Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cù lao Quốc Gia hay còn gọi là cồn Công Điền , nằm giữa vùng giáp nước trên nhánh sông Bắc Sắc , Hậu Giang . Ở đây bốn mùa cây lá xum xuê , dưới sông sóng bạc trên bờ cây xanh . Người dân miệt này họ sống một cuộc đời rất bình dị , thoải mái . Họ thoải mái và dễ dãi đến độ không cần phân biệt giữa “cồn” và “cù lao” làm gì cho rắc rối cuộc đời , bởi vậy ai quen miệng rồi thì muốn gọi bằng gì tùy ý . Đó là hai cái “cồn” nhỏ song sinh , chỉ cách một cái “khém” nước nhỏ , mà những lúc nước ròng , quí cụ nhà ta cũng có thể tụt quần đùi bơi sang thăm …. chị suôi một cách thoải mái ! Đó là cù lao Quốc Gia và cồn Bùn . Cái địa danh Quốc Gia này không biết nó ra đời ở một hoàn cảnh nào , nhưng tính theo tuổi thọ còn khá non trẻ của cái cồn này thì chắc nó được ra đời trong thời kỳ chiến tranh Quốc Cộng , có lẽ ở nơi này chỉ có phe Quốc Gia mà chẳng có bóng của Việt Cộng , hoặc giả chỉ có Việt Cộng nằm vùng nên không ai biết ! Mà giả sử nếu có Việt Cộng đi nữa thì cũng không có ai lại đặt tên cho một cái cồn là cồn Việt Cộng , nghe kỳ cục quá ! Hai cái “cù lao” con con này được chính quyền của hai chính thể qua gom chung lại thành một ấp , gọi là Mỹ Phước để dễ bề quản lý cũng như điều hành công việc hành chánh .

Chỉ có khoảng vài trăm nóc gia mọc rãi rác xen lẫn với những khu vườn cây ăn trái . Ở đây quanh năm , khách nhàn du ghé lại bất cứ lúc nào cũng có trái cây để thưởng thức . Nào cam , quít , nhãn , chôm chôm , sầu riêng , nào măng cục , mãng cầu , “sao cô chê” và còn nhiều , nhiều nữa .

Nhắc đến trái “sao cô chê” làm nhiều người không hiểu đấy là loại trái cây gì mà có cái tên như … câu hỏi vậy ! Nó còn có cái tên rất vô nghĩa và hơi … ngoại quốc là Sa-bô-chê . Vì sao có cái tên này thì người viết hổng biết thiệt tình , nhưng nghe cách phát âm ngồ ngộ thì tạm cho nó xuất xứ từ cái xứ lắm Chùa nhiều Tháp Kam-pu-chia vậy ! Ngoài cái tên rất “ngoại” của loại trái này , người ta còn gọi nó bằng nhiều tên khác tùy theo mỗi vùng . Chẳng hạn như : Sa-Bô , Sa-Chê , Bô-Chê . Thậm chí , kỳ cục hơn nữa , có người còn can đảm gọi nó là Cu-Chê mới ngộ chớ ! Nói xin lỗi chớ cái danh từ Cu-Chê này nếu mà nói ngược lại thì người ta sẽ nghĩ là phe chị em ta ở miệt này có vấn đề !

Nói về loại trái cây có nhiều tên họ này , mình cũng nên tản mạn một chút cho rõ gốc tích ngọn ngành của nó . Theo như lời kể , thì ngày xưa , khi dân tộc An Nam Mít của mình chưa biết thưởng thức cái hương vị độc đáo , ngọt ngào của trái “sao cô chê” thì loại cây ăn trái có “tầm thước” này đã mọc đầy trong rừng như những loại cây hoang dã khác . Duy có những tay thợ săn không thích ăn ngủ với bà xã , cứ ở miết trong rừng , vì tình cờ mới phát giác ra . Và đó cũng là những người đầu tiên của … loài người biết chiếu cố đến thứ trái cây lạ , không tên này . Dĩ nhiên sự phát giác này trăm phần cũng nhờ những con dơi mách nước chớ mấy ổng cũng chẳng tài gì mà dám ăn .

Chuyện kể rằng , có một hôm nọ , một cô gái nọ lang thang vào rừng tìm … Tiên . Ngày xưa Tiên ông Tiên bà , thậm chí Tiên Nữ cũng thường ở trong rừng , hễ muốn gặp Tiên thì cứ vào rừng đi nhong nhong thế nào cũng được gặp Tiên . Nhưng cô gái kém may mắn này đi suốt mấy ngày , thức ăn đồ uống đã cạn , đói lã người mà Tiên đâu không gặp . Sau bao nhiêu ngày bương chãi với sơm lam chướng khí , phần mệt , phần đói nên trông cô thảm hại và tan tác làm sao . Khi nhìn những cành cây xanh um quằng trái , không biết là loại trái gì nhưng trông nó xù xì và xấu xí quá . Cô nhón chân hái một trái , ngữi thì chẳng có mùi gì hấp dẫn , ngược lại chất mũ từ trong trái cây ấy tươm ra dính bê bết trên tay cô , gây một cảm giác khó chịu vì nó dinh dính như chất keo hồ . Nhưng vì đói quá nên cô không cần suy nghĩ , vội đưa lên miệng cắn một miếng để rồi … nhăn nhó ! Cô mạnh tay quăng cái trái cây lạ lùng vừa cắn dở kia thật xa rồi phun phèo phèo như vị Pháp Sư đang phun bùa trục quỷ . Cô nhăn mặt lắc đầu :

-I da ! Chát quá ! Chát quá !

Bổng anh chàng thợ săn xuất hiện . Anh ta nhìn cô gái từ đầu đến chân rồi bước lại bên gốc cây , cúi xuống lượm lên một trái đã bị loài dơi ăn mất đi gần một nửa . Anh ta chùi tạm vào gấu áo rồi đưa lên miệng cắn nhai ngấu nghiếng trông thật ngon lành . Cô gái thừ người đứng nhìn và lẩm bẩm một mình :

- Cái thằng cha này chắc khùng ! Cái trái gì chát ngắt mà chả ăn coi ngon quá trời !

Lời chưa dứt thì anh thợ săn lượm thêm một trái . Lần này hắn không ăn mà mang lại cho cô gái . Nhìn cái trái chát ngắt mà khi nãy cô đã nếm qua , cô lắc đầu nhìn anh thợ săn như từ chối . Anh thợ săn dúi vào tay cô một nửa trái còn lại đã bị loài dơi ăn dở , cười híp mắt hỏi như trêu  :

- Sao cô chê ?

Rồi từ đó , cái tên “Sao cô chê” được ra đời . Sao cô chê thì có đầu có đuôi như một chuyện “có thiệt” , còn cái mỹ danh “Cu-Chê” kia , chẳng hiểu nó ra đời bằng một “khúc quanh lịch sử” nào mà nghe lạ tai quá !

Tóm lại , loại trái cây này bây giờ , sau bao nhiêu đổi dời thế sự , sóng gió thăng trầm , , nó đã nhảy lên hàng trái cây quốc hồn quốc túy rồi . Người sống tha hương lúc nào cũng hay mơ về cố thổ . Thỉnh thoảng ra phố Tàu mua vài trái mang về nhà để từ từ thưởng thức vị ngọt quê hương , để nghe nhớ nhà da diết ! Có câu là “Ăn Sao-cô-chê để tương tư về quê mẹ . Đớp phở bò là tưởng nhớ đất ông cha” !

Ngoài ra , trái Sao cô chê còn có một công dụng khác mà ít người biết tới . Đó là vị chát của trái non . Nếu quí vị nào ăn soài sống nhiều rồi tu nước lạnh vào thì ông Tào Tháo ổng cứ ở phía sau lưng mà rượt mãi . Khi ấy , quí vị cứ ra ngay cây Sao cô chê sau hè , hái một trái non , cho vào lửa than mà nướng , cũng như cá lóc nướng trui vậy . Bao giờ thấy cái vỏ bên ngoài cháy khét đen , tức là hết mũ thì mang ra bóp nát , bỏ vô chén pha với nước mà uống . Bảo đảm , uống xong thì cứ tự nhiên đi rước dâu , hổng sợ bị nhảy xuống sông bất thình lình đâu !

Chắc bà con thắc mắc , sao cha này tự dưng ví dụ gì mà kỳ cục . Khi khổng khi không sao lại đi rước dâu , rồi tự dưng lại nhảy xuống sông ?? Khó hiểu , khó hiểu !

Chuyện là vầy : Có một anh Việt Kiều nọ về quê cưới vợ . Vì xa nhà lâu quá nên đêm nhóm họ bè bạn xa gần cũ mới tề tựu nhậu nhẹt tưng bừng . Anh Việt Kiều hứng quá , ăn uống bất kiêng , dù biết rằng cái bụng của mình còn đang trong thời kỳ “ngã nước” , nghĩa là ở xa về nên tránh ăn những thứ hổng ổn cho cái bao tử vì có thể bị “phản thùng” sinh ra tiêu chảy . Và anh Việt Kiều này bị “dị ứng đường miệng” thiệt , mà còn nặng nữa mới khổ chớ ! Hôm sau , khi đang ngồi trên chiếc xuồng rước dâu . Ở miệt vườn miền Tây thường thì sông ngòi chằn chịt , mọi di chuyển đều bằng tàu bè , ghe cộ . Bởi vậy đi cưới vợ cũng cần phải chiếc “xuồng bông” thay vì chiếc xe bò lộc cộc ! Chú rễ nhà ta đang mơ màng thả hồn “liêu trai” bên cô dâu xinh xinh e thẹn , bổng cái bụng nó trỗi lên khúc nhạc lòng khó chịu vô tả . Cố nhịn lắm nhưng làm sao mà nhịn được , bởi cái gì nó tới , nó cứ tới và cái gì xảy nó cứ tự nhiên xảy ra , mà xảy ra một cách … ồ ạt ! Chú rễ khổ sở , nhìn chung quanh rồi quay lại nhìn cô dâu , anh nhăn nhó trong nụ cười thật … hổng tươi chút nào :

- Đố em cưng vậy chớ anh có dám … nhảy xuống sông hông em ?

Cô dâu ngạc nhiên hổng biết chuyện gì xảy ra cho anh chồng Việt Kiều , thiếu gì chuyện để đố , sao lại kỳ cục , đi đố nhảy xuống sông ! Cô định hỏi cho ra lẽ nhưng chú rễ đã nhanh chân phóng tỏm xuống sông cái ùm ! Hết chuyện ! Về sau , nếu nhắc lại cái kỷ niệm động trời này chắc chú rễ sẽ cho nó một cái tên , chẳng hạn như kỷ niệm bị ông Tào Tháo … xô , cũng hổng chừng !

Mèn ơi ! Nói dông nói dài , nói hoài một hồi thành ra nói … lạc ! Nãy giờ  tôi đã đi tới đâu rồi nè . Thôi , xin sì tốp để quay lại với cái cù lao Công Điền hay là cái cồn Quốc Gia . Vì nó mới là đề tài chính của chuyện cô Hai Mận , con gái cưng của ông Tám Tình Tang .

Nhắc tới Tám Tình Tang , cũng nên nhín chút thì giờ mà sơ lượt cái “thành tích” cũng như nguyên nhân nào ông Tám được hỗn danh là Tình Tang như vậy . Ở miền quê , xứ của tui , như là một căn bệnh di truyền trong thôn xóm , lâu dần đã nghiễm nhiên trở thành một thói quen không thể nào bỏ được . Đó là cách xưng hô với nhau , bạn bè gọi bạn bè mày tao may tớ , chồng gọi vợ là “nhà” , là “mình” , thậm chí còn gọi là … “mày” giống y như chú Tư Cầu gọi Phấn của ông Lê Xuyên vậy ! Còn các bậc sồn sồn thì họ kính lão nên gáng cho cái thứ đi trước rồi sau đó mới tới cái tên cúng cơm . Nhưng , tên cúng cơm có lẽ người ta ít xài hơn những cái tên lóng . Và tên lóng này dựa vào đặc điểm nào nổi bậc của từng cá nhân , chẳng hạn , có ông Hai đờn cò giỏi nhất xóm thì dĩ nhiên ổng sẽ được hỗn danh là Hai Đờn Cò , có bà Ba mang bệnh lát kinh niên thì người ta cũng không nhân nhượng để gán cho bà cái tên ngộ nghĩnh , nghe qua là biết , đó là bà Hai Lát Ướt !

Ở đây , ông Tám Tình sở dĩ được hổn danh là Tám Tình Tang hơi … khó hiểu bởi vì ngày xưa ông cũng có một kỷ niệm để đời , khó quên . Chàng Tám Tình ngày nào còn mơn mỡn trai tơ cũng lẳng lơ có hạng . Ở cùng cù lao , có một cô Ba nọ cũng tuổi đang độ trăng tròn lẽ , mà ông Tám nhà ta có ý thương thầm không biết tự bao giờ .Tuy thương thì thương lắm , nhưng không có dịp gần nhau nhiều nên Tám đành ôm mối tình câm , đêm đêm âm thầm bên quyển Binh Thư , tìm phương cách “công đồn diệt địch” vừa an toàn vừa chắc chắn ! Hôm ấy , ông anh cả của cô gái nọ khi khổng khi không đang khỏe như văm lăn đùn ra chết . Có người cho rằng , vì ông ấy xúc phạm người khất mày khuất mặt nên Bà Cố Bà Hồng nào đó nỗi giận bắt đi . Có người chỉ đổ cho là có cơn gió độc nào vừa thổi qua , và ông xui xẻo nên trúng phải gió mà thác ! Nhà cửa đang cơn tang gia bối rối , ông Tám thừa dịp chạy sang , sớ rớ một lúc , chờ canh khuya vắng lặng , ông lẻn chui vào mùng cô Ba , người mà ông hằng ấp ủ trong mơ . Thế rồi , cô Ba cũng kháng cự dữ lắm . Cô Bảo bảo rằng :

- Anh Tám , nhà có tang nghen anh Tám !

Ông cứ một mực nài hoa ép liễu . Cô Ba vừa vùng vẫy vừa ỉ ôi năn nỉ , lúc đầu còn “thượng xuất chiêu , hạ xuất cước” , nhưng một hồi rồi thì yếu ớt dần , chỉ sơ sơ lấy lệ ! Ông Tám thấy tình hình tương đối ổn , nhớ tới lời dạy trong binh pháp : Biết người , biết ta , trăm trận trăm thắng . Ông “xuất kỳ bất ý” tấn công ngay tổng hành dinh , cả một vùng đồi núi màu mỡ của địch . Cô Ba hoảng quá , la … nho nhỏ :

- Anh Tình , nhà có tang !

Ông Tám không buông ta , cô Ba lại nhắc :

- Tình ! Nhà có tang ….!

Sau nửa hiệp giao tranh , ông Tám chỉ còn nghe cô Ba nhắc nhở ông qua hơi thở :

- Tình … tang , tang Tình …. Tình tang , tang tình ….!!

Sau cái thành tích lẫy lừng ấy , cô Ba nghiễm nhiên trở thành bà Tám , người cùng ông đờn tình tang trong suốt quãng đường đời . Và cô Hai Mận , đứa con duy nhất của ông bà , mà cũng là “sản phẩm” của cái đêm đầu tiên “tình tang” “công đồn diệt giặc” ấy !

Một hôm , vì quá say nên ông Tám mới bật mí cái bí mật “tang tình” cho một thằng bạn nối khố . Thế là sáng hôm sau , cả làng ai cũng biết , rồi cái “mỹ danh” Tám Tình Tang ra đời từ đó !

Tưởng chừng như hạnh phúc sẽ ngập tràn trong một mái ấm con con , bên khu vườn cây ăn trái bốn mùa xanh tươi . Nhưng bà Tám không ở với ông được bao lâu . Theo lời người kể thì bà bị mắc lời thề mà chết . Chuyện đau buồn ấy bắt đầu từ ngày khai hoa nỡ nhụy , cô con gái Hai Mận chào đời ….

Vì khó sinh nên khi mang Hai Mận vào đời , bà Tám phải vào nhà thương để mỗ. Sau ca mỗ ngắn ngủi ấy , bà đau thấu trời xanh nên thề độc với ông nhà :

- Tui xin thề : từ rày nếu còn ngủ chung với ông nữa thì cho tui ăn đạn đi !

Ông Tám đau khổ ra mặt . Tình nghĩa phu thê thắm thiết bao ngày từ đây thôi đành :

Ông ngủ mùng ông , tôi mùng tôi .

Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi .

Người nào cũng có mùng người nấy ,

Chớ đừng sanh chứng muốn …lôi thôi !

Tuy buồn nhưng vì thương vợ nên ông cũng ôm mền gối ra ngủ riêng nhà ngoài , hông dám “lôi thôi” nữa . Đâu được chừng vài tháng . Một đêm nọ , khi đang ngon giấc nống , ông Tám thấy có người giở mùng chui vô . Giật mình ông hỏi lớn :

- Ai vậy ?

Có giọng thanh tao , giọng của bà nhà :

- Tui nè ông ?

Ông Tám biết vợ mình nhưng vẫn làm bộ nạt nộ cho oai :

- Tui là ai ?

Có tiếng ỏn ẻn trả lời :

- Là bà vợ lôi thôi , hổng sợ ăn …. đạn nè !!

Thế rồi ít lâu sau , bà vì mắc lời thề nên trong một chuyến đi thăm bà con ở Cà mau , xe đò lọt vào ổ phục kích , bà bị lạc đạn chết tại chỗ , để lại ông Tám cô đơn và cô Hai Mận côi cúc trên cõi đời ô trọc .

Nhớ vợ , thương con nên ông không muốn tục huyền , cứ ở vậy làm gà trống nuôi con .

Những lúc buồn hiu quạnh , ông Tám hay uống chút rượu giãi sầu . Mà có lẽ ông sầu thiệt vì bà chưa kịp cho ông một thằng cu nào để nối dõi tông đường lại cuốn gói ra đi , âm dương chia cách . Ông trách bà rồi ông lại oán cả Trời già , sao nỡ lòng để cho ông tuyệt dòng dứt giống , lấy ai hương lửa khói nhang lúc trăm tuổi già ? Rồi những lúc ngồi không mà suy ngẫm , xét từ mấy đời tằng tổ , trãi qua những thăng trầm vinh nhục . Mà hình như chỉ có nhục chớ chẳng bao giờ được vinh . Cuối cùng ông vui lòng mà kết luận , dòng họ nhà mình có hiển hách cao sang gì đâu , dẫu có tuyệt tự không kẻ nối dõi tông đường cũng chẳng sao mà ! An ủi tuổi già , bên ông còn có được một cô con gái cũng thấy ấm lòng rồi . Nhất là cô Hai Mận càng lớn càng giống ông Tám như đúc , đó là niềm hãnh diện to tác của ông Tám đối với xóm giềng bà con . Hễ nghe ai nhắc đến cô Hai Mận là ông cười hề hề và tuyên bố :

- Con nhà tông hổng giống lông cũng giống cánh mà ! Hổng nghe ông bà mình hồi xưa hay nói : Con gái giống cha giàu ba họ đó sao ?

Và ông còn an ủi riêng cho mình bằng một câu quen quá là quen :

- Con giống cha là nhà có phúc !

Nhưng phúc ở đâu không thấy chỉ thấy … phiền !

Số là cô Hai Mận đã đến tuổi thành thân nhưng vẫn phòng không chiếc bóng hết năm này sang năm khác . Nhìn con gái mà lòng ông Tám héo hon . Những buổi chiều vàng êm ả , ông thường ra bàn Ông Thiêng ngoài trước cửa đốt nhan mà khấn vái , cầu duyên cho con gái . Bên bến nước Hậu Giang , gió vi vu thổi , sóng vỗ bập bùng , lục bình trôi tản mạn . Trời quê chiều tà , mây vàng bảng lảng , ráng đỏ cuối trời , khói lam mờ hòa cùng sương sớm , tạo thành cảnh sắc nên thơ , mây nước hữu tình . Chắc tiên ông tiên bà lo ngoạn cảnh rong chơi nên lời nguyền mỗi độ hoàng hôn của ông như nước từ thượng nguồn theo dòng chín nhánh trôi xuôi ra biển , chẳng linh ứng gì ráo . Thấy cầu nguyện hoài mà không có kết quả gì nên ông Tám đâm ra chán . Ông thở dài và tuyên bố :

- Thiệt là Ý trời !!

Ấp Mỹ Phước lại trãi qua một cơn sóng gió .

Căn bệnh dịch thời đại lấy chồng Đoài Loan đã lan tràn đến cái ấp chỉ hơn một ngày nhân khẩu này . Các bà , các cô thi nhau bàn tán xôn xao . Nào là chê bai đàn ông Việt Nam vũ phu , đàn ông Việt Nam hôi trâu , hôi …. hèm và có bà còn bạt mạng hơn nữa là chê mấy ông Việt Nam mình hôi … nách ! Trong cái đám chị em chúng mình ấy , nổi đình nổi đám nhất vẫn là Hai Mận . Cô hăng hái xung phong lấy chồng “ngoại kiều” cho nở mày nở mặt với bà con và để trả lại mối hận lòng của riêng cô đối với bao chàng thanh niên hàng xóm . Vì cớ gì chúng chẳng để mắt đến cô , chẳng bao giờ buông rơi một lời trêu hoa ghẹo nguyệt , dù chỉ chọc ghẹo qua đường cho cô … đỡ thấy tủi thân ! Phen này thì bọn bay sẽ mở to con mắt ra , ta quyết lấy chồng Đài chớ không thèm con trai xứ Việt !

Nhưng , mai đưa mối dẫn bao lần và lần nào cũng lọt sổ . Lý do đơn giản là những chú rễ Đài Loan chỉ ban cho Mận một số điểm quá khiêm nhường về nhan sắc . Bao nhiêu lần cho người ta coi mắt là bao nhiêu lần Mận sầu ra … nước mắt . Chán đời , Mận không còn dám chê đàn ông con trai Việt Nam nữa , cô âm thầm rút chân ra khỏi cái hội “báng bổ” các đấng mày râu xứ Việt để trở về tìm ông chồng người Việt .

Ông Tám hết sức khổ sở vì Hai Mận . Thấy con gái thay đổi ý định như chong chóng làm ông cũng … chóng mặt . Để cho Mận được rộng đường kén chọn , ông Tám nghĩ ra một diệu kế , diệu kế này có lần ông mang ra so sánh , tự thấy nó thần diệu , nếu không một chín một mười với Gia Các Khổng Minh thì cũng nửa cân tám lượng với Châu Du … thổ huyết chớ chẳng chơi đâu . Ông không ngại tốn kém , cho đăng ở những mục “Tìm bạn bốn phương” trên những tờ báo tiếng Việt , bất kể trong hay ngoài nước . Thậm chí , ông còn “hiện đại hóa” bằng cách cho mang lên mạng internet , hy vọng sẽ vượt xa nghìn dặm về tận những phương trời xa xôi nào đó có những chàng trai chưa vợ , đang cần một mái ấm gia đình . Với những điều kiện thật dễ dàng và nếu ai may mắn trúng tuyển thì được ông ban thưởng thật hậu hĩ , bên cạnh một gia tài kếch xù làm của hồi môn .

Và một lần nữa ông Tám được dịp vuốt râu tự khen mình lắm kế đa mưu , một kẻ đại tài chưa gặp thời nên còn mai một làm kẻ vô danh bên bờ sông Hậu , y như Lã Vọng ngồi câu cá mập bên bờ sông Vỵ ngày nào !

Mục “Tìm bạn bốn phương” vừa cho đăng hai tuần là kết quả đến thật quá sức tưởng tượng . Hàng trăm lá thư , tỏ tình có , xin đến nhà ra mắt có , thậm chí có ông còn hăm he rằng sẽ mang theo chai thuốc rầy , nếu như Hai Mận không ưng thì ông ta sẽ không tiếc gì thân xác , nốc cạn chai thuốc rầy uyên sinh cho vẹn chữ tình cùng cô Hai Mận !

Tự dưng cô Hai thấy mình quan trọng quá . Cô vui quá và yêu đời quá ! Ngày ngày ca hát líu lo như cô thôn nữ đang yêu và được yêu . Trong khi ông Tám thì nhức cả cái đầu . Bây giờ ông mới thấy càng lắm mưu nhiều kế thì càng khổ thân ! Muốn làm một Khổng Minh hay Châu Du là việc không phải dễ làm . Có những đêm dài ngồi bên đống đơn xin làm rễ , đọc rồi chọn , chọn rồi đọc , ông buồn ngủ mệt lã mà chưa dám ngã lưng , chỉ sợ kéo dài thời gian càng thiệt thòi cho con gái . Có nhiều lúc vì mệt quá , ông gục đầu bên chồng thơ rối tung  , nhớ chuyện xưa tích cũ rồi lại cảm khái than thở một mình :

- Trời sinh Du , sinh Lượng , sao còn sinh chi … Tám Tình Tang !

Cả trăm lá thư phải ngồi mà đọc , rồi chọn lọc coi thằng cha nào nói thiệt , cha nào gian . Mà đời này gian manh hình như chiếm đa số ! Thường thì mấy ông có máu gian giảo ma mảnh hình như ông trời phú cho cái tài xảo giỏi lắm . Gian xảo mà lị ! Đã bảo là gian xảo thì dù có tám ông Tám cũng không thể nào mò ra để cho lọt vòng sơ kết . Tuy vậy nhưng ông cũng kiên nhẫn , thức trắng mười đêm để đọc từng lá thư và chọn lựa . Cho công bằng hơn , ông chọn 1 chàng và cô Hai Mận được quyền chọn 1 chàng . Đương nhiên người mà ông Tám chọn phải là một người Việt Nam thuần túy , từ gốc gác đến nghề nghiệp . Chàng trai may mắn được ông chấm điểm cao nhất là một anh chàng nho sĩ hết mùa Trần Hào Sãng quê ở Bạc Liêu .

Khác với ông Tám , cô Hai Mận dù sao cũng là một cô gái còn trẻ , cuộc sống mới bao giờ cũng hấp dẫn trong cô . Trong những thí sinh cùng chí hướng với cô , có một lá đơn mà cô Hai rất ư vừa ý . Anh chàng này vốn là một Việt Kiều hiện đang sống tại Canada . Nguyện vọng của anh ta chỉ gói ghém trong hai câu ca dao :

“Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” .

Một điểm nổi bật mà cũng là cái lý do chính làm cho cô Hai Mận quyết định chọn ngay anh thanh niên xa xứ này đó là cái tên . “Cu To” ! Tên gì nghe lạ quá , tầm cỡ quá ! Tây không ra Tây , Việt không ra Việt . Như ngầm mang một ý nghĩa nào đó mà người đời ai ai cũng có thể dễ dàng đoán ra được , dù nghe chỉ một lần !

Thế rồi ông Tám cùng cô Hai sau khi bàn bạc và đi đến quyết định sau cùng là chọn ngày lành tháng tốt , mời hai ông thí sinh trẻ tuổi đến nhà , cùng thử tài cả hai và dĩ nhiên là chỉ chọn lấy một .

Từ đó , cô Hai ngày ngày ngoài công việc trong nhà , cô còn bỏ ra hàng giờ săn sóc lại cái dung nhan . Đêm đêm cô hay ra bờ sông , đứng nhìn bóng trăng vàng vằng vặc trên sóng nước nhấp nhô mà vái van cùng đất trời sông nước , cầu cho duyên trẻ sẽ gặp được bến mơ và thuyền tình ai đó sẽ sơm sớm đến để … cắm sào bên bờ sông Hậu !

Rồi cái gì tới với Hai Mận nó sẽ tới và tới bằng những đợi chờ pha lẫn hồi hộp , mà hồi hộp trong sung sướng !

Ngày lành đã đến . Hôm nay ông Tám được coi như đóng vai chánh chủ khảo , dĩ nhiên ông cũng hồi hộp không kém chi Hai Mận . Mặt trời vừa lên khỏi sào là đã thấy ông xúng xính trong bộ đổ bà ba mới , chiếc khăn rằn quấn ngang đầu quanh năm hôm nay tạm thời nằm im trong một góc . Để tăng thêm phần nghiêm trọng , ông cẩn thẩn mở tủ thờ , lấy đôi kính lão mà đã lâu ông chưa hề đụng đến . Ở miền quê ngày tối chỉ cầm cây cày vác cái cuốc , có đọc báo đọc chí gì đâu mà cần đeo kính lão chớ , ông thường nhắc nhở với Mận và bảo cô cất kỹ cho ông chờ khi nào hữu sự mới đeo vào . Nhìn cặp kính mà ông chợt nhớ lại cái thằng Cu Tèo , con đứa cháu nhà bên cạnh . Có một dạo hổng biết ai đồn đãi chuyện tận thế tận thiếc gì đó mà người ta đua nhau mua sấm Trạng Trình để đọc , để giải và để … lo ! Ông Tám cũng nhờ thằng cháu đi tận chợ Sóc Trăng , mua về cho ông một cuốn . Để chiều chiều , bên cánh võng đong đưa ngoài hàng ba nhà mà nghiền ngẫm lời vàng ý ngọc của cụ Trạng . Đọc chỉ để đọc chớ ông có hiểu có thông chỗ nào đâu . Có hai câu lục bác dễ nhớ :”Mười phần chết bảy còn ba . Chết hai còn một mới ra thái bình .” ông tuy không hiểu cụ Trạng muốn tiên tri cái gì nhưng vẫn cứ đọc nhẫm đến thuộc lòng để lâu lâu ông phun ra hù bà con chòm xóm . Những khi nằm đọc sấm ký dĩ nhiên ông Tám phải đeo kính lão mới đọc được . Thấy có thằng Cu Tèo hàng xóm sang chơi , đang đứng sớ rớ ông nhờ nó lấy cho ông cặp kính đang để ở trên bàn . Thằng Tèo ngoan ngoãn lấy cặp kính trao cho ông , nó nhìn ông đeo kính và chợt xuất khẩu hỏi một câu làm ông ú ớ :

- Ông Tám đeo kiếng mần chi vậy ông Tám ?

- Ừ , tao hổng thấy đường nên phải đeo kiếng để đọc sách , mầy hổng thấy sao mà còn hỏi !

Tèo như chưa hết thắc mắc :

- Vậy … khi ngủ ông Tám có đeo kiếng hông ông Tám ?

Ông Tám chưng hửng :

- Ngủ mà đeo kiếng để … tế tao hả mậy ?

Tèo gãi đầu hỏi :

- Hông đeo rồi khi ông Tám … nằm chiêm bao làm sao mà đọc sách hả ông ?

Ông Tám hết biết trả lời sao cho suông .

- !!!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro