Chương 2: Hồi Đáo Lê Triều

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một ngày đầu hạ năm 1456, bên bờ hồ cẩm lý thuộc khuôn viên chùa Huy Văn (*).

Đầu tháng sáu tiết trời ấm áp, nước hồ cẩm lý trong veo thấy tận đáy. Thấy bóng người in dưới làn nước biếc, những con cá đủ màu sắc lượn lờ dưới chân đôi trai gái đang đứng bên bờ hồ như để chờ được cho ăn.

Nắng vàng buổi sớm đổ qua lớp tán cây, in bóng xuống đôi mắt u uất Thu Đào, nàng nhìn thẳng vào mắt Lê Hạo hỏi:

- Chàng có vì ta mà đi cầu xin Hoàng Thượng rút lại thánh ý không?

Lê Hạo quay lưng lại phía nàng, nửa để tạo ra thái độ chối từ, nửa để né tránh ánh mắt của nàng. Chàng hít một hơi sâu, bàn tay nắm chặt thành quả đấm giấu trong tay áo, đáp:

- Hoàng Thượng là bậc minh quân hiếm có, nàng sẽ được bình an hạnh phúc cả đời! Nếu có kiếp sau...

Nghe đến đây Thu Đào gào lên:

- Ta không biết việc của kiếp sau, nhưng kiếp này thà chết cũng không muốn gả cho người mình không yêu!

Lê Hạo nhắm chặt đôi mắt, giọt lệ nam nhi chớm rơi xuống đã bị nuốt ngược vào trong. Chàng ngửa mặt lên trời chớp chớp đôi mi, cố hết sức để giọt sâu không tràn ra, đoạn lại bày ra thái độ tuyệt tình, quay mặt lại dứt khoát nói với Thu Đào:

- Là ta có lỗi với nàng! Lệnh vua khó cải, mong nàng hiểu cho ta!

Thu Đào tức giận rút chiếc trâm bạc trên tóc xuống đưa lên mặt nói:

- Chẳng qua bệ hạ yêu thích gương mặt này thôi, nếu ta huỷ đi nó, người chắc chắn chê bai không cần ta nữa. Vậy còn chàng, dù ta có xấu xí chàng vẫn không thay lòng chứ!

Thấy Thu Đào sắp làm điều dại dột, Lê Hạo chạy đến muốn giằng lấy chiếc trâm và nói:

- Nàng thôi trẻ con đi! Đây là việc lớn ảnh hưởng đến tiền đồ của Nguyễn đại nhân, đến an nguy của ta và mẫu thân...

- Ta không cần biết!

Thu Đào gào lên và toang dùng trâm bạc rạch mặt.

Lê Hạo hoảng hốt cố chụp lấy tay nàng, nhưng Thu Đào có võ công nên chàng rất vất vả giằng co hồi lâu vẫn chưa đoạt được chiếc trâm nhọn. Một người cố tự làm hại bản thân, một người cố ngăn cản, hai bên quần thảo nhau gần mươi hiệp vẫn chưa phân thắng bại. Cuối cùng, Lê Hạo trong lúc nóng lòng đã giả vờ định tung một chưởng vào vai trái nhằm đánh lừa Thu Đào, rồi lợi dụng sơ hở đoạt lại cây trâm bạc. Nào ngờ Thu Đào giật mình nên lùi lại phía sau để tránh, bàn chân nàng trượt dài trên lớp sỏi đánh "xoạt"một tiếng, cả thân người mảnh mai chới với rơi xuống hồ cẩm lý. Lê Hạo thất kinh nhảy bổ đến đưa tay ra muốn kéo nàng lại nhưng không kịp nữa!

- Cẩn thận!

Ùm!

Làn nước lạnh ngắt từ từ bao bọc lấy thân thể Thu Đào. Nước tràn vào mắt cay xè, nước xâm chiếm hết từng ngụm không khí ít ỏi còn sót lại trong miệng và mũi nàng. Mặc cho Thu Đào có vẫy vùng như thế nào thì làn nước tàn nhẫn vẫn cứ thế nhấn chìm nàng. Không gian tối dần, chỉ còn lại duy nhất một vầng sáng chói lọi của mặt trời là kịp ghi dấu lại trong ý thức của Thu Đào trước khi nàng hoàn toàn mất đi tri giác.

****

Hà Nội, một ngày hè tháng tám năm 2022.

Triển lãm cổ vật lần này Trà My tham dự được tổ chức tại chùa Thánh Chúa, nằm trong khuôn viên trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội.

Đây là ngôi chùa có lịch sử gần sáu trăm năm, gắn liền với giai thoại về hai vị vua Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông (*). Vốn yêu thích văn hoá lịch sử, Trà My không khỏi hiếu kỳ mà đi thăm thú khắp nơi trong chùa. Từ cổng chính và cổng phụ phía mặt đường Xuân Thủy (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), đi qua các giảng đường của trường chừng hơn một trăm mét là bắt gặp không gian thiền môn, phía trước là tấm biển lớn bằng đá hoa cương đặt ngoài cổng chùa: Chùa Thánh Chúa - Di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng. Từ bên ngoài nhìn vào chùa nổi bật với thiết kế cổng tam quan(*), giữa sân là hai cây Muỗm hơn 500 tuổi cành lá sum suê, làm tăng thêm nét trầm mặc cổ kính cho ngôi chùa. Trà My vô cùng thích thú ngắm những bức hoành phi trạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng, nhiều tượng Phật uy nghi mang phong cách văn hoá thế kỷ mười bảy, mười tám.

Vào đến nơi thờ Phật ở thượng điện sâu năm gian, nhìn thẳng vào chính điện, làn khói hương nghi ngút mang mùi trầm thoang thoảng, Trà My bất giác thấy quen thuộc vô cùng, bồi hồi nôn nao khó tả. Tiến vào gần hơn, sau làn khói hương, cô thấy một giá nến hình hoa đào bằng đồng trông khá lâu đời nhưng được lau chùi sạch sẽ. Không kiềm nổi hiếu kỳ, Trà My nhìn quanh quan sát khắp một lượt, khi chắc chắn không bị ai nhìn thấy, cô liền cầmgiá nến lên xem. Là một cổ vật vài trăm năm nên chiếc giá nến bằng đồng không còn sáng nữa, nhưng hoạ tiết trên đoá hoa vẫn còn rõ nét. Trà My xem lật mặt dưới của giá nến lên xem thì thấy có khắc chữ Hán "桃"(Đào).

Một vệt nắng chiều chiếu thẳng vào đoá hoa bằng đồng, tia sáng bị giá nến phản chiếu lại hắt vào mắt bất ngờ khiến Trà My bị chói nên xoay mặt tránh đi. Trong phút chốc cô thấy đầu óc quay cuồng như sắp ngất, thầm nghĩ có lẽ do tối qua thiếu ngủ. Lúc mở mắt cô hốt hoảng thấy một vị mặc áo mão màu vàng đứng ngay trước mặt, nhưng lạ lùng thay chỉ là một cái bóng nhạt nhoà xuyên thấu. Cô chết lặng đứng quan sát, bóng dáng ấy sao quá đỗi thân thuộc, người đó đang chấp hai tay khấn nguyện trước bàn thờ Phật, và dường như không nhận thức được ánh nhìn cũng như sự tồn tại của Trà My.

Khoảng một phút trôi qua, đủ lâu để Trà My xác định rằng mình không phải đang mơ như bao lần cô tỉnh dậy sau ác mộng. Sau khi thắp hương xong vị ấy xoay người đi ra phía cây Muỗm giữa sân chùa. Trà My lập tức nối gót theo sau. Kỳ lạ thay! Cô đang nhìn thấy một chiếc bóng tuy nhạt nhoà nhưng rất chân thực, và xem biểu hiện của những người xung quanh thì chắc chắn chỉ có cô đang nhìn thấy điều thần diệu này. Trà My mãi đuổi theo vị ấy ra đến tận cây Muỗm mà quên mất vẫn còn cầm chiếc giá nến hoa đào trong tay. Ngài dừng lại dưới gốc cây, rồi bỗng nhiên giá nến sáng lên một cách kỳ dị dù không bị ánh nắng nào chiếu vào. Trong khoảnh khắc Trà My thấy vị ấy quay lại nhìn cô, thì một tiếng sấm vang trời xuất hiện giữa trưa hè nắng gắt, tia lửa điện từ trên trời xẹt xuống đánh trúng Trà My làm cô ngã lăn ra đất. Lúc ấy, Trà My chỉ kịp tự nhủ thầm phen này chắc bị sét đánh cháy đen nên đang chuẩn bị tinh thần đón nhận cái nóng có sức hủy diệt như lò hỏa thiêu. Nhưng lạ thay, tiếp sau đó là cảm giác lạnh lẽo ướt át bao trùm khắp cơ thể.

- Ọc, ọc, ọc...

Trà My mở trừng mắt nhận ra mình đang bị chìm dưới nước, không khí trong phổi đã cạn, tay chân cố sức vẫy vùng nhưng vẫn cứ chìm, chìm mãi... Trà My ngất đi vì thiếu dưỡng khí, trước khi mất hẳn ý thức cô còn nghe thấy tiếng kêu của ai đó vọng lại từ bên trên mặt nước:

- Thu Đào! Thu Đào!

Không biết đã trãi qua bao nhiêu thời gian...

Vây quanh Trà My là một bầu không khí mát dịu lạ thường, khắp nơi lan tỏa một mùi hương thuần khiết của cỏ cây đất trời, một kiểu hương thơm trong lành hiếm thấy ở xã hội hiện đại bộn bề.

Trà My từ từ mở mắt. Trời đã tối, xung quanh chỉ có ánh nến lập loè không đủ thắp sáng bất cứ vật gì.

Sau vài phút nằm yên để suy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra, Trà My nhớ lại mình đã bị ngất lúc sáng khi chưa kịp tham gia buổi triển lãm. Đưa tay ra trước mặt quờ quạng trong thứ ánh sáng vàng vọt mờ ảo, cô bần thần tự hỏi:

- Đây là đâu? Hôm nay bị cúp điện à?

Khi mắt đã quen dần với bóng tối, Trà My nhìn xung quanh một lượt, cô vừa ngạc nhiên vừa có chút sợ hãi. Vật dụng trong phòng đa số bằng một loại gỗ màu đen, chạm trổ cầu kỳ, rèm treo bằng một loại vải mềm có lẽ là màu xám và nhìn rất thủ công, toàn bộ đều là dây vải, chẳng hề thấy móc treo kim loại như ở khách sạn. Màn chắn muỗi đang nằm cũng là loại vải mỏng mà cô chưa từng thấy qua, khác hẳn lại vải lưới hay voan vẫn thường dùng ở quê.

Trà My mở to mắt, thử cử động tay chân thì thấy toàn thân ê ẩm, cố hết sức mới nâng được cánh tay lên. Chưa kịp nghĩ tiếp theo sẽ làm gì, thì từ cửa phòng một cô gái hai tay bưng chậu gì đấy bước vào, nhìn thấy Trà My đang cử động, cô gái lao đến nói to:

- A! Đại tiểu thư tỉnh rồi! Ông bà ơi tiểu thư tỉnh rồi!

Đặt cái chậu màu vàng xuống chân giường , cô gái đó vội nắm lấy tay Trà My hỏi:

- Tiểu thư đã tỉnh, cô thấy trong người thế nào?

Trà My nhìn kiểu dáng cái chậu mà không khỏi hoang mang, trông nó giống hệt những cái chậu đồng mà cô từng thấy qua tại các bảo tàng cổ vật thời phong kiến, chỉ là cái này thì mới tinh, sáng bóng, khác hẳn những cổ vật bị rỉ, xỉn màu. Mãi quan sát và suy nghĩ Trà My đã không trả lời cô tỳ nữ.

Lúc đó, có hai người một nam một nữ trung niên, ăn mặc rườm rà áo mũ như người bước ra từ phim cổ trang nhưng hoàn toàn khác với các bộ phim cô vẫn xem. Người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi nét mặt phương phi, mặc loại áo vạt dài quá gối, có thắt lưng ngang hông, quần ống rộng và dài, tóc búi gọn trên đỉnh đầu. Người phụ nữ cũng khoảng bốn mươi, gương mặt tròn phúc hậu vẫn còn nét tươi tắn, chưa nhiều nếp nhăn. Bà mặc loại áo vải lụa mềm màu trắng đục, cũng dài quá thắt lưng, quần rộng màu trắng, tóc vấn vội thành bím dài kéo sang một bên, có vẻ bà ta đang ngủ và vội vàng chạy đến theo tiếng gọi của cô gái.

Phút chốc cả ba người đều đã đến bên cạnh Trà My, người đàn ông đặt tay lên trán cô và hỏi:

- Con thấy sao rồi?

Người phụ nữ cũng ngồi xuống bên cạnh nắm lấy tay cô rơi nước mắt:

- Tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho con khoẻ lại!

Quá hốt hoảng với những gì đang xảy ra, Trà My cố gượng dậy, cô tựa lưng lên gối với sự giúp sức của cô tỳ nữ, muốn hỏi thật to nhưng sức lực như biến đi đâu hết cả, chỉ có thể thều thào:

- Đây là đâu? Hai người là cha mẹ tôi?

Người phụ nữ nhìn sắc mặt và ánh mắt của Trà My, bà tỏ vẻ hoảng hốt và nắm chặt tay cô khóc nấc:

- Con làm sao vậy, đừng doạ mẹ con ơi!

Cô gái và người đàn ông cũng tròn mắt nhìn Trà My ngạc nhiên tột cùng. Người đàn ông tiến ngay đến gần và hỏi giọng đầy hoang mang:

- Con làm sao vậy, đến cha mẹ cũng không nhận ra?

Trà My lúc này bối rối tột cùng, đầu óc cứ mơ hồ không phân biệt thực hay mộng, cô ngơ ngác nhìn quanh, chớp mắt nhiều lần, thở sâu, tự nói với bản thân rằng "Hãy tỉnh lại, tỉnh lại", cô đang cố đánh thức bản thân thoát khỏi giấc mộng kỳ quái như bao lần trước.

Trà My một lần nữa thều thào:

- Đây là đâu? Ông bà là ai? Tôi đã bị làm sao? Sao tôi lại ở đây?

Người đàn ông ra lệnh cho cô tì nữ:

- Con mau mời thầy lang ngay cho ông, nói là tiểu thư đã tỉnh, nhờ thầy qua thăm giúp!

Cô gái chạy đi ngay sau tiếng "Dạ".

Người phụ nữ phúc hậu ngồi xuống giường ôm chầm lấy Trà My nức nở:

- Con sao vậy con ơi?

Mặt đơ ra như người mất hồn, Trà My lẩm bẩm:

- Cái gì đây trời? Mình thất tình đến phát điên, người ta đem mình đến trại tâm thần rồi sao?

Thấy con gái ăn nói quái lạ, người phụ nữ càng hoảng sợ nên khóc nhiều hơn. Những người xung quanh cứ lao nhao gọi Trà My bằng một cái tên xa lạ, mặc cho cô cố sức giải thích họ vẫn nhất quyết cho rằng đó chỉ là lời nói của người mê sảng. Giằng co mãi một lúc thì một ông già mặc áo nâu ôm cái thùng gỗ bước vào, ông ta thấy cảnh tượng hỗn loạn liền lôi người đàn ông tự xưng là cha của Trà My ra ngoài thì thầm to nhỏ, khoảng nửa tiếng sau họ mang vào một chén thuốc bốc khói tỏa mùi chua chua khó chịu. Trà My thoạt nhìn đã biết ngay chén thuốc đó là dành cho mình bèn vụt chạy ra khỏi giường, vừa khóc vừa nói:

- Không uống! Mấy người định cho tôi uống cái gì?

Người tự xưng là "cha" tóm lấy Trà My dỗ dành:

- Ngoan, uống thuốc đi con, chỉ là thuốc an thần. Con ngủ một giấc tỉnh dậy sẽ khỏe ngay.

- Không! Không! Không! Uống thuốc của mấy người tâm thần cho thì tỉnh dậy được mới lạ.

Cảm thấy khó lòng thuyết phục đứa con gái đang quẩn trí, người đàn ông lệnh cho cả nhà giữ chặt chân tay Trà My lại, còn ông ta thì dùng tay bóp má cô lại, bóp chặt đến nỗi đôi môi phải chu dài ra, hai hàm răng tách rời nhau, rồi tiếp theo đó...

- Ọc, ọc, ực, ực!

Cả chén thuốc vừa chua vừa chát chui hết vào bụng Trà My.

****

Suốt đêm hôm ấy, Trà My hết sốt rồi hạ, hết hạ lại sốt, những giấc mộng chập chờn đeo bám làm cô không thể nào ngủ yên được. Lúc thì thấy mình đứng ở gốc cây Muỗm đối mặt với vị ăn mặc áo mũ đường hoàng ấy, lúc lại thấy mình đánh nhau rồi rơi xuống nước, lại có khi nghe tiếng lay gọi của một người không rõ là ai nhưng giọng nói quen thuộc đến lạ thường:

- Cô tên gì, cha mẹ là ai?

Rồi dường như không nhận được sự phản hồi nào, những người xung quanh lại lao nhao:

- Kích tim!

- Có mạch rồi!

Trong tiềm thức, Trà My đã trãi qua một đêm vô cùng ồn ào lộn xộn, cơ thể cô đau nhức rả rời.

Mùa hè tiết trời oi ả, cái nóng hâm hấp đã đánh thức Trà My từ trong giấc mộng. Trán bết mồ hôi, Trà My lại từ từ mở mắt. Từng làn gió mát phà vào mặt làm cô nghiêng đầu nhìn lên.

Vẫn là cái không gian kỳ dị, vẫn là cô gái với trang phục rườm rà y như trong giấc mơ đêm qua. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu làm Trà My ngồi bật dậy, nói với cô gái đang đứng cạnh giường cầm cây quạt giấy phe phẩy:

- À không, chắc không phải mơ rồi, rõ ràng mình đang tỉnh táo đây mà? Sao vẫn là cô? Cô là ai? Mấy người ở đoàn phim nào? Ở đây có bác sĩ đúng không? Tối qua tôi có nghe thấy tiếng của bác sĩ...

Thay vì trả lời, cô gái ngây ngốc nhìn Trà My lảm nhảm một hồi rồi mếu máo ngoái đầu ra cửa gọi lớn:

- Thầy Hai ơi, cô nhà con tỉnh rồi nhưng còn nói mê sảng ạ! Nhờ thầy vào xem giúp cho con!

Cô gái ấy vừa dứt lời thì một ông lão ước chừng hơn sáu mươi ôm cái thùng gỗ vuông vuông bước vào, ông ta chạy đến chụp lấy cổ tay Trà My lần lần bấm bấm. Trà My mở to mắt, giọng run rẩy:

- Bắt mạch hả? Chứ không phải ống nghe sao? Tôi không có giỡn nữa à nhe, mấy người mau đưa tôi về nhà mau! Hu hu hu!

Ông lão ngước nhìn Trà My vẻ thương hại rồi đưa tay lên trán cô thăm dò, đoạn ông nhìn cô tỳ nữ và chắc lưỡi lắc đầu:

- Haizzz, thật là lạ! Hết sốt rồi mà sao còn nói mê sảng nhiều quá!

Trà My thảng thốt hét lên:

- Mấy người mới nói sảng đó!

Nói xong liền phóng ra khỏi giường chạy bổ nhào ra cửa, vừa chạy vừa khóc lớn:

- Cứu tôi với! Cứu! Ở đây có mấy người tâm thần trốn trại nè!

Trong lúc cắm đầu chạy về phía trước, Trà My đâm sầm vào một người đàn ông cao lớn. Lần mò từ cánh tay lên tới gương mặt, Trà My nhận ra đúng là người đàn ông tối qua xưng là cha mình, cô tuyệt vọng mếu máo:

- Lại là ông! Tôi không phải đang mơ! Thả tôi ra, tôi muốn về thành phố! Hu hu hu!

Người đàn ông nhíu mày vẻ đau khổ, siết chặt đôi vai gầy lay lay:

- Thu Đào, là cha đây con! Tỉnh lại đi con, là cha đây mà!

Trà My bịt hai tai lắc đầu nguầy nguậy, ra sức chống cự mặc cho ông ta dùng sức kéo cô quay về phòng nghỉ ngơi:

- Không phải, tôi không phải Thu Đào! Hu hu hu!

Lúc ấy bỗng có một cánh tay khác chen vào mà đón lấy Trà My kéo vào lòng, vuốt ve mái tóc dài của cô trấn an:

- Thu Đào, là ta đây, ta xin lỗi! Xin lỗi nàng! Ngoan, mau về phòng nghỉ ngơi một chút đi!

Ngưng giãy giụa, Trà My ngẩng đầu lên nhìn, gương mặt người yêu xuất hiện như một vị cứu tinh làm cô xúc động đến vỡ lồng ngực. Tuy vậy, cách ăn mặc khác thường của anh làm lòng cô trỗi nên một mối nghi ngại mơ hồ. Trà My níu cổ áo của người con trai có gương mặt giống hệt Sỹ Thành, giọng run run cầu cứu:

- Sỹ Thành, là anh đúng không? Chúng ta đang ở đâu mà kỳ lạ quá, mau cứu em, mấy người ở đây điên hết rồi...

Chưa kịp nói hết câu, sau gáy Trà My bỗng nhiên nhói lên một cái như bị kim châm, gương mặt thân thương trước mặt cô cứ mờ dần đi trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Trước khi ngất, Trà My cố bấu chặt cánh tay của người đó mà thều thào:

- Sỹ Thành, cứu em...

Trà My đổ gục vào lòng người con trai ấy. Sau lưng nàng là thầy lang được mời đến từ đêm qua, ông rút cây kim châm cứu ra khỏi gáy nàng rồi vội vàng cúi đầu nói với chàng trai:

- Xin công tử tha lỗi cho, tiểu thư tâm thần bất ổn quá nên tôi đành dùng cách này vậy!

Đưa hai tay đón lấy Trà My, chàng nhíu mày, hai mắt nhắm nghiền hồi lâu để nước mắt không rơi ra. Ôm ghì cô vào lòng một lúc, chàng gật đầu lệnh cho thầy lang đứng dậy, đoạn tự tay bế Trà My vào phòng.

Người cha đứng dưới gốc cây bạch quả lặng lẽ nhìn sự việc diễn ra từ nãy đến giờ rồi thở dài ngao ngán. Ông khẽ khàng nâng hai tay ngang mặt hành lễ với chàng rồi quay lưng bỏ đi, nhường lại không gian cho hai người.

Gió hè khua động những tán cây nghe xào xạc, gió lùa vào cửa sổ thổi tung những sợi tóc mai trên trán Trà My. Chàng trai ấy ngồi cạnh giường khẽ vén gọn làn tóc rối, hơi thở nặng nhọc đến nổi thầy lang đứng bên cạnh cũng thấy rõ ngực áo chàng phập phồng lên xuống.

Một lúc sau, chàng trai đứng dậy bỏ đi. Chàng bước chầm chậm nhưng không dừng lại, cũng không ngoái đầu, dặn dò thầy lang:

- Đừng nói với nàng ta đã đến thăm. Cứ xem như nàng vừa nằm mơ gặp ta vậy!

----Hết chương 2----

Chú thích:

1. (*) Chùa Thánh Chúa là nơi vua Lý Thánh Tông cầu tự sinh được Lý Nhân Tông. Vào triều hậu Lê thì vua Lê Thánh Tông ở để tu hành và lánh nạn trong cuộc chiến tranh đoạt ngôi vua.

2. (*) Huy Văn Tự: Tên của Chùa Thánh Chúa dưới thời Lê

3. (*) Ngô Tiệp Dư: bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao của Lê Thái Tông, mẹ ruột của Lê Thánh Tông ( Tức Lê Tư Thành)

4. (*)Cổng tam quan: Kiểu thiết kế cổng có ba cửa, cửa lớn nhất ở giữa, hai cổng phụ nhỏ ở hai bên.

5. (*) Điện Tiền Chỉ Huy Sứ: Chức tổng chỉ huy quân vệ binh của nhà vua. Lúc bấy giờ do đại thần Nguyễn Đức Trung đảm nhiệm.

6. (*) Chị em cây khế: Cách nói dí dỏm của tuổi trẻ để chỉ những cặp chị em bằng mặt không bằng lòng với nhau. Nguồn gốc của từ lóng này là từ câu chuyện cổ tích Cây Khế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro