Thôn Mèo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm 2011.

Thôn Mèo nằm gọn trong một thung lũng nhỏ bao quanh bởi đồi núi trập trùng. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, nguồn nước từ sông suối luôn dồi dào. Là chốn yên bình lại xinh đẹp, tựa như những vần thơ tả cảnh quê hương mà đám trẻ vẫn thuộc làu.

Đầu thôn, một bên là ngôi miếu nhỏ được lập nên từ thời xa xưa, nằm dưới gốc đa cổ thụ. Phía bên kia đường lại có hai cây dừa già cao vút, mọc lên trên một mô đất nhô cao ngay giữa thửa ruộng ở cổng thôn; hai cây dừa này cũng được coi như một biểu tượng của thôn Mèo. Xa xa trên con đê rậm cỏ là đám trẻ tung tăng chạy nhảy nô đùa, còn có thêm bóng dáng các bác nông dân đang vác quốc ra đồng. Dọc theo đường làng nhỏ bé quanh co rợp bóng cây, sẽ thấy những mái nhà thưa thớt được sơn đủ loại màu sắc; chúng như tô điểm thêm cho bức tranh quê hương với cánh đồng xanh bao la bát ngát trải dài đến tận chân đồi.

Không khí trong lành, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người lại hiền lành chất phác. Nếu được quẳng gánh lo cơm áo gạo tiền thì có lẽ ai cũng sẽ muốn sống một đời bình yên ở nơi đây.

Thôn Mèo là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Dao. Cả thôn có tất thảy năm mươi tám hộ dân, mỗi hộ đều có đất đai ruộng vườn rộng rãi. Tuy là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nơi đây lại không nghèo nàn lạc hậu như những cảnh mà ta thường thấy trên Ti Vi. Là vùng nông thôn vậy mà điều kiện vật chất hầu như không thiếu thứ gì, thậm chí còn có cả những ngôi nhà mái thái khang trang chả khác gì trên thị trấn.

Sở dĩ nơi đây phát triển như vậy là bởi thôn Mèo nằm gần mỏ than đá lớn nhất nhì tỉnh. Đàn ông trong thôn hay thanh niên trai tráng đến tuổi trưởng thành đều vào hầm mỏ làm việc. Nghề thợ mỏ tuy vất vả và nguy hiểm là thế, nhưng bù lại thu nhập cao. Một phần cũng vì trình độ học vấn của người dân nơi đây rất thấp nữa, cả thôn đếm trên đầu ngón tay cũng chỉ được vài người học hết cấp ba. Nếu không vào mỏ thì có lẽ họ cũng không biết phải làm gì để có nguồn thu nhập ổn định như bây giờ; còn phụ nữ chủ yếu là ở nhà chăm lo con cái với việc đồng áng.

Tuy nhiên cũng không phải nhà nào cũng có người thân làm việc trong mỏ. Những gia đình ấy cũng chỉ quanh năm trông chờ vào mấy mảnh ruộng rồi làm thuê làm mướn kiếm thêm thu nhập, cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn quá.

Thế nhưng vẫn còn có một số hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một trong số đó chính là nhà bà Xuân ở xóm ngang. Nhà chỉ có ba mẹ con, bố tai nạn mất sớm, mẹ lại có bệnh. Ruộng vườn, đất đai cũng phải bán đi hết, chỉ chừa lại căn nhà cũ làm nơi che nắng che mưa. Cô chị gái cũng vì thế mà phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền trang trải lo cho em gái ăn học.

Hoàn cảnh đáng thương là vậy nên nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ bà con trong thôn, cuộc sống cũng coi như tạm ổn. Thời gian cứ thế trôi qua, năm nay cô em gái kia cũng lên lớp mười hai rồi.
....................................................................................

Năm giờ sáng, tiếng gà trống thi nhau gáy vang vọng cả thôn xóm, báo hiệu một ngày mới lại đến. Tháng chạp, tiết trời mùa đông nên vẫn còn âm u lạnh giá với làn sương mù dày đặc. Sương sớm phủ đầy trên những tán cây, bờ cỏ, ruộng đồng lúa mới còn phủ cả lên đống rơm khô ngay trước sân nhà.

Nhà bà Xuân là một ngôi nhà cấp bốn ba gian cũ kĩ với mái ngói rêu phong và bức tường đã tróc sơn, còn có thêm một căn bếp cũng lụp xụp không kém. Nhà bà không có tường rào bằng gạch như hàng xóm mà được rào hết xung quanh bằng những cây củi khô buộc lại.

Sáng sớm tinh mơ, hai cô con gái nhà bà Xuân cũng vừa dậy. Chị Sả(1) mắt nhắm mắt mở đi đến trước cửa, tháo cái then cài bằng gỗ xuống rồi đẩy nhẹ cánh cửa ra. Hơi lạnh bên ngoài lập tức phả vào người khiến cô tỉnh cả ngủ. Sả vòng tay ôm lấy cơ thể đang rét run cầm cập kia lại, bàn tay còn không ngừng chà sát lên bả vai. Cô vội quay lại giường lấy thêm áo khoác mặc vào rồi bắt đầu lên tiếng dặn dò em gái.

"Chiều nay học bài xong nhớ đi lấy rau cho lợn, hôm qua tao thấy hết rồi đấy."

"Biết rồi..." Em Bồ(2) đáp lại với giọng còn ngái ngủ, tay vẫn đang nhét thêm sách vào cặp.

Sả bây giờ mới ra ngoài, đi đến bên sân giếng bắt đầu đánh răng rửa mặt. Mở nắp chum ra, múc liền một gáo nước đầy rồi ngồi xổm xuống, sắn tay áo rửa mặt. Sả còn không dám lấy nước giếng thế mà khi tay vừa chạm vào nước đã phải rùng mình. Lạnh quá! Cơ mặt như bị đóng băng tại chỗ. Mỗi lần thế này cô lại nghĩ đến cái phòng tắm lát gạch trắng tinh, lúc nào cũng có sẵn nước nóng của nhà chú thím. "Sau này mình nhất định phải xây một cái còn to, đẹp hơn thế nữa." Sả thầm hạ quyết tâm.

Hôm nay Sả dậy hơi muộn nên phải vội vàng ăn bát cơm nguội, rồi thay đồ đi làm. Cô làm theo ca, tại một nhà máy sàng than cách nhà hơn chục cây số. Công việc tuy vất vả, thu nhập lại không cao, nhưng bù lại nó an toàn và có dư ra nhiều thời gian rảnh để làm thêm việc khác.

Vốn dĩ không phải là người coi trọng vẻ bề ngoài, nhưng Sả vẫn rất xinh đẹp. Bộ đồ công nhân rộng thùng thình cũng chẳng thể làm lu mờ đi vẻ đẹp ấy, chẳng trách đám trai làng lại si mê cô đến thế. Thấy đã quá giờ, Sả chạy vội ra khỏi nhà, cô lo mình sẽ lỡ xe mất.

Em Bồ cũng bận rộn chẳng kém, nó tranh thủ làm hết những việc nặng nhọc để mẹ khỏi phải mất sức. Bồ trở vào nhà khi vừa tưới xong mấy luống rau trong vườn, cơ thể cũng đã được làm nóng, áo khoác không biết đã cởi bỏ từ lúc nào.

Bà Xuân vừa từ giường dậy, thấy con gái mặc phong phanh liền lên tiếng nhắc nhở:

"Mặc cái áo vào, trời rét như thế! Từ mai cứ để đấy mẹ làm, ban ngày đã phải làm bao nhiêu việc rồi."

Bà Xuân năm nay cũng gần năm mươi thế mà nhìn vào rất trẻ, chỉ như độ bốn mươi thôi. Bà rất đẹp, có thể nhìn ra chị Sả là được thừa hưởng những nét đẹp của bà. Tuy đã có tuổi nhưng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu của sự lão hóa, làn da vẫn trắng hồng mịn màng. Nhìn thế nào cũng không giống một người phụ nữ nông thôn, chân lấm tay bùn. Cũng phải thôi, hai cô con gái của bà ấy đâu nỡ để mẹ mình phải vất vả chứ.

Bà Xuân bị bệnh tim, mấy năm trước có làm phẫu thuật rồi. Cũng vì ca phẫu thuật này mà gia đình bà phải bán hết đất đai, ruộng vườn đi. Bây giờ tuy sức khỏe đã khá hơn nhưng vẫn phải duy trì uống thuốc, bà cũng không làm được việc nặng nhọc gì.

Bệnh tim theo như cách gọi của người dân trong thôn thì là "bệnh nhà giàu". Thế nhưng bệnh tật nào có biết phân sang hèn, giường bệnh lại luôn là chiếc giường đắt nhất. Gia đình họ vốn đã thuộc diện hộ nghèo nay lại càng thêm khó khăn hơn. Những năm tháng ấy cũng là nhờ có bà con làng xóm giúp đỡ, nếu không thì ba mẹ con cũng không biết phải vượt qua thế nào.

May thay bà Xuân lại có hai cô con gái ngoan ngoãn, biết điều, chịu thương chịu khó. Ba mẹ con cứ thế sống dựa vào nhau, trải qua biết bao nhiêu gian khổ. Mãi cho đến hai năm nay họ mới sống thoải mái hơn chút.

Bồ nhìn mẹ rồi cười.

"Coi như tập thể dục buổi sáng mà mẹ. Thôi con đi học đây."

Nói xong Bồ xách cặp ra cửa, dắt chiếc xe đạp cào cào màu xanh dựng bên hiên ra khỏi nhà.

Bà Xuân cũng chẳng nói thêm được gì nữa. Bà lặng người nhìn theo bóng lưng cô con gái nhỏ, đến tận khi khuất bóng.

Bồ vừa dắt xe ra cổng đã gặp cái Hạnh đang đạp xe tới.

"Ê, đợi tao với." Hạnh gọi to.

Bồ lên xe ngoái đầu lại nhìn Hạnh, nói lớn:

"Đi thôi."

Hạnh là con nhà ông Năm ở xóm ngang, nó không có tên gọi ở nhà như mấy đứa trong thôn, từ bé đến lớn Hạnh cũng chỉ có mỗi cái tên duy nhất này.

Hạnh là bạn cùng lớp với Bồ, hai đứa cũng là bạn thân của nhau. Ở thôn Mèo con gái học hết cấp ba rất ít, ở lứa bọn họ cũng chỉ có hai đứa thôi.

Cả hai vừa đạp xe vừa trò chuyện rôm rả. Họ thong dong trên con đường làng nhỏ bé, vừa đi vừa hưởng thụ bầu không khí trong lành nơi thôn dã. Những mái nhà ngói đỏ cùng cánh đồng lúa xanh ngát cũng dần dần khuất sau lưng.

Ra đến đầu làng là con suối lớn, có một cây cầu bắc ngang qua. Đầu cầu bên kia là khu xóm của người Kinh cư trú. Vì dòng suối này chảy qua một mỏ than lộ thiên nên nước ở đây thi thoảng lại đen như mực, hôm nay cũng vậy. Nghe nói trước đây chưa có mỏ than nước suối cũng trong lắm, dân làng thường cùng nhau mang quần áo đến đây giặt. Bây giờ thì đâu còn được thấy cảnh tượng ấy nữa... Xem ra xã hội càng phát triển thì thiên nhiên cũng bị tàn phá đi không ít.

Nước suối chảy êm ả qua những mỏm đá lớn nhỏ, ở giữa hai bên bờ kè bê tông chắc chắn. Ngày trước hai bên suối là hai con đường đê, sau này được nhà nước quy hoạch. Cũng chẳng biết là định làm dự án gì, chỉ thấy xây được hai lối bờ kè xong bỏ đấy. Dân làng nhờ thế mà có một lối đi học, đi chợ thoáng đãng.

Hôm nay hai đứa quyết định đi lối bờ kè thay vì đi thẳng đường lớn trên thị trấn. Lối này sẽ phải đi vòng xa hơn, nhưng bù lại được cái sạch sẽ không bị nhiễm khói bụi. Đường trên thị trấn thường có xe tải chở than chạy qua nên rất bẩn, nhất là những hôm trời mưa thì khỏi phải nói - mặt đường bê bết chỉ toàn những vũng nước đen kịt.

Trời hôm nay rất lạnh mới đạp xe có nửa đường mà bàn tay Bồ đã lạnh cóng, từng ngón tay như tê dại. Bồ kéo tay áo đồng phục xuống, nắm vào ghi đông xe đạp qua một lớp áo, may là cái áo đồng phục này cũng đủ dài để cô có thể điều khiển được. Nhưng mới chỉ được một lúc, tay phải lại thò ra khỏi lớp áo ấm kia, đi như này thật sự rất khó!

Hạnh thấy cảnh này mới nói:

"Mua đôi găng tay len mà đeo. Rẻ lắm! Có mười nghìn thôi, trên bà Toàn có bán đấy."

Bồ nghe thế chỉ cười, cô đáp:

"Mười nghìn nhà tao cũng được bữa ngon rồi. Mua làm gì phí! Tí nữa về cũng nóng bỏ xừ!"

Hạnh nghe xong cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Cô đưa bàn tay trái đang đeo găng tay lên miệng, dùng răng cắn lấy, kéo chiếc găng tay ra rồi ném về phía bạn.

"Này, cầm lấy."

Bồ có hơi bất ngờ, nhưng vẫn kịp đưa tay bắt lấy. Cô dừng xe nhìn chiếc găng tay len trong tay, mỉm cười. Bồ vội vàng đeo nó lên tay phải của mình rồi đạp nhanh về phía Hạnh.

"Này, cho tao luôn à?" Bồ gọi to.

"Ừ. Không phải cảm ơn." Hạnh thản nhiên đáp.

"Yên tâm, sau này tao giàu nhất định sẽ không quên ân tình hôm nay." Bồ cười với ánh mắt rạng rỡ.

"Mày nhớ đấy! Cuộc đời sau này của tao trông cậy cả vào mày." Hạnh cũng giả bộ nghiêm túc đáp lại.

Hạnh vừa dứt câu, cả hai đứa đều cười vang.

Hai cô gái nhỏ chỉ đeo một bên găng tay, tay còn lại vẫn nắm vào ghi đông xe đạp qua lớp áo đồng phục. Họ vừa đạp xe vừa trò chuyện, từng hơi thở theo tiếng cười đùa còn mang theo làn khói trắng bởi thời tiết giá rét. Dẫu vậy, nhưng cả hai lại chẳng còn thấy lạnh nữa, có lẽ họ đều như được sưởi ấm bằng tình bạn đáng quý này.

Bỗng từ xa có tiếng nẹt pô rầm trời vang lên, âm thanh inh ỏi đến váng đầu ấy càng lúc càng lớn hơn. Một chiếc xe máy phóng vụt qua hai đứa. Bồ chỉ kịp thấy mái tóc đen tuyền bóng mượt bị thổi tung trong gió, và một bên vành tai được bấm hàng khuyên dài của người cầm lái.

———————————————————————————
Chú thích:
(1)Sả: là tiếng dân tộc Dao, có nghĩa là con gái.
(2)Bồ: là tiếng dân tộc Dao, con gái thứ hai trong nhà thường được gọi với cái tên này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro