Chương 21: Đại hôn (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiết Đại Tuyết cuối cùng cũng giáng lâm giữa đêm đen đặc quánh, những bông tuyết từ trời trút xuống liên tục như nước mắt thần nữ một hóa mười, mười hóa trăm bao phủ cả đất trời, che đi tất thảy tốt xấu trở thành phước lành được ban cho muôn chốn mọi nẻo, che lấp cả những gì nhơ nhớp tội lỗi nhất, thi ân ban phát cho tất cả sự sống của nhân gian. Không phụ cái tên của mình, tuyết đổ lớn nỗi bước chân nghiền nhẹ trên nền tuyết cũng có thể để lại dấu vết sâu hoắm, vậy mà chẳng mất bao lâu tuyết đã có thể khỏa lắp lại nó, biến những thứ từng ghi dấu đậm sâu cũng có thể trở nên mờ nhạt.

Giờ Mão* đầu khắc vừa điểm Giang Trừng đã chẳng thể nhắm mắt nổi nữa, tất cả môn sinh của Giang gia đêm nay đều phải thay phiên nhau gác đêm dưới cái rét lạnh của thời tiết để đảm bảo tuyết không chất thành đống thật nặng làm hư hỏng bất cứ thứ gì, tất cả tất bật miệt mài dọn tuyết, phá băng. Màu đỏ của vải hỉ giăng khắp nơi phủ trong tuyết trắng, đèn lồng đỏ treo đầy lối cũng được thắp sáng suốt đêm không khi nào tắt ánh lên sinh khí của ngày trọng đại, phần nào giảm bớt nét tiêu điều ảm đạm của mùa Đông vùng sông nước. Tuy ai cũng cố gắng nhẹ tay nhẹ chân hết mức có thể để tránh làm phiền đến tư viện phía Đông của Giang Trừng nhưng đối với kẻ mất ngủ triền miên như Giang Trừng thì cho dù là tiếng gió lay ngọn cây hay tiếng cánh chim vỗ cành cây bay đi hắn cũng có thể nghe rõ mồn một bên tai. Tất cả thanh âm của gió tuyết bên trời cùng tiếng lục đục dọn dẹp, chuẩn bị của toàn bộ trên dưới Giang gia hòa cùng nhau càng khiến trong lòng trở nên gấp gáp, hồi hộp, thứ cảm xúc phập phồng này quấy nhiễu hắn suốt đêm trường.

(*Giờ Mão: 5h-7h sáng)

Để nguyên chân trần bước xuống nền đất lạnh lẽo, cảm giác buốt giá từ lòng bàn chân truyền lên đại não như thể có ai dùng một tảng băng nhét vào trong thân thể, ấy vậy mà lại chẳng thể giúp Giang Trừng bình tĩnh hơn được chút nào. Đi chân không trên đất là thói quen xấu từ nhỏ của hắn, ngày còn nhỏ có mẫu thân Ngu Tử Diên nghiêm khắc răn dạy, a tỷ Giang Yếm Ly dịu dàng săn sóc, lớn một chút thì có tên thiếu niên cùng tuổi lo mình thì ít, lo việc người thì nhiều thay hắn để ý. Nhiều năm sau, các biến cố lần lượt xảy ra khiến hắn phải trải qua những đêm chăn đất màn trời đến lúc mở mắt cả người đã buốt lạnh đến mất cảm giác, hay những đêm chịu đựng mùi máu tanh dưới nền đất ẩm mà chỉ một tấm vải lót lưng chẳng ngăn nổi xộc vào khứu giác cũng phải cắn răng ngả lưng nghỉ ngơi lấy sức, đến khi Liên Hoa Ổ trở về lại tay thì đã chẳng còn hơi sức đâu để thay đổi thói xấu này nữa.

Từ ngày phân hóa thành Địa Khôn Giang Trừng đã tự mặc định rằng thứ giới tính thứ hai này sẽ phải chịu chung số phận với những cố sự khác, cùng hắn sống câm lặng chết mang theo. Vậy nên Giang Trừng chưa bao giờ nghĩ đến sẽ có ngày hắn cùng một Thiên Càn thành thân, lại càng chưa bao giờ mơ tưởng đến đối phương còn là bóng trăng giữa cơn mưa dày đặc bao năm vẫn luôn ngủ yên nơi đáy lòng, khi mà thứ tình cảm này thậm chí còn yên lặng hơn cả viên kim đan nhiễu sự hoành hành trong cơ thể hắn. Mảnh động tâm này được hắn gìn giữ nguyên vẹn đến mức chỉ cần một khe suối cũng đủ để rửa sạch bụi trần phủ trên sương gió nó phải mang, bao nhiêu mịt mờ thế gian nó phải chịu. Chính thứ tình cảm sinh trưởng từ trong máu thịt, lớn lên bằng tất cả vui sướng và bi thương là thứ duy nhất sưởi ấm hắn qua bao năm tháng hoang tàn lạnh lẽo.

Cửa gian ngoài vang lên ba tiếng gõ, kèm theo sau là tiếng của Giang Thoại cung kính nhỏ khẽ truyền vào, thì ra là do hắn nhìn thấy đèn trong phòng Giang Trừng được thắp lên nên đến hỏi:

"Tông chủ, trời vẫn chưa sáng, thời gian còn sớm người muốn nghỉ ngơi thêm chút nữa hay sửa soạn luôn bây giờ ạ?"

Đẩy cửa sổ ra nhìn trời một lát, bản thân Giang Trừng cũng đã chẳng thể chợp mắt thêm môt khắc nào nữa chi bằng bắt đầu chuẩn bị luôn là vừa.

"Vào đi."

Được lệnh của Giang Trừng lúc này Giang Thoại mới 'vâng' một tiếng rồi đẩy cửa ra phân phó cho 3 môn sinh phía sau mình bước vào, trên tay bọn họ là những chiếc khay gỗ lớn được phủ vải mỏng. Các môn sinh đặt những khay gỗ trên tay lên bàn trà, hành lễ với Giang Trừng rồi nhanh chóng lui ra ngoài để tiếp tục bận rộn với công việc của mình, lúc này Giang Thoại tiến đến giở từng tấm vải phủ trên khay gỗ mang cất đi lộ ra đồ vật phía bên trên lần lượt là hỷ phục được gấp lại gọn gàng, một chiếc hộp gấm to chứa kim quan và các phục sức đeo của Giang Trừng trong đại lễ.

Hỉ phục nhiều lớp được may bằng vải gấm hoa thượng hạng, từng lớp y phục là những sắc đỏ mang sắc thái đậm nhạt khác nhau được may thêu canh chỉnh đầy tỉ mỉ để khi khoác lên người có thể khiến cho các lớp màu chuyển từ nhạt đến đậm dần, từng lớp màu như dát những tàn pháo hoa đã từng nở rộ giữa bầu trời đêm. Tuy đã được xếp lại gọn gàng đặt trên khay nhưng vẫn có thể nhìn ra được sự lộng lẫy ẩn giấu trong tầng tầng lớp áo. Giang Thoại nhân lúc Giang Trừng rửa mặt thì nhanh nhẹn chuẩn bị một bộ lý y mới, trắng tinh sạch sẽ đặt lên giường rồi lại cầm đôi tất vải trắng đem đến đặt cạnh bên chỗ Giang Trừng đang đứng.

"Tông chủ, trời rất lạnh người mang tất vào đi kẻo lại nhiễm lạnh, hôn lễ mà để mang bệnh là điềm không tốt đâu."

Giang Trừng cũng không phản đối, hắn ngồi xuống đi tất vào rồi thay bộ lý y mới đã chuẩn bị, xong xuôi lại bước ra ngồi xuống bàn trà - lúc này đã được bày đầy đồ ở phía trên, hắn quay sang hỏi Giang Thoại vẫn còn đang tất bật treo hỉ phục lên trên giá đỡ.

"Ngu Nguyệt Y đâu? Ngày hôm qua vẫn còn ồn ào đòi muốn là người đầu tiên nhìn thấy ta mặc hỷ phục do nàng ta may cơ mà?"

Treo xong hỷ phục, Giang Thoại mới xoay người trở lại đứng phía sau lưng Giang Trừng, hắn cầm lấy chiếc lược trong tay chậm rãi giúp Tông chủ nhà mình chải tóc, vừa chải vừa nói

"Hôm nay là ngày lành, nàng ấy lại sợ không quản nổi cái miệng của mình, cãi cọ với Tông chủ thì không nên thế là lựa chọn ở bên kia giúp Kim Lăng chuẩn bị, đổi cho ta thay qua đây hầu người."

Liếc nhìn Giang Thoại thông qua gương đồng trên bàn biết hắn không hoàn toàn nói thật, Giang Trừng cũng chỉ hừ mũi không bận tâm:

"Ai thèm cãi cọ với nàng ta? Ngươi tự mình nhìn xem đã nuông chiều nàng ta thành cái bộ dạng gì rồi? Ngày còn ở Đại Mạc đánh còn chẳng thèm kêu một cái, bây giờ thì đụng đâu cãi đó suốt ngày hệt như chim Tước, cũng chỉ có mỗi ngươi chịu nổi!"

Nghe Giang Trừng so sánh Ngu Nguyệt Y như thế, lại liên tưởng đến ngày xưa Giang Thoại cũng bật cười:

"Đúng là khác biệt lớn thật, nhưng một phần nuông chiều trong đó không phải cũng có công lao của người sao?"

"Ngươi đang ngầm trách ta dạy hư thê tử của người đấy à?

"Là đang cảm tạ Tông chủ đã cho Nguyệt Y lại dáng vẻ mà nàng nên có mới đúng."

Nói rồi, hắn cong môi cười khiến cả khóe mắt cũng phải tươi tắn theo, dung mạo của Giang Thoại không thuộc loại mỹ cảm như huynh đệ Lam gia, cũng không anh tuấn sắc bén như Giang Trừng ngược lại khí chất của hắn lại kín đáo trầm lặng như trời mây che nắng, như suối lạnh khe sâu. Thường ngày mang theo sự điềm tĩnh u ám nhưng lại vô cùng vững chãi để môn sinh trên dưới Giang gia đều có thể dựa vào, là trợ thủ đắc lực luôn canh giữ phía sau lưng cho Giang Trừng.

Chủ tớ bọn họ lời tới lời lui, chậm rãi tán gẫu về mọi chuyện từ điền trang phía Nam của Giang gia năm nay được mùa nên quyết định mở kho lương thực cứu trợ dân chúng qua mùa Đông cho đến việc Giang Miện rất thích ăn vải, Quế Nguyệt* vừa rồi lén ăn nhiều quá cuối cùng bị thượng hỏa nổi nhiệt trong miệng đau đến nói ngọng, ai nghe thấy cũng cười trêu khiến cậu nhóc thẹn lắm, giận dỗi chẳng chịu mở mồm nói chuyện với ai cả tháng trời báo hại các sư huynh sư tỷ phải dỗ mãi mới nguôi. Giang Thoại người cũng như tên*, vô cùng biết cách nói chuyện, không phải là dạng mồm mép tép nhảy mà là kiểu lời khôn tiếng khéo vô cùng, nếu không đề phòng sẽ bị dẫn dắt theo nhịp điệu của hắn lúc nào chẳng hay. Cảm giác nôn nao căng thẳng suốt cả đêm trong lòng Giang Trừng được hắn lẳng lặng xoa dịu rồi phủi mất chẳng chút dấu vết, sâu kín muốn nói rằng việc ngày hôm nay hắn thành hôn cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc Giang Trừng vẫn là Tông chủ của hắn, vẫn là người cùng hắn sẻ chia những chuyện to nhỏ trên dưới Giang gia.

(*Quế Nguyệt: tên cổ của tháng 8 âm lịch)

(*Thoại 話: nghĩa là lời nói, ngôn ngữ. Chữ Thoại này trong tên của Giang Thoại được mình lấy từ 1 câu thơ trong bài Dạ vũ ký bắc của Lý Thương Ẩn mà mình cực kỳ thích:
"Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba San dạ vũ thì".
Dịch nghĩa:
"Bao giờ cùng cắt hoa nến bên cửa sổ phía Tây
Lại cùng kể nhau nghe chuyện mưa đêm lạnh lẽo núi Ba Sơn."
Câu thơ này và tên của Giang Thoại đều liên quan đến cố sự mà chủ tớ Giang gia gặp nhau sẽ được kể ở các chương sau hoặc không :3)

Mái tóc suôn dài của Giang Trừng dưới bàn tay và những câu chuyện to nhỏ của Giang Thoại cũng dần nên hình vào dạng, mái tóc dày của hắn được nửa vấn nửa thả, bím tóc hai bên được tết tỉ mỉ xen kẽ một dải lụa đỏ mềm mượt rồi thắt một nút kết ở đuôi nổi bật trên nền tóc đen tuyền, Giang Thoại nhẹ tay cài lên búi tóc chiếc kim quan Cửu Liên Hoa hai tầng được đúc bằng vàng dát mỏng, đính 24 viên đá thạch anh trắng xanh thượng hạng lớn nhỏ được mài dũa sáng bóng nhẵn nhụi, vừa nhìn đã biết giá trị không nhỏ.

Hỷ phục của hai người Lam Hi Thần cùng Giang Trừng đều được Ngu Nguyệt Y tự tay may thêu đồng đều có 7 lớp ngụ ý may mắn, nhưng kiểu dáng lại cố ý được may dựa theo đặc điểm và quy định tông phục của mỗi nhà. Hỷ phục của Giang Trừng có 7 lớp nhưng tổng quan không rườm rà dày nặng, Giang gia xuất thân du hiệp - tông phục đề cao sự thoải mái nhẹ nhàng, kiểu dáng tinh gọn và phóng khoáng. Để tránh mang đến cảm giác nặng nề, 3 lớp áo trong của Giang Trừng được dùng tơ Tàm Ti trực tiếp may thành áo trực lĩnh và đại khâm mỏng nhẹ, hộ lĩnh viền cổ áo được may thành những dải trong hẹp ngoài dài tiếp nối nhau. Như vậy khi các lớp áo đại khâm mặc đè lên nhau thì đồng thời hộ lĩnh cũng ghép thành bức gấm thêu hình đầm sen đang nở rộ bằng chỉ vàng, từng mối thêu tỉ mỉ tinh tế xinh đẹp xa hoa.

(*Số 7: Người Trung Hoa cho rằng số 7 là con số may mắn. Bởi vì số 7 có phát âm giống như Hồi sinh. Nó tượng trưng cho những điều tốt đẹp và sự gắn bó trong cuộc sống)

Lớp áo thứ 4 là áo đối khâm* không vạt có phần cổ áo cao dựng đứng để che đi phần cổ của Giang Trừng theo quy chuẩn y phục của Địa Khôn. Kế tiếp là áo choàng rộng đắp vạt được cố định bằng 2 chiếc đai lưng gấm hoa văn nổi, đai lưng bản nhỏ đè trên đai lưng bản to ôm lấy vòng eo rắn rỏi dẻo dai của hắn. Áo choàng ngoài không đắp vạt với ống tay áo rộng nhưng chỉ ngắn đến cùm tay để lộ ra các lớp ống tay áo bó bởi giáp tay làm bằng da mềm đặc trưng của Giang gia.

(*Trực lĩnh: Danh từ "Trực lĩnh" xuất hiện rất sớm, từ điển Thích Danh thời Đông Hán định nghĩa: "Trực lĩnh, lĩnh tà trực nhi giao hạ, diệc như trượng phu phục bào phương dã". Nguyên văn: "直領,領邪直而交下,亦如丈夫服袍方也". Sách Ngàn năm áo mũ dẫn vế đầu và dịch là: "Trực lĩnh, cổ áo chếch thẳng xuống, giao nhau ở phía dưới")

(*Đại khâm: Trực lĩnh phân làm hai loại, có vạt cả là đại khâm và không vạt là đối khâm)

(*Hộ lĩnh: Từ điển Việt cổ của Nguyễn Ngọc San giải nghĩa: Hộ Lĩnh (护領 - 護領) buộc che ngoài tràng. Hộ lĩnh là dải vải may đè lên tràng, áp vào mép vạt, cũng gọi là nẹp cổ, có tác dụng gia cố cho tràng áo.)

Sau khi Giang Trừng đã vận y phục chỉnh tề xong xuôi Giang Thoại lại lôi trong khay gỗ ra một hũ chu sa đỏ sậm làm Giang Trừng có hơi nghèn nghẹn trong cổ họng.

Trong truyền thống cưới hỏi của Giang gia, tân nương và Địa Khôn xuất giá đều sẽ được vẽ một ấn ký liên hoa chín cánh lên trán ngụ ý rằng bất kể có rời khỏi Liên Hoa Ổ bao xa, bất kể có rời đi bao lâu thì vĩnh viễn vẫn là người của Giang gia, đều sẽ được bảo hộ trong nguyện niệm của hoa sen như đời đời Giang gia luôn được hoa sen che chở tại Liên Hoa Ổ này. Vào ngày Giang Yếm Ly xuất giá, chính tay Giang Trừng cẩn thận vẽ ấn ký liên hoa cho nàng, cũng chính lúc ấy nàng thở than rằng muốn để cho kẻ kia được nhìn thấy bộ dáng mặc hỉ phục của mình, đều là những ký ức từ thuở đất trời nổi cơn gió bụi khiến khóe mắt đau xót chẳng mở nổi. Hắn muốn cản lại hũ chu sa chói mắt ấy trong tay Giang Thoại, lại cứ lần lữa mãi chẳng thể nhấc tay, hắn sợ từng cánh hoa hiện lên trên trán sẽ biến thành một sợi xích thít chặt trái tim mình.

Năm đó có kẻ sau khi nhìn thấy a tỷ Giang Yếm Ly mặc hỉ phục đã khoác tay lên vai hắn, vừa cười vừa bảo chính gã cũng muốn có một ngày được nhìn thấy Giang Trừng mặc hỉ phục tươi tắn, lúc ấy chính tay gã sẽ tô điểm ấn ký liên hoa trên trán càng thêm rực rỡ để hắn có thể tạm cất đi khuôn mặt khó ở của mình mà vui vẻ thành thân. Lúc đó Giang Trừng ghét bỏ bảo với cái tánh nết trời đánh của gã nhất định sẽ viết thẳng một chữ 'Vương'* lên trán hắn. Chẳng ngờ cái kẻ hay bỡn cợt ấy lại vô cùng nghiêm túc khẳng định rằng mình sẽ vẽ một đóa hoa sen độc nhất vô nhị, khí phách nhất trên đời để xứng đáng với sư đệ của gã.

(*Vương |王|: hoa văn trên đầu loài cọp khá giống với chữ 'vương' trong chữ Hán)

Sau này Giang Trừng đã đi qua Côn Minh Sơn tuyết phủ trắng như bị Chuyên Húc* lỡ tay đánh đổ sơn, hắn băng qua hồ Vô Giác xanh như bầu trời mùa thu lật ngược, thậm chí đã từng đãi mình dưới ánh mặt trời thiêu da đốt thịt trên đại mạc Tây Vực rồi quay trở về ngồi đình tâm hồ ở Liên Hoa Ổ, lặng người ngắm Tịnh Đế Liên Hoa quý hiếm trên thế gian nở rộ trong đầm. Hắn vẫn chẳng biết được cái gọi là "đóa sen độc nhất vô nhị" rốt cuộc trông như thế nào.

Giang Trừng cũng đã từng bỏ trăm vàng ngàn bạc mời rất nhiều họa sư đến vẽ cho hắn xem đóa hoa sen đẹp nhất trên đời trong mắt bọn họ là như thế nào. Cuối cùng hắn nhìn trăm sắc màu ngàn nét họa trên tờ giấy Tuyên mỏng như cánh hoa biến chuyển bốn mùa, rực rỡ diễm lệ biết bao nhưng rồi vẫn lẳng lặng cất tất cả đi, chẳng một bức nào có thể trông "khí phách nhất thế gian" mà kẻ bịp bợm kia từng nói.

(*Chuyên Húc: theo thần thoại Trung Hoa, Chuyên Húc là cháu của Ngọc Hoàng, chủ quản phương Bắc đồng thời quản cả mùa Đông của năm.)

Năm tháng in hằn trên dấu chân còn sâu hơn vết kiếm khắc trên mạn thuyền, vậy mà đến lúc người trở về lại e rằng đóa sen kiều diễm bậc nhất ấy đã lụi tàn từ lâu. Chuyện cũ mơ hồ như giấc mộng, thấm vào xương cốt dãi dầm mưa gió, đau nhức từng đêm canh, Giang Trừng thường tự giễu cợt bản thân, bởi vì do hắn nhớ dai mà đáng đời bị giày vò suốt bao tháng năm, chịu đựng đau đớn gấp đôi kẻ khác.

Bỗng dưng cửa sổ gian ngoài bị đẩy ra, Kim Lăng ló đầu vào nói:

"Cữu cữu, người thay y phục xong chưa ạ? Nguyệt Y tỷ bảo con gọi Thoại thúc đến phòng bếp lấy bữa sáng cho người ăn lót dạ."

Trên trán thiếu niên là ấn chu sa đỏ quen thuộc, dù đứng giữa màn đêm nhưng vẫn mang theo dương quang rực rỡ của mặt trời chiếu rọi vào cõi lòng đang nặng trĩu của Giang Trừng, tựa như chiếc áo khoác dầm mưa ướt đẫm được phơi dưới nắng khô đi nhẹ tênh thơm ngát trở lại. Kim Lăng hôm nay không mặc y phục Tông chủ Kim gia mà mặc cùng một loại lễ phục với Giang Thoại, chỉ khác rằng đồ của Giang Thoại là màu tím của Giang gia thì đồ của Kim Lăng vẫn là màu vàng diễm lệ khiến Giang Trừng nhác thấy bóng dáng của a tỷ trong ngày tháng cũ ở Kim Lân Đài, cười vui vẻ rạng rỡ còn sáng trong hơn cả ngàn đóa Mẫu Đơn đang khoe sắc.

Kim Lăng chẳng hay biết Giang Trừng đang nghĩ gì, cậu vừa nhìn vào phòng đã há miệng kinh ngạc, đoạn từ cửa sổ lại vòng sang đẩy cửa chính chạy vội đến đưa tay kéo lấy tay áo cậu mình, ánh mắt sáng rỡ:

"Oaaaa, cữu cữu ơi người là tân lang đẹp nhất mà con từng thấy luôn á!"

Giang Trừng tìm lại chính mình từ trong ký ức, nhếch cao mày, cười gằn:

"Mới được bao tuổi, đã thấy được bao nhiêu hôn lễ đâu mà dám nói thế."

"Thì cũng liên quan gì tới việc con thấy người đẹp đâu? Cữu cữu cứ tin ở ánh mắt con, con nói đẹp chính là đẹp, Lam gia có ai dám chê người không đẹp con nhất định sẽ giúp bọn họ rửa mắt nhìn cho thật kỹ!"

Nghe thấy lời này Giang Trừng liền trở tay gõ lên đầu Kim Lăng, răn dạy:

"Cho ngươi đến Cô Tô đi học là để ngươi học cái tốt của người ta, không phải để ngươi giở thói ngang ngạnh, đàng hoàng lên cho ta."

"Cái tốt của Lam gia chắc không bao gồm cả sự nhạt nhẽo và cổ hủ của bọn họ đâu ha..."

Nghe Kim Lăng lầm bầm câu này Giang Trừng buồn cười lắm mà không thể không dạy dỗ lại đôi câu vì rõ ràng với hắn, Lam Hi Thần không hề nhạt nhẽo và cổ hủ.

"Không phải người nhà Lam gia ai cũng thế, ngươi chơi với đám Tư Truy, Cảnh Nghi mà còn không rõ à?"

Sợ hai cậu cháu mới sáng sớm đã giở giọng cự cãi vào ngày này thì vừa không hay lại tốn thời gian, Giang Thoại nhanh chóng chen ngang, đặt chu sa vào tay Kim Lăng, cười nói:

"Ấy, A Lăng đến đúng lúc lắm, cậu của con còn mỗi ấn ký liên hoa chưa vẽ mà ta thì tay chân luộm thuộm, hay là A Lăng vẽ cho Tông chủ nhé, ta phải đi lấy bữa sáng rồi."

Kim lăng cầm lọ chu sa, dùng ánh mắt 'thúc chắc chưa' để nhìn Giang Thoại, bình thường cậu chấm chu sa cho mình còn lệch mà bây giờ bắt cậu vẽ ấn ký liên hoa của Giang gia, này là không trâu bắt chó đi cày á hả? Vừa muốn bảo Giang Thoại làm đi để bữa sáng mình đi lấy thì nhìn thấy ánh mắt trào phúng của Giang Trừng. Lúc này mà còn từ chối thì uổng phí cái danh 'đại tiểu thư' của Lam Cảnh Nghi đặt cho cậu quá, nên Kim Lăng trợn mắt lại với cậu mình, phất tay cho Giang Thoại "lui" để cậu "liều mình xông lên".

Đợi hình dáng Giang Thoại khuất bóng khỏi ngã rẽ, Kim Lăng do dự chốc lát rồi cầm cọ lên chấm vào lọ chu sa, đến gần Giang Trừng:

"Cữu cữu đừng động đậy kẻo con vẽ lệch là tại người đấy nhé!"

"Ngươi vẽ lệch là chuyện bình thường, vẽ ngay ngắn thẳng thớm mới là chuyện kỳ lạ, đừng đánh giá mình cao quá."

Giang Trừng nhắm mắt lại ngồi ngửa người ra ghế, miệng không quên nhiệm vụ châm chọc cháu trai mình nhưng rồi cũng chẳng động đậy nữa. Cọ lông thỏ vừa nhỏ vừa mảnh lướt trên trán tạo nên cảm giác ngưa ngứa, không khó để nhận ra Kim Lăng vẽ từng nét vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ. Suốt quá trình Giang Trừng luôn nhắm nghiền mắt, lòng hắn cũng chẳng còn kháng cự hay thấp thỏm gì, sự hiện diện của thiếu niên đã sớm thiêu rụi chút lạnh lẽo cuối cùng, tựa như sự trỗi dậy của ký ức lúc nãy chỉ là giun đào ụ đất, dế đào hang. Hắn siết chặt tay, tự nhủ với bản thân mình rằng tất cả đều đã được chôn cất trong đêm mưa ở Quan Âm miếu, niêm phong bằng phẫn uất và đớn hận để chúng tự sinh tự diệt, tự mục rữa với thời gian.

Còn hắn, hắn sẽ sống tiếp cuộc đời của mình, chỉ vậy thôi.

Đợi đến khi Kim Lăng đặt cọ xuống, trán cậu đã lấm tấm mồ hôi nhưng nhìn lại thành quả khiến trái tim giống được nâng lên tầng trời, đối diện với chúng tiên chư thần nơi đây, kính ngưỡng sinh ra từ vô thức. Giọng của cậu trở nên nhỏ nhẹ và khẽ khàng:

"Cữu cữu, người...nhìn thử xem."

Giang Trừng còn tưởng cậu vẽ khó coi đến mức chính mình cũng chẳng nhìn nổi, hắn nhíu mày rung mi để xua đi bóng tối do nhắm mắt quá lâu, vươn tay cầm lấy gương đồng trên bàn, an ủi Kim Lăng vài câu:

"Không được cũng không sao đâu, lát nữa bảo Giang Thoại vẽ lại..."

Những chữ còn lại trở thành vô thanh khi ánh mắt Giang Trừng nhìn thấy Hà Nguyệt* trên ấn đường diễm lệ kinh hồng nghẹn cả hơi thở, chẳng biết Kim Lăng đã cho bột vàng vào chu sa lúc nào mà dưới ánh sáng tù mờ, ấn ký trên trán y lại lấp lánh như tử yên* neo đậu giữa trán. Ở giữa là hình dáng đài hoa ngậm tuyết, chín cánh hoa sen xung quanh tầng lớp mềm mại mỏng manh bung nở thành ánh nắng vén mây chiếu rọi muôn nơi. Giang Trừng chưa từng nhìn thấy loại hoa văn này bao giờ, đóa hoa sen trên trán hắn đã chẳng còn là đóa hoa vươn mình từ bùn tỏa hương thơm ngát nhẹ nhàng dịu dàng nữa. Nó trở nên ngang tàng đầy sức sống phá băng vươn lên, một mình đối chọi với tuyết sương và băng giá đầy ngạo nghễ, ỷ vào nhựa sống cường đại xua đi tiêu điều quạnh quẽ cuối Đông, bắt lấy mùa Xuân phải vì nó mà hồi sinh, biến cả đất trời vì nó mà khởi sắc.

(*Hà Nguyệt: hoa sen nở rộ. Đây còn là tên cổ của tháng 6, lúc mà hoa sen nở rực rỡ nhất)

(*Tử yên: khói màu tía, một hiện tượng khúc xạ khi ánh nắng chiếu lên khói sẽ sinh ra một màu tía lấp lánh. Hình ảnh này nổi tiếng trong câu thơ: "Nhật chiếu hương lô sinh tử yên" - tạm dịch: "Nắng rọi Hương Lô khói tía bay" của Lý Bạch)

Tình cờ Giang Thoại vừa trở lại mở cửa ra khiến nắng sớm bên trời đang hửng đỏ bị thu hút mà tìm đến vây lấy hồng y của Giang Trừng sáng rỡ, bụi tuyết trong không khí cũng được chiếu sáng như vạn con đom đóm li ti tụ về quanh thân thành hào quang hư ảo chẳng thuộc về dương gian. Bất ngờ bị viễn cảnh bắt nhập họa khiến chính Giang Thoại cũng phải ngẩn ngơ, hắn chẳng thể hoàn hồn trong giây lát mà đại não chỉ có thể nghĩ rằng, một thoáng kinh hồng khiến lòng kẻ khác ngỡ ngàng có lẽ cũng chỉ đến thế này mà thôi.

Tam Độc Thánh Thủ âm lệ tàn nhẫn trong lời thế nhân, Giang Tông chủ hung hăng vô phép trong sự cay nghiệt của người đời giờ phút này đứng đó, vận tầng tầng hỉ phục đỏ tươi nổi bậc rực rỡ như hồng đậu trong tuyết. Ấn ký hoa sen bằng chu sa điểm vàng trên trán phủi tan đi lệ khí nơi ấn đường thành bụi trần, tràn ra sinh khí tươi tắn tôn lên đôi mắt hạnh to sáng kiên định với đuôi mắt dài như đuôi chim Phượng, giờ phút này dung mạo tuấn mỹ của Giang Trừng mới lộ rõ vẻ sắc sảo mỹ lệ vốn có, cho dù hắn có là người phàm thì phần dung mạo này cũng tuyệt đối chẳng kém thua các tượng thần được thờ phụng. Vẻ đẹp tựa như tiếng ngân lanh lảnh của chiếc chuông cổ lâu ngày chẳng vang, nó mang đến cảm giác hoài cổ như thể đã từng trông thấy ở quá khứ nhưng lại mờ mịt chẳng nhận ra viên dạ minh châu này vốn xa cách ánh mặt trời lại sáng trong mị hoặc đến nhường này, mang theo ánh kiếm bóng hoa, tựa như sao nhưng lại sáng lóa như trăng.

Lần đầu tiên nhìn thấy dáng vẻ sáng tươi rực rỡ này của Giang Trừng mới khiến Giang Thoại bất giác nhớ ra rằng, vị Tông chủ này của mình thật sự còn rất trẻ, thậm chí còn trẻ hơn cả Giang Thoại nhưng ở năm tháng lẽ ra phải là tươi đẹp nhất, tự tay hắn đã lưu đày sự phóng khoáng vô lo của tuổi niên thiếu trong tàn tro lửa đỏ, chôn vùi nó vĩnh viễn dưới lớp đất cũ của Liên Hoa Ổ ngày xưa, dùng đình đài lầu các xa hoa che đậy phía trên. Từ đó về sau, chưa từng có ai nguyện ý soi lên ngọn đèn ngắm nhìn dung mạo thật hắn lần nào nữa.

Nhìn hình ảnh phản chiếu của bản thân trong gương đồng, chính Giang Trừng cũng chẳng rõ trong lòng mình mang tư vị gì, ngón tay hắn chạm vào ấn ký trên mặt gương, nhẹ nhàng ve vuốt. Một đóa hoa sen này lắp trọn dòng thời gian nở rực rỡ giữa chớm Sơ đông*, hương hoa nồng cay như rượu sực nức cả lòng. Sự vô lý ngang ngạnh này, trừ kẻ khốn nào đó ra, còn ai có thể nữa?

(*Hàn đông: Mùa đông được chia làm: Sơ đông; Hàn đông; Cửu đông; Mộ đông; Trung đông. Thời gian Sơ đông vừa khéo là thời điểm sinh nhật của Giang Trừng, thuộc tiết Lập Đông)

"Ai dạy ngươi vẽ ấn ký này?"

Nghe hỏi Kim Lăng giật mình, tài nghệ của bản thân tới đâu Giang Trừng biết còn rõ hơn cả cậu, làm sao có thể giấu được? Kim Lăng tặc lưỡi, khai thật:

"Là Trạch Vu Quân dạy con."

"Ai cơ?"

Câu trả lời nằm ngoài dự đoán khiến Giang Trừng ngạc nhiên khó kiềm chế. Kim Lăng gãi đầu, vẻ mặt cũng khó hiểu:

"Con nói thật, là Lam Tông chủ đó. Tuần trước bỗng dưng Lam Tư Truy và Lam Cảnh Nghi đến Kim Lân Đài tìm con, đưa cho con một bức họa vẽ ấn ký này, bảo là nhiệm vụ Trạch Vu Quân giao cho con bắt buộc con phải học vẽ được trong vòng một tuần, còn bảo nhất định sẽ có lúc dùng đến. Hóa ra..."

Giang Trừng trầm ngâm hồi lâu, tự bản thân hiểu rõ chuyện gì ẩn giấu phía sau chỉ nhắm mắt thở dài. Cũng chỉ có thể như thế mà thôi, xem như cuối cùng gã cũng chẳng còn nợ lại gì cả, thanh thản mà lãng quên. Mà hắn, cuối cùng cũng đã có được đóa hoa sen khí phách thiên hạ như bản thân mong muốn.

Ngoài đại môn vang lên bảy tiếng trống lớn báo hiệu bình minh đã đẫy giấc bắt đầu vi hành thế gian, cũng báo hiệu giờ lành đã đến. Nghe tiếng trống dồn dã thúc giục, Giang Trừng bất giác nhìn vào một góc phòng, nơi đó treo một bức tranh đã cũ mèm, chất giấy ố vàng sờn góc nhưng may mắn thay hình ảnh vẫn còn vẹn nguyên chưa bị hư hại.

Hắn liếc nhìn rất nhanh rồi như che giấu mà quay đầu, vén vạt áo bước vào ban ngày nắng chiếu rọi, hướng về tương lai của chính mình. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro