• Hai đứa trẻ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A. MỞ BÀI

Thạch Lam, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, thuở nhỏ chủ yếu sống ở quê ngoại trong một gia đình công chức đông anh em. Ông là một gương mặt đặc biệt và vô cùng độc đáo của nhóm Tự Lực văn đoàn nổi tiếng nhưng nếu xét lại cả giai đoạn văn học 1930 – 1945, người con của Cẩm Giàng xứng đáng đứng vào hàng những cây bút xuất sắc nhất. Giữa rừng tác phẩm lãng mạn lâm li bi đát của những cốt truyện tình cảm éo le và trắc trở thì tác phẩm của Thạch Lam lại là những truyện không có cốt truyện, nhẹ nhàng sâu lắng, giàu chất trữ tình như một bài thơ nhưng cũng đậm chất hiện thực bởi ngòi bút ấy hướng tới những kiếp người khổ đau, bị lãng quên trong xã hội mà tác phẩm "Hai đứa trẻ" (in ở tập "Nắng trong vườn" năm 1938) là tiêu biểu cho lối hành văn ấy, đặc biệt là trích đoạn [...] gửi gắm tư tưởng nhân đạo [...] một cách kín đáo nhẹ nhàng.

B. THÂN BÀI

Khái quát vị trí đoạn trích:

Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống và truyện ngắn "Hai đứa trẻ" cũng là lát cắt trong mảnh ký ức tuổi thơ sâu đậm của tác giả. Bằng cách kể chuyện theo diễn biến thời gian dưới đôi mắt quan sát và trái tim nhạy cảm của cô bé Liên, phố huyện nghèo đã hiện lên trong ba cảnh: cảnh chiều nhập nhoạng, cảnh đêm, và cảnh khuya khoắt đen kịt của màn đêm. Đoạn trích trên nằm ở [...], với bối cảnh câu chuyện là một phố huyện nghèo nàn, xơ xác, có đường tàu đi qua, một ga xép, một cái chợ nhỏ bé nằm giữa thôn xóm và cánh đồng. Thời gian là một buổi chiều muộn và cảnh đầu hôm cho đến lúc chuyến tàu chạy qua. Hai đứa trẻ ngồi trong một ngôi hàng xén nhỏ nhoi ngắm nhìn cảnh vật và cố thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua.

Phân tích:

1. LÚC CHIỀU TÀN

● Bức tranh thiên nhiên phố huyện:

Mở đầu là một câu văn đầy chất thơ: "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru." Phép điệp từ "chiều" lặp lại như lời gọi báo, như bước đi chậm mà nhẹ nhàng xâm lấn của cảnh chiều lên phố huyện.

Âm thanh:

Trước hết là âm thanh trong cảnh ngày tàn. Đó là âm thanh của tiếng muỗi trong cửa hàng, xa hơn là tiếng ếch nhái râm ran ngoài đồng ruộng. Và phủ trùm lên cả phố huyện là tiếng trống thu không: "từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều". Những âm thanh được tái hiện rõ rệt từ không gian vắng đủ để nghe thấy tiếng muỗi vo ve đến những âm thanh của ếch nhái ngoài đồng ruộng theo gió đưa vào và cuối cùng là tiếng trống báo hiệu thời gian vang vọng khắp phố huyện cho thấy cảnh chiều quê yên ả, tĩnh lặng đến lạ; vừa thân quen trong tâm trí người Việt về một miền quê, một vùng làng mạc trong trẻo mà bình dị, nhưng ta cứ thấy có gì đó thiếu thiếu, buồn bã đến nao lòng.

Hình ảnh không gian:

Tiếp đến là màu sắc trong cảnh chiều tàn. Đó là sắc màu rực "như hòn than sắp tàn" tới từ phương Tây phản chiếu lên những đám mây ánh hồng. Và xa xa, dãy tre đen cắt hình rõ rệt trên nền trời. Bằng thủ pháp ngược sáng trong điện ảnh, ánh sáng rực rỡ cuối cùng của ngày đang tàn đi, sắc màu cứ giảm dần đi, từ "đỏ" sang "hồng" và cuối cùng là màu "đen" vẽ nên một bức tranh hoàng hôn day dứt chút huy hoàng của ngày cũ trước lúc tàn lụi. Cùng âm thanh tiếng trống, sắc màu đã tô điểm thêm bước chân của thời gian. Bóng đêm xâm lấn dần, phủ trùm dần lên cảnh sắc phố huyện. Đẹp đấy nhưng sao cũng tiếc nuối bâng khuâng, hụt hẫng quá chừng!

Mùi vị:

Và cuối cùng là mùi vị của chốn làng quê. Cái mùi ẩm mốc mà Liên cảm nhận được đó như mùi riêng của xứ sở này, cái mùi của sự khó khăn, nghèo khổ của quê hương Liên chứ không phải mùi khói bụi ở nơi phồn hoa đô thị cho thấy trong trái tim cô bé đã xem nơi miền quê nghèo khổ như một phần trong cuộc sống của bản thân, như là chốn nương náu, quê hương Liên tìm về.

Nghệ thuật:

Như vậy, phố huyện lúc chiều tàn được vẽ lên bởi bức tranh cảnh vật và bức tranh sinh hoạt, với bức tranh cảnh vật trải dài từ không gian, tạo vật buổi chiều đẹp nên thơ bình dị gần gũi – tuy quen thuộc mà đượm buồn, được hiện lên với nhiều âm thanh, màu sắc, hình ảnh, đường nét và có cả mùi vị thấm đẫm hồn người. Khung cảnh ấy được nhà văn thể hiện qua những câu văn êm dịu, uyển chuyển mà tinh tế. Mỗi câu như một nét vẽ đơn sơ không cầu kỳ kiểu cách nhưng lại gợi được cái hồn của cảnh vật, cái thần thái của thiên nhiên. Mỗi câu văn như mở ra một cảnh, cảnh trước gợi cảnh sau rất độc đáo, thấm thía cái hồn làng quê Việt những năm trước Cách mạng tháng Tám.

● Bức tranh con người phố huyện:

Thế nhưng, dường như tác giả Thạch Lam đã làm nên sự đối lập tương phản với cảnh thiên nhiên thanh bình trong trẻo: đó là cảnh tiêu điều thê lương nơi chợ cùng những kiếp người túng quẫn cùng cực. Cái đông vui không còn nữa, chỉ còn lại sự trống vắng quạnh hiu: "Chợ đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất." Cảnh ngày tàn gợi cho người đọc cái buồn của buổi chiều quê. Trơ lại sau phiên chợ là những thứ rác rưởi vô giá trị, hiện lên bức tranh đời sống nghèo khổ của người dân nơi đây. Chợ vốn là nơi đánh giá nền kinh tế của một vùng, một miền. Bao giờ cũng vậy, vui nhất lúc họp chợ, và khi chợ vãn thì tất cả còn lại chỉ là sự điêu tàn. Mà tan chợ thì có lúc nào vui đâu?

Nhưng buồn hơn là những kiếp người nơi đây. Đây là hình ảnh đặc trưng nhất, ám ảnh nhất, và tàn úa nhất khi hoàng hôn đi vào cõi lạnh, phơi bày cái nghèo nàn, xác xơ của phố huyện: Đó là mấy đứa trẻ con nhà nghèo đang tìm tòi nhặt nhạnh rác. Trẻ con luôn hiện lên trong sự vô tư, trong tiếng cười đùa. Nhưng tiếng cười dường như vắng bóng nơi phố huyện, càng vắng hơn nơi những đứa trẻ bởi chúng đang lúi húi kiếm tìm thứ "hạnh phúc" ít ỏi trong những bãi rác rưởi vô giá trị đang bốc lên mùi hôi, mùi ẩm mốc. Tội nghiệp và đáng thương biết mấy! Đó là mẹ con chị Tí nghèo khổ ngày mò cua bắt ốc, tối đến lại dọn hàng nước nhỏ trên cái chõng tre. Chị nào có lười biếng gì, hơn nữa lại tay nách đứa nhỏ, song dẫu chị làm việc quần quật ngày đêm mà vẫn chẳng đủ ăn. Đó còn là bà cụ Thi điên với tính cách dở hơi và có phần "hơi điên". Cụ là nhân vật duy nhất góp cho phố huyện tiếng cười, một tiếng cười hiếm hoi giữa lòng phố bình lặng. Nhưng tiếng cười của cụ không phải là tiếng cười mang lại sinh khí nhộn nhịp hay niềm vui mà đó là tiếng cười quái đản đầy ám ảnh khi con người ta đã chịu quá nhiều đau khổ.

Cảnh trong sự cảm nhận:

Trước khung cảnh ấy, trước những kiếp người ấy, trong cô bé tám tuổi là nỗi buồn man mác trước cảnh ngày tàn. Một cô bé từng sống ở một thế giới khác – một mảnh đất hoa lệ, vì sự thất thế của gia đình mà phải chuyển về phố huyện. Ấy vậy nhưng Liên không hề coi khinh nơi này. Em động lòng thương trước những mảnh đời cơ cực, em thấy thương những đứa trẻ nghèo nhưng "chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó". Từ cách nghĩ, từ lòng thương và thậm chí là kỹ hơn trong một chi tiết rất nhỏ: đó là cách gọi, cách xưng hô với những đứa trẻ, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi, bác phở Siêu, bác xẩm. Cách gọi thân mật như những người thân trong gia đình đã làm bật lên một cô gái có tâm hồn nhạy cảm. Rõ ràng rằng cảnh chiều tàn có sự hòa quyện giữa ngoại cảnh và nội tâm nhân vật, gợi nỗi buồn bâng khuâng man mác.

Nghệ thuật:

Qua đó, bằng việc sử dụng bút pháp lãng mạn; các hình ảnh tương phản, đối lập tác giả đã làm nổi bật cuộc sống của phố huyện. Có thể nói, trang văn của Thạch Lam rất đẹp. Cái đẹp được tỏa ra từ hình ảnh gợi hình, gợi cảm; tình người với trái tim rất đỗi nhân hậu. Đó còn là cái đẹp của khát vọng dưới ngòi bút nhẹ nhàng, khách quan, ẩn hiện lòng thương với những con người phố huyện của Thạch Lam, le lói sáng trên bầu trời văn học Việt Nam những năm trước Cách mạng.

2. LÚC ĐÊM KHUYA

● Bức tranh thiên nhiên phố huyện:

Đây là thời điểm chuyển giao giữa ánh sáng và bóng tối. Có sự tương phản, đối lập rõ nét giữa ánh sáng và bóng tối khi phố huyện vào đêm.

Bóng tối:

Bóng tối được miêu tả khá rõ nét:

- "Trời nhá nhem tối"

- "Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối"

- "Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa"

→ Bóng tối tràn lan, dày đặc, âm u bao trùm cả phố huyện. Hình ảnh bóng tối như một cái nền không gian nghệ thuật của tác phẩm, có ý nghĩa chỉ không gian xã hội tối tăm, như một ám ảnh đè nặng lên con người và cảnh vật. Đó là "thứ bóng tối nhẫn nại, uất ức đời thôn quê" (Thế Lữ)

Ánh sáng:

Ánh sáng được miêu tả rất hiếm hoi và đơn độc:

- Ánh đèn của các cửa hàng còn thức: "... chỉ để hé ra một khe ánh sáng từ một vài cửa hàng còn thức."

- Ánh sáng của các ngôi sao & đom đóm "Vòm trời hàng ngàn... cành cây".

- Ánh đèn của gánh phở bác Siêu: Chỉ là "Một chấm lửa nhỏ... đêm tối."

- Ánh đèn trong cửa hàng của Liên: "thưa thớt từng hột sáng"

- "Giờ chỉ còn ngọn ... vùng đất cát."

→ Ánh sáng yếu ớt thưa thớt đó là các khe sáng, đốm sáng, quầng sáng, chấm sáng, hột sáng. Nó không đủ sức xua tan bóng tối, mà trái lại nó càng làm cho bóng tối thêm mịt mùng hơn.

● Bức tranh con người phố huyện:

Mẹ con chị Tí: "Ngày, chị đi mò cua bắt tép ... mốc gạch."

→ Nỗi cơ cực hiện lên trong lời than của chị: "Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì"

Bác Siêu: Hàng đêm, cứ lặng lẽ gánh phở ra phố huyện, nhóm lửa, đến khuya lại lầm lũi trở về làng. "Bác cúi xuống nhóm lại lửa, ... bên ngõ." Món phở của bác Siêu là "Một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được."

Gia đình bác xẩm: "Ngồi trên manh chiếu với cái thau sắt trắng để trước mặt"; "Vợ chồng bác Xẩm góp chuyện ... trong cát bên đường."

Bà cụ Thi: Hơi điên và nghiện rượu, hình như có nỗi niềm u uất ẩn sau "tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng." Bà đi lẫn vào bóng tối, hay bóng tối đã nhòe đi, phủ xuống những kiếp người tàn?

Hai chị em Liên: Hoàn cảnh sống thay đổi (Cha mất việc, gia đình sa sút, phải rời Hà Nội về quê). Được mẹ giao trông coi "Một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu"; "Một gian hàng bé, ... nhật trình."

Nghệ thuật:

Qua đó, bằng việc sử dụng bút pháp lãng mạn; các hình ảnh tương phản, đối lập tác giả đã làm nổi bật cuộc sống của phố huyện. Bức tranh phố huyện trong đêm tối, nơi ánh sáng chen lấn yếu ớt trong màn đêm phủ dày. Leo lắt lên đó là những kiếp người cùng khổ như những ngọn bấc tù mù sắp tàn, chập chờn trong màn đêm, le lói giữa cuộc đời này, gắng gượng chờ đợi chuyến tàu đêm. Giống như một bản nhạc buồn mà điệp khúc cứ lặp đi, lặp lại; tù túng như trong một cái "ao đời bằng phẳng" (Xuân Diệu) Tuy thế, họ vẫn hy vọng, dù hy vọng đó rất mơ hồ: "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ."

3. CẢNH CHỜ TÀU

Dù khắc khoải, buồn bã với kiếp sống quẩn quanh, Liên cũng như biết bao con người trong bóng tối, trong cái phố huyện nghèo nàn kia vẫn luôn có một niềm hy vọng mơ hồ, họ mong đợi một cái gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống ảm đạm hằng ngày của họ. Niềm hy vọng mong manh được Thạch Lam khéo léo gửi gắm qua chuyến tàu cuối cùng từ Hà Nội chạy qua phố huyện để lại trong ta biết bao xúc cảm.

Với những người dân trong phố huyện, họ chờ tàu để bán hàng, để thêm vào cuộc sống mưu sinh hằng ngày vài đồng lẻ ít ỏi, nhưng với Liên và An, họ thức chờ tàu vì nguyên nhân sâu xa hơn. Trước hết đây là những đứa trẻ ngoan ngoãn biết vâng lời, chúng làm theo đúng lời mẹ dặn, cố thức đợi tàu để xem có ai mua gì nữa không. Nhưng Liên "không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại, đêm họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng", dường như việc chờ tàu hằng đêm của Liên và An không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của đời sống vật chất mà hầu như chỉ xuất phát từ nhu cầu của đời sống tinh thần. Hai đứa trẻ buồn ngủ ríu cả mắt, An trước khi ngủ còn dặn với chị đánh thức trước khi tàu đến bởi lẽ với chúng, đoàn tàu có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nó là "sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya", hoạt động ấy có khả năng khuấy động mãnh liệt nhịp sống tẻ nhạt, tù đọng nơi "ao tù phẳng lặng" (Tỏa nhị kiều – Xuân Diệu), đem lại cho phố huyện nghèo phút chốc bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Cả một ngày dài leo lét, quẩn quanh chỉ có chuyến tàu mang đến cho chị em Liên một sự khác biệt, một thế giới hoàn toàn khác với thực tại tựa như có phép màu lướt qua nơi đây.

Chuyến tàu hiện lên qua cảm nhận của Liên từ xa đến gần rồi cứ thế xa mãi trong tầm mắt của chị. Cảnh chuyến tàu sắp đến dường như mang một sức sống kỳ diệu, cả phố huyện giờ đây mới thực sự bắt đầu động đậy. Khi tiếng còi xe lửa ở xa vang lại, Liên liền đánh thức em dậy: "Dậy đi An, tàu sắp đến rồi", còn bác Siêu thì nghển cổ nhìn ra phía ga rồi mừng rỡ: "Đèn ghi đã đến kia rồi". Những lời giục giã, những tiếng reo thảng thốt trong mừng rỡ vì nếu chậm sẽ không được nhìn thấy đoàn tàu nữa. Thạch Lam không dùng từ ngữ nào để miêu tả sự háo hức của người dân phố huyện mà sự háo hức ấy vẫn hiện lên sống động và đầy chất nhân văn. Đoàn tàu còn ở phía xa, Liên đã trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, những âm thanh huyên náo "tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi", "tiếng hành khách ồn ào khe khẽ", "tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi", "tiếng tàu rít lên và tàu rầm rộ đi tới". Những âm thanh ấy hoàn toàn khác với thứ âm thanh ảo não của tiếng trống thu không hay tiếng trống cầm canh khô khan, của tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve hay tiếng đàn bầu rung lên bần bật trong yên lặng. Một thế giới khác được đoàn tàu đem tới cho phố huyện nghèo, khoảnh khắc tàu đến, lòng hai chị em vui sướng, hân hoan đến lạ kì, dù chỉ là thoáng qua nhưng cũng đủ để hai tâm hồn tinh tế ấy nắm bắt trọn vẹn sự vật, sự việc đang diễn ra trên tàu: Liên và An say mê ngắm nhìn "các toa đèn sáng trưng...những toa trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng", dường như ánh sáng rực rỡ của đoàn tàu đã xua tan đi cái "bóng tối" đang gặm nhấm phố huyện từng khắc một. Ánh sáng ấy không tù mù, leo lét như quầng sáng từ ngọn đèn chị Tí, từ khe sáng hé ra nơi cánh cửa của các nhà trong phố, hay vệt sáng nhỏ nhoi, yếu ớt của những con đom đóm. Cư dân phố huyện như choáng ngợp bởi sự náo động của đoàn tàu và cứ thế họ dần mơ về một thế giới thật đẹp đẽ và rực rỡ...

Bé An hồn nhiên nhưng cũng đã nhận ngay ra dường như tàu hôm nay không đông như mọi khi. Còn Liên thì đã nhận thấy sự thưa thớt cũng như kém sáng hơn của đoàn tàu: "Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn". Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có kém đông vui hơn mọi khi nhưng nó từ Hà Nội về, nó mang theo một thế giới khác hẳn đối với Liên. Vì vậy, nó vẫn đem đến cho hai đứa trẻ biết bao xúc động. Con tàu đi qua sẽ chẳng có gì đặc biệt trong nhận thức của con người, có chăng Tế Hanh đã từng thốt lên:

"Tôi thấy tôi thương những con tàu

Ngày đời không đủ sức đi mau

Có chi vương víu trong hơi máy

Với những toa đầy nặng khổ đau."

Nhưng với chị em Liên thì hoàn toàn khác, chuyến tàu mà hai đứa trẻ hằng mong đợi không phải để chở đi những đau khổ của kiếp người mà nó là ánh sáng, là hi vọng cuối cùng của phố huyện này có thể bấu víu vào. Hai chữ Hà Nội ngân nga trong lòng cô bé nghèo: "...họ ở Hà Nội về!... Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo". Đoàn tàu mang đến cho chị em Liên một niềm mơ tưởng xa xăm mà rất êm đềm về quá khứ tươi đẹp tại chốn mỹ lệ Hà Nội "băm mươi sáu phố phường".

Đoàn tàu giống như một tia chớp, một ngôi sao băng rạch qua bầu trời nơi phố huyện nghèo rồi mất hút vào đêm tối. Liên và An đứng lặng người dù chuyến tàu đã đi qua, hai chị em nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa mỗi rồi khuất sau rặng tre. Đêm nào cũng vậy, cả phố huyện đều khắc khoải mong ngóng, kiên nhẫn chờ đợi chuyến tàu đi qua rồi mới chìm vào bóng tối thăm thẳm quen thuộc của mình: chị Tí và bác Siêu về làng, gia đình bác xẩm ngủ gục trên manh chiếu rách bên đường còn chị dần ngập vào giấc ngủ yên tĩnh. Rồi chi tiết cuối cùng gây ám ảnh đến người đọc về một cuộc sống bế tắc: "Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ", dường như những cảnh đời nơi phố huyện chứa đầy bóng tối. Bóng tối ấy không phải là của vũ trụ mà là bóng tối của sự nghèo nàn, khốn khó. Cuộc sống ấy là vậy, đơn điệu, tẻ nhạt, kém sức sống và lặp đi lặp lại như cỗ máy được lập trình sẵn giống như thơ Huy Cận từng viết:

"Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu

Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người

Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười

Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện."

Chuyến tàu đêm khẳng định một khát vọng chân chính của con người. Với chị em Liên, đoàn tàu như một kí ức vui, một khát vọng mơ hồ, nó chẳng khác nào ảo ảnh nhưng lại mang niềm vui trong sáng cho những đứa trẻ ngây thơ. Với người dân phố huyện, chuyến tàu như một ước mơ cổ tích giúp họ thêm niềm tin để cho họ tiếp tục chờ đợi để sống. Suy cho cùng, chuyến tàu mà nơi phố huyện nghèo ấy mong đợi tựa chiếc phao tinh thần để cứu rỗi cuộc sống nghèo nàn, bế tắc trong tăm tối. Dưới ngòi bút Thạch Lam, chuyến tàu tưởng chừng bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Ông nâng niu, trân trọng niềm vui nhỏ bé, hiếm hoi của con người và đó chính là điểm sáng trong giá trị nhân đạo của tác phẩm. Tuy bức tranh phố huyện được vẽ lên từ những gam màu hiện thực song Thạch Lam không quên điểm tổ vào bức tranh của mình những khát vọng cao đẹp hướng tới cuộc sống, giúp con người dần tự ý thức giá trị bản thân, qua đó để họ vươn tới cuộc sống có nghĩa và xứng đáng hơn.

4. ĐÁNH GIÁ

Về nghệ thuật:

"Hai đứa trẻ" là kiểu truyện ngắn trữ tình, truyện ngắn tâm trạng. Với nghệ thuật miêu tả tâm lí và cảnh vật tài tình, giọng văn trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc, có sự đan xen, hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và trữ tình. Đoạn trích [...] đã để lại dư âm, ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc.

Về nội dung:

Tác phẩm chứa đựng một tinh thần nhân văn, tư tưởng nhân đạo và có giá trị nhân bản sâu sắc:

- Tác giả thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương và cảm thông đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh bế tắc ở phố huyện nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Đồng thời ông cũng thể hiện sự trân trọng trước ước vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ.

- Qua tâm trạng của Liên, tác giả dường như còn muốn thức tỉnh những tâm hồn đang lụi tắt hãy cố vươn tới một cuộc sống có ý nghĩa.

- Đặc biệt với cảnh chờ tàu:

Từ cuộc sống của con người nơi phố huyện, trang văn của Thạch Lam còn rung lên tiếng nói tha thiết có sức lay tỉnh sâu xa trong tâm hồn người đọc: Hãy cứu lấy những đứa trẻ! Hãy thay đổi cuộc sống bế tắc này đi! Làm thế nào để cho trẻ thơ được sống trong hi vọng giống như những chồi non xanh biếc căng nhựa sống trên cành mà không phải chỉ tồn tại rồi tàn lụi đi trong miền đất chết.

Tác phẩm còn bài ca về thiên nhiên đất nước: Thể hiện qua việc miêu tả bức tranh quê hương gần gũi mà không kém phần thơ mộng và gợi cảm. (Cảnh phố huyện lúc chiều buông)

5. THÀNH CÔNG

Trong toàn tác phẩm

Đối với Thạch Lam

Đối với nền văn học 1930 - 1945

[Nội dung & ý nghĩa của đoạn trích đối với tác phẩm]

Mơ hồ mà ý nhị, tinh tế là những cảm nhận của Thạch Lam khi va chạm với cuộc sống này, để cảm giác về những cơn gió đầu mùa, để cảm thức một mùi hương hoàng lan, để đưa người con của Cẩm Giàng trở thành một cây bút lãng mạn đặc sắc. Nói đúng hơn, Thạch Lam đến với văn chương mang một sứ mệnh xoá nhoà ranh giới của thể loại và phương pháp sáng tác, không còn phân biệt thơ - văn, lãng mạng - hiện thực. Ông thuộc số ít nhà văn có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, lành mạnh, mỗi truyện của ông giống như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc thương yêu con người và cảnh vật, tựa một cánh diều bay bổng nhẹ nhàng mà thanh thoát nhưng không hề chới với chao liệng bởi giữ cánh diều là sợi dây bền chặt của hiện thực cuộc sống.

C. KẾT BÀI

Có người từng nói rằng: "Thạch Lam là nhà văn ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình". Bởi lẽ vậy "Hai đứa trẻ" hiện lên như một bức tranh dệt bằng cảm giác, giản dị mà sâu lắng, man mác mà thấm thía. Câu chuyện soi tỏ những bí ẩn thi vị mà cao đẹp trong tâm hồn cô bé Liên để rồi bộc lộ những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thạch Lam không có tham vọng tạo ra những tình huống truyện éo le, nghịch cảnh. Vậy nhưng ông vẫn đạt đến độ toàn thiện, toàn mĩ của một truyện ngắn nhiều dư âm. Người đọc được dẫn đi trong một thế giới nhân vật và không gian bàn bạc nỗi buồn, lặng lẽ suy ngẫm nhưng triết lý nhân sinh và những thông điệp cuộc sống giàu ý nghĩa. Đặc biệt, cảnh [...] đã ánh lên những [...] mà Thạch Lam truyền tải bằng cả tài năng, tâm huyết xây dựng!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro