tthcm1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Bối cảnh lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

- Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

+ 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn có chống cự yếu ớt nhưng rồi sau đó đã từng bước khuất phục trước sự xâm lược của thực dân Pháp, lần luợt ký kết các hiệp ước đầu hàng, thừa nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

+ Dưới ách thống trị của thực dân Pháp xã hội Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc. Từ một quốc gia phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến, trong xã hội nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn dân tộc (giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai); Mâu thuẫn giai cấp (giữa nông dân với địa chủ, công nhân với tư sản…). Trong đó mâu thuẫn dân tộc là mâu thuẫn chủ yếu.

+ Để giải quyết những mâu thuẫn cơ bản này, nhiều phong trào đấu tranh theo các hệ tư tưởng khác nhau đã diễn ra.

+ Những phong trào theo hệ tư tưởng phong kiến: Từ những năm 1858 đến cuối thế kỷ XIX phong trào vũ trang chống Pháp dưới ngọn cờ phong kiến đã rầm rộ bùng lên, dâng cao và lan rộng trong cả nước. Các cuộc khởi nghĩa do các văn thân, sĩ phu, phong kiến đã nổ ra liên tục.

VD: Phong trào đấu tranh của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, phong trào Cần vương, phong trào nông dân Yên Thế…

+ Những phong trào theo hệ tư tưởng tư sản: Bước sang đầu thế kỷ XX các “tân thư”, “tân văn”, “tân báo” và những ảnh hưởng trào lưu cải cách ở Nhật Bản, Trung Quốc (Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu) tràn vào Việt Nam, phong trào yêu nước của nhân dân ta chuyển dần sang khuynh hướng dân chủ tư sản.

Các phong trào tiêu biểu: Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, Việt Nam Quang phục hội…các đại biểu như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp…

Tất cả các phong trào đấu tranh nêu trên đều thể hiện sự tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của nhân dân ta, nhưng các phong trào đấu tranh dù theo ý thức hệ phong kiến hay tư sản cũng đều đi đến một hệ quả là thất bại.

Þ Như vậy, trước yêu cầu của lịch sử đặt ra, phong trào cứu nước của nhân dân ta muốn giành được thắng lợi phải tìm ra một con đường mới. Chính từ điều kiện lịch sử khách quan trong nước nêu trên đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước giải phóng cho dân tộc.

- Bối cảnh thời đại (quốc tế)

+ Đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược các dân tộc trên thế giới, xác lập quyền thống trị của chúng trên phạm vi toàn thế giới.

Sự chuyển biến này đã làm tăng thêm các mâu thuẫn cơ bản của thời đại: mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản; mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau; mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với các dân tộc thuộc địa.

+ Phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở khắp các châu lục.

+ Từ những cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân các nước tư bản chủ nghĩa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã dẫn đến một cao trào mới của cách mạng thế giới với đỉnh cao là CM t 10 Nga 1917. Chính cuộc cách mạng này đã làm “thức tỉnh các dân tộc Châu á”. CM t 10 đã mở ra cho nhân loại một thời đại mới đó là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

+ Tháng 3/1919 Lênin sáng lập ra Quốc tế cộng sản (quốc tế III). Quốc tế cộng sản ra đời có ý nghĩa và tác động to lớn tới phong trào cách mạng thế giới.

+ Chính trong bối cảnh quốc tế nêu trên, trong hành trình đi tìm đường cứu nước đến giữa những năm 1920 Nguyễn ái Quốc đã có những nhận thức đầu tiên về chủ nghĩa Lênin. Người được tiếp cận với “sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” người đã thấy những điều mình nung nấu bấy lâu nay. Người đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc từ đó Người tin tưởng theo Lênin, tán thành quốc tế III.

Bối cảnh quốc tế nêu trên đã tạo những điều kiện để người được tiếp xúc với phong trào cách mạng trên thế giới, tiếp cận với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đây chính là cơ sở khách quan để hình thành nên tư tưởng của Người.

2. Các tiền đề tư tưởng, lý luận

a. Những giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam

Trong mấy nghìn năm phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những giá trị truyền thống hết sức quý báu, trở thành tiền đề tư tưởng, lý luận đầu tiên góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Những giá trị đó là:

+ Chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước.

Chủ nghĩa yêu nước là những tư tưởng, tình cảm cao quý, thiêng liêng nhất, là cội nguồn của trí tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm của người Việt Nam, cũng là chuẩn mực đạo đức cơ bản của dân tộc. Truyền thống này đã được hình thành ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, trải qua thời gian lâu dài, từ thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung…

Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần đấu tranh bất khuất đã thúc dục Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, tìm kiếm những gì hữu ích cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

            + Tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái.

Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, những giá trị này được hình thành trước yêu cầu đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm. Người Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Lá lành đùm lá rách....

 Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy sức mạnh truyền thống nhân nghĩa, được nhấn mạnh trong 4 chữ “đồng” (đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh).

+ Truyền thống lạc quan yêu đời, niềm tin vào chính mình, tin vào sự tất thắng của chân lý chính nghĩa dù phải vượt qua muôn ngàn gian khổ.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lạc quan, yêu đời. Trong muôn ngàn gian khó, người lao động vẫn động viên nhau “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”… Chính truyền thống này đã hun đúc nên ý chí, niềm tin, bản lĩnh trong con người Hồ Chí Minh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào Hồ Chí Minh cũng thể hiện mình là người lạc quan, tin tưởng vào tương lai vào chính nghĩa.

VD. vào năm 1942 Người sang Trung Quốc với mục đích đoàn kết, phối hợp phong trào đấu tranh của Việt Minh với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc nhưng không ở bị chính quyền địa phương hiểu sai và bắt giam, trong hoàn cảnh đau khổ của 13 tháng tù giam, bị giải tới giải lui hơn 30 nhà giam điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt nhưng người vẫn thể hiện mình là người lạc quan, yêu đời, tin vào ngày mai. Người đã viết tập thơ nhật ký trong tù để thể hiện tinh thần đó…).

+ Truyền thống cần cù, dũng cảm, thông minh sáng tạo, ham học hỏi, mở rộng cửa đón nhận tinh hoá văn hoá bên ngoài, làm giàu cho văn hoá Việt Nam.

Chính nhờ truyền thống này với trí tuệ của mình Hồ Chí Minh đã trở thành hợp điểm gặp gỡ quan trọng của trí tuệ Việt Nam và trí tuệ thời đại, giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và Chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu những giá trị văn hoá của dân tộc chọn lọc những giá trị của văn hoá bên ngoài từ đó hình thành nên những nét đặc sắc sáng tạo trong tư tưởng của mình.

b. Tinh hoa văn hoá nhân loại

Kết hợp các giá trị truyền thống của văn hoá phương Đông với các thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây, đó chính là nét đặc sắc trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

+ Đối với văn hoá phương Đông: Với những hiểu biết uyên bác về hán học, Hồ Chí Minh đã chắt lọc được những giá trị tinh tuý nhất trong các học thuyết triết học phương Đông. Trong đó nổi bật lên là:

® Người tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo:

¨ Triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đời.

¨ Những ước vọng về một xã hội bình trị, một “thế giới đại đồng”.

¨ Triết lý nhân sinh, tu thân dưỡng tính; đề cao văn hoá, lễ giáo, truyền thống hiếu học (trung – hiếu, nhân – nghĩa..).

Bên cạnh việc tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo đồng thời Người cũng chỉ ra được những mặt hạn chế của Nho giáo cần phải được khắc phục: như trói buộc con người, trọng Nam, khinh Nữ…

® Về Phật giáo: Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới nó du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Hồ Chí Minh đã kế thừa và chọn lọc những tư tưởng hết sức có giá trị của Phật giáo:

¨Tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người như thể thương thân.

¨ Nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện.

¨ Tinh thần bình đẳng, dân chủ, chống lại mọi phân biệt đẳng cấp

¨ Đề cao lao động, chống lười biếng…

® Khi đã trở thành người Mác-xít, người tiếp tục tìm hiểu kế thừa những tư tưởng trong chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn vì thấy trong đó “những điều thích hợp với điều kiện của nước ta”.

+ Đối với văn hoá phương Tây: Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hóa và cách mạng phương Tây như:

®  Tư tưởng tự do bình đẳng, bác ái, qua các tác phẩm của các nhà khai sáng Pháp như: Vônte, Rutxô, Mông tét ki ơ.

® Những giá trị trong tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của đại cách mạng Pháp.

® Những tư tưởng về dân chủ, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của tuyên ngôn độc lập ở Mỹ 1776.

Ngoài ra trong quá trình bôn ba ở các nước phương Tây, Hồ Chí Minh còn tiếp thu được nhiều giá trị khác như cách nghĩ, cách tư duy, lối sống, phương pháp ứng xử…tất cả được hun đúc để tạo thành một giá trị bất hủ trong tư tưởng của Người.

c. Chủ nghĩa Mác – Lênin

- Chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, là nguồn tư tưởng lý luận quyết định bước phát triển về chất của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vì sao?

- Chỉ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin HCM mới tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Đến 7/1920 sau khi đọc sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn ái Quốc đã cảm động, phấn khởi, tin tưởng vui mừng đến phát khóc vì đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Từ đó Hồ Chí Minh tin theo Lênin và tham gia quốc tế III.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho HCM những quan điểm lý luận cơ bản để từ đó Người vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, xây dựng những hệ thống quan điểm lý luận để chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho HCM thế giới quan phương pháp luận đúng đắn để HCM có thể tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại để xây dựng nên tư tưởng của riêng mình.

(Phép biện chứng duy vật) – giúp nhìn nhận các sự vật, hiện tượng trong thế giới một cách khách quan.

Người tiếp thu lý luận Mác-Lênin theo phương pháp mác xít, nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất. Người vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở kinh điển.

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp cho HCM có thể phân tích đúng đắn tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam (nắm bắt được bản chất bối cảnh lịch sử lúc đó) trong khi đó các bậc tiền bối đều có những quyết sách sai lầm.

KL: Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc tư tưởng chủ yếu nhất góp phần hình thành nên tư tưởng HCM, tư tưởng HCM là thuộc hệ tư tưởng Mác – Lênin.

3. Nhân tố chủ quan

Nhân tố chủ quan có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nên tư tưởng của một cá nhân, nếu như có các nhân tố khách quan thuận lợi nhưng năng lực của cá nhân kém thì sẽ không thể trở thành một nhà tư tưởng được.

Những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Nguyễn ái Quốc đã giúp cho việc hình thành nên tư tưởng của Người là:

- Khả năng tư duy và trí tuệ của Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là người thông minh, có lối tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cộng với đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt trong việc nhận xét, đánh giá các sự vật, sự việc, hiện tượng.

+ Có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo:

Khi cụ Phan Bội Châu mời Anh Nguyễn sang Nhật nhưng Người đã không sang vì đã nhìn nhận được sự thất bại của con đường đó.

+ Đầu óc phê phán tinh tường sáng suốt: (trên thế giới này chỉ có hai loại người: Bóc lột và bị bóc lột).

- Phẩm chất đạo đức: Hồ Chí Minh là người luôn có tinh thần khiêm tốn, bình dị, học hỏi, có tâm hồn của một nhà yêu nước, một chiến sỹ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái tim yêu nước thương dân, thương yêu những người cùng khổ, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, hạnh phúc của đồng bào…

+ Tâm hồn yêu nước lớn: đã là Người Việt Nam thì hầu hết ai cũng có tinh thần yêu nước nhưng không phải ai cũng có tấm lòng yêu nước như HCM (Người đã từ bỏ con đường vinh hoa phú quý của con quan, đã hy sinh cuộc sống riêng tư của mình cho nhân dân, cho dân tộc).

+ Tin tưởng vào năng lực của quần chúng nhân dân, thấy được vai trò to lớn của nhân dân, dựa vào dân.

+ Sự chân thành giản dị, khiêm tốn: Sự giản dị của Bác là sự giản dị một cách tự nhiên, giản dị một cách thực sự chứ không phải giả tạo. (VD, là chủ tịch một nước nhưng những đồ dùng sinh hoạt cá nhân của Người rất đơn giản, khi đi thăm bà con nông dân Người đã không ngại lội ruộng, tát nước cùng bà con…)

Những phẩm chất cá nhân hiếm có nêu trên đã giúp Nguyễn ái Quốc tiếp nhận, chọn lọc, chuyển hoá phát triển tinh hoa dân tộc và thời đại thành tư tưởng đặc sắc của mình.

- Năng lực hoạt động thực tiễn.

KL: tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tổng hoà của những điều kiện khách quan và chủ quan, của truyền thống văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại. Cùng với thực tiễn dân tộc và thời đại được Hồ Chí Minh tổng kết, chuyển hoá sắc sảo, tinh tế với một phương pháp khoa học, biện chứng.

III. Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỌC TẬP MÔN HỌC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI SINH VIÊN.

1. Nâng cao năng lực tư duy lý luận và phương pháp công tác

- Thông qua việc nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp cho sinh viên nhận thức được vai trò, vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, phong cách tư duy, sự sáng tạo…trong tư tưởng của Người, từ đó sinh viên có thể vận dụng để tạo cho mình cách tư duy lý luận chặt chẽ, sắc sảo…

- Thông qua nghiên cứu tư tưởng, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ giúp cho sinh viên có thể học tập được phong cách, phương pháp làm việc khoa học của Người, từ đó có thể vận dụng vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

2. Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và rèn luyện bản lĩnh chính trị.

- Thông qua việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ bồi dưỡng, củng cố cho sinh viên, thanh niên, lập trường, quan điểm cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Trên cơ sở những kiến thức được học sinh viên vận dụng tư tưởng của Người vào trong cuộc sống, trong quá trình học tập, tu dưỡng rèn luyện của bản thân, phấn đấu để trở thành người vừa có tài, vừa có đức kiên định mục tiêu, con đường mà Bác và nhân dân ta đã lựa chọn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#tthcm