tthcm11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

II. QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN

1. Xây dựng Nhà nước thể hiện quyền làm chủ của nhân dân

a) Nhà nước của dân

* Dựa trên cơ sở nào để khẳng định nhà nước là của dân?

Vì: Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra quan điểm, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng mà vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền, mà chính quyền lại do quần chúng làm cách mạng để giành lấy vì thế khi thiết lập chính quyền mới thì nó phải là của quần chúng nhân dân chứ không ái khác.

* Thế nào là nhà nước của dân?

- Nhà nước của dân thì dân phải là chủ, là người có vị thế cao nhất, có quyền lực cao nhất và quyết định mọi vấn đề có liên quan đến vận mệnh dân tộc, đất nước.

+ Quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân thể hiện ngay ở Điều 1 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Năm 1946) do Hồ Chí Minh làm trưởng ban soạn thảo viết: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”

(Quyền bính thuộc về nhân dân nhưng nhân dân không trực tiếp nắm quyền mà trao quyền cho những người đại diện mình, thay mặt mình để thực hiện quyền làm chủ).

+ Nhân dân có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Điều 32, viết: “Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết...” – Hình thức dân chủ trực tiếp.

Khi nhân dân uỷ quyền cho các đại biểu của mình vào các cơ quan nhà nước thì đồng thời “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” – Hình thức dân chủ gián tiếp.

+ Nhà nước của dân thì mọi người dân là chủ, người dân có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và đồng thời phải có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Những vị đại diện do dân cử ra chỉ là thừa uỷ quyền của dân, chỉ là công bộc của dân.

b) Nhà nước do dân

- Nhà nước do dân lập ra thông qua bầu cử, nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan đại diện cho nhân dân như Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Chức vụ cán bộ Nhà nước là bởi dân ủy thác cho.  Nhân dân có quyền kiểm soát, giám sát và bãi miễn các đại biểu.

Do đó, Người yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân và phải chịu sự kiểm soát của nhân dân. Người nói: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Nghĩa là khi các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân sẽ bãi miễn nó.

c) Nhà nước vì dân

- Đó là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính.

+ Theo Người thì chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân được. Người đã nói: “cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của nhân dân”.

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước

a) Về bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước

Nhà nước bao giờ cũng mang bản chất của một giai cấp và bản chất của một giai cấp của nhà nước được quy định bởi giai cấp nào lãnh đạo cách mạng thành công. Nhà nước ta mang bản chất của giai cấp công nhân vì giai cấp công nhân là người lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi. Bản chất đó thể hiện ở chỗ:

- Nhà nước ta do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Đảng lãnh đạo bằng những chủ trương, đường lối thông qua tổ chức của mình trong quốc hội, chính phủ, các ngành, các cấp của nhà nước; được thể chế thành pháp luật, chính sách, kế hoạch của nhà nước.

- Bản chất giai cấp còn thể hiện ở định hướng đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Như chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến.”

- Bản chất giai cấp của nhà nước ta còn thể hiện ở nguyên tắc tổ chức cơ bản là nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh nói:

+ Nhân dân là chủ nắm quyền, nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình để nắm quyền ấy thế là dân chủ.

+ Từ Hội đồng nhân dân, đến Uỷ ban nhân dân, từ xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương: số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương thế là tập trung

“Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ... mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.”

b) Bản chất giai cấp công nhân thống nhất với tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước

- Nhà nước dân chủ mới ra đời là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng của giai cấp công nhân nhưng mặt khác nó cũng kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ với sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cách mạng chứ không riêng gì giai cấp vô sản. (Cần vương, Yên Thế, Đông Du, Duy Tân, khởi nghĩa Yên Bái…)

- Nhà nước ta vừa mang bản chất giai cấp vừa có tính nhân dân và tính dân tộc vì nó lấy lợi ích của dân tộc làm nền tảng và bảo vệ lợi ích cho nhân dân, hay nói cách khác là lợi ích của những người cộng sản với lợi ích của nhân dân là một, không mâu thuẫn với nhau. Trong thời gian Người lãnh đạo đất nước, nhờ sách lược mềm dẻo, cũng như Người dung nạp nhiều nhân sĩ, trí thức, quan lại cao cấp của chế độ cũ vào bộ máy nhà nước đã thể hiện tư tưởng nhà nước ta là nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Nhà nước ta vừa ra đời đã đảm nhiệm vai trò lịch sử là tổ chức toàn dân kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển tiến bộ của thế giới.

3. Xây dựng Nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ

a) Xây dựng Nhà nước hợp pháp, hợp hiến

- Một nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết là một nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

Vì vậy sau khi giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới khai sinh nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhờ đó Chính phủ lâm thời có địa vị hợp pháp.

Sau đó Người bắt tay xây dựng hiến pháp dân chủ, tổ chức TỔNG TUYỂN Cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, bầu Quốc hội thành lập uỷ ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hồ Chí Minh được Quốc hội nhất trí bầu làm chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đây là chính phủ hợp hiến đầu tiên do nhân dân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại.

b) Hoạt động quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật, chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống

- Xây dựng một nhà nước dân chủ không thể thiếu pháp luật. (pháp luật là bà đỡ cho dân chủ). Trong nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật luôn đi đôi với nhau, đảm bảo cho chính quyền trở nên mạnh mẽ. Mọi quyền dân chủ phải được thể chế hoá bằng hiến pháp và pháp luật, pháp luật càng đầy đủ chặt chẽ thì dân chủ càng được đảm bảo. .

- Xây dựng một nền pháp chế XHCN đảm bảo việc thực hiện quyền lực của nhân dân là mối quan tâm rất lớn của Hồ Chí Minh.

+ Một mặt, Người chăm lo hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật của nhà nước ta, mặt khác, Người chăm lo đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo cơ chế đảm bảo cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành của các cơ quan nhà nước và của nhân dân. Để đưa pháp luật vào đời sống cần phải:

® Nâng cao dân trí, tích cực vận động tuyên truyền pháp luật

® Nâng cao ý thức làm chủ

® Khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của nhà nước.

 - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nêu gương trong việc khuyến khích nhân dân phê bình, giám sát công việc của chính phủ, đồng thời không ngừng nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, trước hết là cán bộ thuộc ngành hành chính và tư pháp.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, tài

- Đánh giá về vị trí, vai trò của cán bộ, công chức, Người cho rằng cán bộ là gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, do vậy người rất chú ý đến công tác cán bộ, tìm kiếm, đào tạo, sử dụng cán bộ, đặt ra những tiêu chuẩn của người cán bộ công chức nhà nước.

Để tiến tới một nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh mẽ, Hồ Chí Minh cho rằng, phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ viên chức nhà nước có trình độ văn hoá, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính và nhất là phải có đạo đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư, một tiêu chuẩn cơ bản của người cầm cân công lý. Yêu cầu của đội ngũ cán bộ phải có đức và tài trong đó đức là gốc, đội ngũ này phải được tổ chức hợp lý và có hiệu quả. Cụ thể là:

(1) Tuyệt đối trung thành với cách mạng.

(2) Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.

(3) Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân.

(4) Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là những tình huống khó khăn, “thắng không kiêu, bại không nản”.

Để đảm bảo công bằng và dân chủ trong tuyển dụng cán bộ nhà nước, Người ký sắc lệnh ban hành Quy chế công chức. Công chức theo chế độ chức nghiệp, vì vậy phải qua thi tuyển công chức để bổ nhiệm vào ngạch, bậc hành chính. Nội dung thi tuyển khá toàn diện bao gồm 6 môn thi: chính trị, kinh tế, pháp luật, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, tính chính quy hiện đại, tinh thần công bằng dân chủ ... của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền móng cho pháp quyền Việt Nam.

4. Xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả

a) Đề phòng và khắc phục những tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước

- Hồ Chí Minh từ sớm đã cảnh báo những căn bệnh thường gặp trong hoạt động của Nhà nước như: Đặc quyền, đặc lợi, tham ô, lãng phí quan liêu,- “Tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo”…nó làm hỏng cán bộ, đảng viên, làm biến chất nhà nước. Để có nhà nước thực sự trong sạch vững mạnh thì luôn phải đề phòng, đấu tranh khắc phục những thứ giặc nội xâm nói trên.

b) Tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với giáo dục đạo đức cách mạng

- Tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức, khắc phục những tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước.

Tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức. Do tập quán của kinh tế tiểu nông, muốn hình thành ngay một nhà nước pháp quyền là chưa được, vì vậy một mặt phải nhấn mạnh vai trò của luật pháp, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân nhất là giáo dục đạo đức. Đạo đức và pháp luật là hai hình thái ý thức xã hội có thể kết hợp cho nhau

Kết hợp giáo dục pháp luật và đạo đức, hình thành pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

KẾT LUẬN

- Sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh.

+ Lựa chọn kiểu Nhà nước phù hợp với thực tế Việt Nam

+ Bản chất dân chủ triệt để của Nhà nước mới

+ Quan niệm về sự thống nhất bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước

+ Kết hợp cả đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội

- Ý nghĩa của việc học tập

+ Thấy được vai trò của Hồ Chí Minh trong việc khơi nguồn dân chủ và xác lập Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

+ Nhận thức bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta

+ Có thái độ đúng đắn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch, sáng suốt, mạnh mẽ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro