Chương 6: Bỏ Trốn 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bước vào phòng khách, Nguyễn Đức Trung cho gia nô ra ngoài hết rồi vội quỳ sụp dưới chân Lê Tuấn mà than:

- Hôm nay bệ hạ giá lâm mà không cho thần biết trước...

Chưa kịp nói hết câu, Lê Tuấn đã đưa tay ra ngăn lại:

- Ấy! Ở đây không phải là hoàng cung, cứ gọi ta là Lê thị vệ. Cũng không cần hành lễ khiến người ngoài thêm chú ý.

- Bệ... à không! Lê thị vệ nói chí phải! – Nguyễn Đức Trung cúi đầu vâng lệnh.

Lê Hạo vốn thân thiết với anh trai từ nhỏ, chàng cứ giữ lối xưng hô thân thiết mà rằng:

- Hôm nay anh đột ngột đến đây không biết có việc gì? Sao không báo trước để em cho người chuẩn bị! Anh thân phận cao quý, cứ đường đột mà xuất hiện có khi dọa chết người ta đấy!

Lê Tuấn cười hì hì đáp:

- Thì đúng là anh muốn dọa em mà!

Nguyễn Đức Trung lau mồ hôi trên trán mà thưa:

- Thần đây mới là người bị dọa cho hồn bay phách lạc!

Lê Tuấn thân mật đỡ Nguyễn Đức Trung đứng dậy, chàng lấy trong ống tay áo ra một quyển sách mỏng cũ kỹ ố vàng, đoạn nói:

- Đây là bản ghi chép gia phả và các mối quan hệ của đại thần tiền triều Nguyễn Trãi, ta có việc nhờ Nguyễn đại nhân giúp!

Nghe đến tên Nguyễn Trãi, Nguyễn Đức Trung lạnh toát cả người, ông kín đáo đưa ánh nhìn về phía Lê Hạo đang đứng bên cạnh nhưng tuyệt nhiên không nhận được hồi đáp nào. Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành trước nay vẫn thế, dù cho hoàn cảnh nào gương mặt ấy vẫn giữ nguyên nét lãnh đạm vô cảm làm người ta khó lòng đoán biết cảm xúc thật của chàng. Do dự một chút, Nguyễn Đức Trung ngập ngừng hỏi:

- Tại sao Lê thị vệ muốn điều tra việc này? Cả nhà Nguyễn Trãi đã bị tru di hết rồi mà?

Lê Tuấn nghe xong câu hỏi thì rơi vào trầm mặc. Chàng bước đến gần cửa sổ nhìn ra khoảnh sân thơ mộng bên ngoài. Nắng vàng rực rỡ xuyên qua kẽ lá đổ xuống mặt đất muôn vạn hình thù kỳ dị. Tán cây rõ ràng rất rộng lớn và xanh tốt, nhưng cái bóng dưới đất chỉ là một mảng đen nhấp nháy mơ hồ, nếu chỉ nhìn cái bóng đen bé nhỏ đó mà phán đoán hình dạng thật của tán cây thì xem ra đã phụ cả một hình hài đẹp đẽ mà nó mang đến cho khu vườn này. Lê Tuấn hạ giọng bày tỏ nỗi lòng với Nguyễn Đức Trung:

- Nguyễn Trãi từng là vị đại công thần khai quốc, công trạng và đức độ không chỉ dùng vài từ mà tả hết! Ta không thấy ông ấy có lý do gì để làm hại Thái Tông. Hơn nữa, nếu vụ án này không được làm rõ, thì người mang tiếng xấu ngàn đời không chỉ có gia đình Nguyễn Trãi...

Lê Hạo ánh mắt khẽ động, chàng ngước nhìn anh trai một lúc lâu rồi hỏi:

- Anh muốn minh oan cho Nguyễn Trãi?

- Vậy thì trước hết phải tìm ra chứng cứ ông ta bị oan trước đã! – Lê Tuấn cười hiền.

Nguyễn Đức Trung kính cẩn dùng hai tay đỡ lấy quyển sách từ tay Lê Tuấn, ông chỉ vâng lệnh đi truy tìm gia quyến may mắn còn sống sót của Nguyễn Trãi, tuyệt nhiên không hỏi thêm câu gì.

Tiễn hai anh em Lê Tuấn ra đến cổng phủ đệ, Nguyễn Đức Trung đứng lặng người nhìn theo cho đến khi bóng họ khuất hẳn. Gió hè thổi qua man mát, lòng dâng lên bao kỷ niệm ngày cũ với người ân nhân chí tình, Nguyễn Đức Trung chợt thấy mắt nhòe đi, ông thở dài quay lưng nhìn về nơi hậu viện, chỗ ở của hai chị em Thu Đào và Thu Hằng suốt mười lăm năm nay. Chậm rãi bước vào nhà, Nguyễn Đức Trung căn dặn ông Ký quản gia:

- Ông Ký này, từ đây hễ thấy vị công tử họ Lê lúc nãy thì nhớ đón tiếp cho trang trọng nhé!

- Dạ, thưa ông! – Ông quản gia chấp hai tay trước ngực đáp.

*****

Lục Thủy Hồ (1*) giữa kinh thành Thăng Long nước xanh như ngọc, từ lúc Lê Tuấn hiểu chuyện đến bây giờ nó vẫn luôn như thế, vẫn ung dung đứng giữa kinh đô này cùng truyền thuyết Thái Tổ hoàn thành đại nghiệp xong đã trả tiên kiếm cho thần Kim Quy. Chàng lớn lên trong gia đình đế vương quyền quý, luôn tự hào mình mang trong người dòng máu anh hùng của Thái Tổ mà chưa từng mảy may nghi ngờ thân thế. Cho đến một năm trở lại đây, loạn đảng nổi lên ở vùng Thanh Hoa(2*), chúng lấy cớ đương kiêm Hoàng Thượng Đại Việt có lai lịch bất minh rồi tự xưng là nghĩa quân để chiêu binh mãi mã chống lại triều đình. Từ đấy, mặc cho Thái Hậu nhiều lần thề độc, mặc cho các đại thần trong triều hết lòng phò tá, Lê Tuấn vẫn không phút nào ngưng suy tư về nguyên cớ của việc này. Không có lửa làm sao có khói? Hơn nữa, dựa theo ngày sinh tháng đẻ thì quả nhiên chàng đã ra đời chỉ sau sáu tháng Nguyễn Thần Phi (3*) nhập cung, chẳng trách quân phản loạn lại có cớ mà nổi dậy.

Hai chiếc bóng thiếu niên sóng đôi nhau in xuống mặt hồ xanh biếc, gió hè khẽ đưa làm lay động cành liễu trước mặt Lê Tuấn, chàng đưa tay lên ve vuốt những cành lá xanh mướt, mắt lơ đảng nhìn ra mặt hồ nói bâng quơ:

- Mùa hè đẹp đẽ như vầy mà lại sắp qua mất rồi! Thế gian vật đổi sao dời, vốn chẳng có gì là mãi mãi hết!

Lê Hạo đứng sau lưng lặng lẽ nhìn theo bóng lưng của anh trai khẽ khàng đáp:

- Thời thế đổi thay là việc của trời, tận nhân lực xong mới truy thiên mệnh (4*), anh đừng mãi nghĩ ngợi làm gì!

Lê Tuấn nhếch môi bày ra một nụ cười ấm áp tỏ ý biết ơn vì lời động viên của em, chàng xoay người vỗ vỗ vào vai Lê Hạo. Đoạn đổi chủ đề sang việc hôn sự của cả hai:

- Chuyện của em và nhị tiểu thư Thu Hằng đến đâu rồi? Sang năm anh em ta cùng cưới vợ nào!

Lê Hạo trầm ngâm một lúc rồi cố nặn ra nụ cười gượng gạo, chàng đáp:

- Em và Thu Hằng biết nhau từ bé, mối duyên này vốn định sẵn từ trước rồi! Còn anh? Sao tự nhiên lại chọn đại tiểu thư vậy?

Lê Tuấn xoè cây quạt trên tay phe phẩy, chàng lại hướng ra mặt hồ sóng gợn lăn tăn mà trả lời như thể muốn tâm sự với cả đất trời:

- Chắc là do ông trời đã định sẵn kiếp này ta và nàng ấy có duyên!

Chữ "duyên" thốt ra từ miệng anh trai làm Lê Hạo nghe tim đau nhói. Chàng thoáng nở một nụ cười như tự nhạo chính mình, bởi chữ "duyên" này đối chàng và Thu Đào thì thật quá đổi xót xa. Kiếp này Lê Hạo cùng Thu Đào cũng chỉ có mỗi chữ duyên nên không níu giữ được mối tình thời niên thiếu. Lê Hạo đứng bên cạnh trộm nhìn anh mình, rồi chàng nhớ đến mẹ là Tiệp Dư tiền triều Ngô Thị Ngọc Dao mà nén tiếng thở dài tự nhủ:

- Nếu bây giờ ta nói thật với Hoàng Thượng thì sẽ thế nào đây? Anh ấy có nhường nàng cho ta không? Nếu không may anh ấy tức giận thì ta và mẹ sẽ mang trọng tội mất! Không được! Ta không thể làm liều...

Mặt trời chênh chếch về phía tây, nắng chiều vàng vọt rọi xuống mơn man trên gương mặt chàng thiếu niên đang gánh trên vai cả giang sơn rộng lớn. Lê Tuấn lặng im nghĩ về những chuyện vừa qua mà không khỏi tự cười nhạo chính mình. Rõ ràng là một bậc đế vương quyền lực đứng đầu thiên hạ, vậy mà hết thảy mọi thứ thuộc về mình đều không thể lựa chọn theo ý muốn. Từ lúc chàng hiểu chuyện thì ngôi trời đã sẵn thuộc về mình, có muốn ngồi hay không thì mọi sự đã rồi. Hay đến việc chọn bạn bè để cùng nhau qua thuở thiếu thời cũng phải do Thái Hậu ủng hộ mới được. Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành, cũng là hoàng tử thứ tư của Lê Thái Tông vốn rất hợp ý Lê Tuấn, từ nhỏ chàng đã thích cùng em trai cùng học chữ nghĩa, cùng luyện võ nghệ, Thái Hậu tuy ngoài mặt không ngăn cấm và tỏ ra thương yêu Lê Tư Thành như con đẻ, nhưng luôn luôn cảnh tỉnh Lê Tuấn không được quá thân thiết với người em trai này, đặc biệt là những quyết định hệ trọng về chính sự càng không thể chia sẻ được. Đến cả cái tên thân mật "Lê Hạo" của em mình cũng chỉ có thể gọi khi không có mặt người ngoài.

Năm nay, vị vua trẻ đã tròn mười sáu tuổi, Thái Hậu và các quan đại thần ngày đêm hối thúc để vua sớm ngày lập hậu lập phi, cốt sao cho đông cung sớm có chủ (5*), ngai vàng của Lê Tuấn càng thêm vững chắc. Thì một lần nữa, việc chọn người bầu bạn cả đời cũng không thể tự mình lựa chọn theo ý nguyện. Thế là lần này Lê Tuấn quyết ngang bướng một phen, chàng nhất định không tuân theo lời Thái Hậu mà lập con gái của đại Nguyễn Xí làm Quý Phi. Qua nhiều ngày cố tình phớt lờ lời hối thúc của Thái Hậu, rốt cuộc Lê Tuấn cũng đã có đối tượng do mình lựa chọn, hoặc có khi là do ông trời bắt chàng lựa chọn như thế. Vậy là bên cạnh việc chọn Nguyễn Ngọc Tú - con gái của Nguyễn Xí, Lê Tuấn cương quyết chọn thêm con gái lớn của Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung – Nguyễn Thị Thu Đào vào cung bầu bạn.

Trong lúc viết chiếu chỉ gửi đến phủ Điện Tiền, Lê Tuấn không ngừng suy nghĩ về cục diện triều đình sau khi mình lập cung tần. Nguyễn Xí là công thần khai quốc từ thời Lê Thái Tổ, binh quyền trong tay vị võ tướng này không phải nhỏ, Thái Hậu vì muốn lôi kéo thêm vây cánh cho vua trẻ nên mới khuyên Lê Tuấn lập Nguyễn Ngọc Tú làm Quý Phi. Tuy nhiên, Lê Tuấn vẫn còn nhớ bài học về quyền thần Lê Sát lấn át chúa thượng(6*) dưới triều của vua cha Lê Thái Tông nên rất cẩn trọng với Nguyễn Xí và binh lực trong tay ông ta. Nếu như Lê Tuấn nạp con gái của Nguyễn Xí làm quý phi thì quyền thế trong triều của ông ta càng thêm hùng mạnh. Vì vậy, để cân bằng lại cục diện, Lê Tuấn quyết định lập thêm con gái của đại thần Nguyễn Đức Trung làm Chiêu Nghi hoặc Tiệp Dư. Có Nguyễn Đức Trung trấn giữ một bên, cùng với tướng quân Đinh Liệt vốn trung thành với Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành và đương kiêm thánh thượng, Nguyễn Xí có muốn lạm quyền cũng không được.

Sau khi gửi chiếu chỉ đi, dẫu biết tương lai sẽ có một lúc hai mỹ nhân nhưng Lê Tuấn chẳng mảy may nhìn lấy tranh chân dung của họ dù chỉ một lần. Cho đến một hôm, thái giám Đào Biểu ôm hơn mười bức tranh chân dung các tiểu thư con nhà quan lại đến khẩn khoản mong nhà vua dành chút thời gian xem qua. Nhưng trong lúc bận rộn phê duyệt tấu chương LêTuấn đã quên mất, bỏ mặc Đào Biểu đứng bên cạnh ngủ gà ngủ gật. Trong lúc mơ màng Đào Biểu đã đánh rơi một bức tranh trúng ngay đầu vua nên hốt hoảng quỳ xuống xin tội. Vốn là vị vua nhân từ luôn xem thái giám thân cận là bậc cha anh, chàng chỉ cười hiền từ, nhặt bức tranh lên thuận tay để lên bàn, xong lệnh cho Đào Biểu:

- Đào Biểu, Trẫm biết ngươi muốn tốt cho Trẫm, nhưng đã khuya lắm rồi, cho phép ngươi về nghỉ ngơi. Cứ để các bức họa lại đây, Trẫm hứa sẽ xem hết trong vòng ba ngày!

Đào Biểu vui mừng lạy tạ:

- Tạ ơn Hoàng Thượng, chỉ cần Người mau chóng lập cung tần là thái hậu và nô tài sẽ hết sức vui mừng!

Đào Biểu vái chào rồi lui ra. Lê Tuấn nhìn theo và lắc đầu nghĩ đến Thái Hậu và Đào Biểumà không khỏi bật cười, lấy vợ là chuyện của chàng mà xem ra hai người này là nôn nóng nhất. Ngày ngày hối thúc còn hơn các đại thần hối thúc chàng phê duyệt tấu chương nữa.

Khoảng giờ Sửu (7*), Thừa Càn Cung trở nên vắng lặng giữa đêm tịch mịch. Ánh sáng vàng vọt của những ngọn nến soi bóng vua nghiêng nghiêng trên vách tường. Chợt cơn gió lạnhtừ cửa sổ ùa vào làm những đốm lửa bé tí chới với cố bám víu vào tiêm nến hồi lâu rồi tắt hẳn.

Căn phòng chìm vào bóng tối mờ ảo.

Lê Tuấn thấy mình đang đứng trong một vườn hoa nhỏ, tay cầm chiếc ô đứng nhìn về cửa sổ của một căn phòng. Một mỹ nhân đang ngồi trong đó, ánh mắt nàng hướng về Lê Tuấn và mỉm cười. Trong khoảnh khắc ánh mắt chạm nhau, linh tính trong lòng mách bảo LêTuấn rằng đây chính là người con gái kiếp này mình sẽ hết lòng thương yêu và chờ đợi không biết tự kiếp nào, trong tiềm thức chàng vui mừng nói như reo:

- Ta đợi nàng đủ lâu rồi đấy!

Đang lúc dời bước muốn chạy đến khung cửa sổ để nhìn cho rõ mặt người đẹp, Lê Tuấn chợt cảm nhận có ai đó từ phía sau vỗ vỗ vào vai chàng thì thầm:

- Đã đến giờ Dần, mời Hoàng Thượng tỉnh dậy chuẩn bị thượng triều!

Lê Tuấn mở choàng mắt, gương mặt quen thuộc của Đào Biểu xuất hiện làm chàng hiểu ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Phê duyệt tấu chương cả đêm làm chàng uể oải vươn vai ngáp dài, đang định lau mặt cho tỉnh táo thì Lê Tuấn bắt gặp ánh mắt Đào Biểu đang dán chặt lên bàn tấu chương, hắn che miệng mà cười khúc khít, nói:

- Hoàng Thượng nhất ngôn cửu đỉnh, nô tài đa tạ người đã giữ lời hứa mà xem cho kỳ hết số tranh chân dung này!

Lê Tuấn chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, chàng theo quán tính đưa mắt xuống bàn tấu chương, nơi Đào Biểu đang chăm chú nhìn từ nãy đến giờ. Bức tranh vẽ Thu Đào, congái của Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung đang mở ra đặt ngay ngắn tự bao giờ, vàrõ ràng là Lê Tuấn đã úp mặt lên đó mà ngủ cả đêm qua.

****

Mãi thả hồn theo dòng suy nghĩ, Lê Tuấn không hay biết mình cùng Lê Hạo đã về đến cổng chùa Huy Văn từ khi nào. Trời nhá nhem tối, cái nóng buổi trưa hè chưa tan khiến chàng cầm chiếc quạt giấy phe phẩy mãi không ngơi tay, chốc chốc lại đưa tay áo thấm mồ hôi lấm tấm trên trán. Thấy anh trai đi bộ một đoạn đường khá xa nên xem chừng đã thấm mệt, Lê Hạo mở lời mời mọc:

- Hay đêm nay anh đừng về cung nữa, ở lại đây anh em ta cùng uống rượu ngâm thơ!

Lê Tuấn mỉm cười nhìn em rồi đi một mạch qua cổng tam quan của nhà chùa.

Trăng đêm mười sáu tròn vành vạnh.

Sen trong hồ Cẩm Lý đang độ hoa nở rộ, hương thơm lẫn vào không khí tản mác khắp tiền viện, len lõi cả vào tách trà nóng hổi trên tay Lê Tuấn. Chàng vốc một nắm thức ăn rải xuống nước, đàn Cẩm Lý (8*) đủ màu sắc trắng, đen, vàng, đỏ ngoe nguẩy vây đuôi kéo đến, chúng uốn lượn khắp mặt hồ như đang múa hầu đức vua.

Lê Hạo cầm trên tay đĩa bánh trôi (9*) đặt xuống trước mặt anh trai rồi mỉm cười bắt chuyện:

- Hôm nay rồng lại đến nhà tôm, em có ít điểm tâm quê mùa mang ra mời anh tạm vậy!

Lê Tuấn cười ha hả đáp:

- Rồng thì đúng, nhưng Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành của bổn triều chắc chắn không phải là tôm rồi!

Lê Hạo đón nhận lời khen ý tứ của vua với một thái độ khiêm nhường, chàng chấp hai tai ngang ngực lém lỉnh thưa:

- Vâng, muốn theo phò tá được cho thiên tử thì bản thân ít nhất cũng phải là giao long hay kỳ lân (10*) nhỉ?

Lấy một cái bánh trôi đưa lên miệng, Lê Tuấn vừa nhai vừa nói một cách thoãi mái như thể mình chỉ là một công tử nhà bình dân, không hề chú ý đến những nghi lễ rườm rà của hoàng tộc. Chàng nháy mắt nhìn Lê Hạo nói:

- Đúng! Sắp tới có một việc cần em giúp đây!

Lê Hạo mở to mắt nhìn anh chờ lệnh.

Vị vua trẻ nuốt miếng bánh xong lại nhấp một ngụm trà, đoạn ngã lưng tựa ghế mà ngắm trăng, phong thái ung dung nhàn hạ. Lê Tuấn hạ giọng nói nhỏ vừa đủ nghe:

- Anh sẽ đến Tây Kinh điều tra xem cầm đầu loạn đảng là ai. Vì sao hắn lại nói anh không phải con cháu họ Lê.

Miệng thì đang nói đến một vấn đề cực kỳ hệ trọng, nhưng Lê Tuấn lại dùng cái tư thế không thể nào thoãi mái hơn được, cứ như việc ấy chẳng phải quốc gia đại sự, hoặc đấy là vấn đề của ai đó chứ không phải bản thân chàng. Lê Hạo bước đến gần vua, chàng nhíu đối mày rậm tỏ vẻ e ngại:

- Anh đi nhớ phải mang theo ngự tiền thị vệ đáng tin tường, cấm vệ quân theo hầu cũng phải lựa chọn kỹ lượng. Đang lúc có phản tặc muốn làm loạn, anh chớ nên bất cẩn.

Lê Tuấn cười hiền:

- Có Lý Lăng là đủ!

- Sao? Anh muốn bí mật vi hành? – Lê Hạo ngạc nhiên hỏi dồn.

Đôi môi khẽ cong lên một nụ cười nghịch ngợm, vị vua trẻ hóm hỉnh trả lời:

- Cũng đâu có bí mật gì? Em và Lý Lăng đều biết mà!

Lê Hạo mở lời khuyên can:

- Anh xuất cung như thế rất nguy hiểm! Loạn đảng mưu mô xảo quyệt, huống chi ta còn chưa biết kẻ cầm đầu là ai, nếu lỡ hắn biết được thánh giá đang ở ngoài cung thì không hay rồi...

Lê Tuấn đưa tay ngăn không cho nói tiếp, chàng chậm rãi vốc thêm một nắm thức ăn rải xuống hồ rồi chăm chú lắng nghe âm thanh do lũ cá tranh mồi khuấy động mặt nước mà thành. Một lúc sau, Lê Tuấn nhìn em nói giọng hiền lành mà cương quyết:

- Trẫm ra lệnh cho Bình Nguyên Vương không được tiết lộ chuyện Trẫm đến Tây Kinh. Em phải ở lại để theo dõi Nguyễn Đức Trung làm thế nào để tìm gia quyến của Nguyễn Trãi. Có việc gì khẩn cấp cứ cho gửi mật thư đến Tây Kinh cho Trẫm. Việc hộ giá đã có Lý Lăng, Trẫm tin tưởng năng lực của hắn!

Lý Lăng vốn là con trai của công thần Lý Triện, người có công lớn trong khởi nghĩa Lam Sơn, phò tá Lê Thái Tổ lên ngôi. Lý Lăng nối nghiệp cha ra làm võ tướng cho triều đình từ thời Lê Thái Tông, hắn vốn giỏi võ, dung mạo sáng sủa, tuổi lại còn trẻ nên từ năm mười hai tuổi đã được tiên đế cho theo hầu Lê Tuấn từ thuở chàng còn là thái tử Lê Bang Cơ(11*). Tuy lớn hơn mười tuổi nhưng Lý Lăng rất hợp ý vua, ngày ngày đều cùng vua luyện tập võ nghệ, tâm sự chuyện vui buồn, lòng trung thành của Lý Lăng dành cho Lê Tuấn thật là không phải nghĩ bàn.

Lê Hạo thấy vua đã quyết ý đi vi hành, bên cạnh còn có võ tướng tài giỏi bậc nhất theo hầu nên chỉ đành tuân lệnh, mặc dù trong lòng thật không thể yên tâm được. Chần chừ một lúc, Lê Hạo chép miệng dặn dò:

- Anh hãy cẩn thận, nhớ chăm sóc tốt cho mình, hãy mang theo một cung nữ để hầu hạ miếng ăn giấc ngủ cho tốt!

Lê Tuấn nghe lời lẽ ân cần của em trai xong thì mỉm cười gật đầu, chàng lại phe phẩy chiếc quạt giấy trước ngực, ung dung uống trà ngắm nhìn đàn cá tung tăn. Đêm nay trăng tròn vành vạnh, ánh sáng của nó một mình độc chiếm cả bầu trời, đẹp đẽ nhưng cô đơn lạ thường. Lê Tuấn chợt tắt nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi, chàng hít thật sâu cho lồng ngực căng phồng, nhưng lại cố thở ra từng chút một để người bên cạnh không nghe được tiếng than tự đáy lòng:

- Lê Hạo! Nếu việc Trẫm đi Tây Kinh bị tiết lộ ra ngoài thì thủ phạm ngoài em ra còn có thể là ai khác nữa?

Giữa không gian yên tĩnh bất chợt có tiếng bước chân hối hả từ phía xa chạy đến nghe "lịch phịch". Lê Tuấn ngồi bật dậy nghe ngóng. Cái bóng người từ trong bóng tối dần dần hiện rõ trước mắt hai chàng trai trẻ. Qua bộ giao lĩnh màu nâu vạt dài không quá gối, hai ống quần bó gọn để thuận tiện lúc làm việc kèm theo tấm thẻ bài quen thuộc treo ở thắt lưng, Lê Hạo lập tức nhận ra đó là gia nô của phủ Điện Tiền. Linh cảm có chuyện gì không hay, chàng đứng bật dậy đi như lao về phía người gia nô mở lời hỏi trước:

- Ngươi đến đây giờ này làm gì? Có phải đại tiểu thư lại không khỏe?

Người gia nô thở hỗn hễnh, giọng đứt quãng thưa:

- Bẩm Bình Nguyên Vương, đại nhân sai tôi đến báo rằng đại tiểu thư đang đêm mất tích, hiện cả phủ đang đổ xô đi tìm. Nô tỳ Xuân Mai có nói buổi chiều tiểu thư hỏi dò đường đến chùa Huy Văn, nên Nguyễn đại nhân sai tôi đến hỏi thăm tiểu thư có đến đây không!

- Cái gì? Nàng đi đâu được chứ?

Lê Hạo kêu lên thảng thốt rồi quên cả vái chào anh mà một mạch kéo tay tên gia nô chạy ra khỏi đình hóng mát, miệng hô to gọi quân lính canh gác:

- Người đâu! Mau tìm kiếm khắp chùa xem đại tiểu thư phủ Điện Tiền có đến đây không!

Vị vua trẻ nhìn theo em trai, môi cong lên một nét cười khó hiểu. Chàng thấy mọi người đang xôn xao đổ đi tìm người nên cũng không tiện ngồi nhìn, bèn đi theo để phụ giúp một tay. Bộ dạng như ngồi trên đống lửa của Lê Hạo làm Lê Tuấn thoáng nghĩ ngợi:

- Xem ra người quan trọng nhất trong lòng em chưa chắc là nhị tiểu thư Thu Hằng nhỉ?

Trong phút chốc, khắp chùa Huy Văn ánh đuốc lập lòe, tiếng người gọi nhau ý ới làm mấy chú chim đang say ngủ trên cây giật mình bay tán loạn. Mẹ của Lê Hạo là Ngô Tiệp Dư lúc bấy giờ đang nghỉ ngơi ở hậu viện cũng bị tiếng náo động làm tỉnh giấc, bà mặc thêm lớp giao lĩnh vạt dài chấm gót, khoác tạm chiếc áo choàng màu lam giản dị rồi đi nhanh về phía phát ra tiếng ồn. Vừa bước ra tiền điện chùa Huy Văn, Ngô phu nhân đã trông thấy sư trụ trì cùng một số lính canh gác đứng khắp sân bàn thảo về tìm kiếm Thu Đào. Bà vội chạy đến gần còn trai định hỏi han cớ sự thì bị dáng hình cao lớn đứng giữa sân của Lê Tuấn làm cho thót tim. Vừa định vái chào thánh giá, Ngô phu nhân đã nhận được cái lắc đầu miễn lễ của vua nên lại thôi. Bà ngập ngừng hỏi con trai:

- Có chuyện gì mà náo động như vậy?

Lê Hạo liếc nhìn vua đứng bên cạnh rồi hạ giọng nói nhỏ vào tai mẹ thuật lại toàn bộ sự việc. Nghe đến đoạn Thu Đào đang đêm mất tích thì Ngô phu nhân liền mở to mắt kêu lên:

- Chết! Thế phải mau đi tìm nàng ta mới được! Đêm hôm thế này, Thu Đào lại đang lúc mơ mơ hồ hồ không nhớ nổi cả cha mẹ mình là ai! Ngộ nhỡ đi lạc thì nguy!

Đoạn bà nhìn sang Lê Tuấn và nhớ đến việc sang thu đại tiểu như phủ Điện Tiền phải vào cung hầu vua, ánh mắt hoang mang bà hạ giọng nói nhỏ với Lê Hạo:

- Mẹ biết con lo lắng cho Thu Đào, nhưng Hoàng Thượng đang ở đây, con nên nên cẩn thận lời nói và hành động!

Lê Hạo hiểu ý mẹ nhưng hiện giờ chàng không còn hơi sức đâu mà nghĩ đến việc khác, nghe xong chỉ bóp trán nhíu mày ra vẻ khổ sở rồi khẽ gật đầu cho qua chuyện, xong lại lập tức cùng quân lính và Lê Tuấn đi khắp một vòng chùa Huy Văn.

Sau nửa canh giờ tìm kiếm khắp mọi ngóc ngách và chắc chắn Thu Đào không có trong chùa, Lê Hạo hai mắt đỏ ngầu vì lo lắng và bất lực, lòng như lửa đốt nhưng không thể bày tỏ với ai, chàng tức giận vung tay đấm vào tường một cái mạnh đến rướm máu:

- Cái tính ngang bướng của nàng vẫn không thay đổi, nửa đêm nửa hôm một mình muốn chạy đi đâu?

Lê Hạo nhắm mắt thở hắt ra một hơi, bỗng chàng giật mình vì bàn tay vỗ vỗ lên vai mình. Lê Tuấn xuất hiện bên cạnh ra chiều thông cảm khuyên nhủ em trai:

- Đừng quá lo lắng, một cô gái đang đêm bỏ đi có một mình thì không thể đi được bao xa. Cứ bình tĩnh nói cho anh nghe xem, trước đây hai người thường cùng nhau đi đến những chỗ nào để vui chơi?

Chột dạ bị vua nhìn ra tình cảm sâu kín, Lê Hạo ánh mắt thất thần nhìn anh hồi lâu. Đoạn không muốn nói dối thêm nữa nên đành thành thật thưa:

- Đó đã là chuyện cũ, sang năm em phải lấy Thu Hằng, xin anh đừng nghĩ ngợi...

Lê Tuấn đưa tay lên ngăn không cho em nói tiếp:

- Anh biết! Giờ không phải lúc nói chuyện đó! Mau chóng tìm ra đại tiểu thư mới quan trọng.

Lê Hạo cắn môi:

- Nhưng giờ nàng thậm chí không nhớ em là ai, sao có thể bỏ đi tìm em được chứ? Mà dẫu có thật là đi tìm em thì cũng sẽ đến đây chứ chẳng còn nơi nào khác!

Lê Tuấn nghe xong bèn nghĩ ngợi vài giây rồi nói:

- Buổi chiều nàng có ý hỏi đường đến đây thì rất có thể nàng muốn đến đây thật. Chắc do không còn nhớ gì nên bị lạc đường cũng nên. Em hãy ở lại đây chờ nàng vậy! Anh sẽ đi dọc theo con đường từ đây về phủ Điện Tiền để tìm thử.

- Sao em dám phiền đến anh như thế được... - Lê Hạo sốt ruột nắm lấy tay anh mà than.

Bộ dạng của Lê Hạo cứ rối rắm bất an khác hẳn với thái độ điềm tĩnh thường ngày, mọi cử chỉ đã tố cáo hết lòng dạ của mình dành cho Thu Đào. Lê Tuấn nhìn em trai, chàng chớp chớp đôi mi cong dài mà hỏi như không:

- Vài tháng nữa Thu Đào sẽ là tú nữ của anh, thiết nghĩ anh mới phải là người có trách nhiệm đi tìm nàng về nhỉ?

Lê Hạo nghe xong thì như người vừa tỉnh mộng, chàng nới lỏng đôi bàn tay đang bám chặt vào Lê Tuấn rồi buông thỏng hoàn toàn như cả người không còn sức lực. Bất lực, Lê Hạo đành xuôi theo:

- Em ở lại chờ xem nàng có đến không. Việc đi tìm nàng... đành nhờ anh vậy!

Lê Tuấn gật đầu rồi khoát tay ra lệnh cho mười mấy cận vệ của Lê Hạo theo mình đi ngược về hướng phủ Điện Tiền.

----Hết chương 6----
Chú thích:

1(*) Lục Thủy Hồ: Tên của hồ Gươm dưới thời Lê Sơ. Lúc đó, nước hồ Gươm có màu xanh lục rất đặc trưng nên gọi là Lục Thủy Hồ.
2(*)Thanh Hoa: Tức Thanh Hóa ngày nay.

3(*) Nguyễn Thần Phi: chỉ thái hậu Nguyễn Thị Anh, lúc vào cung và mang thai Lê Bang Cơ bà rất được Lê Thái Tông sủng ái và phong làm Thần Phi.

4(*) Tận nhân lực rồi mới truy thiên mệnh: Cố hết sức mình trước đã, thành bại là do ý trời.

5(*)Đông Cung: Nơi ở của Thái Tử. Đông cung có chủ nghĩa là đã lập Thái Tử.

6(*) Lê Sát: Công thần khai quốc thời Lê Sơ, theo phò tá Lê Lợi có công lớn, khi nhà Lê lập quốc thì Lê Sát làm quan to. Đến khi Lê Lợi mất, con là thái tử Lê Nguyên Long (tức Lê Thái Tông) lên nối ngôi thì bị quyền hành của Lê Sát lấn át. Lê Thái Tông rất ghét quyền thần nắm chính trị nên đã trừ khử Lê Sát.

7(*): Giờ Sửu là 1h đến 3h sáng. Giờ Dần là 3h đến 5h sáng.

8(*) Cẩm Lý: Cá chép Nhật, thời nay gọi là cá Koi

9(*) Bánh trôi: Loại bánh truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Vỏ bánh làm bằng bột gạo và bột nếp, nhân là một viên đường phên, khi hấp chín rồi thì có rắc lên mỗi viên bánh một ít mè trên đầu. Hình dạng giống như chè trôi nước của miền Nam nhưng lại không có nước đường mà chỉ hấp lên rồi ăn khô.

10(*) Giao Long: Giao Long là tên gọi của một loài Thủy quái, thân hình dài tựa như loài Rắn, không chân hoặc có chân, trên đầu có mào hoặc sừng như lân, miệng có nanh sắc nhọn.

Theo từ điển Hán Việt, Giao là sự giao thoa hòa hợp của hai hay nhiều thứ với nhau tạo ra một thứ chung, đây còn gọi là lai tạp, không thuần chủng. Long là cách gọi Hán Việt chỉ cho loài Rồng trong truyền thuyết hay thần thoại của người Việt và Trung Hoa. Từ đó, khi ta kết hợp hai từ Giao Long lại với nhau sẽ biểu thị cho ý nghĩa Rồng Lai hay Lai Rồng. Từ tên gọi này, ta có thể hiểu, loài thủy quái này có mang đặc điểm giống rồng nhưng cũng có những đặc điểm không giống loài rồng. Đây là giải nghĩa chính xác nhất cho tên gọi của loài thủy quái Giao Long trong thần thoại và truyền thuyết châu Á nói chung và Việt Nam, Trung Quốc nói riêng.

Kỳ Lân: Kỳ lân (麒麟, bính âm: qílín) hay còn gọi là lân, nghê ,li, là một trong bốn linh vật của theo Á Đông như tại Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên...

Lân đầu nửa nửa , đôi khi chỉ có một , do không húc ai bao giờ nên sừng này là hiện thân của từ tâm. Phần nhiều có sừng, mặt quỷ, miệng rộng, thân sư tử , chân đại bàng . Thực ra trong tạo hình của người Việt chúng ta khác tưởng tượng này, Điều có thể nhận ngay ra rằng khi nhìn vào hình tượng Kỳ Lân Việt Nam có chút khác so với Kỳ Lân Trung Quốc ở chỗ Kỳ Lân Việt Nam có đôi mắt to, mũi to, mõm ngắn đặc biệt phần đuôi xù ra hoặc rẽ quạt toát lên vẻ ngoài thân quen, vui vẻ, thân thiện hoạt bát dễ gần không ù lì, chễm chệ, dọa nạt như Kỳ Lân Trung Hoa.

*Kỳ lân trong văn hóa hay còn gọi là Ngựa một sừng là một sinh vật thần thoại, với hình dáng phổ biến được biết đến như là con có một sừng trên trán (hoặc có thể có 2 cánh). Tuy vậy, kỳ lân truyền thống còn có thêm chòm râu , đuôi , và bộ móng xẻ như khiến nó khác biệt với một con thông thường.

11(*) Lê Bang Cơ: Tên húy của vua Lê Nhân Tông. (Tức Lê Tuấn trong bộ tiểu thuyết này)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro