Chương 1: Nói Quở

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngôi Mộ Dưới Sông
Tác giả: Đường Hải Long
Thể loại: truyện sáng tác, tâm linh, kinh dị.

Chương 1: Nói Quở

Từ cổ chí kim, chuyện ma dân gian xưa nay luôn có một sức cuốn hút kì lạ đối với một số người, nó không chỉ còn là những câu chuyện hù dọa và giải trí thông thường nữa, mà bên cạnh đó còn là những bài học hay mang đậm chất nhân văn giữa người và người với nhau, nhìn chung lại thì hầu như tất cả câu chuyện tâm linh đều có chung một mô tuýp đó là “nhân quả báo ứng”, “ở hiền gặp lành”, những triết lý nhân sinh đan xen giữa những tình tiết gây cấn và hồi hộp đúng chất của những câu chuyện rùng rợn.

Người xưa thường hay nói "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", điều đó luôn luôn có một giá trị rất lớn trong thế giới tâm linh. Bởi thế mà ngày nay, dù là ở một thế giới hiện đại và tiên tiến, nhưng đâu đó trên thế giới vẫn có những câu chuyện siêu nhiên cực kì lạ lùng và khó hiểu.
Trở lại thời điểm mà câu chuyện này xảy ra, chắc có lẽ là vào những năm mà vùng miền tây sông nước quê tôi còn đang trong thời kỳ đổi mới.

Gần 11 giờ đêm...

Cả cái bờ kênh Xáng Xà No vắng tanh vắng ngắt mà không có lấy một bóng người qua lại, ngoại trừ mấy ông bợm nhậu có nhà ở gần bờ kè, thì hầu như chiều nào đi làm về cũng tụm ba tụm bốn lại để nhậu cho tới khuya lắc khuya lơ rồi mới về. Người miền tây là thế đó, mà đối với mấy vùng nông thôn như xã Vị Thanh quê của Khôi thì đó lại là chuyện bình thường.

Mấy ông nhậu tụ tập lại thì đa phần cũng chỉ là để hàn huyên tâm sự cho nhau nghe về cuộc sống, đến khi gần cạn đĩa mồi rồi mới bắt đầu bàn luận đủ thứ chuyện trên đời, mà qua đó nếu ai được may mắn ngồi nhậu cùng với mấy cha mấy chú lớn tuổi, thì chắc sẽ được nghe họ kể về những câu chuyện mang màu sắc tâm linh ở miền tây sông nước, mà có khi ngồi nghe tới sáng cũng chưa hết nữa.

Giữa đang đêm trăng thanh gió mát, cả 3 người trong đó có Khôi, một cậu thanh niên chạp chừng 25 tuổi, y vỗ đùi khen tấm tắc:

- Chèn ơi! Mấy con khô của chú Tư Ếch mà ăn chung với rượu ở nhà bác Hai Dương pha thì còn gì bằng nữa trời.

Hai người đàn ông trung niên ngồi cười khề khà, nói đoạn Tư Ếch ngó qua cóc rượu của Khôi rồi khàn giọng:

- Nè nè! Mày còn uống nổi hông Khôi? Thanh niên trai tráng gì mà ngồi ngâm ly rượu hoài dị mậy? Uống không nổi nữa thì thôi xin qua quận, chứ ngồi chờ mày quài, tao với ông Hai ngồi đợi tới lượt uống cũng thèm chớ mậy!

Khôi gãi đầu:

- Hì hì! Dạ con quất liền, tại mồi bén quá chú Tư ơi.
Hai Dương vội xua tay:

- Thôi! Mày vừa mới về quê chơi, ghé vô lai rai với chú bác của mày vậy là tụi tao vui rồi con, còn uống không nổi thì thôi đổ xuống sông ly đó đi, rượu cũng gần hết rồi.

- Ê bậy à! Ông Hai nói vậy là tui hông có đồng ý à nghen, rượu là từ gạo nấu ra, bỏ vậy tội lắm.

Hai Dương hơi ngà ngà say, mặt ngước nhìn chú Tư rồi đáp:

- Tội con mợ gì! Chú là chú tiếc cái mớ rượu chớ gì, tui biết tuốt hết á, muốn uống nữa thì qua nhà tui mà lấy uống tiếp, chớ có cái gì á đâu.

- Rồi để bà vợ của ông chém giá hay gì?

Ông Hai cười khì:

- Trời phật ơi! Chai rượu một lít có mừ hai ngàn hà, mà chú còn chê đắt nữa.

Chú Tư Ếch vội lắc đầu:

- Ai mà chê đắt rẻ gì đâu, thôi không nhắc chuyện đó nữa, thiệt ra ý tui là kêu thằng Khôi đừng có đổ rượu xuống sông vào giờ này, hông có nên, hiểu hông!

Khôi ngạc nhiên:

- Ủa sao mà không nên vậy chú Tư?

Tư Ếch ngồi trầm ngâm một hồi lâu, bóc miếng khô bỏ vào miệng rồi đáp:

- Cái khúc sông này linh dữ lắm, cũng bị vì hồi trước có mấy vụ chết đuối rồi, nên bây thấy đó! Giờ còn mấy ai tắm sông như hồi xưa nữa đâu. Nói nào ngay, mới hồi tuần trước đây thôi chứ đâu, có mấy thằng nhậu say sĩn chạy xe lủi xuống sông rồi chết luôn đó, tới sáng người ta đi tập thể dục có chạy ngang, rồi mới thấy xác nổi lềnh bềnh vướng lại trong đám lục bình. Vậy đó! Bởi vậy tao cũng không dám đi đặt dớn ban đêm luôn mà, bị tao sợ đang lúc đặt dớn trong đám lục bình mà tự dưng có cái đầu của ông nội nào nổi lềnh bềnh trên sông, chắc tao chết quá.

Lúc này Hai Dương ra bộ như đang bực dọc:

- Thôi đi! Thời buổi gì rồi mà còn tin ba cái chuyện tầm phào đó, Khôi… mày đừng có nghe chú Tư mày ổng tào lao.

Nói đến đây, Hai Dương lại tiếp tục quay mặt sang chú Tư mà đôi co tiếp:

- Ông nói sao ông Tư? Rượu thì là rượu thôi, Có gì mà đổ xuống sông hông được, bộ ông sợ Hà Bá Long Vương xỉn hay gì?

Tư Ếch lắc đầu phân trần:

- Trời! Đâu nào có chứ anh Hai, anh sỉn rồi thì thôi tui với anh đi dìa nhà chứ cãi nhau ở đây thằng Khôi nó cười cho dô mặt đó anh Hai.
Ông Hai cằn nhằn:

- Không! nè Khôi, chú Tư mày thì lúc nào cũng mê tín, tao là tao không có sợ ba cái thứ tin đồn tào lao đó đâu.

Vừa nói đến đây, Hai Dương rùng mình vài cái rồi liền một mạch nhảy xuống dòng nước, kênh Xáng Xà No thường ngày tuy êm đềm, nhưng không hiểu sao mà đêm đó lại khác thường một cách kì lạ, dòng nước chảy xiết hơn bao giờ hết, bọt nước nổi lềnh bềnh trên sông mà chẳng thấy bác hai Dương ngoi lên trở lại.

Tư Ếch thấy lo, vừa định nhảy xuống tìm thì Khôi cản lại rồi nói:

- Thôi! chú Tư ở đây đi, để con xuống dưới đó cho.

Nói rồi, Khôi phóng đại xuống chỗ mà Hai Dương nhảy khi nãy, mò được chừng một hồi lâu sau mới ngoi lên và kéo theo xác bác Hai đưa lên bờ, nhưng mà chuyện không chỉ dừng lại ở đó.

Người đàn ông trung niên vừa vớt lên được đích thị là bác Hai Dương, nhưng cả người ông ta cứ tím tái nhợt nhạt y hệt như người đã chết, tròng mắt cứ trợn ngược lên trên, người thì cứ rung lên bần bật.

Chú Tư và Khôi cố vịnh hai tay của bác Hai lại nhưng càng ghì chặt thì ông ta càng vùng vẫy mãnh liệt hơn.

- Tụi Mày buông tao ra… buông tao ra chưa thằng chó!

- Bác Hai, con là Khôi nè, bác Hai…!

Khôi liên tục gọi tên bác Hai nhưng ông ta dường như chẳng hề nghe thấy, cho đến khi chú Tư vô tình nhìn thấy trên cổ chân của bác Hai có nguyên một vết bầm hơi nhạt, nó giống như một bàn tay của ai đó vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro