10 TIPS VỀ EQ NƠI CÔNG SỞ GIÚP BẠN "TIẾT KIỆM" 10 NĂM QUANH CO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Công việc có thể được xem là một trong những yếu tố quyết định cuộc sống của bạn có mĩ mãn hay không, có hạnh phúc hay không bởi nó chiếm hầu hết thời gian của chúng ta mà thời gian lại chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất của cuộc đời.


Thế hệ trẻ chúng ta đôi lúc sẽ vấp phải khá nhiều khó khăn vào thời điểm vừa rời khỏi ghế nhà trường và chập chững bước chân vào đời. Bởi lẽ nơi làm việc và trường học là hai môi trường hoàn toàn khác nhau nên "luật chơi" khác nhau cũng là điều hiển nhiên.

Chúng ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi nhận ra rằng những học sinh ưu tú lại có thể không đạt được yêu cầu của cấp trên nhưng thay vào đó những học sinh có trình độ học vấn bình thường thì lại khá thuận buồm xuôi gió. Có thể hiểu rằng: Các phẩm chất cốt lõi mà trường học và nơi làm việc yêu cầu là không giống nhau. Ngoại trừ một vài vị trí, chức vụ thì sự khác biệt về chỉ số IQ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả công việc, trong khi đó EQ lại là một nhân tố rất quan trọng để phát triển sự nghiệp.

Những sinh viên xuất sắc đã quen với việc tiếp thu kiến thức từ sách vở, họ luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi với đáp án chính xác tuyệt đối, và nghiêm túc chấp hành quy tắc do các cơ quan có thẩm quyền đề ra. Nhưng những điều này lại không phải là chìa khóa để có thể thành công ở nơi làm việc. Thay vào đó, thứ mà họ thật sự cần và quan tâm chính là STREET SMART, THỰC LỰC và quan trọng nhất chính là EQ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi liên tiếp làm việc trong các lĩnh vực truyền thông, các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty mới thành lập. Vì một vài nguyên do, tôi đã gặp phải rất nhiều trắc trở và có đôi khi là mất đi định hướng của mình.

Theo kinh nghiệm của tôi, EQ là khả năng phản ứng chính xác bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác, nhận thức và xử lý cảm xúc của chính mình trong quá trình đối xử với mọi người. Đây không phải là năng lực bẩm sinh, chúng ta đều sẽ đạt được và thành công chỉ cần bạn đủ kiên trì để rèn luyện.

Dưới đây là 10 kinh nghiệm xương máu được đúc kết từ quá trình cọ xát và lăn lộn ở nơi làm việc của tôi. Mỗi kinh nghiệm chia sẻ với các bạn đều có một câu chuyện phía sau.

1. ĐỪNG DỄ DÀNG NỔI NÓNG

Chúng ta thường rất dễ nóng giận nhưng hầu như nguyên nhân của sự tức giận ở chúng ta đều không thực tế. Tại sao lại nói như thế? Bởi vì gần như chúng ta chỉ nổi nóng khi ta đòi hỏi mọi người và mọi thứ xung quanh chúng ta đều phải hoàn hảo.

Chấp nhận thực tại là bước khởi đầu của thành công. Khi những điều ngoài ý muốn xảy ra, bạn phải bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, đừng nóng vội trong việc tìm người chịu trách nhiệm mà quan trọng hơn hết chính là tìm được cách giải quyết.


Ngoài "Chủ nghĩa hoàn hảo" phi thực tế, sự tức giận còn xuất phát từ một "khiếm khuyết" trong nhận thức của mỗi con người - Nghiêm khắc với người khác và dễ dãi với chính mình.

Các nhà tâm lý học gọi khuynh hướng này là khuynh hướng Thiên kiến vị kỉ (Self-serving bias): Khi người khác gặp phải những điều không may, chúng ta thường quy vấn đề là do yếu tố cá nhân của họ, nhưng đến khi chúng ta gặp phải thất bại, chúng ta sẽ quy vấn đề là do các yếu tố bên ngoài.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những trường hợp như vậy ở khắp mọi nơi, ví dụ như khi người khác gặp sai sót trong công việc, chúng ta thường nghĩ rằng họ đã không suy nghĩ kỹ càng hoặc không xem xét công việc một cách nghiêm túc, nhưng khi chúng ta làm rối tung mọi thứ, chúng ta thường biện bạch rằng bản thân mình đang phải chịu rất nhiều áp lực và do đó sẽ dẫn đến thiếu sót.

Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng học cách kiểm soát cơn giận của bản thân. Nếu bạn không thể tránh được việc tức giận thì 2 mẹo dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn.

- Khi bạn đang tức giận, đừng đưa ra bất kỳ quyết định bốc đồng nào và đồng thời đừng nói ra bất cứ điều gì có thể khiến bạn sẽ hối hận về sau.

- Hít thở sâu 10 lần, sau khi kết thúc, bạn sẽ cảm nhận được bản thân mình trở nên bình tĩnh hơn, "độc tố" của sự tức giận sẽ từ từ tiêu biến và bạn sẽ thấy rằng sai lầm khiến bạn không thể tha thứ hai phút trước đó, bây giờ dường như đều có lí do của nó.

2. ĐỪNG THAN VÃN VÀ ĐỪNG ĐỂ BẢN THÂN PHẢI CHỊU ẢNH HƯỞNG TỪ NHỮNG NGƯỜI HAY PHÀN NÀN

Có một cuốn sách tên là 《不抱怨的世界》(tạm dịch: Thế Giới Không Có Lời Than Phiền), tôi rất bài xích và chưa từng động đến cuốn sách này chính vì do tiêu đề của nó.

Rồi có một ngày, tôi mệt mỏi và phát cáu vì đủ thứ chuyện không thuận lợi xảy đến với mình, thế nhưng trong một khoảnh khắc tôi chợt nhận ra một chân lý rất đơn giản đến từ tựa đề của quyển sách - việc than vãn không thể giải quyết được vấn đề gì, vì thế đừng than phiền nữa mà hãy hành động đi.

Sự giận dữ thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, nó được gây ra bởi những sự việc bất ngờ, không lường trước được. Bên cạnh đó, những lời phàn nàn thường được tích tụ bởi rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt và thời gian xảy ra tương đối dài.

Chính vì việc than phiền diễn ra chầm chập và ảnh hưởng của nó ở thời điểm hiện tại không quá lớn nên mọi người thường đánh giá thấp tác hại của nó. Con người có xu hướng "Hoàn thiện ước nguyện của chính mình" ( Self-fulfilment) và quan điểm của chúng ta về sự vật xung quanh sẽ góp phần thay đổi hướng đi trong tương lai của chúng ta.

Nếu chúng ta phàn nàn về công việc chúng ta làm và môi trường chúng ta sống hằng ngày thì chúng ta sẽ vô tri vô giác mà cảm thấy rằng tất cả những điều chúng ta đang làm đều không đáng giá. Từ đó sẽ dẫn đến việc chúng ta làm việc ngày càng không nghiêm túc, dẫn đến kết quả ngày càng tồi tệ hơn, tiếp đó sẽ lại gây ra những lời phàn nàn mới. Đây chính là sự hình thành của một "Chu kỳ tiêu cực".

Vì vậy, mỗi khi bản thân muốn than vãn, bạn có thể thầm đọc câu châm ngôn sau đây: Kiềm chế, nhẫn nại hoặc là từ bỏ. Thay vì không cam tâm thì tốt hơn nên nhìn sự việc từ một góc độ khác. Không có công việc nào là hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể cố gắng làm cho nó tốt hơn từng ngày.

Khi bạn không còn thói quen phàn nàn về mọi thứ xung quanh, điều bạn cần làm chính là nhắc nhở bản thân cố gắng không bị ảnh hưởng bởi những người hay than phiền xung quanh bạn. Vậy chúng ta phải thực hiện điều đó như thế nào? Cách tốt nhất chính là tránh xa họ bởi vì chúng ta có thể thay đổi bản thân nhưng không thể thay đổi được người khác.

3. ĐỪNG NÓI "KHÔNG" VỚI SẾP CỦA BẠN Ở NƠI CÔNG CỘNG

Khi còn là những đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta thường được giáo viên khuyến khích phát biểu, đưa ra những ý kiến khác nhau trong lớp để xây dựng bài học. Cũng từ đó, các bạn học sinh giỏi đã tận dụng được điều này và từng bước hình thành được thói quen tranh luận với giáo viên và các bạn cùng lớp, đây là một kỹ năng cần thiết để nâng cao khả năng tìm tòi và thu nạp kiến thức.

Tuy nhiên, mục đích của công việc lại không phải là "tìm tòi, học hỏi" mà là "hoàn thành công việc được giao", làm tốt mọi thứ với thời gian và nguồn lực có hạn. Một tập thể có thể hoạt động hiệu quả, năng suất được hay không thì sự tín nhiệm của cấp trên đối với cấp dưới là vô cùng và quan trọng. Đồng thời, để có được sự tin tưởng này thì sự tôn trọng của các nhân viên đối với lãnh đạo của mình cũng là một điều không thể thiếu.

Trái đất có 7 tỷ người, trong đó có ít nhất 6999 tỷ người mong muốn được người khác tôn trọng và đều không thích bị từ chối trực tiếp. Ở nơi công cộng, trực tiếp nói "Không" với cấp trên của mình là một hành vi mang chỉ số EQ rất thấp bởi vì bạn đã vô tình khiến cho sếp của mình mất mặt trước mọi người.

Rất nhiều học sinh, sinh viên đã quen với việc bàn luận, tranh cãi với giáo viên của mình đến mức mặt đỏ tía tai, vì thế họ đã nghiễm nhiên xem việc tranh cãi đó là điều mà người khác có thể chấp nhận được. Nhưng có hai điều mà mọi người thường xem nhẹ và bỏ qua:

- Khi còn đi học, bạn đóng học phí và giáo viên là người "phục vụ" bạn; Ở nơi làm việc, sếp trả lương cho bạn và bạn chính là người "phục vụ".

- Nhiệm vụ của người thầy giáo chính là dạy dỗ học sinh thật tốt, nhưng ở nơi làm việc, sếp không có nghĩa vụ kèm cặp cấp dưới. (Một lãnh đạo có tâm sẽ hết mình vun đắp và đào tạo nhân viên của mình, nhưng suy cho cùng, đây vẫn là một điều hiếm thấy).

Do đó, khi bất đồng quan điểm với cấp trên của mình, đừng giữ trong lòng nhưng cũng không vì vậy mà bày tỏ sự không đồng ý, bất mãn của mình ở nơi công cộng.

Trong trường hợp này, bạn có thể giải thích, bày tỏ quan điểm của mình một cách hợp lý và mang tính xây dựng trong một khoảng thời gian và không gian riêng tư, thích hợp. Điều này vừa giúp bạn thể hiện được sự tôn trọng với cấp trên và tính nhiệt tình, tâm huyết với công việc.

4. ĐỪNG TRỞ THÀNH NGƯỜI THÔNG MINH NHẤT VÀ ĐẶC BIỆT LÀ ĐỪNG GIẢ VỜ BẠN CHÍNH LÀ NGƯỜI NHƯ VẬY

Những học sinh ưu tú rất coi trọng sự thông minh bởi vì giáo viên thường rất hay biểu dương những học sinh thông minh trước đám đông. Điều này dẫn đến việc một vài học sinh khác tỏ ra ganh tị, nhưng bất luận ra sao thì sự đố kị này đều không ảnh hưởng đến những học sinh giỏi.

Nguyên nhân là vì đây là môi trường học đường, hệ thống đánh giá thành tích duy nhất chính là giáo viên và những học sinh giỏi muốn đạt được điểm cao đều không cần nhờ vào sự hỗ trợ của những học sinh khác.

Thế nhưng môi trường ở nơi làm việc là hoàn toàn khác, thái độ của đồng nghiệp đối với bạn có sức ảnh hưởng nhất định. Công việc của mọi người thường cần sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu đồng nghiệp không thân thiện và không sẵn lòng hợp tác, hỗ trợ thì chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào trạng thái cực kì khó khăn.

Do đó, khi bạn cố tỏ ra thông minh hơn người khác, bạn sẽ khiến họ cảm thấy bẽ mặt, xúc phạm trên một phương diện nào đó. Từ đó, họ sẽ xem bạn như cái gai trong mắt và bạn sẽ gặp phải những rắc rối không đáng có. Dù cho bạn có thực sự là người có chỉ số IQ cao nhất thì vẫn nên dẹp bỏ sự kiêu căng, ngạo mạn của mình và hãy cố nhìn vào ưu điểm, sự nỗ lực của người khác. Điều này không chỉ có lợi cho họ mà còn có lợi cho chính bản thân mình.

Có một lí do khác khá thuyết phục có thể giúp chúng ta hoàn toàn "quên đi" sự thông minh. Nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy, con người có thể được chia thành hai loại: nhóm người chuộng thể diện và nhóm người tiến thủ.

Nhóm người đầu tiên thích được người khác khen ngợi sự thông minh trời phú của họ, vì lẽ đó, họ không ngừng chứng tỏ trí thông minh của mình. Điều này dẫn đến hệ lụy đó là họ sẽ từ bỏ những thử thách, thách thức trong cuộc sống để tránh vấp phải thất bại hoặc khiến họ dễ dàng nghi ngờ giá trị của bản thân sau lần thất bại đó.

Nhóm người thứ hai sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự tiến bộ mà bản thân đã đạt được. Họ sẵn sàng nhận lấy "phản hồi" từ các hoạt động thường ngày của mình dù cho sự phản hồi này không phải lúc nào cũng tích cực. Họ sẽ tập trung tất cả năng lượng, sức lực của mình để từ đó có thể tiến về phía trước một cách vững vàng hơn.

Để đạt được những thành tựu lâu dài và đáng kể, nhóm người "dám nghĩ dám làm" có xác suất thành công lớn hơn nhóm người "chuộng thể diện" bởi vì chúng ta luôn phải đối diện với những thử thách mới và luôn vấp phải thất bại rất nhiều lần trong đời. Nhưng chỉ cần chúng ta có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ những thất bại thì ánh sáng chiến thắng cuối cùng cũng sẽ chiếu rọi đến chúng ta.

5. ĐỪNG QUÁ ĐỂ TÂM VÀO NHỮNG VIỆC BẠN KHÔNG THỂ THAY ĐỔI

Triết học phương Tây cho rằng: Dùng dũng khí để thay đổi những thứ có thể thay đổi được, dùng lý trí để chấp nhận những điều không thể thay đổi và dùng trí tuệ để phân biệt sự khác nhau giữa hai điều trên.

Vấn đề của hầu hết mọi người chính là họ thường sử dụng thời gian vào việc thay đổi một vài thứ và lãng phí nó vào việc thảo luận những điều ngoài tầm với của họ. Nhiều người thường ảo tưởng về việc công ty sẽ ra sao, sẽ phát triển như thế nào nếu họ trở thành CEO. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó.

Chỉ khi trở thành một nhân viên lành nghề, bạn mới có thể trở thành nhà quản lý kinh doanh và hoạch định các dự án thực tế. Chỉ khi trở thành một nhà quản lý xuất sắc, bạn mới có thể quản lý các bộ phận và xác định được phương hướng kinh doanh. Chỉ khi trở thành một giám đốc bộ phận xuất chúng, bạn mới có thể quản lý công ty, xác định chiến lược và nỗ lực thực hiện nó. Hãy trở thành người có thể làm được điều đó, nếu không thì đừng nên phán xét.

6. BÌNH TĨNH TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

Mỗi ngày chúng ta đều gặp phải rất nhiều chuyện ngoài ý muốn, mọi thứ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn, cảm thấy bất lực thậm chí là muốn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, không có việc nào là quan trọng đến mức "long trời lở đất". Khi tình huống xấu xảy ra, đừng mải mê truy cứu trách nhiệm, điều đó chỉ khiến bạn rơi vào trạng thái tâm lý tồi tệ mà thôi.

Việc cần thiết phải làm lúc này chính là hãy tìm cách cải thiện để tình hình bớt tồi tệ hơn. Khi cục diện đã được ổn định, tâm trạng của bạn sẽ dần bình tĩnh trở lại.

Ở nơi làm việc, dù có chuyện gì xảy ra, những người luôn bình tĩnh, biết phân tích, quan tâm đến cảm xúc của người khác và tìm ra giải pháp để xử lý mọi vấn đề sẽ dần chiếm được sự tôn trọng và tin tưởng của mọi người. Họ làm được những điều mà hầu hết mọi người không thể làm được, do đó họ xứng đáng nhận được những phần thưởng mà người khác khó có thể có được.

7. LUÔN TƯ DUY THẬT LOGIC

Logic có sức mạnh riêng của nó. Điều mà hệ thống giáo dục của nhiều nước thiếu sót nhất chính là trau dồi khả năng tư duy logic của con người. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc hệ thống giáo dục của họ có xu hướng đào tạo ra những "cỗ máy" học sinh.

Tuy nhiên, một người trưởng thành không có khả năng tư duy sẽ mãi chỉ là một đứa trẻ trong thân xác người lớn. Chỉ có học cách tư duy logic chúng ta mới có thể phân biệt đúng sai, phân biệt tốt xấu, tìm ra điểm mấu chốt của vấn đề. Không những vậy ta còn có thể giúp những người đang mắc kẹt trong tình trạng khó khăn suốt một khoảng thời gian dài tìm thấy lối thoát.

Mặc dù định nghĩa về logic hơi phức tạp và khó hiểu nhưng biểu hiện của nó lại khá rõ ràng. Để kiểm tra khả năng tư duy logic của một người, cách đơn giản nhất là yêu cầu anh ta mô tả một tình huống tương đối phức tạp.

Nếu anh ta có thể phân biệt được nội dung chủ yếu và thứ yếu theo trình tự thời gian, không gian, mối quan hệ thiệt hơn của vấn đề thì anh ta là một người có tư duy logic.

Ngược lại, người không có khả năng tư duy logic sẽ không thể hoàn thành tốt công việc được giao, khó cải thiện hiệu suất làm việc trong thời gian ngắn và rất chậm tiến bộ, thăng tiến trong thời gian dài.

Vậy làm thế nào để có thể trau dồi khả năng tư duy logic? Chúng ta có ba bước để thực hiện:

- Hiểu và thực hành Logic hình thức. Các bạn có thể tìm đọc《如何提问》(tạm dịch: Phương Pháp Đặt Câu Hỏi Chính Xác),《金字塔原理》(tạm dịch: Nguyên Tắc Kim Tự Tháp) hoặc các loại sách khác có nội dụng tương tự.

- Hiểu và thực hành Logic phi hình thức hay còn được gọi là Tư duy phản biện. Các bạn có thể tìm từ khóa Informal logic trên Wikipedia.

- Hiểu được những thành kiến và nhận thức vốn có ở con người và nỗ lực vượt qua chúng. Các bạn có thể tham khảo sách《思考,快与慢》(tạm dịch: Tư Duy Nhanh Và Chậm) hoặc có thể tìm đọc trên Wikipedia từ từ khóa List of Cognitive Bias.

8. LÀM CHO MỌI NGƯỜI CẢM THẤY THOẢI MÁI

Nếu chúng ta cô đọng tất cả những kiến thức liên quan đến mối quan hệ giữa người với người thành một câu nói thì đó sẽ là: Mọi người đều muốn được tôn trọng và công nhận.

Vì thế, khi người khác phạm sai lầm, đừng vội kết tội họ mà thay vào đó thảo luận riêng sẽ phù hợp hơn. Khi người khác gặp khó khăn, họ sẽ rất cảm kích và biết ơn nếu chúng ta có thể giúp đỡ họ trong khả năng của mình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá khích trong việc làm hài lòng tất cả mọi người các bạn nhé! Theo thống kê, sẽ có 30% số người thích bạn, 30% ghét bạn và số còn lại là không quan tâm đến bạn.

Đây chính là cuộc sống. Cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người là một hành động vô nghĩa bởi nó chỉ đem đến cho bản thân chúng ta sự mệt mỏi, kiệt sức.


9. HIỂU ĐƯỢC RẰNG BẠN VÀ QUAN ĐIỂM CỦA BẠN LÀ HAI THỨ HOÀN TOÀN KHÁC NHAU

Ở nơi làm việc thường xuyên xảy ra sự khác biệt về quan điểm, dù là tổ chức cuộc họp hay quyết định phương hướng của sự việc cũng đều sẽ phát sinh tranh cãi. Mọi người thường có sự khác biệt về ý kiến do khác biệt về kiến thức, kinh nghiệm cũng như nền tảng văn hóa. Sự khác biệt về quan điểm này có thể dễ dàng phát triển thành các cuộc công kích lẫn nhau.

Nhiều người rất nhạy cảm và dễ tự ái bởi thế nên lòng tự trọng của họ rất dễ bị tổn thương. Tại thời điểm này, nếu mỗi người trong chúng ta đều nhận thức được điều này thì môi trường làm việc sẽ trong lành và hòa bình hơn.

Ý kiến, quan điểm của mọi người thường không giống nhau, vì vậy, nếu người khác phản đối ý kiến của bạn, điều đó không có nghĩa là họ ghét bạn.

10. HÃY DŨNG CẢM BÀY TỎ Ý KIẾN CỦA MÌNH KHI CẦN THIẾT

Mặc dù chúng ta cần học cách quan tâm đến cảm nhận của người khác nhưng nên nhớ rằng chúng ta không phải là người phục tùng. Khi bạn có những ý kiến, những đề xuất khác với mọi người hãy can đảm bày tỏ chúng một cách nhẹ nhàng, tinh tế.

Sự phát triển của một công ty dựa trên sự va chạm và đối đầu giữa nhiều ý kiến khác nhau, chỉ khi tất cả mọi người đều cống hiến hết tài năng của mình thì một tập thể mới có thể trở thành một thực thể sống bất khả chiến bại trong mọi cuộc cạnh tranh thương mại khốc liệt.

Có lẽ môi trường làm việc của một số người trong chúng ta rất hạn chế và không cho phép nhân viên bày tỏ các ý kiến khác nhau, vậy trong trường hợp này chúng ta nên làm gì?

Đừng nghĩ đến việc thay đổi môi trường làm việc, hãy rời khỏi môi trường độc hại đó. Cuộc sống là có hạn, thời gian chẳng chờ đợi ai cả, đừng cố chịu đựng những điều không đáng.

Tóm lại, ở nơi làm việc, bằng cấp và lý lịch không thể sánh bằng kinh nghiệm. Sự từng trải, việc đúc kết và trau dồi, cải thiện chính là bước khởi đầu của sự trưởng thành.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro