Đám cưới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùng sáu Tết, hôm nay sẽ là buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Vì đã quen với việc ngủ nướng nên hôm nay đám trẻ con chẳng muốn dậy. Đứa thì mắt không buồn mở cứ quấn chặt người trong chăn, đứa lại nũng nịu kêu khóc vang nhà... khắp xóm đều vang tiếng phụ huynh gọi con dậy đi học. 

Bồ ểu oải rời giường, mỗi lần di chuyển đều ôm đùi xuýt xoa. Đi chơi thì vui thật nhưng ai mà ngờ lại đau chân đến thế, cái cảm giác vừa nhức vừa mỏi chạy dọc cơ thể. Bây giờ Bồ chỉ muốn nằm im bất động, đôi chân này cô tạm thời không muốn sử dụng nữa. Vậy nhưng việc học làm sao có thể bỏ, Bồ chỉ đành đi nhờ cái Hạnh đến trường.

Ngày đầu năm có khác, không khí trong lớp học náo nhiệt vô cùng. Ai cũng đang hào hứng kể về kỳ nghỉ của mình, nào là: đi những đâu, tiền lì xì được bao nhiêu, đã mua sắm những gì... Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, vậy mà nói cả buổi không hết chuyện.

Bồ bây giờ đã không còn cái biểu cảm ngạc nhiên đến sửng sốt trước những câu chuyện đầu năm này nữa. Cô chỉ ngồi đó chăm chú lắng nghe, thi thoảng sẽ nói thêm vài ba câu. Nhớ lại hồi mới lên lớp sáu, Bồ đã vô cùng kinh ngạc khi nghe thấy các bạn trong lớp khoe tiền lì xì tính bằng triệu của họ. Cô lúc ấy thậm chí còn nghĩ: bọn nó đang bốc phét, tiền lì xì gì mà còn nhiều hơn cả tiền ăn mấy tháng nhà mình. Mãi sau này Bồ mới ngộ ra: một đứa sống với cái nghèo lâu năm như mình, làm sao có thể hiểu được cách tiêu tiền của người giàu chứ.

Buổi học nhanh chóng kết thúc, Bồ hôm nay không la cà nữa mà vội vàng kéo cái Hạnh về nhà luôn.

Mới về đến ngõ đã thấy trước nhà tập trung rất đông người, cái rạp đám cưới xanh xanh cũng đã dựng xong từ bao giờ. Nhanh thật, mới đó mà đã đến ngày cưới của chị Sả rồi. Tuy ở làng ai cũng nói: "Sả không còn trẻ nữa", nhưng Bồ lại chẳng muốn chị mình đi lấy chồng tí nào.

Khắp nhà đều là người, từ nhà trên đến nhà dưới, từ ngoài ngõ đến trong sân; họ đến để giúp gia đình chuẩn bị cỗ cưới. Các bác gái chuẩn bị rau cỏ, bóc hành bóc tỏi; mấy bác trai thì đang cùng nhau xẻ thịt con lợn béo; đám trai làng khiêng bàn xếp ghế, con gái thì tụm lại chỗ sân giếng rửa cốc chén, bát đũa. Việc thì ít mà người thì nhiều, chủ yếu là tập trung cho có không khí thôi.

Lần đầu tiên trong đời, Bồ cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Cô cứ đi đi lại lại mà chẳng biết phải làm gì, những việc có thể làm đều không còn chỗ mà chen chân vào nữa rồi. Bồ chỉ đành đến bên giường, ngồi cạnh chị Sả, nhìn chị mình sắp xếp quần áo đồ đạc mang về nhà chồng.

"Chị mang ít đồ thế?" Bồ thấy chị chỉ nhặt vài ba bộ quần áo liền thắc mắc hỏi.

"Ui giời! Ngay trên trấn chứ đâu, thiếu gì lại chạy về lấy."

"Ừ nhỉ, thế mà em không nghĩ ra."

Hai chị em lại nhìn nhau cười. Sắp xếp xong mọi thứ, Sả bỗng quay sang dặn dò em gái.

"Mày ở nhà nhớ lo mà học hành cho cẩn thận, đừng có học đòi yêu đương nhăng nhít, nghe chưa?"

"Chị nhìn em thế này, thằng nào nó thèm để ý cơ chứ. Khác gì đứa trẻ trâu đâu."

"Ai mà biết được bọn trẻ chúng mày. Tao đi lấy chồng nhưng vẫn giám sát từ xa đấy. Cứ liệu cái thần hồn!"

"Sao chị cứ sợ em yêu đương thế nhỉ?"

"Rồi mày sẽ biết sớm thôi. Bây giờ chưa nói được."

Sả vừa dứt câu thì điện thoại đổ chuông, cô vừa nghe máy vừa chạy vội ra cổng.

Bỏ lại Bồ ngồi đó ngơ ngác. Con bé vẫn không hiểu chị mình đang suy tính chuyện gì nữa. Có lần cái Hạnh còn bất mãn mà nói: "Bà đấy chắc lo mày yêu sớm đi lấy chồng rồi không có ai chăm mẹ, định cho mày ở vậy nuôi mẹ đây mà." Lần đó Bồ còn quay sang mắng Hạnh một trận, bởi cô biết: chị ấy tuy khắt khe nhưng thương mình nhất, chị cũng không phải là người ích kỷ như vậy.

Đám thanh niên bên ngoài đang gọi nhau đi chặt củi, đây cũng là một phong tục ở thôn Mèo; đám cưới nào trong làng, thanh niên xóm cũng phải đi kiếm củi để chuẩn bị nấu cỗ. Bồ tính theo bọn họ đi luôn, nhưng lại bị chị mình ngăn lại.

"Ở đây đi, tí nữa chị còn sai vặt được."

"Em lại chẳng biết thừa chị đang lo cái gì. Thôi, ở thì ở. Em cũng đang đau chân chết đây."

"Mày còn dám kêu à? Hôm qua tự ý đi chơi tao còn chưa xử đâu nha!"

Sả lườm một cái khiến Bồ phải quay sang cười nịnh.

"Em đi với cái Mấy mà. Làm cô dâu rồi đừng cau có thế chứ."

Vì là ngày vui nên Sả cũng không nói thêm nữa, chứ bình thường cô chắc chắn không bỏ qua dễ dàng thế được.

Năm giờ chiều, cỗ áp rạp đã chuẩn bị gần xong. Đám thanh niên xóm cũng vừa về tới, những chiếc xe máy chở củi lềnh kềnh nối đuôi nhau đi vào ngõ. Mấy cô bác thấy thế cũng chạy đến giúp dỡ củi xuống, mỗi người một chân một tay, đống củi đã chất cao ngập đầu. Cũng vì thương gia đình neo người, nên bọn họ mới cố tình chặt nhiều như thế; chứ đống củi này phải ba cái đám cưới mới dùng hết được.

Ngày vui của làng làm sao vắng mặt Tỏn được chứ, cậu tỏ ra rất xông xáo, còn theo chân đám bạn đi kiếm củi nữa. Chỉ là Tỏn có đi cũng chẳng làm được việc gì, ngay đến chở củi mà bọn bạn cũng không yên tâm để cậu làm. Thế là Tỏn chỉ đành ở lại sau cùng, chở người về.

Tỏn tuy không ưa Bồ Dịu nhưng chị Sả lại khá quý mến. Cậu vẫn thắc mắc mãi: hai chị em nhưng bọn họ lại chẳng giống nhau tí nào. Chị Sả thì xinh đẹp dễ mến như thế, sao mà cái Bồ Dịu nó vừa xấu lại còn khó ưa thế kia.

Mọi người trong nhà đã chuẩn bị xong cỗ áp rạp, mấy thanh niên vừa về thi nhau đến sân giếng rửa lại tay chân rồi mới vào nhập mâm. Duy chỉ có Tỏn là lẳng lặng bỏ về nhà. Ra là, vừa nãy trong lúc lên rừng lấy củi, cậu bị trượt chân ngã, quần áo trên người cũng bẩn hết. Tình trạng thế này không thể ngồi ăn cơm được, nghĩ vậy nên Tỏn quyết định không ăn nữa mà về tắm trước đã.

Mọi người bắt đầu vào bàn, tiếng nói cười rồi tiếng hò rô vang khắp xóm. Lâu lắm rồi ở làng mới có đám cưới, lại vừa mới qua Tết nữa chứ, rất nhiều người vẫn đang còn trong kỳ nghỉ; hôm nay vừa hay là cơ hội để mọi người tụ tập.

Sả ở làng rất được lòng đám con trai, ngày trước không ít người theo đuổi, kém tuổi hơn cũng có. Dù đều bị từ chối hết, nhưng bọn họ vẫn luôn coi cô như một "nữ thần" trong lòng. Vậy nên, hôm nay thanh niên xóm mới có mặt đông đủ như thế. Cỗ áp rạp thôi mà ngồi kín cả một cái sân to đùng, còn phải kê thêm mấy bàn trên nhà chú Đông nữa.

Đám thanh niên vì muốn có không gian riêng, thế là kéo nhau ngồi hết ở rạp trên. Bồ với Sả cũng theo lên luôn, ở dưới nhà cũng không còn chỗ nữa rồi. Phong mới từ trên huyện về, không ngại ngần gì, cũng đến nhập mâm luôn, cậu nhìn khắp một lượt không thấy Tỏn đâu mới hỏi:

"Ê, thằng Tỏn Duy không sang đây à?"

"Về tắm rồi. Nãy mới cùng bọn em đi chặt củi xong." Thằng Bình đứng ngay cạnh, đáp.

"Nó đi chặt củi á?"

"Mới leo được nửa đường đã ngã chổng vó, tiếc là anh không thấy cảnh đấy."

Phong nghe xong liền bật cười, nhưng phải cố nhịn lại. Cậu lấy điện thoại ra gọi cho Tỏn, còn không quên dặn mấy đứa em:

"Thế đợi nó đã, chúng mày chịu khó chờ tí."

Vậy là bọn họ giành ra một mâm để chờ Tỏn, mãi khi mọi người ăn gần xong, người kia mới đến.

Bồ vừa quay lại thì thấy Tỏn đang bước vào. Cậu ta đã thay một bộ đồ mới, mặt mũi cũng đã rửa sạch sẽ, lại trở về dáng vẻ công tử ăn chơi thường ngày. Lúc nãy nhìn cảnh cậu ta mặt mũi lấm lem, chật vật với bộ quần áo dính đầy đất vàng, mà Bồ phải cố nhịn cười.

"Nhanh cái chân lên, đàn ông đàn ang tắm cái gì mà lâu thế." Phong đứng dậy thúc dục.

"Đã bảo là không ăn rồi cứ gọi." Tỏn càu nhàu, nhưng vẫn đi đến ngồi vào chỗ của mình.

"Mới một ngày không gặp mà tóc lại đen hết rồi nhỉ?" Phong vừa nói vừa xoa mái tóc vẫn còn ẩm ướt của Tỏn.

"Đừng có sờ vào, mày ăn cơm của mày đi." Tỏn khó chịu đẩy tay Phong ra, cậu rất ghét ai động vào tóc mình.

"Ăn cơm đê, ăn cơm đê." Phong cũng không trêu nữa, quay ra mời cả mâm dùng bữa.

Tối đến, mọi người không về nhà mà ở lại tụ tập rất đông. Mấy bác thím đang canh sẵn trước màn hình Ti Vi chờ đến lượt bài hát của mình, mấy chú thì ngồi khoanh chân một góc chơi bài lá, đám thanh niên lại đang vót tre để làm xiên mai còn nướng thịt, những người rảnh rỗi thì ngồi xúm lại tán phét. Đám cưới ở làng bao giờ cũng thế, tuy bình dị giản đơn nhưng lại vui vẻ thấm đậm tình làng nghĩa xóm.

Trong nhà, thím Hà với bác gái đang ngồi trò chuyện cùng ba mẹ con. Sau khi đã dặn dò đủ thứ, thím Hà mới để ý thấy cái túi đồ mà Sả chuẩn bị đặt trong góc giường. Thím không nói gì mà chỉ lẳng lặng kéo bác cả ra ngoài.

Ba mẹ con kia cũng chẳng hiểu chuyện gì, chỉ đưa mắt nhìn nhau. Mãi một lúc sau mới thấy hai người kia quay lại, còn kéo theo một cái vali mới tinh. Thì ra là thím Hà thấy cô cháu gái đi lấy chồng mà lại xếp đồ vào cái túi bạt. Thương quá, nên bàn với bác cả đi mua cái vali cho cháu.

"Thôi, cháu không cần đâu. Thím mang trả người ta đi." Sả thấy cái vali liền vội vàng từ chối.

"Mày xách cái túi này đi người ta lại chẳng cười nhà mình à? Không nói nhiều nữa, cái Bồ mang đồ ra xếp lại cho chị mày đi." Thím Hà vừa nói vừa mở vali, bắt Bồ mang cái túi bạt kia ra.

Bồ lững lự nhìn chị rồi lại nhìn thím, nó vẫn đứng nguyên tại chỗ, chẳng biết làm sao mới phải.

"Cháu không cần thật mà, bác với thím cho cháu nhiều lắm rồi."

Sả vẫn nhất quyết từ chối, cô thật sự không dám nhận nữa. Mới hôm qua nhà bác với nhà chú còn mua hẳn bông tai với dây chuyền vàng cho cô, họ vẫn lấy lý do: để giữ thể diện gia đình. Nhưng Sả biết những thứ này đâu phải là bày ra cho người ta xem, mọi người vốn luôn thương cô như vậy.

"Mua rồi cũng không trả lại được nữa, cháu cứ dùng đi, đừng ngại." Bác gái nhẹ nhàng nói.

Sả bấy giờ đã xúc động đến hai mắt đỏ hoe, nước mắt cũng trực trào rơi xuống.

"Thôi, con nhận đi. Bác với thím cũng có con gái mà, sau này có gì bù lại." Bà Xuân vừa nói vừa vỗ nhẹ lên lưng con gái.

"Đúng rồi. Nhi Đèng nhà thím cũng lớp sáu rồi đấy, sau này em nó lấy chồng chị Sả phải chuẩn bị quà to vào nhá." Thím Hà cũng vội nói chen vào.

"... Cháu xin ạ." Sả lau nước mắt trên mặt, nức nở đáp. Cô thật sự cảm thấy biết ơn mọi người, tuy bố mất sớm, nhưng cô lại có một gia đình lớn luôn luôn yêu thương và che chở cho mình.

Hai bác thím bây giờ mới yên lòng. Họ vẫn ngồi lại nói chuyện đến tận khuya mới về.

Năm giờ sáng hôm sau, người làng đã có mặt rất đông. Mọi người ăn tạm bát bún chan nước xương hầm rồi mới bắt tay vào nấu cỗ. Ai cũng bận rộn với công việc của mình, tiếng sai bảo rồi đùa giỡn át luôn cả tiếng nhạc xập xình.

Thường trong một cái đám cưới ở làng công việc sẽ được phân chia rõ ràng cụ thể. Các ông sẽ lo chạy việc cho các thầy làm lễ trong nhà; các bà nhận nhiệm vụ đồ xôi; các thím xào nấu rồi sắp cỗ; các chú bác thì nướng thịt, chặt gà; mấy thanh niên trẻ dọn bàn, bưng mâm. Ai cũng tất bật chạy ra chạy vào, chỉ có Phong, Tỏn, Còi là thảnh thơi ngồi một góc trông xe.

Tám giờ, khách bắt đầu đến, Sả bấy giờ mới từ trong nhà bước ra. Hôm nay cô mặc một chiếc áo dài màu đỏ, tóc búi cao, gương mặt trang điểm nhẹ nhàng. Sả vừa bước ra đã thu hút vô số ánh mắt của những người có mặt tại đây, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Đúng là hoa khôi xóm có khác, cô đẹp lộng lẫy như đoá hồng nở rộ.

Tỏn nhìn chị Sả rồi lại quay sang nhìn cái Bồ đen thui lui đứng ngay cạnh, cậu chép miệng một cái, lắc đầu ngán ngẩm.

Tất bật cả một buổi sáng mới tiếp hết khách, mọi người bây giờ mới thảnh thơi khi vừa dọn dẹp xong hết mọi thứ. Vì ngày mai mới là ngày rước dâu nên đám cưới vẫn coi như chưa kết thúc, cả làng vẫn ngồi lại cùng nhau ca hát nhảy múa đến tận chiều muộn mới về.

Trong nhà còn mỗi ba mẹ con đang ngồi kiếm đếm phong bì. Bồ lần đầu tiên thấy nhiều tiền như thế, con bé vui vẻ háo hức ra mặt. Chỉ là càng bóc bà Xuân càng thấy lạ... tiền mừng cưới nhà mình lại cao hơn hẳn so với mặt bằng chung trong làng.

"Sao mọi người lại mừng nhiều thế nhỉ? Bình thường ở làng tầm này chỉ hai trăm là cao rồi, sao nhà mình toàn hai trăm rưỡi với ba trăm thế này? Mẹ mọi khi đi ăn cỗ nhà người ta cũng chỉ mừng theo giá làng thôi mà." Bà Xuân tỏ ra khó hiểu, liền quay sang thắc mắc với hai cô con gái.

"Sang năm mới rồi phải khác chứ mẹ. Người ta mừng nhiều thì bao giờ con cái họ cưới mình cũng phải mừng lại thôi, có sao đâu mẹ." Sả cười đáp.

"Đúng rồi đấy mẹ. Có đi có lại cả thôi." Bồ lại nói thêm vào.

Bà Xuân nghe vậy, thấy cũng hợp lý. Bà không nói thêm nữa, tiếp tục cùng với hai con bóc phong bì.

Thật ra hai đứa biết nguyên nhân nhưng lại muốn giấu mẹ mình. Chuyện là, hồi trưa Bồ xuống bếp vô tình nghe được mấy bác thím đang nói chuyện về vụ tiền mừng cưới. Thì ra người làng đều thương hoàn cảnh gia đình nhà họ nên mới rủ nhau cho thêm tiền mừng, đã thế hôm nay mọi người ăn cỗ xong cũng chẳng ai lấy phần về, mà để lại hết cho chủ nhà.

Bồ nghe thế liền chạy ngay vào nhà kể lại cho chị mình. Sả biết chuyện cũng chỉ trầm mặc một lúc, cô quay sang dặn em gái: "không được nói chuyện này với mẹ". Sả lo rằng bà ấy sẽ vì chuyện này mà suy nghĩ linh tinh, rồi lại cảm thấy áy náy với làng xóm.

Tấm lòng của mọi người khiến hai chị em rất cảm động, họ đều thầm cảm thấy may mắn vì được sinh ra và lớn lên ở đây. Ngôi làng nhỏ bé, xinh đẹp lại ấm áp tình người.

Đêm nay là một đêm rất dài với hai chị em, họ nằm trên chiếc giường thân thuộc, nhưng không sao ngủ nổi. Mỗi người đều mang một tâm trạng khác nhau, chẳng thể chia sẻ cũng chẳng muốn giãi bày. Sả thì vẫn không muốn xa gia đình, càng không yên tâm về mẹ với em gái; Bồ lại đang hoài niệm về những ký ức đã qua, từng kỷ niệm của hai chị em cứ như thước phim tua chậm trong tâm trí... người chị yêu thương mình nhất, ngày mai đã là vợ người ta mất rồi...

Sáu giờ sáng, trước nhà bà Xuân đã tụ tập rất đông những nam thanh nữ tú. Nam mặc áo sơ mi trắng, thắt thêm cà vạt đỏ, đi cùng quần tây đen, tóc tai chải chuốt hơn hẳn mọi ngày. Nữ thì áo dài đỏ, đầu đội mấn, khuôn mặt đã được tô son điểm phấn tỉ mỉ, tóc tết gọn gàng. Vì Sả lấy chồng người Kinh nên là sẽ phải thực hiện nghi thức cưới hỏi theo nhà chồng. Và cũng vì nhà trai ở xa nên đã nhờ bên nhà gái chuẩn bị giúp đội bê lễ. Đám thanh niên xóm lần đầu được bê tráp, đứa nào cũng tỏ ra thích thú với bộ đồ trên người, gương mặt thì không giấu nổi sự háo hức mong chờ.

Hơn tám giờ, đoàn người nhà trai cũng bắt đầu xuất hiện ở đầu ngõ. Chú rể lịch lãm với bộ vest trắng cùng bó hoa cưới trên tay, anh là gương mặt nhận được nhiều sự chú ý nhất. Có lẽ vì đã cưới được người con gái trong mộng, nên chú rể bước đi với vẻ mặt ngập tràn hạnh phúc.

Nghi lễ cưới hỏi của người Kinh đơn giản hơn rất nhiều so với những thủ tục của một đám cưới người Dao. Chỉ mất hơn ba mươi phút mà đã hoàn thành xong tất cả, bên nhà trai cũng bắt đầu rục rịch đón dâu về nhà.

Sả trong chiếc váy cưới trắng tinh khôi, cười rạng rỡ, nắm tay chú rể bước ra khỏi nhà. Tất cả mọi người có mặt ở đây đều phải trầm trồ xuýt xoa trước vẻ đẹp của cô dâu hôm nay. Cái ngõ vốn đã nhỏ hẹp nay lại thêm chật chội hơn, ai cũng muốn ngắm nhìn cô dâu chú rể thêm một chút.

Bồ lững thững bước phía sau đoàn người, cô nãy giờ vẫn chú ý đến những lời bàn tán qua lại của làng xóm. Cũng không có gì đặc biệt, hầu hết đều là tán thưởng vẻ đẹp của chị gái mình; nhưng bỗng nhiên Bồ lại nghe được một câu: "Cái Sả bao nhiêu người thích thế mà lại đi chọn cái thằng này."

Bồ nghe xong chỉ cười nhạt một cái rồi tiếp tục bước đến chỗ xe đưa dâu. Mãi đến lúc yên vị trên xe, Bồ mới ngẫm nghĩ lại câu nói kia. Ừ, thì đúng là chị Sả có nhiều người theo đuổi thật, mà cũng không thiếu người có điều kiện tốt. Vậy mà chị ấy lại chọn anh Tâm, người mà lúc mới quen Bồ đã cho là không hề xứng với chị mình. Nhưng Bồ tin vào mắt nhìn người của chị, và cô cũng tin chị nhất định sẽ hạnh phúc. Nhìn cái cách chị mình nắm chặt tay anh rể, hay là cái ánh mắt anh chị nhìn nhau ngập tràn yêu thương ấy, Bồ lại càng vững tin hơn.

Có điều, Bồ bây giờ hình như không được ổn cho lắm, mới lên xe một lúc mà cô đã thấy chóng hết cả mặt. Bồ cố gắng nhắm mắt để quên đi cái cảm giác bụng dạ sôi sục như đang cuộn trào này. Rõ ràng trước lúc đi cô đã uống thuốc chống say xe, cũng cố ăn thật no rồi, vậy mà vẫn không khá hơn lần trước là bao. Bồ phải cố nhịn mãi mới đi được đến nơi, vừa xuống xe cô đã phải chạy ngay đi tìm chỗ để... nôn. Và khi đã tống khứ tất cả mọi thứ trong bụng ra, Bồ mới thấy dễ chịu hơn đôi chút.

Nhà trai làm lễ cưới ở mãi Thái Bình, đây là nhà bác họ của chú rể. Anh Tâm, bố mẹ mất sớm phải ở nhờ nhà bác, được vài năm thì bắt đầu ra đời bươn chải. Lần này cưới vợ mới nhờ cậy họ hàng ra mặt tổ chức cho cái lễ đàng hoàng. Tuy vậy, nhưng chỉ cần nhìn cái cách gia đình anh chuẩn bị chu đáo mọi thứ, cũng biết được họ thương anh và tôn trọng gia đình đàng gái thế nào.

Nhà gái hôm nay đi đưa dâu khá đông, Sả không có mấy bạn bè nên gọi luôn đội bê lễ đi cùng. Cái đám thanh niên này hôm nay cũng ăn diện ghê lắm, đứa nào cũng quần là áo lượt, trông ra dáng người lớn hẳn. Nhưng nhìn trưởng thành nhất thì phải kể đến Tỏn, cậu ta khoác nguyên một cây đen từ đầu tới chân. Tỏn cũng là người được chú ý nhiều nhất chỉ sau mỗi cô dâu, mới ngồi một lúc mà đã có mấy cô nàng chạy đến xin số điện thoại rồi.

Bồ nhìn Tỏn lại càng thêm chướng mắt, ăn mặc thế kia không biết anh ta đi đám cưới hay đám ma nữa.

Suốt cả buổi lễ Bồ chỉ tập trung quan sát chị mình, cũng không dám ăn thêm gì nữa. Dù đầu óc vẫn còn quay cuồng nhưng Bồ vẫn cố gắng giữ tỉnh táo, chắc chỉ có cô là nghe hết tất cả những lời người dẫn chương trình luyên thuyên nãy giờ.

Và giây phút chia ly cuối cùng cũng đến. Sả đã cố gắng không khóc cả ngày hôm nay, vậy mà đến lúc này lại không nhịn được nữa. Cô nén nước mắt, ôm mẹ với em gái lần cuối trước khi họ phải ra về. Lần này thì cả ba mẹ con đều khóc, mọi người xung quanh phải an ủi mãi mới thôi.

Hành trình về nhà bắt đầu, lúc chưa bước lên xe Bồ cũng lo lắm, vậy mà ngồi một lúc rồi vẫn thấy bình thường. Bồ yên tâm hẳn, còn nghĩ là do thuốc bây giờ mới phát huy tác dụng.

Nhưng mà càng gần đến nhà Bồ lại càng thấy khó chịu, cô cố gắng bịt miệng để ngăn cảm giác muốn nôn này lại. Nhịn mãi rồi cũng về đến làng, Bồ vừa nhìn thấy hai cây dừa trước cổng thôn qua lớp kính mờ, hai mắt đã sáng rực. Rồi đến khi chiếc xe dừng lại ngay ngã ba đường, Bồ từ cuối xe lao nhanh như bay về phía cửa xuống. Mắt cô bây giờ chỉ chăm chăm nhìn vào cái bụi gai bên vệ đường mà không để ý bản thân đã đẩy cả một người ra khỏi xe theo mình. Và Bồ lại không thể kiềm chế nổi cơn buồn nôn, cô đã không kịp đi tới chỗ bụi gai kia... tất cả mọi thứ đều được nôn sạch lên cánh tay áo của cái người mà mình vừa đẩy ra khỏi xe hồi nãy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro