Hotarubi no mori e- Tình yêu đâu cần vĩnh cửu...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Viết mà không hay thì không nên viết.

Bởi dạo này cảm xúc của tôi tụt hết trơn hết trọi rồi. Chẳng có mấy phim có thể kéo lên cả.

Tôi khó tính, dĩ nhiên.

Nhưng lúc tôi khó tính, tôi thấy tôi viết đầy cảm xúc.

Dạo này tôi dễ tính, dễ đến trớt quớt, thấy mọi việc êm xuôi thì không có cảm xúc để có thể tự cảm thấy có thể viết về một cái gì đó khiến chính mình rung động.

Thế nên mới nói, khó tính chính là để đủ đầy cảm nhận của mình.

.

Tình yêu. Tôi thích viết về tình yêu, thích những tình yêu mong manh tựa hồ sương khói, có mà như không, không mà như chẳng thể nào quên.

Không cần nhiều nước mắt, cũng chẳng cần khắc cốt ghi tâm, chẳng cần phải vĩnh cửu bên nhau bạc đầu thề hẹn. Tình yêu với tôi chỉ là khoảnh khắc. Có thể là những lúc rực rỡ nhất, nhưng cũng có thể là những lúc hoang phế lụi tàn. Tình yêu với tôi là hiện tại, là lúc mà tôi được chìm đắm vào không gian nồng nàn, hay là lúc tôi nhớ đến quắt quay cảm giác nồng nàn đã xa. Bởi vì tình yêu với tôi là tất cả những gì tôi có, tất cả những gì tôi mong mỏi và được toại nguyện.

Tôi sợ tương lai, sợ những dự cảm chia ly treo bên khung trời như chiếc chuông gió tính tang nhắc nhở. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng chẳng có gì có thể nồng nàn mãi mãi, dầu có bên cạnh nhau cả đời cũng chẳng thể níu kéo đắm say vĩnh viễn. Cho nên nếu phải xa nhau thì cũng chẳng có gì để phải nuối tiếc khổ đau. Đến thì cứ đến, và đi thì phải đi. Tình yêu như một ca khúc rung động đó rồi nhạt phai đó. Như con thằn lằn đứng im trên bờ tường để rồi xoáy đuôi trườn đi mà thôi. Nơi đó, bờ tường úa màu vùi thời gian vào nỗi nhớ lặng im.

Hotarubi no mori là một phim viết về tình yêu như thế, về một tình yêu không có tương lai. Cũng chẳng cần tương lai, mà có lẽ vì không có tương lai, nên cái cảm nhận tình yêu trong đó đẹp đến ngỡ ngàng, đến lồng lộng như gió thổi rừng sâu thẳm rơi hun hút. Một hiện tại đứng tấn giữa cảm nhận nguyên sơ trôi vào phơn phớt dự cảm, êm đềm lăn vào lặng lẽ những rung động chênh vênh.

Chưa đầy bốn mươi lăm phút, nhưng phim hoàn toàn đưa người xem vào không gian huyền hoặc khơi gợi. Phim đó, là một nơi giao thoa giữa siêu nhiên và hiện tại, là nơi giao thoa giữa thực và mộng, giữa con người và linh hồn vất vưởng thế gian. Và chính bởi không gian giao thoa ấy khiến cảm nhận mong manh hư ảo, khiến cho thực hư xóa nhòa ranh giới rồi mộng mị chấp chới bay lên. Chỉ biết là, còn ở lại là ký ức nguyên thủy đẹp trắng trong, cảm tình nảy sinh vụng dại ngây ngô bất tử, và ở đấy còn lại là khao khát được chìm đắm vào tình yêu, được chạm vào người yêu, được vượt qua cả sự hủy diệt để ôm chằm lấy tình yêu. Tình yêu, có lẽ trong không gian bất bình thường ấy bỗng trở nên tuyệt đẹp, như tuyệt sắc giai nhân đứng nép vào khung trời yên ả ngắm nước trôi dìu dặt thả dòng tóc tơ bay. Tình yêu đó, như một tấm lụa trôi theo làn gió tỏa sáng ánh mắt những kẻ đang nhớ nhung.

Và tình yêu, là nỗi nhớ, nhớ không phải để khổ đau, nhớ chẳng phải để sầu muộn, mà nhớ để trân trọng, nhớ để mỉm cười nắm lấy ký ức ngưng trôi trong con tim khắc ghi cảm giác ta được nhớ về người.

Gởi những mênh mang ở lại nơi ấy.

Để trong nỗi nhớ ta đi tìm lại những giọt nước vương mắt trong ngần tan thành hình bóng người xưa.

Hotarubi no mori e là truyện ngắn về mùa hè trong bản giao hưởng shoujo bốn mùa của nữ mangaka Midorikawa Yuki


Amour – Giết ngườibằng tất cả tình yêu...

Amour trong tiếng Pháp có nghĩa là tình yêu.

Và tình yêu lúc nào chẳng lãng mạn.

Đôi khi, nó là sự lãng mạn đến cực đỉnh yêu thương.

Khi người ta giết nhau vì yêu nhau, trong bàng hoàng, run rẩylắng đọng chơi vơi.

Có thể nói rằng, ý niệm của Amour không hề mới, có mới chăng đó chính là cách dẫn truyện đã tạo nên cung đường chiêm nghiệm nhiều mê hoặc đối với khán giả yêu điện ảnh, khi đưa họ vào tận cùng bình dị cuộc sống của hai người già trung lưu ở xứ Pháp, đưa họ vào tận cùng bình dị yêu thương mà những người bạn đời dành cho nhau, và đưa họ đến một cách thức bạo lực tuyêt đỉnh lãng mạn để thăng hoa tình yêu giữa đắng nghẹn hiện thực.

Amour của đạo diễn Michael Haneke, một đạo diễn nổi tiếng cực đoan, nên tất nhiên tình yêu trong Amour đã tận dụng được chất cực đoan tuyệt vời để chống lại hiện thực phũ phàng cũng cực đoan chẳng kém khi tuổi già phủ lên cuộc sống của con người. Những tình tiết nhỏ, những dấu ấn trong thinh lặng với góc quay tĩnh đã đưa tất cả những cảm nhận chân thực về bệnh tật và cái chết. Cách miêu tả trần trụi về sự thật đã khiến cho Amour đi sâu vào mênh mang sự bất lực của con người khi đi miêu tả họ bị cuốn vào vòng xoay hủy diệt của cuộc đời. Sự bất lực ăn mòn sự sống còn hơn chính cái chết, và chỉ có cái chết mới kết thúc được sự bất lực ấy.

Luật an tử không được chấp nhận tại Pháp. Chính điều đó đã đặt tình yêu của hai nhân vật trong phim vào lòng sự thử thách to lớn khi buộc những con người còn yêu thương phải nhìn nhau tự hủy diệt. Vì thế, buộc lòng những con người ấy phải yêu nhau vượt thoát tất cả, để đương đầu với sự hủy diệt bằng cách hủy diệt nhau. Bằng cách vượt qua tình yêu, vượt qua cám dỗ còn được bên nhau khắc khoải để dành lại sự bình yên trong vĩnh hằng, Amour đã tạo nên một tình yêu trên cả tình yêu-bức bối và chơi vơi khi để một người giết một người với tất cả nhân văn có thể, với tất cả tình yêu có thể, với tất cả can đảm có thể để tiễn đưa mọi thứ chìm vào yên bình. Sự bình yên được giãy giụa trong tình yêu.

Và nhân ngày Chúa giáng sinh, chúc cho những ai ghé qua đây an lành với cuộc sống bình yên. Một Noel nữa lại về, lại già thêm một tuổi, và lại đi kiếm tìm sự bình yên...


Trinh thám và những mảnhtình rơi lại

Tựa đề đã lý giải vắn tắt lý do tôi yêu truyện trinh thám.

Nhưng tôi không yêu truyện trinh thám kiểu như của Dan Brown, những thiên truyện dài ngoằng, nói vòng veo vào ba cái mật mã với biểu tượng. Tôi không thích cách mấy vị đó xổ chữ với mớ kiến thức có thể đọc được trong những tác phẩm khoa học chuyên ngành. Tiểu thuyết trinh thám với tôi cần sự tinh gọn đến độ bẽ bàng, lộn xộn đến độ ngẩn ngơ, kết thúc gọn ghẽ đến hụt hẫng. Tất cả là bởi vì tiểu thuyết trinh thám có thể mang đến những mảnh tình rơi rớt đẹp hoang sầu giữa những dang dở. Tôi yêu truyện trinh thám ở điểm ấy, khi các tiểu thuyết gia mang lại hệ thống tâm lý và động cơ bao trùm những đứt đoạn tâm lý, những ước nguyện vấn vương, hay cả ở sự đanh thép của nhân quả. Tất cả như mơ hồ giăng cuộc đời vào chơi vơi tình cảm cùng những suy tư chập chùng khoảnh khắc in sâu trong thăm thẳm nội tâm bỏ ngỏ lại.

Và tôi cũng chẳng thích được những truyên trinh thám như của Shimada Soji. Những kiểu trinh thám nghiên về kỹ thuật phá án thì tôi chẳng lấy làm gì hấp dẫn. Có cả tá hồ sơ hình sự có thể tham khảo được, có hàng mớ những cuốn sách dạy về kỹ thuật phá án có thể tìm hiểu. Và những cuốn sách khiến tôi cảm thấy người phá án quá tệ chứ chẳng phải một thế hóc hiểm gì đó đến từ hung thủ. Điều mà theo tôi là đáng đọc nhất của truyện trinh thám. Và chất cổ điển đó đã thấm vào trong tôi, khiến tôi mê mẩn những cuốn truyện của Agatha Christie.

Agatha Christie là những câu chuyện về đời người không quá cao sâu về tâm lý hay về xã hội. Mà ở tác phẩm ấy dung hòa vừa đủ những yếu tố trinh thám hấp dẫn để dẫn đường đưa độc giả khám phá ra chiều sâu tâm lý nhất định. Và chính vì thế những khám phá ấy của Agatha Christie đôi khi đã đưa tôi vào những trạng thái ngỡ ngàng, chút ngẩn ngơ và đôi phần bàng hoàng. Cuộc đời khi ấy dừng lại giữa mảng khối hoang sầu, nghênh ngang và xa xăm trong xốc xếch. Những lúc ấy khiến tôi thấy cuộc sống thật đẹp giữa những gì tàn ác nhất, giữa những lúc cay nghiệt nhất. Đó là những mảnh tình rơi rớt lại như tàn thu vương lại trước mùa đông lạnh giá, hay là chút chớm xuân giải tỏa một chút se sắt giữa trời tuyết cô độc.

Một chút ấy tỏa sáng le lói giữa ngập ngụa đời trôi, và chính nó đã ở lại với lòng người, để họ biết cách tiếc nuối, biết cách học chấp nhận những ngưỡng tâm lý cận biên, và để họ chiêm nghiệm cuộc đời nhiều hơn, lẩn vào những góc khuất trong chính bản thân mình để hiểu về đời, về người...


Safe Heaven

Safe Heaven là một câu chuyện biết khơi gợi trí tò mò của khán giả.

cất giấu đi quá khứ, phô diễn bức bối vào một màn khơi mào đúng trọng điểm khiến khán giả cảm thấy chông chênh. Nó không nói vì sao, nó không giải thích như thế nào. Mà nó bắt đầu với một cuộc trốn chạy. Một hành trình chơi vơi để một người phụ nữ có nhiều uẩn khuất tìm về bình yên.

Safe Heaven ấn tượng với tôi ở chỗ dựng phim, chứ không gây dấu ấn cho lắm về mặt nội dung. Một câu chuyện có thể đã gặp nhiều lần, đã cliché. Nhưng được dựng với phong cách dịu dàng và nhịp nhàng để không trở nên sến, không nhàm chán, cũng như không nặng nề. Đó là một sự sáng tạo đem đến sự bình yên một cách ... hấp dẫn. Bởi vì đây là phim Mỹ nên bình yên là để các nhân vật được cán vào đích đến bình yên. Tôi thích điều đó, đơn giản và thực tế.

Nhưng cũng chính vì thế, tôi không biết viết gì nhiều về Safe Heaven cả. Ý tưởng của phim không chú trọng quá nhiều đến dư âm, mà chú trọng vào cảm giác thôi thúc khi xem để khán giả hòa nhịp cùng cảm xúc nhân vật. Vậy nên tôi muốn giới thiệu cuốn phim dễ xem, dễ cảm này để mọi người xem mà thôi. Những khung cảnh đẹp, câu chuyện tình bạn hay hay, câu chuyện duyên phận yêu thương thú vị cùng một chút khác lạ hư ảo giữa con người và linh hồn. Cũng như cách con người thoát ly quá khứ, hay cách họ đối diện với tình yêu để hòa nhập vào yêu thương và nắm bắt cuộc đời. Kiểu như là một thông điệp hãy hành động để cuộc đời tươi đẹp hơn. Nên, ngắn gọn, hãy xem và cảm nhận!

được dựng từ cùng tên của , tác giả cuốn lãng mạn, được dựng thành tình yêu mùi mẫn nổi tiếng cùng tên.


5cm/s – Tình rơi giữalúc ta nhậnra quá khứđang rơi...

Tình yêu, tuổi trẻ và quá khứ là những vòng luẩn quẩn.

Có những hoài vọng mãi đẹp khi chỉ là hoài vọng.

Nó choáng ngợp tâm trí của người ta bằng tất cả cảm giác vương vấn, chập chờn mênh mang hư mộng. Để rồi dừng lại chất đầy những viễn tưởng xa xăm. Những viễn tưởng làm lòng người u hoài đắm lòng vào nhớ nhung.

Câu chuyện trong 5cm/s là ba đoạn cắt của của cuộc đời những cô cậu thanh niên còn rất trẻ, từ lúc họ trẻ cho đến khi lớn. Những cô cậu bắt đầu biết thương mến từ độ mười hai, mười ba tuổi. Tôi ít thích tình thơ, nhưng tôi lại cảm động rất nhiều bởi lát cắt tình thơ5cm/s. Tôi thích cả cách chia ly, hội ngộ để rồi lại chia ly như trong phim. Thích sự hết lòng của những cô cậu tí tuổi đầu đã bắt đầu biết nhớ nhau chân thành. Điều đó khiến tôi bỏ được lấn cấn về tuổi tác để hòa nhập vào cảm giác yêu lần đầu của lứa tuổi mới lớn. Chuyển trường, gặp nhau, để rồi một người lại chuyển trường nên xa nhau với một lời ước hẹn "năm sau lại cùng ngắm hoa anh đào rơi". Hoa anh đào rơi chầm chậm, cô tịch lắc lư từng cm trong từng phần trăm giây. Nhịp điệu rơi của hoa anh đào như khiến thời gian ngưng lại, như khiến lòng người cũng ngưng trôi để cảm nhận đầy đủ nhất vẻ mong manh của tương ngộ. Thật chậm, nhưng cũng thật đẹp trong cõi nhung nhớ.

Và chính hành trình tìm gặp nhau, đợi chờ nhau trong một đêm tuyết đầu mùa đổ dày lún chân của hai cô cậu mới lớn ấy khiến tôi rung động. Gần mười lượt chuyển tàu điện, gần mười tiếng đồng hồ dấn thân vào trời tuyết để tìm đến gặp người con gái mà chàng trai trẻ thương mến khiến cho cảm tình của tuổi mới lớn bỗng trở nên sâu đậm, khiến cho đêm tuyết rơi ấy đã là thử thách khắc nghiệt mà khoảng cách giữa hai đứa trẻ mới lớn phải đương đầu. Ánh lửa le lói bập bùng trong sân ga vắng lặng chính là vẻ đẹp hoang sơ nhất tả về cảm tình kiên định đến tìm gặp và đợi để gặp người mình thương. Đợi chờ, nói một cách văn thơ là cách hay nhất để thể hiện người ta yêu nhau. Tôi đặt chữ "yêu" vào chuyện tình thơ mười mấy tuổi là bởi vì hai con người đã biết chờ đợi, đã biết mong ngóng, thất vọng, cũng như vui mừng khôn xiết khi gặp được nhau. Chỉ những người yêu nhau thật sự, đã từng đợi chờ nhau mới biết rằng cảm giác ấy chông gai đi kèm sự khiêu khích, thiêu đốt tâm can như thế nào. Cho nên, nụ hôn nơi cây hoa anh đào khô quắt trong tuyết ấy đẹp ngỡ ngàng khi đến đúng thời điểm, chạm đúng không gian để miết môi nhau tìm lấy cảm giác đồng điệu của yêu thương.

Và sự chia cách tất nhiên sẽ đến, nhưng yêu thương đã được phong ấn vào con tim để khó có thể nào quên. Cảm giác như lúc cánh hoa anh đào rung rung rơi vào trong gió rồi thả mình vào lòng đất yên ả, trầm lắng nhưng lại vô cùng trân quý. Bởi yêu đương là khoảnh khắc được sợ chia xa, rồi vẫn cứ phải chia xa.

Nhưng tất cả là những thăng hoa của khoảnh khắc. Cậu trai trẻ ấy đã không một lần nào nữa đi tàu đến tìm cô gái. Tất cả, không phải bởi vì đã quên. Mà tôi tin là bởi vì sợ, sợ khoảng cách có lẽ sẽ gấp đôi khoảng cách cũ khi cậu ấy chuyển trường, sợ số lần chuyển tàu có lẽ sẽ nhân đôi, sợ những lần trễ tàu sẽ làm Akira thêm buồn. Một lần có thể trèo đèo vượt sông, nhưng nhiều lần với tương lai chưa định hình có lẽ là quá khó đối với lứa tuổi còn quá trẻ ấy. Những tin nhắn nhắn rồi không gởi, cả ngàn lần như thế khiến cậu bé nhớ cô bé hơn, nhưng sự yếu đuối của tuổi trẻ và quán tính của sự cô độc có lẽ đã chôn chân cậu mất rồi, nó đã giấu nỗi nhớ vào chập chùng mông lung nên dù rằng con tim cậu muốn bay đi, nhưng lý trí không cho phép. Và chính vì thế, mà cậu đã bỏ lơ cô gái, và có lẽ là cả cõi lòng của cậu. Sự yếu đuối khi tuổi đời còn quá nhỏ để chinh phục khoảng cách vời vợi. Sự yếu đuối chỉ biết ghim đợi chờ vào tâm hồn lặng im, không dám mở lòng, không dám nói, lại càng không dám hứa về ngày mai.

Ngày mai trờ tới như nó phải đến. Hy vọng bặt tăm như nó vốn mất dạng. Chỉ còn lại những hoài vọng gởi vào yêu dấu lặng im. Thế nên, hai cô cậu ấy mất nhau, như tuổi trẻ đánh rơi nhau vào đâu đó yếu đuối mà thôi. Những chờ trông, mong ngóng cánh thư cũng chìm vào im lặng. Cho nên sự im lặng đóng lại hy vọng, và ngậm ngùi trở thành ký ức khó phôi phai quấn chặt lấy tâm hồn của hai kẻ luôn theo đuổi tình yêu trong... lặng im.

Và hai người ấy yêu nhau trong không gian một mình cùng thời gian rơi.

Đến cuối cùng, khi đã thanh niên, họ dường như nhận ra nhau trong khoảnh khắc tình cờ, nhưng họ vẫn muốn giữ nguyên cảm giác nhớ nhau xưa giờ thay vì gặp nhau. Họ đã không đợi nhau, nên nơi không gian ngắm anh đào xưa có duyên gặp lại chỉ là một khoảnh khắc để họ biết người kia còn nhớ mình, để được tìm lại cảm giác bồi hồi khi xưa. Đi ngang qua nhau nơi chốn xưa như thế có lẽ là đủ để họ thôi hoài mong, thôi ngóng về quá khứ mà chốt lại hiện tại với chính sự lựa chọn của mình. Họ đã không tìm nhau thì có gặp lại cũng chỉ thế thôi. Chỉ là, họ nhớ nhau, cả trong giấc mơ. Thế là đủ! Để họ mãi khắc ghi tình thơ đẹp đẽ vào lòng như những cánh anh đào lặng rơi... Bởi họ muốn giữ ký ức hôm nao nguyên vẹn, tinh tươm trong lòng nhau dẫu đời có đổi thay.

Đừng buồn, bởi vì người ta hạnh phúc khi có ký ức đẹp đẽ trong ngần để nhớ đến.

Đừng buồn vì nghe người ta hát tình buồn, bởi vì có tình ca buồn hát còn hạnh phúc hơn cả niềm vui...

* 5cm/s thuộc thể loại tragedy, thể loại tả lại các sự kiện để lý giải cho một sự mất mát, chia ly nào đó. Nói thêm một chút về cô gái yêu đơn phương cậu nam chính. Có lẽ đây cũng là một tình cảm quá đỗi tinh khôi, một tình cảm mà biết, và hiểu mắt nhìn của người kia không hướng về mình nên giữ lại câu nói yêu thương chôn chặt trong lòng. Tình yêu mòn mỏi hướng về phương trời vô định của lứa tuổi đôi mươi lãng mạn vượt qua mọi toan tính.


Fruits Basket – Sau khi tuyết tan làmùa xuân...

Tự dưng tôi muốn viết về những thứ trong trẻo. Muốn viết về điều gì đó sáng sủa và nhiều ngây ngô như để ru lòng vào những điều đẹp đẽ.

Tôi đã quá tuổi để mê hoạt hình. Và hoạt hình bây giờ đối với tôi thường là những mảnh ghép ký ức lồng ghép khi xem phim, và đôi lúc tôi yêu những ký ức ấy hơn cả bản thân những cuốn phim hoạt hình tôi xem. Nhưng quan trọng gì nhỉ? Yêu thì cứ yêu thôi, để mặc kệ bản thân được dịu dàng chìm đắm vào nét đẹp du dương yêu thương.

Fruits Basket có một bản nhạc mà tôi rất thích. Giai điệu rất đẹp mà lời hát cũng rung động chẳng kém. Bài hát chuyển tải đầy đủ ý tưởng của toàn bộ phim, viết về tình bạn, tình gia đình, và một chút tình thơ giữa các cô cậu mới lớn. Lời nguyền trong phim dễ thương ơi là dễ thương, các thành viên trong gia tộc Sohma sẽ bị biến thành một con thú khi bị người khác giới ôm vào. Ú ui, cái lời nguyền gì mà khiến tôi mỉm cười hoài thôi. Mấy cậu trai bị cô nàng vai chính Tohru ôm vào bỗng hóa thành chú mèo cam hay con cá ngựa bé tí teo, thật là bó tay với cái ý tưởng này. Hoạt hình là chúa trùm làm tôi mỉm cười như thế, không thể đoán được sự sáng tạo sẽ đi đến đâu cả.

Nét vẽ cũng đẹp, giọng lồng tôi nhớ cũng rất dễ thương. Nhân vật tôi thích nhất khi là người là cậu trai già Shigure mà sau khi biến hình sẽ là con ... chó. Con chó đen thui ấy có làm gia giảm tí chút tình thương mến của tôi với cái tính cà tửng của cậu chàng. Tại sao gần như tất cả các nhân vật khác khi biến hình đều thành tí hon dễ thương muốn nựng thì nhân vật tôi yêu thích lại chuyển thành con chó đen thui bự chạng vậy chứ???

Có lẽ để kết thúc cũng cần nói một chút về thông điệp hãy "let's stay together" của phim. Chỉ cần được ở bên nhau, cho dù hôm nay có khổ đau thì ngày mai cũng sẽ là những ký ức đẹp tươi. Những câu hát ngân lên, những hình ảnh chầm chậm trôi, những nụ cười giòn giã, những nỗi buồn lặng im đã được miêu tả lại sự thanh bình trong tâm hồn. Bình yên là cảm giác mà phim Nhật nói riêng, văn hóa Nhật nói chung mang lại cho tôi. Xem qua tất cả những nỗi buồn mới thấy rằng điều mà người Nhật làm tốt nhất là họ đã chinh phục nỗi buồn bằng chính tâm hồn, họ đi sâu vào nỗi buồn bằng tất cả sự chân thành để cảm nhận, nghiền ngẫm, vượt qua hoặc có thể là trôi theo nó đi chăng nữa thì vẫn là một không khí bình yên bao lắng lại như trầm tích bồi tụ cùng thời gian, như câu thoại tôi yêu thích nhất trong phim "sau khi tuyết tan sẽ là mùa xuân".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review