7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời từ nhá nhem đã chuyển sang tối hẳn. Đồng hồ điểm cái bong, sáu giờ rồi, cơm canh đã dọn cả nhưng trong nhà vẫn chẳng có người nào thèm động đũa. Ông Xã đi qua đi lại, tay ông chắp sau lưng, hai chân mày chau vào, miệng không ngừng chẹp chẹp lẩm bẩm.

"Sao lâu quá vậy."

Ông đã về từ hồi năm giờ, từ chối lời mời gọi đi nhậu của ông Hương sư đặng về nhà ăn một bữa cơm đàng hoàng với vợ mới cưới. Nghĩ thì nghĩ vậy, tính là tính vậy, nhưng tới tận một giờ sau ông vẫn chưa thấy sớp phơ chở Nguyên quay về. Ở nhà, ông lo sốt vó cả lên, sợ rằng có chuyện bất trắc xảy ra giữa đường đi thì toi cả họ.

"Bình, Bình đâu rồi?"

Bình đang dở tay với đống chén dĩa còn chất chồng sau nhà. Nó chạy lên, tay chân quần áo gì đều ướt nhẹp.

"Bẩm, ông gọi con."

"Hồi sớm bà hai đi lúc mấy giờ?"

Bình thưa.

"Dạ, con không nhầm thì bà hai đi hồi ba giờ."

Nghe Bình trả lời, trong lòng ông Xã càng lo hơn trước. Ông nhớ là ông chỉ cho nàng về nhà tía má một lát, đến năm giờ thì phải quay trở lại ngay đặng ăn cơm tối. Ấy thế mà đã lố một giờ rồi nhưng nàng vẫn chưa chịu về. Thế là thế nào? Có chuyện gì xảy ra thì ông biết tìm nàng ở đâu đây.

"Thôi cha, mình ăn đi đã."

Thanh ngồi trên ghế loay hoay so đũa. Cô hả dạ lung lắm, cứ nghĩ rằng để cho Nguyên đi tới tối rồi hẳn về càng tốt, vì dù sao bây giờ nàng đang chịu khổ sở ở ngoài ruộng, bị tụi con trai trong xóm đánh bầm dập, vác cái thây về nhà thì chẳng khác nào đem theo nhục nhã về cho chồng coi. Nghĩ tới đây, Thanh buồn cười dữ lắm.

Đó, cho đáng đời cái tội gả vào nhà cô mần chi. Không biết thân biết phận!

"Đi, mày đi bẩm lên quan liền cho ông. Nói là bà hai mất tích từ chiều tới giờ rồi."

Ông Xã giục Bình, nó cứ đứng ngơ người ra.

"Nhưng thưa ông, đã chiều rồi thì có quan nào làm việc ạ?"

Ông mới nhớ, sáu giờ rồi, dân người ta còn nghỉ việc chớ huống chi là quan. Mà dù cho có báo lên quan, thì với cái sự làm ăn chảy thây của quan phụ mẫu xã này, mất tích mới một giờ vẫn còn sớm chán. Bước đường cùng thật, trong lòng ông càng nóng bao nhiêu thì đồng hồ càng chạy nhanh bấy nhiêu.

"Kìa ông, bà hai về rồi. Bà hai về rồi ông ơi."

Bình chỉ tay về phía cổng ra, ông Xã cũng theo đó mà nhìn đến.

Sớp phơ một tay cắp lấy tay Nguyên, tay còn lại ôm chặt eo nàng để phòng khi nàng ngã. Mà quần áo trên người Nguyên bây giờ chẳng còn chỗ nào lành lặn, áo thì dính nào là máu, nào là bùn đất, quần cũng chẳng kém cạnh là bao. Nhưng thứ làm cho ông Xã tá hoá đến mức phải há hốc mồm chính là gương mặt đầy rẫy những vết trầy toé máu của nàng. Cả cơ thể Nguyên xụi lơ, nàng thở hổn hển trong đau đớn tới mức mờ cả mắt.

"Bẩm ông, ông giúp với. Bà hai sắp nguy rồi."

Sớp phơ nói vọng vào trong, ông Xã ngay lập tức xỏ dép đi tới. Ông đón Nguyên từ tay gã, bồng nàng vào nhà mà chẳng kịp hỏi han gì cho cam. Ông để nàng ngồi ngay ngắn trên ghế, cái đầu của Nguyên cứ nghẹo sang một bên, y như đầu của mấy người chết vậy.

Trong sảnh, Thanh cũng đang có mặt ở đó. Sau khi nghe rằng Nguyên đã về, cô xì miệng một cái rõ to để báo rằng cái của nợ của nhà cô đã về tới nơi an toàn rồi. Nhưng chỉ khi nhìn thấy được thảm trạng tơi tả của nàng, ngay chính Thanh cũng phải ngẩn người ra. Cô có ngờ đâu là bọn chúng lại làm thật, vả lại, vốn dĩ cô định nói chơi chơi thôi mà. Nói chơi, nhưng ai có dè đâu hậu quả lại là nặng tới thế.

"Mình, mình có sao không? Này, đã xảy ra chuyện gì vậy?"

Gã sớp phơ chỉ kịp lấy khăn lau mồ hôi thì đã bị ông Xã sấn tới. Gã chắp tay cúi lạy ông rồi mới dám trả lời.

"Bẩm ông, con đương chở bà về nhà thì...thì..."

"Thì sao?"

"Bẩm, thì bà bị một đám côn đồ đánh."

Như một tiếng sét đánh ngang tai, ông Xã mở trừng mắt nhìn gã, còn gã thì cúi gầm mặt xuống. Biết bao sự lo lắng nãy giờ của ông đều đã tan biến đi hết khi đón lấy thân thể yếu ớt của Nguyên vào lòng. Ông không dám trách nàng vì sao lại về trễ nữa. Ông quay sang gã sớp phơ đang đứng đó tòng ngòng, và gã còn dỏng tai lên đặng đón lấy một tiếng chửi rủa từ ông.

"Tại sao lại bị đánh? Bộ bà hai gây thù chuốc oán với bọn nó à?"

Ngoại trừ Nguyên ra, gã sớp phơ là người đã chứng kiến mọi chuyện từ đầu tới đuôi. Gã vừa định mở miệng ra tính kể cho ông Xã nghe đầu đuôi sự việc nhưng chưa được gì hết thì đã bắt gặp ánh nhìn sắc lẹm của Thanh đang ngồi bên cạnh. Sợ sẽ chuốc hoạ vào thân, nên gã cũng bèn nhanh trí hết sức để lựa ra vài lời mà nói đỡ.

"Bẩm, việc này con cũng không rõ. Chỉ biết rằng bà hai bị bọn chúng chặn đánh, phải mất một lúc sau thì con mới đưa bà trở về được."

Thấy chẳng moi được thông tin gì từ cậu chàng khờ khạo, ông Xã đành phủi tay ra hiệu gã hãy rời đi. Khi sớp phơ lái xe đi rồi, ông mới có thời gian đặng quan tâm kĩ hơn tới nàng. Ông sai Bình đi lấy thuốc lại, rồi lấy cả khăn sạch để lau máu cho nàng. Nguyên ngồi tựa đầu vào thành ghế, mắt nàng mở nhìn Thanh, rồi nàng lại nhìn lấy chồng mình.

"Em không sao, mình đừng lo."

Ông Xã vừa chấm khăn lên mấy chỗ bị trầy trên tay Nguyên, vừa lắc đầu mắng.

"Không lo cái gì mà không lo. Mình ngồi yên đó. Phen này tôi phải báo lên quan, cho quan lùng ra bọn du côn ấy rồi tống cổ cả thảy vào tù."

Nguyên thở dài, nàng không thể làm gì khác ngoài việc ngồi yên để ông Xã chăm sóc.

Khăn lau tới đâu, Nguyên rít tới đấy. Từ hồi tía má sanh ra tới giờ chưa hề đánh nàng, mà cái chuyện khiến nàng phải đòn lần đầu trong đời lại chính là hai mươi hèo của bà hội mấy hôm trước, và lần phải đòn này được xem như lần thứ ai. Khốn kiếp, đúng thật là khổ cho cái số nàng quá. Mặc dù chuyện này có phải do nàng gây ra đâu. Là do Thanh đấy chứ.

Nhắc tới Thanh, khi Nguyên nhìn đến Thanh thì cô lại lạnh lùng ngoảnh mặt nhìn ra chỗ khác, làm vờ như bản thân mình vô tội lắm vậy. Nhưng Nguyên hiền quá, nàng không trách gì cô hết. Coi như cứu cô một mạng đã là quý báo lắm rồi.

"Thanh, con ra nhà sau pha dùm cha một thau nước ấm."

Bị ông Xã sai làm việc, Thanh càng nổi đoá hơn. Cô dẫm mạnh chân xuống sàn và buông ra lời cãi.

"Tại sao con phải làm? Tại sao con phải hầu hạ cho một người không phải là má con?"

Ông Xã nghiêm giọng.

"Đây là má hai của con."

Thanh tiếp tục gân cổ cãi.

"Không! Con không bao giờ coi cô ta là má. Nè, đi chơi lọt mương thì tự thân mà xử, đừng có bắt cha tôi phải rửa chân cho cô đấy nhé."

Mấy lời nói cay nghiệt của Thanh khiến ông Xã không thể nào nhịn được nổi. Người ta nói dạy con từ thuở còn thơ, mà cái tánh của Thanh ngang như cua kiểu đó, tới người ngoài còn không dạy được thì nói gì tới người trong nhà. Ông Xã thở mạnh một hơi để kiềm nén cơn giận. Ông không muốn đánh con, lại càng không muốn vì ba cái chuyện vặt này mà lại khiến cho con gái ông thêm phần tủi thân.

"Coi như cha nhờ con. Con Bình còn phải đi giặt khăn nữa."

Nhận thấy cha mình đã xuống nước hết cỡ, Thanh đành mím môi và bấm bụng đi thực hiện cái nghĩa vụ mà bản thân chẳng hề mong muốn. Cô đi vào bếp, bắt một ấm nước sôi lên, lấy cái thau đồng cho một gáo nước lạnh vào. Thanh làm như thể bị ép buộc vậy, mà cũng đúng, cô bị ép buộc thiệt chớ đâu. Tụi gia đinh ở xó bếp thấy cô hai đang đun nước, đứa nào đứa nấy ngạc nhiên lắm, vì từ hồi bà cả còn sống, tụi nó chẳng hề thấy cô hai đi xuống bếp lần nào. Vậy mà lần này, người chủ nổi tiếng đỏng đảnh khó chiều của tụi nó lại phải đích thân ngồi thổi lửa nấu nước. Tụi nó nghĩ ắt hẳn đây là kế của ông Xã, đặng cho mẹ kế con chồng có thể hoà thuận được với nhau.

"Con ả chết tiệt này."

Thanh ngồi đập hai que củi vào nhau, đợi tới khi nước trong ấm đã sôi sùng sục thì cô mới bắt đầu đổ ra thau.

Tới đây, trong đầu Thanh lại nảy ra một suy nghĩ."

"Nửa nước lạnh, mười nước nóng. Cho cô thôi cái tật xen vào chuyện người khác."

Lời nói đi đôi với hành động. Thanh chỉ đổ một nửa gáo nước lạnh, phần còn lại, cô cho hết số nước sôi bốc nghi ngút khói vào thau. Cái thau đồng nóng như lửa. Thanh để tay hờ lên mặt nước, rồi cô mỉm cười hài lòng khi nhận thấy độ nóng của nước trong thau giờ đây đã đủ để khiến cho một con gà có thể trụi lông vì đau đớn.

Ngoài sảnh, ông Xã đã cho Nguyên uống một ít trà gừng đặng nàng ấm bụng. Sau khi uống xong, Nguyên cảm thấy cơ thể mình dần nhẹ đi, tuy vậy nhưng mấy vết thương trên người vẫn đau dữ lắm. Nàng ngửa cổ lên trời, thở mệt nhọc mấy hơi rồi mới ngả nghiêng như cành cây trong gió.

"Mình thấy sao rồi?"

Ông Xã đưa tay sờ lên trán nàng, lo lắng hỏi.

"Em mạnh lắm. Mình đừng lo nữa, kẻo lại bệnh."

Giờ đây Nguyên lại cảm thấy tủi hổ vô cùng. Người ta về làm dâu mà có ai như nàng không? Mới được có hai hôm thôi mà đủ thứ việc xảy ra, mà cái việc khiến nàng đau lòng nhất chính là việc phải khiến cho ông Xã tất bật vì mình. Nguyên nhìn chồng, rồi nàng cảm giác được sự ấm nóng nơi lồng ngực. Hình như sự quan tâm của ông Xã đã khiến nàng cảm động rồi chăng? Không, không thể thế được. Nguyên không muốn phải lòng với người đờn ông này, mặc cho nàng và ông đã là vợ chồng của nhau.

Nguyên cố gắng hết sức, nói hết lời để mong ông Xã đừng lo cho mình nữa. Nhưng mỗi lần nàng nói ra điều đó thì sẽ bị ông gạt đi. Ông bảo đó là cái bổn phận của người làm chồng, phải biết lo cho vợ, quan tâm vợ. Tới đó, Nguyên chẳng còn biết nói lại làm sao cho thuận lòng ông nữa.

"Mình đưa tay đây, tôi lau cho."

Ông Xã cầm bàn tay mềm mại, trắng nõn nà của nàng lên. Ông nâng như nâng trứng, cũng là vì cái nghĩ trầu cau mà ra cả.

"Thôi mình, em xin mình. Cơm canh đã nguội hết rồi, mình hãy vào ăn đi mà mặc em."

Nguyên vội rụt tay lại, nàng giấu nhẹm cánh tay vào lòng, đôi mắt long lanh nhìn ông.

"Đợi mình ngâm chân một lúc rồi tôi ăn cũng chưa muộn."

Đúng lúc đó, Thanh đã bưng thau nước từ nhà bếp đi lên. Cô đặt nó dưới chân nàng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên mặt.

"Con nấu xong rồi đó."

Ông Xã kéo thau nước lại gần nàng mà chẳng hề để ý gì đến việc nước trong thau nóng tới bốc khói. Sau khi làm xong việc, Thanh chỉ cần ngồi vào bàn ăn và chờ đợi tới lúc Nguyên ngâm chân vào thau nước tai quái đó thôi. Cô thoả lòng dữ lắm, thoả lòng vì sắp thấy cảnh Nguyên giãy nãy như con cá mắc cạn, rồi nàng sẽ làm đổ nước ra sàn, nước nóng làm ông Xã khó chịu, và Thanh chắc chắn rằng sau việc đó thì nàng thể nào cũng bị ông đuổi đi cho xem.

Hả dạ quá. Trông chờ quá. Thanh chống tay lên cằm nhìn Nguyên. Cô bắt gặp ánh mắt đầy cam chịu của nàng, trong bụng thầm cười mỉa mai.

"Này, mình ngâm chân một lát cho ấm người đi đã."

"Dạ mình."

Nguyên ngoan ngoãn làm theo lời ông Xã. Nàng từ từ nhấc chân lên rồi cho chân vào thau đồng nóng ấy. Nhưng khi bàn chân vừa chạm đến mặt nước, một cảm giác bỏng rát khiến nàng có chút giật mình. Biết rằng bản thân chẳng thể làm gì hơn được nữa, dù có rát, có đau tới cỡ nào thì Nguyên vẫn giả vờ như không. Nàng bấm bụng, nhịn nhục mà cho hẳn chân vào, hai tay bấu lấy hai bên thành ghế, cắn môi để cho nước sôi lột từng mảng da miếng thịt.

Ở đây, Thanh cũng phải từ hốt hoảng tới ngạc nhiên vì cái sự lì như trâu này của nàng. Nước nóng tới mức thằn lằn bò vào còn chết, ấy vậy mà người đờn bà này dám cho cả chân mình vào đó ư? Bị điên à? Bị rồ à? Thanh mở to mắt nhìn Nguyên đang chịu đau đớn trước mặt. Chẳng hiểu sao lúc này, cô lại thấy trò đùa mình bày ra quá đáng quá.

Sao nàng không chịu rụt chân lại kia chớ? Nếu nàng chịu rụt chân, thì Thanh đã có trò vui để xem rồi. Đằng này...

"Kìa, sao mình lại run lên thế?"

Ông Xã thấy bả vai Nguyên cứ mỗi lúc lại run lên bần bật, sợ nàng nhiễm lạnh, ông bèn nói.

"Thôi mình bỏ chân ra đi. Trời lạnh, mình ngâm chân như vậy cũng không tốt nữa."

Lời nói của ông Xã như một sự giải thoát cho Nguyên. Nàng nhấc đôi bàn chân đỏ rộp của mình ra khỏi thau, da thịt hình như cũng mất đi cảm giác rồi. Nàng loạng choạng chống tay lên thành ghế rồi đứng dậy, cơn tê, cơn đau khiến nàng chóng cả mặt. Nhưng Nguyên không biểu lộ ra ngoài, và ngay cả ông Xã cũng chẳng hề hay biết.

"Mình ngồi ăn một chút đi, rồi sớm mơi tôi sai sấp nhỏ đi mua gà về đặng hầm cho mình ăn lại sức."

Ông Xã ngồi vào chỗ, Nguyên lúng túng đứng sang phía bên cạnh đặng xới cơm cho chồng, và cả cho con chồng nữa. Nàng vừa đưa chén cơm cho Thanh thì lại để ý tới đôi mắt nặng trĩu của cô. Không biết có phải ý gì hay không nhưng sao nàng trông mắt Thanh cứ như đang để ý đến đôi chân của mình.

"Mình tha lỗi cho em, hôm nay em đi đường xa nên cũng có hơi mệt."

Ông thở dài.

Ý là không muốn ăn chớ gì.

"Ừ, mình cứ vào buồng nghỉ ngơi trước. Tôi ăn xong thì sẽ kêu Bình mang canh nóng vào cho mình."

Nguyên gật đầu lấy lễ, rồi nàng chào cả chồng và cô để vào buồng.

Đêm hôm đó, Nguyên không tài nào ngủ nổi vì cơn đau rát ở chân khiến nàng khó chịu không thôi. Nàng không dám động đậy gì mạnh vì sợ ông Xã sẽ thức giấc nên chỉ biết cắn vào tay để kiềm nén cơn đau. Đến khi cảm thấy mồ hôi đổ ra như suối, và đôi bàn thân đã cứng đờ phồng rộp thì Nguyên mới ngồi dậy. Môi nàng tái nhợt đi, đầu đau nhức vô cùng. Nàng bước xuống giường và cầm lấy cây đèn dầu, cực khổ lê chân bước ra khỏi buồng định đi tìm thứ gì đó bôi vào chân cho đỡ rát.

Nhưng cơn đau ngày một tăng, nàng không biết phải làm thế nào nữa. Cứ đi được vài bước thì lại phải tựa lưng vào tường cho bớt đau, rồi mới đi tiếp được. Cứ như vậy, Nguyên lết tấm thân khốn cùng, yếu ớt của mình đi hết một dãy hành lang tối đen như mực. Tủi nhục không biết để đâu cho hết, nàng rấm rức khóc nấc lên.

"Tía ơi, má ơi."

Đột nhiên nàng gọi tía má. Nỗi nhớ nhà càng khiến Nguyên khóc nhiều hơn. Đến khi ra tới sảnh trước rồi thì lại chẳng có ai cho nàng nhờ vả cả, mà cửa thì lại đóng, mà nàng thì không có chìa khoá. Nguyên ngồi lên bộ trường kỷ của ông Xã, nhưng nàng chỉ dám ngồi nép sang một góc chứ không dám ngồi thoải mái nữa. Nguyên soi ánh đèn dầu vào vết thương, rồi nàng cảm thấy kinh hoàng khi nhận ra vết bỏng ấy nặng hơn nàng nghĩ.

"Này, làm gì đó?"

Giọng nói của Thanh cất lên phía sau khiến Nguyên giật mình mà lỡ tay chạm vào chân. Nàng la khẽ vì xót, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến nàng chảy nước mắt thêm lần nữa rồi.

"Tôi...tôi..."

Thanh bước lại gần Nguyên, trên tay cô còn cầm theo một cái khăn và một cái hủ nhỏ gì đó. Thanh châm lửa vào cây đèn to trong sảnh để cho xung quanh sáng hơn. Cô ngồi đối diện Nguyên, ánh mắt vờ như khó chịu nhìn nàng.

"Cô định ăn trộm ăn cướp gì nhà tôi?"

Nguyên kịch liệt lắc đầu.

Lại nói oan cho nàng nữa.

Người đâu kì cục hết sức!

"Tôi van cô, cô nói như thế thì tội tôi mất."

Thanh cười khẩy.

"Ai chớ khố rách áo ôm như cô thì dám lắm."

Nỗi tủi thân trong lòng Nguyên dâng cao hơn. Nàng vội vàng quỳ xuống trước mặt Thanh, mặc cho đau đớn đang hành hạ khắp cơ thể.

"Tôi lạy cô, cô đừng nói thế mà tội tôi."

Thanh nhìn Nguyên, chợn muốn nói điều gì đó.

"Cô đừng có giả nhơn giả nghĩa ở đây. Cô tưởng làm như vậy sẽ khiến tôi mủi lòng mà gọi cô bằng má hả?"

"Tôi...tôi không có ý đó. Tôi..."

"Tôi tôi cái gì. Gái đĩ như cô thanh minh là giỏi."

Một tiếng gái đĩ, hai tiếng cũng là gái đĩ. Nguyên thấy thân phận mình trong mắt Thanh lại trở nên rẻ rúng, dơ dáy vô cùng.

"Không phải. Do tôi đau quá nên mới ra ngồi đây, tôi không dám vào buồng vì sợ ông sẽ thức giấc."

Thanh đập tay xuống bàn cái nhẹ.

"Chớ không phải cô định lén lấy đồ của má tôi à?"

Lần này, Nguyên lắc đầu mạnh hơn.

"Cô nói thế, tôi mà có đi ăn trộm ăn cắp của ai thì trời đánh tôi đi."

"Thôi thôi. Mở miệng ra thì nhơn nghĩa lắm. Cô bị tụi nó đánh như vầy cũng đáng."

Nguyên cắn môi.

"Lần sau mà còn trỏ mỏ vào chuyện của tôi là tôi chặt hết tay chân của cô, bỏ cô vô chuồng heo ở luôn đó."

Giọng Thanh gằn lên, và cô đã thành công trong việc doạ một người nhẹ dạ cả tin như Nguyên phải sợ tới tái xanh mặt mày.

"Ở đó mà khóc tiếp đi. Thứ ăn bám."

Nguyên đành im lặng, nàng se se tà áo rồi nhìn Thanh đang đứng lên rời đi.

"Cái đồ gái đĩ. Cái đồ đòi ăn ở cao sang."

Trước khi đi, Thanh cũng không quên ném cho nàng câu nói cay độc quen thuộc. Nàng nghe quen rồi, với lại dù không quen cũng phải ráng nhịn, vì nàng biết thân phận nàng chẳng thể so sánh hơn ai được đâu. Đến khi bóng lưng Thanh khuất hẳn thì Nguyên mới dám đứng dậy. Nhưng chỉ có việc đứng dậy thôi cũng đã ngốn của nàng không biết bao nhiêu là sức lực. Tay chân Nguyên đau tới mức lạnh ngắt, đến khi ngồi được lên ghế rồi, nàng thở như thể đây là lần cuối được thở vậy.

Hai mắt Nguyên hoa đi, lờ mờ như bị một màng sương che khuất vậy. Chợt, nàng thấy có vật gì đó để trên bàn. Kì thật, hồi nãy nàng ra sảnh đâu có thấy mấy thứ này đâu. Nguyên dụi mắt nhìn kĩ thì mới nhận ra đó là một cái khăn bông, bên cạnh khăn còn có một cái hủ được mở sẵn nắp, đã thế trên nắp hủ lại để một tờ giấy ghi mấy dòng chữ.

Nguyên vớ tay lấy tờ giấy đó. Bên trong ghi rằng:

"Bôi vào đi, sẽ thấy đỡ đau hơn."

Nhưng...nàng có biết đọc chữ đâu, mà Nguyên cũng không biết cái hủ đó đựng gì. Nàng ngỡ rằng Thanh lại muốn làm gì mình, có khi đó là thuốc độc chẳng hạn. Thế là nàng chỉ dám lấy khăn lau đi vết thương chớ chẳng dám đụng vào thứ "thần dược" của Thanh đem tới. Coi, khờ không kia chứ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro