1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chế độ phong kiến đã sụp đổ từ lâu nhưng tư tưởng Nho giáo đã ngấm sâu vào nhận thức người Việt, tàn dư tư tưởng của xã hội phong kiến vẫn còn đó, vẫn còn chi phối một số người và một số nơi. Quê tôi cũng không ngoại lệ, phổ biến hơn cả vẫn là tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Tôi là con cả, dưới tôi có hai em gái và một em trai. Quá đông so với chỉ tiêu mà kế hoạch hóa gia đình đề ra nhỉ? Nhưng biết sao được, họ cần con trai để nối dõi tông đường, phụng dưỡng về già cơ mà.

Trước khi bố mẹ tôi sinh con trai, họ hàng làng xóm rất hay bàn tán chỉ trỏ, nói vào nói ra. Người nhẹ lời thì bảo:

- Phải đẻ lấy đứa con trai, không mai sau bọn nó đi lấy chồng hết, hai thân già ai nuôi?

Nhưng bên cạnh đó cũng chẳng thiếu những lời cay độc, khó nghe:

- Con gái là con người ta, con trai mới là con mình, không có con trai thì nhà vô phúc, thất đức.

Ngay đến thầy giáo ở trường tôi khi nghe tôi nói nhà có ba đứa con gái cũng khuyên rằng:

- Về bảo bố mẹ đẻ thêm thằng cu đi.

Người lớn cứ tưởng trẻ con không hiểu nên muốn nói gì thì nói, kể cả những vấn đề nhạy cảm có thể khiến đứa bé có nhận thức sai lầm. Những lời nói tưởng như vô ý vô tứ mà bén tựa lưỡi dao kia đâm vào tim tôi, khoét ra một lỗ sâu hoắm trong nhân cách đang dần thành hình.

Từ khi em trai tôi ra đời, ba chị em gái chúng tôi bị ra rìa. Sự quan tâm, tình yêu thương cùng những thứ tốt nhất trong nhà đều dành hết cho nó, còn chúng tôi thì làm gì cũng chẳng vừa mắt họ. Không phải "con gái lớn lên vẫn phải đi lấy chồng, học hành làm gì chứ" thì là "Đi làm việc nhà đi, để ý em trai mày kìa, muốn tao cho nghỉ học không". Cùng là con cái nhưng thái độ và cách đối xử lại khác một trời một vực. Tôi lớn hơn, nhận thức được mọi chuyện quanh mình nhưng hai đứa em gái nhỏ hơn thì khác, nghe bố mẹ nói thế, tụi nó liền hồn nhiên hỏi:

- Chị ơi, là con gái thì chỉ cần đi lấy chồng, không cần học hành sao?

Câu hỏi của hai đứa làm tôi lặng người, nhớ đến một chuyện xảy ra trên lớp. Cô giáo dạy môn Sinh của chúng tôi nổi tiếng là khó tính nhất nhì trường, với học sinh nữ lại càng nghiêm khắc hơn. Có một lần các bạn nữ lớp tôi gom hết can đảm để gặp cô, hỏi:

- Cô ơi, cô không thích chúng em thế sao?

Còn nhớ lúc ấy cô đã rất sửng sốt, buột miệng:

- Hả?

- Vì em thấy cô nghiêm khắc với chúng em quá, còn bọn con trai thì làm sai cũng chỉ bị phạt nhẹ.

Nghe thế, cô chẳng những không giận mà còn mỉm cười rất hiền.

- Chẳng ai nghiêm khắc với người mà họ ghét đâu em. Cô nghiêm khắc với các em vì các em là con gái, phải cố gắng học hành gấp bội các bạn nam. Bởi con trai dù không học đến nơi đến chốn thì vẫn còn có sức khỏe, vẫn có thể làm mấy công việc nặng để nuôi sống bản thân. Còn con gái thì khác, chỉ có một con đường duy nhất là học hành thôi.

- Chị Oanh, chị Oanh ơi? - Giọng nói ngây thơ non nớt của hai đứa em gái kéo tôi trở về thực tại.

Tôi nhìn vào hai đôi mắt long lanh kia, lòng bỗng thấy xót xa vô cùng nhưng ngoài mặt thì chỉ có thể cười tươi, xoa đầu tụi nó mà bảo:

- Bố mẹ nghiêm khắc với chúng ta là muốn chúng ta cố gắng nhiều hơn nữa. Là con gái thì càng phải học, học để tự khẳng định mình, để không ai có thể coi thường chúng ta, rõ chưa nào?

- Bọn em rõ rồi ạ.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy chính hoàn cảnh sống thuở nhỏ đã nhào nặn nên xu hướng tính dục của tôi, khiến tôi ít nhiều có ác cảm với người khác giới, thích nữ hơn nam.

Cuộc đời tôi như một ly cà phê đắng ngắt cho đến khi gặp em, Sữa của lòng mình, người con gái tôi yêu.

Năm tôi mười bốn tuổi, có một gia đình chuyển đến sống ở làng tôi, nhà ở ngay đầu ngõ, đi vài bước là tới nơi. Nhà của họ vừa to vừa đẹp, có thể coi là khá giả nhất nhì trong làng. Trong nhà có ba người, bố mẹ và một cô con gái. Cô bé hàng xóm mới của tôi tên Nhã, xinh xắn như búp bê. Tóc màu hạt dẻ, đôi mắt không đen láy mà từa tựa cà phê sữa, da trắng môi đỏ, thoạt nhìn cứ tưởng là con lai, ai nhìn cũng thấy mến, cũng muốn nựng. Hỏi ra mới biết em nhỏ hơn tôi một tuổi, mỗi lần gặp nhau là cất tiếng gọi chị khiến lòng tôi xuyến xao.

Nhã có rất nhiều đồ chơi, đặc biệt là búp bê và thú nhồi bông. Búp bê thì có đủ loại, từ những con chỉ dài bằng một gang tay người lớn cho đến con to bằng em bé sơ sinh. Thú nhồi bông cũng có nhiều màu, có con thỏ bông mắt đỏ nơ tím, chú gấu con tôi thích thì có màu xám đậm, hai mắt bằng nhựa đen láy. Từ khi Nhã chuyển đến, tôi rất hay ghé qua nhà em chơi, không phải vì đống đồ chơi mà là vì em. Tôi rất thích nhìn em chơi đồ hàng, may váy, chải tóc cho búp bê. Em khi ấy tỉ mẩn khéo léo, dịu dàng biết nhường nào.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở nhà em rất thoải mái, mẹ em rất dịu dàng, tư tưởng rất thoáng, không trọng nam khinh nữ như những người dân nơi đây. Có lần nhìn Nhã bồng con búp bê to bằng em bé trên tay, tôi đã không kìm được miệng:

- Bố mẹ em thương em thật đấy nhỉ, nhưng sớm muộn họ cũng phải đẻ thêm một đứa con trai thôi.

Nhã nghe vậy liền lắc đầu.

- Bố mẹ em không sinh nữa đâu.

- Tại sao? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại. - Bố mẹ chị đã có ba đứa con gái mà vẫn phải đẻ thêm để lấy thằng con trai kìa.

Cửa phòng bỗng bị ai gõ nhẹ ba tiếng rồi mở ra, đứng ngoài là mẹ của Nhã, trên tay cô ấy là một khay đựng bánh kem và sinh tố.

- Bởi vì sức khỏe cô không tốt, bác sĩ dặn là không nên sinh em bé nữa. Vả lại cô cũng có Nhã rồi, gái trai đều tốt, con nào cũng là con. - Mẹ của Nhã đặt hai đĩa bánh nhỏ và hai ly sinh tố hoa quả xuống bàn, sau đó quay sang xoa đầu tôi, môi nở nụ cười rất mực hiền từ. - Chỉ có mình Nhã thì buồn lắm nên cô mới mua cho em nhiều đồ chơi, nhưng giờ có thêm Oanh rồi, con hãy thường xuyên sang đây chơi với em nhé.

Tuy biết phận làm con không được chọn cha mẹ nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi đã nảy sinh lòng ghen tị với Nhã, ước mẹ em trở thành mẹ mình. Cũng kể từ đó, tôi mới nhận ra những điều mà trước đây tôi chưa từng biết đến.

***

Tôi rất thích cà phê, thích vị đắng thuần nhất không pha tạp thêm thứ gì, thích đến nỗi Nhã bắt đầu gọi tôi là "Cà Phê" thay cho "chị Oanh". Còn em thì khác. Em hảo ngọt, đặc biệt thích sữa, một lần nếm thử cốc cà phê của tôi mà nhăn mày kêu khó uống. Từ đó trở đi em thường hòa sữa thêm đường vào ly cà phê của tôi, cười bảo:

- Vừa ngọt vừa đắng, không quá đắng cũng không quá ngọt. Như vậy cả hai đều có thể uống.

Tôi uống thử một ngụm. Ừm, cũng không tệ lắm.

Sa La Song Thụ từng nói: "Đời người vốn dĩ là một cuộc hành trình ngọt đắng sóng đôi". Đời tôi vốn như một ly cà phê đắng, nhờ có em mà trở nên đủ đầy.

Kể từ đó, tôi gọi em là Sữa.

Cà phê uống nhiều không tốt, dù thích đến đâu cũng không thể uống nhiều. Phần lớn thời gian em đều pha trà chanh thay vì cà phê cho tôi uống.

Từ khi em chuyển đến, chúng tôi quen thân rất nhanh, gắn bó với nhau không rời. Cùng nhau đến trường, thả diều trên đồng vào những chiều lộng gió, cùng đạp xe trên bãi đất đỏ, nô đùa trên thảm cỏ xanh. Một tình bạn trong sáng đẹp đẽ như thế, rốt cuộc đã biến chất từ bao giờ?

Có lẽ là từ khi tôi dậy thì, khi tôi bắt đầu chú ý đến em nhiều hơn. Rõ ràng em không dùng sữa tắm cũng chẳng xức nước hoa, vậy mà người cứ thơm ngát khiến lòng tôi xốn xang. Rõ ràng cùng là con gái, cũng từng ấy bộ phận giống mình, vậy mà tôi vẫn chẳng thể rời mắt khỏi đường cong non nớt, chưa nảy nở hết nơi em. Đỉnh điểm là khi em xuất hiện trong giấc mơ của tôi, không một manh áo, còn tay tôi thì ve vuốt da thịt em như tình nhân âu yếm. Tỉnh mộng, tôi bối rối, tôi hốt hoảng, tôi tự ghê tởm chính mình. Trong tiềm thức của tôi chỉ có trái dấu hút nhau, âm dương hòa hợp, nam nữ sóng đôi, chẳng ai cho tôi biết tình yêu, tình dục cũng có thể nảy sinh giữa những người cùng giới. Tôi cứ đinh ninh rằng mình là kẻ bất thường nên chẳng dám nói cho ai nghe, dù là bố mẹ, thầy cô hay bạn bè, nhất là em.

Vậy là tôi tự cô lập mình, xa lánh em. Tôi trở nên lầm lì, nóng nảy, trễ nải học hành, bỏ ngoài tai bao lời khuyên can cùng trách móc của mọi người xung quanh. Tôi bắt đầu giao du với những học sinh cá biệt trong trường, đánh nhau xả giận, quan hệ với nam sinh để xác định tính hướng. Nhưng càng sa đọa, tôi càng hoang mang. Tôi vẫn có cảm giác với người khác giới, vẫn đạt được cực khoái khi quan hệ với họ nhưng chỉ là thể xác mà thôi. Cao trào qua đi, tâm hồn tôi lại trống vắng, nhớ về bóng hình của ai kia mà lòng buồn vời vợi.

Nếu mình là con trai thì tốt, tôi nghĩ vậy. Nếu là con trai, bố mẹ sẽ yêu thương tôi hơn. Nếu là con trai, tôi có thể thổ lộ với Sữa mà chẳng lăn tăn điều gì. Nếu được như vậy, có lẽ cuộc đời tôi sẽ tốt đẹp hơn.

Nhưng tôi không phải. Dù tính tình chẳng hề dịu dàng hiền thục, từ bé đã thích xem siêu nhân, đá bóng hơn chơi búp bê, đồ hàng nhưng tôi vẫn là con gái, mà con gái thì phải thích con trai. Còn tôi thì sao? Chính xác thì mình thích nam hay nữ? Hay cả hai? Tại sao tôi lại khác người, biến thái đến thế? Đến tôi còn chẳng thể hiểu nổi chính mình. Càng nghĩ càng thấy mình ghê tởm. Càng thấy mình ghê tởm tôi lại càng sa đọa, lạc lối, cho đến khi Sữa đến tìm tôi.

Em đến tìm tôi không phải chỉ một lần. Vốn học chung trường, sống cùng làng nên chúng tôi có rất nhiều cơ hội để gặp nhau, chỉ là dạo này tôi cố tình tránh mặt em, dù gặp cũng làm như không quen biết. Nhưng lần này tôi không thể, cũng không đành, bởi vì em... khóc.

- Tại sao chị tránh mặt em? Tại sao lại trở nên như vậy? Chị gặp phải vấn đề gì, không thể nói cho người khác nghe sao? Chị làm mọi người thất vọng quá!

Những giọt nước mắt của em rơi trên mu bàn tay tôi. Bỏng rát. Trong khoảnh khắc ấy, đầu óc tôi trống rỗng, tim đau như bị ai cứa thành từng mảnh nhỏ. Đừng như vậy. Đừng quan tâm đến tôi, đừng tiếp tục làm bạn với tôi nữa, tránh xa tôi đi. Tôi sợ mình sẽ vấy bẩn em, sợ em sẽ thấy ghê tởm khi biết được sự thật. Nhưng nhìn em khóc, tôi đành phải nói ra:

- Chị thích cả hai giới nhưng xét ra thì thích nữ hơn nam. Thế nào? Không thấy ghê tởm sao? Không sợ chị thích em à?

Rồi tôi chạy vụt đi để lại mình em đứng đó. Tôi không có can đảm lắng nghe câu trả lời của em, sợ em sẽ nói tôi biến thái bệnh hoạn. Hết thật rồi. Giờ thì ngay cả bạn cũng không làm được nữa, có ai bằng lòng làm bạn với một kẻ biến thái đâu. Tôi cứ tưởng mối quan hệ giữa cả hai đã chấm dứt từ khi tôi nói ra sự thật, không ngờ sau đó em lại chủ động đến tìm tôi.

Sáng hôm sau, khi tôi rời khỏi nhà thì đã thấy em đứng ở đó. Mặc đồng phục, đầu tóc gọn gàng, trên tay là hai túi nhỏ đựng đồ ăn sáng. Thấy tôi xuất hiện, em liền nở nụ cười còn tươi hơn hoa:

- Sao chị ra muộn thế? Em đã mua hai cái bánh mì kẹp trứng rồi, đến trường hai chị em mình ăn.

Tôi vẫn đứng như trời trồng. Em dúi túi đựng bánh vào tay tôi, qua một lớp giấy bọc túi bóng tôi vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm tỏa ra từ bánh mì, hệt như nụ cười rạng rỡ sưởi ấm lòng tôi của em giờ đây.

- Em đã suy nghĩ kĩ rồi, em không ngại. Trên đời này có nhiều người đến thế, chắc gì chị đã thích em. Hơn nữa được yêu thích vốn là chuyện tốt, nên cảm thấy may mắn, tự hào, sao có thể ghét bỏ một người thích mình được chứ.

Nhưng người tôi thích... lại là em.

Nhưng em nào có thuật đọc tâm, suy nghĩ trong lòng tôi em đâu biết, vậy nên em mới có thể hồn nhiên nói ra những điều này:

- Chỉ vì tính hướng không giống mọi người mà buông thả sa ngã, có đáng không? Là ai nói sẽ cố gắng học hành để mai sau tìm được một công việc tốt, không dựa dẫm vào đàn ông? Là ai nói sẽ làm gương sáng cho hai đứa em gái, không để bất kì ai coi thường?

Người đã nói những câu đó... là tôi. Là tôi tràn đầy lí tưởng tham vọng của quá khứ, không phải tôi sa ngã buông thả của hiện tại.

Có gì đó muốn trào ra khỏi mắt, tôi bèn khép mi lại, lạc giọng hỏi:

- Bây giờ quay đầu... vẫn được sao?

- Đương nhiên là được. Giờ chị mới mười bảy, còn chưa đi hết được một phần năm của cuộc đời, vẫn có thể quay đầu được. - Những ngón tay búp măng của em ngăn dòng nước sắp tràn ra khỏi mắt tôi, lời nói dịu dàng của em tiếp thêm cho tôi sức mạnh. - Khóc giờ mắt sẽ sưng lên, không vào học được đâu. Đợi tan học về sẽ cho chị khóc bù, em sẽ không kể chuyện này cho ai, cũng không chê chị xấu.

Tuổi mười bảy lạc lối, là em dắt tôi quay đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro