Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"A liu liu cái thằng câm nghèo nàn bẩn thỉu."

"Ê chúng mày, ném đất vào người nó đi."

Ở cái đình ngoài làng, đám nít ranh đang xúm lại bắt nạt một đứa bé. Chúng vừa cười vừa buông những lời đùa cợt khó nghe. Đứa bé ấy là Minh Trí. Minh Trí sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, nếu không muốn nói thẳng ra là nghèo, nghèo nhất nhì cái làng Hạ này. Em không biết mặt mẹ, từ khi sinh ra em đã chẳng biết mặt mũi mẹ mình ra sao rồi. Cha em làm thuê làm mướn cho người ta, ai kêu gì thì làm nấy. Mà cũng chẳng dư dả là bao, dăm ba bữa lại không có việc, nhiều lúc nhà em chẳng có gì mà ăn. Nhà em nghèo, em không được đi học, tiền sống còn chẳng đủ thì lấy đâu ra tiền mà nuôi em học hành, nhưng em ngoan ngoãn biết điều, em cố gắng phụ cha và không đòi hỏi cha phải khiến em bằng bạn bè đồng trang lứa, em biết cha em vất vả lắm mới nuôi được em. Em cũng đâu có hỗn hào với ai đâu, ấy thế mà đám kia lại ghét em đến thế. Em không hiểu mình đã làm gì sai nữa.

Đám ranh con kia hết lấy đất cát ném vào người em rồi lại lấy chân đá. Em không phản kháng được, em không đủ mạnh để làm được điều đấy. Em cũng chẳng thể kêu lên nhờ cứu giúp, vì em không thể nói. Em chỉ biết cắn răng ấm ức, nằm co ro ôm lấy thân mình bé nhỏ.

Bọn kia đang nghịch hăng thì cậu Sương từ đâu chạy tới, tay cầm theo cái roi vụt phát một vào lũ trời đánh, miệng quát.

"Bọn kia, ai dạy chúng bay đi bắt nạt người khác thế hả?"

Cậu Sương là dạng đàn anh lớn, lại là con nhà có địa vị trong làng, nên bọn kia thấy cậu là chúng sợ, chúng thôi không nghịch nữa mà lũ lượt kéo nhau chạy về nhà. Xong, cậu cúi xuống trước mặt em hỏi.

"Trí có sao không?"

Em ngước lên, mặt em lấm lem nào là nước mắt nước mũi, nhem nhuốc toàn là đất cát bẩn thỉu, đôi mắt to tròn vẫn còn đầy nước. Em khịt khịt mũi, lắc đầu.

"Thôi, đứng lên đi, anh đưa về."

Trí đứng dậy, đi theo cậu. Trời lúc này đã không còn nhìn rõ mọi thứ được nữa, em cố sải bước thật nhanh, có lẽ vì sợ, em nắm lấy vạt áo cậu, khẽ run. Thấy vậy, cậu Sương cầm lấy tay em, dắt đi. Tay em buốt, chắc vì lạnh, mà.. em mặc ít quá.

Bá Sương sinh ra trong một gia đình cũng gọi là giàu có, cậu biết em Trí phần vì là người cùng làng, phần vì nhiều lần cha em làm công cho nhà cậu thì dẫn em đi theo. Cậu thương em lắm, có gì ngon cậu đều để dành cho em, quần áo mặc không vừa nữa cậu liền cất cẩn thận rồi mang cho em.

Bỗng, Trí bị ngã, em vấp phải cục đá ngã sõng soài, máu ở đầu gối tứa ra. Cậu Sương thấy vậy thì hoảng, không biết làm sao liền tháo khăn trên cổ xuống bó lại cho em. Mà cũng lạ, ngã đau như thế nhưng thằng bé không khóc lấy một tiếng.

"Nào, lên đi anh cõng."

Em cúi mặt, nắm chặt vạt áo mình rụt rè.

Cậu nhận ra em sợ làm bẩn áo cậu.

"Không sao, lên đi. Nhanh lên không anh bỏ Trí ở đây một mình đấy."

Nghe vậy em hoảng hốt, vội leo lên lưng cậu, người em nhẹ hều. Trí cũng mười tuổi rồi, mà gầy lắm.

Em ở trên lưng cậu im lặng, má em đỏ hây hây ngại ngùng. Tiếng thở nhỏ nhẹ của em phả vào bên tai cậu.

"Từ sau thấy bọn kia thì tránh xa chúng ra. Đừng chịu bị bắt nạt như thế nữa."

Em gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.

Tối ấy lạnh, lất phất những hạt sương. Cái lạnh cận Tết là cái lạnh buốt tím tái tay chân. Trí run rẩy trên lưng cậu, em muốn ôm lấy cậu chặt hơn cho đỡ lạnh, nhưng em không dám. Hai hàm răng em gõ vào nhau như muốn vỡ đến nơi.

Nhận ra điều đó, cậu đặt em xuống, cởi áo khoác ngoài ra trùm lên người em. Em bất ngờ vì hành động này của cậu. Em tròn mắt nhìn. Cậu không để ý, chỉ nói.

"Trí mặc cái này cho đỡ lạnh. Anh mặc đủ ấm nên khỏi lo."

Em bẽn lẽn đi bên cạnh cậu. Cũng ngại lắm chứ.

Con đường về nhà em là đường đất, nó gồ ghề chỗ lồi chỗ lõm, chỗ đá chỗ sỏi. Quanh đấy tuy có nhiều nhà, nhưng cũng chỉ là những căn nhà lá đơn sơ, rách rưới. Cái sự nghèo đói nó bao trùm lấy cuộc sống con người nơi đây, quanh năm suốt tháng chỉ lầm lầm lũi lũi với một mảng đen tối của cuộc đời.

Bỗng xa xa nghe được tiếng chửi.

"Sư bố đứa nào thất đức trộm gà nhà bà. Có mỗi con gà gầy trơ xương để nhà bà ăn Tết mà chúng mày cũng lấy... @&$#%"

Đó là giọng cô Mầu, hàng xóm gần nhà em. Đến khổ, thời gian gần Tết, bọn trộm cướp chúng nó tác quái. Cái nhà đến cái giường nằm tử tế còn chẳng có mà chúng cũng không tha.

Đứng trước cổng nhà, em quay lại phía cậu cúi đầu cảm ơn, rồi em cởi áo trả cho cậu. Bá Sương thấy thế liền xua tay.

"Thôi, cái này Trí cứ giữ mà mặc. Anh cho đấy."

Không để em ú ớ thêm gì nữa, cậu quay đi. Trước khi đi cậu dặn em phải giữ ấm, nếu không là dễ bị ốm lắm. Cậu toan bước thì em chụp lấy tay cậu kéo lại. Em ra hiệu cậu đợi em một chút. Em chạy vào nhà, căn nhà tối om như mực, cha em vẫn chưa về. Cậu không biết em định làm gì, chỉ thấy em hớt hải chạy ra, trên tay cầm một cây đèn dầu, tay còn lại úm lấy miệng của bầu đèn để chắn gió. Em đưa nó cho cậu.

"Trí cho anh hả?"

Em gật đầu.

Phải rồi, ban nãy em và cậu đi đường là mò mà đi, dựa vào cái ánh sáng nhập nhoạng lúc mờ lúc tỏ mà về chứ có cái gì soi sáng đâu. Trời thì cũng đã tối lắm rồi. Mùa lạnh mà, chưa cười đã tối.

Bá Sương nhận lấy cây đèn từ Minh Trí. Tay em vẫn lạnh buốt.

Dáng cậu dần chìm vào màn đen, ánh sáng của cây đèn dầu lập loè mỗi lúc một xa rồi nhỏ dần. Em đứng ở sân nhìn theo cậu mãi cho đến lúc khuất bóng mới quay vào.

Trí vào nhà, lấy ít dầu cho vào đèn rồi thắp lên cho sáng. Cầm đèn xuống gian bếp xập xệ, em phải nấu cơm để lát cha em về còn có cái mà bỏ bụng. Em ra giếng múc lấy một nồi nước, cái nồi vừa to vừa nặng, to hơn cái thân gầy gò của em, em phải oằn lưng ra mới bê vào được. Trời đông nên phải đun nước ấm tắm rửa. Kệ cho cái nồi đang được ngọn lửa phập phừng ôm lấy, em đi đến hũ đựng gạo cũ kĩ sứt mẻ cạnh chạn bát. Mở nắp hũ ra, em vét được chưa đầy một bát gạo. Em nghĩ: "Hết gạo mất rồi". Việc này cũng không phải là hiếm, nhà em cũng thường xuyên thiếu gạo như này. Em đổ nốt mấy hạt gạo vào cái xoong gang, mà gạo cũng đâu có ngon gì cho cam, hạt đen hạt mốc, nhưng cũng đành chịu. Xong, em bới được từ trong đống gì đó ở góc bếp ra mấy củ khoai bé bằng ngón tay, có hai ba củ là to hơn một tẹo. Khoai này em mót được ở ruộng người ta đã thu hoạch, em mang rửa sạch, cho vào nấu chung với nắm gạo còn lại. Rồi em xách đèn ra vườn, có mấy luống rau cằn cỗi đang gắng gượng sống sót qua mùa lạnh giá này. Một lúc sau, em trở vào với một nắm lá rau gì đó không rõ. Em rửa sạch rồi để trong rổ cho ráo. Em quay sang lấy thêm củi cho vào bếp đang đun nồi nước. Sau đó em mở vung nồi cơm ra, nước đã cạn, khoai ở trong cũng đã chín, em gạt chúng sang một bên rồi đảo cơm. Chỗ cơm này vét ra chắc đủ mỗi cha con được lưng bát. Em nhấc nồi cơm xuống, đặt cạnh bếp để giữ hơi ấm. Chưa xong việc, em cho nắm rau vừa hái lên xào. Mỡ cũng cạn, em lấy thìa cố vét nốt. Tiếng thìa va chạm với cái hũ sành vang lên nhức óc. Rau xào cho chút muối để ăn vừa miệng, vì không có mỡ nên nó hơi khét một tí.

Em bận rộn loay hoay một hồi cuối cùng cũng xong. Cha em vẫn chưa thấy về. Em múc nước nóng đi tắm trước. Quần áo vắt ở dây phơi từ đêm qua vẫn còn ẩm, chưa khô hẳn. Nhưng em phải thay, hồi chiều em bị bọn ranh con kia làm bẩn hết cả rồi. Em tự nhủ: "Tí nữa ngồi vào bếp, lửa sẽ hong khô thôi".

Em pha một ít muối vào nước tắm để rửa vết ngã ban nãy. Máu đã thấm vào khăn của cậu Sương một mảng, em nhẹ nhàng vắt nó lên dây. Tắm rửa xong, em cầm lấy khăn của cậu mang đi giặt. Em cố vò cho sạch đi vết máu, rồi em phơi nó lên trước hiên nhà. Một làn gió lạnh khẽ lướt qua, chiếc khăn phấp phới, em nhìn theo chăm chú. Không biết em đang nghĩ gì nhỉ?

Ngồi hơ tay trước đống lửa, em suy tư, rồi tự hỏi.

"Sao cậu Sương tốt với mình thế?"

Đang ngồi nghĩ ngợi thì em nghe tiếng gọi.

"Thằng Trí đâu, ra cha bảo"

Em chạy ra thấy cha mình đã về, trên tay cầm một nải chuối ương. Cha đưa em rồi nói.

"Hôm nay cha làm bên nhà bà Hoa, lúc về bà ý cho hai cha con mình nải chuối. Mang cất lên chốc chạn cho cha."

Em nghe theo lời cha, mang vào bếp. Cha em cũng vào theo, ông mệt mỏi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa. Em nhanh nhẹn sắp nước tắm cho cha. Cha em nhìn theo đôi vai gầy của em, mắt ông đượm buồn. Đến bữa cơm, nói là bữa cơm nghe cho thịnh soạn vậy thôi chứ cũng có gì đâu. Chỉ là hai bát cơm vơi, mấy củ khoai bị sượng nằm lăn lóc trên mâm, với đĩa rau xào bị xém. Không biết ăn vậy hai cha con có đủ no không, nhưng có cái mà đổ vào mồm là tốt lắm rồi.

Cha em nhìn đứa con bé nhỏ trước mặt. Ông hơi ngập ngừng.

"Ừ thì, cũng Tết đến nơi rồi, cha định sẽ cố làm thêm mấy hôm nữa, rồi có tiền sắm đồ Tết" - rồi ông cao giọng, nói lời động viên - "Năm nay cha con mình nhất định phải ăn Tết hơn mọi năm."

Trí chỉ biết gật gù. Em biết, năm nào cha cũng làm việc cật lực như thế.

Cha xoa đầu em, ông cười cười, hứa hẹn để khiến em vui hơn.

"Xin lỗi vì để con vất vả thế này. Để mấy hôm nữa cha đưa con đi sắm quần áo mới nhé. Rồi ăn cơm thôi."

Thấy cha vui vẻ như thế, em cũng vui lây.

*
* *

Hai bảy Tết.

Từ sáng sớm, cha của Trí đã rời khỏi nhà.

Đàn chim én chao lượn trên nền trời xanh ngắt. Hôm nay trời đẹp, có hửng lên vài tia nắng nhẹ. Không khí dịu ấm hơn mọi ngày một chút.

Ngoài chợ, đoàn người tấp nập đi sắm quần áo mới, sắm cành đào cành mai. Nhà nào giàu thì chơi lớn, nhà nào ít khá giả hơn thì sắm ít hơn, còn mấy hộ gia đình nghèo thì với họ, có vài món đồ để bày trong nhà đã là tốt lắm rồi. Nhà Trí thì cũng chưa sắm được gì, chỉ có ít gạo, ít đỗ, rồi cành đào cỏn con của người trong làng người ta thương rồi họ cho thôi.

Mà mấy nay Trí chưa gặp lại cậu Sương, chắc dạo này cậu bận lắm. Em định bụng khi nào gặp cậu sẽ trả lại khăn cho cậu. Chiếc khăn kẻ sọc ca rô trắng đen được em cất gọn gàng, em không dám động vào vì sợ sẽ làm bẩn nó.

Em đang quét sân thì bỗng từ ngoài cổng có tiếng gọi thất thanh.

"Thằng Trí, thằng Trí đâu? Ra đây, ra đây nhanh."

Em ngơ ngác không biết là chuyện gì. Em ra ngoài xem ai, tay vẫn cầm chiếc chổi.

Người gọi em ban nãy là thằng Minh, con nhà bác Chính, nó hơn em hai tuổi, hai đứa cũng hay chơi với nhau.

Trí nghiêng nghiêng đầu tỏ vẻ khó hiểu nhìn thằng Minh đang thở hồng hộc. Thằng Minh nãy chạy mệt quá, nói không ra câu hoàn chỉnh. Bình tĩnh lại, nó nhìn em, mặt nó xanh lét, tay nó run rẩy chỉ ra ngoài phía đầu làng.

"Cha mày, cha mày chết rồi, ở ngoài kia kìa."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#dewnani