Chương 3: Sơ Lược Đạo Mộ Bút Kí Của Chính Chủ Từ Lỗi (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trương gia núi Trường Bạch

Khái quát

Gia tộc họ Trương của Trường Bạch Sơn, khởi đầu mấu chốt cho câu chuyện, là một gia tộc chiếm cứ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Không ai rõ xuất xứ của gia tộc này, nhưng từ hơn mấy ngàn năm trước họ đã tồn tại, hiện tại mạch truyện biểu thị họ có quan hệ với bí quyết trường sinh bất tử của Tây Vương Mẫu. Qua mấy ngàn năm, họ tiếp tục duy trì thể trạng đặc biệt là trường thọ để phát triển, ảnh hưởng lịch sử đồng thời tự bành trướng ra bên ngoài bằng một mạng lưới đồ sộ.

Nhánh chính thống của gia tộc được gọi là Trương gia Bổn gia (張家本家), cũng gọi Nội tộc (內族). Căn cứ "Tạng Hải Hoa" quyển 1 thì thủ phủ của Bổn gia trong giai đoạn thời kỳ Dân Quốc (trước khi Đạo mộ bút ký chính văn diễn ra) được tọa lạc ở vùng núi Kim Lĩnh, gồm 7 tòa nhà mang kiến trúc Minh–Thanh liên kết với nhau, trước sau là 13 cổng vào. Xung quanh đó còn có mấy ngôi làng đều là do những người Trương gia bên ngoài trấn giữ. Những người Trương gia bên ngoài là từ đủ loại thân phận, đa phần đều không có nghiêm khắc quản lý về nhân khẩu, tuy họ cũng có địa vị nhưng năng lực và thể chất của họ đều thua người Bổn gia, họ được gọi là Trương gia Ngoại tộc (張家外族). Vì sự chính thống có phần hà khắc, quy tắc của Bổn gia dành cho hậu nhân rất nghiêm, thậm chí là ép người thái quá, trong khi Ngoại tộc lại có phần tự do hơn cả. Ngoài ra, Bổn gia có một quy chế hà khắc khác, là người trong Trương gia phải lấy nhau, tức thực thi chế độ hôn nhân cận huyết, để bảo toàn huyết thống "Kỳ Lân huyết" (麒麟血), từ đó mới có thể có những người Trương gia có huyết mạch trường thọ và tạo tiền đề ra đời các Tộc trưởng tiếp theo. Do vậy nhánh thuần huyết chuyên cho ra các Tộc trưởng của Trương gia còn được gọi là Kỳ Bàn tông (棋盤宗).

Tuy nhiên, việc hôn nhân cận huyết này khiến đại đa số người Trương gia có một chứng bệnh tiềm tàng mang tính di truyền, gọi là Thất hồn chứng (失魂症). Loại chứng bệnh này trong một khoảng thời gian nhất định sẽ phát tác, khiến người Trương gia mất đi trí nhớ, đối với người Bổn gia nói chung và các Trương Khởi Linh nói riêng thì nguy cơ mắc chứng bệnh này càng cao hơn người Ngoại tộc, cũng một phần vì thói quen duy trì huyết thống thuần huyết do họ tự đề ra. Các thành viên Trương gia, cả Bổn gia lẫn Ngoại tộc, vào lúc tầm 15 tuổi sẽ trải qua một quá trình khảo nghiệm đi vào cổ mộ, sau này có thể ra bên ngoài tự tìm thanh danh, đây được gọi là Phóng dã (放野).

Tộc trưởng của gia tộc được đặt cái tên 『Khởi Linh』, nghĩa là "Mang vác quan tài", nghĩa cổ là "Tiêu trừ Vong linh của Linh vị". Căn cứ nghiên cứu của Uông gia trong phần "Sa Hải", các Tộc trưởng của Trương gia đều là người thuần huyết của Kỳ Bàn tông, họ có nhiệm vụ vào một thời khắc nhất định sẽ đưa thi thể của người Trương gia vào Trương gia Cổ lâu. Việc các thành viên Trương gia bắt buộc phải được đưa vào Trương gia Cổ lâu chôn cất đến nay vẫn có rất nhiều nghi vấn, nhưng có một suy đoán rằng nếu họ được chôn cất bình thường thì những thi thể đó sẽ có khả năng xuất hiện thi biến (hóa thành cương thi) tương đối nguy hiểm, do đó bọn họ đều được đặt vào những quan tài bằng sắt - theo quan điểm trong truyện thì đây là biểu hiện rằng quan tài có chứa những cỗ thi thể có tình trạng rất nguy hiểm. Trên người của một Trương Khởi Linh hiển nhiên cũng có hình xăm Kỳ lân, đây là biểu thị của một khế ước cổ của gia tộc được di truyền.

Đặc điểm

Đặc điểm chung của toàn bộ người Trương gia, không kể Bổn gia hay Ngoại tộc, chính là có tuổi thọ lâu hơn người bình thường rất nhiều, trong đó thì người Bổn gia sẽ có tỷ lệ đạt được trường thọ cao hơn Ngoại tộc, hơn nữa tuổi thọ người Bổn gia cũng cao hơn. Ngoài ra trên người họ sẽ được xăm hình xăm để biểu thị thân phận Trương gia. Người Bổn gia biểu thị huyết thống thuần khiết "Kỳ Lân huyết", nên trên ngực trái của họ sẽ có hình Kỳ lân dùng loại mực được điều chế từ thảo dược và máu chim bồ câu theo quy trình rất đặc biệt, chỉ khi máu trong người nóng lên do sự tăng nhiệt độ cơ thể thì hình xăm này mới xuất hiện. Mà người Ngoại tộc, hoặc hậu duệ của Bổn gia với nữ thường hoặc nữ từ Ngoại tộc, đây đều là những người không bị ràng buộc bởi yêu cầu hôn nhân cận huyết, không có được huyết thống thuần khiết "Kỳ Lân huyết", do vậy trên ngực phải của họ đều có hình xăm là con Cùng kỳ (窮奇) - một lại hung thú trái ngược với Kỳ lân là thần thú.

Một đặc điểm khác của người Trương gia, là họ có một bàn tay (trái hoặc phải) đặc biệt, thể hiện qua ngón tay của bàn tay ấy dài hơn bình thường, sự đặc biệt này một phần là thể chất, và phần khác là được tôi luyện từ "kỹ năng" của Trương gia. Người Trương gia nói chung có kiến thức đặc biệt về nghề trộm mộ, do họ được rèn luyện từ nhỏ bằng các loại kĩ năng và công phu đặc biệt, mà sự điêu luyện của họ về nghề trộm mộ chính là ngón trỏ và ngón giữa của mỗi người đều được dùng để dò thám các loại cơ quan đặc biệt trong cổ mộ, hoặc để lần mò trong những cỗ quan tài đặc biệt. Kỹ năng này sau khi được trình diễn bởi Trương Diêm Thành, giang hồ tán thưởng gọi là Song chỉ thám động (雙指探洞; nghĩa là "Hai ngón tay dò động") và trở thành một đặc điểm nổi bậc của người Trương gia.

Phát triển cùng suy tànSửa đổi

Sau nhiều thế kỉ phát triển, gia tộc này luôn âm thầm cài đặt người của mình trong bộ máy chính quyền quân chủ, bằng chứng là rất nhiều danh nhân mang họ Trương (Trương Nghi, Trương Lương, Trương Giác , Đông Phương Sóc), họ còn cho lập nên rất nhiều những Kho hồ sơ ở rất nhiều vùng đất để thu thập đủ loại tư liệu văn kiện về truyền thuyết và cổ mộ (Chi tiết được đề cập trong Tiền truyện Hồ sơ Nam bộ), họ cũng thu nhận nhiều cô nhi đổi thành họ Trương để trấn giữ, tạo nên một mạng lưới Trương gia Ngoại tộc ở địa phương đồ sộ.

Sự thịnh vượng của gia tộc này bắt đầu bị tác động bởi yếu tố quấy phá của Uông gia từ bên ngoài, dẫn đến chia ra phe phái nghi ngờ sự tồn tại của gia tộc. Để củng cố vị thế, lãnh đạo của Bổn gia đi vào cổ mộ của Chu Mục vương, đem ra một thai nhi được đặt bên trong một chiếc hộp sắt. Thai nhi này đã trải qua 3.000 năm mà vẫn còn sống, ý đồ của người lãnh đạo Bổn gia khi ấy là đem thai nhi này như một biểu tượng trường sinh bất tử để củng cố địa vị của danh hiệu Trương Khởi Linh, làm các phe phái khác trong Bổn gia lẫn Trương gia Ngoại tộc tiếp tục tin tưởng sự tồn tại của gia tộc. Nhưng yếu tố mấu chốt xảy ra, cái thai nhi là một tử thai, hoặc không thành công nuôi lớn, hoặc vì cảm thấy có nguy cơ trong việc nuôi lớn thai nhi này, mà cuối cùng lãnh đạo Bổn gia quyết định để một đứa trẻ thực sự thay thế, đó là Muộn Du Bình. Theo "Tạng Hải Hoa", Muộn Du Bình là con trai của một người Bổn gia với một phụ nữ người Tây Tạng, người đàn ông này từng đi Nepal chuyển hàng trong một thời gian rất lâu, thời điểm người đàn ông ấy quay về đã đem theo Muộn Du Bình. Lúc này là vừa xảy ra câu chuyện thai nhi, nên Trương Khởi Linh khi ấy quyết định đem Muộn Du Bình nói dối thành thai nhi 3.000 năm tuổi, còn thai nhi thực sự có lẽ đã thành tử thai.

Nhưng lời nói dối này khiến các phe chống đối Trương Khởi Linh nghi ngờ và cuối cùng phát hiện ra, điều này đã chính thức khiến toàn bộ Trương gia rơi vào nội đấu. Muộn Du Bình, vốn được giáo dục và bảo hộ như Thần thánh, lập tức bị vứt bỏ không thương tiếc, trong quá trình trưởng thành bị đối xử tàn nhẫn, thỉnh thoảng được sai bảo lấy máu để xua đuổi sâu bọ trong cổ mộ cho người Bổn gia. Về sau, Trương Khởi Linh khi đó bị cuốn vào nội đấu và bị phe phản đối ám hại dìm chết trong Thành cổ Từ Châu. Gia tộc Bổn gia lúc này rơi vào khủng hoảng, đối diện với việc không có ai trở thành "Trương Khởi Linh", đồng thời tất cả thành viên Bổn gia lẫn Ngoại tộc đều rối loạn tứ tán, không ít người Bổn gia đều đi theo Trương Khải Sơn vốn đã tách ra từ lâu. Trọng trách Tộc trưởng "Trương Khởi Linh" qua nội đấu đã khiến người Trương gia nghi ngờ, không ai muốn tự mình gánh vác bất hạnh của gia tộc, vì thế họ lại đưa Muộn Du Bình đã bị vứt bỏ lên thay, trở thành "Trương Khởi Linh" hiện tại của mạch truyện, và có lẽ là cuối cùng.

Một số thành viên Trương gia, cả Bổn gia lẫn Ngoại tộc. Trừ bỏ Trương Khải Sơn biểu thị Ngoại tộc và Muộn Du Bình biểu thị Bổn gia, trong thế giới Đạo mộ bút ký còn có những người Trương gia khác:

Trương Thụy Đồng (tiếng Trung: 張瑞桐): là vị Trương Khởi Linh tiền nhiệm trước Muộn Du Bình, đồng thời là ông nội của Trương Khải Sơn. Chủ ý đem Muộn Du Bình thay thế thai nhi 3.000 năm, khi sự việc bị phát hiện mà vứt bỏ Muộn Du Bình, bởi vì xem đây là một vụ bê bối đáng hổ thẹn của Trương gia. Về sau Trương Thụy Đồng bỏ mình trong Thành cổ Từ Châu bởi vì nội đấu Trương gia.

Trương Thụy Phác (tiếng Trung: 張瑞樸): phản đồ của Trương gia, xuất hiện trong Tiền truyện của Đạo mộ bút ký là "Hồ sơ Nam bộ" (南部档案). Trên bàn tay có 3 ngón tay dài, được đánh giá "Thuộc dạng tư chất tương đối bình thường", theo tên đệm thì có lẽ cùng thế hệ với Trương Thụy Đồng.

Trương Diêm Thành (tiếng Trung: 張鹽城): rất có khả năng là Trương gia Bổn gia, tự xưng là hậu duệ của Phát Khâu tướng quân bên cạnh Tào Tháo. Bàn tay trái có 5 ngón tay đều rất dài, có quy tắc trộm mộ rất bài bản.

Trương Hải Khách (tiếng Trung: 張海客): một người Trương gia Ngoại tộc ở nước ngoài, xuất hiện trong "Tạng Hải Hoa", từng bảo hộ Muộn Du Bình khi chỉ mới 13 tuổi. Tuổi thật của nhân vật không rõ, chỉ biết hơn 2 tuổi so với Muộn Du Bình. Từng giả dạng làm Ngô Tà (Đạo mộ bút ký quyển 8 chương 26), hành tung tương đối kỳ bí. Sau khi Ngô Tà tiêu diệt Uông gia, Trương Hải Khách biểu thị muốn phục hưng Trương gia qua tiệc Trung thu, chi tiết ở trong "Đoản Trung thu 2019" do Nam Phái Tam Thúc viết.

Trương Hải Kỳ (tiếng Trung: 張海琪): một người Trương gia Bổn gia quản lý Kho hồ sơ ở Nam Dương, đồng vai đồng vế với Trương Hải Khách, xuất hiện trong "Hồ sơ Nam bộ". Một người phụ nữ hành sự tất cả vì lợi ích của Trương gia, vì hành trạng của Trương gia trong việc lưu trữ nên các tập hồ sơ ở Nam Dương mà thu nhận nhiều cô nhi, trong đó có Trương Hải Diêm.

Tiểu Trương ca (tiếng Trung: 小張哥): tên thật Trương Hải Lâu (張海樓), sau đổi Trương Hải Diêm (張海鹽), một cô nhi được Trương gia Trương Hải Kỳ nhận nuôi, nhân vật xuất hiện trong Phiên ngoại "Huyễn cảnh" (幻境) và sau đó là phần "Hồ sơ Nam bộ". Nói nhiều cực kỳ, tuy là được nhận nuôi nhưng cũng được thừa hưởng sự trường thọ của gia tộc, tự xưng Tiểu Trương Ca bởi vì gọi Tộc trưởng Trương Khởi Linh là "Đại Trương Ca". Đã đi qua cửa Thanh Đồng, biết được bí mật Chung Cực, từng yêu cầu Ngô Tà trả Tộc trưởng Trương Khởi Linh để chấn hưng Trương gia.

Trương Hải Hà (tiếng Trung: 張海蝦): cũng gọi Trương Hải Hiệp (張海俠), cũng là một cô nhi được Trương Hải Kỳ nhận nuôi.

Trương Nhật Sơn (tiếng Trung: 張日山): nhân vật được Nam Phái Tam Thúc thiết kế đặc biệt, chỉ có trên phim Lão Cửu Môn và Sa Hải, không xuất hiện trong các truyện. Xuất thân Trương gia Bổn gia, đi theo Trương Khải Sơn làm Phó quan, nên cũng được gọi là Trương Phó quan (張副官). Sau khi Trương Khải Sơn chết, Trương Nhật Sơn tiếp nhận chức Hội trưởng của Cửu Môn hiệp hội (九門協會) và Khung Kỳ công ty (穹祺公司; là thương nghiệp cá nhân Trương gia trong Cửu Môn).

Khái niệm về "Nó"Sửa đổi

Trong suốt gần cuối chính văn Đạo mộ bút ký, từ tư liệu của Trần Văn Cẩm mà độc giả lần đầu tiên biết được khái niệm này, sự tồn tại của "Nó" đại biểu một thế lực phản diện vô hình của mạch truyện. 『; 它』, chữ Trung dùng là một từ âm "Tha" nhưng trung tính, không thiên về đại từ xưng hô chỉ nam hay nữ. Sau phần "Sa Hải", nhân tố "Nó" được xác định chính là Uông gia (汪家).

Đây không phải là một cái gia tộc, đây gần như là một dạng liên minh lấy tư tưởng chung hợp thành. Xuất phát của thế lực này là từ Uông Tàng Hải. Căn nguyên của sự việc, theo "Tạng Hải Hoa" tiết lộ, là khi Uông Tàng Hải nhận thức được sự bao trùm của Trương gia trong quá trình phát triển của nhân loại, do vậy ông ta có ý phản kháng lại thế lực của Trương gia và đã lần mò đến Trường Bạch Sơn - đất tổ của Trương gia - để tìm kiếm đáp án này. Nhưng chẳng may ông bị người Nữ Chân của Vạn Nô vương bắt được và bị đem làm nô lệ đi sửa lại Vương lăng, tức Vân Đỉnh Thiên cung trong truyện. Cũng từ đây, Uông Tàng Hải khám phá ra Chung Cực, ông kinh hãi về bí mật to lớn này, muốn cố gắng truyền ra nhưng đều bị Trương gia ngăn cản, do đó chỉ còn có thể lén lút che giấu thông tin này trên những con "Xà mi Đồng ngư", đặt những con cá này vào những cổ mộ trong bản đồ long mạch được thiết kế dẫn đến Trường Bạch Sơn. Ông ta hi vọng hậu thế sẽ có người tiếp thu lý tưởng của ông ta, và những người kế thừa ấy chính là Uông gia. Trong khi Trương gia che giấu bí mật về Chung Cực, Uông gia lại muốn công khai nó, do vậy cả hai đều ám đấu giao tranh, mà Uông gia có cách chia rẽ khiến Trương gia tự tan vỡ.

Đến tận khi chính văn Đạo mộ bút ký kết thúc, "Uông gia" vẫn chưa là một khái niệm hoàn chỉnh, mà chỉ như là một dạng thế lực vô hình nào đó chia rẽ Trương gia. Căn cứ phần "Đại kết cục" ghi lại, Trương Khởi Linh Muộn Du Bình đã nhận thức được một thế lực ám hại cả gia tộc của mình, nên mới liên kết Lão Cửu Môn, song Lão Cửu Môn gặp phải biến cố mà đi đến sự diệt vong quá nhanh chóng. Hai nhà Ngô gia và Giải gia, khi ấy đã nhận thức thực sự có một thế lực nào đó không chỉ làm hại Trương gia mà còn khống chế Cửu Môn, nên lấy đại diện Ngô Nhị Bạch - Ngô Tam Tỉnh cùng Giải Cửu Gia - Giải Liên Hoàn lập nên kế hoạch đánh lạc hướng Uông gia qua sự ra đời của Ngô Tà. Đến khi quyển truyện kết thúc, Ngô Tam Tỉnh (Giải Liên Hoàn) vẫn nghĩ Uông gia là một tổ chức liên hệ với chính phủ nào đó, chỉ cần thiêu hủy cái "Thi thể quan trọng" kia và đợi khi vị lãnh đạo chết đi thì toàn bộ sự việc sẽ kết thúc. Về sau trải qua quá trình nghiên cứu khi mất tích trong "Sa Hải", Ngô Tam Tỉnh thông qua lời nhắn Xà độc gửi Ngô Tà, mới xác định được khái niệm "Uông gia" có tồn tại, mà cái khái niệm tổ chức khi trước Ngô gia lẫn Giải gia nhận định chỉ là một tầng sương mù ngụy trang của Uông gia mà thôi.

Trong phần "Sa Hải", đại bộ phận Uông gia đã bị Ngô Tà tiêu diệt. Nhưng Uông gia chỉ là một dạng lý tưởng liên kết với nhau, nên hậu đại thừa kế vẫn còn rất nhiều.

Âm mưu 3000 năm

Giải thích về âm mưu này chỉ được hé lộ trong phần "Sa Hải", nhưng do có liên quan đến cốt truyện chính nên vẫn được liệt vào trong đây.

Hơn 3.000 năm trước, Tây Vương Mẫu quốc ở phía Tây được biết đến qua công nghệ khai thác một loại thiên thạch cổ đại đặc biệt được gọi là Vẫn ngọc (陨玉), thứ này có liên quan mật thiết đến phương thức trường sinh bất lão trong thế giới Đạo mộ bút ký. Căn cứ học thuật mà người Uông gia tiết lộ cho Lê Thốc (Nhân vật chính phần Sa Hải), Chu Mục vương lên ngôi năm 55 tuổi, đối với người thời cổ là rất già rồi, ông ta đã rất không cam tâm sự thật này, nên sau khi nghe được sự trường sinh của Tây Vương Mẫu quốc, Chu Mục vương đã dốc hết toàn bộ quốc lực để đi đến nơi này, và tại đó ông đã gặp Nữ vương của vùng đất bí ẩn này, Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết. Cả hai đã yêu nhau, trao nhau nhiều tặng phẩm, Tây Vương Mẫu hoặc vì lời cầu xin của Chu Mục vương, hoặc vì cũng muốn gặp lại ông ta, mà quyết định trao cho thuốc trường sinh. Người Uông gia cũng nói:「"Chu Mục vương không thể dùng thuốc trường sinh, mà bản thân Tây Vương Mẫu cũng biết rõ"」, đây là bởi vì điều kiện trường sinh của Tây Vương Mẫu chính là ăn vào Đan dược kịch độc có chứa Thi biệt vương kèm theo phải ở trong Vẫn ngọc để tiến hành quá trình lột da qua nhiều năm. Thế nhưng, Vẫn ngọc là thứ độc nhất vô nhị, Tây Vương Mẫu không thể cho đi, cho nên điều kiện cần là Chu Mục vương cần quay lại Tây Vương Mẫu quốc, hoặc là một thứ có thể thay thế Vẫn ngọc, chính là "Ngọc dũng" được làm từ loại ngọc cùng chất với Vẫn ngọc.

Tác dụng của Đan dược có thể duy trì tình trạng trường thọ tương đối hiệu quả, nhưng tác dụng phụ rất lớn đó chính là khiến người ăn gặp thi biến, tức là xuất hiện quá trình khiến cơ thể biến đổi dị dạng thành các loại quái vật, cũng chính là các loại "Huyết thi""Cấm bà" hay "Hải Hầu tử" xuất hiện trong truyện. Để tránh tác dụng phụ này, Chu Mục vương lúc này lại không chọn quay về Tây Vương Mẫu quốc, mà tự mình thiết lập "Kế hoạch 3000 năm" đã khiến cốt truyện của Đạo mộ bút ký phát sinh.

Ban đầu, Chu Mục vương vào lúc 105 tuổi tuyên bố mình từ trần, xây dựng lăng mộ của mình, sau đó ẩn dật và dùng Thiết Diện sinh (Có thuyết nói là tự mình cải trang) để thực hiện việc trường sinh trong cổ mộ của mình. Ông ta thông qua Thiết Diện sinh làm quân sư cho Vua nước Lỗ là Lỗ công, nói về thứ thuốc trường sinh bất lão năm xưa, rồi tiến cử Lỗ Thương vương - một kẻ trộm mộ, được ngụy trang thành một Kỳ nhân có thể thông nối âm giới. Tiếp đến, Chu Mục vương cần cải tạo "Lăng mộ Chu Mục vương" của mình và thuận tiện truy tìm "Ngọc dũng", mà để làm được điều này thì ông ta cần phong cho vị Lỗ Thương vương này lên tước Vương, danh chính ngôn thuận vào lăng. Khi ấy các chư hầu đều có vua, nhưng chỉ Thiên tử mới được xưng tước Vương, còn lại là tước Công trở xuống, việc phong "Lỗ Thương vương" rất là trái đạo. Do đó, Chu Mục vương lại thông qua thân phận Thiết Diện sinh thuyết phục Lỗ công, diễn ra trò 「"Chu Thiên tử sách phong Lỗ Thương vương"」, như vậy Lỗ Thương vương đã được Thiên tử sách phong nên có thể dùng tư cách này mở cửa và cải tạo lăng mộ Chu Mục vương. Trong quá trình đó, Chu Mục vương thông qua Thiết Diện sinh, lôi kéo Lỗ Thương vương thành công tìm được "Ngọc dũng" trong một cổ mộ khác. Rồi đợi khi Lỗ Thương vương cải tạo cổ mộ, ăn viên Đan dược Thi biệt vương và mặc thứ này lên, Chu Mục vương lại lôi hắn ra, biến vị Lỗ Thương vương này trở thành "Huyết thi" canh cửa mộ, còn mình mặc chiếc áo này vào, nằm trong quan tài bên dưới Cửu đầu Xà bách và chờ đợi lột da tái sinh. Bên cạnh đó, Chu Mục vương không rõ thời gian mình có thể tỉnh lại, nên thiết kế ra âm mưu dùng thai nhi chưa đủ tháng chôn cùng vào một cái hộp cũng làm bằng Vẫn ngọc ở trong mộ, dùng như một đồng hồ báo thức của mình. Để chuẩn bị cho việc mình sẽ trở lại, không thể thiếu tài phú, do đó Chu Mục vương cũng đã sắp đặt rất nhiều tại vật của mình trong lăng mộ, tất cả nhằm để thời điểm Chu Mục vương tái sinh, ông ta có đủ trường sinh thể chất và vật chất giàu có, từ đó thống trị vĩnh viễn. Cũng theo "Sa Hải" đề cập, tập tục Hậu táng (厚葬) - tức là đem tài vật chôn cùng vào lăng mộ của mình - xuất hiện từ thời kỳ Xuân Thu, ứng với thời điểm mà Chu Mục vương vẫn còn sống trong truyện. Đây chính là giai đoạn "Lễ nghi sụp đổ" (禮樂崩壞) và hình thành lệ Hậu táng kéo dài rất nhiều thế kỉ về sau. Cũng theo người Uông gia, Chu Mục vương làm vậy cũng đã phần nào hình thành nên nghề nghiệp trộm mộ trong lịch sử, dù mục đích của ông ta chỉ là phỏng theo những gì ông ta chứng kiến tại Tây Vương Mẫu quốc, sắp xếp những người có thể lưu truyền thông tin văn vật giúp ông ta trong khi bản thân mình đang ngủ đông mà thôi.

Hiện tại, kế hoạch này đã được giải thích tương đối mập mờ và có phần cảm quan cá nhân của Uông gia trong "Sa Hải". Một ít suy luận từ độc giả, việc Chu Mục vương sắp đặt nghề trộm mộ, dường như là ám chỉ đến việc hình thành gia tộc Trương gia ở Đông Bắc - những người có kiến thức đặc biệt về trộm mộ và có liên hệ với bí mật Chung Cực tại cửa Thanh Đồng. Cuối cùng vào thời nhà Minh, nhân vật Uông Tàng Hải xuất hiện, phát hiện ra kế hoạch của Chu Mục vương, bí mật Chung Cực cùng sự tồn tại của Trương gia. Chính điều này dẫn đến việc ông ta đào tạo thế hệ thừa kế ý hướng của mình là Uông gia, phá hỏng kế hoạch của Chu Mục vương khi kích động người Trương gia mở quan tài thai nhi 3.000 năm trước thời hạn, từ đó cũng gây nên nội đấu khiến Trương gia tan vỡ, đạt được ước vọng khống chế và khám phá Chung Cực.

Về sau khi Ngô Tà xuống Lỗ vương cung, Muộn Du Bình chém đứt đầu Huyết thi là thi biến của Lỗ Thương vương, sau đó bóp cổ xác chết trong Ngọc dũng, nói đó là Lỗ Thương vương, mà Huyết thi bên ngoài là chủ nhân thật sự của ngôi mộ. Thực tế, người bị Muộn Du Bình bóp chết chính là Chu Mục vương, chính Muộn Du Bình cũng đã nói gợi ý "Xác chết này đã 3000 năm rồi", cũng vì âm mưu đã bị đứt đoạn giữa chừng, Muộn Du Bình cũng giết chết Chu Mục vương, kết thúc toàn bộ âm mưu này.

Lần trộm mộ lớn nhất lịch sử

Cái gọi là Lần trộm mộ lớn nhất lịch sử (史上最大盜墓行動), là một sự kiện được đề cập trong cuốn 7 của Đạo mộ bút ký, là sự kiện mấu chốt khiến Lão Cửu Môn suy thoái, cũng là sự kiện khiến Ngô Tà nhận thức được sự tranh đấu cao trào giữa Trương gia và Uông gia (lúc này vẫn chỉ ẩn mình) dưới lớp vỏ bọc truy tìm phương pháp trường sinh. Lần trộm mộ này có liên quan mật thiết đến thân thế của Muộn Du Bình, cũng như phần nào vén bức màn về gia tộc họ Trương ở Trường Bạch Sơn.

Sự kiện diễn ra vào khoảng những năm 1963, do Trương Đại Phật gia Trương Khải Sơn phát động lấy Trương Khởi Linh khi ấy - tức Muộn Du Bình - làm Thủ lĩnh. Việc bắt đầu khi Trương Khải Sơn, lúc ở trên bàn rượu đã tiết lộ về thân thế gia đình của mình, đều có liên quan đến gia tộc Trương gia tại Đông Bắc. Khi đó, Trương Khải Sơn từng trở lại nơi phát tích của gia tộc mình, nhưng phát hiện nơi đây chỉ còn là một chỗ hoang tàn, ở chỗ đó có cả một hầm ngầm to lớn chứa đầy những cỗ quan tài bằng sắt, vì tính quỷ dị mà cuối cùng người của Trương Khải Sơn đã tiêu hủy căn hầm này. Khi đó Trương Khải Sơn cũng là quân nhân, do vậy câu chuyện về gia tộc của ông đã truyền lên một vị lãnh đạo, đã khiến vị lãnh đạo này rất hứng thú bí mật của gia tộc. Sau khi Cách mạng thắng lợi, Trương Khải Sơn cùng gia tộc ẩn mình, nhưng vị lãnh đạo kia bước sang tuổi già liền sợ hãi cái chết, vì vậy đã cho truyền gặp Trương Khải Sơn và không rõ từ đâu mà ông ta biết bí mật về thuật trường sinh của Trương gia, và yêu cầu Trương Khải Sơn tiến hành tìm hiểu về bí mật này. Vì có đặc quyền, Trương Khải Sơn tiến hành tra xét các "Huyện chí" ghi lại thông tin địa danh và gia tộc của rất nhiều quận huyện trong cả nước, cuối cùng phát hiện manh mối ở núi Tứ Cô Nương tại Tứ Xuyên, tìm ra được Trương Khởi Linh (Muộn Du Bình) và tiến hành "Lần trộm mộ lớn nhất lịch sử" như truyện đề cập.

Cuộc trộm mộ này kéo dài 3 năm, vì một biến cố cực kỳ to lớn, sự kiện đã khiến Lão Cửu Môn thiệt hại nặng nề đến nhân khí, từ đó Cửu Môn cũng dần lụn bại. Không lâu sau đó, vị lãnh tụ cùng người phụ tá có liên quan của ông ta đều lần lượt qua đời, toàn bộ hạng mục công tác này cũng tự động kết thúc theo. Nhưng cũng theo Giải Vũ Thần trình bày, vẫn có người kế tục vị lãnh đạo kia - được gọi là thế lực A - muốn duy trì việc tìm kiếm thuốc trường sinh thông qua thế hệ của Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn, Trần Văn Cẩm và Hoắc Linh, tra xét các cổ mộ ở Tây Sa, rồi tiếp đó là Trương gia Cổ lâu tại Quảng Tây. Nhưng theo sự chứng kiến của Ngô Tà, họ nhận thức một thế lực B đối kháng thế lực A, giết và đánh tráo đoàn đội khảo sát tại Quảng Tây.

Sự tranh đấu giữa A và B, chính là một sự ngấm ngầm giữa phe liên hệ với Trương gia (là Ngô Tam Tỉnh cùng Giải Liên Hoàn) cùng người Uông gia - nấp dưới vỏ bọc của thế lực B. Theo như giải thích về "Nó" ở phần trên, lúc này Uông gia vẫn rất ẩn náu, khiến Ngô Tam Tỉnh cùng Giải Liên Hoàn cho rằng đó là một tổ chức nào đó muốn thanh trừ thế lực A mà thôi. Cho nên họ cố gắng bày kế đánh lừa, hoán đổi thân phận, chờ đợi "Kẻ lãnh đạo cuối cùng của tổ chức kia" chết đi và thiêu hủy cái "Thi thể quan trọng" kia thì toàn bộ sự việc sẽ kết thúc, như kết quả quyển 8 thể hiện. Họ không ngờ thực chất sự việc còn phức tạp hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro