• Đây thôn Vĩ Dạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A. MỞ BÀI

Vào những năm 32 – 45 của thế kỷ trước, trên cánh đồng thi ca của Việt Nam bỗng đón nhận một làn gió lạ từ phong trào thơ Mới thổi qua. Cùng cái tôi nghệ thuật rất riêng, Hàn Mặc Tử đã khẳng định vị thế của mình trên dòng chảy hoàng kim rực rỡ của thi ca Việt Nam. Ông là một trong ba đỉnh cao của phong trào thơ Mới bên cạnh những cái tên rất đỗi quen thuộc như Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. Một trong những kết tinh tài năng, sáng tạo và độc đáo của ông có thể nhắc đến là "Đây thôn Vĩ Dạ" sáng tác năm 1938, in trong tập "Thơ Điên" (về sau đổi thành "Đau thương"). Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ. Đặc biệt là đoạn thơ [...] bởi qua bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, nhà thơ đã bộc lộ nỗi buồn cô đơn trong một mối tình xa xăm đầy vô vọng, nỗi đau đớn với cuộc đời và trần thế.

[...]

B. THÂN BÀI

Phân tích:

a) Khổ 1 – Hoài niệm về thôn Vĩ; khát khao đắm say

Mở đầu bài thơ là một lời trách móc nhẹ nhàng của nhân vật trữ tình:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

- Một câu đa số là thanh bằng, gợi ấn tượng về chất giọng ngọt ngào của xứ Huế à chìa khóa mở ra con đường đi vào tác phẩm một cách tự nhiên.

- Đây cũng là một câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái, có nhiều cách hiểu: đó có thể là lời của một người em gái Vĩ Dạ, cũng có thể là lời của Hoàng Cúc – chủ nhân tấm bưu thiếp, thì câu hỏi ấy mang trong đó ẩn ý trách móc, hờn dỗi một cách duyên dáng và còn có hàm ý còn là lời mời mọc về thăm thôn Vĩ. Cũng có thể là chính tác giả đang tự phân thân, tự chất vấn mình, trách mình sao không về thăm cảnh cũ người xưa. Như vậy trong câu hỏi này ẩn chứa khao khát được trở về của Hàn Mặc Tử.

- Cách dùng từ "không về" chứ không phải là "chưa về": nếu dùng chưa về thì ít nhiều hi vọng là anh sẽ về thôn Vĩ, còn không về thì chắc chắn là anh – khách đường xa sẽ không về thôn Vĩ.

→ Chỉ bằng một lời hỏi, Hàn Mặc Tử đã vào bài một cách tự nhiên, ngay từ câu đầu đã hé mở cho ta thấy sự gắn bó của thi sĩ họ Hàn với cảnh và người thôn Vĩ.

Tiếp đó, chúng ta hãy chú ý quan sát, tận hưởng vẻ đẹp nơi đây:

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"

Vườn Huế thơ mộng, toát lên vẻ đẹp của một bức tranh nhạy cảm. "Nắng hàng cau", có lẽ chỉ có nơi miền Trung nói chung hay thôn Vĩ nói riêng mới có cái nắng tinh khôi ấy. Bên cạnh đó, phép điệp hai chữ "nắng" tạo trong ta cái cảm giác về cấp độ của ánh sáng; đầu tiên là "nhìn nắng" đó là một thứ ánh sáng của sự chủ động, ta định hướng được rất tự nhiên và từ đó vươn lên một góc nhìn tập trung "nắng hàng cau" để rồi đón nhận một cảm giác tươi mới trinh nguyên "nắng mới lên", sắc nắng, vị nắng trộn hòa vào cảnh vật vừa như vút lên trong cái tầm thanh thoát của hàng cau xứ Huế, lại vừa như chợt ùa xuống, tỏa rộng tràn lên tất cả.

"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

Câu thơ cứ như là buột miệng, như không kìm nổi lòng mình phải thốt lên khi bắt gặp sắc màu biếc xanh như ngọc ấy. Có lẽ chỉ cần tính từ "mướt" là đủ, song thêm từ "xanh" phía sau càng làm tôn thêm, nổi bật thêm cái tươi mát, xum xuê của Vĩ Dạ. Không những thế, chỉ bằng một biện pháp nghệ thuật so sánh "xanh như ngọc" (mà ta hằng biết ngọc là tinh thể trong suốt vừa có ánh lại có màu) cùng sự cực tả qua từ "quá" đã đẩy viên ngọc thôn Vĩ lấp lánh sắc xanh lạ lùng sa vào lòng trần thế.

Đang cái mạch của sự ngỡ ngàng, câu thơ tiếp theo lại là một phát hiện mới, hòa vào không gian tinh khiết ấy là dáng nét thấp thoáng của con người:

"Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

Hình ảnh của con người, vừa hài hòa với cảnh vừa tôn lên vẻ đẹp của cảnh, đó là sự hài hòa giữa khuôn mặt chữ điền của người với "lá trúc" mảnh mai "che ngang mặt chữ điền". Trước tiên, ta cần biết rằng theo quan niệm xưa, khuôn mặt chữ điền đầy đặn vuông vức phản ánh vẻ đẹp trung thực phúc hậu của con người, làm gợi vẻ đẹp kín đáo dịu dàng của người thôn Vĩ. Và khuôn mặt chữ điền này ta cũng từng bắt gặp trong câu ca dao năm nào:

"Mặt em vuông tựa chữ điền,

Dạ em thì trắng, áo em mặc ngoài.

Lòng em có đất, có trời,

Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung."

→ Cảnh và người làm nên nét quyến rũ, bừng lên khát khao được trở về với thôn Vĩ dù chỉ một lần nữa của Hàn Mặc Tử. Ta có thể thấy được rằng đằng sau bức tranh cảnh và người là ánh mắt đắm say, tấm lòng tha thiết của thi sĩ với cuộc đời trong những tháng ngày bệnh tật. Song chỉ cần một tấm bưu thiếp thế là một thứ tiên dược đã "cất tiếng chào đời", làm sống lại lòng yêu đời và những vần thơ trong trẻo của đời thơ kỳ dị bậc nhất trên thi đàn Việt Nam.

b) Khổ 2 – Hoài niệm về cảnh sông nước – đặc biệt là cảnh sông nước đêm trăng qua đó bộc lộ tâm trạng hoài vọng, phấp phỏng âu lo

Thôn Vĩ Dạ nằm cạnh ngay bờ sông Hương êm đềm. Vì thế mà từ cách tả cảnh làng quê ở khổ thơ đầu hé mở tình yêu, tác giả ý đồ chuyển sang tả cảnh sông với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ mong sầu muộn hư ảo như trong giấc mộng:

"Gió theo lối gió, mây đường mây"

Trước tiên, ta bắt gặp cách ngắt nhịp 4/3 dường như đang cố gắng tách biệt hai vế câu: mở đầu vế là gió mà khép lại vế cũng là gió, thế là có người nói rằng gió đóng khung trong gió; hay mở đầu là mây và kết thúc vế cũng là mây, thế là người ta bảo rằng mây khép kín trong mây. Gió và mây, đều gợi nên sự chia li "lối gió", "đường mây" cái ranh giới mỗi lúc như được nới rộng, càng làm tăng thêm cái khoảng phân cách, "mây" và "gió" mỗi từ được điệp lại hai lần trong một câu thơ như tạo một khoảng cách xa hơn. Câu thơ như bị bứt ra, đẩy ra xa chứ không gãy đôi, càng nhấn mạnh cái da diết đến nao lòng người, như rạch vào nỗi đau của thân phận kẻ bị chia lìa.

"Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay"

- Thực tế: sông Hương có đặc điểm không giống với những dòng sông khác ở điệu chảy lững lờ, chảy như không chảy, nửa muốn đi nửa muốn ở, vấn vương nhau nỗi lòng "cơ hồ chỉ còn một mặt hồ yên tĩnh" và theo Hoàng Phủ Ngọc Tường thì dòng chảy sông Hương được ví như điệu Slow trữ tình, hoặc theo cái nhìn của nhà thơ Thu Bồn thì:

"Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu."

- Nhưng dòng sông này đi vào thơ Hàn lại là một sinh thể có hồn bởi nó là "dòng nước buồn thiu" à nghệ thuật nhân hóa, nỗi buồn lặng lẽ nhưng sâu sắc thấm thía, ngẩn ngơ như mất cả hồn người.

Tiếp đó, động từ "lay" gợi một nỗi buồn hiu hắt lay lắt bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ dòng nước lặng lẽ lững lờ trôi đến sự lay động rất nhẹ rất khẽ của hoa bắp trên sông. Hình ảnh hoa bắp ra sức chuyển dời bức tranh thanh vắng bằng chuyển động dù chỉ là cái lay không hăm chẳng dọa phần nào gợi cho ta nhớ đến thi sĩ họ Hàn cũng đã dùng cả đời để minh chứng bản thân vậy.

→ Nếu khổ thơ đầu là một cõi nhân gian biêng biếc sắc màu ấm nóng tình người thì đến hai dòng thơ này lại hiện lên một thế giới vô sắc vô hương được cảm nhận qua giác quan và tâm hồn của một người đang mang trong lòng nỗi buồn xa cách: vì anh không về thôn Vĩ nên nhân vật trữ tình nhìn đâu cũng thấy cô đơn, lạc lõng chia lìa. Và đó cũng là dự cảm mong manh dễ vỡ của cái đẹp, cảm giác bất an ngấm ngầm vào cái tôi của đa số các nhà thơ Mới.

Cùng niềm khao khát thiết tha với cuộc sống, Hàn Mặc Tử lại chìm trong cõi mộng một lần nữa:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?"

Hình ảnh thuyền và sông đều là những thi liệu quen thuộc trong thơ ca Việt Nam nói chung và thơ Hàn nói riêng. Thơ Hàn Mặc Tử dường như có sự thâm nhập quá lớn của ánh trăng, nên bao giờ cùng tạo ra một vẻ đẹp kì ảo của mộng và rất thơ. Quả thật, chỉ có Hàn Mặc Tử mới có thể tưởng tượng ra được dòng sông Hương chở đầy ánh trăng; thứ ánh sáng huyền ảo tràn đầy vũ trụ tạo nên một không khí hư ảo. Nhưng chỉ trong cái mộng ảo đó mới có thể cảm nhận được "sông trăng", mới tưởng như "bến trăng" và "thuyền" có thể "chở trăng về" – tức trăng đã hóa thân thành một du khách trên sông Hương. Phải đơn côi thế nào, phải khao khát được ai đó sẽ chia tâm sự ra sao mới bật thốt lên: "Có chở trăng về kịp tối nay?". Đây rõ ràng là cả một nỗi lòng mong đợi, một câu hỏi gần như là sự khắc khoải bồn chồn. Bởi bản thân từ "kịp" đã mang một ý niệm về thời gian tương lai gấp gáp, một câu hỏi tu từ không lời đáp chắc chắn, một giọng thơ khắc khoải, tâm trạng phấp phỏng lo âu. Con thuyền ngây ngô trên bến vắng tạo nên trong lòng người một niềm phấp phỏng, hi vọng, chờ đợi một cái gì đang rơi đi, biết có thể nào, có khi nào quay trở lại. Cái nỗi niềm ấy đang ngập dâng lên trong lòng thi sĩ. Cả bốn câu thơ của khổ hai là sự ảo hóa của bút pháp tài tình lên cho cảnh thêm huyền ảo và tình càng dâng lên vời vợi, say đắm.

c) Khổ 3 – Hoài niệm về người thôn Vĩ; nỗi niềm mơ tưởng hoài nghi

Bài thơ mang một niềm bâng khuâng, một sự tiếc nuối vẫn trong cái mạch hư ảo ấy:

"Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra"

Ở khổ thơ cuối này niềm bâng khuâng, quyến riết trước cảnh trời mây sông nước như trải rộng ra cái cảm giác mông lung của hư thực. Nhưng dù mông lung, dù huyền ảo "nhìn không ra" vẫn thấy rõ hay đúng hơn là cảm nhận rất rõ một bóng hình người con gái của Huế song lại không thể nào nắm bắt được, lại vẫn là trong ảo trong mơ, cái hình bóng chập chờn cảm giác gần mà lại như hút xa bởi nhà thơ chỉ có thể cảm nhận được cái màu áo trắng thoắt ẩn hiện mà không thể nhìn bằng thị giác của mình. Màu sắc trắng chỉ còn là một ấn tượng càng làm cho sự hẫng hụt lên tới cao độ, muốn bấu víu, cầm nắm mà cảnh đầy màu hư ảo quá, nó lại bị chìm trong màu của khói sương:

"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh"

Bóng hình của giai nhân mờ ảo trong sương, cảnh vật phủ bởi một màu sương, nhưng cũng có thể đó là một ẩn ý của người thơ, sương khói ấy phải chăng là khoảng cách của thời gian, là màu của một mối tình vô vọng. Thi nhân đã cảm mến một ngựời con gái Huế, đang sống trong chờ đợi và ảo mộng và trong khi yêu người ta rất dễ nghi ngờ:

"Ai biết tình ai có đậm đà?"

Những câu hỏi tu từ trong bài thơ cứ xoáy lên mà không cần một sự trả lời; những hình ảnh về mảnh vườn xanh mướt, về bến sông trăng, về con thuyền và cả mối tình sâu kín mà nhà thơ đã như là một sự vô tình làm nhòe đi để tạo ra nét mênh mang. Rồi hàng loạt các từ "vườn ai", "tình ai", "ai biết"... cũng là để thể hiện cái mênh mang ấy. Ba khổ trong bài thơ, mỗi khổ thơ là một câu hỏi, một nỗi niềm day dứt của lòng người: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?", "Có chở trăng về kịp tối nay?", và câu cuối cùng cũng là để kết bài thơ: "Ai biết tình ai có đậm đà?", âm "a" như ngân, kéo dài ra, như nỗi niềm đớn đau, buồn tủi đang bị cuộc sống kéo triền miên.

Nghệ thuật & nội dung:

Bài thơ như một khúc đoản ca về tình yêu và niềm khao khát hướng về một mảnh đất cũng là hướng về một mảnh đời. "Đây thôn Vĩ Dạ" được chắp bút theo mạch cảm xúc, tâm tưởng với nghệ thuật mang phong cách rất Hàn Mặc Tử: sự kết hợp giữa tả thực và tượng trưng tạo nên những mơ hồ, ảo ảnh thường thấy trong thơ Hàn. Hình ảnh thơ đẹp độc đáo, gợi cảm. Ngôn ngữ thơ trong sáng, tinh tế đa nghĩa, đặc biệt sử dụng thành công những câu hỏi tu từ, điệp từ, biện pháp nhân hóa để sau mỗi cảnh vật thiên nhiên hiện lên tâm trạng của chính mình.

Đánh giá:

Trong các bài thơ của nhà thơ những năm 32 – 45 thì đây là những vần thơ đậm chất Hàn Mặc Tử nhất. Cụ thể, nói như nhà phê bình văn học Diệp Tiếp: "Thơ là tiếng lòng", nói như Tố Hữu: "Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật tràn đầy", tức thơ là dòng chảy của cảm xúc. Chúng ta biết rằng Hoài Thanh từng nhận định: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ "tôi". Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ". Nếu như Thế Lữ cũng là một nhà thơ mới và có xu hướng "thoát lên tiên" để quên đi thực tại, hay một ví dụ khác là nhà thơ Chế Lan Viên thì muốn đem lá vàng hoa rụng của mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang:

"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?

- Với tôi, tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!"

Với bài thơ này, Hàn Mặc Tử lại có một thái độ khác hẳn: đôi bàn tay của một con người mắc bệnh phong đang co quắp vì đau đớn, nhưng càng đau đớn, đôi bàn tay ấy càng khát khao, thèm muốn níu giữ lấy cuộc đời níu giữ lấy tình đời. Và cũng có những lúc đôi bàn tay ấy xòe ra thật rộng, nhà thơ như cởi hết lòng để yêu, để viết và để hòa mình với thiên nhiên với cuộc đời thơ mộng. Và trích đoạn [...] trong tuyệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ" đã kết tinh tài năng, sáng tạo và tư tưởng độc đáo của Hàn Mặc Tử, đánh dấu một trong những thành công xuất sắc của nhà thơ cả về phương diện nghệ thuật lẫn nội dung. Bên những vần thơ điên loạn với ngập tràn sắc thái cực tả và quan điểm nghệ thuật rõ ràng cùng màu sắc riêng biệt, Hàn Mặc Tử đã trở thành một trong ba đỉnh cao của phong trào thơ Mới lúc bấy giờ, góp phần khiến thi đàn Việt Nam càng trở nên rực rỡ.

C. KẾT BÀI

Ngày 11/11/1940, Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối tại nhà thương Quy Hòa. Ngôi sao ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị nói riêng và tuyệt phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" nói chung. Thật đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định: "Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro