Chương 29: Đề nghị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tường cung đỏ, ngói lưu ly vàng, cửu tích điện [1] cao vời vợi trang nghiêm đứng giữa một vùng trời xanh thăm thẳm, tất cả gợi nên khí thế hùng vĩ của nơi này.

[1] Kiến trúc phổ biến của nhiều nước châu Á thời phong kiến, đặc trưng bởi hai đầu mái có hai bức tường hình tam giác.

Mưa vừa tạnh, bên góc tường, một nhành hoa đỏ tươi tắn vẫn đẫm nước mưa. Giữa không gian với hai màu đỏ vàng uy nghiêm ấy, nhành hoa đỏ kia cũng không mất vẻ diễm lệ. Nhưng từ xa nhìn lại, sự huy hoàng của cung điện đã khiến vẻ diễm lệ ấy trở nên lạnh lẽo phần nào.

Cửa cung được Vũ Lâm Vệ canh gác nghiêm ngặt. Họ đều là những binh sĩ trẻ tuổi cao lớn, hiên ngang, người mặt áo gấm, lưng đeo thắt lưng thêu, bên eo giắt kim đao.

Đây là cửa cung nơi các đại thần ra vào hoàng thành mỗi ngày, nơi mà văn võ bá quan phải dừng lại, ai cưỡi ngựa xuống ngựa, ai ngồi kiệu xuống kiệu để đi bộ vào trong.

Từ cửa cung đi vào, bên trái cửa hiên phía đông, thẳng một mạch vào trong là Đông Các, nơi các vị đại thần trong Nội Các làm việc hằng ngày, phê phiếu nghĩ [2], tham dự cơ vụ [3].

[2] Phiếu nghĩ: loại văn bản ghi ý kiến của các Bộ, Nha hoặc Nội Các khi tiếp nhận giải quyết công việc do các địa phương, nha môn đệ trình trước khi chuyển tới cho hoàng đế phê duyệt. Phiếu nghĩ bằng giấy hoặc thẻ tre được kẹp vào tấu chương trước khi trình lên hoàng đế.

[3] Cơ vụ: họp bàn các vấn đề quốc gia đại sự.

Ở trung tâm là đường chính gọi là ngự đạo, phía đông là Trường An Tả Môn, phía tây là Trường An Hữu Môn, nối với nhau bằng một hành lang gọi là Thiên Bộ Lang (hành lang dài nghìn bộ/bước). Dọc hành lang là 110 gian phòng, đi về phía bắc còn có 34 gian nữa. Thiên Bộ Lang được bao quanh bởi lan can màu đỏ, bên ngoài lan can này, phía đông là Lễ Bộ, Lại Bộ, Hộ Bộ, Công Bộ, Tông Nhân Phủ, Khâm Thiên Giám và các cơ quan của lục bộ, phía tây là Ngũ Quân Đô Đốc Phủ, Hình Bộ, Đô Sát Viện, Đại Lý Tự và các nha môn võ quan khác.

Thái giám cầm phất trần trên tay ra đón chỉ huy sứ mới nhậm chức của Cẩm Y Vệ.

Tới trước điện, người đàn ông dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn phần trang trí trước mái, chính giữa là một đầu rồng lớn miệng ngậm ngọc hiện đang ở ngay phía trên đầu bọn họ, giống như một vị tôn giả ẩn mình trong mây quan sát nhân thế, ánh mắt u buồn mà uy nghiêm.

Ánh mặt trời xuyên qua hành lang dát lên gương mặt với những đường nét rõ ràng của người đàn ông một lớp ánh sáng. Giữa vầng sáng vàng nhàn nhạt, khuôn mặt người nọ càng thể hiện vẻ mạnh mẽ, kiên định.

"Là Hoắc tướng quân!"

Hằng tháng, Lại Bộ, Binh Bộ lại họp bàn ở phía đông Thiên Bộ Lang để tuyển chọn và sắp xếp vị trí mới cho quan viên. Để xét tuyển, người phụ trách phân công quan viên sẽ tập hợp các địa phương đang có vị trí bị khuyết thiếu, chuẩn bị ba ống trúc ghi Nam, Bắc, Trung, trong ống là tên các châu huyện địa phương. Quan lại tham gia tuyển chọn lên bốc thăm theo thứ tự, lấy được thẻ ghi tên châu huyện nào sẽ đi tới châu huyện đó nhậm chức.

Bên hành lang đang rất náo nhiệt, nhiều quan viên tham gia tuyển chọn lần này nhận ra Hoắc Minh Cẩm, vài người kích động đến nỗi kêu ra tiếng.

Quan văn và quan võ vốn không ưa nhau. Hoắc Minh Cẩm vừa giết tuần phủ Chiết Giang một cách quá tàn nhẫn, rồi lại tiếp nhận vị trí Cẩm Y Vệ chỉ huy sứ từ một người đã chết một cách không rõ ràng khác là Lư Thông, từ nay chưởng quản Bắc Trấn Phủ Ty. Đám quan văn ở kinh thành bây giờ vừa nhìn thấy người này hai chân đã run rẩy.

Hoắc Minh Cẩm mất tích ba năm, mọi người đều cho rằng chàng đã táng thân trong bụng cá, không ngờ chàng mạng lớn, có thể còn sống trở về. Bất ngờ hơn, sau khi chàng trở về, Hoàng thượng lại tỏ ra cực kỳ tín nhiệm, giao luôn chức vụ chỉ huy sứ của Cẩm Y Vệ cho chàng. Cẩm Y Vệ phụ trách truy bắt, điều tra, chuyên xử lý những vụ án do hoàng đế đích thân quyết định, có nhà tù riêng, có thể tự quyết chuyện bắt giữ, tra tấn, xử quyết, không cần thông qua Hình Bộ, quyền lực rất lớn.

Từ tể tướng, phiên vương, vương công quý tộc cho tới dân chúng bình thường, tiểu thương đều nằm dưới sự giám sát cẩn mật của bọn họ, ai dám làm trái, kết cục ắt sẽ thê thảm.

Trước kia, Hoắc Minh Cẩm gặp nạn như thế nào, văn võ bá quan trong triều đều hiểu rõ trong lòng, người xuống tay chính là An Quốc Công và tuần phủ Chiết Giang, người châm ngòi thổi lửa sau lưng là thủ phụ Thẩm Giới Khê và chủ mưu chính là Hoàng thượng!

Các đại thần không biết nên tán dương Hoàng thượng rộng lượng hay nên khâm phục Hoắc Minh Cẩm có bản lĩnh thấu hiểu lòng người. Khiến người đa nghi như hoàng thượng có thể xóa bỏ hiềm khích lúc trước, giao cho trọng trách nhường này chắc chắn còn khó hơn đánh giặc nhiều ấy chứ.

Ánh mắt sắc như dao của Hoắc Minh Cẩm lướt ánh qua phía đông Thiên Bộ Lang.

Đám quan viên vội vàng cúi đầu né tránh ánh mắt chàng.

Chàng không nói gì, tay đặt trên chuôi thanh loan đao bên hông, đi thẳng về hướng Tây Biệt Điện bên cạnh chính điện.

Sau buổi thiết triều, hoàng đế thường tiếp kiến đại thần có chuyện quan trọng dâng sớ trong thiên điện, những đại thần dâng sớ xong thì trở về bộ mình phụ trách tiếp tục xử lý công việc. Sau giờ Ngọ, họ sẽ tới trước Đông Các nhận ý kiến trả lời cho tấu chương của mình, gọi là Ngọ triều.

Do mỗi tháng hoàng đế chỉ lên triều và các ngày lẻ ba, sáu, chín, những ngày khác, công việc của lục bộ đều được giao cho các đại thần trong Nội Các xử lý. Do vậy, Ngọ triều đã chỉ còn là hình thức, quyền lực của hoàng đế đã bị san sẻ cho các đại thần trong Nội Các, thường xuyên có chuyện những quyết định của hoàng đế bị Nội Các giữ lại, không đưa ra ngoài hoặc trực tiếp bác bỏ.

Trong biệt điện lát gạch vàng, không khí đậm mùi hương trầm. Hoàng đế đang ở Tây Noãn Các đọc tấu chương, thái giám đi vào thông báo, cung nhân vén mành lên, Hoắc Minh Cẩm nghe được tiếng quát giận dữ bên trong "Khinh người quá đáng! Ngươi đặt trẫm ở chỗ nào?!"

Lát sau, thái giám mời chàng vào điện.

Chàng chậm rãi đi vào, mặt không đổi sắc, mắt nhìn thẳng phía trước.

Hoàng đế liếc nhìn chàng một cái rồi tiếp tục răn dạy mấy viên quan của Lễ Bộ đang quỳ trên mặt đất, "Hoàng Hậu không có con, khó đảm nhiệm nổi danh vị nhất quốc chi mẫu, tại sao trẫm lại không thể phế bỏ?"

Hoàng thượng muốn phế hậu, lập Quý Phi mà ông ta sủng ái làm Hoàng hậu, Nội Các lấy cớ "Hoàng hậu hiền đức, chưa từng phạm sai lầm", bác bỏ chiếu thư phế hậu.

Hai viên quan của Lễ Bộ quỳ rạp trên mặt đất, không dám lên tiếng.

Hoàng đế day ấn đường, trên mặt lộ vẻ mệt mỏi, hằn học nói, "Cút."

Hai viên quan trẻ tuổi đứng dậy, lui người ra ngoài.

"Minh Cẩm, ngươi lại đây." Hoàng đế vứt tấu chương sang một bên, vẫy tay với Hoắc Minh Cẩm, ý bảo chàng lại gần.

Vũ Lâm Vệ và thái giám đứng hầu xung quanh nhìn nhau.

"Lui ra hết đi!" Hoàng đế lạnh lùng lên tiếng.

Vũ Lâm Vệ cung kính lui ra.

Tay Hoắc Minh cẩm vẫn đặt trên chuôi đao, tiến lên vài bước, "Hoàng thượng"

"Đã giải quyết xong chuyện ở Quốc Công phủ rồi chứ?" Hoàng đế có vẻ như không phát hiện ra sự gượng gạo của chàng, mỉm cười, "Giờ có thể làm việc cho trẫm rồi chứ hả?"

Hoắc Minh Cẩm không nhìn ông ta, một lúc sau mới ôm quyền nói: "Hoàng thượng cứ dặn dò."

"Trẫm biết ngươi quang minh lỗi lạc, không thích mấy thứ âm mưu xấu xa dơ bẩn. Để ngươi nhậm chức vụ Chỉ Huy Sức này là thiệt thòi cho ngươi." Hoàng đế thở dài, nói, "Minh Cẩm, trẫm biết ngươi từ nhỏ đến lớn, trẫm tin tưởng nhân phẩm của ngươi. Chuyện đã qua thì cũng qua rồi, trẫm giờ là chủ thiên hạ, cuộc sống của muôn vàn con dân đều dựa vào trẫm, trẫm chỉ muốn hỏi ngươi một câu, ngươi có thể quên đi thù hận, tận tâm phụ tá trẫm không?"

Hoắc Minh Cẩm trầm mặc không nói, mặt lạnh như băng, không có một chút biểu cảm nào, ánh sáng lạnh lẽo nơi đáy mắt như đang chuyển động.

Hoàng đế đợi hồi lâu, cười chua chát nói: "Đúng là trẫm đã không từ thủ đoạn, phụ sự răn dạy của tiên đế... Nhưng mà Minh Cẩm, trải qua nhiều chuyện như vậy, ngươi hẳn là đã hiểu, triều đình không phải chiến trường, nếu trẫm không có vài phần thủ đoạn, giờ làm sao có thể ngồi đây nói chuyện với ngươi?" Hắn thở dài, "Ngươi cứ về đi vậy, chờ khi nào ngươi hiểu ra, trẫm còn có chuyện quan trọng muốn nhờ."

Hoắc Minh Cẩm nghe xong chắp tay, xoay người lui ra ngoài.

Tiếng bước chân xa dần, Hoàng đế cau mày, ngửa người tựa lưng vào ghế, sắc mặt tối sầm.

Sột soạt vài tiếng, mấy gã sát thủ nấp sau tấm bình phong đi ra, trên tay ai cũng cầm vũ khí, người thì là loan đao sắc lẹm tẩm độc, người thì là cung tiễn với những mũi tên nhọn hoắt, dưới ánh mặt trời chiếu vào trong điện, vũ khí hắt lại thứ ánh sáng lạnh lẽo ghê người.

Gã cầm đầu quỳ gối trước bàn, "Hoàng thượng, có cần phải giết Hoắc chỉ huy sứ hay không ạ?"

Hoàng đế trả lời: "Không cần, sớm muộn gì hắn cũng sẽ làm việc cho trẫm. Đối phó với người như vậy, không thể ép buộc. Vàng bạc của cải, nhà cao cửa rộng, mỹ nhân như ngọc, vừa đe dọa vừa dụ dỗ, tất cả mọi kế sách đều vô dụng, chỉ có thể dùng cái lễ của người quân tử mà đối xử với hắn, hắn mới có thể dao động."

"Hoàng thượng vì sao lại đánh giá cao Hoắc chỉ huy sứ như vậy?" Tên cầm đầu ra lệnh cho sát thủ vừa mai phục trong điện lui ra ngoài, cẩn thận hỏi, "Hoắc chỉ huy sứ giết tuần phủ Chiết Giang, chặt một ngón tay của An Quốc Công, bắt cả nhà tả đô đốc của Ngũ Quân Đô Đốc Phủ... Hắn cả gan làm loạn như thế. Mấy ngày nay đại thần trong triều đang bàn tán về hắn, đã có mười mấy vị ngôn quan buộc tội hắn."

Hoàng đế cười chế giễu: "Người Thát Đát đánh tới chân kinh thành, Hoắc Minh Cẩm mới mười hai mười ba tuổi đã lãnh binh ra chiến trường, khi đó sao không thấy ngôn quan nào lên tiếng, giờ mấy người đó lại can đảm như thế, đúng là không sợ chết rồi."

Nguyên nhân ông ta muốn thu phục Hoắc Minh cẩm rất đơn giản. Hoắc Minh Cẩm là người thích hợp nhất. Hơn nữa đây cũng là thời cơ tốt nhất.

Chỉ huy sứ tiền nhiệm, Lư Thông, là con trai vú nuôi của hoàng đế, được hoàng đế hết sức tín nhiệm. Hoàng đế đa nghi, ông ta có thể nghi ngờ nhiều người nhưng lại chưa từng hoài nghi người anh em từ nhỏ đã lớn lên cạnh mình, lại uống chung một dòng sữa với ông ta. Vậy mà cách đây không lâu, ông ta lại vô tình biết được, Lư Thông đã bị Thẩm Giới Khê mua chuộc, âm thầm giúp Thẩm Giới Khê diệt trừ những kẻ chống đối, giết oan quan địa phương.

Hoàng đế nhanh chóng đưa ra quyết định, lập tức phái người giết Lư Thông.

Dù có cử ai tiếp nhận Cẩm Y Vệ đi chăng nữa thì người đó cũng có thể nghiêng về phía Thẩm Giới Khê, chỉ có Hoắc Minh Cẩm, người mang mối thù sâu như biển với Thẩm Giới Khê sẽ không. Nói Hoắc Minh Cẩm căm thù Thẩm Giới Khê đến chết cũng chẳng phải là nói quá. Hoắc Minh Cẩm chắc chắn sẽ không cùng phe với Thẩm Giới Khê.

Còn chuyện Hoắc Minh Cẩm có trung thành với ông ta hay không... Hoàng đế không quan tâm, đợi đến khi loại trừ được Thẩm Giới Khê, ngày chết của Hoắc Minh Cẩm cũng tới.

Thật sự ông ta cũng không cho rằng Hoắc Minh Cẩm có lòng phản nghịch, Hoắc Minh Cẩm là một người Hoắc gia chân chính, chỉ trung với hoàng quyền, có thể hy sinh vì nước, đến chết cũng không từ.

Ngay cả khi trong lòng Hoắc Minh Cẩm hiểu rõ lúc trước người ra lệnh diệt trừ Hoắc gia quân là ông ta, cũng sẽ không sinh ra tâm tư làm phản.

Về chuyện này, Hoàng đế rất tự tin.

Ngoài Thiên Bộ Lang, đám quan viên vừa rút xong thẻ đang lục tục ra về.

Một người trẻ tuổi mặc quan bào cổ tròn vòng qua hành lang, tới gần một bóng người dáng cao vai rộng, trên mặt thì tràn ngập sợ hãi nhưng miệng lại từ tốn nói: "Tướng quân, rút thẻ xong rồi, ta được phân tới Hồ Quảng, phủ Võ Xương nhậm chức đồng tri."

Người kia phóng mắt nhìn xa xăm, nói: "Chú ý động tĩnh của Thẩm gia và Triệu gia."

Người trẻ tuổi vâng một tiếng, "Tướng quân, ngài cũng phải cẩn thận, Hoàng thượng định lợi dụng ngài áp chế Thẩm các lão."

Người nọ gỡ thanh đao bên hông xuống, ngón tay lướt ra vỏ đao, nói: "Không sao, đôi bên cùng có lợi."

Hoàng đế tự cho rằng cố ý tỏ ra nhún nhường là có thể đánh lừa chàng bán mạng cho ông ta, lại quên rằng chàng là người tập võ. Mỗi lần chàng vào điện tiếp kiến, mặc dù Hoàng đế không yêu cầu chàng để đao ở ngoài nhưng phía sau bình phong và rèm che lại có sát thủ mai phục.

Chàng không còn phải là thiếu gia Hoắc gia ngày trước nữa. Chàng đã cố ý im lặng từ chối vài lần, Hoàng đế hẳn là đã mất đi sự cảnh giác. Chàng đeo lại đao vào hông, "Làm gì cũng phải cẩn thận, không được hành động thiếu suy nghĩ."

Người trẻ tuổi khẽ vâng một tiếng rồi chạy đi. Hòa vào trong đám người, thở phào một hơi, quay sang nói với đồng liêu: "Lúc nãy ta vừa đụng phải Hoắc chỉ huy sứ, đáng sợ chết đi được"

Đám đồng liêu cười ha ha, "Ai bảo huynh đi cũng không nhìn đường, tự làm tự chịu! Lần sau nhìn thấy ngài ấy thì nhớ chạy nhanh lên."

Người trẻ tuổi xoa xoa gáy, cười hề hề.

oOo

Thời tiết giờ nóng ẩm, hơn nữa còn có vẻ càng ngày càng nóng.

Ngày nóng ăn cái gì cũng không ngon miệng, Phó Vân Anh dậy sớm đọc sách, nhà bếp đưa cháo trắng và các món ăn kèm lên, còn cả mì căn [4] chưng và gừng non ngâm dấm. Biết mấy ngày nắng nóng khiến nàng uể oải, họ còn chuẩn bị mơ muối để kích thích vị giác, nàng lắc đầu, chỉ ăn được một bát cháo nhỏ.

[4] Mì căn là thành phần đạm của bột lúa mì, thường dùng làm thực phẩm chay. Bột mì sau khi nhào với nước rồi bỏ phần tinh bột thì sẽ có phần đạm sót lại. Phần đạm này sau đó đem hấp hoặc luộc rồi có thể dùng thay thế thịt trong các món chay ở Đông Á. (Nguồn: Wikipedia)

Hoa táo đã tàn, giờ nhìn kỹ có thể thấy những quả táo tròn tròn bé như hạt gạo trong tán lá. Chim hót líu lo. Mùa hè chim sẻ đều béo mập trông như mấy cục bông bụ bẫm lẫn vào cành lá, nhảy chuyền cành ríu rít không ngừng, không biết sợ người chút nào.

Nha hoàn Phương Tuế bê một chiếc bình sứ thanh hoa vào sân, mím môi cười với Phó Vân Anh, mở nắp bình, một làn hương rượu nhàn nhạt tỏa ra

"Tiểu thư, rượu nếp ủ tới độ rồi."

Phó Vân Anh khép sách lại, đi tới dưới mái hiên, nhận chiếc thìa sứ, múc một thìa rượu trắng như sữa, chua chua ngọt ngọt thơm lừng xua tan cả cái nóng.

Mấy con chim sẻ cũng đập cánh bay ra khỏi tán cây sà xuống, Phương Tuế vội vàng đậy bình lại, cười mắng, "Mấy con chim sẻ lắt nhắt này chỉ được cái khôn miệng!"

Phó Vân Anh mỉm cười, "Nấu hai phần, một phần cho thêm trứng gà là được rồi."

Ăn hai bát cháo trứng gà rượu nếp, nàng cảm thấy dễ chịu phần nào.

Hàn thị nhìn nàng ngồi cho từng thìa rượu nếp nhỏ vào miệng nhấm nháp đã thấy ê hết cả răng, "Đại Nha, không chua à?"

"Mẹ, mẹ nếm thử một thìa xem."

Phó Vân Đưa đưa chén sứ về phía bà, "Ngọt lắm, không chua tí nào, món này ăn giải nhiệt."

Hàn thị lắc đầu, cười xoa đầu nàng, "Khẩu vị chẳng giống cha con chút nào..."

Lúc này, dưỡng nương đột nhiên đi vào, cắt ngang cuộc trò chuyện của hai mẹ con: "Thái thái, tiểu thư, cửu thiếu gia bên kia có chuyện rồi."

Phó Vân Anh nhíu mày, "Có chuyện gì?"

Dưỡng nương trả lời, "Cửu thiếu gia ngã bệnh, tứ thái thái đã sai người đi mời thầy thuốc." Bà ta ngập ngừng. "Thái thái, người mau qua bên kia xem thế nào, lát nữa lão thái thái cũng qua đấy."

Hàn thị đặt chiếc khăn lưới đang làm dở trên tay xuống, chỉnh sửa lại vạt áo, kéo Phó Vân Anh dậy, "Đi nào, mẹ con mình tới chỗ Khải ca nhi."

Phó tam thúc và Phó tam thẩm mấy hôm trước về nhà ngoại "trốn Đoan Ngọ" nay đã trở lại nhưng Tiểu Ngô thị vẫn chưa trở về, nghe nói mẹ Tiểu Ngô thị bị bệnh, bà ta phải ở lại nhà mẹ đẻ chăm sóc mẹ, tạm thời sẽ không về phố Đông Đại. Phó Vân Thái và Phó Vân Khải ăn một trận đánh nhưng tuổi còn nhỏ, vết thương cũng mau lành. Vài ngày sau, Phó Vân Thái đã tung tăng nhảy nhót, Phó Vân Khải cũng bình phục kha khá nhưng hắn lại xấu hổ không muốn gặp ai, trốn trong nhà dưỡng thương, ngay cả tộc học cũng không đi, chỉ theo học Tôn tiên sinh. Tiểu Ngô thị không ở nhà, Hàn thị thi thoảng sẽ qua đó thăm hắn, mang cho hắn chút đồ điểm tâm. Đáng tiếc hai người không hợp, nói chuyện một lúc là lại chẳng còn gì để nói với nhau.

Phó Vân Anh ngại không muốn đi, trời nóng đến mức đầu nàng cũng ong lên, "Mẹ, mẹ đi đi, lát nữa con còn qua chỗ nhị ca, bây giờ mà sang đó nữa thì muộn mất."

Hàn thị rất ít khi bắt nàng làm gì, mọi chuyện hai mẹ con đều bàn bạc với nhau. Thấy nàng không muốn đi, Hàn thị cũng không ép, cúi người chỉnh lại ngọc bội đeo trên eo nàng, "Nắng nóng như thế này, sao con không nghỉ mấy ngày đi? Mẹ thấy ngay cả Thái ca nhi và Khải ca nhi cũng không học hành vất vả bằng con."

"Bên chỗ nhị ca mát mẻ hơn ạ." Phó Vân Anh đứng dậy kiểm tra lại chiếc túi đựng giấy bút bằng vải thô, cho mấy cuốn sách vừa đọc vào đó, đưa cho Phương Tuế cầm giúp, rồi đi ra ngoài sân với Hàn thị.

Tới hành lang dài, hai mẹ con mỗi người đi một hướng. Phó Vân Anh đi ra phía nội viện, tới bờ tường lại nghe thấy tiếng ngâm thơ khe khẽ từ bên vườn vọng lại: "Nam Châu nhục thử túy như tửu, kỷ ẩn thục miên khai bắc dũ. Nhật ngọ độc giá vô dư thanh, sơn đồng các trúc gõ trà cữu." [5]

[5] Bài thơ "Hạ trú ngu tác" của Liễu Tông Nguyên. Đại ý là sức nóng mùa hè ở Nam Châu (Vĩnh Châu, Hồ Nam) khiến người ta buồn ngủ (như say rượu) nên nhà thơ mở cửa sổ hướng bắc, tựa vào bàn ngủ quên; khi tỉnh dậy đã là giữa trưa, đất trời tĩnh lặng, chỉ còn tiếng cậu bé miền núi gõ cối trà của trong rừng trúc vọng lại.
Mình tìm thấy một bản dịch của trên mạng của dịch giả Quỳnh Chi (2/8/2009):
Trưa hè
Say đừ nắng gió miền nam
Mở toang cửa
Tựa bên bàn... ngủ quên
Tỉnh ra
Trưa vắng im lìm
Vẳng qua bụi trúc, trẻ bên giã trà

Ma ma thì thầm: "Là Tô biểu thiếu gia."

Phó tứ lão gia năn nỉ Tô Đồng ở lại đây dưỡng thương, tất cả chi phí đều do ông chi trả, Tô Đồng đòi về mấy lần nhưng vẫn bị Phó tứ lão gia và Lư thị ngăn cản. Chu gia bồi thường Tô gia hai mươi lượng bạc và một trăm mẫu đất, Tô Đồng cũng từ chối nhưng cuối cùng Phó tam lão gia quyết định, đất này sẽ đứng tên Tô nương tử, người trong tộc không ai phản đối.

Quyết định này khiến bên Phó gia có người thèm muốn, bên Chu gia cũng không phục, nhưng Phó Vân Chương lại thuyết phục được các gia tộc tham gia đua thuyền rồng ngày hôm đó là Trịnh gia, Lý gia, Dương gia, Tề gia, Quách gia cùng nhau tới đòi Chu gia bồi thường. Như thế Chu gia không những chỉ phải bồi thường cho Tô Đồng mà còn phải bồi thường cho các gia tộc kia. Chu gia bị các gia tộc khác hùa vào chèn ép, chỉ có thể chấp nhận bồi thường. Phó Vân Chương ép Chu gia bồi thường xong không hề tơ hào một xu, toàn bộ do mấy nhà Trịnh gia, Lý gia chia chác hết cả.

Hiện giờ người Chu gia hận nhất không phải người đã bắt bọn họ phải chi tiền, Phó Vân Chương, mà là những kẻ tát nước theo mưa như Trịnh gia, Lý gia. Ngược lại, mấy nhà đó lại đang vui như tết, tự nhiên có một khoản tiền từ trên trời rơi xuống, khen Phó Vân Chương không dứt miệng.

Từ đầu đến cuối, Phó Vân Chương chỉ đòi lại công bằng cho Tô Đồng, lại không cần bất cứ lợi lộc gì, tưởng như làm không công cho người ta nhưng sự thật là khi chẳng ai để ý, y đã dần làm lu mờ vị trí tộc trưởng của Phó tam lão gia.

Lần trước, bởi vì việc dựng đền thờ trinh tiết, Phó Vân Chương đã tranh cãi nảy lửa với Phó tam lão gia nhưng sau đó hắn vẫn tôn kính Phó tam lão gia như cũ. Ai mà ngờ y trả đòn nhanh như vậy, lợi dụng việc của Tô Đồng để lấn lướt Phó tam lão gia.

Trong một đêm, gió đã đổi chiều.

Phó tứ lão gia lén nói cho Phó Vân Anh hiện giờ chuyện làm ăn của Phó gia đều do Phó Vân Chương quyết định.

Không biết người Chu gia và Tô Đồng thấy sự thay đổi này của Phó gia sẽ thấy thế nào, làm to chuyện là bọn họ nhưng người được lợi cuối cùng lại là Phó Vân Chương. Phó Tam lão gia, dù thế nào đi nữa, cũng là ân nhân của Tô Đồng cơ mà.

Phương Tuế bung dù tránh nắng cho Phó Vân Anh.

Phó Vân Anh nhận lấy cán dù, vòng qua vườn hoa, chân bỗng sững lại. Hoa tường vi đã nở rộ khắp giàn, từng đóa hoa tươi tắn tràn đầy nhựa sông. Lúc này, đại tỷ Phó Nguyệt đang đứng dưới giàn hoa, kiễng chân với tới một đóa ở tít trên cao, mặt đỏ bừng nhìn những bông hoa đang nở rộ, không biết là do nóng hay do phấn khích...

"Sao tỷ lại ở đây hái hoa một mình thế này?" Phó Vân Anh hỏi khẽ.

Nụ cười trên mặt Phó Nguyệt biến mất, chân mày nhíu lại, khuôn mặt nhăn nhó như sắp khóc, ấp a ấp úng: "Ở đây... hoa nở rất đẹp..."

"Thời tiết nóng thế này, tỷ tỷ về sớm một chút." Phó Vân Anh quay đầu lại nói với dưỡng nương. "Đưa Nguyệt tỷ nhi về phòng."

Dưỡng nương thưa vâng rồi đi đến phía sau Phó Nguyệt, giúp nàng hái một chùm hoa. Phó Nguyện lo lắng liếc nhìn Phó Vân Anh một cái, tay nắm chặt ống tay áo, mím môi chạy mất.

Phó Vân Anh đứng dưới giàn hoa tường vi một chốc, phía tường bên kia tiếng thiếu niên đọc sách vẫn truyền tới lanh lảnh.

Chuyện Tô Đồng và Phó Dung hủy bỏ hôn ước vẫn chưa được công bố, nàng chỉ nghe Phó Vân Chương nói. Thiếp canh được hai nhà trả lại cho nhau nhưng Tô Đồng vừa bị thương Phó gia đã từ hôn, nếu truyền ra sợ không hay, có thể bị người đời châm chọc, Tô nương tử đã đồng ý với Trần lão thái thái chờ tới Tết mới để lộ ra tin này.

Nghĩ đến đây, nàng lắc đầu.

oOo

Một con lừa dừng lại trước cửa đại phòng Phó gia, tiểu đồng dắt lừa bước lên bậc thềm, đệ lên một tấm danh thiếp.

Gã sai vặt không biết chữ nhưng thấy danh thiếp này được thếp vàng nên không dám để người chờ lâu, vội chạy vào thông báo cho quản gia biết.

Quản gia nhìn thấy tên trên danh thiếp, kích động tới mức đánh đổ cả trà ra ngoài, "Mau đi mời nhị thiếu gia!"

Gã sai vặt thấy thế lại càng vội vã, chạy như bay tới thư phòng, "Nhị thiếu gia, Triệu sư gia tới!"

Phó Vân Chương đang đứng trước bàn sách viết chữ, những đường nét như rồng bay phượng múa vạch ra trên giấy, nghe vậy cũng không nói gì, mặt vẫn bình tĩnh như không.

Gã sai vặt không dám lên tiếng nữa, đứng chờ ở một bên.

Viết xong chữ cuối cùng, Phó Vân Chương dừng bút, đi ra gian ngoài rửa tay, động tác thong thả ung dung, không hề lo lắng vội vã.

Tới khi y bắt đầu ra đón, Triệu sư gia đã tự đi vào rồi, nhìn thấy y liền bĩu môi, "Ngươi cũng làm giá quá đấy, thầy tới nhà mà cũng không thèm ra đón!"

Phó Vân Chương cười cười, nói: "Hôm qua mới vừa đọc được "Kí Đoan Ngọ kiến văn" (Những chuyện tai nghe mắt thấy ở tiết Đoan Ngọ) của thầy, học sinh rất xúc động, trằn trọc cả đêm, không thể yên giấc, hôm nay tỉnh dậy vẫn thất thần nên chậm chạp, mong thầy đừng trách tội."

Mặt Triệu sư gia đờ ra, ho khan mấy tiếng, cười giả lả, "Chuyện này, chuyện này..."

"Chuyện này" một lúc không nói ra lời, ông ta xua tay, "Không nói chuyện này, trước tiên ngươi đánh mấy ván cờ với ta đã."

Đi qua cầu trúc, tới trước mái hiên, nhìn thấy mấy chữ "Lâm Lang Sơn Phòng", ông ta vuốt chòm râu cười lớn, "Ai viết đây? Không giống chữ ngươi viết... Khoan đã!" Ông ta đi thêm vài bước tới gần để nhìn cho rõ, giọng điệu trở nên chua loét vì ghen tỵ, "Cái đứa em gái kia của ngươi viết chứ gì? Ngươi đúng là quý con bé thật đấy, ta đường đường là châu học học quan [6], bảo viết cho ngươi ngươi còn không cần, lại treo mấy cái chữ trẻ con viết..."

[6] Thầy dạy ở châu học (trường học của một châu).

Phó Vân Chương mặt tỉnh bơ: "Thầy muốn nhận đứa trẻ con này làm học sinh mà con bé không đồng ý..."

Triệu sư gia bị chặn họng, xua tay đi vào bên trong, "Không nói chuyện với ngươi, thể nào cũng có ngày bị ngươi chọc tức đến chết."

Không khí đại phòng Phó gia hôm nay có chút kì quái. Lúc Phó Vân Anh đi sau Liên Xác, vừa bước chân vào sân đã nhìn thấy kẻ hầu người hạ đang túm năm tụm ba bàn tán, nha đầu bà tử bưng khay trà, mâm đựng điểm tâm ra ra vào vào tấp nập.

Phó Vân Chương không thích có nhiều người hầu hạ, thư phòng rất ít khi đông đúc thế này.

Liên Xác đưa nàng vào trong, nói: "Triệu sư gia tới."

Phó Vân Anh giật mình hiểu ra, vô cùng khâm phục sự dũng cảm của Triệu sư gia. Thế mà ông ta còn dám tới huyện Hoàng Châu.

Tết Đoan Dương hôm ấy, Triệu sư gia được Trần tri huyện mời tới xem đua thuyền rồng, phấn khích quá độ. Sau khi trở lại phủ Giang Lăng, ông ta dùng thể văn biền ngẫu của cổ nhân viết một bài "Ký Đoan Ngọ kiến văn", sử dụng từ ngữ hoa mỹ để ghi lại những gì ông ta đã mắt thấy tai nghe ngày hôm đó một cách mạnh mẽ sắc bén, kĩ càng tỷ mỉ, trọng tâm là miêu tả cảnh tượng mấy dòng họ lớn kết bè đánh nhau, văn phong sinh động khôi hài, chỉ cần đọc thôi cũng như thấy những cảnh ấy hiện lên trước mắt rõ mồn một.

Nghe nói Trần tri huyện đọc xong tác phẩm vĩ đại này của Triệu sư gia đã tức giận tới mức lăn đùng ra ngất xỉu ngay tại chỗ.

Triệu sư gia là người có danh tiếng, văn thơ của ông ta cũng được truyền bá rộng rãi, văn nhân tài tử ở các châu huyện ở Hồ Quảng đều đua nhau chép lại. Đúng như Trần tri huyện mong muốn, huyện Hoàng châu giờ đã nổi danh, các học sinh từ các châu huyện khác đều châm biếm người huyện Hoàng Châu là tục tằn, thô lậu, thiếu văn minh. Nhắc tới huyện Hoàng Châu, họ còn có thể trích dẫn đôi câu từ bài văn của Triệu sư gia.

Hiện giờ văn nhân ở huyện Hoàng Châu đều đã hận Triệu sư gia thấu xương. Họ nói nếu ông ta dám bước vào huyện thành một bước thì sẽ lập tức vớ một vũ khí bất kì đánh cho ông ta một trận cho thật giống như đã được miêu tả trong bài văn của ông ta, dùng quyền cước nói chuyện.

Kết quả là người ta vẫn nghênh ngang tới như thể chẳng có việc gì, hiện đang ngồi ở hành lang đánh cờ với Phó Vân Chương, nhìn thấy Phó Vân Anh còn vẫy tay chào hỏi nàng, "Nha đầu lại đây, ngày đó cập rập quá, hôm nay ta lại cho ngươi một cơ hội, có muốn bái ta làm thầy không?"

Phó Vân Anh không do dự, quyết đoán trả lời luôn: "Cháu có thầy rồi."

Triệu sư gia khịt mũi, mặt khinh khỉnh, cầm lấy chiếc que điều hương trên bàn gõ mấy cái vào đầu Phó Vân Chương, "Tại ngươi hết, cướp học trò của ta!"

Phó Vân Chương hơi nhíu mày.

Phó Vân Anh vào trong thư phòng. Phó Vân Chương có khách nên nàng đành ngồi đọc sách một mình. Những bình luận y ghi vào trong sách rất chi tiết, dường như cứ chỗ nào có gì nghi vấn, y đều đánh dấu rồi ghi chú lại cách hiểu và cái nhìn của y về vấn đề đó, thi thoảng còn thấy những lời bình kiểu như "Không thể lúc nào cũng tin tưởng sách vở", "Toàn nói bậy", "Vô cùng nực cười". Đọc những bình luận này, nàng như có thể nhìn thấy thời thiếu niên của y, sôi nổi khí phách, tự tin tràn đầy.

Mỗi lần đọc sách nàng đều rất tập trung. Dù tuổi còn nhỏ nhưng lại có thể ngồi yên bất động, vừa ngồi xuống bàn là ngồi hẳn nửa canh giờ. Nha hoàn vào thêm trà rót nước nàng cũng không ngẩng đầu lên.

Triệu sư gia như đang suy nghĩ gì, đột nhiên hỏi: "Bức họa sơn tra và bánh chưng kia là ngươi vẽ hả?"

Phó Vân Chương không nói gì, tay đặt một quân cờ xuống.

Triệu sư gia cũng không để ý, tiếp tục nói, "Hẳn là muội muội ngươi vẽ rồi... Thật kỳ lạ, chữ và tranh của con bé hoàn toàn khác nhau. Chữ thể đài các của con bé có phong cách cổ, có gân có cốt, uyển lệ ung dung, không giống với thể đài các thịnh hành bây giờ, chỉ chạy theo sự mềm mại mượt mà mà mất đi khí khái." Ông ta ngừng lại một chút, "Nhưng tranh của nó lại tươi tắn sinh động, bút pháp tự nhiên, rõ ràng thanh thoát, hoàn toàn không nhận ra được con bé chịu ảnh hưởng từ trường phái nào, vừa không giống Đường Kính Nho, cũng không giống đám họa sư trong cung kia."

Giới hội họa hiện giờ cơ bản có hai trường phái. Trường phái thứ nhất do Đường Kính Nho đứng đầu. Họ là những họa sĩ xuất thân là văn nhân, đầy bụng kinh luân, họ có thể ngâm thơ, làm câu đối, cũng có thể vẩy mực vẽ tranh nên thường thiên về trong thơ có họa, trong họa có thơ, họa và thơ là một thể thống nhất. Đường Kính nho đương nhiên là người nổi tiếng nhất, ông ta vẽ một bức tranh là cả trăm lượng vàng, tiên đế và đương kim Hoàng thượng đều tán thưởng tài năng của ông ta. Quan lớn và người quyền quý chốn kinh sư đều coi việc sưu tầm cung nữ đồ (tranh cung nữ) của ông ta là một sở thích thanh nhã. Một phái khác chính là họa sư cung đình và họa sĩ chốn dân gian, họ là những người kiếm sống bằng nghề vẽ tranh, chủ yếu vẽ tranh cho vương hầu quý tộc, tuy rằng kỹ thuật vẽ tranh tinh tế nhưng không được các văn nhân công nhận, chỉ coi như một dạng thợ thủ công, địa vị thấp kém.

"Thầy cảm thấy thế nào ạ?" Phó Vân Chương ngẩng đầu, ánh mắt lướt qua màn trúc đang nửa buông nửa vén, nhìn Phó Vân Anh, nàng đang ngồi rất ngay ngắn, tập trung, bên má có lúm đồng tiền như ẩn như hiện.

Trẻ con đáng lẽ ra đều phải thích cười mới đúng, nàng lại rất ít khi tỏ ra vui vẻ, cười cũng chỉ nhàn nhạt, chỉ khi mím môi mới thấy lúm đồng tiền.

"Tình thâm bất thọ, tuệ cực tất thương. [7] Nha đầu này suy nghĩ quá nhiều, thế cũng không tốt. Vân Chương, không phải ta, ngươi mới là người biết rõ nhất giờ cần phải làm gì." Triệu sư gia mắt nhìn láo liên, lén lén lút lút đi thêm vài nước cờ, "Ngươi không giỏi vẽ tranh, cũng không hiểu rõ về hội họa, bây giờ hoặc là tìm cho con bé một người thầy tốt... hoặc là không dạy nó gì cả."

[7] Mối tình sâu đậm thường không thể kéo dài, người quá thông minh thường bị tổn thương.

Quân cờ dừng lại trên bàn cờ đánh cạch một tiếng.

"Huyện Hoàng Châu không có họa sư giỏi." Phó Vân Chương nói.

Triệu sư gia giật mình, nhướn mi nhìn y, im lặng một lát rồi nghiêm túc nói: "Quả thật cũng ít khi thấy ngươi quan tâm ai đến thế... Được rồi, nếu như ngươi đã muốn con bé được học, thì nhất định phải để nó có cơ hội học từ những người giỏi nhất. Tri phủ phủ Võ Xương Phạm Duy Bình là cháu bên ngoại của ta, mẹ của hắn, Triệu Thiện, ngươi đã từng nghe cái tên này bao giờ chưa?

Phó Vân Chương nhíu mày suy nghĩ một lát, "Hình như con có nghe loáng thoáng."

Phạm Duy Bình là người Sơn Đông, không ngờ mẹ ông ta lại xuất thân từ Triệu gia ở phủ Giang Lăng. Khi y còn đi học ở phủ Võ Xương, đã nghe người ta nhắc nhiều về chuyện mẹ của Phạm đại nhân và phu nhân của thủ phụ Thẩm Giới Khê Triệu thị cùng họ, hóa ra hai người họ còn là chị em trong cùng một tộc. Thảo nào Phạm Duy Bình có thể được điều tới Hồ Quảng làm tri phủ.

"Triệu Thiện là cháu họ xa của ta, từ nhỏ đã vẽ đẹp. Khi Triệu Thiện còn trẻ, trong nhà túng thiếu, không tích cóp nổi đồ cưới. Trước khi lấy chồng, Triệu Thiện đóng cửa ở nhà, vẽ hơn một tháng, vẽ được một bộ tranh hoa điểu (tranh hoa cỏ chim chóc), đổi được hơi một trăm hai mươi lượng vàng, vẻ vang xuất giá." Triệu sư gia chậm rãi giải thích. "Tranh của Triệu Thiện thuộc trường phái khuê các, nếu như muội muội của ngươi có thể bái Triệu Thiện làm thầy thì chuyện sau này của nó ngươi cũng không cần lo lắng nữa!"

Phó Vân Chương vâng một tiếng, ghi tạc chuyện này trong lòng.

Phạm mẫu Triệu thị là mẹ của Phạm tri phủ, vốn ở phủ Võ Xương phồn hoa đô hội, không thể nào tới huyện Hoàng Châu. Nếu muốn Anh tỷ nhi bái sư, chẳng lẽ phải đưa muội ấy tới phủ Võ Xương? Tuổi nhỏ đã phải xa nhà đi học, thế có quá vất vả với muội ấy hay không?

Y nghĩ nhiều như thế mà tốc độ đi cờ vẫn không chậm đi chút nào. Triệu sư gia đang vò đầu bứt tai, nghĩ đến vỡ đầu cũng không biết bước tiếp theo nên đi thí nào, dứt khoát lại dùng chiêu này, đánh lạc hướng y để đi thêm vài quân.

Phó Vân Chương bưng ly trà lên uống, mặc cho ông ta chơi xấu, dù sao ông ta chơi xấu cũng không thắng được.


Tác giả có lời muốn nói:

Cấu trúc của Thiên Bộ Lang và phân bố cụ thể của các cơ quan trong lục bộ được trích dẫn từ tài liệu.

Học quan: Thầy giáo ở phủ, châu, huyện phủ, quản lý tú tài.

Đoạn nói về hai trường phái hội họa là do tác giả tự đặt ra. Trong lịch sử, thời kỳ Minh - Thanh, giới hội họa đã bị văn nhân lũng đoạn. Có thể nói đùa một câu là người thời đó cảm thấy tranh của văn nhân mới có tư cách được trưng bày.


Chú thích của editor:

Cháo trắng và các món ăn kèm

Mì căn chưng

Gừng non ngâm giấm

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro