồi đấy, vì hàm lượng thi thơ ở những tác phẩm ấy đã bị tính thực dụng đè bẹp dí rồi còn đâu, làm sao để cái trác tuyệt sinh sôi nảy nở ở vùng đất đã có sinh vật khác sống như thế, nên chớ đi tìm nghệ thuật ở đấy. Vậy phải tìm ở đâu, ở những tác phẩm kinh điển chăng, có nên không? Theo thiển ý của riêng tôi thì nếu bạn không phải là nhà nghiên cứu nghệ thuật hoặc không quá dư dả thời gian để thưởng thức nghệ thuật thì cũng không nên xem những tác phẩm đã bị hào quang phủ lên đấy, bởi rất khó cảm nhận độc lập, và những tác phẩm kinh điển đó cũng có chút cliché ở cách thể hiện nên dễ gây nhàm chán – nếu bạn không có đủ thời gian vượt qua nó. Hãy tìm nghệ thuật ở những tác phẩm đương đại, những tác phẩm gần với chúng ta, với cuộc sống, với mơ ước và với cách thể hiện mà chúng ta thấy gần gũi, để ý tứ của tác phẩm dễ chạm đến lòng ta, mơn man một chút và lay động một chút tâm hồn mệt mỏi trong cuộc đời đã lắm xộc xệch này.

Phim Mỹ chăng? Phim Mỹ ồn ào quá, nổ quá nên đâu dễ chắt lọc tác phẩm tinh túy nếu không có thời gian, hay chọn theo Oscar để cảm nhận có chút hàn lâm, nổ theo thiên hạ cho vui. Ôi, nếu bạn nghĩ mình có thể cảm nhận thì cứ xem, nhưng cũng cần thời gian để bạn hòa nhập vào cái tôi của tác giả đó.

Hay Châu Âu cựu lục địa, Tây Á và Nam Á. Những nền nghệ thuật đó tương đối lạ lẫm với khán giả Việt chúng ta nên có lẽ tôi không nên nhắc đến nhiều.

Phim Trung hay phim Hàn cho gần gũi với cảm nhận của người Việt ư? Không thể phủ nhận rằng phim Trung với phim Hàn vẫn có những xuất sắc, nhưng không phải là nhiều, và bạn sẽ phải mắc công chắt lọc để tìm được tác phẩm có giá trị nghệ thuật trong làn sóng giải trí đang bủa vây nền nghệ thuật hai nước đấy.

Vì vậy hãy rẽ hướng sang hướng Đông để đến với nền nghệ thuật Nhật, nền nghệ thuật có bản sắc rõ ràng nhất trong các nước Đông Á. Viết đến đây thấy giống mấy bài ca tụng phim Nhật quá! Haha! Ừ, thì đúng là tụng phim Nhật nhưng cũng phải tụng cho coi được, chứ không thể ca tụng kinh hồn bạt vía những bộ shoujo, live action rồi bảo đó là nghệ thuật được, chưa nói đến nền văn hóa tình dục thuộc dạng phì nhiêu nhất trong các nước châu Á mà ca tụng thì người ta tụng lại cho tôi nghe "mát" mặt luôn. Nhật Bản được nhiều kẻ ca tụng đủ để nhuộm trắng thành đen tất thảy đấy, khiến Nhật Bản nhiều khi như một tác phẩm "kinh điển" đè bẹp mọi anh hùng hào kiệt trên thiên hạ, khiến Nhật Bản giống như độc bá thiên hạ về nền công nghiệp phim ảnh luôn. Nhưng đâu có, Nhật vẫn là Nhật thôi, vẫn trầm lặng và im ắng đi theo lối đi riêng mình để hòa nhập với thế giới.

Phim Nhật giờ đây cũng trộn lẫn rất nhiều với các nền văn hóa khác để chìu theo thị hiếu của người xem. Có rất nhiều tác phẩm đã phai nhạt tính chất tinh truyền của Nhật, mà thay vào đó là những dấu ấn văn hóa phương Tây lẫn văn hóa những nước láng giềng. Nhưng cho dù vậy, bỏ qua một số tác phẩm phát triển theo chiều rộng để đáp ứng thị hiếu của người xem, nhiều phim Nhật phát triển theo chiều sâu vẫn bảo lưu được nguyên khí Nhật trong nó, cái nguyên khí từng làm nên Seven Samurai chấn động, Tokyo Story lắng đọng cho đến Oshin kiên cường đã thổn thức biết bao khán giả cả Đông lẫn Tây. Chính vì trãi dài trên quần đảo cô độc nên nước Nhật vẫn giữ được ý tứ tinh nguyên bao hàm trong nét cô độc của mình, không lẫn đi đâu được với sự trầm lắng mênh mang, sự thống nhất logic và sự kiên định trong tình cảm của con người.

Nhìn chung phim Nhật không phải toàn hay đâu, vẫn có những phim dở ẹt, dở đau đớn như ai thôi. Nhưng phim Nhật như đã nói luôn giữ trong nó dòng máu bản sắc riêng nên bao giờ cũng có định hướng rõ ràng. Phim nghiêm túc là phim nghiêm túc, mà phim giải trí là phim giải trí. Hàm lượng nghệ thuật trong phim Nhật vì thế khi cần luôn được định hướng giữ gìn và phát triển để kết tinh ở một số tác phẩm nào đó-khi người Nhật muốn đề cao bản sắc của họ. Bản sắc kỳ ảo của nội dung và những góc quay lãng đãng tạo nên dư cảm miên man trong trái tim khán giả, khiến người ta nhớ đến phim Nhật không phải bằng niềm vui, mà bằng sự chia sẻ chân thành và thẳng thắn, đôi chút hà khắc và độc đoán nhưng lại luôn tạo đuợc sự tôn trọng đến từ trái tim người xem thiện chí. Đó là cảm khái Nhật Bản hư ảo mà chân thật qua từng thước phim, từng lời tâm sự.

Để minh họa cho ý kiến của mình, tôi xin đuợc viết vài dòng về một phim Nhật thoáng chút lãng đãng và man mác ý niệm Nhật mà tôi trình bày. Bộ phim có tựa là JIN. JIN không phải là một phim xuất sắc, vì là drama có thời lượng khá dài nên nhiều trường đoạn chưa thật cô đọng và tinh tế được như movie (hay). Nhưng tôi muốn giới thiệu JIN, một drama để minh họa cho nhận định của mình vì nội dung JIN vừa vặn với cảm nhận của đa số khán giả nên chắc có lẽ dễ đi vào lòng người hơn những phim dark mà tôi đánh giá cao. Ở JIN có chút huyền ảo pha trong sự kiên định dịu dàng của chủ nghĩa khắc kỷ khi những con người Nhật Bản khi đối diện với nghịch cảnh, có góc nhìn hiện thực trầm lắng ấp ủ chữ tình vào trái tim khiến người xem xao xuyến.

JIN là câu chuyện của một vị bác sĩ lạc về quá khứ thời Edo, thời mới bắt đầu manh nha Tây y ở nước Nhật xa xôi. Hành trình dài từ tương lai đến quá khứ của bác sĩ Jin chính là hành trình tìm lại bản thân – sự can đảm, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng của một người bác sĩ sợ phạm sai lầm nên không dám cầm dao mổ ở hiện tại. Qúa trình lạc về quá khứ đó, nơi những con người cần một bác sỹ cứu lấy tính mạng của họ trước sự bất lực khoa học kỹ thuật, chính là quá trình bác sĩ Jin bước qua nỗi sợ hãi, bước qua sự ỷ y lại cộng đồng để tự chịu trách nhiệm trước cuộc đời anh, cao hơn là chịu trách nhiệm trước sứ mệnh cao cả của một người thầy thuốc, người sinh ra và được đào tạo là để cứu người. Những vụ kiếm đâm lủng sọ, ngựa đá vỡ đầu được miêu tả chi tiết và cụ thể mang đến cảm giác chân thật chính yếu để miêu tả lại tâm lý bác sĩ JIN, người nắm trong tay sự sống của người khác bằng sự can đảm của anh. Những trận dịch tiêu chảy lẫn dịch hạch để thử thách bãn lĩnh cứu người của anh, nhanh nhạy và nhiệt huyết tìm tòi lẫn thử thách bản thân bằng việc dấn thân thực hành thay vì lý thuyết sách vở. Kiến thức được phim miêu tả thuần thục làm bệ đỡ cho tâm lý nhân vật phát triển, gỡ dần những nút thắt chủ quan đã hình thành từ trước khi anh lạc về quá khứ.

Nhưng đây là phim Nhật, nơi những con người không hoàn hảo, mỗi người đều có khuất mắc chủ quan do bản thân mình gây ra. Mà ở bác sĩ Jin trong hoàn cảnh này chính là ý muốn được trở về hiện tại của anh, được trở về thế giới anh vốn sống với người yêu thương đang nằm chờ anh. Những nguyên nhân khách quan anh có thể vượt qua được, nhưng liệu những nguyên nhân chủ quan thì bác sỹ Jin có thể vượt qua không, và vượt qua bằng cách nào. Bên cạnh hành trình tìm lại bản thân, JIN còn miêu tả về tình người, thứ tình đáng trân trọng mà những người dưng nước lã dành cho nhau, cái tình người tạo nên lý tưởng cho nhân vật, tạo nên phẩm cách của những nhân vật ở thời Edo. Tình người trong JIN được miêu tả dung dị nhưng rung động khiến không khí ấm áp ngập tràn, phấp phới bay trong không gian hào sảng, nơi những con người dám hy sinh bản thân-dù ít dù nhiều vì nguời khác. JIN là một câu chuyện nhân văn chính vì vậy, vì người ta có những thời khắc sống cho người khác, và sống vì người khác.

Ở JIN có một ý niệm thời gian man mác, ý niệm khiến tôi đồng cảm như chính bản thân mình bị lạc trong đó. Ý niệm thời gian đó điểm xuyến một sức nặng thẳm thẳm đối với nhân vật cũng như đối với người xem. Chúng gieo vào lòng người niềm hạnh phúc gần gụi bên trong nỗi buồn miên man lắng đọng. Ý niệm thời gian là một điều gì đó rất Nhật, rất rất Nhật, nếu lỡ bước qua thì tất cả sẽ thay đổi, sẽ xoay vần theo vũ điệu thời gian. Nếu suy nghĩ có thể thay đổi thì cảm xúc cũng có thể thay đổi, tình yêu vì thế cũng có thể thay đổi như con thuyền lênh đênh theo chiều gió. Jin là người đứng giữa quá khứ và hiện tại, khi từ hiện tại đến quá khứ Jin muốn giữ lấy hiện tại-đã thành quá khứ làm tin để vỗ về bản thân một hy vọng trở về, với thời đại của anh và trở về với Miki – người yêu đã gắn bó với anh, để cho dù quá khứ có hình ảnh của Miki qua gương mặt Nokaze anh vẫn cố gắng trấn tĩnh bản thân hai con người ấy là hai con người khác biệt, không liên quan và tình cảm của anh chỉ dành cho Miki mà thôi. Nhưng thời gian là một thực thể thích đùa giỡn với cảm nhận thực của con người, nào ai biết trước chính bản thân mình thay đổi đâu, khi trái tim bất chợt rung động đổ những nhịp đập dồn dập lúc bên cạnh một người con gái. Jin đã cố gắng lảng tránh nhưng không thể tránh được định mệnh được viết bằng trái tim, người mà anh rung động không phải là Nokaze, mà là Saki, cô gái đã gắn bó bên cạnh anh qua những ca mổ, gắn bó đến nỗi từ bỏ một cuộc hôn phối để đến bên anh, đến bên dao mổ được thực hiện lý tưởng. Jin rung động vì Saki là một hiện thực, một hiện thực không thể lảng tránh nên dần khắc sâu vào trái tim người đàn ông đó bằng chính cách anh đã yêu Miki, bằng chính sự chân tình mà anh đã trao cho Maki.

Jin vẫn mãi là người đứng giữa quá khứ và hiện tại, nên Saki là người đến muộn trong cảm nhận của Jin, là người tình muộn màng để Jin cứ mãi đắn đo, là người luôn chia sớt trái tim Jin cho cô gái Miki đến trước. Tình cảm giữa Saki và Jin là thực nhưng lại mơ hồ và lãng đãng, mong manh bao phủ trái tim hai con người giữa hư ảo trong niềm nhớ con tim, trong cái dở dang ngọt ngào muôn kiếp chẳng tan đấy, để người ta hạnh phúc và trân trọng hạnh phúc khi có một-nửa người thương bên cạnh vỗ về những trống trãi tự cõi lòng. Tình yêu trong Jin không cuồng nhiệt, không nồng nàn mà sao lại sâu lắng đến nhường ấy, sâu lắng tưởng chẳng thể nào quên. Để rồi dở dang, để rồi lỡ làng nhưng là tâm trạng lỡ làng đầy sức nặng của hạnh phúc. Hai con người ấy đến với nhau bằng tất cả sự dè dặt nhưng lại vô cùng chân thành, họ còn hơn cả hai người yêu nhau, bởi họ như những tri kỷ, không cần nói cũng đã hiểu nhau. Còn tình nào đẹp như tình tri kỷ dành cho nhau chăng? Dù họ có xa nhau hay họ ở gần nhau thì tôi tin chắc, trái tim họ luôn dành cho nhau, nguyện cầu những hạnh phúc tốt đẹp nhất đến với người kia. Con tim họ chân thành dành cho nhau, không cần phải sở hữu nên tình yêu của họ dường như vô trọng lượng bay lên như những con gió, phả những làn hơi mát rượi khi hạnh phúc được nhớ về nhau – hạnh phúc được yêu và được trân trọng tình yêu. Hạnh phúc như luôn được khởi đầu, luôn được lắng đọng thành trầm tích, luôn bình yên chìm trong nỗi nhớ. Đâu có hạnh phúc nào như hạnh phúc ấy, vừa bình yên vừa hy vọng thoáng trong chút buồn thương vấn vương, vĩnh cửu vấn vương một khóe mắt, một khóe môi trong nỗi nhớ vĩnh cửu mang máng một bóng hình hư ảo.

Nghệ thuật được tôi đánh giá bằng nỗi nhớ, nỗi nhớ trong phim cũng như nỗi nhớ của khán giả dành cho phim. Nỗi nhớ được tạo dựng từ thời gian, và cũng chỉ có thể vun đắp hay phôi phai bằng thời gian mà thôi. JIN gầy được nỗi nhớ ấy vào cảm nhận của tôi, nỗi nhớ về những buổi hoàng hôn Jin ngồi một mình rồi Saki im lặng đến phía sau ngắm mặt trời vàng cam chầm chậm xuống núi. Những cảnh quay trong JIN thật gợi như kiểu tình tự với khán giả đầy ý nhị, bâng quơ đó nhưng thật xốn xang nên khó quên. JIN là một tác phẩm mang đậm dấu ấn Nhật, dấu ấn đánh thức xúc cảm của người xem về mơ ước và hiện thực, dấu ấn ngỏ lời thầm thì mời người xem đến với phim Nhật để làm kẻ lãng du lặng lẽ cùng với thời gian.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review