Chương 28: Sơn tra và bánh chưng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phó Vân Chương khẽ ừm một tiếng, chậm rãi đi trước bên bàn sách, vẫn cứ vân đạm phong khinh như thế.

Ống tay áo rộng quét qua mặt bàn, chặn giấy bằng gỗ mun hình thụy thú [1], giá bút bằng đồng thau rơi xuống đất kêu loảng xoảng chát chúa, nước rửa bút cũng đổ lênh láng.

[1] Thụy thú là con thú mang lại may mắn, không có thật, được miêu tả trong Sơn Hải Kinh. Có nhiều loài thụy thú khác nhau, ví dụ Bỉ Dực Điểu là con chim một chân, một cánh, một mắt.

Y hơi sững lại, khẽ nhíu mày, trên mặt hiện ra một chút ngơ ngác mà hẳn người ngoài rất ít khi được thấy ở y, cứ như thể mớ hỗn độn trước mắt này không phải do y gây ra vậy.

Phó Vân Anh lắc đầu, đặt sách trên tay xuống, đứng lên rót cho y một ly trà hoa châu lan, cúi xuống nhặt chặn giấy và giá để bút lên, đặt lại lên bàn sách, sắp xếp lại cho gọn ngàng. Thảo nào đồ dùng trong thư phòng của Phó Văn Chương rất ít đồ sứ, có lẽ là bị rơi nhiều nên đã vỡ hết cả rồi, đồ bằng gỗ mun, đồng thau hợp với y hơn nhiều.

Phó Vân Chương bưng ly trà lên uống vài ngụm, nước trà ngọt thanh, độ ấm vừa phải không nóng quá cũng không nguội quá. Ánh mắt y hướng về phía bàn nhỏ của nàng, nhướn mày, "Đang đọc "Dịch Truyện" à?"

"Trong bản chú Cách vật cùng lý trong "Cận tư lục" có viết, đọc bất kỳ văn tự nào, trước hết cần hiểu văn nghĩa (nghĩa đen), sau đó mới tìm hiểu văn ý (nghĩa bóng). Không có chuyện không hiểu được văn nghĩa mà hiểu được văn ý. Ngay cả bậc học giả cũng không thể. Lục kinh [2] hàm nghĩa sâu xa, đọc một lần không thể hiểu ngay được. Nhưng một khi đã tìm thấy lối đi cho mình, mỗi người sẽ tự tạo được phương pháp riêng rồi phát triển nó. Tới khi giải văn tự, dựa vào phương pháp này, tự nhiên sẽ hiểu được cái "lý" ở trong đó. "Lý" này do con người tự tạo ra nên sẽ rõ ràng, giống như đi trên một con đường bằng phẳng."

[2] Lục kinh: Sáu cuốn sách cổ của Trung Hoa, gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Xuân Thu.

Phó Vân Anh cầm một chiếc chổi và xẻng bằng nan trúc, vừa xử lý vũng nước trên mặt đất, vừa chậm rãi đọc nguyên văn mấy câu trong "Cận tư thục" rồi nói, "Tôn tiên sinh nói, "Kinh Dịch" bao gồm nghiên cứu về âm dương, tiêu tức, thăng giáng, biến hóa [3], khác hẳn với các sách còn lại. Bởi thế, muốn tạo lập được phương pháp riêng, phải đọc hết giải thích của ba vị Vương Bật, Hồ Viện và Vương An Thạch, như vậy mới hiểu được ý nghĩa trong đó."

[3] Theo Kinh Dịch, quẻ Càn chủ Dương, quẻ Khôn chủ Âm. Dương thăng thì vạn vật sinh sôi nảy nở, nên gọi là "tức". Âm giáng thì vạn vật diệt, gọi là "tiêu". Đại loại đây là sự biến hóa của Càn Khôn vạn vật.

"Vậy muội đã tìm được lối đi chưa?" Phó Vân Chương khẽ gõ ngón tay lên mặt bàn, mỉm cười hỏi.

Phó Vân Anh không cố đấm ăn xôi, thành thật đáp: "Nhìn ngang thành dãy, nghiêng thành ngọn, cao thấp xa gần sẽ khác ngay, nhị ca, muội đã đọc hơn một tháng rồi mà vẫn không thấy hình dáng núi Lư thế nào cả, hơn nữa càng đọc càng mù mờ, đến đường lên núi cũng không nhớ gì hết." [4]

[4] Mượn câu chữ và ý thơ của bài thơ "Đề Tây Lâm bích" (Đề trên tường chùa Tây Lâm) của Tô Thức, bản dịch sau được lấy từ thivien.net:
"Nhìn ngang thành dãy, nghiêng thành ngọn
Cao thấp xa gần sẽ khác ngay
Hình dáng Lư sơn không thấy thật
Chỉ vì thân giữa núi non này"
Đại ý là đứng ở các góc độ khác nhau để nhìn nhận một sự vật sẽ có cảm nhận không giống nhau, thể hiện sự đa chiều của sự vật, hiện tượng.

"Kinh Dịch" là cuốn sách nói về sự biến hóa, vạn sự vạn vật đều ẩn chứa biến hóa vô cùng. Thời tiết nóng lạnh tuần hoàn, xuân hạ thu đông bốn mùa biến hóa, mặt trời mặt trăng luân phiên chiếu sáng, ban ngày ban đêm thay phiên tiếp nối. Thế gian vạn vật đều có thể được giải thích bằng sự biến hóa, con người có được, có mất, có cát (may mắn) có hung (đen đủi), cũng là một loại biến hóa. Cùng một quyển sách nhưng mỗi người khác nhau sẽ đạt được đến những lĩnh hội khác nhau: lĩnh hội được nhiều thì trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, ngộ ra kế sách định quốc an bang; lĩnh hội được ít thì biết bói toán, tính được ngày tốt ngày xấu. Tóm lại, tìm được quy luật đằng sau sự biến hóa kia, lợi dụng được quy tắc ấy thì sẽ tối ưu hóa được cái tốt, đồng thời tránh được cái xấu do những biến hóa ấy gây ra.

Đạo lý vốn là đơn giản như vậy, nhưng Phó Vân Anh lại bị rối, đến ý nghĩa của hào dương và hào âm [5] cũng chưa lĩnh hội được.

[5] Hào là ký hiệu cơ bản nhất của Kinh dịch, hào bao gồm: hào dương (-) và hào âm (- -); hào dương là một nét, hào âm là hai nét. Hào là cơ sở tạo thành hình tượng bát quái.

"Đừng nhụt chí, hồi đó ta cũng chẳng khác muội là mấy."

Thấy nàng buồn rầu như thế, Phó Vân Chương tự nhiên cảm thấy trong lòng khoan khoái khác thường. Đưa nắm tay lên miệng che đi nụ cười, y đặt ly trà xuống chiếc khay trà sơn đen khảm hoa sen. Đi tới trước kệ sách, y rút ra mấy cuốn sách đã ố vàng, nói: "Thiệu Bá Ôn cho rằng, nghiên cứu về "Dịch" thì trước khi đọc ba vị Vương Bật, Hồ Viện, Vương An Thạch, nên đọc kỹ "Chu Dịch Trình thị truyện" của Y Xuyên tiên sinh và "Chu Dịch bản nghĩa" của Chu Hi. Trong những cuốn sách giải về "Chu Dịch" của tiền nhân, "Dịch Chú" của Vương Bật đứng từ góc độ của Lão Tử để giải thích "Kinh Dịch", "Chu Dịch khẩu nghĩa" của Hồ Ái, "Dịch Truyện" của Vương Thạch An và "Chu Dịch Trình thị truyện" của Y Xuyên tiên sinh thuộc về trường phái lý học, "Chu Dịch Trình thị truyện" của Y Xuyên hoàn toàn đứng dưới góc độ của đạo Nho để giải thích "Kinh Dịch". Đây là cuốn sách được lưu truyền rộng nhất, cuốn này cũng dễ hiểu hơn những cuốn khác. Chu Hi đã đưa Nho học đạt tới những thành tựu vô cùng lớn, bởi vậy "Chu Dịch bản nghĩa" của ngài ấy cũng hướng tới tìm hiểu nghĩa gốc của "Chu Dịch".

Phó Vân Anh nghiêm túc lắng nghe y giảng giải, kéo tay áo cầm bút ghi lại tên những cuốn sách y vừa nói tên theo đúng trình tự.

Phó Vân Chương cười, lấy sách cũ trong tay gõ nhẹ lên đầu nàng: "Đây là sách ta đọc hồi trước, trên đó có cả lời bình của ta. Muội chủ yếu nên đọc "Chu Dịch bản nghĩa", sau đó là "Chu Dịch Trình thị truyện". Đọc hiểu hai cuốn này rồi thì hẵng đọc đến sách của ba vị kia, khi ấy muội đã có thể đứng trên núi lớn để nhìn rõ hình dáng núi nhỏ rồi."

"Tạ nhị ca chỉ giáo." Phó Vân Anh nhận lấy sách, mở sách lướt qua một lượt. Vừa nhìn đã biết đây đúng là sách của Phó Vân Chương, trang sách có nếp gấp rõ ràng, góc sách đã xoắn lại, vuốt thế nào cũng không phẳng ra được.

Sách vở của y lúc nào cũng lộn xộn như thế... Vậy tại sao trang phục trên người y xưa nay lại luôn thẳng thớm chỉnh tề, thậm chí còn chẳng có nếp gập nào?

Nàng thầm mắng y một hồi bỗng lại nhớ ra một chuyện, ra ngoài hành lang gọi Liên Xác hỏi, "Bức họa kia đã bồi [6] xong chưa?"

[6] Tranh vẽ bằng mực nước sau thời gian thường bị cong vênh, làm ảnh hưởng đến chất lượng bức tranh. Do vậy, tranh cần được bồi bằng cách quết đều một lớp hồ lên mặt sau để tranh cứng cáp, ít hút ẩm nhưng cũng không được quá dày để bị giòn, gãy. Tranh dùng để treo thường được bo lụa, tức là giấy và lụa đều được bồi một lớp hồ trước khi dán vào nhau cho chắc chắn, lụa được lắp thanh trục để vừa có thể treo lên, cũng vừa có thể cuốn lại, bảo quản tốt hơn.

Liên Xác đang trốn sau chiếc cột trên hành lang ngủ gật, tự nhiên bị gọi thì giật nảy mình, chạy nhanh vào thư phòng, thưa: "Ngũ tiểu thư, bồi xong rồi, chủ tiệm còn dùng lụa Nga Khê từ tận Tứ Xuyên làm lụa bồi tranh, là cống phẩm đấy ạ! Mất những một lượng hai tiền sáu phân bạc! Lúc tiểu nhị cất nén bạc đi, tiểu nhân đau lòng chết đi được..."

Phương Tuế ngồi bên hành lang thêu túi tiền nghe thế giơ tay cốc một cái vào đầu hắn, mắng: "Cũng chẳng phải tốn tiền của ngươi, tiểu thư nhà chúng ta tự chi tiền cơ mà, ngươi đau lòng cái gì chứ?"

Liên Xác xoa xoa chỗ bị cốc, làu bàu: "Ta đang đau lòng thay cho ngũ tiểu thư mà."

Phó Vân Anh cũng đau lòng. Trước kia nàng là tiểu thư nhà viện sĩ Hàn Lâm Viện, nào biết chuyện củi gạo mắm muối mua mua bán bán, sau này lấy chồng mới hiểu được cuộc sống gian nan thế nào, một đồng tiền khi ấy nàng cũng chỉ ước gì có thể bẻ làm hai tiêu dần. Giờ nàng đương nhiên không thiếu tiền, Phó tứ lão gia cho nàng ăn uống chi tiêu, mỗi tháng nàng có tám lượng bạc tiền tiêu vặt, tám lượng bạc này còn không bao gồm tiền son phấn, giấy bút mực viết, để nàng muốn tiêu gì thì tiêu. Một nhà bốn người vào dạng khá giả ở huyện Hoàng Châu này một năm cũng chỉ cần chi ra hơn mười hai lượng thôi, vậy mà mỗi tháng nàng có những tám lượng, Phó tứ lão gia thi thoảng lại tiện tay lấy từ trong tay áo ra mấy nén bạc nhỏ đưa nàng giữ cho vui. Hơn nửa năm, cái tráp của nàng đã chứa đầy những bạc.

Hàn thị còn nói bà bao nhiêu năm không biết bạc trông như thế nào mà hiện giờ bà đã có thể phân biệt một cách thành thạo bạc tốt bạc xấu, hàm lượng bạc cao hay thấp mà không cần cân tiểu ly, ước lượng vài cái là biết ngay bao nhiêu tiền bao nhiêu phân.

Nhưng mà nói thế nào thì đó cũng là tiền của Phó tứ lão gia, Phó Vân Anh vẫn ghi nhớ điều này, nàng không thể cả đời sống dựa vào tiền của Phó tứ lão gia được.

Bởi thế, tiêu mất một lượng hai tiền sáu phân bạc để bồi một bức họa, nàng có là người bình thản đi chăng nữa thì cũng đau lòng.

Thôi thì còn cách nào khác, ai bảo Liên Xác luôn mồm thề thốt đảm bảo Phó Vân Chương thích tranh vẽ cơ chứ.

Quà bái sư không thể nào cứ tiện tay viết mấy chữ là xong được. Những lời lần trước của Phó Quế đã nhắc nhở nàng, nàng liền vẽ tặng Phó Vân Chương một bức "Đoan Dương tức cảnh đồ [7]". Tặng sơn tra hay đào thì ăn vèo một cái hết, sơn tra trong tranh thì có thể giữ được rất lâu. Kiếp trước, nàng từng học vẽ từ cha mình là Ngụy Tuyển Liêm. Sau đó mẹ nàng là Nguyễn thị lại sợ nàng sẽ đắm chìm trong đó nên không cho nàng đụng vào bút vẽ nữa. Nhiều năm không vẽ tranh, nàng cũng đã quên mất nhiều bút pháp cơ bản nhưng vẽ một bức tức cảnh đồ vẫn chưa đến mức làm khó được nàng.

[7] Đoan Dương: Đoan Ngọ. Tức cảnh là nhìn cảnh vật sinh ra cảm xúc, bởi vậy có thơ tức cảnh, tranh tức cảnh. Tranh tức cảnh thường chỉ vẽ vật thật, không có nhiều ý nghĩa sâu xa, không cần đề thơ.

Nàng gọi hai đại nha hoàn Liên Hoa và Liên Diệp tới giúp đỡ, chọn một chỗ có ánh sáng tốt trước mái hiên rồi bảo họ từ từ mở cuộn tranh mới bồi ra.

Liên Xác xem thấy lần này mình đúng là được việc, đứng chống nạnh bên cuộn tranh, dương dương tự đắc, "Đấy đấy, ngũ tiểu thư, ngài xem đi, kỹ thuật bồi tốt chưa này, chất lượng lụa cũng tuyệt hảo, nô tài phải đi mấy nhà mới chọn được nhà này đó!"

Phương Tuế vẫn tiếp tục khinh bỉ hắn: "Đẹp cũng là do tiểu thư nhà chúng ta vẽ đẹp!"

Nhìn mấy người họ to nhỏ nói chuyện với nhau, Phó Vân Chương cũng thấy tò mò, nhìn về phía đó mãi. Mỗi khi đọc sách, Phó Vân Anh thường rất chăm chú, ít khi mất tập trung, đương nhiên sẽ không bao giờ có chuyện gạt sách vở sang một bên để chơi đùa với nha hoàn. Vậy mà hôm nay làm sao thế kia?

Chẳng lẽ cô bé này đọc "Kinh Dịch" tới mức chán chường rệu rã rồi nên gọi đám nha hoàn tới chơi cùng cho đỡ buồn?

Phó Vân Chương đang suy nghĩ mien man, bỗng một tiếng gọi như tiếng suối chảy trong khe núi, vừa trong trẻo, vừa có nhịp điệu lại nhẹ nhàng cất lên kéo y về với thực tại, "Nhị ca." Phó Vân Anh đi tới giật giật ống tay áo y. "Muội vẽ một bức họa để huynh treo trong phòng."

Phó Vân Chương sửng sốt, đứng dậy đi về phía hành lang, "Muội biết vẽ tranh hả?"

"Tôn tiên sinh dạy muội một ít." Phó Vân Anh thuận miệng nói dối.

Tham gia khoa cử chủ yếu tập trung vào chuyện viết văn giải đề có tốt không, ngoài ra còn kiểm tra về sách luận, cổ phú, chiếu cáo, chương biểu, cũng như cưỡi ngựa, bắn cung, thư, tính, luật. [8] Ngoài ra còn phải làm thí thiếp thi (một dạng thơ dùng riêng để đi thi, có chú thích của tác giả ở cuối chương). Thí thiếp thi cần tuân thủ nghiêm ngặt cách luật và sử dụng vần chân, chú trọng đăng đối, sử dụng điển tích, điển cố. Tôn tiên sinh yêu cầu Phó Vân Khải và Phó Vân Thái học thuộc "Huấn Mông biền cú", "Thanh luật vỡ lòng", "Lạp ông đối vận", đốc thúc hai người họ học vần chân và các tác phẩm nổi tiếng các tác gia chính là hướng tới việc dạy họ làm thí nhiếp thi.

[8] Cổ phú: một dạng văn vần, cổ phú thường là các tác phẩm sáng tác vào thời Tiền Tần và Hán, để phân biệt với Đường phú của đời sau. Chiếu cáo: sắc lệnh ban hành dưới danh nghĩa của hoàng đế. Chương biểu: văn bản được triều thần dâng tấu lên cho hoàng đế, những văn bản để bày tỏ sự biết ơn với ân đức của hoàng đế thì gọi là chương, văn bản để báo cáo tình hình, xin ý kiến hoàng đế thì gọi là biểu. Thi về chiếu cáo, chương biểu đại loại là thi kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính thời cổ đại. Sách luận, thư, tính, luật đã chú thích ở chương trước.

Đối với hội họa, văn nhân chủ yếu chú trọng vào việc trong tranh có thơ, trong thơ có tranh, lấy tranh minh họa cho thơ, lấy thơ làm chủ đề vẽ tranh. Hội họa quy tụ các kỹ thuật thư pháp, vẽ tranh, làm thơ, khắc dấu vào một. Bởi vậy, để bồi dưỡng khả năng thấu hiểu thơ phú, nhiều người sẽ cho con cháu trong tộc học hội họa từ nhỏ. Tôn tiên sinh muốn Phó Vân Khải và Phó Vân Thái chọn một trong hai môn đàn cổ hoặc hội họa, hai anh em lười biếng, nghĩ là hội họa đơn giản hơn, chỉ cần nghệch ngoạc vài nét bút là được nên không hẹn mà cùng lựa chọn hội họa.

Phó Vân Anh không cần phải chọn, nàng vốn không am hiểu âm luật, Tôn tiên sinh thử đàn mấy khúc nhạc cổ cho nàng nghe, thấy nàng cũng không cảm nhận được cái gì nên cũng đề nghị nàng học hội họa.

Thật ra Tôn tiên sinh mới bắt đầu dạy nàng pha mực, đợi đến khi nàng có thể hiểu được sự khác nhau về sắc độ và độ bóng của tiêu mặc, nùng mặc, trọng mặc, đạm mặc, thanh mặc [9] mới dạy nàng các kỹ thuật sử dụng ngòi bút.

[9] Tiêu mặc: đổ mực đã mài vào bình mực, để nước trong đó bay hơi bớt thì dùng mực này để vẽ khối tối của bức tranh, mực màu đen và có độ bóng. Nùng mặc: về độ đậm của chỉ đứng sau tiêu mặc nhưng mực này có độ ẩm cao hơn (do thêm nước) nên không bóng. Trọng mặc: độ ẩm cao hơn nùng mặc cho cho nước nhiều hơn, sử dụng mực này nét vẽ không liền mạch bằng nùng mặc (do mực càng đặc càng nhớt, độ kết dính cao làm nét vẽ liền mạch), màu đậm hơn đạm mặc. Đạm mặc: thêm khá nhiều nước nên mực có màu xám. Thanh mặc: mực pha loãng nên có màu xám nhạt, dùng để thể hiện sự mờ ảo, ví dụ như sương mù.

Ban ngày, ánh nắng chiếu thẳng vào sân, những tia nắng chiếu xuống mặt hồ khiến sóng nước cũng trở nên lấp lánh. Liên Xác cầm cuộn tranh tới trước mặt Phó Vân Chương, "Thiếu gia, ngài xem này, sơn tra trong bức tranh này vẽ giống y như thật luôn!"

Đã là Đoan Dương tức cảnh đồ, đương nhiên là phải vẽ những vật hợp tình hợp cảnh. Tranh vẽ một chiếc bát miệng rộng bằng sứ thanh hoa, trong bát tràn đầy quả sơn tra, có mấy quả còn rơi cả ra ngoài, bên cạnh là một dây bánh chưng lá tre mập mạp.

Thuốc màu và dụng cụ vẽ tranh rất đắt tiền, dù là tiêu cũng là tiêu tiền của Phó tứ lão gia nhưng Tôn tiên sinh cũng không dám vung tay quá trán. Vì vậy, Phó gia cũng có ít dụng cụ vẽ tranh, thuốc màu chỉ có vài loại như đằng hoàng, thự hồng, yên chi, hoa thanh, chu sa [10], các loại cọ kích thước khác nhau thì tương đối nhiều, có mười mấy loại, giấy Tuyên Thành mềm dai cũng có mấy tập.

[10] Đằng hoàng: màu vàng, thự hồng: màu đỏ thẫm hơi cam, yên chi: màu đỏ tươi thiên hồng, hoa thanh: màu xanh dương, chu sa: màu đỏ nâu.

Phó Vân Anh dùng màu thự hồng pha kiểu đạm mặc vẽ quả sơn tra, dùng đằng hoàng trộn với hoa thanh, pha kiểu thanh mặc để vẽ bánh chưng rồi lại pha kiểu nùng mặc để vẽ dây lạt.

Toàn bộ bức họa chỉ có vài nét bút ít ỏi, một bát sơn tra chín đỏ, mấy chiếc bánh chưng xâu lại bằng dây lạt, ngoài ra chẳng có gì.

Phó Vân Chương lại rất thích bức họa này, nhìn vào còn có thể thấy hương thơm của bánh chưng phảng phất đâu đây.

Y cuộn bức họa lại, đi về thư phòng, treo lên vách tường phía bắc, chỉnh lại cho ngay ngắn rồi lại cảm thấy góc này không đủ sáng, lại lấy xuống, chuyển đến bức tường màu trắng đối diện bàn sách, hoay hoay một hồi mới xong. "Thế mà ta lại quên, năm nay ta vẫn chưa ăn bánh chưng."

"Nhị ca, huynh chưa ăn bánh chưng thật à?"

Phó Vân Anh nhướn mày, trứng muối, Ngũ Độc xào [11], bánh đậu xanh có thể không ăn, rượu hùng hoàng, rượu xương bồ cũng có thể không uống nhưng Đoan Dương mà không ăn bánh chưng thì sao gọi là Đoan Dương được? Hơn nữa bánh chưng ngụ ý đỗ đạt, người đọc sách hôm ấy thế nào cũng phải ăn lấy vài ba cái lấy may. Hôm rồi cả nhà đã bắt Phó Vân Khải và Phó Vân Thái ăn một chuỗi bánh chưng cho tới khi ăn tới chiếc nhân táo đỏ Mật Vân của Bắc Trực Lệ mới được ngừng [12].

[11] Món xào gồm năm loại gia vị mạnh: ớt, hành, tỏi, gừng, rau mùi, nên gọi là Ngũ Độc xào, ăn vào Đoan Ngọ, ý là lấy độc trị độc.

[12] Bánh chưng (zongzi), gần âm với trúng (zhong), có nghĩa là thi đỗ. Táo (zao) đồng âm với tảo (zao) là sớm, bánh chưng táo đỏ là sớm ngày đỗ đạt.

Phó Vân Chương thoáng mỉm cười, "Không biết tại sao lại quên."

Bỗng Liên Xác đang đứng trong góc phòng đột nhiên lên tiếng: "Thiếu gia, mấy ngày nay trong bếp lúc nào cũng có bánh chưng nóng trong nồi, nhân hạt dẻ, táo đỏ, hồng khô, bạch quả, đậu đỏ, loại nào cũng có, phòng khi có khách tới chơi cùng dùng, hay giờ ngài ăn một chút nhé?"

Phó Vân Chương gật đầu, "Anh tỷ nhi, muội ở lại đây ăn bánh chưng với ta nhé."

Phó Vân Anh vâng một tiếng rồi đi ra ngoài rửa tay. Đến ăn bánh chưng mà cũng phải ăn một mình thì khổ thân quá, thôi thì ăn với y chút vậy.

Bà tử dưới bếp nhanh chóng mang bánh chưng lên. Nhị thiếu gia bỗng nhiên nói muốn ăn bánh chưng, bọn họ đương nhiên không ngốc đến nỗi thật sự chỉ mang bánh chưng lên rồi. Hộp đồ ăn được mở ra, bên trong có một ngăn là bánh chưng hấp nóng hổi, một ngăn là bánh đậu xanh, bánh ngũ phúc mượt mà, một ngăn đựng bánh rán mật, bánh ngàn lớp, đó toàn là những loại điểm tâm phù hợp với mùa này. Trong hộp còn có một tầng nữa đựng cơm canh, một đĩa đậu tằm xào rau dền, một đĩa hẹ non xào mỡ gà, một đĩa thịt gà xào măng, một bát đậu hũ non, một bát canh tổ yến lớn. Ngoài ra còn có cả một ngăn đựng vải và củ ấu tươi, một ngăn đựng quả hạnh và sơn trà chín ngọt.

Ngoài năm loại bánh chưng nhân ngọt mà Liên Xác đã kể còn có hai xâu bánh chưng trắng không nhân, giữa hộp còn có một bát nhỏ đựng dương đường trắng tinh, dùng để chấm bánh chưng trắng.

Trong chớp mắt, chiếc bàn ở gian ngoài đã chất đầy thức hăn.

Liên Xác vừa dọn bàn vừa cười hì hì: "Hay là ngũ tiểu thư tiện thể ở lại dùng bữa trưa luôn?"

Phó Vân Chương liếc qua lườm hắn một cái.

Liên Xác rùng mình, ngượng ngùng không dám lắm miệng nữa.

Tấm bình phong hai mặt được gỡ xuống, ngồi trước bàn có thể nhìn ra mặt hồ lặng sóng trong vắt, ánh sáng hắt lên từ dưới hồ sáng lấp lánh.

Phó Vân Anh ngồi trên ghế tựa, thẳng hết người lên cũng chỉ có thể với tới hai món gần mình nhất. Nha hoàn Phương Tuế đứng bên cạnh bóc bánh chưng cho nàng. Lá tre trên bánh chưng rất dính, cứ dính chặt vào ngón tay nên Phương Tuế phải cẩn thận lắm mới bóc được cho nàng mấy cái bánh chưng.

Phó Vân Chương không gọi người hầu hạ, xắn tay áo lên cao, cầm chiếc bát nhỏ đựng dương đường, bảo nha hoàn lấy thêm một chiếc bát rồi san một nửa dương đường ra, đưa một bát cho Phó Vân Anh, "Thích ăn bánh chưng trắng không?"

Cổ tay y rất gầy.

"Thích." Phó Vân Anh nhận lấy bát đường rồi đỡ trong tay, bảo Phương Tuế để bánh chưng đã bóc vỏ vào trong đó. Nàng cầm đũa, lật đi lật lại chiếc bánh chưng trắng trong bát đường cho tới khi bánh chưng đã dính đầy dương đường mới gắp lên cắn một miếng. Bánh chưng dẻo dẻo ấm ấm kết hợp với dương đường ngọt thanh lành lạnh vào đến miệng hòa quyện vào nhau, nuốt xuống trôi xuống bụng rồi vẫn thấy ngọt.

Năm nào tới tết Đoan Dương, Ngụy gia cũng ăn bánh chưng trắng, người trong nhà quây quần quanh bàn bát tiên, chính giữa bàn đặt một chiếc bát thật lớn đựng dương đường.

Các anh trai nàng khi ấy nghịch ngợm, cố ý rình thả bánh chưng của mình vào bát đường cùng một lúc, bánh chưng chồng lên bánh chưng, có khi rơi cả ra ngoài. Rồi họ tranh bánh chưng trong bát, ai không gắp được nhất quyết không chịu, dùng đũa cướp lại, hơn mười chiếc đũa đánh qua đánh lại, chỉ thiếu nước đâm thủng cả bát. Những dịp lễ tết, Ngụy Tuyển Liêm và Nguyễn thị đều dễ tính hơn thường ngày, không quát nạt đám con trai phá quấy.

Nàng cúi đầu nhìn chiếc chén sứ hình cá chép đùa sen trong tay, cả nhà cùng ăn bánh, cùng chấm chung một bát đường... Giờ chỉ còn mỗi một mình nàng.

Không, Ngụy thị cũng đã chết, nàng là Phó Vân Anh.

Trước mắt hơi nhòe đi, một đôi đũa đũa trúc đột nhiên đưa về phía bát đường trong tay nàng, đặt một chiếc bánh chưng kê vàng óng vào trong đó, Phó Vân Chương đưa ra tay trái xoa đầu nàng, nói: "Thử ăn vị này xem sao."

Hôm đó Hàn thị, tứ thúc và Lư thị cũng gắp bánh chưng cho nàng, Phó Quế và Phó Nguyệt thấy nàng thích ăn bánh chưng trắng cứ tưởng nàng chưa được ăn đồ ngon bao giờ, nhiệt tình giới thiệu cho nàng bánh chưng nhân hạt dẻ và nhân đậu đỏ xào đường.

Phó Vân Anh mỉm cười, đẩy chiếc chén sứ cùng chiếc bánh chưng trong đó đến trước mặt Phó Vân Chương, "Nhị ca, huynh cũng ăn đi."


Tác giả có lời muốn nói:

"Cận tư lục": Gồm lời của các triết gia trường phái lý học thời Bắc Tống: Chu Đôn Di, Trình Hạo, Trình Di, Trương Tái, biên soạn vào thời Nam Tống.

Thiệu Bá Ôn: tác giả của "Thiệu thị văn kiến lục".

Vương Bật, Hồ Viện, Vương An Thạch, Y Xuyên tiên sinh (Trình Di): Đội học thần thiên tài trong lịch sử (tác giả cố ý dùng ngôn ngữ mạng)

"Dịch Truyện", "Chu Dịch Trình thị truyện", "Chu Dịch khẩu nghĩa", "Chu Dịch bản nghĩa" đều là sách giải nghĩa "Kinh Dịch".

Thí nhiếp thi: Dưới triều Minh, ngoại trừ vài kỳ thi đầu, những kỳ còn lại đều không thi thơ phú. Dưới triều Thanh, người đi thi bắt buộc phải thi cái này.


Chú thích của editor:

1. Chương này đề cập nhiều về sách vở và thi cử, nên phải chú thích thêm một chút. Đầu thời Minh, khoa cử ở Trung Quốc thực sự đã thi đầy đủ những thứ này thật nhưng sau này thi cử dần thiên về thi phú nhiều, mất dần tính thực tiễn.

2. Mấy món bánh dịp Đoan Ngọ

Bánh ngũ phúc

Bánh rán mật

Bánh ngàn lớp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro