Chương 01

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ dãy núi Tiểu Hưng An, Lĩnh Nam vùng phía bắc đồng bằng Tùng Nộn, tại một nơi chưa từng được xác nhận đánh dấu trên bản đồ nước cộng hòa, bắt tàu hỏa màu xanh lá đi thẳng về phía nam, không quay đầu, băng qua Sơn Hải Quan, đi vào Hoa Bắc, sau cùng đến chân núi Yên, chặng đường này vào năm 1980 phải mất trọn ba ngày.

Hoàng Nhân Tuấn dậy từ sáng sớm tinh mơ, nhân lúc trời còn chưa sáng, rời khỏi căn nhà gạch đỏ sâu trong lâm trường, đi bộ thật xa ra khỏi rừng để đuổi kịp tàu hỏa, mỗi ngày một chuyến, mỗi chuyến đi mất một ngày, bỏ lỡ sẽ không quay lại. Sau đó, cậu phải ngồi ba tiếng xe buýt trong thị trấn, tròng trành đi đến ga tàu hỏa gần nhất, níu chặt chiếc áo khoác bông mỏng đợi đến hôm sau, phơi lạnh một đêm không ngủ rồi leo lên chuyến tàu đi Bắc Kinh. Toa xe ghế cứng rất ồn, người muôn hình vạn trạng, mặc đủ mọi loại áo khoác bông rộng thùng thình, có các kiểu diện mạo và nét mặt, cậu ngồi im tại chỗ, thi thoảng ngắm nhìn phong cảnh chầm chậm lướt qua, phần lớn thời gian đầu quệt vào cửa kính lạnh ngắt, mơ màng ngáp ngủ, trong giấc mơ xa xôi, vứt bỏ mảnh đất Đông Bắc bao la ra sau lưng trong cảnh nền trống không.

Là khi mùa đông còn chưa kịp về hẳn nhưng vùng cực bắc lãnh thổ quốc gia đã hoàn toàn trở lạnh. Tuyết phủ trắng xóa mênh mông trải dài trong tầm nhìn, yên tĩnh không người, ranh giới giữa trời và đất lẫn lộn và mờ nhạt, quạ xám men theo dấu vết mỏng manh nơi cuối trời bay thành một đường thê lương, chỉ có tiếng gió tồn tại trong băng tuyết, ngang ngược hoành hành khắp vùng hoang dã phía bắc hoang vu hẻo lánh, đi kèm theo tiếng ồn của tàu hỏa, qua khung cửa sổ bằng kính rộng lớn và phủ đầy bụi, ta vẫn có thể chạm vào tiếng gió rít gào nơi núi non trùng điệp.

Bất kể thế nào, cảnh tượng này luôn khiến người ta phải đặt câu hỏi không đầu không cuối. Bạn nói xem, phải như thế nào mới có thể ôm được ý chí của gió, hoặc phải làm cách nào mới có được vẻ mặt ít nhất giống với gió.

Trong toa xe không lạnh, Hoàng Nhân Tuấn ngủ trọn một đêm trong tiếng gió chuyển động và tiếng trò chuyện thì thầm nhỏ to, ngày thứ ba tỉnh giấc trong tiếng vang hỗn loạn khi kiểm tra vé, ánh sáng tự nhiên dần đẩy hai mí mắt nhập nhèm ra, màu tuyết ngoài trời gần như nhạt đến độ không còn thấy được, hiển nhiên đã là phong cảnh miền tây Sơn Hải Quan.

“Kiểm tra vé.”

Nhân viên tàu mặc đồng phục màu xanh ô-liu duỗi một cánh tay về phía cậu, Hoàng Nhân Tuấn thận trọng ngồi thẳng người dậy, cúi đầu lục tìm vài lần trong túi áo, đầu tiên lôi ra mảnh giấy đã ố vàng, sau đó đến bức ảnh đen trắng to khoảng tám cen ti mét bay ra. Sợ làm phiền nhân viên tàu chờ quá lâu, cậu không kịp nhặt mấy thứ vụn vặt lên, động tác bối rối tiếp tục tìm kiếm, cuối cùng móc ra được vé tàu màu đỏ, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, dè dặt cầm trong tay đưa cho nhân viên tàu.

Thật ra đối phương chỉ làm việc theo thủ tục, đại khái nhìn lướt qua chứ không nhận, rồi quay người đi đến hàng ghế tiếp theo.

“Cậu bé, căng thẳng gì chứ, đừng sợ, thói đời đã thay đổi rồi.”

Hoàng Nhân Tuấn khom lưng nhặt đồ, người bên cạnh nhiệt tình giúp cậu nhặt bức ảnh vừa vặn rơi ngay trên nắp bình mật ong dưới chỗ bà ngồi. Ong rừng sinh trưởng tại vùng nhiệt đới châu Á, gây mật hết sức nồng đậm, bình mật ong bà đem theo dù đã được đậy kín chặt chẽ nhưng vẫn lan tỏa thoang thoảng mùi hương ngọt ngào tươi mát.

Mùi ngọt len vào hô hấp, chóp mũi xinh xắn khẽ co rúm lại không thể ngửi, Hoàng Nhân Tuấn gian nan nuốt nước miếng, vành tai bắt đầu ngứa ngáy, xương cụt tê dại, tựa như có thứ đầy lông muốn chọc thủng làn da mọc lên.

Cậu sợ tới nỗi ngồi thẳng người dậy, cố hết sức thở dài, giống như muốn gột rửa sạch sẽ mùi mật ong hấp dẫn từ trong tiềm thức. Ngoan nào, cậu âm thầm tự cổ vũ bản thân, thế này đâu có gì, phải khí phách một chút mới đi được đường xa.

Nếu để lộ sơ sót tại nơi này cậu sẽ đi đời nhà ma.

Người ngồi cạnh khoảng năm sáu mươi tuổi, mái tóc bạc ngắn, trên mặt lưu giữ dấu vết thời gian, bà nhìn cậu trai vừa mất tự nhiên vừa hoảng loạn, tiếp lời lúc trước nhỏ nhẹ an ủi: “Không cần căng thẳng, người mặc quân trang xanh lá chưa chắc đã là Hồng Vệ Binh, hiện tại không phải rồi.”

Tàu hỏa như băng nhạc kiểu cũ rối băng bị kẹt, ngừng ngắt có nhịp điệu trên đường ray dài dằng dặc, tiếng ồn quy luật, mài mòn con người ta không còn một chút tính nóng nào. Hoàng Nhân Tuấn hơi sợ lạ, lên xe trải qua hai mươi tư tiếng mà chưa từng nói một câu. Cậu vất vả lắm mới chậm rãi trở lại bình thường, để đáp lại sự quan tâm của người ngồi cạnh, rốt cuộc cậu thử nở một nụ cười hơi ngượng, mặc dù vẫn giữ mình vài phần nhưng răng khểnh lộ ra ngoài quá mức sống động, làm cả người cậu nhìn có vẻ tinh tế, đường nét nhu hòa, tựa căn gác xép ngày trời thu, ánh nắng xuyên qua song cửa sổ, vừa vặn rọi vào hình ảnh được vẽ khéo léo chính giữa giá vẽ, vừa yên bình vừa mờ nhạt.

Cậu thử lên tiếng giao tiếp: “Cháu biết.” Cậu nói: “Hiện tại là năm 1980.”

“Lần đầu đi xa hả?”

Hoàng Nhân Tuấn gật đầu thừa nhận. Người ngồi cạnh trả bức ảnh cho cậu, hòa nhã mỉm cười, sau đó tiếp lời: “Người trên ảnh là ai vậy? Chàng trai nhìn rất nghiêm chỉnh.”

“Là...” Nghe vậy Hoàng Nhân Tuấn hơi sững người, quai hàm không có mấy thịt hơi rụt vào cổ áo, lưỡng lự hồi lâu mới trả lời: “Là em trai cháu.”

“Nhìn cậu ấy giống anh trai hơn.”

Hoàng Nhân Tuấn cầm một góc bức ảnh nhìn ngắm, dù cậu đã sớm quen đến khỏi cần xem ảnh cũng có thể miêu tả đầy đủ thanh niên trên ảnh. Cậu dẩu môi, như chìm trong hồi ức: “Cậu ấy cũng luôn nói nhìn cháu có vẻ nhỏ, thật ra cháu lớn hơn cậu ấy mấy tháng, cháu đã hai bảy tuổi rồi.”

“Thì ra không phải em ruột.” Người ngồi cạnh lắc đầu sáng tỏ: “Bảo sao tôi xem ảnh nhìn hai người không giống nhau.” Bà không tìm hiểu sâu, trái lại cảm thấy hơi ngạc nhiên với tuổi tác của cậu, bà cho rằng Hoàng Nhân Tuấn có lẽ chỉ mới mười bảy tuổi.

Bất kể ai nhìn cũng thấy Hoàng Nhân Tuấn có toàn bộ phẩm chất thiếu niên. Cậu có tiền, nhưng còn chưa biết rõ cách tiêu tiền, áo khoác màu xanh mặc từ năm mười bảy tuổi đến tận giờ, mảnh vá vải sợi bông màu nâu chỗ khuỷu tay đã cũ, giống đồng bằng đầu xuân gần như phủ kín màu xanh thăm thẳm bất chợt trông thấy một mảnh đất cằn cỗi. Cậu giấu cơ thể gầy yếu trong trang phục rộng lớn, chỉ để hở cổ và cổ tay mảnh dẻ, mùi hương thơm ngát của bồ kết quẩn quanh vạt áo, cả người cậu giống tấm vải trắng mới giặt xong, phơi giữa trời không gió, vừa mộc mạc vừa sạch sẽ. Sườn mặt cậu vùi trong ánh sáng băng băng lướt qua, giữa lúc mơ hồ giống như chỉ một giây tiếp theo thôi bụi phấn trên cánh bướm sẽ khẽ rơi xuống gò má, có một loại chán chường nói không thành lời.

Toàn bộ hành lí của cậu chỉ có túi vải caro xanh trắng buộc nhìn có vẻ dày bên người, nằm ngang, vuông vắn, thứ để bên trong không giống quần áo hay đồ ăn, mà giống kiểu sách cứng hơn.

Cậu che mặt ho khan mấy tiếng, lại ngẩng đầu lên, hơi áy náy nhìn người ngồi bên, đôi mắt sáng long lanh, lóe lên cảm xúc xấu hổ. Trên thực tế, giọng cậu cũng trẻ trung và trong veo, âm thanh hơi yếu, nhả ra từng từ từng chữ, khiến người ta liên tưởng đến một mảnh băng tuyết ngập tràn trong khu rừng yên tĩnh buổi sáng sớm, hoa tuyết rơi trên lá thông vừa trong vừa lạnh.

“Tôi còn tưởng cháu chỉ lớn bằng tuổi con út nhà tôi, năm nay nó vừa thành niên.”

Ánh mắt bà chứa đựng yêu thương dạt dào, bà trải qua bãi bể nương dâu mà vẫn thong dong trầm tĩnh, toát ra vẻ thận trọng lĩnh hội sâu sắc từ sách cổ, nhưng nhìn đôi tay bà thô ráp, lại chắc chắn trải qua cuộc sống với công việc nặng nhọc.

Không hiểu sao bà cảm thấy thân thiết với Hoàng Nhân Tuấn, nói chuyện không dừng được, nói từ chuyện bà “cùng trèo lên núi, cùng xuống nông thôn” tới Đông Bắc vào những năm 50, nói đến chuyện kết hôn sinh con, trải qua mười năm đại nạn, vẫn chưa có cơ hội để về nhà, hiện giờ đã chịu đựng được đến lúc có thể về.

Người ngồi cạnh là một bác gái miền nam, gia đình sống tại phương bắc không buông bỏ được cuộc sống vốn dĩ, một mình bà đi xa, trải qua những ngày tháng hết hi vọng trở về, quay lại đường rẽ khởi điểm, giờ nghĩ lại khả năng về cuộc đời khác cũng coi như một cách nói.

“Tôi già rồi, trở về gặp người thân trước đây rồi cũng phải quay lại, thanh niên các cậu thì khác, hiện tại tham gia thi đại học, chuyển đến thành phố, vẫn có tương lai rộng mở.”

Năm 1980, nếu có người vì đủ mọi loại ràng buộc, từ bỏ đi xa, lựa chọn ở lại, vậy là ở lại mãi mãi. Nửa đời trước họ là thanh niên trí thức, đến những năm cuối đời họ vùi giấc ngủ ngàn thu nơi nông thôn ấm áp.

Bác gái có một cô con gái, hai cậu con trai, còn có người bạn đời đã bầu bạn bên nhau gần ba mươi năm, nói ra bà coi như đã rất viên mãn, dù tiếc nuối cũng chẳng có gì đáng để tiếc nuối.

Hoàng Nhân Tuấn chỉ toàn cười dịu dàng, không biết đang nghĩ gì, đút tay trong túi áo, chạm đến mảnh giấy và bức ảnh ban nãy mới đặt vào yên ổn, cậu nghiêng mặt, nghiêng nghiêng đầu, vuốt ve mép tờ giấy, thở dài, nói: “Em trai cháu cũng là người miền nam.”

Cậu khẽ nhắm mắt, hai thứ này cậu dốc lòng gìn giữ hơn một năm, trân quý đến mức không dám đặt vào hộp, nắm trong tay nhìn mỗi ngày mới yên tâm.

Trên mảnh giấy to bằng nửa lòng bàn tay, trống trải, chỉ có mười chữ viết theo lối chữ khải được viết bằng bút mực màu xanh đen: La Tại Dân, khoa Vật lý Đại học Thủ đô.

Dạo này trí nhớ của Hoàng Nhân Tuấn ngày một kém, không thể nào nhớ được số điện thoại La Tại Dân để lại cho mình, nhiều khi thậm chí cậu còn nghi ngờ rốt cuộc có dãy số như vậy hay không. Mùa hè năm ngoái, cho đến khi sắp khởi hành, La Tại Dân mới nghe đồng hương nói đến điện thoại trong khoa của trường, thế nên dạy cậu học thuộc từng câu từng chữ qua khung cửa sổ, cậu nén nhịn nước mắt gật đầu, ngẩng cổ nhìn chằm chằm vào môi La Tại Dân, mỏng và lạnh, đôi môi hơi hơi đỏ, hàm răng trắng đều đặn như hàng bạch dương thẳng tắp, giọng nói vừa trầm vừa gấp, dường như ngay giây tiếp theo sẽ đập vỡ cửa kính, liều lĩnh bất chấp tất cả nhảy xuống sân ga ôm lấy cậu.

“Nhớ kỹ rồi.” Hoàng Nhân Tuấn cúi đầu không dám nhìn thẳng vào mắt La Tại Dân, cố gắng nói lớn tiếng, để bản thân nghe ra có vẻ thật thoải mái.

Hình như toàn bộ mọi tâm tư đều đặt cả vào việc đe dọa bản thân không được khóc, nếu cậu dám khóc La Tại Dân dám không bao giờ đi. Sau cùng Hoàng Nhân Tuấn không nhớ được hết dãy số kia, cho nên hiện giờ vẻn vẹn mười chữ cậu có được là toàn bộ căn cứ liên quan đến La Tại Dân.

La Tại Dân chưa từng trở về, cũng rất lâu rồi không viết thư cho cậu, nhưng luôn gửi tiền, rất nhiều, rất nhiều tiền. Hoàng Nhân Tuấn không biết phải tiêu thế nào, từng xấp từng xấp phơi ngoài bãi tuyết trước nhà, dùng đá chặn, tuyết hóa thành nước, mùa hè ở bắc bán cầu đã đến, ánh mặt trời ban ngày hong khô tiền giấy, khô đến độ nhăn nhúm rúm ró, nhưng cũng đã rút đi mùi tiền, trở nên vừa ấm áp vừa khô ráo.

Cậu nhét tiền vào gối, mỗi khi trở mình ma sát phát ra tiếng giấy giòn tan ngay bên tai đầy thân thiết, tựa như duỗi chân giẫm lên lớp lá rụng buổi sáng cuối thu.

Cậu rất nhớ đối phương, quét dọn nhà cửa một lần cuối cùng trước khi đông sang, Hoàng Nhân Tuấn lôi ra những thứ khi đó La Tại Dân quên mang theo được cất sâu trong ngăn tủ, cậu ngồi xổm dưới đất ngây người cả buổi, đầu óc ong ong, thật chẳng dễ dàng chút nào, rốt cuộc cậu đã đợi được một cái cớ để đi gặp người ấy.

Hạ quyết tâm rất khó, trong cuộc đời hai mươi bảy năm, Hoàng Nhân Tuấn chưa bao giờ đi đến nơi nào quá xa xôi, hạ quyết tâm cũng rất đơn giản, chẳng phải cậu làm được rất tốt đó sao, toàn bộ đều thuận lợi, hành trình ba ngày sắp kết thúc, tàu hỏa kéo còi hơi vang dội, tốc độ tàu giảm đến gần như gian nan trong phong cảnh trước ga cuối cùng, đích đến đã gần ngay trước mặt.

Năm 1980, trên bức tường gạch đỏ tại ga tàu lớn nhất thủ đô có mấy chữ to đùng: Cải cách Kinh tế 1980. Tất cả đều phấn chấn tinh thần, tất cả đều ngập tràn hi vọng, cờ của thời đại cũ dần hạ xuống, thời đại mới đang đến gần.

Hoàng Nhân Tuấn đứng trong toa xe, cách ngày một gần câu khẩu hiệu dễ thấy được mới phát hiện những chữ đó viết thật uy vũ hùng tráng, chiều cao của cậu không với đến được dòng chữ.

Lấy xong hành lí chuẩn bị xuống tàu, lại âm thầm nhẩm một lượt lộ trình tiếp theo, người người chen chúc lúc tàu dừng, cậu rất dễ dàng đã có thể suy nghĩ rõ ràng một vài chuyện.

Ví dụ, cùng là năm 1980, muôn vật đổi mới, mãi luôn có những khó khăn nhất thời kéo dài và những tàn phá không thể bù đắp đã được định trước. Cả nước đâu đâu cũng trình diễn phân cảnh chia li, đủ mọi nguyên nhân, nhưng bản chất kết quả của việc rời xa...
Thật ra, tất cả đều rập khuôn như một.

Hết chương 01.

- Cùng trèo lên núi, cùng xuống nông thôn là câu khẩu hiệu trong cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc vào thập niên 50, đưa các thanh niên tri thức về nông thôn cải tạo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#najun