When we were young

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thi đại học xong là mình tới công chiệng rồi nè. Mọi người đọc vui nhe.

---

Ngay từ lúc nhỏ, mẹ đã dạy tôi cách trồng và chăm sóc cây. Mẹ mua một túi hạt giống về cho tôi, chỉ tôi từ đào đất, gieo hạt, lấp đất cho tới việc tưới cây vừa phải sao cho không bị úng, bao nhiêu lâu thay đất một lần và cả chuyện phòng chống sâu bọ nữa. Vì đối với mẹ, việc trồng cây cũng giống như con tự tay tạo ra, nuôi lớn và chứng kiến quá trình trưởng thành của một người vậy, sau này con sẽ biết quý trọng, yêu thương con cái của mình hơn. Nhờ vậy mà cả khoảng thời gian thơ ấu của tôi đều được lấp đầy bằng khoảng sân thượng xanh mát, luôn đủ các loại rau và củ cho bữa ăn.

Năm đó tôi đã học năm cuối cấp một, nhà cạnh bên vừa có một hộ gia đình mới chuyển đến. Đó là một ông chú cao lớn với khuôn mặt hiền lành, một người phụ nữ vui tính luôn thấy nụ cười trên môi và một cậu bé nhỏ có đôi mắt sáng như sao trời. Gia đình bên ấy rất thân thiện, ngày đầu đến đã sang chào hỏi nhà tôi đầu tiên, sau đó thì người phụ nữ mang hộp bánh táo sang làm quà biếu, mẹ tôi cũng đáp lại bằng một ít kimchi bà vừa muối. Tôi nghe lại từ mẹ rằng hàng xóm của chúng tôi vừa trở về nước hôm ấy, trước đó họ đã sinh sống ở Mĩ vậy nên cậu con trai cũng mang quốc tịch xứ cờ hoa.

"Để em gọi John sang chào hỏi chị với Dongyoung. Thằng bé chưa từng có một người bạn nào ở đây cả, em sợ nó gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường mới."

Nói rồi cô Suh về nhà và dẫn theo con trai qua. Em ấy thấp hơn tôi, khuôn mặt hay cúi xuống sàn bẽn lẽn, giọng chào nhỏ xíu và, còn rất mau đòi về nữa. Thấy chỗ người lớn không có gì để em ấy chơi, tôi nghĩ em đã hơi mệt và chán rồi nên liền xin phép dẫn em lên phòng mình. Tôi lấy xe điều khiển và mô hình xây nhà cho em chơi, còn hướng dẫn em cách lắp chúng và điều khiển nữa.

"Em tên là gì?"

Tôi cố tình nói chậm và phát âm rõ để em dễ nghe. Cậu bé đáp lại bằng giọng nhỏ nhẹ có phần hơi không sõi tiếng Hàn cho lắm nhưng tôi vẫn hiểu được.

"John ạ."

"Em bao nhiêu tuổi rồi?"

"Năm ạ."

"Anh là Dongyoung, mười một tuổi, rất vui được làm quen với em."

Tôi đưa bàn tay ra chào, không quên cười thật vui vẻ như mẹ đã dạy mỗi khi làm quen với bạn mới. Đổi lại sự chờ mong của tôi, em rụt rè bắt lấy tay tôi, ngập ngừng nói.

"Vâng ạ, anh Doyoung."

Khẽ bật cười trước phát âm sai của em, tôi không hề thấy khó chịu khi bị đọc tên nhầm mà còn kiên nhẫn chỉ cho em cách đọc đúng.

"Là Dongyoung, không phải Doyoung nhé. Nói lại theo anh nào, Dongyoung, Kim Dongyoung."

"Dong...young...Kim Dongyoung. Thế đã đúng chưa ạ?"

Khuôn miệng em tròn lại, mở to ra để cố nói theo cho đúng với tôi. Tuy nhiên sau một lần tôi sửa lại thì đâu vẫn vào đấy, em vẫn gọi tôi là anh Doyoung. Tôi định lấy bảng chữ cái tiếng Hàn ra dạy em, định viết cả vần và âm đầu cho em xem luôn để giải thích rằng em sai ở đâu nhưng thôi nghĩ lại, John chỉ là một em bé Hàn kiều mới về còn lạ lẫm với tất cả mọi thứ ở đây, tôi không nên làm em ấy sốc bằng việc đè tiếng mẹ đẻ ra dạy em từng con chữ. Rồi từ từ John sẽ được đi học, giáo viên sẽ dạy John tất cả từ bảng chữ cái cho đến những câu chuyện hằng ngày ở Hàn Quốc. Lúc ấy em sẽ có thể thoải mái giao tiếp với tôi mà không bị mắc phải rào cản ngôn ngữ nữa. Ôi, tôi không thể chờ đến khi đó để khoe với bạn bè rằng mình có một đứa em trai.

Dì Suh bảo rằng sang năm học mới sẽ cho John vào chung trường với tôi để yên tâm hơn. Thế là từ đó tôi luôn dắt theo một cậu bé có đôi mắt to, khuôn mặt trắng trẻo đáng yêu, thi thoảng lại nói ngọng một vài từ nhưng lại rất nhanh chóng có được nhiều bạn. Em ấy làm quen tốt hơn tôi nghĩ, cũng có thể tự làm bài tập tiếng Hàn và đọc sách giáo khoa trôi chảy. Mỗi khi đi ngoài đường có em cạnh bên, tôi sẽ luôn tạo cơ hội để em học tiếng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

"Đọc cho anh xem bảng hiệu kia nào."

"Tiệm bánh Keonsu ạ."

"Đúng rồi. Thế còn cái này?"

"Cà phê Sarang ạ."

"Ôi Johnie của chúng ta giỏi đấy nhỉ, anh sẽ mua kem cho bé để thưởng nha."

"Anh ơi, tại sao khi phát âm từ 'sarang' môi mình phải hở ra, còn phát âm từ 'saram' môi lại khép vào ạ?"

Cậu bé đội chiếc nón vàng nhỏ xíu của trường Tiểu học, mái đầu khẽ nghiêng sang một bên đầy thắc mắc đặt câu hỏi. Tôi phì cười, nắm tay em sang đường rồi nói.

"Bởi vì bố anh đã từng dạy, khi con người mở lòng ra chịu hiểu, chịu học cách thấu cảm cho người khác thì khi ấy chúng ta mới có được tình yêu đó em. Có thể bây giờ John không hiểu anh nói gì đâu nhưng mà đừng quên lời này nhé, khi em lớn lên sẽ hiểu thôi."

*Trong tiếng Hàn:
사 람 (saram): con người
사 랑 (sarang): tình yêu*

John ngơ ngác hỏi lại.

"Anh ơi, lớn lên là bao giờ ạ, có lâu lắm không?"

"Nhanh lắm đấy, khi nào em yêu ai đó thì em đã lớn rồi."

"Thật ạ? Bây giờ yêu anh Doyoung rồi thì em đã lớn chưa anh ơi?"

Tôi ngỡ ngàng trước thằng bé. Trẻ con ở Mĩ đều bạo dạn như thế là bình thường nên tôi không biết à? Tôi hỏi ngược nó lại, hơi lên giọng."

"Này nhóc! Ai dạy em nói thế hả? Em có biết yêu là gì không?"

John lắc đầu, nhưng em lại nói bố dạy mình điều đó cũng như bố đã làm với mẹ vậy. Tôi ngớ người nhìn John vẫn luôn phải ngước lên mỗi lần nói chuyện với mình, bàn tay nhỏ xíu vẫn lọt trong tay tôi, đọc chữ còn chưa trôi và thi thoảng lại bị điểm thấp phần chính tả ở trường, thế mà đã biết kéo áo tôi thắc mắc "con người" với chả "tình yêu" rồi.

"Không được hỏi anh như thế nữa nhé, em còn nhỏ, lo mà học."

Tối đó về nhà ăn cơm, dì Suh nấu món ngon nên gọi hai mẹ con tôi sang dùng bữa cùng cho vui. Tôi tắm rửa xong thì theo chân mẹ qua nhà hàng xóm, thấy cả bàn đông đủ hết cả chỉ thiếu mỗi bé con John, nhìn ra sân sau cũng chả thấy em đâu tôi liền hỏi dì Suh.

"Nó ở trên phòng từ lúc đi học về rồi đấy con, không hiểu sao gọi mãi mà chưa xuống ăn cơm."

Em ấy bị làm sao thế nhỉ, ban chiều tôi còn mua kem que cho John ăn kia mà, chắc là tôi phải nói chuyện với em thôi.

Phòng của John được đặt đủ loại thú bông từ cỡ nhỏ như loại móc khóa treo cặp cho đến to gần gấp đôi cơ thể em. Mỗi tối trước khi ngủ, John sẽ dành thời gian để sắp xếp hẳn một đội quân thú nhồi bôi xung quanh chỗ ngủ của mình, tất cả đều có chỗ riêng nhưng đều chung một nhiệm vụ là bảo vệ John khỏi mấy con ma. Tôi nhớ có lần sang nhà gọi em dậy đi học, tôi đã suýt báo dì Suh vì không thấy em đâu giữa đống "đệ tử" lộn xộn trên giường đã che khuất em.

Hôm nay tôi thấy John ngồi một mình trong phòng với xe điều khiển mà tôi đã tặng em trong lần đầu tiên gặp mặt. Em thấy tôi đến nhưng không tỏ ra vui gì, lại còn hỏi sao tôi mò đến làm chi.

"Johnie sao lại không xuống nhà ăn cơm để bố mẹ chờ?"

"Vì em biết có anh đến, nhưng anh Doyoung nhất định là không yêu em nên mới không cho em nói yêu anh. Em giận anh Doyoung thì sao xuống nhà ăn cơm cùng anh được."

Rõ ràng suy nghĩ của một đứa trẻ rất đơn giản. Ai yêu nó thì nó mới yêu lại, chỉ cần một tín hiệu có xu hướng bài xích của người đó thôi, chúng sẽ rất sợ bị ghét bỏ. Đó là lí do vì sao người lớn thường đem những lời dọa ra như "Con không ăn là bố/mẹ bỏ đi đấy!" hay là "Con không học là bố/mẹ không cho đi chơi đâu." để dọa trẻ con. Tuy chúng vô nghĩa nhưng lại rất có trọng lượng với một đứa trẻ. Tôi ngồi xuống bên mép giường John, đưa tay gỡ xuống con gấu mèo bằng bông em đang vùi mặt vào. John không hay khóc nhè đâu, lúc này cũng không khóc nhưng tôi thấy em đã rất buồn.

"Anh xin lỗi John vì đã làm em không vui. Ban chiều anh nói thế không phải vì anh ghét em đâu, chỉ là anh hiểu sai ý em thôi, đừng giận anh nữa nhé?"

Ngoài cửa có tiếng mẹ tôi gọi mau xuống ăn cơm, tôi kéo tay em đứng dậy rồi hỏi.

"Em có muốn mau lớn không?"

"Có, mau lớn để yêu anh Doyoung ạ."

"Thế thì John phải hứa với anh sẽ ăn uống đầy đủ, không được bỏ bữa như hôm nay nữa có biết chưa?"

"Vâng ạ, em nhớ rồi, nhưng anh cũng phải hứa với em là khi lớn lên anh sẽ yêu em đấy nhé."

Tôi xoa đầu em nhẹ nhàng, chỉ cười mà không nói gì. Năm đó chúng tôi vẫn học cấp một, John chỉ cao đến ngang bụng tôi, mái tóc dày còn đen nhánh và đôi mắt hãy còn long lanh ánh sao trời. Rồi nay mai thôi, em sẽ lớn, tôi cũng sẽ lớn, chúng tôi chắc không còn nhớ về cái ngoắc tay năm nào đầy non nớt và hồn nhiên. Phải rồi, không nhớ, sẽ không nhớ nữa.

---

Bất chấp mẹ có ngăn cản cỡ nào tôi vẫn thi vào học viện cảnh sát, sau đó tốt nghiệp thành công và làm việc ở đồn. Thực chất mục tiêu chính của tôi là dấng thân vào đội đặc nhiệm hình sự chứ không phải là công việc bàn giấy hằng ngày nhưng bài kiểm tra thể lực của tôi luôn không đạt yêu cầu để được nhận, thế nên tôi luôn học thêm võ rất cật lực.

Đường từ trường võ về nhà có một đoạn nhỏ ngang qua một con hẻm tối. Nếu rẽ vào hẻm để đi thì về nhà nhanh hơn, còn không phải vòng qua đường lớn mà về. Vào những hôm trời chưa tối hẳn tôi đều đi đường tắt cho nhanh vì thật sự rất tiện, nhưng hôm nay là ngoại lệ, lớp học võ của tôi kết thúc muộn hơn mọi ngày, lúc bắt xe buýt về đến trạm gần nhà cũng đã 8 giờ, mà tôi thì lại đau nhức khắp người sau buổi tập luyện như muốn vắt kiệt sức của thầy dạy, vậy là tôi đành chọn đường tắt chứ không hơi đâu mà lòng vòng. Chỗ ấy khá tối, hẻm nhỏ chỉ vừa hai người đi lại không có camera an ninh, tôi siết chặt quai túi xách lại định bụng chạy thật nhanh qua là xong chứ gì, bản thân lại còn học võ hẳn hoi, ít nhất cũng đủ tự vệ chạy thoát thân nếu nhỡ xảy ra chuyện chẳng may.

Vậy mà tôi lầm to. Tôi không biết xác suất bị tấn công khi đi qua con hẻm này là bao nhiêu, nhưng có lẽ đến lượt tôi thì xui tận mạng. Từ ban nãy tôi đã cảm nhận được có bước chân theo sau mình rồi, nhưng lại nghĩ chắc chỉ là tự mình tưởng tượng ra thôi, mãi đến khi một cánh tay từ phía sau vươn ra kẹp lấy cần cổ tôi kéo ngược về tôi mới kịp chống trả. Tôi nhanh chóng co chân đạp về phía sau, nắm lấy tay hắn ta mở khóa rồi xoay một vòng, vật cả người hắn xuống. Kẻ thù sẽ không dễ gì chịu thua, hắn nằm ngửa trên mặt đất, tay thò vào túi quần lấy ra con dao bấm chĩa về phía tôi. Nói thật lúc đó tôi đã hơi hoảng khi thấy thứ ánh sáng kim loại lóe lên rồi, nghĩ bụng chẳng lẽ học võ tốn bao nhiêu tiền của mẹ lại phải bỏ mạng ở chỗ tối thui này. Hắn lăm lăm với con dao sắc lẹm về phía tôi, đòi tôi đưa tiền hay bất cứ thứ gì giá trị trên người. Tôi không muốn xảy ra xô xát với kẻ có vũ khí nên định chuyển sang hướng bình tĩnh giảng hòa. Nhưng cướp mà, làn gì có đứa nào chịu chấp nhận giao dịch nhẹ nhàng bằng lời nói. Hắn ta dồn tôi vào chân tường, lưng tôi ướt đẫm mồ hôi, mắt láo liêng nhìn xung quanh tìm lối thoát, miệng la làng lên bớ cướp cho có chứ thừa biết đoạn này vắng vẻ ai mà nghe được.

"Đưa tiền đây thì toàn vẹn ra về."

"Tao không có tiền."

"Thì để lại cái đồng hồ này cũng được vậy."

Tôi bặm môi đấm một cú vào mặt hắn trúng chính xác vào bên má phải nhưng lại chẳng làm hắn xiêu vẹo được bao nhiêu, cú tiếp theo hắn bắt trọn tay tôi, tôi vùng ra không được. Giữa lúc đang giằng co, một cây gậy bóng chày từ đâu phang vào đầu hắn. Tôi thừa lúc hắn bị đau sơ hở mà thoát được thế, bẻ ngược tay hắn ra sau ngồi đè xuống, nhìn người vừa cứu tôi một bàn thua trông thấy kéo lấy mình đứng lên cùng nhau tháo chạy. Nhìn cây gậy trên tay có đánh dấu, chiếc áo khoác đằng sau có thêu số và tên, tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm. Mãi đến khi bỏ chạy một đoạn thật xa rồi chúng tôi mới giảm dần tốc độ, vừa thở hồng hộc vừa đi bộ.

"Ỷ làm cảnh sát rồi muốn đi đâu thì đi hả?"

"Không phải, hôm nay anh tập mệt quá nên lười đi đường lớn, cứ nghĩ không sao ai dè còn mệt hơn."

John vuốt ngược tóc ra sau đứng thở dốc, tôi chống tay lên đầu gối khó khăn hít vào không khí buổi đêm lành lạnh. Người tôi nóng bừng bừng, John giằng lấy cặp của tôi đeo ra đằng trước, nhét lại cây gậy bóng chày vào trong túi.

"Về lẹ mẹ chờ."

Nói rồi em bước nhanh hơn tiến lên phía trước, đôi chân dài thon thả sau thời gian nhổ giò đã có thể bỏ xa tôi một đoạn. John 18 tuổi rất cao và cao rất nhanh, em lại chăm tập thể thao và mê bóng chày, nhìn bóng lưng vững chãi trước mặt tôi có chút cảm giác thành tựu. Em ấy lớn hơn về cả thể xác lẫn tâm hồn, đã bắt đầu biết nhiều thứ hơn chứ chẳng phải là một John nhỏ xíu đứng đến ngang bụng tôi cái gì cũng ngơ ngơ ngác ngác. John rành rọt tiếng Hàn, biết từ lóng và biết cả mấy câu "thả thính" thịnh hành của giới trẻ, thế nên không ít đứa con gái ở trường đã bắt đầu để ý tới em.

"Sonha hả, ừ mình đang về nhà, để mai đi nhé mình sẽ nhắn cậu giờ giấc sau."

John cúp máy lẳng lặng bỏ điện thoại vào túi áo. Tôi vỗ vai em không khỏi tán thưởng.

"Em bé nhà chúng ta cuối cùng cũng có bạn gái hồi nào anh chả hay luôn ấy. Hồi xưa còn suốt ngày nắm áo anh bảo yêu anh lắm cơ mà."

"Anh tập võ miết có để ý đến em đâu, với cả em lớn rồi đừng chọc kiểu đó nữa, em không thích."

Ôi tuổi dậy thì dở dở ương ương, cái tuổi chưa lớn hẳn cũng chẳng còn nhỏ nữa. Tối đó chúng tôi đã cùng nhau về nhà sau một khoảng thời gian rất lâu vì cả hai đều trái lịch học hết. Thời gian tôi học võ, tập luyện thì em cũng bận rộn với những bài kiểm tra trên lớp và hoạt động ở câu lạc bộ bóng chày. Bố mẹ tuy không tỏ ra hài lòng mấy với việc em tham gia môn thể thao này nhưng vẫn cho qua. Tôi biết giữa gia đình và John vẫn đang có một sự thỏa hiệp với nhau, tôi e rằng nếu không được ủng hộ trong tương thì sớm muộn em cũng sẽ gặp khó khăn trong việc theo đuổi ước mơ.

"Mẹ ơi con sang nhà anh Doyoung ngủ được không? Dì Kim về quê thăm họ hàng rồi ạ."

Đứng trong bếp phụ dì Suh nấu bữa tối, tôi thấy John kéo mẹ ra một góc hỏi nhỏ, trong lòng thầm bật cười. Ngày trước, em ấy có một khoảng thời gian hơi trầm tính vì gặp bọn bắt nạt ở trường, lại nhất quyết chẳng chịu nói với ai, đến khi tôi vô tình thấy trong sách giáo khoa của em chi chít những lời tục tĩu, lăng mạ mới hỏi cho ra lẽ. Tôi ngỏ lời bảo em sang nhà ngủ cùng mình rồi cẩn thận nói làm sao để John chịu tự mình kể ra câu chuyện. Sau lần đó, nhà Suh cho em chuyển trường, động viên và an ủi em rất nhiều nên em mới có thể vượt qua được. Hiện tại dù em đã lớn lên rất xuất sắc, biết bảo vệ cả người xung quanh mình, thì em vẫn sẽ có những tối đòi sang nhà tôi ngủ cùng, nằm sát bên cạnh tôi và kể tán dóc chuyện trường lớp, bài vở. Tôi cứ sợ càng lớn em càng xa cách tôi, nhưng thật may là John vẫn còn giữ lại thói quen này.

Dì Suh cho phép em sang nhà tôi ngủ, không quên nhắc em cầm theo bộ đồng phục để sáng mai đi học.

"Con sang nhà anh Doyoung đây."

"Là Dongyoung, sao cứ mãi chả chịu sửa tên người ta thế. Dongyoung con hiền quá, được nước nó ỷ lại đấy."

"Không đâu dì ơi, con mới là đứa ỷ lại John đó, em nhỉ?"

Gò má John hơi hồng lên, chẳng nói gì rồi chạy ù sang nhà hàng xóm.

Buổi tối ở quanh khu chúng tôi sống rất mát. Vì là gần sông lớn, gió mát cứ thế thổi vào vô cùng dễ chịu, vậy nên tôi không bao giờ đóng cửa sổ khi ngủ cả. John ôm cái gối tôi chuẩn bị cho riêng em mỗi khi sang đây, nằm xuống bên cạnh tôi nhưng lại nhích ra một khoảng đến gần mép giường mới thôi. Em mở điện thoại lên nhắn tin, âm thanh lóc cóc của màn hình vang lên liên tục khiến tôi đoán rằng chắc em đang nhắn tin với bạn gái. Cũng phải thôi, người ta giờ lớn tồng ngồng thế này rồi, thức khuya nói chuyện với người yêu cũng là điều đương nhiên.

Mãi đến lúc thấy tôi im lặng nằm quay mặt vào tường mơ màng sắp ngủ em mới hỏi.

"Huấn luyện viên bắt anh tập nhiều lắm hả?"

"Nhiều, sao em hỏi thế?"

"Lúc nãy anh ăn cơm thì ít, mặt thì mét như tàu lá chuối. Anh bắt em hứa ăn uống đầy đủ mới mau lớn kia mà, giờ anh nhìn lại đi. Em đã to như con gấu còn cảnh sát Kim đây gầy tong teo chỉ thấy mỗi cặp mắt kính trên mặt."

Tay em khoanh trên ngực nói với giọng điệu trách móc, còn cả gan nhái lại giọng của tôi hồi xưa để chỉ điểm tôi nữa. John đã lớn thế này rồi cơ à, sao tôi vô tâm dửng dưng quá đi mất.

"Anh xin lỗi mà, anh sẽ cố ăn đủ bữa để em không phải lo sốt vó lên như hôm nay nữa. Chỉ là em biết không, công việc ở sở nặng quá, anh làm miết mà chưa hết quay qua quay lại đã đến tối mất rồi."

"Ít nhất thì anh cũng hạnh phúc khi được làm công việc mình mơ ước."

"Đúng rồi em, mình phải thích mới làm được. Còn em thì sao, đã có dự định cho tương lai chưa, dù sao cũng đâu còn bao nhiêu thời gian mà lưỡng lự."

Nghe đến đây em thở dài một hơi ra vẻ chán chường lắm. "Ông cụ non" của tôi đầu gối lên cánh tay, bắt đầu kể lể cho tôi nghe về chuyện chọn trường chọn ngành của em.

"Thế là bố mẹ không cho em học thể thao vì muốn em học y."

"Vâng, nên em đã nói với chủ nhiệm của em rằng em chỉ muốn vào trường thể thao thôi."

"Và dì Suh nghe được giáo viên em kể lại trong buổi họp phụ huynh và về mắng em vì em không chịu làm bác sĩ mà chỉ thích trở thành vận động viên?"

"Vâng. Em buồn, em giấu bố mẹ hôm nay đi tập nên mới để tạm đồ bên nhà anh. Có lần bị điểm thấp trong bài kiếm tra, bố giận đến mức ném gậy và găng tay ra ngoài từ cửa sổ phòng em, em sợ cực nhưng rồi vẫn lén, vẫn trốn đi tập."

Em nói tay mình là phải đeo găng tay bắt bóng, cầm gậy bóng chày chứ không phải đeo găng cao su và cầm dao mổ. Em cũng sợ sẽ có một ngày bố mẹ thật sự dồn ép mình quá mức, đến khi ấy chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa, em không chắc mình có thể chịu đựng được. Đột nhiên tôi thấy có lỗi với John vô cùng. Lúc em ấy mệt mỏi nhất, tuyệt vọng nhất, tôi lại chẳng hề hay biết mà động viên em một câu, nói đỡ giúp em vài lời với gia đình. Phải làm sao đây khi thời gian sắp tới tôi phải chuyển công tác lên Seoul, tôi chưa dám nói điều này với ai ngoài mẹ và nhất là John, tôi không muốn rời xa em thêm lần nữa khi em đang trong giai đoạn khó khăn này.

"Thôi mệt quá, em mà nghĩ nữa sẽ bể đầu mất. Tháng sau tới kì nghỉ đông, dì Kim và anh đi trượt tuyết với nhà em đi, bố em tìm được một chỗ tuyệt lắm, em sẽ dạy anh trượt."

Tháng sau ư? Lúc ấy thì tôi đã ngồi ăn cơm hộp trong nhà trọ ở Seoul rồi chứ còn đâu mà rảnh rang đi chơi với em. Tôi có nên nói với em sự thật từ bây giờ không nhỉ? Chắc em sẽ hiểu cho tôi thôi, John lớn rồi mà, em ấy chẳng còn mè nheo theo chân tôi nữa đâu. Nghĩ đến đây chẳng biết sao lòng tôi lại thắt, tim gan đều khó chịu một cách kì lạ.

"Anh Doyoung, anh có nghe em nói không vậy? Này anh!"

"Hả, sao, anh nghe thấy rồi. À mà John anh bảo em cái này nhé."

Thằng bé xoay người lại mặt đối mặt với tôi, gần đến mức trong phút giây ngắn ngủi nào đó, tôi choáng ngợp bởi khuôn mặt của em. John đẹp như một bức tượng tạc bởi một nghệ nhân mãi mê đi tìm sự hoàn mĩ trên đời, như thể tác giả đã đem tất thảy trân quý mà họa nên đường nét của em. Đôi mắt này ngày trước rất thích cười, đáy  mắt khi cười lại lấp lánh ánh sao khiến tôi chẳng nỡ làm em tổn thương dù chỉ một chút. Giờ đây em vẫn đẹp như thế, nhưng trông đã chững chạc hơn, biết vị mùi đời hơn một chút. Em kiên nhẫn đợi tôi nói ra điều làm mình băn khoăn từ lâu, rằng tôi mong xin được một chút nhớ nhung từ em để dành cho trái tim bớt cằn cỗi những tháng ngày sau nếu cứ mãi nghĩ về em không nguôi.

"Anh sắp chuyển công tác lên Seoul nên chắc không đi chơi với gia đình em được rồi."

"Đâu làm sao đâu, em nói bố dời lịch lại bao giờ anh về thì mình lại đi."

"Không John, ý anh là...anh chuyển hẳn lên đấy sống và làm việc luôn, chưa biết bao giờ anh mới được gặp lại mẹ và..."

Đột nhiên John cắt ngang lời tôi, giọng trầm, gằn lại từng tiếng.

"Anh đi nằm vùng có đúng không?"

Tim tôi thót một cái chẳng báo trước, bàn tay chợt chuyển lạnh đi và hơi thở như bị tắc nghẽn, ứ trong lồng phổi chẳng tài nào thoát ra hay hít vào được ngụm khi nào. Tuy nhiên với nghiệp vụ của một cảnh sát, tôi vẫn giữ cho mình vẻ ngoài bình tĩnh nhất có thể, không mảy may lộ ra chút nao núng nào trong đôi mắt.

"Anh nói với dì chưa?"

"Rồi."

"Bao giờ anh đi?"

"Hai tuần nữa."

"Anh coi em là con nít hả, chuyện như thế này em lại là đứa biết cuối cùng. Nếu không nghe mẹ kể lại em cũng vẫn ngây thơ cho rằng anh chỉ đi làm một chút rồi quay về nhà thôi. Đó là lí do anh cứ mãi tăng ca, ăn uống cũng không màng cố để được chuyển công tác chứ gì. Em lại chẳng hiểu rõ anh quá."

Chưa bao giờ em lại lớn tiếng với tôi đến thế này. Tôi hiểu em đang vô cùng khó chịu khi bị người mà em cho là thân thiết nhất, lắng nghe mọi tâm sự của em từ bé đến lớn, luôn lo cho em từng chút lại có chuyện phải giấu giếm em. Người sai rành rành ra là tôi đây, ấy vậy mà nghe em nói đúng từng lời về tôi như vậy bản thân lại tự thấy mình tồi tệ hơn bất cứ điều gì. John đứng lên dợm bước ra khỏi phòng, tôi hốt hoảng chạy đến kéo tay em lại, em vùng ra khỏi tay tôi, mắt long lên sòng sọc. Chưa bao giờ tôi thấy mắt em là đáng sợ như thế này, nó sâu thăm thẳm và không hề giống với những năm qua em nhìn tôi.

Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi chỉ kịp biết mình bị đẩy lùi vào sát tường, lưng đập vào bàn tay đang chắn ngay phía sau, rồi đột nhiên khuôn mặt em phóng to lên trước mắt, hơi thở em phà lên hun nóng từng tế bào trên da mặt tôi khiến tôi hoài nghi về hành động này. Phải chăng John hôn mình? Khe hở giữa hai cánh môi tôi bị một vật mềm ấm khác chen vào, ngậm lấy và mân mê. Đầu óc tôi nổ tung theo từng giây trôi qua càng làm tôi nhận thức rõ hơn về chuyện đang xảy ra ngay bây giờ. Một tay John đỡ lấy xương hàm của tôi, một tay em nắm lấy gáy ấn sâu nụ hôn hơn nữa, lưỡi em vùi vào khoang miệng tôi quấn lấy từng nơi ráo riết truy lùng không tha. Tôi muốn phản kháng, nhưng tôi vô lực trước em. Tôi muốn tỉnh lại giữa những đê mê này vì biết đó là sai trai, nhưng tôi cũng muốn em hủy hoại tôi nữa. Tôi rất tận hưởng nụ hôn đến độ cổ họng rên lên trong vô thức khiến em được nước giày xéo đôi môi tôi trong cuồng vã khát khao.

John thực hiện cái nút lưỡi cuối cùng đầy ngọt lịm mê li trước khi dứt ra một tiếng "chóc". Ánh mắt tôi mờ đục sương, nước bọt chẳng biết là của ai bện thành sợi trắng kéo dài từ môi tôi sang môi em. Tôi để mặc cho em vạch trần từng lớp một thẳm sâu bên trong tâm hồn mình, giọng đã vụn ra thành từng tiếng đứt quãng, rời rạc.

"Doyoung nghe em hỏi, anh đã xem em là gì của anh? Một đứa con nít đến viết tên mình cũng sai phải nhờ người khác chỉ, hay một thằng con trai ngông cuồng suốt ngày chỉ có bóng chày trong đầu, anh chỉ nghĩ được có thế nên mới đem em quẳng sau đằng sau rất nhiều ưu tiên của cuộc đời anh. Em không có bạn gái, Sonha không phải là bạn gái em."

"..."

"Em chỉ yêu Doyoung."

"John, em còn nhỏ, em còn rất nhỏ John à."

"Nhưng anh ơi, hết đêm nay thôi, hãy cho phép em là người yêu của anh và là người anh yêu, được không anh?"

Tôi bật khóc rũ rượi trong vòng tay em để mặc em lau nước mắt, cho em ôm lấy trong cảm xúc mãnh liệt. Nhưng hơn tất thảy chút lí trí còn sót lại trong đầu đã kéo tôi ra khỏi cơn mụ mị. Tôi đẩy em ra rồi chạy tót xuống phòng khách ngủ hết đêm đấy. Sáng hôm sau em đi khỏi nhà tôi không hay chỉ thấy chiếc khăn thấm nước nóng đã được đặt lên mắt từ lúc nào.

---

Sống trong căn nhà thuê chật hẹp, tù túng riết thành quen, giây đầu tiên tôi mở mắt ra sau một giấc ngủ dài đến ê ẩm cả người lại là màu trắng tinh tươm đến lạ kì. Xung quanh đây đều ám sắc trắng ám ảnh ấy nhưng không phải thiên đường mà trông giống cửa ải nhân gian hơn. Cửa ải mà hăng mùi ôxy già chỉ có thể là cửa ải nhà thương thôi. Thôi thì chưa phải mở mắt ra thấy toàn đống giấy note xanh đỏ vàng dán chi chít trên tường cùng với chân dung trắng đen của nghi phạm là may rồi.

"Đội trưởng Kim anh tỉnh rồi hả, báo bác sĩ đi đội trưởng Kim tỉnh lại rồi. Trời ơi may quá ai cũng tưởng anh chết chắc không thì nhẹ nhất cũng phải sống thực vật chứ phải giỡn chơi. Ai dè anh còn sống mới nói."

"Dạ...dạ? Sao anh nói gì em hổng nghe. Dạ...dạ...anh chửi em mất nết vừa thôi hả? Ủa quên anh mới sống lại mà trù anh chết cho em xin lỗi nha."

Tôi thử nhúc nhích thân dưới coi có liệt nửa người hay còn thiếu bên chân nào không, trời thương sao vẫn còn đủ cả phụ tùng máy móc cả trong lẫn ngoài.

"Ban nãy bác gái gọi vào điện thoại anh, em sợ quá nên tắt nguồn luôn rồi, kẻo bác đòi bật camera lên lại chả thấy con trai tự mình thở còn xém đứt hơi mấy lần phải nhờ máy thở giùm nữa mà."

"Em lại vô duyên nữa rồi hả anh, em xin lỗi mà tại đó giờ cạnh khóe với anh miết biết sao giờ."

Cái máy thở còn nguyên trên mặt nên tôi không chửi nó được, đành liếc mắt một cái mới đã nư.

Từ ngày vào đội đặc nhiệm hình sự, không nằm vùng thì tôi cũng lạng lách, đánh võng khắp ngóc ngách thành phố đi bắt cướp, đua xe. Thế nên bệnh viện chỉ xếp thứ hai sau nhà tôi, xứng đáng là nơi tôi đến nhiều nhất trong khoảng sáu, bảy năm trở lại đây. Lúc trước vào viện vài tiếng tôi đã nằng nặc đòi về làm tiếp nhiệm vụ, bận rộn đến mức không thèm về nhà thăm ai chỉ nghe mẹ kể rằng John thi vào trường y. Bất ngờ được mấy ngày rồi thôi, tôi lại lao vào nhiệm vụ và báo cáo đầy đầu, giờ mới bị quăng qua quăng lại mấy vòng trong thùng xe tải tôi tưởng như mình vừa đầu thai lại cả mấy kiếp. Thời trai trẻ sung sức đã qua thật rồi, ngày nào Haechan cũng bóc được một nhúm tóc bạc trên đầu rồi đòi tôi tiền nhổ 5 ngàn won 1 cọng trắng xác từ ngọn đến đuôi như sợi cước rồi nghêu ngao thơ chế.

"Chao ôi thời oanh liệt nay còn đâu! Oanh đã đi và liệt đang tới!"

Bác sĩ đến kiểm tra lại tổng quát cho tôi, dặn dò không được vận động mạnh và kiêng một số loại thức ăn. Haechan vâng dạ với bác sĩ rồi ra ngoài thanh toán tiền viện phí. Lúc nó quay trở vào thấy tôi thở dài thườn thượt lại có chuyện cho nó mở miệng.

"Tơ tưởng cái gì bao nhiêu năm trời rồi anh hai. Nhớ quá thì tuần trước mình rảnh chạy về nhìn mặt xíu đi có chết thằng Tây nào đâu. Đi tới bệnh viện nào là y rằng cũng mong được gặp người ta là sao vậy trời."

Chuyện của tôi thằng Haechan mà không rõ nhất thì không ai rõ nhì. Nó hay mắng tôi ngốc trong tình yêu, mắng dữ dội ghê gớm như để bù lại mỗi lần tôi mắng nó chuyện quên thu thập dấu vân tay hay xử lí hiện trường mà quên trước quên sau.

Cán bộ và đồng nghiệp trong sở thay phiên nhau đến thăm hỏi tôi những ngày sau đó. Giám đốc sở vừa vỗ vai tôi bộp bộp đau điếng vừa cười nói ai biết được cái thằng ốm nhách hở chút là chảy máu giờ lại dám chui trong xe tải chở hàng cấm để bắt cho được bọn buôn lậu đâu. Tôi nằm viện không đau đớn gì cho cam, chỉ thấy nhoẻn miệng cười tươi với lãnh đạo suốt cả ngày muốn chuột rút cơ hàm. Đầu giường tôi đầy ắp hoa quà và bánh trái từ những người vẫn hay trêu tôi không phải làm cảnh sát mà đúng hơn là làm "cảnh" thôi. Trong phòng lúc nào cũng tấp nập kẻ vào người ra, Haechan vỗ vai tôi bảo qua đầu 3 là đến thời hoàng kim của một người đàn ông rồi đấy.

"Đến giờ kiểm tra tổng quát cho bệnh nhân rồi, người nhà vui lòng ra về để bác sĩ tiến hành kiểm tra cho bệnh nhân."

Giọng cô y tá nhẹ nhàng vang lên, theo sau là một bác sĩ vắt ống nghe trên cổ. Tôi vẫn mãi trò chuyện với Haechan nên không để ý lắm người ta nói gì, mãi đến khi nó chợt im lặng rồi lui ra ngoài tôi mới phát hiện một cặp mắt luôn nhìn chằm chằm vào mình từ nãy giờ.

Vì cả bác sĩ và y tá đều đeo khẩu trang nên tôi chỉ thấy mỗi ánh nhìn viên đạn bác sĩ trao cho tôi, lòng thầm nghĩ lương y như từ mẫu gì mà làm người ta lạnh toát sống lưng vậy. Tôi dè dặt nhìn bác sĩ luồn tay vào chiếc áo bệnh nhân, đặt mặt nghe bằng kim loại lạnh ngắt lên ngực mình nhưng mắt vẫn cứ nhìn tôi không dứt. Ai đây trời, mình lại đụng tới giang hồ nào nữa đây, giờ chạy thoát còn kịp không, mà chân mình chưa đi lại được nữa phải làm sao.

Đột nhiên đầu ngón tay vị bác sĩ nọ chạm vào chỗ nhạy cảm trên ngực tôi. Rất nhanh như một phản xạ tự nhiên của bất kì con người nào từ giảng viên đại học cho đến bà bán nước ngoài vỉa hè chứ không riêng gì cảnh sát, tôi rụt người lại co bàn tay còn lành lặn, một phát đấm thẳng vào mặt anh ta.

"Biến thái!"

"Ôi bác sĩ Suh, anh có sao không?"

Cô y tá đang dùng bông gòn thấm cồn lau lại mấy dụng cụ thì nghe một tiếng bộp vang lên dứt khoát, bác sĩ của cô thì bị lệch mặt sang hẳn bên phải, tay vẫn còn để trong áo bệnh nhân khám tim, bệnh nhân thì thở phì phò giận dữ chưa kịp thu lại nắm đấm.

Ủa khoan?!!! Cái gì đây trời???

Bác sĩ John Suh.
Khoa ngoại chấn thương.

Dòng chữ khắc trên tấm bảng tên ngay ngực phải áo blouse nãy giờ trước mặt mà tôi không thấy, cô y tá cũng vừa thốt lên "bác sĩ Suh" nữa kìa.

Rồi xong xác định luôn cả nhà ơi. Haechan vào mà xem anh mày ám sát chồng nè.

---

Haechan lắc đầu chán nản, đưa chiếc điện thoại trả lại rồi lẳng lặng khép cửa ra ngoài không quên làm dấu hiệu "Fighting!" với tôi. John nhìn theo cánh cửa đã đóng, lại quay sang nhìn tôi một mạch từ trên xuống dưới, nhìn đến độ như muốn đốt cháy bộ đồ bệnh nhân tôi đang mặc.

"Người bệnh gì mà khỏe dữ, đấm em muốn gãy cả răng."

"Anh xin lỗi, anh không biết là em. Đưa mặt anh xem nào."

Em không đưa mặt cho tôi xem mà cầm lấy bên bàn tay của tôi bị quấn băng gạc trắng xóa chỉ chừa mấy đầu ngón tay, nhẹ nhàng ấp lại bằng hai bàn tay to lớn của em. Tay em rất ấm, vài chỗ trong lòng bàn tay có vết chai gồ lên có vẻ do cầm dao mổ nhiều làm tôi nhớ lại câu nói năm xưa. Khi ấy em là John 18 tuổi, còn bây giờ đã là bác sĩ Suh thành công rồi. Đến lúc này tôi mới hiểu được sức mạnh của niềm hạnh phúc khi trông thấy quá trình trưởng thành của ai đó, như bố tôi đã hi sinh để bảo vệ vợ con năm ấy, như mẹ tôi đã chấp nhận để tôi bước đi trên con đường sự nghiệp bố đã từng chọn dù trong lòng bà luôn canh cánh nỗi đau năm nào lần nữa sẽ lặp lại.

"Thế này là để lại sẹo lồi đấy, anh có ngại không?"

"Anh không."

"Vì vết thương của anh nằm trên dây thần kinh quan trọng nên không thể khâu thẩm mĩ được. Em xin lỗi."

"Anh không sao mà, anh ổn, còn sống là ổn rồi anh không đòi hỏi gì đâu."

Rồi chúng tôi lại rơi vào tĩnh lặng. Em cứ ngồi nắm tay tôi như thế mà không hé lời nào, trong khi giữa cả hai thật sự phải có rất nhiều điều để nói. Em không nói, tôi cũng không hỏi, tôi cũng nhớ em nhiều lắm nên chỉ mong giây phút này kéo dài thêm thật lâu.

"Thật ra em..."

"Bác sĩ Suh ơi, bệnh nhân phòng 809 lại xuất hiện triệu chứng cũ ạ, anh qua xem giúp em với."

John gật đầu với đồng nghiệp rồi quay qua dặn tôi.

"Lát nữa có người đem cơm chiều đến anh phải ăn hết đấy nhé. Tối em rảnh lại sang thăm anh."

Thế là em chạy vụt đi cùng vị đồng nghiệp nọ, vạt áo blouse trắng bay theo từng bước chân của em. Dù trở thành ai đi nữa, John vẫn xuất sắc và vẹn toàn đến khó tin.

Giờ thì cả hai chúng tôi đều không giữ nổi lời hứa năm xưa rằng sẽ ăn uống đầy đủ để đối phương đừng lo lắng vì mình. Ai rồi cũng lớn lên với nhiều trách nhiệm đi đôi với cái tôi của mình, không phải chúng ta vô tâm hơn, chỉ là chúng ta thực tế hơn. Một người cảnh sát luôn phải nhớ rằng: không ai sinh ra đã là kẻ xấu hoàn toàn cho nên tôi hiểu rõ tất cả những phạm nhân mình đã bắt giữ, trong đó có bao nhiêu người thật sự sa ngã và bao nhiêu người vì cuộc sống mà buộc phải sa ngã.

Đột nhiên trong đầu tôi vang lên lời dạy của bố năm nào, lòng thầm nghĩ khi nào John rảnh sẽ nhờ em ấy đưa mình đi dạo một vòng quanh bệnh viện cho đỡ ngột ngạt, mùa này trời đẹp đến thế kia mà.

Những ngày tôi nằm viện John luôn cố gắng dành thời gian chăm sóc cho tôi. Có hôm đồ ăn là do y tá mang lên, có hôm em tận tay mua 2 phần đến cùng ngồi với tôi vừa ăn vừa trò chuyện nhưng tuyệt nhiên không thèm nhắc chút gì về bản thân. Bỗng nhiên tôi thấy hụt hẫng vì mình đã không còn là người được nghe em chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời nữa. Một người vốn dĩ thân thuộc với tôi đến từng ngóc ngách trong tâm hồn, giờ lại luôn khiến tôi phải suy nghĩ kĩ trước khi muốn hỏi em điều gì đó, sợ rằng mình lại tọc mạch quá thì làm em phật ý.

Thời gian trôi qua nhiều năm đến thế, thứ duy nhất từng làm tôi tự tin là tình cảm của em dành cho tôi, giờ có lẽ cũng không còn vẹn nguyên nữa. John hoàn toàn có khả năng hẹn hò với cô bạn nào đó xinh đẹp mơn mởn như cô y tá hay đi cùng em chẳng hạn, không chừng họ sắp kết hôn luôn rồi cũng nên. John sẽ là một người bố tốt, một người chồng đáng tự hào và là một trụ cột gia đình vững chắc cho mà xem. Em ấy xứng đáng hơn nhiều so với tên cảnh sát cứ dăm bữa nửa tháng lại biến mất hút, hành tung thì bí ẩn không khác gì ăn trộm, sống chết cũng chẳng rõ như tôi đây thì có mà rước khổ vào thân.

Mà sao hôm nay John lâu thế nhỉ, em bảo sẽ ăn cơm trưa với tôi kia mà.

Quá trưa, tôi đợi em mãi chẳng thấy nên lại ngủ quên, không hiểu sao dạo này tôi hay buồn ngủ lắm, hình như John nói do tác dụng phụ của thuốc thì phải. Lúc tôi tỉnh dậy đã thấy em ngồi cạnh giường ngủ gục lên người tôi, bàn tay cắm dây truyền nước biển được em bọc lấy ấm nóng đến độ rịn ra một tầng hơi ẩm. Tim tôi lại được dịp bổi hổi mách bảo rằng đừng lay em dậy làm gì, để đấy cho người ta ngủ, người ta mệt lắm rồi. Cũng phải nhỉ, cả tuần qua không thấy bóng dáng em đâu, hôm nay lại còn trễ hẹn với tôi nữa. Tôi không kìm được vươn tay ra vuốt nhẹ mái tóc em, nói thầm.

"John của chúng ta vất vả lắm rồi."

Chẳng ngờ thế mà em cựa mình dậy rồi rối rít xin lỗi tôi vì ngủ quên mất. Em nhanh chóng bày đồ ăn trưa ra cho tôi, mọi thứ đều được đựng trong hộp cơm giữ nhiệt hãy còn ấm, còn mình thì ngồi nhìn tôi ăn.

"Sao không ăn? Phần của em đâu?"

"Anh ăn đi, em ăn không nổi."

John cúi mặt xuống không nói nữa, nhưng sao tôi nỡ ăn một mình để em bụng rỗng được. Tôi xới một phần cơm, một phần đồ ăn mặn và một phần canh ra bỏ vào từng cái chén nhựa trong phòng bệnh loại Haechan đã mua sẵn để đấy cho tôi tiện ăn uống. Tôi nhét cả muỗng vào tay John bắt em ăn cùng.

"Ơ, em không..."

"Bây giờ mày không ăn thì đừng hòng bước ra khỏi đây. Nhìn cái gì, không ăn là tao coi như chống lại người thi hành công vụ đấy nhé."

John bật cười rồi giả vờ biết sợ tôi mà ăn. Chúng tôi im lặng xử xong phần mình chỉ trong chốc lát vì đứa nào cũng đói. Em dọn dẹp xong xuôi chưa chịu đi mà đòi ở lại.

"Ở lại làm gì?"

"Ngắm Doyoung."

"Rảnh quá đi làm việc đi."

"Thôi mà anh, cả tuần nay em cứ quần quật suốt rồi đấy, mãi hôm nay mới rảnh được một tí ngồi cùng anh mà lại nỡ đuổi em."

John bỏ giày ra rồi cứ thế trèo lên giường nằm cạnh tôi. Khổ thân chiếc giường bệnh nhỏ xíu bị hai tên đàn ông lớn xác mà tâm hồn chưa chịu lớn đòi sống lại những ngày tháng xưa còn ngô nghê. Em vòng tay ngang bụng tôi ôm chặt lấy, mặt vùi vào vai tôi thở ra đầy mỏi mệt.

"Hôm nay em không cứu nổi bệnh nhân của em."

"Tuy không phải là bệnh nhân đầu tiên của em nhưng là bệnh nhân tử vong đầu tiên của em. Em phải đích thân đọc tuyên bố tử vong, đọc rõ ràng từng chữ một."

"Em cứu không kịp, bệnh nhân bị sốc thuốc. Con bé mới 7 tuổi."

John im lặng một hồi lâu. Em không khóc cũng không rưng rưng mắt nhưng tôi thấy trong em là sự vụn vỡ đến tuyệt vọng không còn có thể nói thành lời. Em làm tôi nhớ lại thời điểm mới vào đội hình sự, đối mặt với những nạn nhân trong các vụ án làm tối nào tôi cũng về nhà khóc rấm rứt, không hôm nào là không khóc. Thời điểm ấy mắt tôi vừa thâm quầng vì thức khuya, vừa cứ sưng mãi lên vì nước mắt chẳng kìm được. Tôi ôm lấy em nhẹ nhàng vỗ về mong có thể chút nào xoa dịu thương tổn trong em.

"Thật ra vào giây phút cuối, em quyết định điền nguyện vọng vào trường y làm ai cũng bất ngờ ngay cả bố mẹ."

"Anh nghĩ rằng họ luôn muốn em trở thành bác sĩ, thực chất bố mẹ chỉ mong con cái mình hạnh phúc mà thôi."

"Vâng, em hiểu mà. Thời điểm đó không ai nghĩ ra được một lí do nào để em chọn học y cả. Không một ai biết."

"Thế anh có thể biết không?"

"Thay vì vậy anh trả lời em câu này đi. Bây giờ em đủ lớn để yêu anh chưa? Em bỏ cả giấc mơ bóng chày chuyển sang học y chỉ để nuôi một mong ước nhỏ nhoi rằng ngày nào đó sẽ được cứu cảnh sát Kim nếu chẳng may anh bị thương, thế thì đã đủ lớn để yêu anh chưa?"

John vừa cao lớn vừa vai rộng chân dài, giọng nói trầm trầm rót vào tai tôi đến là mê thì chẳng lẽ tôi lại dám bảo là em chưa đủ lớn? Tôi ngại ngùng quay đầu tránh ánh mắt em, John lại nắm cằm tôi kéo sang buộc tôi nhìn thẳng.

"Em đã cứu Doyoung thật đấy, em vui lắm, anh không cần phải lo cho em đâu."

"Vậy không lẽ em thấy hết của anh rồi hả?"

John nhe răng cười khì khì với tôi rồi khen anh đẹp từ trong ra ngoài không hiểu sao làm tôi sởn cả gai ốc. Em ôm tôi lần nữa hứa rằng ngày mai sẽ giúp tôi tập vật lí trị liệu, đưa tôi ra ngoài chơi và tất nhiên là ăn uống đủ bữa.

"Johnie của chúng ta chưa bao giờ là con nít cả, em đã rất hiểu chuyện từ khi còn bé cơ mà. Anh chỉ sợ mình làm điều không phải với em mà anh thì không nỡ tí nào cả, có hiểu chưa?"

Em ướm môi mình lên môi tôi ngay khi mới dứt lời. Hai đôi môi quyện vào vừa in chẳng chừa chút khe hở. Tôi vòng tay qua cổ em chìm trong mật ngọt tình yêu, lòng hơi hoài niệm về cảm giác năm xưa.

Chúng tôi cứ thế mà bên nhau qua tháng ngày. Khoảng thời gian vừa kết thúc chuyên án bắt buôn lậu, cấp trên cho tôi nghỉ phép dưỡng thương, tôi khỏe rồi thì cùng em về nhà thăm mẹ. Ngoại trừ chuyện mẹ mắng tôi làm việc bạt mạng không màng sống chết thì hầu như mọi thứ vẫn ổn, kể cả chuyện tôi và John hẹn hò với nhau cũng không thấy người lớn phản đối nửa lời. John kéo tôi lên sân thượng cho xem thành quả chăm cây những năm qua của em ấy. Tôi rời đi quá lâu, có những cây đã chết, có những cây mới mọc lên còn yếu ớt phải nương mình vào cọc cắm, lại có những cây đã tươi tốt làm xanh mát cả góc sân. Em nắm tay tôi vui vẻ nói sau này sẽ đầu tư thêm để trồng rau thủy canh, vừa sạch sẽ tốt cho sức khỏe lại vừa tiết kiệm được một khoản.

Thi thoảng John lại bắt gặp tôi lái xe công vụ hú còi inh ỏi đèn xanh đỏ chớp tắt liên tục đến áp giải phạm nhân đi, lúc đó em sẽ vỗ ngực khoe với đồng nghiệp đây là người vợ siêu ngầu đã nuôi em từ bé. Mặt em dày nên không sợ gì cả chỉ tổ hại tôi bị Haechan chọc đến sinh ra phản xạ tự động bật lại tất cả trò đùa của nó.

Một ngày mùa đông, em cùng tôi trở về nhà từ sở cảnh sát. Bàn tay tôi và bàn tay em nắm lấy nhau, một bên hằn lên vết sẹo lồi đã kéo lên da non từ lâu, một bên cộm lên mấy vết chai gồ ghề, trơn bóng, ấy vậy mà khít nhau đến lạ.

End.

Cái câu tình yêu với con người ấy, là mình lấy ý tưởng từ một câu nói nhưng mình không nhớ rõ nên chỉ tái hiện lại được như thế thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro