Câu chuyện 4: Cái đức của đấng Thiên tử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm mồng 3 tháng 4 năm thứ 5 niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình, vua Trần Thái Tông cải trang thành dân thường, dẫn theo tả hữu bảy tám người lặng lẽ bỏ kinh thành lên Phù Vân Tự, núi Yên Tử, quyết chí xuống tóc nương nhờ cửa Phật từ bi để tránh điều vô luân, giữ tình huynh đệ và chung tình với Chiêu Thánh trong xa cách, yên tâm rửa sạch lòng phàm. Trên đường đi, Thái Tông bày tỏ lòng mình cho tùy tòng biết, ai nấy nghe đều khóc sướt mướt. Qua hai ngày trời trên đường trường vất vả, khi lặn lội suối sâu núi hiểm, lúc bỏ ngựa trèo non, đến ngày thứ ba mới lên đến đỉnh núi Yên Tử.

Sư trụ trì chùa Phù Vân và Thái Tông vốn là bạn cũ của nhau, bỗng dưng hôm nay thấy Thái Tông đến nơi này nên nhà sư hỏi thăm:

- Lão tăng ở nơi sơn dã đã lâu, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm trái cây, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi rừng núi, chẳng hay bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?

Thái Tông đáp:

- Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ nương tựa, lại nghĩ đến sự nghiệp của đế vương thuở trước thay đổi bất thường, nên tìm đến núi này, chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác.

Nhà sư mỉm cười đáp lại:

- Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm, nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức trở thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm ở ngoài.

Trụ trì cảm thấy băn khoăn vì lòng Thái Tông có nhiều nỗi khổ thầm kín không thể nói ra, hơn nữa ngài là vua một nước, đất nước không thể một ngày không có vua, vậy nên nhà sư kín đáo sai người về kinh thành báo tin cho thái sư Trần Thủ Độ biết. Trần Thủ Độ ở Thăng Long như ngồi trên đống lửa vì nhà vua bí mật bỏ đi, khi nhóm sư tiểu chùa Phù Vân đến báo tin, thái sư vui mừng khôn xiết lập tức phóng ngựa dẫn theo bá quan văn võ lên Phù Vân Tử.

Con người tuy dưới vua nhưng vô cùng thao lược, có quyền nghiêng ngả cả thiên hạ nói với Trần Thái Tông với giọng đầy tôn kính:

- Bệ hạ đang đêm bỏ đi chơi núi không bảo thần một tiếng, thần hộ giá chậm trễ, xin bệ hạ khai ân!

Thái Tông nén giận đáp lời:

- Cả hai triều Lý, Trần không ai dám động đến ông. Vậy mà ông lại sợ ta sao?

Trần Thủ Độ quyết đoán đáp:

- Hồi bệ hạ, nhà Lý đã suy, dẹp đi để dân đỡ khổ. Nhà Trần thay thế để sông núi thái bình. Nếu nhà Trần không khéo léo giữ ngôi báu, nghìn kẻ nhảy ra tranh giành ngai vàng chém giết lẫn nhau, giày xéo bách tính, dân tình chết chóc khổ ải. Giặc Bắc nhân lúc loạn lạc tràn sang, nếu giang sơn xã tắc rơi vào tay ngoại bang thì trăm họ lầm than. Thần lo sợ như vậy.

Thái Tông lắng nghe rồi đáp:

- Dẫu ít tuổi nhưng trẫm cũng hiểu đôi điều. Ông không phải nói nữa.

Trần Thủ Độ rành rọt đáp ngay:

- Tâu bệ hạ, thần không thể không nói. Thần biết việc làm này ngày hôm nay có trăm nghìn kẻ chê, muôn đời sau vẫn vậy. Nhưng những chuyện thần làm đều không phải vì thần, những chuyện thần làm đều vì ngôi báu của bệ hạ.

- Tâu bệ hạ, thần không thể không nói. Những việc thần làm đều không phải vì thần, những việc thần làm đều là vì ngôi báu của bệ hạ. Thần biết việc làm này ngày hôm nay có trăm nghìn kẻ chê, muôn nghìn năm sau vẫn vậy. Chỉ cần có một người khen là thần hả dạ lắm rồi. Xin bệ hạ hồi triều. Kinh thành không thể vắng vua.

Thái Tông nói rõ ý mình:

- Trẫm đương còn nhỏ dại, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, bá quan hãy chọn người khác lên thay để khỏi nhục xã tắc.

Thủ Độ rành rẽ trả lời:

- Tâu bệ hạ, hoàng tộc không thiếu người tài nhưng chân mệnh thiên tử chỉ có một. Hạng Vũ dẫu tài giỏi hơn Lưu Bang nhưng Hạng Vũ không có mệnh thiên tử.

- Nhưng ta không thể làm việc vô luân! - Thái Tông ấm ức nói.

Thủ Độ nói:

- Suy nghĩ của bậc đế vương phải khác với dân. Chiêu Thánh thể trạng không tốt, không thể sinh thái tử, nhường ngôi hoàng hậu cho Thuận Thiên để sau này ngôi rồng có người kế vị. Em nhường ngôi hoàng hậu cho chị, nếu có loạn luân cũng là do ý trời.

Thái Tông trách móc:

- Còn Hoài vương thì sao?

Thủ Độ đáp:

- Anh nhường vợ cho em, thần dâng vợ cho vua vì ván cờ giang sơn để dòng tộc duy trì, nếu là thần, thần vui mừng lắm.

- Ông không sợ Hoài vương khởi binh, thiên hạ đại loạn sao?

Mắt Trần Thủ Độ long lên:

- Chống vua tội gì, Hoài vương phải tự biết hậu quả.

Trần Thái Tông dằn giọng:

- Đã cướp tỉ nương lại còn giết huynh trưởng, ông bắt ta làm những chuyện bất nghĩa, huynh đệ cốt nhục tương tàn, con người ông quả thật rất đáng sợ đó!

Trần Thủ Độ kìm nén, ứng đối được ngay:

- Tâu bệ hạ, Doanh Chính năm xưa giết Lã Bất Vi mới thành Tần Hoàng, Lý Thế Dân giết anh em sau đó mới hưng nghiệp triều Đường được. Bậc đế vương khác người thường ở chỗ đó, làm chủ thiên hạ phải vậy. Còn bất nghĩa ư? Điều bất nghĩa nhất là không lo cho giang sơn vững bền, không thể làm cho thiên hạ thái bình thịnh trị.

Thái Tông đáp:

- Ông nên nhớ, thánh hiền không dạy ta bất nghĩa với anh.

Nhà vua nói rồi ngoảnh mặt đi chỗ khác.

Trần Thủ Độ ngẩng mặt lên trời than:

- Thủ Độ ơi Thủ Độ! Dù cho ngươi có tài trí ngang trời dọc đất nhưng mưu kế của ngươi không được dùng thì cũng vô dụng! Ngươi nghĩ mình là con ngựa kéo cỗ xe giang sơn nhưng không chừng chỉ kéo họa vào thân và bị hậu thế nguyền rủa.

Trần Thủ Độ thất vọng muốn buông bỏ tất cả để sống một cuộc đời thường dân bình dị, trong đầu thầm nghĩ: "Cả đời ta sống hết lòng tận trung với triều đình này, nhưng có kẻ lại gọi ta là Lã Bất Vi, kẻ xem ta như Tào Tháo, chao ôi, giá mà Thủ Độ ta được một phần của hai vị ấy, nhưng ta ôm rơm làm gì để thêm răm bụng và bị đời sau đàm tiếu?".

Bất chợt nhìn thấy Lê Tần (hậu duệ của vua Lê Đại Hành) đang đứng gần đó, thái sư chợt nghĩ đến những chuyện trong quá khứ.

Năm xưa vua Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, thái tử Đinh Toàn mới 9 tuổi lên ngôi, thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính. Bắc Tống nhân cơ hội Đại Cồ Việt đang lúc rối ren, phái Hầu Nhân Bảo đem quân xâm lược. Trong hoàn cảnh đó, thái hậu họ Dương đã nhìn thấu phúc họa của dân của nước đang bày ra trước mắt, tình thế không cho bà lựa chọn khác. Bỏ ngoài tai tất cả những lời dè bỉu, bêu riếu hướng về mình, nào là bất nghĩa, quẳng cơ nghiệp của nhà Đinh cho ngoại tộc, Dương thái hậu nhất quyết trao long bào cho Thập Đạo tướng quân (Lê Hoàn). Nhờ Dương thái hậu sáng suốt, gửi gắm đại sự cho quan Thập Đạo mà nước nhà thoát được phen nguy khốn, nếu không làm vậy, liệu Đại Cồ Việt có đánh đuổi được quân Tống xâm lược?

Việc của Dương thái hậu làm trước kia chưa hề có, sau này chắc cũng chẳng có ai, nhưng an nguy sông núi chỉ trong chớp mắt, bà không quyết không được. Đời thương, ghét, khen, chê, mặc kệ đời, phúc cho dân cho nước mới là quan trọng.

Bậc nhân giả phải nghĩ tới những điều thiên hạ chưa nghĩ tới, phải làm những việc vạn người không dám làm, miễn là việc làm ấy tạo phúc cho dân. Nếu một người làm việc gì cũng sợ bị thiên hạ đàm tiếu thì người đó có bao giờ làm được việc lớn? Thói thường, người người đều nghĩ theo cách cũ, đi theo lối mòn, làm lại những việc thời trước đã làm. Thấy ai có ý lạ, cách làm mới là họ xét nét, dè bỉu. Nào là thánh hiền không dạy, nào là cổ kim chưa có ai làm! Nếu ai cũng e dè thì liệu sông núi có thể lớn lên, sáng ra không?

Hiểu được chân lý đó, mắt Trần Thủ Độ chớp chớp, lấy lại quyết tâm, ông bước đến nhà vua, cúi đầu đầy cung kính:

- Tâu bệ hạ, vì giang sơn nhà Trần, vì trăm họ trông ngóng, thần dẫu chết cũng không bỏ nước cờ đã lường tính.

Trần Thái Tông muốn được yên thân ở rừng núi:

- Ý trẫm đã quyết, các người về đi. Yên Tử là nơi dành riêng cho trẫm.

Giọng Thủ Độ kiên quyết:

- Vua ở đâu triều đình ở đấy. Tổng quan thái giám đâu, mau lo dựng cung điện trước chùa này. Ta về kinh thành mang quốc ấn cùng bài vị tổ tiên lên đây ngay.

Sư trụ trì thấy thế liền tâu với Thái Tông:

- Bệ hạ nên gấp về kinh sư, chớ để hại núi rừng của đệ tử.

Thái Tông biết Trần Thủ Độ không nhượng bộ, sau một hồi suy nghĩ thấu đáo nhà vua mới chịu về Thăng Long.

Trong khi đó Trần Liễu nghe tin Thái Tông cướp vợ mình thì nổi trận lôi đình, y tụ tập binh mã ở sông Cái (sông Hồng) tạo phản. Nhưng Trần Thủ Độ là con người đầy mưu lược sớm đã tiên liệu được chuyện này, ông đã bố trí sẵn mai phục ở Thăng Long chỉ đợi Trần Liễu sa lưới. Quả nhiên Trần Liễu nhân lúc bá quan triều đình cùng theo nhà vua lên núi Yên Tử, nghĩ rằng kinh thành hiện đang phòng thủ lỏng lẻo nên lệnh cho vợ chồng tướng quân Trần Hiến - Lê Thị Đạt dẫn quân tấn công Thăng Long.

Khi quân của Trần Liễu xông vào Thăng Long thì bất ngờ bị quân triều đình bao vây ngược lại. Sau trận này, quân tướng của Trần Liễu bị thiệt hại nặng nề. Biết mình đã rơi vào tình cảnh thân cô thế yếu, Trần Liễu quyết định đầu hàng triều đình. Thế nhưng chống vua là tội chết, lúc này cách duy nhất để Trần Liễu thoát chết là cầu cứu người em trai của mình, vua Trần Thái Tông.

Trần Liễu ngầm sai người hẹn với nhà vua đúng giờ hãy bơi thuyền ngự ra sông Cái, ông sẽ giả dạng làm người đánh cá để đến hàng. Vua Trần Thái Tông là người nhân nghĩa và hết mực yêu thương anh mình nên đã bỏ qua hết thù hằn cũ và chấp nhận cho Trần Liễu đầu hàng. Đúng giờ hẹn nhà vua cho bơi thuyền ra sông Cái, còn Trần Liễu chèo một chiếc thuyền độc mộc ra hàng, hai anh em gặp được nhau mừng lắm, ôm nhau khóc ròng.

Đúng lúc này Trần Thủ Độ kéo quân đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét to: "Giết chết tên giặc Liễu".

Nhà vua vội vàng đẩy quan Thái sư ra xa, lấy thân mình che cho Liễu rồi phân trần:

- Hoài vương đến hàng đó thôi.

Trần Thủ Độ nhất quyết đòi giết Trần Liễu vì tội làm phản.

Thái Tông ấm ức nói:

- Ở Đại Việt này rốt cuộc là trẫm làm chủ hay ông làm chủ?

Trần Thủ Độ tức giận nhưng không dám làm bậy, đành ném thanh gươm xuống nước mà thét lên:

- Thủ Độ này chỉ là con chó săn thôi, biết đâu sự thuận nghịch của anh em nhà vua.

Mọi việc sau cùng được giải quyết êm đẹp, Trần Liễu theo Thái Tông về Thăng Long. Trần Liễu được nhà vua ban cho vùng đất Ngũ Yên bao gồm Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang, Yên Phụ, Yên Dưỡng để làm Thái ấp, đồng thời phong tước Yên Sinh vương cho y cùng với nhiều bổng lộc khác. Trần Liễu tuân theo lệnh vua dẫn theo gia quyến chuyển đến vùng đất Ngũ Yên sinh sống, riêng người con trai thứ tư của Liễu là Trần Quốc Tuấn được Thụy Bà công chúa nhận nuôi nên được vua Trần Thái Tông đồng ý cho ở lại Thăng Long. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro