Tớ đã thi đại học như thế nào? (phần 1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Trước khi thi


Tớ thi đại học tháng 7 năm 2012. Hồi đó nó không như bây giờ, quá trình thi đại học của tớ nó chỉ có như thế này: tháng 3 nộp hồ sơ để trường cấp 3 gửi, tháng 5 tháng 6 thi tốt nghiệp, nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (phải có giấy này mới được thi đại học), nhận giấy thông báo gọi đi thi, tháng 7 đi thi, tháng 8 lên mạng xem điểm và cuối tháng 8 là nhận giấy báo đỗ và giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển. Nếu như so với khi đó thì thi đại học bây giờ tính may rủi cao hơn nhiều mặc dù đề bài thì dễ hơn.


Nếu nói bí kíp đỗ đại học thì tớ cũng chả biết là tớ có bí kíp gì, tại kể cả đến bây giờ tớ cũng chưa bao giờ nghĩ là tớ có thể sẽ trượt đại học, mặc dù tớ cũng không hiểu cái sự tự tin đến mức ATSM này ở đâu ra =.=

Những năm cấp 2 đến đầu cấp 3, tớ toàn tâm tâm niệm niệm là tớ sẽ thi đại học khối A. Tại vì chung quanh tớ mọi người đều thế. Bạn bè, anh chị em họ hàng, toàn dân học Toán Lý Hóa. Mặc dù khi lên cấp 3 tớ học Anh cũng khá ổn, thi học sinh giỏi tỉnh môn Anh năm nào cũng đậu, nhưng mà tớ vẫn cứ nghĩ là tớ sẽ học khối A. Thế là trừ môn Lý vì mọi người bảo Lý thi đại học chỉ có ở chương trình lớp 12, còn lại từ lớp 10 là tớ đi học thêm Toán - Hóa - Anh (vì tớ thích) tuần 2 buổi. Văn ấy à, vứt xó. Thế mà kết quả nó lại như thế này: Toán tồng kết toàn 6 phẩy, Văn tổng kết 7 phẩy, Hóa tổng kết 8 phẩy, Anh tổng kết 9 phẩy. Đến khi học xong lớp 11, thì tớ đã hoàn toàn tuyệt vọng với việc thi khối A, tại Toán học ngu quá, mà đề Toán khối A bao giờ cũng khó hơn khối D. Lại thêm quả Lý mù hoàn toàn nữa - các thầy cô mà không nâng điểm thì tổng kết không quá 5. Thế là tớ nghỉ học thêm Hóa, chuyển sang học thêm Văn một thầy đã về hưu ở bên trường Năng Khiếu. Đặc trưng của thầy này là giảng rất hay, nhưng tớ mỗi lần nghe thấy ấy giảng là đều cảm thấy buồn ngủ =.= Thầy dặn là muốn nhớ được các tình tiết thì cứ dựa theo dàn bài của thầy về viết thành bài văn, đem lên cho thầy chấm. Tớ cũng làm theo, tại vì với cái tình trạng ngáp như con nghiện ở lớp thầy thì ghi được đủ bài với tớ đã là một công việc khó khăn chứ đừng nói là nhớ hết như chúng nó.

Sau khi xác định được học khối gì rồi, thì tớ bắt đầu con đường ôn thi. Về tiếng Anh thì tớ tự tin được 8, với lại học đội tuyển và đi thi suốt 3 năm, làm đề thi tiếng Anh nó thành phản xạ rồi, nên tớ không lo lắm. Nhưng mà Toán thì hỡi ôi... Chẳng có lần nào thi thử Toán tớ được quá 4 cả =.= Văn càng làm tớ lo hơn, vì rất rõ ràng là tớ toàn chém gió mà thấy điểm thi thử toàn 6,5 rồi 7,5, xong đem cho thầy chấm lại thì thầy cũng bảo chấm có vấn đề ?????? Không biết người ta có chịu chấm bài tử tế không nữa =.=Mọi người biết đấy, nếu đã xác định được thi khối gì, thì bắt đầu từ năm 12, với các trường thường, công việc lớn nhất của chúng ta chính là tập trung ôn thi đại học. Ngay cả thi học sinh giỏi tỉnh cũng bị chuyển sang thi vào tháng 12 chứ không phải là vào tháng 4 như mọi năm. Tập trung ôn thi đại học nghĩa là gì? Nghĩa là những môn phụ, giáo viên hầu như để mặc cho học sinh thích làm gì thì làm, trừ một vài môn giáo viên khó tính. Thế mới có chuyện: những tiết Lý Hóa thì toàn thấy dân khối D tám nhảm hoặc làm đề còn dân khối A thì cũng..... vác mặt làm đề. Đến tiết Văn Anh cũng vậy cả. Bởi vì chương trình lớp 12 đã được dạy ở lớp học thêm từ hồi lớp 11 rồi, việc của học sinh bây giờ là làm đề, làm đề và làm đề. Trừ một số giáo viên thích làm màu, vẫn cứ dạy những bài mà đứa nào cũng học cả rồi, còn lại thì tiết nào cũng như tiết nào, cứ ngồi làm đề thôi. Hết làm đề trên trường thì làm đề trên mạng, làm đề trong sách, làm đề trường khác, làm đề khi thi thử.

Hồi đó tớ thi thử nhiều lắm, thi tổng cộng 7 lần. Nói chung cái gì muốn làm tốt thì cứ làm nó cho nhiều vào tự khắc quen hết. Với những đứa mà đã quen với việc ngồi phòng thi 180 phút một môn thì đến khi thi đại học bạn sẽ thấy rằng: à, cũng chỉ thế thôi, mình làm bao nhiêu lần rồi cơ mà. Tớ thi ở 3 trường cấp 3, trường tớ, trường Năng khiếu với 1 trường cách nhà tớ 8km (khi đó tớ cũng không hiểu được vì sao tớ chăm thế, kêu bố chở từ tờ mờ sáng để đến đó thi thử, rồi cuối cùng sau khi có kết quả thi 19,25 điểm thì không thèm thi nữa, vì chấm dở tệ). Sở dĩ tớ thi nhiều cũng là để xác định mức học đến đâu thì sau đó chọn trường nó mới dễ.

Đề thi thử ấy, thì đặc trưng của nó, là khó hơn đề thi thật nhiều. Như kiểu có một lần thi thử ở trường tớ, thầy ra đề Hóa chưa rành, ra khó như kiểu thi học sinh giỏi tỉnh, cuối cùng điểm Hóa cao nhất trường tớ hình như chỉ được 6, một thanh niên chuyên Hóa thuộc hàng top bên đó qua thì cũng chỉ được 6.5. Còn lại lẹt đẹt 2 3. Sau đó thì cả trường kêu gào, đề ra mà thế này thì còn đâu tự tin cho trò để trò đi thi đại học nữa? Bởi vậy nên thi thật sau khi thi thử nhiều lần sẽ tạo cho bạn cảm giác như là chơi game cực khó, xong tự dưng bật hack được ý.

Đề Toán tớ làm ở lớp học thêm, tớ không bao giờ làm được quá 4 câu. Trong khi mấy đứa top toàn thấy làm được 8 9 câu, nhiều khi cũng thấy tủi lắm, nhưng rồi chặc lưỡi: thôi cố hai môn còn lại. Nếu mà không nghĩ như thế thì sẽ bị ám ảnh mất, chưa ai so sánh thì đã tự thấy bản thân tụt so với người ta một khoảng cách như từ Trái Đất đến Mặt Trời rồi. Phải nhớ rằng: mục tiêu của chúng ta là đậu đại học, chứ muốn cạnh tranh với con nhà người ta thì bạn có đầu thai 18 kiếp cũng không vượt nổi chúng nó.

Đến tháng 3, là lúc các thầy cô, các phụ huynh, các học sinh đau đầu với việc chọn trường. Chọn ngành gì nghề gì con thích, ngành gì nghề gì dễ kiếm việc, ngành gì nghề gì lương cao... Xong ngành nghề là đến trường: trường nào điểm vừa, trường nào gần nhà hơn, trường nào có điều kiện học tốt hơn, trường nào ở thành phố lớn.... Rồi mua quyển sách về danh sách các trường đại học tìm hiểu thêm, rồi bắt đầu điền vào cái tờ đăng ký thi. Đợt đó tớ bỏ 15k điền 6 tờ, nhưng cuối cùng chỉ còn 2 tờ, vì lỡ tay điền sai, những tờ này mà điền sai thì chỉ có vứt. Tớ không phải lăn tăn gì nhiều, bởi vì tớ không thích gì cả, lại thêm bố không biết nghe ai khuyên, về nằng nặc đòi tớ thi đại học Luật Hà Nội, mà còn phải là khoa Luật thương mại quốc tế mới chịu. Khi đăng kí tớ chỉ kịp biết là khoa này chỉ lấy khối D, năm 2011 là khóa đầu tiên khoa này được thành lập, điểm thi là 18 (sau khi vào trường mới biết là điểm thi là 18, 5 năm 2011 chứ không phải 18, nhưng mà cũng chả quan trọng). Tớ còn đăng kí cả bên khoa tiếng Nhật trường đại học Ngoại ngữ đh Quốc gia Hà Nội nữa, cũng khối D, 24 điểm nhân đôi tiếng Anh. Nói chung tớ cứ tính trung bình môn mỗi môn 6 điểm là chọn, vì thi thử cũng toàn từ 15 đến 18 điểm thôi mà. Kể ra bây giờ tớ cũng thấy tớ nhát, nên không dám chọn trường điểm cao hơn.

Sau đó, nguyên một mùa hè, tớ chủ yếu làm những việc như này: viết văn theo dàn ý của thầy khi có hứng, làm lại đề Toán những năm trước và đọc truyện =))))). Cứ mỗi khi hứng lên, tớ lại đạp xe lên thư viện tỉnh, vào cái góc tự học xong viết theo dàn của thầy, mỗi lần một bài, câu 2 điểm cũng có mà câu 5 điểm cũng có. Có lúc không muốn ra khỏi nhà, thì ngồi nhà, bật máy tính bật nhạc của Nana Mizuki lên, vừa nghe vừa viết. Viết thế mà cũng phải hơn 100 bài, nhưng sau đó có người bạn cũ thi lại nên tớ đã cho cái đám ấy cho cô ấy hết tất, nhớ lại thì cũng tiếc lắm.

Còn đề Toán, tớ mua lại đề và đáp án từ một người bạn, đề từ năm 2002 đến năm 2011, khối A, B và D xong ngồi làm lại. Đề Toán những năm 2002 2003 nó dễ lắm ấy, không bù cho những năm 2010 2011, đẳng cấp khác nhau hoàn toàn luôn =.= Mà tớ có đặc trưng là môn Toán tớ rất khó học vào ban ngày, nên ban ngày thì tớ cứ ngủ và chơi, đến ban đêm, khoảng 10h30 mới bắt đầu ngồi vào bàn, học đến 3h thì ngủ. Đợt đó còn đang có Euro nữa, bạn cứ tưởng tượng mẹ, chị gái và em trai bạn ngồi chăm chăm xem bóng đá ở phòng khách, còn bản thân ngồi đánh vật với đống số và hình mà xem, trời lại nóng nữa, ức chế lắm cơ. Toán thì tớ nắm rất rõ khả năng của tớ: kể cả đề có dễ như nào chăng nữa thì tớ cũng chỉ được tối đa là 8 điểm: câu chốt kiếm điểm 10 không làm, câu hình học không gian không làm, tại vì hai phần đó là hai phần ngu nhất, đề những năm 2003 2004 còn không làm được thì mong đợi gì ở cái đề 2012? Nên tớ tập trung ôn những phần khác.

Hết cấp 3 thì cũng là lúc các lớp học thêm đồng loạt nghỉ để học sinh tự ôn ở nhà, cộng thêm chuẩn bị để thi tốt nghiệp phổ thông. Tốt nghiệp phổ thông là điều kiện tiên quyết để thi đại học, mà đề tốt nghiệp so với đề đại học thì một trời một vực, trượt tốt nghiệp là một cảm giác cực kì nhục nhã. Đợt đó tớ thi tốt nghiệp khá là sướng, ngoại trừ việc nắng cháy hết cả da mà thi đúng cái phòng hơi xuống cấp, và chị tớ cấm tớ ăn những món trứng (điểm 0), bí (bạn hiểu mà), tôm (vì nó đi lùi), mực (món tớ thích nhất).... Giờ nhớ lại vẫn thấy sao khi ấy tớ ngu quá, nhịn để làm gì???

Đấy, mấy tháng hè nó trôi nhanh lắm, nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời với giấy gọi đi thi thêm mấy ngày là vác mông ra Cửa Lò thi. Lúc đó tớ vô ưu vô lự lắm, trước ngày thi vẫn ngồi đọc đam mỹ như thường, chả có cảm giác gì là một cuộc thi lớn đang đến gần cả.

31/5/2016

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro