Itachi chân truyền [nhìn lại]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  ーTác phẩmー
【Itachi Chân truyền】
▪ Quyển 1: Quang Minh Thiên
▪ Quyển 2: Ám Dạ Thiên
◯ Tác giả: Masashi Kishimoto & Takashi Yano
◯ Phát hành: 2015 (Nhật Bản); 2021 (Việt Nam)
◯ Dòng thời gian truyện: Trước khi Naruto chính truyện bắt đầu.


Bản dịch của tác phẩm được phát hành bởi nhà xuất bản Kim Đồng hiện có thể dễ dàng mua được tại các nhà sách ở Việt Nam với giá từ 105~132 nghìn đồng.

Bài viết ngắn này để nhìn lại nhân vật và cũng có thể được xem như là một phần bổ trợ cho ấn phẩm【Nghệ thuật kể chuyện bằng chữ viết】, vậy nên bạn nào theo dõi cẩm nang kỹ thuật viết thì dành thời gian đọc thêm bài này cũng ít nhiều hỗ trợ cho kinh nghiệm của các bạn.

(Có phiên bản điện tử trên Wattpad tên là【Kỹ thuật viết Genre Fiction】)

ー»«ー

Về mặt thực tế thì tôi lớn tuổi hơn Itachi-sama, nhưng tôi đã sùng bái anh từ khi tôi mới 16-17 tuổi. Vì vậy đến bây giờ, dẫu đã gần chạm mốc 30, mỗi khi nghĩ về/nhắc đến Itachi-sama, tôi vẫn luôn thấy mình nhỏ bé như ngày ấy. Thế nên, tôi vẫn sẽ gọi anh là ❛anh❜.

(Bức vẽ từ mười mấy năm trước nay đã phai mực, ố màu, và... bẩn.)

Và đối với tôi, dù thời gian có trôi đi nhường nào, Itachi-sama mãi mãi là người hoàn mỹ, bất bại, người có tài năng thiên phú của Indra và tấm lòng nhân hậu của Ashura. Cuộc đời anh đen tối cùng khổ, nhưng kỹ thuật xây dựng nhân vật, vòng cung của anh được thầy Kishi ❛thiên vị❜ một cách tuyệt đẹp và mỹ mãn.

Bài này sẽ không tiết lội (spoil) nội dung truyện (trừ các thứ đã có trong manga/anime), các bạn có thể yên tâm đọc. Tôi chỉ lưu ý rằng, các phần ngoại truyện về Itachi-sama trong Anime xây dựng rất sai và ẩu, không giống Itachi-sama phiên bản con đẻ của thầy Kishi trong tiểu thuyết và manga.

0.

Đầu tiên phải nói về việc: kỹ thuật xây dựng nhân vật và kỹ thuật cốt truyện trong manga giống như kỹ thuật xây dựng nhân vật và kỹ thuật cốt truyện trong Genre Fiction. Mặt khác, như tôi có nói trong cuốn cẩm nang của mình, Nhật Bản khá chuộng thuyết Cambell* trong xây dựng cốt truyện. Tác phẩm Naruto của thầy Kishi có cốt truyện chuẩn thuyết Cambell.
(Kỹ thuật viết: Phần I bài 2 & Phần II bài 5)

Kỹ thuật xây dựng nhân vật của tác phẩm Naruto toàn là kỹ thuật nâng cao (một số không nằm trong cuốn cẩm nang《quyển I: Cơ sở》của tôi, chỉ có trong《quyển II: Nâng cao》. Mà quyển đó tôi chưa hoàn thành). Bài viết này chỉ nói về tiểu thuyết《Itachi Chân Truyền》.

Lúc tôi bắt đầu đọc/xem Naruto thì hình như chỉ mới học cấp II. Khi Naruto kết thúc, mặc dù đã ngoài 20 nhưng tôi chưa phải một người kể chuyện. Vì vậy, tuy nó vẫn luôn là câu chuyện tôi yêu say đắm nhất, mang lại cảm giác tròn đầy và viên mãn, nhưng mãi đến bây giờ tôi mới đủ trình độ để giải thích cảm giác thỏa mãn của mình. Ngay khi thấy có tiểu thuyết được phát hành ở Việt Nam, tôi chẳng phí lấy một giây cho việc chần chừ.

Ghi chú 1: Tôi đọc Manga và xem cả Anime, nhưng hầu như chỉ bám vào thông tin Manga vì Anime có nhiều ngoại truyện không thuộc dòng sự kiện/thông tin chính thức của tác phẩm.

Ghi chú 2: Nhân vật duy nhất tôi ghét là Danzo.

1.

Từ khoảnh khắc hoàn tất thanh toán và gửi đơn đặt hàng thành công cho đến khi nhận được sách là khoảng 48 tiếng. Nếu trừ đi 16 tiếng dành cho việc ngủ ra thì số thời gian còn lại tôi dành cả cho việc suy nghĩ về ngôi kể.

Tiểu thuyết thì thua xa manga và anime về tính trực quan (phần hình ảnh), nhưng cũng có thứ mà ngoài tiểu thuyết ra, ngay cả phim ảnh cũng không mang lại được: tư duy của nhân vật, cảm giác, xúc giác, mùi, vị, mâu thuẫn nội tâm... Vì vậy tôi đã rất mừng rỡ khi thấy Itachi-sama có tiểu thuyết và đã rất nôn nóng về ngôi kể.

Nếu đã đọc cuốn cẩm nang của tôi, thì các bạn đều rõ, việc chọn ngôi kể mang tính quyết định trong sự thành công của một cuốn tiểu thuyết (không phải thành công về doanh thu hay danh tiếng, mà là thành công về sự truyền đạt). Bởi không nơi đâu khác mà tôi có thể truy cập trực tiếp vào dòng ý thức của anh ngoài tiểu thuyết.

Tôi tin rằng thầy Kishi chắc chắn sẽ kể câu chuyện thông qua quan điểm của Itachi-sama, vì nếu không thì chẳng ai chọn đọc tiểu thuyết làm gì. Nhật Bản chuộng ngôi nhất, nhưng nếu là ngôi nhất thì tôi e rằng mình không đủ mạnh mẽ về tinh thần để đọc hết cuốn《Quang Minh Thiên》. Rồi tôi lại nghĩ, nếu thầy Kishi chuyên manga thì với đẳng cấp của thầy sẽ không kể chuyện bằng ngôi nhất. Sau đó tôi lại nghĩ, nếu là tôi, tôi sẽ chọn ngôi ba giới hạn*. Mặc dù vậy, ngôi ba giới hạn là ❛chuyên môn❜ của tôi, không phải của thầy Kishi. Các Mangaka đều ❛chuyên❜ ngôi toàn tri. Vậy với một người cộng tác chuyên tiểu thuyết như thầy Yano, liệu hai thầy có chọn ngôi ba giới hạn không? Nếu là ngôi ba giới hạn thì tốt quá... Cứ thế dòng suy nghĩ vây lấy tôi suốt hai ngày liền...
(Kỹ thuật viết Phần II bài 3)

2.

Nán lại một chút về bản dịch, biên tập, và thiết kế. Bộ sách rất đáng tiền. Thiết kế rất đẹp, đậm chất Uchiha Itachi. Biên tập kỹ lưỡng, suốt hai quyển sách mà chỉ có ba lỗi đánh máy và ba lỗi chính tả thôi.

Bộ sách cũng sử dụng kiểu chữ viết tiểu thuyết yêu thích của tôi. Tiểu thuyết của tôi cũng dùng kiểu chữ này nên khi đọc rất thích mắt. Có lẽ vì số chữ ít nên cỡ chữ phải lớn một chút mới đủ trang. Đọc chữ lớn thì dễ chịu, mỗi tội phải sang trang liên tục.

(Chuyển cảnh và dấu trang của quyển IーSharingan)

(Chuyển cảnh và dấu trang quyển IIーMangekyo)

(Mục lụcーquyển I)

(Đầu hồiquyển I)

Một chút ❛sự khó chịu nghề nghiệp❜ nho nhỏ là về sự quyết định của biên tập viên hoặc dịch giả về trình bày văn bản tiểu thuyết. Ví dụ như tất cả độc thoại nội tâm trực tiếp* đều viết in nghiêng nhưng độc thoại nội tâm gián tiếp* thì câu nghiêng câu không gây bối rối khi đọc. Hoặc sự lựa chọn từ vựng và cú pháp câu (cú pháp chứ không phải ngữ pháp) làm nhòe đi tiếng nói của các nhân vật. Trong khi kỹ thuật tiếng nói nhân vật là một kỹ thuật rất khó làm chủ đối với các tiểu thuyết gia chúng tôi nên phần này tôi cũng rất lấy làm tiếc.
(Kỹ thuật viết Phần III bài 1)

Tuy vậy, với tâm thế hiểu rằng: không thể đòi hỏi dịch giả phải giỏi kỹ thuật kể chuyện. Kể cả một người nắm rõ kỹ thuật tiếng nói như tôi cũng gặp khó khăn trong việc làm sao bảo toàn được tiếng nói của nhân vật khi dịch từ tiếng Nhật. Vì vậy, tôi vẫn rất vừa ý với bộ sách được dịch bởi dịch giả Hitokiri và được xuất bản bởi nhà xuất bản Kim Đồng. Tiểu thuyết Naruto còn nhiều, mong sẽ được xuất bản dần trong năm tới.

3.

Các thầy sử dụng ngôi ba đa quan điểm để kể và không sử dụng POV sâu. Câu chuyện được kể từ trong ra ngoài, có độ sâu sắc vừa phải, lại không quá nặng nề. Có bốn người dẫn truyện: Itachi-sama (90%), lão già hôi miệng Danzo, Fugaku, và tác giả (ngôi toàn tri). (Trang cuối là quan điểm của Sasuke nhưng trang đó là sau khi kết truyện nên tôi không tính). Vì tôi là tác giả chuyên giới hạn điểm nhìn nên ngôi kể các thầy đã chọn làm tôi sung sướng quá đi mất.

Câu chuyện được kể là giai đoạn 4-12 tuổi của Itachi-sama. Người ta nói ❝ai cũng một thời trẻ trâu❞, kể cả Kakashi. Nhưng có lẽ đối với Itachi-sama, hai chữ ❛trẻ trâu❜ có vẻ sa xỉ. Từ năm bốn tuổi dòng tư duy và mạch suy nghĩ đã có phần già dặn, chính chắn hơn những đứa trẻ đồng trang lứa, một số người lớn hơn cũng chưa hẳn đạt được mức độ chính chắn này trong nhận thức.

Tôi ước chừng chỉ số thông minh của Itachi-sama vào khoảng 165~185. Vì chỉ số thông minh của tôi là 141 nhưng đến năm sáu tuổi thì dòng tư duy và mạch suy nghĩ của tôi mới bằng Itachi-sama lúc bốn tuổi. Suy nghĩ của Itachi-sama lúc năm tuổi, trong một vài trường hợp, còn thấu suốt hơn nhiều người lớn. Đến nỗi tôi có thể nói rằng: nếu người lớn ai cũng nghĩ được như thế thì thiên hạ thái bình, thế giới hòa bình, và môi trường sống sẽ hết sức thanh bình; xã hội phát triển trong yên tĩnh. Tuy nhiên, cũng thừa nhận rằng thế giới đó sẽ rất lạnh lẻo và tẻ nhạt.

Chuỗi ý thức già dặn là vậy, nhưng lời dẫn truyện vẫn còn đọng lại đôi nét ngây ngô, non nớt của một bạn nhỏ 4-5 tuổi. Khi câu chuyện tiếp diễn, Itachi-sama trưởng thành hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, lời dẫn truyện cũng thay đổi theo. Một người thích kỹ thuật viết như tôi không khỏi trầm trồ thán phục và say đắm với tác phẩm. Tuy nhiên, những cảnh truyện được kể bằng ngôi toàn tri, khi người kể là tác giả, hoặc những cảnh do Danzo, Fugaku kể, do sự lựa chọn từ vựng và cú pháp câu trong bản dịch như đã nói ở trên mà chưa cho thấy được tiếng nói của người dẫn truyện.

4.

Itachi-sama là tuýp người mà: phàm là những thứ không quá liên quan đến mình thì anh đây không quan tâm. Mặt khác, anh cũng có khuyết điểm về ngôn ngữ diễn đạt. Rồi thì người dẫn truyện lại là anh. Vì vậy nếu bạn là tuýp đọc tiểu thuyết thích những đoạn văn miêu tả hoa mỹ, thì Itachi-sama không phải một người kể chuyện giỏi rồi. Anh chỉ tả những thứ có liên quan đến anh và chỉ đưa ra thông tin tối cần thiết mà thôi. Cớ sao tôi lại thích chàng trai này đến vậy?

Nhưng khi nói lại thì, vì nền tảng của tiểu thuyết này đã là một chuỗi manga (và anime) sống động rồi nên việc Itachi-sama miêu tả sơ sài cũng không ảnh hưởng gì đến hình ảnh trong tâm trí người đọc cả. Khi đọc, mọi cảnh vật đều hiện ra rõ mồn một. (Cơ mà nếu không nhờ tiểu thuyết thì cả đời này tôi cũng không nhận ra mấy cái cây mà đã xả thân chịu đựng loạt kunai/shuriken thuật trong suốt thời niên thiếu của Itachi-sama là cây tuyết tùng).

5.

Nói về khả năng ngôn ngữ biểu đạt của Itachi-sama thì đó là một đặc điểm, cũng là một nhược điểm.

Chính anh cũng tự nhận xét về ngôn ngữ của bản thân là ❛chính xác❜ và ❛ngắn gọn❜.

Khi chủ động, anh thường chỉ nói những từ ngữ tối cần thiết, còn khi không cần thiết thì anh chẳng buồn mở miệng ra. Điều đó có cải thiện một chút khi Shisui và Sasuke xuất hiện trong cuộc đời anh. Nhưng ngoài hai người đó ra thì không có gì thay đổi. Mặt khác, đôi khi anh nghĩ mình muốn đáp lại, nhưng lại không biết đáp lại thế nào nên cuối cùng người khác cũng chỉ nhận được sự im lặng từ anh. Sự im lặng cản trở anh đến với những thứ mà anh đã sai lầm cho rằng không quan trọng.

Có lẽ Shisui là người duy nhất băng qua được bức tường im lặng của anh. Vì với sự thích thú mà Shisui dành cho Itachi suốt bấy lâu trộm nhìn thì ❛cậu không cần nói gì, để anh nói, cậu chỉ cần đồng ý làm bạn với anh thôi, đừng mong từ chối được❜, ahaha tôi chết mất.

Khi bị động, anh thường có những câu từ vốn đã định thốt ra nhưng rồi bản thân anh cũng không biết tại sao lại nuốt vào. Kết cục vẫn chỉ là sự im lặng. Đôi khi phải thừa nhận là anh rất bất lực nếu là giao chiến trên ❛khẩu nghiệp trường❜. Cũng có những lúc sự im lặng mặc kệ của anh lại chính là vũ khí hạng nặng khiến đối thủ thua đến phát điên. Chỉ không áp dụng cho lão già hôi miệng Danzo.

(Sự thiên tài của Itachi-sama còn thể hiện ở cách cậu miêu tả Danzo là ❛người đàn ông toàn thân mang đầy điềm gở❜ khi gặp lần đầu lúc cậu mới bảy tuổi ahaha.)

Trong Anime, Đệ tam có một lần nói là Itachi-sama rất ham học hỏi. Nhưng chỉ khi đọc tiểu thuyết mới biết anh là một nhẫn giả kiêm học giả. Là người có tham vọng với sức mạnh và đam mê với tri thức. Siêng đọc sách, kiến thức và sự hiểu biết của anh rất cao. Việc anh kém trong những lần đấu khẩu với người lớn có lẽ lý do đến từ tuổi tác và kỹ năng giao tiếp hơn là vấn đề về ngôn ngữ và tư duy. Sau biến cố của tộc Uchiha, anh đào ngũ khỏi làng Lá, gia nhập Akatsuki, đi đó đây, gặp nhiều người, trải nghiệm nhiều hơn và ngôn ngữ giao tiếp của anh cũng biến đổi nhiều.

6.

UCHIHA SHISUI

Nếu chỉ coi Manga và Anime, các bạn sẽ biết Shisui là bạn thân của Itachi-sama, còn Sasuke là đứa em anh yêu thương nhất. Và chỉ thế. Nhưng sự thật không phải chỉ có thế.

Nếu các bạn có chút trải đời, đọc tiểu thuyết và thấm nhuần kỹ thuật thể hiện của các thầy, các bạn sẽ thấy Shisui là một nửa linh hồn của Itachi-sama. Người mà có thể thông qua giao tiếp bằng mắt có thể thấu hiểu được suy tư và tâm trạng của nửa kia; người mà tuy không cần nói với nhau lời nào, thì ❛ước nguyện của anh cũng tự nhiên lại chính là ước mơ của cậu❜; không cần hẹn ước với nhau điều gì thì tự nhiên chúng ta lại đi cùng một con đường gian nan và có cùng một đích đến tuyệt vọng.

Bởi vì tôi cũng đã từng xây dựng và thể hiện tình bạn chí cốt trong tiểu thuyết dài mà. Cũng đã từng giết chết người bạn thân của nhân vật chính mà. Ngày Shisui ngã xuống, quan sát từ điểm nhìn của Itachi-sama, tôi thấy linh hồn mình như chết đi một nửa, tay chân rã rời, không còn sức lực, đau đến không còn thấy đau nổi. Thì thử hỏi anh đã phải trải qua những gì...

Tôi thường có thói quen đọc sách hai lượt liên tiếp trước. Lượt đầu để thưởng thức diễn biến câu chuyện, lượt sau để thưởng thức sâu hơn trên phương diện kỹ thuật. Nhưng đối với bộ sách này, ngoài lần đầu tiên ra, những lần tiếp theo tôi không đủ mạnh mẽ để đọc đến cảnh Shisui chết.

HATAKE KAKASHI

Tôi rất lấy làm nhẹ lòng và vui lòng khi một trong những người ít ỏi biết sự thật về Itachi-sama là Kakashi. Kakashi là vị tiền bối/đội trưởng mà Itachi kính nể, yêu mến và tin cậy. Anh bị ấn tượng và thích Kakashi ngay từ lần gặp đầu tiên. Có lẽ bản thân Itachi-sama cũng không nghĩ gì về Kakashi sau sự kiện Uchiha, nhưng việc Kakashi biết sự thật về Itachi khiến tôi thực sự rất vui lòng. (Vì trước khi Itachi ra mắt trong manga, tôi rất thích nhân vật Kakashi nên mối liên kết này thực sự lấp đầy tôi)

HOSHIGAKI KISAME

Về mối liên kết này thì các bạn phải đọc cả tác phẩm 《Akatsuki Bí Truyền: Ác hoa Nở rộ》vì giai đoạn này xảy ra sau《Itachi Chân Truyền》(cũng là lý do đọc xong Itachi Chân truyền thì tôi mua luôn Akatsuki Bí Truyền bản tiếng Nhật về đọc. Để thấy rằng một trong những lý do mà Kisame nể và quý Itachi là vì Itachi hiểu khát khao của Kisame, dù biết khát khao đó hão huyền, anh vẫn tôn trọng: Itachi không xem Kisame là quái nhân, họ thực sự coi nhau là đồng đội, là người chia sẻ cùng một nỗi đau. Thậm chí họ còn đơn phương nghĩ về mối liên kết tình bạn vượt qua giới hạn của Akatsuki.

7.

Là một người tự tin với kỹ thuật thể hiện*, khi đọc tiểu thuyết《Itachi Chân truyền》, tôi không đến mức phải ngưỡng mộ kỹ thuật thể hiện của các thầy, nhưng tôi rất tâm đắc và hài lòng.
(Kỹ thuật viết: Phần III bài 4)

Kỹ thuật thể hiện trong tiểu thuyết Itachi chân truyền rất chuẩn chỉ và gọn gàng nhưng không hề kém phần mạnh mẽ. Đối với những bạn còn đang vật lộn với kỹ thuật thể hiện. Đây là một bộ sách nhất-định-phải-tham-khảo. Một người dẫn truyện là trẻ con còn giúp bạn làm quen hơn và học hỏi kỹ thuật kiểm soát điểm nhìn và tầm hiểu biết của người dẫn truyện nữa. Cứ mỗi lần Itachi miêu tả mấy người cậu ta không ưa hoặc không quan tâm là tôi không nhịn được cười.

Cũng vì người kể là Itachi, cùng với kỹ thuật thể hiện từ trong ra ngoài, mà ta mới có cơ hội trải nghiệm cảm giác rằng khi sử dụng Sharingan, đôi mắt sẽ cảm thấy như thế nào và tầm nhìn sẽ chuyển biến ra sao. Sự khác nhau của Sharingan và Mangekyo Sharingan. Đây là một trong những điều tuyệt nhất trong việc đáp ứng mong mỏi khi tôi đến với tiểu thuyết.

Nhờ người kể là Itachi-sama mà tôi mới biết Danzo là một lão già hôi miệng (có lẽ là theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Ngoài ra, kỹ thuật thể hiện từ ngoài vào trong còn cho thấy Fugaku ban đầu là một người cha bình thường, có chút nghiêm khắc, cứng nhắc, nhưng ấm áp với con cái. Áp lực gia tộc dần biến ông thành một người cha chuyên tra tấn tinh thần hai đứa nhỏ. ❛Tim nóng đầu lạnh❜ là tiêu chuẩn ưu tú của một chiến binh sống ngoài sáng, còn ông ấy thì trở thành ❛tim lạnh đầu nóng❜. Nếu không nhờ hai cảnh truyện được kể từ quan điểm của ông, có lẽ tôi sẽ không thể hiểu ông dù chỉ một chút.

Không thể nói được là Itachi-sama có bao giờ giận cha mình không. Nhưng tôi rất giận cha của anh kể cả khi tôi hiểu tâm tư, nỗi niềm của ông. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Fugaku mới thực sự biết nghĩ cho con. Đã quá muộn... Itachi-sama quả không sai khi nói ❛người ta không thể biết mình là loại người gì cho đến khi cái chết gần kề❜.

Itachi-sama rất giận ngài Đệ Tam. Không phải kiểu phẫn nộ thù ghét, mà là rất giận và trách móc. Tôi cũng rất giận Đệ Tam. Một số chuyện chỉ đọc tiểu thuyết mới hiểu rõ. Nhưng sau sự kiện của tộc Uchiha, Đệ Tam cũng nhận ra sai lầm và thiếu sót của mình bấy lâu. Ông đã thay đổi. Trong suốt chính truyện Naruto, Đệ Tam trình diện là một con người khác. Tôi, và dám chắc là Itachi-sama cũng vậy, đã tha thứ cho ông rồi.

Cũng có vài cảnh truyện được kể từ quan điểm của Danzo, nhưng tôi không chắc chúng có giúp tôi được gì trong việc hiểu nỗi niềm, tâm tư của lão ta không. Hay là vì tôi quá căm ghét lão nên hiểu rồi còn thấy thù ghét hơn.

Không cần lê thê độc thoại nội tâm* các thầy cũng khắc họa vô cùng rõ nét, chân thật về nỗi khắc khoải của Itachi-sama, thậm chí cả Shisuingười được quan sát chỉ từ bên ngoàicũng có thể chia sẻ nỗi lòng với độc giả. Đó là thông qua độc thoại nội tâm được viết đúng cách kết hợp với kỹ thuật thể hiện* hiệu quả.
(Kỹ thuật viết: Phần III bài 4)

Anh từng có lần khát khao được thoát khỏi tộc và khỏi làng. Có lẽ không phải bằng cách này. Nhưng đó là điều nỗi khát khao duy nhất của anh mà thành sự thật.

8.

Tôi rất vui vì trong cuộc đời đen như quạ của anh, Itachi-sama cũng có vài mối quan hệ sâu sắc và giá trị cao: Shisui, Sasuke, Kisame và Izumi.

Mối quan hệ ❛tình cảm❜ giữa hai đứa trẻ mười hai tuổi Itachi và Izumi là song phương, nhưng vốn dĩ chỉ là cảm mến hồn nhiên, chưa thể gọi là tình yêu. Hai đứa trẻ cũng chưa từng nói gì với nhau. Nhưng tôi rất vui vì Itachi-sama trong cuộc đời đen tối cùng khổ của anh cũng từng có chút quan hệ với một cô bé xinh xắn. Nếu mọi chuyện không tồi tệ đi, một cô bé như Izumi sẽ trở thành người phụ nữ tuyệt vời dành cho Itachi-sama. Dù sao thì chuyện cũng đã rồi, tuy không có gì sâu đậm mạnh mẽ, nhưng cô bé cũng là một trong những điểm tươi sáng ít ỏi của cuộc đời anh về sau.

Sau tất cả, dẫu chẳng nghe nói gì về ngoại hình của anh, lại hết sức lãnh cảm lạnh lùng, thì cách mà hai cô thiếu nữ đồng đội cũ, vốn lớn hơn Itachi tận 4-6 tuổi, đã tan nát cõi lòng, bàng hoàng thững thờ khi anh đào ngũ khỏi làng đã cho thấy sức hút phi thường của anh. (Cơ mà cả người ghét Itachi nhất học viện Ninja cũng phải thừa nhận là Itachi đẹp trai từ lúc mới 7 tuổi thì tôi cũng chào thua, không còn gì để nói, ơ hơ hơ.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro