Mở đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Từ xưa tới nay, những ai phải lấy công chúa, đều khổ trăm bề, đau không người thấu, sống chả bằng chết.

Mọi người nghe qua câu trên chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng khó hiểu. Thử nghĩ mà xem, trên đời ai chẳng thích cái đẹp, đặc biệt là nam nhân còn say mê cái đẹp nhiều hơn. Công chúa xinh đẹp yểu điệu, lá ngọc cành vàng, tư dung hoàn mỹ, vậy tạo sao lại nói lấy công chúa là khổ ?

Nếu như mọi người đã có công hỏi, thì ta xin sẵn lòng trả lời. Đáp án chính là, đừng chỉ nhìn mặt mà bắt hình dong, đừng phán xét sự việc khi mới chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài. Hãy nhớ, hoa đẹp bao giờ cũng là hoa độc. Hoa hồng đẹp thế nhưng lại là là hoa có gai.

Thứ nhất, công chúa lá ngọc cành vàng, là huyết thống long chủng, vô cùng tôn quý, đặc biệt cao sang. Công chúa lấy chồng, nhà thông gia chính là hoàng thất, chơi với vua như chơi với cọp. Cọp chứ không phải mèo, dám chơi với cọp, trên đời này có mấy ai. Công chúa cưới phò mã thường lấy tư cách là một người bề trên. Xã hội phong kiến nam quyền, làm gì có ai muốn thê tử qua mặt mình ? Thử tưởng tượng sau khi kết hôn, mọi hành động của phò mã đều phải nhìn trước ngó sau vì sợ làm phật ý cô vợ công chúa của mình thì còn gì là trụ cột gia đình, là tự do của nam nhân nữa ? 

Thứ hai, phò mã chính là có tiếng không có miếng. Các triều đại trước chẳng thiếu gì trường hợp phò mã dấy binh phản loạn đoạt ngôi cha vợ, hoặc là ỷ thế nhà vợ là hoàng gia mà làm rối loạn kỷ cương phép nước. Vậy nên để tránh cảnh ngai vị đổi chủ, ngoại thích tiêm quyền, những người trở thành con rể hoàng đế sẽ không được phê chuẩn vào triều làm quan. Nếu như chẳng may được ưng thuận bởi một lý do đặc biệt nào đó, thì chức quan của vị phò mã gia kia cũng chỉ là một chức tước vô thưởng vô phạt, kiểu như cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, ngoài ra thì chẳng có chút thực quyền nào. Không chỉ phò mã mà gia tộc của chàng ta cũng sẽ bị hạn chế ít nhiều quyền lực. 

Chính vì những lý do bất cập như vậy, cho nên đối với một gia tộc cường thịnh nói chung và một nam nhân có chí hướng nói riêng, bọn họ thà chết chứ nhất định không muốn làm con trai mình hoặc bản thân mình làm phò mã. Gả con gái cho hoàng tử thì có thể, nhưng cho con trai cưới công chúa thì không bao giờ, có rất nhiều gia tộc đã có quan điểm trái ngược như vậy đấy.

Vậy nên mới có cảnh bi hài. Hoàng tộc vừa có thông lệnh muốn gả công chúa, các gia đình gia tộc trăm phương ngàn kế tìm cách tháo chạy, người thì ngay lập tức đính hôn cho con trai, người thì bắt con trai giả ốm giả bệnh để tránh phải vào cung làm hư ngọc thể của công chúa. Có nhà còn hoàng tráng hơn, nhà đang yên đang lành, tự dưng phát kèn tang đánh trống lễ, toàn gia diễn cảnh than khóc bi thảm, giả bộ như nhà có tang cho nên bắt con trai phải thủ hiếu ba năm không cưới gả.

Thế nhưng, trên đời cũng có nhiều người chỉ cần tiếng mà không cần miếng. Nhiều gia tộc vì muốn có liên hôn với hoàng thất, cho nên khi hoàng thất muốn gả chồng cho công chúa, cũng chọn ra người phù hợp để thành thân. Đa phần những người được chọn đều là nam tử tuấn mỹ hào hoa để xứng đôi với con cháu hoàng thất, nhìn ngoài thì hút hồn đẹp đẽ nhưng bên trong chính là yếu nhược vô dụng. Mấy gia tộc chơi bài rất hay, người tài thì vẫn để nó làm quan chống đỡ gia tộc, còn kẻ yếu nhược có bề ngoài đẹp mã thì có thể tận dụng hôn nhân một chút. Đây chính là vẹn cả đôi đường, cả nhà đều vui.

Thực ra, việc hôn nhân của các nàng công chúa cũng không tới mức bi thảm như vậy. Mấy lý do vừa kể trên cũng chỉ là trong trường hợp, phò mã không phải là người trong hoàng thất mà là thuộc các phần tử thấp hơn. Cũng có trường hợp liên hôn giữa hai quốc gia, công chúa lại được gả cho các vương tôn hoàng thất cao quý ngoại bang. Nàng là công chúa chàng là hoàng tử, một bên kim đồng một bên ngọc nữ, chính là vô cùng đẹp đôi.

Chỉ là nhìn ngoài thì như vậy, nhưng đa phần những cuộc hôn nhân ngoại bang này khó có thể hạnh phúc. Hai con người thuộc hai quốc gia khác nhau, trước nay chưa từng gặp nhau, từ ngôn ngữ, văn hóa cho tới thói quen sinh hoạt cũng đều khác nhau. Tới phu thê quen nhau lâu năm cũng chưa dám nói là tâm đầu ý hợp, thì một nàng công chúa chính quốc và một chàng hoàng tử ngoại bang, có cái gì đảm bảo là sẽ sống bên nhau hạnh phúc cả đời ? Duy trì hòa khí vợ chồng với nhau, suy cho cùng cũng chỉ vì mối giao hảo với hai quốc gia thôi.

Cuộc hôn nhân ấy vừa bền vững vừa mong manh. Nếu như hai bên quốc gia hưng thinh hòa hảo, thì sẽ là bền vững. Còn nếu như xảy ra chiến loạn, thì chính là mong manh. Tới cả hạnh phúc cũng không được quyết định, công chúa và hoàng tử, suy cho cùng cũng là hai con chim trong lồng vàng hôn nhân mà thôi.

Nói đâu xa, có thể kể tới Huyền Trân Công Chúa của Đại Việt. Năm Hưng Long thứ 14 (1306), Quốc Vương Chế Mân của Chiêm Thành dâng hai châu Ô Lý làm sính lễ, vua Trần An Tông khi đó đã đồng ý cho công chúa Huyền Trân về làm dâu Chiêm Thành. Một năm sau, Chế Mân chết, và theo tục nước Chiêm, Quốc Vương chết thì Vương Hậu cũng phải lên giàn để tuẫn táng cùng chồng (1). Biết chuyện, vua Trần Anh Tông phải sai người tới Chiêm để cứu công chúa về.

Nói như vậy để cho mọi người hiểu rằng, không phải cứ công chúa là sung sướng. Càng ở trên cao thì gió càng mạnh, muốn đội được vương miện thì phải chịu được gánh nặng của vương miện đó. Thân phận càng cao, thì trách nhiệm và nghĩa vụ càng lớn. Sinh ra là lá ngọc cành vàng, nhưng chết đi, vẫn là lá ngọc cành vàng hay là lá vàng cành rủ, thì còn phải xem xem phúc khí bản thân được tới đâu.


/* Nguồn tài liệu tham khảo */

(1) https://voh.com.vn/doi-song/huyen-tran-cong-chua-va-cuoc-hon-nhan-voi-vua-che-man-417390.html

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro