Chương 4: Rừng hoa ban

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoàng Nhân Tuấn chỉ cần nghe tin Kinh Triệu Doãn Kim Đạo Anh đến thăm là trốn vội.

Cả kinh thành này y chỉ sợ mỗi Kim Đạo Anh, có khi còn sợ vị Kinh Triệu Doãn đại nhân này còn hơn cả Hoàng thượng. Lí do thì quá rõ, cả Thiên Châu Quốc này chỉ có mỗi y có thể điều chế Chân Dược, chỉ cần một giọt nhỏ thì đến cả người quân tử cũng phải phun hết những bí mật thầm kín trong lòng - mà vừa hay tất cả những phạm nhân phạm phải trọng tội đều do Kim Đạo Anh tra khảo.

Tra khảo cái gì chứ, rõ ràng vị đại nhân này suốt ngày chỉ biết đập cửa nhà y xin xỏ Chân Dược; ngày trước dùng hình không được thì mới tìm đến y, hiện tại thì ngày càng lười chảy thây, gặp án khó là cứ đến phủ y đập cửa inh ỏi. Điều chế Chân Dược không dễ một chút nào, cả tháng may lắm y mới chưng cất được hai lọ. Kim Đạo Anh này mỗi lần đến xin Chân Dược là xin hẳn một hũ lớn, đeo lộ liễu bên hông mà không thèm cất giấu kĩ, số Chân Dược này mà rơi vào tay kẻ xấu thì Thiên Châu Quốc này lại chẳng loạn sao?

"Hoàng sư đệ, ta chỉ xin đệ có mấy giọt Chân Dược mà đệ cũng keo kiệt đến vậy à? Ta mà không phá được án, ta liền báo lên Hoàng thượng rằng đệ là đồng lõa!"

Hừ, ăn vạ là giỏi.

Chuyện về Chân Dược chỉ có Hoàng thượng, Kim Đạo Anh và Hoàng Nhân Tuấn biết. Việc sử dụng Chân Dược lên phạm nhân cũng là do Kim Đạo Anh trực tiếp thực hiện mà không qua tay hạ nhân, mỗi lần tra khảo đều chỉ có duy nhất Kim Đạo Anh lo liệu từ đầu đến cuối - đây cũng là điều kiện mà Hoàng Nhân Tuấn đưa ra, có thêm kẻ ngoài cuộc biết thì y sẽ ngay tức khắc dừng việc điều chế lại, huống gì y cũng chưa hề tin tưởng truyền nghề cho bất kì ai. Ấy thế mà vị Kinh Triệu Doãn này lại lạm dụng Chân Dược quá đà, án khó một tí là ngay tức khắc ôm chân y ỉ ôi, không xin được thì lại vào cung ăn vạ thiên tử.

"Hoàng sư đệ lạnh lùng vậy sao? Ta tra khảo tội nhân chẳng phải vì đệ đấy à, đêm qua vừa vật nhau với ba tên đầu trâu mặt ngựa trên chùa Minh Đạo đến mất ngủ rồi đây này!"

Nói vậy là đám người bắt cóc kia đã thực sự quay lại tìm La Phiến Phiến. Từ hội thiên đăng đến nay cũng đã hơn một tháng, trời chưa hết lạnh nên Hoàng Nhân Tuấn vẫn lười biếng chưa muốn lên chùa bàn chuyện chuyển lũ cô nhi về trang viên ngoại thành của y. Tận một tháng mới mò đến bắt La Phiến Phiến, đã thế còn bị Trình Cẩn tóm sạch thì chứng tỏ đám tay chân này cũng chỉ là đồ bỏ đi. Y thừa biết Kim Đạo Anh thủ đoạn hơn người, chẳng qua phụ thuộc Chân Dược lâu ngày nên sinh lười biếng, chứ đám tay sai đó chẳng lẽ lại có thể làm khó vị đại nhân trăm mưu nghìn kế này. Chắc là lại bị Hoàng thượng giận nên mới xin Chân Dược để dụ người nói ra lí do vì sao lại giận lẫy đây mà. Lợi dụng việc công để chấm mút việc tư, nếu Kim Đạo Anh không phải nam sủng của Hoàng thượng, y đã cho vị đại nhân lười nhác này một cước bay ra khỏi phủ rồi.

"Đệ mà không phái ám vệ ở lại chùa trông nom thì huynh còn lâu mới có thêm manh mối mới, thế mà huynh còn không có liêm sỉ đến đây ăn vạ lấy đồ tốt của đệ. Cái này gọi là tham ô đấy, huynh biết không?"

Kim Đạo Anh giật lấy đôi đũa vàng trong tay y, chọc chọc tìm miếng ngon bỏ vào miệng tự nhiên như ở nhà, ngang ngược đáp trả:

"Số người mất tích đã lên đến gần sáu mươi, thêm một La Phiến Phiến này cũng chẳng khác gì, đệ đừng huênh hoang quá. Lũ đầu trâu mặt ngựa kia cũng chỉ là tay sai vặt, chẳng biết tí gì về người bỏ tiền thuê chúng nó đâu. Yên tâm, mỗi tên một giọt Chân Dược rồi, khai được nhiêu đó thôi. Có điều..."

"Đệ ghét nhất là trò úp úp mở mở". Hoàng Nhân Tuấn bĩu môi nói, mỗi lần Kim Đạo Anh giật đũa y là y lại phải thay đôi đũa mới. Chung đũa với ai chứ không thể chung đũa với vị đại nhân cao quý này, Hoàng thượng mà biết thì có trăm thùng Chân Dược lẫn bí quyết điều chế cũng không cứu nổi y. "Dù sao cũng là án của huynh, đệ không nghe đâu."

"Tính thêm cả La Phiến Phiến thì bát tự của những cô nương này hình như có quy luật. Những người mất tích lớn tuổi nhất cách những người bé nhất là bốn tuổi, đặc biệt là những người có cùng tháng sinh đều cách đều nhau một năm, không ai sinh cùng tháng cùng năm hết. Hiện giờ ta ghi nhận được năm mươi tư lượt báo án, tính cả La Phiến Phiến được đệ bảo vệ an toàn là năm mươi lăm, mà trùng hợp thay từ tháng giêng đến tháng mười một mỗi tháng đều là sinh thần của năm cô nương cách đều nhau một tuổi. Chỉ thiếu năm cô nương sinh tháng mười hai trong năm năm liên tiếp nữa là coi như hoàn thành quy luật."

"Thì?" Hoàng Nhân Tuấn nghe xong cũng coi như hiểu, nhưng y không muốn nhúng tay vào. Nắm được bát tự dân chúng trong thành để bắt cóc lần lượt như vậy thì rõ ràng là có tay chân trong bộ máy hành chính, nặng lời hơn tí thì là có kẻ định làm phản cũng nên; đã thế y lại càng không thích vạ lây.

"Đệ nói vậy mà được ư? Rõ ràng đệ cho người dẫn đám đầu trâu mặt ngựa kia đến nha môn của ta, chắc chắn đệ rất quan tâm trọng án này rồi! Đệ đừng tỏ vẻ không liên quan như thế, vốn dĩ đệ quen biết cô nương họ La kia, cứ tiếp tục cho người bảo vệ thì sớm muộn đệ cũng tìm được chân tướng thôi! Đệ không cho ta Chân Dược, giờ còn không thèm hợp tác với ta để tìm ra chân tướng vụ việc sao?"

Hoàng Nhân Tuấn gắp nốt miếng bánh cuối cùng bỏ vào miệng, nhai nuốt gọn ghẽ rồi mới đứng dậy phủi tay:

"Đệ quan tâm La cô nương chứ không thèm quan tâm trọng án của huynh đâu. Bớt lạm dụng Chân Dược của đệ đi, dụng cụ dùng hình trong thiên lao sắp gỉ hết đến nơi rồi kìa."

Kim Đạo Anh được đà lấn lướt, ngồi hẳn lên bàn đá còn chưa dọn hết mâm đũa của Hoàng Nhị thiếu gia mà phe phẩy quạt:

"Thế đệ có muốn biết chuyện vì sao cô nương này bị điên không?"

"Nãy đệ nói nhầm tí ấy mà, ý đệ là đệ chỉ quan tâm ca ca của cô nương này thôi. Vì sao La cô nương bị điên, xét về Đông y đệ đã biết, xét về những mặt khác thì đệ không cần biết vì cũng chẳng có giá trị gì để giúp đệ chữa bệnh cho người ta. Mời Kim đại nhân về cho."

Hoàng Nhân Tuấn bỏ mặc cho Kim Đạo Anh tức xì ngói ngồi ăn vạ trên bàn đá, nhanh chân chạy khỏi hoa viên. Để Kim Đạo Anh đuổi theo lèo nhèo nữa thì đau đầu lắm, y quyết định rời phủ lên chùa Minh Đạo một chuyến. Vốn là hẹn La Tại Dân ra xuân, bây giờ hoa đào cũng chỉ mới nhú từng búp trắng hồng mà chưa nở rộ, trời hẵng còn rét nên y có chút lười. Song nếu đám tay chân của kẻ đứng sau trọng án này đã quyết định nhằm vào La Phiến Phiến, y cần phải để mắt đến La Tại Dân cùng muội muội của hắn một chút. Hoàng Nhân Tuấn không muốn dây vào bất kì vụ án nào của Kim Đạo Anh vì lần nào đụng vào cũng có cái kết tơi bời thê thảm; chẳng qua lần này sự việc nằm trong tầm tay y, y có thể kiểm soát thì y chắc chắn sẽ không để người vô tội bị hại.

Đường lên chùa Minh Đạo không quá xa nhưng lần trước đi bộ với La Tại Dân thực sự hơi mỏi chân. Nhớ đến xiên hồ lô bọc đường lăn vào chuồng ngựa cạnh Hồng Mai Lâu, Hoàng Nhân Tuấn vẫn còn thấy bực lắm. Y quyết định ăn trộm một con ngựa của Lý Đế Nỗ, kiểu gì thì Lý đại nhân nổi tiếng bao dung rộng lượng trong kinh thành cũng sẽ không so đo một con ngựa với y, huống gì bây giờ mà quay về phủ lấy ngựa thì lại gặp phải Kim đại nhân ăn vạ không buông.

Vậy là giữa ban ngày ban mặt - lương y Hoàng Nhân Tuấn - bảo vật của phủ Hầu Gia lén lén lút lút dắt ra từ chuồng ngựa Hồng Mai Lâu hai con bạch mã bóng bẩy. Ban đầu y định trộm một con, nhưng nghĩ đến việc La Tại Dân chắc chắn không có ngựa nên lại thó thêm một con nữa. Đường đến trang viên ngoại thành của y không đến nỗi xa, mỗi tội phải băng qua rừng, đôi chỗ còn hơi gập ghềnh khó đi. Cứ mỗi người một con ngựa mà cưỡi là tốt nhất, Lý Đế Nỗ rất giàu, mất hai con ngựa chắc chắn hắn còn không biết để mà tiếc.

Hoàng Nhân Tuấn thong dong cưỡi ngựa trước dắt ngựa sau ra khỏi cổng thành chính, đến chân đồi thì buộc ngựa vào hai gốc cây gần bậc thang dẫn lên cổng chùa. Hoa đào trước cổng chùa chỉ mới nhú thành búp, chuông gió treo trên cành reo leng keng hơi nhức đầu. Hoàng Nhân Tuấn trộm nghĩ y đã quá tuổi thích thú với những thứ đồ chơi này, mấy cái truyền thuyết đuổi quỷ gì đó âu cũng chỉ là dân gian truyền miệng, quốc sư đã từng nói với y rằng nhân gian này đã không còn nhiều quỷ tự do lộng hành nữa. Nghĩ cũng đúng, biết bao nhiêu tai họa trên Thiên Châu Quốc đều là do một tay con người gây ra, người phải sợ người chứ sợ gì quỷ.

Đứng từ ngoài cổng đã nghe thấy tiếng trẻ con nô đùa, y không ghét trẻ con nhưng nếu y là trụ trì lớn tuổi ở đây, ngày nào cũng ồn ã tiếng cười nói của lũ trẻ từ sáng đến tối thế này thì có ngày y sinh bệnh mất. A Khôn là một đứa trẻ nhanh nhẹn và có phần tháo vát hơn những đứa trẻ khác, chỉ mới lên bảy nhưng đã có thể hai tay trông tận sáu đệ đệ nhỏ tuổi hơn, chiếc miệng nhỏ không ngừng liến thoắng chuyện nọ chuyện kia để dỗ con nít. Trông thấy Hoàng Nhân Tuấn tiến vào cổng chùa, A Khôn liền ngay lập tức dúi đồ chơi thủ công vào tay lũ trẻ, vội vội vàng vàng chạy ra đón người mà hai chân tưởng như sắp xoắn hết cả vào nhau:

"Hoàng sư huynh trở lại rồi!"

Hoàng Nhân Tuấn gật đầu, lấy gói ô mai gừng già trong tay áo đưa cho đứa nhóc, chưa vội hỏi La Tại Dân ở đâu mà muốn thăm dò tình hình của lũ trẻ trước:

"La Tại Dân đã nói với bọn đệ là ta muốn mang tất cả cô nhi ở đây về trang viên trồng thuốc của ta chưa?"

A Khôn ngửi thấy mùi ô mai chua chua ngọt ngọt đã không nhịn được mà nuốt nước miếng, song nó vẫn rất hiểu chuyện, muốn để dành cho các huynh đệ cùng ăn nên chỉ giữ khư khư bọc ô mai trước ngực mà trả lời:

"Bẩm Hoàng sư huynh, Tại Dân ca ca có hỏi ý chúng đệ rồi, cũng có hỏi ý các thầy nữa. Chúng đệ chỉ có năm người là muốn ở lại chùa, còn lại đều rất muốn được đến trang viên của Hoàng sư huynh làm việc! Một phần là để đỡ gánh nặng cho các thầy, một phần là để được học hành và có công việc ổn định, một phần là..."

"Là gì?" Hoàng Nhân Tuấn trông thấy bộ dạng lấm lét sợ sệt muốn nói mà không dám nói của A Khôn liền nhanh chóng hiểu ý mà cúi người xuống, ghé tai lại gần đứa nhóc mà ra hiệu cứ an tâm nói tiếp. A Khôn ngoan ngoãn sợ Hoàng Nhị thiếu gia cúi người lâu mỏi lưng nên mạnh dạn nhón chân lên, "thì thầm" không nhỏ lắm vào tai y:

"Là để được ăn thịt! Bọn đệ thực sự rất thèm thịt!"

"Ái chà chà! Nương tựa nơi cửa Phật mà lại ăn nói hàm hồ như vậy sao? Có phải do ta dạy dỗ đệ chưa đủ nghiêm khắc không? Không có mái chùa này thì đệ còn sống được đến tận ngày hôm nay chắc, tại sao lại dám ngang nhiên nhắc đến việc phạm vào ngũ giới ngay trong chùa?" La Tại Dân từ đâu xuất hiện như quỷ như thần, không nương tay mà véo tai A Khôn đến đỏ ửng, dùng lực mỗi lúc một mạnh mặc cho đứa nhóc ré lên vì đau.

Hoàng Nhân Tuấn lại bày ra dáng vẻ thân thiện bảo vệ trẻ con, nắm lấy cổ tay La Tại Dân mà giật ngược lại, không hài lòng nhắc nhở hắn:

"Trẻ con chỉ nói lời thật lòng. Lũ cô nhi ở đây đã khổ lắm rồi, ngươi có cần phải khắt khe với bọn chúng như vậy không?"

"Lời thật lòng cũng phải hợp hoàn cảnh, ở nơi cửa Phật thanh tịnh như thế này mà lại nói năng phạm ngũ giới, Hoàng Nhị thiếu gia nhìn xem thế có phải là người khôn khéo không?" La Tại Dân tạm tha cho chiếc tai đã ửng đỏ của đứa nhóc nhưng miệng vẫn không chịu ngừng nói lý với Hoàng Nhân Tuấn. Lũ cô nhi ở đây tuy cũng là gánh nặng của các sư thầy nhưng tình cảm gắn bó không phải là không có, nghe hắn đề cập đến việc chuyển đi tất nhiên các sư thầy không khỏi luyến tiếc. Vậy mà A Khôn lại hồn nhiên không biết giữ mồm giữ miệng, lỡ để các sư thầy nghe được lí do lũ trẻ này muốn chuyển đi chỉ vì thèm ăn thịt thì không hay một chút nào.

Hoàng Nhân Tuấn tất nhiên hiểu chút suy nghĩ hợp tình hợp lý đó của La Tại Dân, nhưng y chưa bao giờ đồng tình với việc mạnh tay mạnh chân dạy dỗ trẻ con. Y kéo A Khôn về phía mình, đứa nhóc được đà ăn vạ nên một mực nấp sau lưng Hoàng Nhân Tuấn, dỏng tai lên mà nghe Hoàng Nhị thiếu gia "dạy dỗ" lại đại ca nhà mình:

"Uốn nắn trẻ nhỏ mà chỉ biết dùng vũ lực, vốn cũng không phải người khôn khéo."

La Tại Dân dĩ nhiên không muốn đôi co thêm với vị thiếu gia con nhà quan Nhất phẩm trước mặt, những khía cạnh khác thì tất nhiên là không bằng rồi, huống gì chữ nghĩa lẫn tác phong tao nhã của người ta hắn lại càng không thể so bì được. Có điều Hoàng Nhị thiếu gia này cương nhu không đúng lúc, dạy dỗ trẻ nhỏ mà không nghiêm khắc, không cứng rắn, không quy củ - thì lũ trẻ liệu có nên người được không? Hắn không hài lòng nhìn A Khôn cậy có Hoàng Nhị thiếu gia bảo vệ mà bĩu môi lườm hắn cả buổi, chỉ đành thở dài đôi co thêm chút nữa:

"Ta vốn chỉ là người lao động chân tay đã khô khan lại còn cứng nhắc, tất nhiên không thể khôn khéo bằng Hoàng Nhị thiếu gia. Nhưng Hoàng Nhị thiếu gia nuông chiều trẻ con lại còn dung túng cho việc ăn nói thiếu suy nghĩ của chúng như vậy, ta chỉ sợ người mang lũ trẻ về trang viên sẽ chiều hư chúng."

Hoàng Nhân Tuấn tất nhiên biết biểu cảm trên mặt A Khôn phong phú đến nhường nào, nhưng y bao nhiêu tuổi rồi mà còn chấp vặt sự ngỗ nghịch của mấy đứa nhỏ chưa đầy mười tuổi nữa chứ. Bản chất đám cô nhi ở đây đều rất ngoan ngoãn, ở nơi cửa Phật đứa nào đứa nấy trong sạch như tờ giấy trắng; y mang về trang viên đưa chúng vào quy củ một chút là có thể an tâm tất cả sẽ trưởng thành thành người tốt. Y mỉm cười vỗ vai A Khôn vài cái, ý bảo đứa nhóc đi chỗ khác cho người lớn bàn đại sự, A Khôn thông minh hiểu ý liền cúi đầu cáo từ mà quay về tiếp tục trông mấy đệ đệ bé hơn.

Đã không còn sớm nữa, mặt trời cũng dần rời thiên đỉnh, y xoay người về phía cổng, đáp lời La Tại Dân:

"La công tử lại lo lắng thừa, ta nghiêm khắc theo kiểu khác, đến lúc đó không biết chừng lũ trẻ lại tìm đến ngươi khóc than rằng ta thật độc ác cho mà xem! Ngươi theo ta qua trang viên một chuyến, vừa tiện đào thuốc cho La Phiến Phiến, vừa tiện cho ngươi xem chỗ ở mà ta đã chuẩn bị cho lũ trẻ."

Cung kính không bằng tuân mệnh, La Tại Dân hưởng phúc Hoàng Nhị thiếu gia ban cho, tất nhiên không thể tiếp tục bày ra bộ dạng không bằng lòng; an phận từng bước theo sau Hoàng Nhân Tuấn xuống chân đồi.

Hoàng Nhân Tuấn tháo vát rút dây buộc ngựa, đặt một dây cương vào tay La Tại Dân, hỏi như không hỏi:

"Ngươi cưỡi được ngựa không?"

Hỏi thế này thì có không biết cưỡi cũng buộc phải cưỡi, cũng may trước đây La Tại Dân đã có cơ hội cưỡi ngựa không ít lần. Hắn gật đầu nhận dây cương, lâu ngày không vận động nên có chút không vững vàng mà leo lên yên, trong khi đó Hoàng Nhân Tuấn chân tay nhanh nhẹn đã thúc ngựa phi được một đoạn không xa. Quả nhiên là con nhà quan, tuy lúc nói chuyện vị thiếu gia này không ngạo mạn hư trương thanh thế nhưng mọi hành động đều không giấu được nét phong nhã cao quý.

Hoàng Nhân Tuấn dẫn hắn vòng qua phía sau đồi, băng qua đường mòn lên núi mà tiến đến rừng hoa ban đang mùa khoe sắc. Rừng hoa ban này tuy xuân về lại ra hoa rất đẹp nhưng đi có mỏi chân cũng không tìm được quả rừng lẫn nấm dại, thành ra hắn cùng lũ trẻ trên chùa chỉ ghé qua vào cuối thu để gom cành khô về nhóm lửa. Đầu xuân tiết trời hẵng còn se se lạnh, mặt trời vẫn còn đủng đỉnh trên cao mà nắng chỉ mang màu vàng nhàn nhạt thiếu sức sống; bù lại muôn hoa trong rừng ưa lạnh mà nở tung khoe sắc thắm, khung cảnh dịu dàng tinh khiết thực sự lay động lòng người.

Hoa ban trắng không phải là biểu tượng của Thiên Châu Quốc, cũng không phải loài hoa mà người thuộc hoàng tộc hay giới quý tộc yêu thích thưởng ngoạn. Có lẽ trong mắt những vị công tử tiểu thư trong kinh thành thì loài hoa này quá đơn điệu và nhàm chán, bởi vậy nên rừng hoa ban nơi vùng núi Thiên Châu Quốc luôn giữ được vẻ đẹp tĩnh lặng đặc trưng của riêng nó, quanh năm chỉ có gió cùng nắng bầu bạn với rừng cây, con người chẳng mấy khi đặt chân đến làm xáo trộn vẻ đẹp thanh khiết nguyên thủy của rừng.

Trời chưa hết lạnh, càng vào sâu trong rừng càng dễ lầm tưởng như Hoàng Nhân Tuấn đang dẫn hắn ngược dòng thời gian quay trở về với trời đông rét buốt. Vó ngựa đạp đến đâu liền phá vỡ kết giới tĩnh lặng của thiên nhiên đến đó, hương hoa ban thoang thoảng được giải phóng khỏi chút hơi tàn lạnh giá của mùa đông, bấy giờ hắn mới chân chính cảm nhận được chính mùa xuân đã khiến cả rừng hoa này nở rộ. Y phục cả hai người mặc đều rất mỏng, Hoàng Nhân Tuấn ở phía trước chỉ khoác một bộ thường phục màu nâu be đơn giản, khác hoàn toàn với họa tiết quan Nhất phẩm y từng diện ở hội thiên đăng. Dây búi tóc màu trắng phất phơ theo gió giản dị đến không tưởng, nếu không phải y có cài thêm một chiếc chuông đồng nhỏ - giống y hệt hai chiếc chuông khổng lồ dựng trước phủ Hầu Gia - thì hắn sẽ không tin vị công tử trước mặt mình đây chính là quý tử nổi danh khắp kinh thành của Hoàng Hầu Gia oai phong lẫm liệt.

La Tại Dân mạnh dạn thúc dây cương, cho ngựa phi song song cùng Hoàng Nhân Tuấn, cất giọng át tiếng gió:

"Rừng hoa ban này rất đẹp, cớ sao lại ít người ghé qua thưởng ngoạn đến vậy chứ?"

"Người trong kinh thành rất trọng thể diện, cho rằng hoa ban trắng thấp kém, rừng hoa ban cũng thô kệch không thanh tao, không xứng đáng để bọn họ bỏ công vãn cảnh", Hoàng Nhân Tuấn thong dong đáp lời, đối với y thì hoa thơm cỏ lạ trong thiên hạ chỉ có hai loại, một loại có thể làm thuốc còn một loại thì không thể; chính vì thế mà trước nay y vốn không quan tâm đến thể diện thưởng hoa. Thưởng hoa còn phải tìm loài hoa có "thể diện" ư, rốt cuộc thứ mà người ta thưởng đã không còn là hoa nữa - mà là thể diện của chính mình. "Nhưng ngươi đừng để bản thân bị lây nhiễm kiểu tư tưởng văn vở phô trương mà rỗng tuếch kia! Hoa ban nếu thật sự thấp kém đến vậy, mẹ thiên nhiên còn để chúng nở rộ đầy kiêu hãnh thế này sao?"

Rõ ràng là nắng xuân trên đường mòn lên núi không có chút tươi tắn nào, khắp nơi chỉ là một lớp sương màu vàng nhàn nhạt còn đọng chút hơi đông, ấy vậy mà La Tại Dân lại cảm thấy vị Hoàng Nhị thiếu gia đang tiêu dao cưỡi ngựa kia mang trên mình sức sống rực rỡ đến lạ. Y giản dị như hoa ban trắng, không phô trương sắc màu rực rỡ, không tỏa hương ngan ngát thu hút yến oanh, càng không ham muốn người người đến vãn cảnh thưởng ngoạn.

Vốn là dân đen nghe được nhiều lời đồn không hay về tham quan nhiễu nhương lấn át khí thế của bậc quân vương trong triều đình, La Tại Dân lần này thông qua tác phong lẫn con người của Hoàng Nhân Tuấn liền hiểu được vì sao Hoàng Hầu Gia trấn giữ biên cương nhiều năm vẫn luôn được muôn dân trong thiên hạ ngợi ca là người đức cao trọng vọng.

Hoàng Nhân Tuấn dẫn hắn đến một trang viên nằm sâu trong rừng. Trang viên nằm cạnh một con suối lớn, hai người phải buộc ngựa bên kia suối để lội sang trang viên; đất trang viên tuy không rộng như hắn tưởng tượng nhưng phương pháp trồng thuốc của y rất lạ, y dựng hàng loạt giàn gỗ lớn với nhiều tầng đất chồng lên nhau để trồng cây, tưới nước cũng tưới từ trên giàn cao nhất tưới xuống. Người trông coi trang viên không nhiều nhưng ai nấy cũng cường tráng, La Tại Dân phải tự đặt câu hỏi đây có thật sự là trang viên trồng thuốc đơn thuần không - hay lại là một căn cứ luyện binh nào đó của phủ Hầu Gia.

"Ta trồng rất nhiều bài thuốc quý, từ lương y cho đến hạ nhân ở đây đều phải biết chút võ công để tự phòng vệ, bảo toàn vườn thuốc hiếm của ta. Vào đây học việc cũng được coi là sống bằng tiền của quan nhà tướng rồi, tất nhiên yêu cầu rất khắt khe, có thể không biết gì về thuốc nhưng nhất định phải biết một chút thủ thuật phòng thân. Có điều "một chút" của mấy vị huynh đài này hình như hơi quá, ai nấy cũng nhìn hơi cường tráng so với một nông dân bình thường dưới kinh thành. Ngươi đừng để bị dọa sợ, người ta cũng chỉ trồng thuốc thôi", Hoàng Nhân Tuấn hiểu hắn đang nghĩ gì, liền không nhanh không chậm giải thích, coi như cũng để cho hắn chắc chắn rằng lũ cô nhi chuyển về đây sống sẽ được dạy dỗ rất bài bản và tử tế. Y không hề nói suông, tuy là con nhà tướng nhưng y không khắc nghiệt dùng vũ lực như phụ thân, y nghiêm khắc theo kiểu khác mà vẫn đảm bảo bất kì kẻ học việc nào cũng đi vào quy củ.

"Đa tạ Hoàng Nhị thiếu gia, trang viên này quả thực rất phù hợp với lũ trẻ. Được Hoàng Nhị thiếu gia dày công dạy dỗ, ta không phải lo lũ trẻ khó nên người."

Hoàng Nhân Tuấn bĩu môi, người này mấy khắc trước còn dám đặt nghi vấn rằng liệu y có chiều như lũ cô nhi không, bây giờ được chứng kiến cơ ngơi hoành tráng của y thì lại bày ra dáng vẻ tâm tĩnh như nước mà khen ngợi; quả thực nếu không phải vì y nhìn tướng liền biết hắn là kẻ quân tử, y nhất định đã đánh một trận cho bõ ghét.

"Hừ, biết vậy là tốt. Đi, ta và ngươi ra bờ suối đào thuốc cho muội muội ngươi. Bệnh của La cô nương chỉ cần vài bài thuốc an thần đơn giản, tạm thời chưa cần đến mấy vị thuốc quý trong trang viên của ta."

Nói là ta và ngươi nhưng thật ra chỉ có mỗi Hoàng Nhân Tuấn đào thuốc, hắn vụng về không phân biệt được rễ thuốc này lẫn rễ thuốc kia nên chỉ có thể giúp y sàng đất rửa rễ cho sạch. Vị thiếu gia này có lẽ quanh năm suốt tháng chỉ ngồi trong y quán thăm khám bệnh cho bách tính, làn da có chút nhợt nhạt, cổ tay dùng lực xới đất nổi lên mạch máu xanh xao thiếu dưỡng chất.

"Hoàng Nhị thiếu gia bình thường ăn uống không ngon miệng sao?" La Tại Dân chẳng mấy chốc đã thấy thân quen với bộ dạng giản dị của Hoàng đại phu, không kìm được tò mò mà cất tiếng hỏi.

Hoàng Nhân Tuấn cần mẫn đào thuốc, nhìn xuống đôi tay có hơi gầy guộc của mình, không phụ lòng tốt cùng sự tinh tế của La Tại Dân mà thành thật trả lời:

"Ta đương nhiên ăn ngon miệng hơn lũ cô nhi ở chùa nhà ngươi gấp mười lần. Dạo này ta gầy gò xanh xao thế này là vì bị Hoàng thượng lẫn Kinh Triệu Doãn bắt tay nhau chèn ép, khiến ta làm việc lao lực, bồi bổ bao nhiêu cũng lãng phí hết cả. Ngươi đấy, trông coi La Phiến Phiến kĩ một chút, đất kinh thành này có thêm một người mất tích là ta lại bị hai con người vô lương tâm kia hành hạ dã man thêm một lần! Lũ bắt cóc La Phiến Phiến lần trước tuyệt đối không dễ tha cho nàng vậy đâu!"

La Tại Dân vừa nghe xong sắc mặt liền trắng bệch, Hoàng đại phu vừa ngang nhiên phạm tội khi quân ngay trước mắt hắn; lỡ như để kẻ khác nghe được có phải hắn cũng bị chém đầu luôn không?

"Hoàng Nhị thiếu gia bớt giận, không muốn bớt giận thì cũng đừng để ta bị vạ lây..."

"Ngươi sợ cái gì? Ông già đó tuyệt đối không có lương tâm, tưởng thiên tử là oai lắm sao? Mấy vị hoàng tử lẫn công chúa đổ bệnh vẫn cứ phải đập cửa phủ ta mời ta đến thăm khám đấy thôi; nếu không có ta thì con của hắn đến một cọng tóc cũng không còn! Hậu cung đấu đá kịch liệt đến nhường nào chắc ngươi khó mà tưởng tượng được; phi tần vì ân sủng mà hạ tay với con cái của nhau, hắn thì lại độc sủng một nam nhân khác, cùng nam nhân đó đè đầu cưỡi cổ ta, bóc lột sức lao động của ta. Huống gì luận theo vai vế, tuổi tác hắn có lớn hơn nhưng hắn vốn là do cô cô ta thân sinh, hắn đáng phải gọi ta một tiếng biểu ca mới phải. Ngươi nói xem, loại người như vậy dĩ nhiên không biết hai chữ lương tâm viết như thế nào rồi!" Tay Hoàng Nhân Tuấn dùng lực mạnh hơn, từng động tác thô bạo như muốn nhắc nhở La Tại Dân một điều rằng: ở cùng ta một là phải biết ta không thích Hoàng thượng, hai là không phải sợ việc Hoàng đại phu ta đây khi quân bất kính.

La Tại Dân không nghĩ Hoàng Nhị thiếu gia lại to gan đến vậy, dẫu biết Hoàng Quý phi của Tiên đế thân là muội muội Hầu Gia nhưng hạ sinh Hoàng thượng lại đã là dòng dõi hoàng tộc rồi, Hoàng Nhân Tuấn dĩ nhiên phải một lòng trung kính thiên tử - kể cả thân tâm không thực sự trung kính thì cũng phải biết sợ chết mà giữ mồm giữ miệng, chỉ nên nói những lời nên nói. Tâm trạng bộc phát bất thường của Hoàng Nhân Tuấn khiến hắn có chút lo lắng, tay sàng đất cũng chậm rãi nhẹ nhàng hơn một chút, mãi một lúc mới dám mở miệng đánh tiếng một câu:

"Có lẽ Hoàng Nhị thiếu gia có kim bài miễn tử nên mới coi Hoàng thượng là người ngang vai phải lứa, nhưng ta cùng lũ cô nhi ở chùa thân phận thấp kém, tuyệt đối không thể nghe, lại càng không thể tin những lời phỉ báng đấng quân vương như vậy được. Lũ trẻ về đây học việc, xin Hoàng Nhị thiếu gia xem xét ngôn hành cẩn thận, kẻo chúng lại vạ lây tội khi quân."

"Vậy sao? Ngươi xem nhẹ sự cương trực của Hoàng thượng quá rồi, hắn ta mà trọng thể diện đến mức dễ tự ái như vậy, đời nào đòi có được lòng trung thành của ta đây?" Hoàng Nhân Tuấn bật cười, dùng sức kéo nốt chùm rễ thuốc cuối cùng lên, đặt vào rổ sàng đất của hắn mà trào phúng: "Phỉ báng bịa đặt thì mới là khi quân, nói sự thật sao có thể là khi quân được? Chỉ vì tự ái mà phán tội dân đen khi quân, không chịu lắng nghe lời khóc than của muôn dân để hạ chiếu bình thiên hạ, vậy mà còn xem là bậc minh quân được sao? Ở với ta phải hiểu được nghĩa khí của ta, đế vương liêm chính thì hầu đế vương, đế vương bất liêm thì đảo chính phế bỏ; không có gì phải sợ!"

Chính bởi vì Hoàng Nhị thiếu gia này không sợ trời, không sợ đất lại càng không sợ chết nên La Tại Dân mới thấy sợ. Hắn chỉ mong trang viên nằm sâu trong rừng này đủ kín đáo và riêng tư để người ngoài không vô tình nghe được mấy lời to gan của Hoàng Nhân Tuấn, bằng không thì hắn cùng lũ trẻ khó mà tránh khỏi vạ lây. Hoàng gia qua bao đời đều nắm giữ những vị trí quan trọng nơi tiền triều lẫn hậu cung, mấy năm nay Hầu Gia Hoàng Liễu cùng thừa tướng Hoàng Quán Hanh còn lập công nhiều vô kể, Hoàng Nhân Tuấn ở phủ Hầu Gia coi như cũng được hưởng hậu đãi hơn người. Nếu hắn cũng được sinh ra trong một gia tộc hiển hách như vậy, chắc chắn hắn sẽ biết điều mà giữ mồm giữ miệng hơn.

"Hoàng Nhị thiếu gia nói chí phải, song đối với những người không có mắt nhìn người lại không có tài trị an xã tắc như ta, tốt nhất vẫn nên lựa lời mà nói thì hơn."

Có vậy cũng bị dọa sợ, Hoàng Nhân Tuấn chỉ hận không mang hết đủ mọi tật xấu trên đời của Hoàng thượng từ thời niên thiếu ra mà kể cho hắn nghe. Y cho người gói thuốc lại thành từng thang, còn tiện thể mang thêm vài túi trà khô về kinh thành nhâm nhi cho đỡ chán. Hai người lại lội sang bên kia bờ suối rút dây buộc ngựa, tiếp tục băng qua rừng hoa ban về chùa Minh Đạo. Gió trong rừng đã bớt lạnh hơn, Hoàng Nhân Tuấn còn muốn nhân dịp ra ngoài này để thị sát mấy chi nhánh Hoàng Dược Đường rải rác trong kinh thành, liền thúc ngựa chạy nhanh hơn một chút.

La Tại Dân đã lâu không cưỡi ngựa, hiện tại không quen phi ngược chiều gió, nửa đầu trước như trúng gió mà đổ mồ hôi lạnh, khung cảnh trước mắt chợt mờ nhòe đi trông thấy. Hắn không trụ được cơn choáng váng bất chợt đổ xuống, chỉ đành kìm dây cương, con bạch mã hí lên một tiếng thật dài rồi mới từ từ dừng lại.

Hoàng Nhân Tuấn nghe tiếng ngựa hí liền ngay tức khắc ngoái đầu, nhận thức được tình hình bất ổn của La Tại Dân bèn cho ngựa vòng lại.

"Ngươi không sao chứ? Cũng không thể tự nhiên trúng gió ngay vậy được, trước đây có bị đau đầu rồi sao?"

"Làm phiền Hoàng đại phu rồi, ta từ bé đã dễ đau đầu mỗi lần thay đổi thời tiết. Chẳng qua hôm nay cưỡi ngựa ngược chiều gió, rừng hoa ban cũng có chút lạnh, cơ thể không thích ứng kịp thôi."

Cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm, may mà trước khi rời khỏi trang viên y đã lấy thêm vài túi trà khô. Hoàng Nhân Tuấn lấy từ trong tay nải ba túi trà, đưa lên mũi ngửi cẩn thận, cuối cùng đưa cho hắn một túi nhỏ màu xanh lam:

"Cho ngươi, là trà hoa cúc. Cũng chỉ là trà bình thường, không chữa được bệnh nhưng tình trạng đau đầu sẽ đỡ hẳn, sau này chuyển về trang viên của ta rồi thì cứ uống thường xuyên cho đỡ."

"Tạ Hoàng Nhị thiếu gia."

Hoàng Nhân Tuấn vốn muốn về kinh thành thật nhanh, bây giờ đành để ngựa đi chậm lại. Hai người một trước một sau thong dong dẫn ngựa đi trên đường mòn xuống núi, chiều càng ngả bóng, rừng hoa ban trắng muốt độ cuối xuân càng ngát hương. La Tại Dân theo sau, mắt không rời chiếc chuông đồng nhỏ trên dây búi tóc màu trắng của Hoàng Nhân Tuấn, so với nhụy hoa ban mỏng manh mềm mại trên cao còn toát ra vẻ thanh tao gấp vạn lần.

Túi trà hoa cúc đặt dưới nếp áo trước lồng ngực hắn tỏa hương nhàn nhạt, cơn choáng váng tuy đã không còn nhưng mắt hắn không nhìn rõ khung cảnh xung quanh nữa. Tiếng vó ngựa đều đều giẫm lên màu nắng giòn tan trên mặt đất, phía trước có trăm hoa đua nở, hắn chỉ trông thấy độc nhất bờ vai ung dung của Hoàng Nhân Tuấn.

Sạch sẽ, tinh khiết hơn màu hoa ban trắng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro