Phât hiện 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

★ Nguyễn Minh Châu quan niệm: nghệ thuật và cuộc sống là những đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Quá trình viết văn với Nguyễn Minh Châu phải là gắng đi tìm cho được hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người. Vậy nên dù viết về đề tài chiến tranh, người lính hay những vấn đề thế sự, dù trước hay sau năm 1975 Nguyễn Minh Châu vẫn luôn chú trọng khám phá, phát hiện và thể hiện vẻ đẹp bên trong tâm hồn của con người. Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn không chỉ có những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật, cuộc sống mà còn có những khám phá, phát hiện về vẻ đẹp ẩn giấu bên trong tâm hồn con người. Những phát hiện ấy được thể hiện thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài.

– Ở phần đầu tác phẩm Phùng và cả người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của người đàn bà hàng chài. Bước ra từ chiếc thuyền trong khung cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm, người đàn bà hàng chài là cả một sự tương phản với vẻ đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh kia. Người đàn bà ấy có thân hình cao lớn, đường nét thô kệch, chạm ngoài 40. Khuôn mặt bà ta rỗ chằng chịt, tái nhợt vì suốt đêm thức trắng để kéo lưới. Người đàn bà ấy cũng là hiện thân cho những nhọc nhằn vất vả của người lao động vùng biển lam lũ với tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân dưới ướt sũng. Người đọc còn bất ngờ khi chứng kiến cảnh người đàn bà cam chịu đến nhẫn nhục trước trận đòn như đòn thù của lão chồng. Bà ta không kêu van, không chống trả cũng không bỏ trốn.

– Gặp lại người đàn bà ở tòa án huyện Phùng một lần nữa sững sờ, kinh ngạc trước thái độ kiên quyết không chịu bỏ chồng của bà ta. Lúc chánh án Đẩu vừa có ý khuyên người đàn bà hãy từ bỏ lão chồng vũ phu, tàn bạo, bà ta đã chắp tay vái lia lịa “Con lạy quý tòa… Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Trong kinh nghiệm của mình, Phùng và Đẩu không thể hiểu được vì sao một người đàn bà bị chồng bạo hành 3 ngày một trận nhẹ 5 ngày một trận nặng nhưng lại kiên quyết không chịu bỏ chồng. Để rồi sau đó lắng nghe câu chuyện của người đàn bà, Phùng và Đẩu đã vỡ ra rất nhiều điều.

– Hóa ra đằng sau hành động kiên quyết không chịu bỏ chồng của người đàn bà hàng chài là lý lẽ riêng của những người lao động lam lũ, khó nhọc. Nó xuất phát chính từ thực tế cuộc sống mưu sinh trên những chiếc thuyền lưới vó cần phải có một người đàn ông để cùng chèo chống lúc phong ba biển động. Chỉ có những người quanh năm mưu sinh trên những chiếc thuyền lưới vó như người đàn bà hàng chài mới hiểu, mới biết thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông.

– Phùng cũng hiểu ra rằng người đàn bà ấy cam chịu, nhẫn nhục trước những trận đòn của chồng tất cả là vì co. Người phụ nữ ấy cần có một người đàn ông dù hắn man rợ, tàn bạo để cùng chèo chống mà nuôi đặng một sấp con trên dưới chục đứa. Người phụ nữ này dù nghèo khổ, lạc hậu nhưng là một người mẹ có tình mẫu tử bao la. Người đàn bà hàng chài tự ý thức họ sống cho con chứ không thể sống cho mình, họ có thiên chức đẻ con rồi nuôi con khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ. Có thể nói niềm hạnh phúc của người đàn bà hàng chài được đặt cả ở con. Khuôn mặt xấu xí của mụ chợt sáng ửng lên như một nụ cười khi nhắc đến những lúc hiếm hoi vợ chồng, con cái trên thuyền hòa thuận, vui vẻ. Niềm vui của người đàn bà ấy là được ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn no.

– Lắng nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài, Phùng biết về cuộc đời, số phận hẩm hiu, cực khổ của người đàn bà ấy, đồng thời phát hiện ra rằng người đàn bà lam lũ, thất học ấy lại là một người sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời. Cái sâu sắc của người đàn bà hàng chài không phải là do sách vở đem lại mà được đúc kết từ chính cuộc sống lam lũ, vất vả. Có thể nói chính người đàn bà hàng chài đã “dạy” cho Phùng và Đẩu những bài học thấm thía về cuộc sống, về những người lao động. Trong mắt của Phùng và Đẩu, lão đã đàn ông là một kẻ man rợ, tàn bạo đáng bị trừng phạt nhưng người đàn bà hàng chài thấu hiểu được nguyên nhân vì sao mà người đàn ông ấy lại tha hóa như thế. Trước kia chồng bà ta vốn là một anh con trai hiền lành, cục tính và không bao giờ đánh vợ. Nhưng sau vì cuộc sống đói nghèo triền miên, bế tắc nên mới sinh sự ra thế. Người đàn bà ấy hiểu rõ nguyên nhân của sự đói nghèo là do cuộc sống bấp bênh trên thuyền, cũng có nguyên nhân vì trốn lính nhưng lí do chính là vì sinh đã quá nhiều. Hiểu điều đó người đàn bà thấy được trách nhiệm của mình trong việc khiến người đàn ông trở nên tha hóa. Thực tế cảnh khốn khổ như gia đình bà cũng là tình cảnh của các gia đình hàng chài khác. Nhưng khác ở chỗ những lúc khổ sở, những người đàn ông trên những chiếc thuyền chài khác tìm đến rượu, còn lão đàn ông chồng bà lại coi đánh vợ như là một cách để trút bỏ những cay đắng, uất ức. Lão vừa đánh vừa nguyền rủa với giọng rên rỉ đau đớn. Những trận đòn càng dữ dội càng cho thấy nỗi đau đớn chất chứa trong lòng lão đàn ông. Tất nhiên đói nghèo không hoàn toàn là lý do bao biện cho sự vũ phu, tàn bạo của lão đàn ông. Nhưng là người trong cuộc người đàn bà đã chọn lựa cam chịu nhẫn nhục để vì con. Và chính vì thế người phụ nữ ấy đã vị tha cho người chồng vũ phu khốn khổ của mình.

→ Kết thúc chuyến đi này thành quả mà Phùng thu về không chỉ có bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm có chất lượng nghệ thuật cao, hoàn thành nhiệm vụ của vị trưởng phòng mà còn có những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật, cuộc sống và con người.

– Sự ám ảnh của Phùng: sau này mỗi lần ngắm nhìn bức ảnh bao giờ Phùng cũng hình dung ra khung cảnh của buổi sương mai hôm ấy. Và nhìn kỹ bao giờ Phùng cũng thấy hình ảnh người đàn bà hàng chài bước ra từ bức ảnh, dẫm những bước chắc chắn hòa lẫn vào đám đông. Điều đó khiến Phùng cũng cảm thấy lạ. Nhưng phải thấy rằng tác phẩm nghệ thuật chiếc thuyền ngoài xa chính là tác phẩm nghệ thuật để đời của nghệ sĩ Phùng khi nó được treo trong nhiều gia đình sành nghệ thuật. Vậy nên những ấn tượng về tác phẩm chính là những ám ảnh nghệ thuật mà người ta thường nói.

– Trong chi tiết kết thúc tác phẩm này ta thấy nhà văn đã gửi gắm vào đó thông điệp về mối quan hệ giữa cuộc sống, nghệ thuật và con người. Người đàn bà hàng chài từ cuộc sống bước vào bức ảnh, bước vào nghệ thuật. Rồi  người đàn bà ấy lại từ bức ảnh, từ nghệ thuật bước ra cuộc đời. Như vậy hiện thực cuộc sống chính là khởi đầu cũng là điểm đi tới của nghệ thuật. Hay nói như như Nguyễn Minh Châu “Nghệ thuật và cuộc sống là những đường tròn đồng tâm là tâm điểm hướng tới là con người”.

=> Như vậy qua những phát hiện của nghệ sĩ Phùng, nhà văn đã đưa ra thông điệp về cách nhìn cuộc sống, con người. Theo đó cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều từ nhiều cự ly để thấy được bản chất ẩn giấu bên trong hiện tượng, vẻ ngoài. Và đối với người nghệ sĩ cần phải đưa nghệ thuật về gần với cuộc đời, là phải vì con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro