Vòng 2: K - Nắp keng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện: Tìm Hiểu Về Bản Chất Và Nguồn Gốc Của Cải Của Các Quốc Gia hay, Kho Báu Nhỏ Của Tôi.

~~~

Tháng nay phải dạt từ Sài Gòn về nhà, tôi vẫn theo sát giá chứng khoán tăng giảm. Thêm vào đó cái thân rửng mỡ này còn được giao rất nhiều việc nhà. Tức vừa lau quét dọn, vừa nấu cơm, vừa phải canh lệnh khớp. Cũng may quê nhà đã phát triển hơn xưa, mạng không còn cà chập cà giựt như trong kí ức vừa chơi Đột Kích hay Gunny vừa phải có khả năng nhìn vào tương lai nên việc giao dịch diễn ra nhẹ nhàng thoải mái. Hôm nay là một ngày thứ Bảy, em tôi vẫn nằm thành thơi xem ti vi chơi điện thoại như mọi ngày, còn tôi thì không phải vò đầu bứt tia vì thị trường mà chỉ phải làm việc nhà mà thôi.

Nhà tôi có bốn người, như nhiều gia đình khác. Bậc phụ huynh hôm nay vẫn đi làm. Mãi chẳng chịu nghỉ hưu. Mà có gì đâu, họ tuần nào cũng như tuần nấy ở công sở, xong về. Vài chục năm thì xây được cái nhà tươm tất hai lầu – báo hại tôi còng lưng mỗi ngày lau quét; một cái kho hơn chục năm rồi chẳng có ai đụng đến – và cũng tôi chứ không ai khác được giao trọng trách cao cả dọn dẹp nó vào hôm nay; ba cái nhà vệ sinh nhưng ai cũng chỉ chăm chăm nhắm cái cạnh bếp, vì hai cái kia buộc phải leo cầu thang, mà leo đến nơi khéo ra quần rồi. Mà cũng phải, dưới phòng khách có sẵn ghế salon, tivi, máy lạnh, dàn máy tính ai chả muốn cắm dùi. Tôi cũng vậy. Sau một hồi nằm ười ra trên salon đọc Fight Club, nhìn lại thấy mười giờ, tôi quyết định hét lớn bắt em tôi đi nấu cơm, còn tôi ra vườn sau, vừa đi vừa xắn tay áo vừa đeo khẩu trang sẵn sàng tinh thần tắm bụi.

Cái kho này xây lâu rồi, lại chẳng được trùng tu sau khi xây nhà mới thành ra nó xập xệ, có thể "gãy" như nến những hôm bị ép bán margin bất cứ lúc nào. Mái tôn gỉ sét, thế mà sao chẳng bị dột. Toàn kho trông xiên vẹo. Mỗi lần gió nổi thì có những tiếng keng két như thể chính căn nhà kho đang nghiến răng để không bị vỡ ra từng mảnh. Thêm nữa do chốt gãy từ lâu nên cánh cửa chỉ được giữ hờ bởi cọng kẽm ngả cam. Tôi vào, bật cái công tắc ngả ố vàng và bị bụi giăng dây, tự hỏi sao chỗ này vẫn chưa bị chập điện mà cháy. Có lẽ vì ít sử dụng nên cái bóng đèn dây tóc giữa kho vẫn gây lóa.

Tôi nhìn quanh, bắt đầu khuân đồ từ trong ra. Hôm nay trời nắng, tức là mồ hôi tôi trộn với bụi tạo thành một loại xi măng bết vào da, vào tóc, rít chằng rít chịt. Nhờ lớp khẩu trang mà tôi chỉ phải hắt xì tầm ba lần thôi. Nào là xác máy bơm, nào là sắt vụn, là vỏ lon cũ; nào là gạch men còn thừa. Ô cái ti vi thùng cũ này, vẫn đủ dây. Có lẽ cắm vào sẽ lên hình chứ không nổ. Rồi chồng sách giáo khoa học xong tính để lại cho đứa em thì người ta cải cách mất tiêu. Chợt chân tôi đá phải một cái hộp bánh quy, nghe lạo xạo. Mẹ làm gì có hộp kim chỉ nhỉ? Tôi cầm lên lắc lắc. Những âm thanh va chạm đổ rào rào vào tai. Tôi phủi bụi khiến lòng tay đen thui như vừa nhúng vào nhựa đường. Ra đến bên ngoài cho đủ sáng thì tôi mở hộp.

Một trăm ngàn nắp chai quay lại chào tôi, lấp lánh trong nắng. Không tính thêm vào đó là những bọc ni lông chứa đầy thẻ hình lậu và một bọc bi ve. Nói một trăm ngàn thì hơi quá nhưng chắc chắn là rất nhiều. Tôi ngừng tay, đậy nắp lại rồi vào nhà lau rửa cho sạch sẽ, sau đó lên phòng gặm nhắm những kỉ niệm cũ. Vừa đi, những nắp chai tạo ra những tiếng rạo rạo không ngừng như cào vào lòng tôi vậy. Mà quả thật tôi cũng quên khuấy chúng. Nó đi rồi thì phong trào dùng nắp chai cũng chết. Mà do tôi ngồi cùng với nó nên tôi gom hết chúng lại.

Tôi để cái hộp trên giường, rồi quay lại tiếp tục dọn kho, xong rửa chén ăn cơm vừa coi Mr. Robot. Nhưng món ăn nhạt toẹt, phim thì dở dở ương ương vì mọi sự tập trung đều dồn vào những kỉ niệm đang ùa về.

Nhớ năm đó tôi học lớp năm. Hồi đấy nhỏ con, yếu ớt nên đâm rụt rè, nhút nhát. Chẳng có bạn bè gì cả. Được cái phụ huynh cưng chiều nên có tiền mua nhiều hình, nhiều bi. Nhưng tôi biết tôi chơi dở, nên toàn bị bọn thằng Tùng dụ chơi để moi sạch. Chỗ tôi ngồi nơi góc lớp, gần thùng rác mà con nít thì ăn xả như quỷ vậy nên chỗ tôi rất hôi. Hình như nó là học sinh mới, chuyển vào ngay lúc tôi gặp một trận cảm nặng. Hôm quay lại trường tôi nhìn nó trân trân. Cũng bằng tuổi nhau thôi mà sao mắt nó lại sáng quá vậy? Trông nó chẳng khác gì ông anh họ con nhà người ta kiêm cháu đích tôn. Nhớ lại làm tôi rùng mình. Nó nói:

"À tui mới nhập học hôm qua. Ông là bạn cùng bàn đúng không?"

Tôi giật cục như gà mắc tóc. Cách nói chuyện, phong thái ấy giờ tôi còn chưa được một phần. Ngẫm lại hơn mười năm trôi qua rồi. Rồi nó tiếp:

"Không sao. Ông cứ ngồi đi. Tui sẽ không làm phiền đâu."

Trò chuyện thêm mới biết tên nó là Bảo. Tôi toàn ậm ừ trả lời những câu hỏi, câu chào thân mật của nó. Sau đó mọi thứ diễn ra bình thường cho đến giờ ra chơi. Tôi không để ý lắm nhưng nó lấy ra trong túi vài cái nắp chai, hỏi:

"Có bi hay hình không?"

Tôi nhìn nó một giây, rồi gật.

"Đổi với nắp chai của mình không?"

"Chi vậy ông?"

"Sau này ông có đổi lại cho tôi."

"Thôi, thà ông đưa tiền giấy tôi đi mua bánh tráng còn ngon hơn."

Bảo trề môi. Nó rút trong túi ra tờ năm ngàn. Tôi giật mình. Nếu mua hình cũ thì mười tấm một ngàn, còn mua sỉ chín ngàn rưỡi trăm tấm. Năm ngàn còn cỡ năm bịch bánh tráng dầu! Thằng này giàu. Ví nó là con nhà người ta không sai mà. Nhưng rồi trước khi tôi định giá được năm ngàn của nó tương đương với bao nhiêu hình thì nó xét đôi tờ tiền.

Tôi sựng lại mất một giây. Giờ ra chơi lớp ồn không thể tả. Nhưng tiếng giấy bị rứt làm đôi ấy đến giờ này tôi vẫn chưa quên được. Nó thanh, mỏng, bị mọi tiếng ồn ngoài kia lấn át mất nhưng lại căng như sợi cước cứa vào tai.

"Đây là tờ giấy lộn."

"Trời ơi cái gì vậy ông? Năm ngàn là nửa tiền ăn sáng của tôi rồi đó."

"Không. Đây là tờ giấy lộn. là vật trung gian người ta quy định giá trị. Thay vì tui đổi trước tiếp với ông hình và bi, hay hình cũ với hình mới, thì có phải ông dùng tiền mua bi đúng không? Thì thay vì lấy tờ tiền làm giá trị trung gian thì tụi mình dùng nắp chai. Giờ tui mà là chủ tịch nước thì tui vẫn có thể quy định và ra luật mọi người tin rằng mấy cái nút chai này có giá trị."

"Tôi không hiểu."

"Tui sẽ chi trả bằng nắp chai. Với tui thì nắp chai có giá trị. Đơn giản vậy thôi. À hay vậy đi..."

Nói đoạn nó lục cặp lấy ra hòn bi ngũ sắc cực đẹp, tròn lẳng lấp lánh. Tôi nhớ mình mém chảy dãi. Thứ gì mà còn đẹp hơn cả hột xoàn nữa! Bên ngoài trong suốt, tưởng có nắng vào sẽ rọi cho dải năm màu đỏ, vàng, tím, xanh, hồng lấp lánh. Đột nhiên nó nắm chặt tay lại, nói:

"Mười nắp chai. Có thể đã được dập dẹp."

Tôi gật gật, chẳng hiểu nó nói gì. Nhìn tôi hôm ấy tôi lục đỏ mắt cũng chẳng tìm được nắp chai. Ai cũng uống chai nhựa, hay lon. Chẳng ai uống chai thủy tinh cả. Do đó tìm mòn mắt cũng không ra cái nút chai. Nhưng hòn bi... Hồi đó tôi ngây thơ, cứ nghĩ rằng có đồ chơi xịn thì bạn sẽ bu lấy mình, để không còn phải ngồi trong góc thùng rác nữa. Sau gần một tuần cố gắng, tôi bỏ cuộc, không tìm thấy bất kì chỗ nào bán hay có nắp chai để mót cả. Tôi chịu thua, thú nhận với nó:

"Khó quá. Tôi chẳng ra được cái nút chai nào cả."

Lúc này nó cười bí hiểm. Tôi nhìn nó ngờ ngợ. Rồi vỗ trán, nói:

"Thế ông muốn bao nhiêu cho mười nắp chai?"

"Hai mươi lăm tấm hình bất kì, không kể điều kiện."

Mà hình như nguyên tuần qua nó cũng đi vòng vòng khắp lớp tuyên truyền về tiền, nhưng chẳng bao giờ thấy nó xé. Mãi sau này lên đại học, đọc thêm sách, hỏi thêm ông anh họ tôi mới hiểu nổi. Mới lớp năm thôi đấy! Mà ngẫm lại thì Bảo nó đúng là lạ lùng. Dường như có một cái gì đó không đúng ở nó mà tôi không nói được. Mỗi nần cô kêu nó toàn gọi nó là "Trung". Hỏi lại thì nó nói không thích tên ấy, nghe bình thường quá. Hoặc là chẳng bao giờ tôi thấy nó đi chơi với nhóm nào cả, toàn tôi thấy nó mà thôi.

Buổi chiều tôi không ngủ trưa, dành cả buổi để soạn lại những báu vật nhỏ đã bị quên bẵng từ lâu. Nào là xấp hình thẻ đủ loại từ thẻ bài Yu-gi-oh đến Pokemon rồi cả Digimon – cái nhăn nheo cái còn phẳng phiu – và quan trọng là cái nào cũng toàn nếp gấp vì những vòng chơi đập hình; nào là bộ sưu tập bi đơn sắc đến lục sắc lóng lánh trong nắng, có cả bi kim loại ù lì xù xì, bi sứ cái mẻ cái không và cái nào cũng còn men bóng loáng, không kể là có những viên bi đơn sắc đặc nhìn cứ như châu ngọc; và cuối cùng là bộ sưu tập nắp chai còn đây, nhiều cái đã tróc vỏ ngoài để lộ gỉ sét bên trong. Nhắc mới nhớ những thứ này đều đã già, đã cũ như tuổi thơ của tôi. Tôi cất chúng lại nơi kệ sách rồi đọc tiếp Fight Club đang dở.

Đến tối ngồi trong phòng chơi To The Moon 2 và kiểm tra tín hiệu thị trường được một chút thì tôi nhịn không nổi lại lôi cái hộp ra. Giống như một dạng cửa thần kì có khả năng đưa người ta qua một chiều không-thời gian khác vậy. Cứ nhìn vào hộp kho báu thì trước mắt tôi hiện ra trường làng ngày xưa nơi sân chơi là bãi cái trống có những cây phượng già, trong khuôn viên trường còn có cả nhà dân và đường mòn. Tơi giờ ra chơi thì con nít tụ bầy tụm năm tụm bảy, riêng tôi vơ vẩn lang thang. Thỉnh thoảng có đứa rủ tạt hình bắn bi nhưng thôi không dám vì tôi toàn thua, nhưng càng thua tôi càng thèm chơi. Và cái sự thèm chơi ấy thường thắng giòn giã làm túi bi, túi hình của tôi bị vơi đi. Thường thằng Tùng, trùm lớp, sẽ vừa đấm vừa vừa xoa để dụ tôi vào tròng. Lần nào cũng lờ lợ tụi nó xí gạt, nhưng đành lặn im. Nhớ hôm đấy cũng vậy, cũng đang ra chơi, cũng đang tần ngần nơi sân cát trước khi bị làm thịt trong trò tạt dép nhưng có một điểm khác biệt đáng kể. Đấy chính là Bảo. Nó nói:

"Tại sao phải cược hình?"

Tùng quay lại nhìn. Bảo đang đứng sau lưng tôi, tay xốc xốc bịch nắp chai của nó. Tùng nói:

"Ủa không cược hình lại chả lẽ cược mớ nắp chai của mày?"

"Tại sao không? Mày biết nắp chai được tao đảm bảo giá trị mà. Chẳng phải hơn tuần nay tụi mày đều đổi bi với hình cho tao à?"

"Ừ thì... Nhưng ai dám nói mày không đổi ý?"

"Thế ai dám nói thứ này nó không đổi giá trị?"

Và Bảo lại làm trò xé tiền trước con mắt kinh ngạc của bọn con trai. Xong nó tiếp:

"Tao là bạn cùng lớp với tụi mày cũng lâu rồi, sao mày phải e ngại? Hứa danh dự luôn. Thêm nữa đâu phải lúc nào cũng có tiền mua thêm bi hay hình đúng không? Cứ đổi tiền ăn vặt hết lấy gì mua thêm hình thêm bi chơi? Với chả mấy người chơi dở chẳng hạn cũng đâu đu theo hoài được, mà chơi tiền mặt một ngàn hai ngàn có khác gì cá độ đâu? Nên tao đề xuất chọn nắp chai làm thứ trung gian. Tụi bây thấy thế nào."

Lũ con trai nhìn nhau. Bảo lúc này lấy ra một xấp hình mới cáu, rao:

"Đứa nào thắng được nắp chai của tao thì được quyền đổi. Năm nắp chai hai chục bức. Tao nhận đổi bi sang nắp chai. Một bi cũ mới mẻ gì cũng được năm nắp chai. Nhưng để mày phải chơi với tao thì tao mới công nhận số nắp chai đó."

Thằng Tùng ngần ngừ một thoáng rồi gật đầu cái rụp. Một đề nghị quá hời mà! Bi mẻ đổi hình mới! Thế là lũ con trai xúm lại đổi và chia cụm ra chơi. Số nắp chai mà Bảo chuẩn bị vơi sạch. Tùng thắng đậm vì té ra Bảo cũng chơi tạt hình dở ẹc như tôi. Nhưng nó luôn cười rất tươi. Thậm chí đã có những kì kèo tỉ lệ quy đổi khi giờ ra chơi chưa kết thúc! Hết giờ vào lớp tôi hỏi nó thấy lỗ không, nó đáp:

"Sợ gì. Nắp chai đang dần trở thành đồng tiền mới của lớp rồi. Quan trọng là mọi người có chấp nhận nó không đã."

Tôi cười cười. Phong thái sao giống ông anh họ thần tượng của tôi quá chừng! Quả thật nó đã làm được. Nhớ nguyên năm lớp năm núp chai trở thành tiền tệ không chính thức của lớp như Bitcoin bây giờ vậy. Thêm nữa lớp tôi cũng chấp nhận giao dịch bằng nút chai từ lớp khác. Tôi nhờ ngồi chung với thằng Bảo nên chẳng còn đứa nào thèm bắt nạt nữa. Cứ vậy năm lớp năm trở thành năm tuyệt nhất trong cuộc đời học sinh của tôi. Phải nó là nhờ nó mà đời tôi chuyển hướng như bây giờ. Có thể không giàu, không hơn người nhưng ít nhất không còn là thằng nhóc bị ăn hiếp, bắt nạt và nhỏ thó như trước kia nữa.

Nhưng ngồi cùng bàn với tôi năm lớp sáu là thằng Trung mới chuyển đến.

Cứ vậy, đột ngột như cách nó đến, nó đi không lấy một lời. Không còn nó, cũng không còn còn ai đứng ra bảo chứng nút chai nữa. Thêm vào đó học cấp hai, tụi trong lớp cũng toàn người lạ. Tụi bạn tìm tôi đổi hết lại số nút chai. Và tôi nhận tất. Cái hộp bánh quy này chứa đầy những nắp chai, bi và thẻ hình là Kho Báu Nhỏ của tôi, là những gì còn sót lại của nó. Tôi hỏi thăm chẳng ai biết gì về Bảo, về thông tin phụ huynh nó. Tôi lúc đó lớp sáu đành phải bỏ cuộc, chẳng thể hỏi han gì thêm. Và cứ như thế tôi khâu lại vết thương lòng, quẳng tất vào kho khóa trái lại. Nhưng giờ có thể do số mệnh, hoặc nhờ nhà tôi lười mà kho báu nhỏ của tôi vẫn còn. Giống như kiểu vết thương lòng được khâu liền mặt nhưng bên trong đã thối, cần mổ, cần banh ra lại. Một cảm giác buồn nôn chạy ngược từ bao tử lên cuống họng khiên tôi phải bụm lại. Và cứ như thể bị ai thoi. Tôi rạp người, thấy nước mắt mình rơi đẫm những cái nút chai từ lúc nào rồi. Bị thời gian phủ bụi, giờ nhớ ra khiến tôi phải làm gì đó. Uống nước, rửa mặt cho bình tĩnh lại, tôi nhất định phải làm gì đó. Thế là tôi gọi Tùng:

"Ủa nửa đêm hôm gọi gì mày?"

"Mày nhớ thằng Bảo không?"

"Bảo nào? Nửa đêm ngáo đá à?"

"Không... Tự nhiên mấy nay ở nhà nhiều quá nghĩ vớ vẩn thôi. Nhưng tao cần hỏi. Thằng Bảo đó. Năm lớp năm ngồi cạnh tao đó."

"Năm lớp năm mày ngồi cạnh thằng Trung mới chuyển vào mà. Tao nhớ hai tụi bây ngồi cuối lớp."

"Ủa đâu. Tao nhớ là thằng Bảo mà. Cái thằng Bảo đầu têu vụ nắp chai đổi bi đổi hình đấy."

"Đâu. Mày bú cỏ Mỹ à? Chính mày là người khởi xướng vụ đó mà. Tụi tao thấy hời quá làm theo ý mày thôi. Mà tính ra cũng vui chứ. Mày nhắc mới nhớ. Mấy cái ý tưởng của mày lúc đó thiên tài thật. Ra đời tao mới hiểu ý mày. Chắc nhờ thằng anh họ hả? Có gì giới thiệu cho tao đi học ổng nhé..."

Tùng cứ kể lể những chuyện cũ, chuyện mới, những tay tạt hình bắn bi giỏi nhất mà nó gặp được nhưng không may cho nó là tai tôi đã ù đi từ lúc nào. Có gì đó không đúng. Chẳng lẽ tôi tự bịa ra Bảo? Tại sao chứ? Chẳng lẽ vì tôi không đủ tự tin vào bản thân nên phải nghĩ ra một con người không có thật để bản thân không phải đối diện ư? Tim như bị dép tại vào, bị bi bắn trúng, đau thắt. Giọng Tùng vang vang trong cơn đau.

"Này mày có nghe tao nói không đó?"

"À... Ừ...."

"Còn gì nữa không?"

Tôi trả lời, miệng đắng ngắt:

"Không."

"Thôi đủ giờ mộng mơ rồi. Hết dịch đi nhậu tao méc thằng Trung. Bye."

Tùng cúp máy. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro