Câu chuyện 13: Chiêu Thánh làm con dâu họ Lê

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiêu Thánh bỏ đi tu kể từ ngày biến cố hoàng gia xảy ra, thời gian thấm thoát trôi qua đã 21 năm, dù không còn là hoàng hậu của Thái Tông nữa nhưng Chiêu Thánh lúc nào cũng luôn dõi theo Trần Cảnh. Mông Kha muốn dùng đất Đại Việt làm bàn đạp từ phía nam đánh sang nhà Tống, tin cấp báo Ngột Lương Hợp Thai dẫn một cánh quân lớn từ Vân Nam băng qua biên giới Đại Việt hướng thẳng tới Thăng Long, vua Trần Thái Tông thân chinh đánh giặc ở Bình Lệ Nguyên. Trước thế giặc mạnh như cuồng phong, hàng vạn chiến sĩ Đại Việt ngã xuống, vua Trần núng thế phải bỏ cả Thăng Long mà chạy. Nhận được tin ấy, Chiêu Thánh lo thót lòng.

Sáng ngày 29 tháng 1, hay tin vua cùng thái tử đang xuất binh đánh trận, Chiêu Thánh bồn chồn, hy vọng. Phúc lớn cho nước Nam, trận Đông Bộ Đầu quân Đại Việt đại thắng, đuổi được giặc Mông Cổ về nước. Ngày triều đình trở lại kinh thành, vua và thái tử vui mừng khôn xiết, họ được dân chúng chào đón reo hò. Còn Chiêu Thánh chỉ đứng từ xa, đăm chiêu nhìn người đã từng là chồng bà. Sau đó bà lại nhìn thái tử tuấn tú hiên ngang, Chiêu Thánh càng cảm thấy buồn tủi. Giá như lúc còn là hoàng hậu của Thái Tông mà Chiêu Thánh may mắn được trời ban cho một hoàng nam thì ngôi vị thái tử ấy ắt hẳn đã thuộc về con bà. Trớ trêu, éo le, tủi nhục, đau đớn ngày ngày gặm nhấm Chiêu Thánh.

Xuân đến, đó là xuân Mậu Ngọ năm 1258. Sáng ngày 30 tháng Chạp, vua Trần Thái Tông đích thân đến chùa đưa Chiêu Thánh trở về hoàng cung. Về đến cung, Chiêu Thánh không khỏi xúc động vì nghe người hầu nói lại: "Bệ hạ ngày nào cũng nhắc nhở bọn nô tì quét dọn phủ Chiêu Thánh cho sạch sẽ".

Có lẽ nhà vua chỉ mong một ngày Chiêu Thánh quay về.

Trong buổi thiết triều định công ban thưởng, vua xét công trạng Lê Tần có công đầu, ban thưởng rất hậu, được ban tên Lê Phụ Trần để ghi nhớ công lao, thưởng cho Chiêu Thánh công chúa.

Nghe đến đoạn này, bá quan triều đình không khỏi bàng hoàng.

Gả chồng cho vợ, biết là vô lí nhưng cả triều đình đều im lặng không ai dám bàn tán vì sợ phạm tội khi quân. Còn Chiêu Thánh thì cửa đóng then gài, quỳ sụp xuống sàn khóc.

Chuyện đến tai Linh Từ Quốc mẫu, bà cảm thấy như có cục bông đang chặn lấy cổ họng mình. Linh Từ thở dài hỏi Trần Thủ Độ:

- Sao bệ hạ không để Phật Kim được yên phận? Sao tướng công không nói giúp một lời để bệ hạ rút lại chỉ dụ này?

Ánh mắt của Trần Thủ Độ đăm chiêu, thể hiện bao điều đang thức dậy trong đầu:

- Ngày trước ta lo Trần Cảnh không có thái tử nối ngôi nên bất đắc dĩ mới phải làm chuyện chẳng đừng, khối kẻ nguyền rủa ta lấn vua. Nhưng nếu ta không làm vậy liệu bệ hạ có còn giữ được ngai vàng hay không? Chẳng qua ta muốn thiên hạ thái bình, triều đình vững chải nên mới làm chuyện có lỗi với con cháu. Nay bệ hạ đã ngoài bốn mươi, ta không cần phải lo nghĩ hộ Người. Chẳng qua bệ hạ muốn bù đắp cho Chiêu Thánh nên mới ban chỉ dụ này, Phật Kim tái giá là phúc, ai ngăn là thất đức, ta ngăn là mắc tội.

Linh Từ Quốc mẫu lên kiệu đến cung Chiêu Thánh gặp con gái. Đã hơn 20 năm rồi mẹ con họ mới gặp lại nhau. Lúc Linh Từ tới chỗ con gái, Chiêu Thánh không sùi sụi nữa nhưng đôi mắt đầy màu mưa dông.

Thái sư phu nhân nhìn con ái ngại, nghĩ đi nghĩ lại, bà mới mở lời:

- Mẹ biết dù chuyện ấy đã qua hơn hai mươi năm nhưng con vẫn còn nặng tình với Trần Cảnh. Nhưng việc đã rồi mà con vẫn cứ vương vấn thì chỉ thêm khổ. Lúc hay tin bệ hạ ban chỉ dụ cho con tái giá, mẹ nghĩ là con cứ sống như vậy là hơn. Nhưng ai rồi cũng già đi, con cũng không còn trẻ nữa, nếu có một người chia sẻ buồn vui khi về già cũng là điều đáng mừng.

Chiêu Thánh nhìn vào cõi vô định giây lát rồi cất giọng buồn trĩu:

- Giá như mẹ ở vào phận con thì mẹ sẽ hiểu. Đế tụt xuống hậu, hậu giáng xuống công chúa. Nay con lại được vua "ban" cho một người, vậy con là cái gì?

Linh Từ Quốc mẫu an ủi:

- Dẫu là lá ngọc cành vàng nhưng đã là đàn bà thì thua thiệt đủ điều. Phận hoa chốn cung đình vẫn chỉ là chiếc lá, đành thuận theo ý trời.

Chiêu Thánh đáp lại:

- Thưa mẹ, con sẽ làm theo ý con...

Trần Thị Dung giật mình:

- Con dám kháng chỉ? Chẳng lẽ con không biết kháng chỉ là tội gì?

Ánh mắt bất chấp hết thảy, Chiêu Thánh đáp:

- Mẹ ạ, hơn hai mươi năm nay con sống trong bẽ bàng, tủi hờn, cô quạnh. Vậy có điều gì phải sợ nữa?

Một nỗi lo dâng lên trong lòng phu nhân thái sư:

- Con tuyệt đối không được làm vậy. Mẹ chỉ ước ao trước khi tắt bóng không phải thở vắn than dài. Nếu con làm theo ý con, tai họa giáng xuống thì mẹ sống làm sao được?

Lời chưa dứt, những giọt nước mắt già nua, lo âu của mẹ khiến Chiêu Thánh không thể cầm lòng, nàng ôm lấy mẹ, hai hàng lệ ngọc tuôn rơi.

Đến sáng hôm sau nhà vua cho gọi Chiêu Thánh và Lê Phụ Trần đến hỏi:

- Chiêu Thánh và Phụ Trần thấy thế nào việc ta lo cho hai người?

Phụ Trần cung kính:

- Tâu bệ hạ, thần tuân chỉ. Nếu có trở ngại, trở ngại đó là ở phía công chúa.

Thái Tông hỏi Chiêu Thánh:

- Công chúa có băn khoăn gì hãy cứ nói, để trẫm biết cách lo liệu?

Chiêu Thánh buồn rầu nói:

- Tâu bệ hạ, thần đâu dám kháng chỉ. Nhưng có điều này hạ thần xin được nói. Trong lòng hạ thần chỉ có Trần Cảnh. Kết hôn với Lê Phụ Trần là phận bề tôi phải làm theo ý vua.

Vua hỏi Phụ Trần:

Chiêu Thánh nói vậy tướng quân có phật lòng không?

- Đội ơn bệ hạ, thần phải cảm ơn Chiêu Thánh. Hạ thần thành thân với công chúa là vinh hạnh lắm rồi. Sau lễ tác hợp, Chiêu thánh làm gì, đi đâu, hạ thần vui lòng chiều theo ý công chúa.

Trần Thái Tông cảm kích quay sang nói với Chiêu Thánh:

- Chiêu Thánh yêu quý của ta, xin nàng hãy hiểu cho ta, làm vua có cái khổ của làm vua. Trước đây vì ván cờ giang sơn, ta lo không có người nối ngôi nên mới phải nghe theo thái sư, làm chuyện lỗi đạo. Ta vì xã tắc phải lìa xa Chiêu Thánh, Chiêu Thánhh hãy vì ta, trở thành một phu nhân tốt của Phụ Trần. Ta tin rằng hậu thế sẽ không khắt khe với chúng ta.

Chiêu Thánh ứa lệ nói:

- Từ trước đến nay có lời nào của Trần Cảnh mà Chiêu Hoàng không nghe đâu. Lần này Chiêu Hoàng càng phải nghe, vì lần này là chủ ý của Trần Cảnh gả chồng cho vợ, thế gian cổ kim có một! Trần Cảnh như thế mới đúng là Trần Cảnh!

Vì thương Trần Cảnh khôn cùng, Chiêu Thánh đành nhắm mắt đưa chân nghe theo sự sắp xếp của Cảnh. Mùa xuân năm sau, phu nhân Lê Phụ Trần khai hoa, sinh ra một người con trai đặt tên là Lê Tông, sau này được vua Trần Thánh Tông (thái tử Hoảng) nhận làm anh em, đổi tên thành Trần Bình Trọng, tước hiệu Bảo Nghĩa vương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro