Nỗ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lý Đế Nỗ là một cậu trai thảnh thơi đến lạ. Nó rõ ràng là một đứa sẽ thức đến hai giờ sáng để hoàn thiện bản thảo cho bộ tiểu thuyết nhỏ của nó mặc kệ luôn bài kiểm tra Ngữ văn hệ số hai sẽ tới trong vài tiếng tiếp theo. Cái thói vô lo ấy theo nó đến tận những năm cuối cấp Hai, khi nó vẫn đủ rảnh rang để rủ lũ bồ tèo đi bơi vào ngày cuối tuần - ngày mà phần đông những đứa ở tuổi chúng nó sẽ lao vào guồng quay học - ăn - ngủ rồi lại học. Nó vẫn nhớ y nguyên cái cách nụ cười ngọt nị của mình đủ để làm nét mặt kì cục của ai đó giãn ra và mềm xèo, và rồi hai đứa nó sẽ thành công lôi kéo cả hội cùng đi bất cứ đâu chúng muốn.

Cơ mà dạo đây Nỗ thấy mình không rảnh rang như trước nữa.

Cuộc sống cấp Ba của Nỗ cứ bình ổn trôi qua như nó từng mong. Thú thực, khi đặt bút viết nguyện vọng vào tờ đơn đăng ký, nó chẳng nghĩ ngợi gì nhiều hơn một ngôi trường tầm trung, nơi nó hoàn thành nốt quãng đời đi học trước khi mở một tiệm sách bên rìa bờ hồ Tam Bạc. Khả năng kết bạn chưa bao giờ là nhược điểm của Nỗ, giả như có quăng nó sang nửa bên kia của thế giới, nó cũng sẽ làm thân được với cả đống người, kể cả đứa khó gần bậc nhất. Và rồi trái ngược với tâm lý ngại làm quen của hàng tá đứa đồng niên, Nỗ có cả ba kì học bình yên nhất mười sáu năm cuộc đời nó. Đúng vậy, bình yên đến nỗi một đứa vô lo như nó đây còn thấy sự rảnh rang của mình nhiều khi thừa thãi và phí thời giờ ghê gớm.

Đầu năm lớp Mười, khi mới chân ướt chân ráo bước vào cổng trường rộng mở, Nỗ nhận ra không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra một buổi chiều tan học để đi ăn bánh đúc Tàu và lân la chụp ảnh phim bên chân cầu Hoàng Văn Thụ cùng nó, bởi người ta còn phải ghi danh đủ cả hai ca học thêm sắp tới, thời gian ăn tối còn chẳng có nữa là đi cà lơ phất phơ. Và thế là cái điệu "tớ quý Nỗ nhiều lắm, Nỗ đừng buồn nhiều nhé." quen thuộc cũng dần chẳng xoa dịu được nó nữa.

Kì nghỉ Tết năm lớp Mười qua đi, Nỗ biết rằng mình sẽ không nhận được phong bao lì xì một nghìn, hai nghìn từ đám bạn cùng lớp như lũ bồ tèo hồi cấp Hai đã từng xòe ra trước mặt nó, âu cũng vì guồng quay học hành sau thi đã mau chóng choán hết tâm trí tụi nhỏ. Những lúc ngồi ngẩn người nhìn xấp bài tập Tết xếp thành chồng bên bàn giáo viên, Nỗ bỗng đâm nhớ nhung cái bao đỏ thắm in hình con chuột ngẫn ngờ trong ruột chứa 2 đồng xu từ ba thập kỉ trước mà nó vẫn chê xấu òm mỗi lần nhìn thấy.

"Phong bao Mẫn tự in đẹp quá con trai! Hàng hiếm nên dành cho mỗi mình Nỗ đấy hả con?"

Có khi Nỗ thấy mình cũng có lúc tủi thân đến lạ. Khi cái độ rét căm căm của mùa đông miền Bắc đương đổ xuống mái đầu, người ta mong lắm một cái đan tay vừa khít và những chiếc hôn vội sau lớp khẩu trang. Riêng với Nỗ, nó chỉ mong có người cùng dựng xe đạp và ghé ba lô cạnh mấy chiếc ghế nhựa của quán sủi dìn, lặng yên nghe nó lẩm bẩm về mấy tấm ảnh sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trên blog cá nhân của nó vì "tớ lỡ bấm máy chụp mà chẳng bỏ phim vào" và khẽ mỉm cười bất lực trước gương mặt mếu máo của đối phương. Giờ nghĩ lại, Nỗ chỉ biết tặc lưỡi tiếc nuối vì lý trí trưởng thành của tuổi mười sáu bảo nó rằng Lý Đế Nỗ đây tâm hồn ăn uống quá thể!

Tuổi mười sáu của Nỗ cũng gieo vào trong đầu nó biết bao thứ cảm giác lạ kì về một bóng hình nó mãi chẳng muốn nhớ đến. Đã nhiều lần Nỗ phát bực với cơn ẩm ương mà nó nghĩ chỉ có mấy đứa con gái tầm tuổi này mới hay mang trong mình, mà nó hi vọng cái cảm xúc chết dẫm ấy là hướng về con bé cùng bàn, hay một người chị cùng câu lạc bộ, thậm chí có thể là đàn anh bóng rổ làm gãy cặp kính cận thi thoảng nó mới đeo, nhưng trong thâm tâm nó biết chẳng ai trong số họ là câu trả lời. Câu trả lời ngu ngốc ấy mãi mãi nằm lại ở hành lang khu B trường cấp Hai (cũ) của nó, khi nắng hạ đổ từng đợt loang lổ qua khung cửa sổ, khi nó đặt môi chạm vào phiến anh đào hé mở của cậu bạn đồng niên, cái hôn môi dạn dĩ và đắm say của tuổi mười bốn, mười lăm khiến mùa hè như bất tận. Gò má cậu bạn nọ ửng đỏ màu nắng, những ngón tay mảnh khảnh mát lạnh xoa nhẹ bàn tay nọ vẫn đang nắm chặt lấy vạt áo đến nhàu nhĩ. Trong cảm giác lâng lâng khó tả ấy, Nỗ nghe bên tai mình là tiếng thầm thì ngắt quãng và sau đó là những giọt nước mắt nóng hổi khẽ rơi.

"Tớ xin lỗi."

Lý Đế Nỗ không còn gặp lại mùa hạ của mình kể từ hôm ấy, có lẽ đó là lý do khiến nó luôn cố nhét quãng thời gian cấp Ba của mình vào hàng tá những bộ lọc tông trầm và cho đó là nhàm chán. Câu chuyện về mảnh tình dang dở mãi từ hai năm trước ấy đến tận năm lớp Mười Một Nỗ mới dám thừa nhận. Nỗ biết mình chẳng còn sợ những ánh mắt khác lạ của người ta mỗi khi nó ngỏ lời tỉ tê về cơn nhớ nhung dai dẳng như bệnh cảm cúm của mình, Nỗ cũng biết sẽ có người sẵn sàng nói thay nó và bảo vệ nó, khác với cách cả nó và cậu bạn năm nào đã không gom nổi dũng khí để nói ra. Nỗi ám ảnh về ngôi trường cấp Hai của nó dần biến mất, và Nỗ đã chẳng còn rụt rè mỗi khi có chuyện cần đi qua con đường nó từng thuộc làu mọi cảnh vật. Cơn phấn khích chạy dài khắp người nó rõ ràng đến độ Nỗ nghe được tiếng tim mình đập từng nhịp còn bụng dưới thì nhộn nhạo khó tả vào cái ngày nó xách con xe cũ mèm chằng chịt vạch xước sơn cả chiếc máy ảnh phim về lại Hồng Bàng. Buổi học hôm ấy nó xin về sớm trước mười phút vì đau bụng, khuôn miệng méo mó giật giật vài cái cùng vầng trán cau lại rịn ra không biết bao nhiêu là mồ hôi.

Song, ẩn trong đáy mắt nó có gì đó như là hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro