2. Chuyên Văn, chuyên Toán là anh em một nhà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chọn trường chuyên, lớp chuyên đồng nghĩa với việc chúng tôi phải chấp nhận tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng. Ví dụ như 12 chuyên Toán với tỉ số 30 nam - 10 nữ, tuy hơi lệch nhưng vẫn còn tạm được. Nhìn sang hàng xóm chuyên Lý, tình hình "dương thịnh âm suy" thậm chí còn khủng khiếp hơn: 36 nam và 4 nữ. Nhưng so với 12 Tin thì bọn con trai lớp Lý vẫn cảm thấy được an ủi một chút: cả lớp 40 học sinh mà chỉ có duy nhất Việt Hà là thiếu (tính) nữ, đã vậy đứa con gái hiếm hoi của chuyên Tin còn "men" hơn cả đám bạn cùng lớp nó.

Cứ tưởng 12 Tin là đau khổ lắm rồi, ấy thế mà ở chuyên Nguyễn Thái Học còn có một nơi giới tính nam được liệt vào diện "tuyệt chủng" - đó chính là chuyên Văn thân yêu của tôi. Chúng tôi đã lập một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Nguyễn Thái Học: ba năm liên tiếp không bói ra được một mống nam sinh nào. Cũng vì vậy mà mỗi lần khối Văn tổ chức sự kiện, giáo viên chủ nhiệm đều phải nhờ con trai các lớp Tự nhiên sang hỗ trợ một tay.

Đặc biệt 12 Văn có mối quan hệ rất khăng khít với 12 Toán, bởi vì thầy Khoa chủ nhiệm lớp tôi và cô Hải chủ nhiệm lớp Toán là cặp vợ chồng huyền thoại trong trường. Hai thầy cô đều là học sinh chuyên Nguyễn Thái Học, thầy Khoa là anh chàng thư sinh, hiền lành của chuyên Văn, trong khi cô Hải là một nữ sinh tomboy vô cùng cá tính của chuyên Toán.

Chỉ cần là học trò của thầy Khoa cô Hải thì đứa nào cũng từng được nghe về một giai thoại đặc biệt: ngày còn học phổ thông, thầy Khoa học kém môn Toán đến mức thề rằng nhất định sau này phải lấy một cô vợ dạy Toán cho... bõ ghét!

- Ai ngờ dòng đời xô đẩy, đến tận bây giờ tôi vẫn phải chịu cái "ách đô hộ" của môn Toán. Các anh, các chị đừng có mà khôn ba năm dại một giờ như tôi đấy nhé!

Lần nào nhắc đến câu chuyện xưa, thầy Khoa cũng giả vờ nhăn tít cả trán lại ra chiều khổ sở lắm, nhưng cả lớp chúng tôi đều đọc được vẻ hạnh phúc và tự hào trong ánh mắt thầy. Không chỉ riêng tôi mà đứa nào cũng mơ mộng có một tình yêu học trò lãng mạn như thầy Khoa và cô Hải, để năm mươi, sáu mươi năm sau, hội trường Nguyễn Thái Học sẽ chứng kiến hai ông bà cụ, tuy chân đã run, mắt đã mờ nhưng hai bàn tay thì không rời nhau một phút nào.

Ở trong một lớp toàn nữ, mặc dù hơi vất vả, việc nặng việc nhẹ gì cũng đến tay, nhưng bù lại lớp tôi không bao giờ thiếu những câu chuyện drama dài hơn cả sử thi, hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết và mượt hơn cả thơ tình Xuân Diệu.

Lớp 12 chuyên Văn chỉ vỏn vẹn 40 đứa con gái nhưng lại phân bổ thành bốn nhóm hoàn toàn tách biệt, thoạt nhìn thì chẳng khác gì một xã hội phân chia đẳng cấp thu nhỏ. Ví dụ như Nhật Phương, Thảo Chi, Trúc Anh và Giang Phạm nằm ở tầng lớp "2Đ", nghĩa là Đẹp và Đỉnh. Mấy nhỏ này có độ nhận diện cao, quen biết rộng và luôn luôn góp mặt ở những chương trình văn nghệ lớn của trường.

Nhóm thứ hai là bà hoàng văn thơ, chúa tể bắn chữ, đặc điểm nhận biết: nòng cốt của đội tuyển học sinh giỏi, vắng mặt như cơm bữa vì bận học ôn đội tuyển quanh năm. Nhóm này được coi như "con cưng" của thầy cô tổ Ngữ Văn, đến Nhật Phương và mấy đứa trong hội 2Đ cũng phải dè chừng mấy phần.

Nhóm thứ ba là hội rich kid, tuy không nổi bật bằng nhóm thứ nhất và không học giỏi bằng nhóm thứ hai nhưng thứ mà chúng nó không bao giờ thiếu chính là điều kiện.

Nhóm cuối cùng, cũng là nhóm của tôi, bao gồm những đứa con gái làng nhàng: nhan sắc làng nhàng, học hành làng nhàng, gia cảnh cũng làng nhàng nốt. Tóm lại là không có điểm gì nổi trội để phải ghi nhớ. Ưu điểm là ít bị thầy cô để ý, nhược điểm là thường xuyên bị ba nhóm ở trên đùn đẩy cho những công việc không ai muốn làm. Lý do là chúng nó bận, nhóm Nhật Phương thì bận công tác Đoàn, nhóm học sinh giỏi thì bận ôn thi, còn nhóm rich kid thì chỉ cần tiếng trống tan học vang lên là đến cái bóng của tụi nó cũng chẳng còn thấy đâu.

Chúng tôi đã trải qua hơn ⅔ quãng thời gian học cùng nhau, mặc dù Nhật Phương luôn cố gắng duy trì không khí hòa bình trong lớp, nhưng những mâu thuẫn, những khác biệt vẫn như dòng dung nham âm thầm cuộn lên trong lòng núi lửa, dường như chỉ cần va chạm nhẹ cũng có thể gây ra một cơn địa chấn khổng lồ.

Nhưng tôi không bao giờ nghĩ có một ngày, mình sẽ trở thành nhân tố gây ra cơn địa chấn ấy ở 12 Văn.

***

Chương trình tri ân thầy cô ngày 20/11 được Đoàn trường giao cho lớp Văn và lớp Toán tổ chức. Cuối tháng 11 cũng rơi vào giai đoạn ôn thi nước rút của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia nên nhân sự vắng khá nhiều. Chương trình văn nghệ lại kéo dài gần hết buổi sáng, lớp trưởng lớp tôi đành phải huy động cả hội con gái xưa nay chưa từng được gọi đi chạy sự kiện cho trường.

Tôi được phân công một chân quản lý phục trang, trong lời của Nhật Phương là vị trí "stylist", còn thực tế là giữ trang phục biểu diễn, chạy qua chạy lại mang váy áo cho mấy đứa diễn văn nghệ.

Thời gian chuẩn bị cho mỗi tiết mục chỉ có năm mười phút, sau cánh gà bọn học sinh cứ chạy loạn hết cả lên, đứa thì tìm hộp phấn, đứa thì nhầm size váy, còn có đứa la oai oái vì không thắt được cà vạt. Khu vực hậu đài cứ như một bãi chiến trường khiến Nhật Phương nổi cáu um xùm với tôi. Mãi đến tiểu phẩm kịch kết màn, tôi mới được trốn vào một góc uống nước, mấy tiếng đồng hồ chạy tới chạy lui, hết chỗ này gọi đến chỗ kia réo làm tôi mệt bở cả hơi tai.

Nhìn mấy cái váy đính hạt cườm vương vãi trên sàn nhà, thậm chí còn thấy rõ một vết dép to tướng đạp lên trên đó, tôi thầm thở dài, đứa nào cũng nghĩ trách nhiệm bảo quản trang phục thuộc về "stylist" nên cứ bạ đâu vứt đấy, chẳng thèm quan tâm ai sẽ phải bỏ tiền ra đền đống váy áo bị lỗi hay mất mát. Thế là tôi uể oải đứng dậy thu dọn những thứ đang nằm lung tung trong phòng, chuẩn bị phân loại từng cái một.

- Cô Tấm đang nhặt thóc đấy à!

Việt Hà bất thình lình vỗ vào lưng khiến tôi giật bắn cả mình.

- Tao tưởng Bảo Anh với Hoàng Duy lớp mày chỉnh loa đài các thứ cơ mà? Sao mày ở đây?

- Thằng Bảo Anh cắm cọc trong quán net rồi, nó bảo tao lên đây thay chỗ nó. Vừa không phải ngồi ngáp ngắn ngáp dài, lại vừa được nghịch điện thoại, ngu gì không nhận!

Tôi chợt nhớ đến con người gắt gỏng với mình tối hôm trước, định hỏi Việt Hà về cậu ta nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì tôi cũng không còn để tâm đến chuyện đó nữa. Việt Hà hếch mặt về phía Nhật Phương đang đứng bên ngoài, hỏi tôi một câu y chang như Bảo Anh:

- Mày có phải osin của tụi cái Phương, cái Chi đâu mà để chúng nó quát xơi xơi như thế?

Nhìn theo ánh mắt của Việt Hà, tôi bắt gặp Nhật Phương đang dựa vào tường cười đùa với một ai đó. Trái tim tôi bỗng thắt lại khi nhận ra bóng lưng kia thật quen thuộc. Có lẽ khi cố gắng tìm kiếm hình bóng của một người quá nhiều lần, chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra người ấy dù là giữa biển người đông đúc hay chỉ là một bóng lưng thoáng qua.

Không thấy tôi đáp, Việt Hà tiếp tục lẩm bẩm:

- Nhìn ngứa cả mắt! Cả trường này ai chẳng biết chúng nó mập mờ với nhau rồi, cứ phải thồn cơm chó cho mọi người mới chịu cơ.

- 12 Văn với 12 Toán là anh em một nhà, một đứa con của bố Khoa, một đứa con của mẹ Hải. Anh em thân nhau là chuyện bình thường mà.

Đó là lời giải thích của Nhật Phương mỗi khi có ai đó trong lớp gán ghép cậu ta với Minh Thành.

Tôi cố nhại lại bằng giọng điệu vui vẻ nhất có thể, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn thấp thỏm lo sợ cái điều Việt Hà vừa nói là sự thật. Đúng thế, ai cũng biết Nhật Phương và Minh Thành có mối quan hệ thân thiết từ cấp hai. Ai cũng biết Nhật Phương thích anh ấy ra mặt, thế nhưng ba năm qua, anh vẫn chẳng hề có một lời khẳng định hay từ chối. Giữa Nhật Phương và anh cứ luôn tồn tại sự mập mờ đáng ghét đó, khiến cho tất cả những đứa con gái thầm mến Thành đều phải e dè.

- Mày không biết anh em một nhà mà yêu nhau là loạn luân à?

Việt Hà vừa nói vừa cười khúc khích bên tai tôi.

________________________

Câu chuyện của thầy Khoa cô Hải được lấy cảm hứng từ một thầy giáo dạy Văn tại trường cấp ba của mình. :>

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro