1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở những năm đầu của thập niên 2010, trong lòng thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, giữa nhịp sống vội vã của những con người nơi đô thị xa hoa lại tồn tại một ngôi làng nhỏ bé và đầy cổ kính nằm ở vùng ngoại thành. Đây là nơi mà Tuấn Khuê với Sử Phàm kết giao tình nghĩa anh em chí cốt từ cái thuở mà quần còn thủng cả mông. Nay Tuấn Khuê mới tròn mười chín được gần hai chục ngày, tranh thủ mấy tuần nghỉ hè sau năm đầu trải nghiệm cuộc sống sinh viên để về quê thăm nhà, thăm em thương nhớ. Cái ngày mà tự tay gửi mình bài luận văn cuối cùng cho giáo sư, ngay khi về tới nhà, Tuấn Khuê đã háo hức soạn hẳn một danh sách những việc cần làm để chuẩn bị về quê. Cuộc sống sinh viên xa nhà làm anh nhớ da diết bữa cơm mẹ nấu, nhớ cậu vàng ngày nào cũng đứng trước cổng nhà đợi anh về mà nhớ nhất là bóng dáng bé nhỏ của em người thương. Vì biết thừa mấy bà cô hàng xóm sẽ lại mang chuyện mình học đại học ra để nhiều chuyện, Tuấn Khuê nhét sẵn mấy tờ học bổng trong ba lô để mang về cho mẹ đem đi khoe với các bác hàng xóm. Ở bất kì đâu cũng vậy thôi, bất kể chuyện từ trong nhà ra ngoài ngõ đều có thể trở thành chủ đề bán tán sôi nổi của mấy cô bác hàng xóm, mà đã vậy họ lại còn có tính hay khoe con thế nên đứa con ngoan như Tuấn Khuê luôn phấn đấu hết mình để mẹ có cơ hội hơn thua với những chiếc camera chạy bằng cơm.

Ngày trở về, Tuấn Khuê trong bộ sơ mi trắng, quần âu đen, giày tây đen, mắt đeo chiếc kính cận gọng tròn và hai tay xách theo ít hành ly, ai trông thấy cũng phải ồ lên một câu rằng "Tuấn Khuê nay đã trưởng thành rồi", có người vui tính đùa giỡn mấy câu "đúng là trai phố về làng có khác". Vì còn là sinh viên mà lại là sinh viên năm nhất nên anh chẳng mang gì nhiều ngoài đống quần áo, tiền kiếm được cũng chỉ đủ để đóng học, trả tiền thuê trọ với gửi về cho bố mẹ ở quê đỡ vất vả chứ chẳng dư giả gì để mà mua quà về biếu mọi người. Thực ra chẳng một ai lấy làm lạ vì đứa con xa xứ đến ngày về lại chẳng mua tí đặc sản nào theo, căn bản là Tuấn Khuê xuất phát từ con nhà nông, để học được lên đến đại học rồi giành được bao nhiêu suất học bổng đã là xuất chúng lắm rồi chứ chẳng cần chi nhiều mà quà với chả cáp. Bao lần về quê đều như một, anh chỉ uống tạm vài ngụm nước cho đỡ khát rồi chạy đi tìm người ấy, bố mẹ anh mỗi lần thấy cậu con trai cả nhà mình uống xong cốc nước đã vội phủi mông chạy đi mất đều tặc lưỡi bảo "nó lại chạy đi tìm Sử Phàm đấy, cơm còn chưa ăn".

Người mà Tuấn Khuê dịu dàng đặt trong tim chẳng còn ai khác ngoài Sử Phàm, cậu trai với vóc dáng nhỏ nhắn rất đỗi đáng yêu, bé hơn Khuê một tuổi nhưng cũng vừa chạm ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Trông thấy bóng dáng em nhỏ ở đầu ngõ đang đi về phía mình, Tuấn Khuê liền nở một nụ cười sáng chói như ánh mặt trời giữa cái nắng trưa ói ả. Anh nhanh chân chạy đến trước mặt Phàm, giang tay như đang chờ đợi một cái ôm và Phàm luôn biết cách tạo ra một kết thúc trọn vẹn bằng việc nhào vào lòng anh rồi ôm chặt lấy. Độ này nhìn anh ăn mặc sành điệu hơn hẳn, còn thoang thoảng đâu đây mùi nước hoa, Sử Phàm thấy trong lòng mình sao mà rung rinh quá.

"Tiểu Phàm, anh nhớ em lắm đấy."

"Về rồi thế có quà cho em không?"

"Em chỉ quan tâm đến đồ ăn mà không thèm quan tâm rằng anh đã nhớ em đến nhường nào và rất mong được trở về với em à? Không chơi với em nữa."

"Thôi đừng có mà trẻ con, anh cứ thế rồi cô nào thèm yêu."

"Anh chẳng cần cô nào cả, gái phố không dễ tán như em nghĩ đâu."

Sử Phàm bĩu môi, định hỏi "chẳng nhẽ anh cứ định sống độc thân như vậy đến hết đời chắc" nhưng lại thôi, cũng là bởi em sợ câu hỏi bông đùa của mình lại vô tình gây ra một tác dụng phụ, sợ Tuấn Khuê có người trong lòng và người ấy chẳng phải là em. Chuyện một đứa con trai lại đi thích một người đồng giới đã là điều rất khó chấp nhận trong xã hội thời bấy giờ nên em chẳng bao giờ dám đả động quá nhiều đến chuyện tình cảm khi nói chuyện với anh. Mỗi lần Tuấn Khuê từ trên thành phố về, Sử Phàm chỉ mong cầu có duy nhất một điều rằng anh sẽ không phải lòng một chị gái xinh đẹp nào đó bởi em ghét việc phải thấy anh tay trong tay cùng người khác và ghét luôn cả việc em sẽ phải ngồi nghe vài câu chuyện tình của anh với người ta. Em biết mình ích kỷ nhưng cho xin đi, ai lại muốn người mình yêu thuộc về một người khác bao giờ.

Thấy mặt Sử Phàm cứ nghệt ra mãi, Tuấn Khuê khua khua tay trước mặt em như một cách đánh cắp sự chú ý của em khỏi những vấn vương trong đầu.

"Tiểu Phàm sao thế? Em không vui khi thấy anh về hả?"

"Đâu có, em chỉ sợ anh dắt theo chị nào về."

"Làm gì có, anh còn đang đợi tiểu Phàm của anh lớn để anh mang về nhà nuôi đây này."

Tất nhiên, em thừa hiểu ý anh nói là gì, nhưng em không dám hi vọng quá nhiều bởi Tuấn Khuê trước giờ là vậy, vẫn luôn bảo bọc em như một đứa trẻ, đứa trẻ của riêng mình anh. Mà nói đúng hơn phải là cậu em trai còn yêu quý hơn cả em ruột của anh. Mọi thứ vẫn chỉ có thể dừng lại ở mức anh em tri kỉ như vậy, chẳng thể nào tiến xa hơn được nữa.

"Thế anh đã ăn cơm chưa?"

"Anh chưa, anh định qua nhà mời tiểu Phàm sang ăn cơm cùng."

"Anh mời em đấy nhé, đừng có mà bảo em đi ăn trực."

"Dạ vâng."

Bố mẹ Tuấn Khuê thấy Sử Phàm đến cũng thừa biết là do cậu cả nhà mình mời sang nhưng họ không hề khó chịu mà còn niềm nở tiếp đón, thậm chí còn sẵn sàng gạt Tuấn Khuê sang một bên. Cậu con trai út Tuấn Khôi vừa đi học hè trên trường về đã thấy anh trai mình với anh Phàm đang đứng trong sân nhà, thay vì bất ngờ trước sự xuất hiện của anh trai thì nó bất ngờ với việc bố mẹ đang tay bắt mặt mừng với anh Phàm hơn. Cùng sống chung một con ngõ nhưng cứ ngỡ như xa nhau cả năm trời không một lần hội ngộ, trong khi đứa con ruột đi học xa nhà mấy tháng trời mới về mà phớt lờ, không thèm ngó ngàng gì tới. Thậm chí, đến cả cậu vàng còn vẫy đuôi mừng Sử Phàm hơn là mừng anh em nó về nhà. Cũng bởi Sử Phàm vừa hoàn thành xong mười hai năm học của mình với tấm bằng loại giỏi, thời gian đều dành cả cho việc ôn thi nên Sử Phàm chẳng có thời gian để sang chơi với hai bác, những lần mẹ Tuấn Khuê định sang hỏi thăm mấy câu thì lại hay tin Sử Phàm đi học mất rồi. Tuấn Khuê thực sự thắc mắc rằng rốt cuộc ai mới là con ruột của bố mẹ đây.

Ở bên kia, mẹ Sử Phàm vừa lo việc đồng áng xong, về đến nhà đã không thấy Phàm đâu mà chỉ có mâm cơm dọn sẵn đã được đậy lồng bàn cẩn thận, khỏi cần nói cũng biết đang ở đâu rồi. Bà vừa rửa ráy xong chân tay với cái bình thuốc sâu thì cũng là lúc bố Sử Phàm gạt chân chống con xe cà tàng xuống rồi mặc kệ nó đứng giữa sân nhà.

"Mình ơi, Tuấn Khuê mới ở trên thành phố về đấy. Tí nữa ăn cơm xong, mình với em qua đó chơi, hỏi thăm cháu nó mấy câu."

"Thằng Phàm đâu? Lại sang đấy ăn rồi hả mình?"

"Vâng, em vừa về đã không thấy người đâu rồi."

Bố Sử Phàm không nói gì thêm, chỉ ừm hửm một tiêng tỏ ý đã biết rồi. Họ vốn không lạ gì với chuyện này, thậm chí hồi Khuê với Phàm vẫn còn là học sinh, hai người sang nhà nhau ăn nhiều tới nỗi mà bố mẹ hai bên gia đình còn bảo "mày mang gạo sang đấy mà ở".

Chừng độ nửa tiếng hơn, bốn vị phụ huynh cùng ba cháu nhỏ đã ngồi ngay ngắn trên bộ bàn ghế gỗ với những nét chạm trổ hình rồng bay phượng múa - thứ mà bất kỳ đứa con nào cũng ám ảnh mỗi dịp tết đến xuân về. Cậu vàng thấy cả nhà chẳng mấy khi có dịp hội ngộ đông đủ, nó nhảy bổ lên ghế đòi ngồi cùng.

Hai nhà nói chuyện với nhau được đâu đó gần một tiếng, Tuấn Khuê với Sử Phàm xin phép dắt nhau đi chơi, thằng Khôi vào phòng xếp đồ để chuẩn bị đi học ca chiều, chỉ còn lại các bậc phụ huynh vẫn tiếp tục buôn dưa lê với nhau mà chẳng màng thời gian đã trôi qua bao lâu. Nếu là buổi trưa của những ngày nghỉ mọi lần thì Tuấn Khuê chắc chắn sẽ dành cả chiều để ngủ bù cho những ngày tháng cắm đầu cắm cổ vào làm luận án, nhưng lần nào về quê, Tuấn Khuê cũng sẵn sàng thức trưa mà thậm chí thâu cả đêm để trò chuyện với Sử Phàm. Mấy tháng không gặp mà cứ ngỡ như tận mấy năm trời, có quá nhiều thứ xảy ra trong vài tháng đó mà để kể thông qua vài dòng tin nhắn thì chẳng bao giờ là đủ. Những năm 2010 thì công nghệ vẫn chưa thực sự phát triển, có con điện thoại cục gạch đã là quý hoá lắm rồi chứ chẳng nói đến điện thoại thông minh mà chỉ cần lướt lướt mấy cái là xong. Tuấn Khuê được sắm cho đầy đủ cả điện thoại thông minh lẫn laptop để phục vụ cho việc học còn Sử Phàm chỉ có chiếc laptop của anh trai cho, bị hỏng mấy lần cũng chỉ dám mang đi sửa chứ không có tiền mua mới thành ra có nhiều câu chuyện phải đợi đến khi gặp lại nhau mới có thể kể hết được.

Anh chở em trên con xe cub mới được đem đi rửa sạch sẽ, bóng loáng, đội cả cái tiết trời nắng oi ả đến cháy da cháy thịt, đội cả cái nóng hầm hập bốc lên từ những con đường. Vi vu khắp từ đầu làng đến cuối xóm, cốt vẫn là muốn ôn lại kỉ niệm xưa, một tiết mục không thể thiếu mỗi lần anh về thăm quê. Tấp vào quán chè của thím Hai ở gần đình làng, chào thím và người nhà một câu rồi thành thục gọi hai cốc chè thập cẩm. Chưa tới ba phút sau, thím Hai bê ra hai cốc chè mát lạnh rồi còn khuyến mãi thêm mấy xiên chả cá, thím Hai rút chiếc quạt cặp ở bên nách, kéo ghế ngồi xuống buôn chuyện với Khuê và Phàm, cô con gái út cũng hóng hớt ngồi xuống bên cạnh mẹ. Thím bảo lâu lắm rồi mới thầy Khuê về quê chơi, khen dạo này trông Khuê trưởng thành hẳn lên, mới ngày nào còn đèo Phàm sang rủ thằng con lớn nhà thím trốn ngủ trưa đi ra đồng chơi rồi kết quả là lúc về bị mắng té tát cho một trận nhưng có chừa đâu, còn hỏi sao dạo này chẳng thấy Phàm sang ủng hộ thím cốc chè nào cả. Nói đúng ra thì em phải gọi thím bằng cô nhưng dù gì cũng đã thân quen với nhau cả rồi, thím Hai còn coi em như con cháu trong nhà nên cứ bảo em gọi thím đi cho đỡ xa cách, tính đến nay cũng ngót nghét hơn chục năm. Tuấn Khuê thiện chí hỏi thăm sức khoẻ cả gia đình, tiện hỏi luôn thằng cả nhà thím không về quê chơi à.

Ba thím cháu hàn huyên với nhau được độ nửa tiếng, Tuấn Khuê định rút tiền ra trả thì thím Hai nhất quyết không nhận, cứ bảo Khuê chẳng mấy khi về chơi nên bữa nay thím mời. Đưa đẩy một hồi rồi Tuấn Khuê cũng đành chịu thua trước thím Hai, chào tạm biệt cả gia đình xong lại tiếp tục đèo Sử Phàm băng băng qua khắp mọi nẻo đường thân thuộc. Cuối cùng cả hai quyết định lên ngọn đồi phía sau trường cấp ba để tránh nóng, vừa tiện nhắc lại kí ức xưa. Từ khi Tuấn Khuê lên thành phố theo học đại học, Sử Phàm chẳng còn thiết tha lui tới chốn này cùng một ai khác. Vì vẫn còn nghỉ hè nên ở đây chẳng còn thêm bất kì một ai khác, mà cũng chẳng có ai dở hơi đến nỗi lên đồi ngắm cảnh giữa buổi trưa nắng.

"Anh nhớ chúng ta của ngày xưa quá."

"Hoài niệm thật, anh nhỉ?"

Hai dáng người một lớn một nhỏ ngồi cạnh nhau, tựa lưng vào thân cây cổ thụ đã trải qua tận mấy chục mùa thay lá, để tán lá to lớn chở che khỏi những tia nắng đang cố lùa qua từng kẽ lá với mục đích rọi thẳng vào từng lớp da thịt của hai cậu trai kia. Tuấn Khuê khoác lấy vai Sử Phàm, để đầu em dựa lên bờ vai rộng của mình. Cảm giác như tất cả những miền kí ức thuộc về cái thuở còn dắt tay nhau đến trường đang cuộn lại thành một thước phim, nó ào ạt ùa về như cơn sóng thủy triều dữ dội. Mọi người trong làng vẫn thường hay bảo vai của Tuấn Khuê rộng như vậy, sau này không biết cô gái nào sẽ là người may mắn được dựa vào nó cả đời. Nhưng họ không hề hay biết rằng ngoài người nhà ra thì Tuấn Khuê chỉ cho phép có duy nhất một người được dựa vào, người ấy chẳng phải nữ mà là một cậu con trai. Và họ cũng chẳng thể biết được rằng, mỗi khi nghe những câu nói như vậy, có ai kia vẫn luôn ước người may mắn đó sẽ là mình.

Còn nhớ những năm Tuấn Khuê đèo Sử Phàm trên chiếc xe đạp đã muôn phần cũ kĩ, đều đặn mỗi ngày dù là nắng vỡ đầu hay mưa to gió bão. Có những ngày xe hỏng, anh Khuê nắm tay em Phàm đến trường với cái lí do nghe hơi vô lý nhưng lại rất thuyết phục rằng "trẻ nhỏ phải được trông chừng cẩn thận, nếu không thì sẽ lạc mất". Vốn ban đầu chẳng ai quá để tâm tới độ thân thiết của Tuấn Khuê và Sử Phàm, cho đến những năm cấp ba thì mối quan hệ này mới được xét vào diện "đáng chú ý". Những đứa trẻ ấy khi lớn lên rồi, họ dường như nhạy cảm hơn với tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống, không còn chỉ quan tâm tới mỗi bản thân mình mà còn dành sự chú ý cho cả những chuyện không phải của mình và thế nên cũng chẳng bất ngờ gì khi các bạn trong lớp rất thường hay hỏi về chuyện của hai người. Đại loại là hỏi Khuê với Phàm chơi thân với nhau từ khi nào, coi đối phương là gì với mình hay đã bao giờ có chút tình cảm gì trên mức bạn bè với người kia chưa. Mỗi lần bị dò hỏi như vậy, cả hai đều chẹp miệng, lắc đầu, mắng mấy đứa bạn mình cứ hỏi vớ hỏi vẩn. Mà chính ra, họ không dám thú nhận rằng mình thật sự đã nảy sinh thứ tình cảm quá phận với đối phương và hơn ai hết, họ hiểu mình sẽ chẳng thể nào sống yên ổn nếu nói ra toàn bộ tâm tư mà bản thân đã cố gắng gói ghém rồi chôn thật sâu vào trong lòng. Bởi thứ vũ khí phi vật thể được gọi là "miệng đời", dù chỉ là lời nói nhưng lại mang tính sát thương cao chẳng kém gì đòn roi và cũng bởi chuyện hai đứa con trai thích nhau, xã hội này sẽ dị nghị họ tới khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng buông tha, người ta sẽ cho rằng họ mắc một chứng bệnh quái gở chẳng có cách nào chữa dứt điểm được.

Sử Phàm nhớ lắm những lần em ngại ngùng đứng trước cửa lớp Tuấn Khuê mà không dám gọi anh ra, mấy cậu bạn cùng lớp trông thấy đều cười cười bảo "người yêu mày gọi kìa Khuê", anh nghe vậy cũng chỉ biết đánh cho mỗi đứa một nhát rồi đáp lại "yêu với đương cái gì". Đám bạn của anh mỗi ngày đều phải chứng kiến cái cảnh Tuấn Khuê nở một nụ cười rực rỡ như ánh ban mai buổi sáng sớm, nhẹ xoa đầu em đẹp trai khối dưới rồi đem tất thảy sự dịu dàng thả vào câu hỏi "tiểu Phàm gọi anh có gì không?".

"Người yêu gọi anh có gì không?"

"Kìa, Tuấn Khuê bảo 'yêu với đương cái gì' mà."

"Thôi Khuê cứ chối thế, em nó buồn bây giờ."

"Tao đã bảo là không phải."

Ấy là khi chúng bạn của anh giở chứng đùa dai, vừa thấy anh chạy đến bên Sử Phàm đã đồng thanh cướp lời. Anh chỉ biết lực bất tòng tâm rồi liếc xéo đám dở hơi kia một cái mà chẳng hề hay biết rằng hai bên gò má đã phơn phớt một sắc hồng. Sử Phàm bị trêu, thẹn đến đỏ cả mặt. Em cố gắng chui rúc gương mặt mình vào khoảng trống giữa tay Tuấn Khuê và chiếc cửa lớp bằng gỗ đã sờn cũ từ lâu nhằm che đi tất thảy sự ngại ngùng cùng với nụ cười đang bị đè nén thật sâu. Thực ra bất kể ai cũng vậy thôi, dẫu biết những lời đó chỉ dùng để trêu đùa nhưng thử hỏi làm gì có ai được ghép đôi với người mình thầm thương mà trong lòng lại không sướng rơn lên cho được.

"Em ước gì chúng ta được quay lại quá khứ. Xa anh rồi, em thấy cô đơn quá."

"Kỉ niệm về những tháng năm xưa cũ đó giống như cơn mưa rào ngày hạ vậy, nếu có cơ hội được tắm mình bằng muôn vàn những giọt nước mát ấy, anh muốn dòng thời gian ngưng đọng thật lâu để anh được đắm chìm trong hạnh phúc."

"Em nhớ những lần chúng mình cũng nhau ngồi trên chiếc xe đạp cũ, cùng nhau băng qua những cánh đồng, cùng nhau trèo lên những ngọn đồi để tìm chốn nghỉ chân, cùng nhau san sẻ mọi câu chuyện, cùng nhau nắm tay chạy trên thảm cỏ xanh. Mà đặc biệt nhất vẫn là nhớ anh, nhớ kỉ niệm hai đứa mình."

"Những gì anh viết trên vài dòng tin nhắn cũng chẳng thể diễn tả được hết nỗi nhớ em. Cuộc sống sinh viên có nhiều người đến, nhiều người rơi đi, nhiều bài tập cần làm, nhiều điều phải ghi nhớ nhưng dẫu có là một giây anh cũng chẳng thể quên được em. Nhiều khi anh chỉ ước mình có được một vé quay về quá khứ. Chạy đồ án nhiều quá, lưng anh không ổn chút nào còn đầu anh thì sắp khờ luôn rồi."

"Đau lưng lắm không, lát về em đấm lưng cho."

"Thiếu điều sắp gãy ra tới nơi rồi nè."

"Anh doạ em sợ đấy, thế này chắc hết dám lên thành phố học đại học."

"Tiểu Phàm không cần lo, đau lưng thì đã có anh xoá bóp cho rồi. Chẳng qua năm vừa rồi là anh sống một mình, định nhờ bạn cùng phòng mà thấy chúng nó cũng chẳng khá hơn anh là bao nên đành thôi. Mấy nữa tiểu Phàm lên ở cùng anh, bất kể là việc gì, anh đều thể lo liệu hết cho em."

"Thôi đi, lo cho cái bọng mắt thâm quầng sắp thành gấu trúc của anh trước đã." Sử Phàm dùng ngón tay trỏ đẩy nhẹ trán Tuấn Khuê một cái.

"Đâu dạo này đỡ rồi mà. Em mới là người đáng để lo hơn ấy, để em ở nhà anh không yên tâm chút nào thế nên anh mới phải xin cô chú cho em lên thành phố để tiện chăm cho dễ. Em thấy chưa, ôn thi có mấy tháng mà hai cái má bánh bao đã mất hút rồi đây này."

Tuấn Khuê nhớ cái cảm giác được nựng hai chiếc má phúng phính của Sử Phàm. Khi ấy Sử Phàm chỉ biết ngồi im để anh nghịch, thực sự đáng yêu chết đi được.

"Đừng có véo mạnh quá, đau em."

Được vài giây sau thì Tuấn Khuê thôi nghịch em, thay vào đó nhẹ nắm lấy bàn tay nhỏ để tìm hơi ấm thân thuộc mà đã lâu lắm rồi mình mới được cảm nhận.

"Mà hôm em xin bố mẹ cho lên thành phố học ấy, anh cứ sợ không dám gọi về vì sợ nghe câu từ chối, phải tận 2 tiếng sau anh mới lấy hết dũng khí bấm nút gọi. Mừng là thần may mắn gọi tên chúng mình. Phòng trọ cần bốn người, bọn anh đã có ba người rồi, vừa vặn thêm mỗi em thôi là đủ."

Trong tim anh cũng chẳng còn bao nhiêu chỗ trống, phần còn lại để dành cho mình em là trọn.

"Lúc đó em cũng sợ, vì anh Phong đã lên thành phố làm ăn rồi mà giờ cả em cũng đi nữa thì bố mẹ lủi thủi ở nhà một mình buồn lắm. Ít ra khi em ở nhà còn có người mà í ới, mấy tuần nữa em đi rồi thì chẳng biết gọi ai."

"Để chốc nữa về, anh bảo thằng Khôi mỗi ngày lượn sang nhà một lần cho cô chú đỡ thấy trống vắng."

"Cơ mà suốt một năm học trên đấy anh không để ý ai à? Em cứ tưởng lần này về anh sẽ dẫn chị đẹp gái nào đấy theo chứ. Mấy hôm trước thằng Khôi khoe với em là nó chuẩn bị tỏ tình bạn cùng lớp kìa."

"Để anh nói tiểu Phàm nghe. Sáng anh đi học đến chiều, tan học xong anh đi làm thêm ở quán cà phê bên bờ hồ đến tận tối, về đến nhà ăn cơm rồi tắm rửa cũng phải đến chín giờ và thời gian còn lại trong ngày thì anh vừa gọi điện cho em với bố mẹ vừa làm luận văn thì lấy hơi đâu ra mà tán gái. Vả lại, anh cũng chẳng ham đâu. Gái trên thành phố thì cũng yêu trai phố hết rồi, trai quê như anh có muốn cũng chẳng đến lượt. Mà quan trọng hơn cả là anh bận để ý tiểu Phàm cơ, sợ em có bạn gái xong quên anh mất, rồi sau này ai lên thành phố sống cùng anh."

"Em thì làm gì có ai thích."

"Tiểu Phàm đẹp trai, dễ thương thế này cơ mà, mấy bạn nữ lớp anh cứ khen suốt thôi. Thế nên mỗi khi người ta hỏi em có bạn gái chưa thì anh đều bảo 'bố mẹ em ấy khó lắm, không cho yêu sớm đâu'. Lỡ mà tiểu Phàm có nghe được rồi đồng ý yêu đương với người ta thì anh sẽ bị cho ra rìa mất. Anh không thích thế đâu, thích được ở cạnh tiểu Phàm cơ."

"Anh định bám dính lấy em cả đời luôn à? Em cũng cần lấy vợ sinh con nữa chứ."

"Cần gì vợ con, anh nuôi em cả đời này còn được. Chúng ta cùng nhau chung sống đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, thậm chí là xuống cả nơi địa phủ lạnh lẽo."

"Nói được là phải làm được nhé."

"Chắc chắn rồi, em chỉ cần tin anh thôi."

Sử Phàm chẳng thể biết được chính xác rằng những lời Tuấn Khuê vừa nói mang bao nhiêu ý thật và bao nhiêu ý đùa nhưng trước hết, em thấy sự chân thành vốn có trong từng lời nói, từng hành động, từng ánh mắt mà Tuấn Khuê trao cho em. Trong lòng Sử Phàm không tránh nổi cảm giác xao xuyến, rung động đến ngứa ngáy tâm can, tưởng chừng như bị thần tình yêu đang bay lượn trong đó bằng đôi cánh đầy lông vũ của mình. Nói đúng ra, chẳng có anh em thân thiết nào tâm sự với nhau bằng những lời ngọt ngào nhất cho đối phương như cái cách mà Tuấn Khuê và Sử Phàm giãi bày tâm tư với nhau.

Trao nhau đôi lời chân thành xuất phát từ con tim với cái tình đằm thắm, để rồi tương tư về nhau đến suốt nửa đời người.

Cả Tuấn Khuê và Sử Phàm đều yêu lắm cái cảm giác được yên bình ở bên nhau như lúc này đây, cho phép mình được tham lam tận hưởng hơi ấm của người bên cạnh để bản thân cảm thấy thật hạnh phúc.

Một lúc lâu sau đó, Tuấn Khuê lại cùng Sử Phàm đi ôn lại kỉ niệm xưa trên chiếc xe cub 50, và thật cảm tạ trời đất khi thời gian đã không đem những hoài ức xưa cũ đi theo mất. Đúng là cao lương mỹ vị nơi thành thị xa hoa cũng không thể bằng tinh hoa thuở thơ ấu. Mấy đứa nhỏ trong xóm rủ Khuê và Phàm đi chơi hết trò này đến trò khác, những tiếng cười hồn nhiên rộn vang cả khu xóm. Đối lập với bộ quần áo toát lên vẻ đĩnh đạc, chín chắn của Tuấn Khuê là đôi chân trần đang mải đuổi theo quả bóng tròn trên thảm cỏ xanh ngay sát bên cánh đồng. Có đứa còn rủ cả đám đi hái trộm xoài nhà bà Hồng ngay đầu đường, có đứa thì rủ ra sông bắt ốc, hay có đứa gan hơn còn rủ đi trêu chó. Phải tới tận khi ánh hoàng hôn đã buông xuống ngọn núi phía xa xa kia, chúng nó mới chịu dắt trâu về nhà vì sợ bị bố mẹ mắng. Tuấn Khuê và Sử Phàm chưa bao giờ cảm thấy buồn chán khi bản thân được sinh ra ở chốn làng quê nơi ngoại thành thủ đô, bởi ở đây, họ được thoải mái vui đùa với những trò vui của tụi trẻ con thay vì phải chạy đua với nhịp sống vội vàng trên đô thị tấp nập người qua lại. Mỗi ngày chỉ cần trôi qua thanh bình như vậy đã đủ xua tan nỗi mệt nhọc suốt cả một năm học hành vất vả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro