Câu chuyện 2: Chuyển giao triều đại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm 1210, không lâu sau khi loạn Quách Bộc được dẹp yên thì Trần Lý bị ám sát, người thừa kế gia tộc họ Trần là Trần Tự Khánh có công lớn với triều đình nên được phong đến chức Thái úy. Trần Tự Khánh một mình lo việc nước thay thế vua Lý Huệ Tông vừa mới lên ngôi nhưng đột nhiên bệnh nặng, trong thời gian cầm quyền, Tự Khánh để cho người họ Trần nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, dần dần thế lực của họ Trần còn mạnh hơn hoàng tộc.

Tháng 12 năm Quý Mùi (1223), Trần Tự Khánh mất, người anh là Trần Thừa lên thay chức Thái úy, em họ là Trần Thủ Độ giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ. Kể từ đây quyền hành trong triều hoàn toàn nằm trong tay họ Trần.

Con trai Trần Thừa là Trần Cảnh bấy giờ 7 tuổi được đưa vào cung hầu hạ vua Lý Chiêu Hoàng bằng tuổi, Lý Chiêu Hoàng thấy Cảnh làm ưa. Hôm đó, nữ vương đã thức dậy từ lâu nghe tiếng Trần Cảnh gõ cửa thì giả vờ nằm lại giường, làm bộ như vừa mới dậy. Nữ vương gọi với ra:

- Nhà ngươi vào đi.

Trần Cảnh bưng nước vào hầu, Chiêu Hoàng ném khăn, vẫy nước vào mặt Cảnh, có ý trêu chọc như mọi ngày. Trần Cảnh làm theo lời dặn của người chú Trần Thủ Độ, vội chắp tay lạy:

- Bệ hạ tha tội cho thần.

Chiêu Hoàng khoái chí cười:

- Tha tội cho ngươi? Hôm nay ngươi đã biết khôn rồi đó.

Lúc Chiêu Hoàng đi dạo ở vườn thượng uyển, Trần Cảnh theo hầu. Cả hai đi một hồi lâu, Chiêu Hoàng thấy Trần Cảnh ít nói nên bày nhiều trò trêu ghẹo như nắm lấy tóc, đứng dẫm lên bóng của cậu.

Phải hầu hạ Chiêu Hoàng cả ngày trong cung, Trần Cảnh về phủ lúc mặt trời đã xuống núi. Về đến phủ, Cảnh thấy Trần Thừa và Trần Thủ Độ đang bàn việc nước, cậu bước đến chào. Trần Thừa trìu mến hỏi con trai:

- Trần Cảnh về rồi sao?

Trần Cảnh chưa kịp đáp thì Trần Thừa tiếp lời:

- Cha đang bàn chuyện hệ trọng với thúc thúc, con hãy lui ra chỗ khác đi.

Trần Thủ Độ đợi cho cháu mình đi khỏi đó rồi nói với Trần Thừa, giọng của ông vừa mừng vừa lo:

- Đại ca, khí số nhà Lý đã tận không thể cứu chữa, nay trời đã trao cơ hội cho chúng ta rồi. Nhưng không biết đây là họa hay là phúc, đệ đang lo không biết cả họ ta sẽ trở thành hoàng tộc hay là bị giết.

Điều mà họ Trần mong ngóng bấy lâu nay đã xuất hiện, nhà Lý đã mục rỗng tận cùng rồi, đây là cơ hội ngàn năm có một để họ Trần dựng nghiệp đế vương trị vì thiên hạ. Trần Thừa hỏi Trần Thủ Độ:

- Đệ đã có kế sách gì rồi đúng không?

Thủ Độ cười:

- Đệ vừa nghĩ ra một kế. Chúng ta hãy tác hợp cho Trần Cảnh và Chiêu Hoàng thành vợ chồng rồi thông báo cho cả nước biết điều này, xưa nay vợ không thể đứng trên chồng, chúng ta phải dùng cái cớ này để đoạt lấy ngôi vị, tuyên bố cho toàn thiên hạ biết rằng Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngai hoàng đế cho Trần Cảnh con trai huynh, như vậy là nhà Trần lên thay nhà Lý một cách danh chính ngôn thuận, có thể tránh nạn binh đao. Nếu như xảy ra chiến tranh thì cái lý vẫn thuộc về chúng ta.

Trần Thừa cẩn thận nhắc nhở:

- Văn thần võ tướng trong triều vẫn còn rất nhiều người trung thành với họ Lý, đệ phải hành sự thật cẩn thận, nếu không phải là bất đắc dĩ thì không được lạm sát, ta lo sinh biến.

Trần Thừa giao cho Trần Thủ Độ đi tập hợp mọi người trong gia tộc, tự ông đi gặp Trần Cảnh và chuẩn bị những việc cho buổi lễ kết tóc. Nhận lệnh của anh, Trần Thủ Độ bắt tay vào công việc ngay, hai ngày sau Trần Thủ Độ đã cho tập hợp tất cả gia thuộc thân thích họ Trần vào cung cấm từ sáng sớm, lệnh đóng toàn bộ cửa thành và các cửa cung, sai người canh gác nghiêm ngặt không cho các quan vào chầu. Trần Thủ Độ làm lễ kết tóc cho Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong hoàng cung, sau đó loan tin: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Triều đình nghe vậy đều nói đây là việc tốt, xin chọn ngày vào chầu.

Như vậy là những lần đùa giỡn của trẻ con giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh bỗng nhiên được Trần Thủ Độ thêu dệt trở thành câu chuyện tình yêu quân thần lãng mạn, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng bấy giờ chỉ mới 7 tuổi bất ngờ được tác hợp trở thành đôi vợ chồng. Điều này hóa ra chỉ là một nước cờ chính trị tranh giành thiên hạ trong êm thắm của hai họ Lý - Trần do Trần Thủ Độ một tay dựng lên.

Đến ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu, theo sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, vua Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng. Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng thiết triều ở điện Thiên An, các quan quỳ lạy ở sân rồng, nữ vương lệnh cho quan tổng quản tuyên chỉ:

- Thuận thiên thừa vận hoàng đế chiếu viết, trẫm là Lý Chiêu Hoàng, hôm nay vì muốn thuận theo ý trời và con dân trăm họ nên đã ra chiếu chỉ này. Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị vì thiên hạ, duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn 200 năm nhưng vì Thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy sai trẫm phải cố gượng lên ngôi, từ xưa đến nay chưa hề có việc này. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong làm sao giữ được ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya chỉ sợ không gánh vác nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng nhau giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh thi có nói "quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay, lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể là quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù cho là Hán Cao Tổ hay Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ từ lâu, nghiệm xem nên nhường lại ngôi báu để thuận theo ý trời, cho xứng lòng trẫm, mong tất cả đồng lòng hết sức cùng giúp vận nước hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo cho toàn thiên hạ để mọi người đều biết.

Trần Thủ Độ hối thúc Trần Cảnh ngồi lên ngai vàng, Lý Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, nhiều lần khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi vua. Sau ba lần nhún nhường làm phép, Trần Cảnh đồng ý ngồi lên ngai vàng, chính thức trở thành Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Trần (1225 - 1400).

Vậy là triều Lý (1007 - 1225) đã chấm dứt với 218 năm trị vì đất nước, sự kiện khép lại là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi vua, lấy hiệu là Trần Thái Tông, nhà vua vẫn giữ tên nước là Đại Việt, phong thưởng cho những người có công giúp họ Trần khai quốc, suy tôn Phụ quốc Thái úy Trần Thừa là Thái thượng hoàng, sắc phong cho vợ là Lý Thiên Hinh (Lý Chiêu Hoàng) là Chiêu Thánh Hoàng hậu, phong cho Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ giữ chức Thái sư, chức quan đứng đầu triều đình.

Kể từ khi Trần Thái Tông lên ngôi hoàng đế trị vì đất nước thay họ Lý, triều đình dần dần dẹp yên được giặc giã cướp bóc, chỉnh đốn kỉ cương, nhờ vậy mà thiên hạ thái bình, thịnh trị. Chiêu Thánh hoàng hậu thấy cảnh đất nước ấm no phồn thịnh, nhiều lần bày tỏ sự hạnh phúc vì quyết định nhường ngôi của nàng ngày xưa là đúng đắn. Cũng nhờ có Trần Thừa nhiếp chính việc trong, Thủ Độ nhiếp chính việc ngoài, mọi việc chu toàn nên nhà vua lúc này không phải lo bận triều chính, Chiêu Thánh có dịp được kề cạnh gần gũi với nhà vua ở hậu cung, cả hai đều cùng tuổi nhau, sống chung với nhau từ lúc bảy tuổi đến khi trưởng thành nên rất thân tình, cả hai quấn quít nhau không rời như hình với bóng. Những chuyện đùa vui trẻ con ngày nào của hai người bất chợt biến họ trở thành vợ chồng của nhau, tưởng là gượng ép nhưng đến khi cả hai lớn lên, họ đã nảy nở tình yêu thật sự dành cho nhau. Chiêu Thánh lớn lên dung mạo như hoa, phẩm hạnh như ngọc, dù có dung mạo và đức hạnh hơn người nhưng Chiêu Thánh rất khiêm từ, còn vua Trần Thái Tông lớn lên là một bậc minh quân, có học thức cao, thông tuệ nhiều điều, đặc biệt có tài ngoại giao chính trị, bên cạnh còn có nhiều người tài giỏi phò tá. Chiêu Thánh thật cảm thấy hạnh phúc vì nàng đã chọn được một người chồng xứng đáng, hai người như chim phụng chim hoàng, mặn mà ân ái.

                      

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro